Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

Những nét khắc chạm tâm hồn trong tùy bút Phạm Nguyên Tường

Những nét khắc chạm tâm hồn
trong tùy bút Phạm Nguyên Tường

Chỉ là một tập sách mỏng. Nhưng mỏng mà không nhẹ. Bởi đây là những ghi chép/ cảm nghiệm của một bác sĩ/ thi sĩ trong suốt nhiều năm trời, từ Đông sang Tây. Cũng có thể gọi là “đi khắp thế giới”. Từ châu Á sang châu Âu. Những lát cắt và những cú chạm chậm. Có cảm giác khi cái nhìn của một thầy thuốc vừa dấy lên thì cũng là lúc trái tim của một thi sĩ rung cảm. Phạm Nguyên Tường không xem công việc viết lách là tay trái, mà đồng thời, như là trạm dừng chân của một lữ khách.
Trong vùng nhớ và ấn tượng của tôi thì Phạm Nguyên Tường là một thi sĩ.
Nhà thơ, bác sĩ Phạm Nguyên Tường trong một chuyến công tác Nhật Bản
Lứa 7X miền Trung thuở ấy, tức những năm 1990 của thế kỷ trước, cất lên nhiều giọng thơ, thì Phạm Nguyên Tường là một giọng mộc, hơi có phần lặng lẽ. Nhưng cũng giống như các cây bút thời sinh viên, thơ Phạm Nguyên Tường là tiếng hát vần điệu của tâm hồn một chàng trai tỉnh lẻ, hình bóng cố hương là thị trấn Tam Kỳ với nơi “an cư lạc nghiệp” là cố đô Huế, có lẽ cũng không khác nhau là mấy. Tuy nhiên, sự khoáng đạt của vùng đất Quảng Nam cộng với chất thâm trầm của xứ Huế, như hòa trộn làm nên tính cách, cũng như giọng thơ Phạm Nguyên Tường.
Đọc thơ Phạm Nguyên Tường chúng ta có cảm thức dòng thời gian “nước chảy qua cầu” với những cảm nghiệm về thân phận con người, mà càng về sau càng rõ nét trong những tạp văn, ký sự. Cho đến tập tùy bút Sông nói cuộc vô thường (NXB Thuận Hóa 2021) thì chất suy tư về “cuộc vô thường” trần thế ấy lại đẩy lên một cấp độ, cũng có thể gọi là giác ngộ.
Tuy nhiên, Phạm Nguyên Tường ít đề cập tới những khái niệm tâm linh như “giải thoát” hay “buông bỏ”, “thức tỉnh”… Dường như Phạm Nguyên Tường chọn cách nhập thế, ruổi rong vào đời sống cần lao, gánh trên vai bụi trần để rồi mong tưới tắm những dưới những dòng nước mát đã đời, như ý niệm trong lễ hội té nước (Bun hot nam) ở Lào. Ở đó, nơi những tượng Phật được tưới tắm đầu tiên, để rồi bùng vui một lễ hội té nước trên muôn người, muôn vật.
Là một Tiến sĩ – Bác sĩ, hiện đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế, hẳn Phạm Nguyên Tường là một người bận rộn. Nhưng tôi nghĩ chính cái chất nghệ sĩ/ thi sĩ khiến cho Phạm Nguyên Tường cất bước lãng du nhẹ nhàng qua nhiều vùng đất, nhiều nền văn hóa. Để rồi càng đi xa, càng “mắt thấy tai nghe” nhiều, Phạm Nguyên Tường càng có cơ hội quay trở về cái căn thể thuần nguyên nhất của con người. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà Phạm Nguyên Tường dẫn chữ của nhà soạn nhạc thiên tài người Áo Wolfgang Amadeus Mozart làm đề từ cho tập sách của mình: “Nhẫn nại và bình lặng trong tâm hồn có thể chữa lành mọi sang thương hơn ngàn thứ thuốc”.
