Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Những đóa hoa rừng của Hà Vinh Tâm

Những đóa hoa rừng
của Hà Vinh Tâm

Trẻ trung và xinh đẹp, nhẹ nhàng và đằm thắm, đó là không chỉ hình dáng mà cả chất thơ trong thi phẩm Đan những giấc mơ của người thơ Hà Vinh Tâm, do NXB Hội Nhà văn ấn hành quý III/2018.
Một tập thơ thanh nhã do họa sĩ nổi tiếng Văn Sáng vẽ và trình bày, với những bài thơ rực rỡ như muôn loài hoa trong những cánh rừng quê chị: Anh Sơn – cửa Miền Tây Nghệ An. Những bài thơ ấy để riêng giống như những bông hoa lạ với những hình ảnh lạ: hương trẫm mình trong nắng, cách ví von lạ: Nhưng đời như tàu ấy/ lắc lư hoài không không thôi, những mong ước lạ: Bỗng ước mình là kiến/ chui lọt vào các khe/ bình yên và thanh thản. Đó là cách ví von thường bắt gặp trong thơ các tác giả của dân tộc ít người, nhưng thú thật tôi không biết chị là người Kinh hay người Thái, chỉ thấy chị đẹp như đóa hoa rừng tôi đã từng chiêm ngắm vài lần trước đây khi có dịp lên Anh Sơn, Con Cuông tham gia các trại sáng tác. Khi các bài thơ đó kết lại thành chùm thì rực rỡ ngát hương. Cả tập thơ gồm 64 bài, được chia làm chín chùm thơ: Chùm thơ mùa con gái, Chùm thơ về mưa, Chùm thơ về lá, Chùm thơ mùa hè, Chùm thơ về bão, Chùm thơ gọi mùa, Chùm thơ ngẫu hứng, Chùm thơ về người đàn bà, Chùm thơ cho một người. Chùm nào cũng dậy hương, một thứ hương rất lạ: khi ngày ồn ào vội vã/ hoa giấu hương trên cành, nhưng khi mặt trời tắt lửa/ hoa bỗng dậy mùi hương. Một mùi hương ngào ngạt khi trái tim em mở trong khu vườn vắng anh.
Nhà thơ trẻ Hà Vinh Tâm
Tôi khá ngạc nhiên khi thấy trong thơ chị hiện lên khá đậm nét hình ảnh người phụ nữ cô đơn, dẫu biết rằng cô đơn vốn là đặc tính phổ biến của các thi sĩ, nhất là nữ thi sĩ. Bởi chị mới ngoài ba mươi tuổi, khá thành đạt trong sự nghiệp, với bằng Thạc sĩ văn chương và đang giảng dạy ở một trường Trung học phổ thông. Và hẳn chị hạnh phúc, hạnh phúc của người mẹ trẻ khi Giao cảm với con mình: Đôi vú mẩy/ Tròn xoe/ Mắt trẻ, hay khi Nghiêng vú cho con/ Vuốt tấm lưng mềm/ Vui lạ?. Sao trong giây phút hạnh phút nhất của người mẹ, chị vẫn đặt dấu chấm hỏi cuối bài thơ?! Sao đêm đêm chị vẫn ru giấc mơ thiếu nữ, sao: Suốt một đời/ Em vẫn ngóng trăng lên!. Sao vội vàng khẳng định: Anh/ chẳng bao giờ chạm được lên môi em? Và phải chăng với nỗi cô đơn ấy mà tâm hồn chị nhạy cảm với thời tiết, thời tiết thiên nhiên, thời tiết cuộc đời và nhất là những đổi thay bất chợt của lòng người. Bởi vậy chị viết rất nhiều và khá hay về những thời khắc giao mùa, nhất là khi bão tố đột ngột ập đến: Gió gầm rít như một kẻ điên cuồng/ thốc tháo như người đàn bà “nghén “nặng, để lại cảnh tượng kinh hoàng: Đường phố méo mó/ người ta khiêng cây như khiêng linh cữu người chết…. Tôi không biết và không muốn biết về đời tư của chị. Đối với tôi, để cảm nhận về một tập thơ, một bài thơ cái cốt lõi nhất là dựa trên văn bản thơ (“Phần sâu sắc nhất tâm hồn của một thi sĩ đã ghi lại trong những vân thơ đẹp” – Hoài Thanh). Thú thật, tôi không thích những câu thơ: Những mê mải của đàn ông/ Đã vùi lấp/ Tuổi thanh xuân của đàn bà…. Nó làm cho thơ chị hay chính tâm hồn chị già đi, dù đó là sự thật trong đời nữa. Người đàn bà bao giờ cũng mang trong mình một trái tim độ lượng biết hy sinh, huống chi trong cõi thế này, mấy ai không  mê mải theo những đam mê khác nhau, kể cả chính người thơ?
Tập thơ “Đan những giấc mơ” của Hà Vinh Tâm
Là một Thạc sĩ văn chương, có nhiều bài viết phê bình in trên báo trung ương và địa phương, nên người thơ có những am hiểu về văn học nói chung và thơ nói riêng khá sâu sắc. Bởi vậy trong thơ Hà Vinh Tâm, bên cạnh cái “tươi tắn, hồn hậu, có nhiều tâm trạng và nhiều suy nghĩ “( Lê Thành Nghị) là những cố gắng đổi mới về nội dung và hình thức. “Hầu hết bài thơ có tứ thơ và có kết cấu tạo sự bất ngờ về ý, tạo âm ba ở những câu thơ cuối” (Võ Tấn Cường) nên làm cho người đọc “quý một tâm hồn thơ biết mở lòng lòng giãi bày và đối thoại” (Phan Huy Dũng). Xin dẫn ra một bài chọn ngẫu nhiên trong tập để thấy những cố gắng đó của người thơ:
 
ĐỜI LÁ
 
Lá trên cao
oằn mình trong gió
xoay xoay
rơi rơi
lả tả
gieo mình
xuống đất.
Lá hết một đời dài
vẫn tung mình trong nắng gió
reo ca
hóa kiếp
vun vào gốc
Bình yên, vĩnh hằng…
Dẫu vậy, những thành tựu trong “Đan những giấc mơ” chỉ là bước đầu. Con đường thơ của chị hãy còn ở phía trước. Chúc người thơ luôn vững bước trên con đường sáng tạo thi ca nhiều niềm vui nhưng lắm gập ghềnh. Gập gềnh hơn nhiều so với những con đường lên Miền Tây vời vợi quê hương chị. Bởi chị hằng tin: “Và tôi tin không có ngày tận thế/ sắc cầu vồng sẽ có sau cơn mưa!”.
LÊ QUỐC HÁN
(Bài đăng Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số tháng 6/2019)
 
15/12/2020
Ngô Bích Thu
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...