Bìa tập tùy bút “Sông nói cuộc vô thường” của Phạm Nguyên Tường
Bình lặng trong tâm hồn hay thả trôi phiền muộn ra khỏi đời sống, là điều mà nhiều người đã nói rồi. Nhưng có lẽ ít ai thấy một khía cạnh còn quan trọng hơn, đó là sự nhẫn nại bền bỉ trong lặng thầm. Bởi cuộc đời này không hề đơn giản một chút nào. Nói như tiểu thuyết gia người Pháp Georges Pérec thì “Cuộc đời là một nghị lực đáng kể”. Sống chỉ dễ khi sống hời hợt ơ hờ. Sống với đam mê, như một cá thể người biết suy tư thì không dễ chút nào. Cái đẹp của tâm hồn là gì, nếu như không phải là “Thành, tắc hình” như trong sách Trung Dung của Tử Tư thời Chiến Quốc đã viết (*). Có nghĩa là, những gì đã “thành” bên trong con người mình rồi thì mới hiển lộ ra ngoài. Như một người khi yêu, không cần nói, nhìn mặt cũng đã biết. Còn như bên trong rỗng tuếch, hay bên trong không có cái gì chân thành, thì cái hiện ra mặt người cũng không thể nào đẹp hay hiền. Bên trong ác ma thì cái hiện ra ngoài cũng vậy.Nếu giả tạo thì sớm muộn gì người đời cũng nhận chân.
Cho nên khi đọc tùy bút Minh triết của mất mát của Phạm Nguyên Tường, tôi thật sự tâm đắc những dòng anh trích dẫn của bác sĩ tâm thần người Mỹ Elisabeth Kubler – Ross: “Những con người đẹp nhất là những con người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu, từng mất mát, và đã tìm được đường ra khỏi vực sâu. Những người này có lòng cảm kích,sự nhạy cảm và thấu hiểu cuộc đời, cuộc đời đã làm họ tràn đầy sự cảm thông, sự dịu dàng và yêu thương sâu sắc. Người đẹp không tự nhiên mà có”.
“Người đẹp không tự nhiên mà có”, cũng như không tự nhiên mà có những tác phẩm nghệ thuật đáng giá. Ở đây, tôi cũng chợt nhận rằng, quan niệm về văn chương cũng như thái độ dấn thân của lứa 7X chúng tôi có những chỗ rất khác với các cây bút sau này. Chúng tôi lớn lên trong hòa bình, nhưng trải qua thời bao cấp khốn khó. Chúng tôi không trải qua những mất mát do chiến tranh, nhưng chúng tôi hiểu được những đau thương mất mát do nghèo đói trí tuệ và cằn cỗi tâm hồn. Có lẽ cũng như chúng tôi, Phạm Nguyên Tường không phải “tự nhiên cầm bút”, khi mà số phận cũng đặt vào tay anh con dao phẫu thuật, với tư cách một bác sĩ điều trị những căn bệnh nan y.
Không có vẻ kỳ bí của Hoàng Phủ Ngọc Tường, không có cái chất thơ chìm khuất xa mờ đắm đuối như Nguyễn Xuân Hoàng, không có vẻ tài hoa vừa chi tiết vừa đại cảnh vừa bình dân vừa hàn lâm dẫn dụ như Lê Vũ Trường Giang, không có chất quê kiểng thiệt thà của Lê Phi Tân… Nhưng thay vào đó Phạm Nguyên Tường có sự khắc chạm nỗi suy tư như cách những nghệ nhân làng khắc chạm vẻ đẹp tâm hồn mình lên những chiếc bình gốm, nung qua lửa và chịu thử thách của thời gian.
Có thể nói, tinh thần của Phạm Nguyên Tường, hay tinh thần của tập sách này được gói gọn trong tùy bút Tinh thần của giếng: “Cứ tưởng tượng các mệ các mẹ các chị mỏm mẻm nhai trầu, kê đít ngồi mài dao nơi miệng giếng, bốn góc luân phiên, ngày này tháng nọ, hàng mấy trăm năm, đời này qua đời khác… là thấy giếng làng đủ thú vị một cách bền bỉ rồi! Huống chi giếng là quẻ Tỉnh trong Kinh Dịch, trên Khảm (nước) dưới Tốn (gió) với sáu hào âm dương thứ lớp. Học giả Nguyễn Hiến Lê diễn giải trong “Kinh Dịch – Đạo của người quân tử”: Bản thể của giếng là ở đâu thì ở đấy, ấp còn có khi thay đổi, chứ giếng thì cố định một chỗ; có nước mạch chảy vô giếng hoài nên nước giếng không kiệt; nhưng nước chỉ dâng lên tới một mức nào đó thôi, đầy mà không tràn. Công dụng của giếng là ai cũng đến giếng để lấy nước, kẻ qua người lại luôn luôn, người nào cũng nhờ giếng mà có nước, giếng giúp mọi người mà như vô tâm”. Và: “Tôi là kẻ hậu sinh, cũng hàng ngày vật lộn cùng biết bao bệnh nhân trong cuộc chiến cam go chữa trị căn bệnh ung thư quái ác. Nhiều khi thất vọng, tưởng chừng tuyệt vọng, bất lực hoàn toàn. Mỗi lần như vậy, trong tâm tưởng tôi lại soi mình vào giếng. Khó nhất là phải giữ cho mình một mạch nước ngầm chảy mãi, để như nước giếng: đầy đặn mỗi ngày, trong veo mỗi ngày. Mong nhất là đừng để ai phải tiếc hoài một sợi dây gàu dài, đừng ai đổ bể tan hoang bên giếng, đừng ai oán thù giếng loạn, đừng là trăng nơi đáy giếng, lộng giả thành chân…, những câu chuyện gió nước muôn đời của giếng.Vì lòng giếng cũng là lòng người”.
Chỉ là một tập sách mỏng. Nhưng mỏng mà không nhẹ. Bởi đây là những ghi chép/ cảm nghiệm của một bác sĩ/ thi sĩ trong suốt nhiều năm trời, từ Đông sang Tây. Cũng có thể gọi là “đi khắp thế giới”. Từ châu Á sang châu Âu. Những lát cắt và những cú chạm chậm. Có cảm giác khi cái nhìn của một thầy thuốc vừa dấy lên thì cũng là lúc trái tim của một thi sĩ rung cảm. Phạm Nguyên Tường không xem công việc viết lách là tay trái, mà đồng thời, như là trạm dừng chân của một lữ khách.
Nhưng dù có đi Đông đi Tây thì rốt cuộc Phạm Nguyên Tường vẫn dành cho quê nhà những tình cảm chan chứa nhất. “Tôi ngồi bên đám ruộng rau má. Nghe tiếng rau xanh dễ chừng cả trăm năm rào rạt, ngỡ như lộc Chúa còn xanh trên đất này, ngỡ như chữ “Phúc” Chúa Sãi hằng trao lại cho muôn dân vẫn còn hơi ấm”… Đó là những dòng Phạm Nguyên Tường viết về làng Phước Yên quê nội anh. Hình ảnh dòng sông Bồ “cong như trăng lưỡi liềm”, với làng mạc hai bên trù phú và những ruộng rau má xanh tốt, qua ngòi bút của Phạm Nguyên Tường như chạm khắc vào tâm cảm người đọc. Không chỉ một không gian hình dung, mà còn khuấy lên một mùi vị, khi tiếng liềm cắt rau má nghe “rạt… rạt”… “nghe như chát qua cổ họng”. Chỉ bấy nhiêu, cũng đủ thấy Phạm Nguyên Tường dành cho quê nhà những tình cảm trĩu nặng và đẹp đẽ như thế nào.
“Đời sống này vốn vô thường”. Đến một tuổi nào đó, con người ta chợt nhận ra điều ấy,và câu nói ấy cũng có thể thành cửa miệng. Nhưng thấy vô thường là một chuyện, còn sống với tâm thế đón nhận sự vô thường ấy lại là chuyện khác. Tôi thì thấy dường như Phạm Nguyên Tường đã chuẩn trang cho sự vô thường ấy rồi, khi anh viết tùy bút Rỗng rang đến hết(**). Sự tận hiến hay nói gần gũi hơn là sống hết mình, để khi rời bỏ cuộc trần này ta không còn nuối tiếc điều gì: “Hầu hết chúng ta luôn có ý nghĩ bướng bỉnh rằng chúng ta sẽ có ngày mai. Nhưng kết cuộc chúng ta cũng chẳng còn những ngày mai nữa. Chúng ta cố dành dụm mỗi ngày: lòng tốt, tình yêu, sự sáng tạo, năng lượng… nhưng đâu biết rằng, đó là những thứ ta cần phải cho đi từng ngày, cho đi càng sớm càng tốt. Đừng để quá muộn”…
Nhưng cũng có thể hiểu sống rỗng rang là một nghệ thuật/ một phương cách. Bởi muốn chứa phải rỗng. Những ai lúc nào cũng đầy thì chẳng chứa thêm được điều gì, dẫu là một tia nắng hay hạt mưa sa.
Còn tôi, xin cảm ơn những ngày tháng rỗng rang để có thể đọc trọn vẹn tập sách nhỏ này của Phạm Nguyên Tường.
Sài Gòn, tháng 3. 2022
TRẦN NHÃ THỤY
—————
(*) Nguyên văn Chương 23 sách Trung Dung của Tử Tư: Kỳ thứ trí khúc. Khúc năng hữu thành. Thành tắc hình; hình tắc trứ; trứ tắc minh; minh tắc động; động tắc biến; biến tắc hóa.Duy thiên hạ chí thành vi năng hóa.
(**) Có thể đọc tham khảo thêm cuốn Die empty (Chết rỗng) của Todd Henry
 
Hà Nội, 21/8/2015 
Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...