Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2023

Đóa bạch mai ở phố nhà binh

Đóa bạch mai ở phố nhà binh

Đọc thơ Lữ Mai không khó để nhận ra những dấu mốc trưởng thành và sự  trường lực của một nữ sĩ luôn khát khao mang đến những điều mới mẻ cho thi ca.
Nhà thơ Lữ Mai
1. Trắng trẻo, thanh tân phơi phới như một đóa bạch mai, cô bước từng bước nhẹ như lướt trên những bậc gỗ nâu trầm. Mái tóc suôn mượt buông lơi, đôi mắt to tròn trên gương mặt khả ái sáng trong. “Em chào anh!”, tiếng chào mềm ngọt hơn cả túi mía cô cầm trên tay đang đung đưa theo nhịp bước. Phía sau cô, hoa đại vẽ những nét trinh khiết trên sân gạch u hoài. Đấy là hình ảnh Lữ Mai lần đầu tôi gặp nơi bậc cầu thang Nhà số 4 – Trụ sở Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Tôi biết cô đến thăm người yêu là chàng thi sĩ Đoàn Văn Mật mới đầu quân về ngôi đền văn chương danh giá bậc nhất làng văn. Ngày ấy, cách đây vừa tròn một giáp, nhà thơ trẻ Lữ Mai mới ở tuổi đôi mươi. Trước đó, mùa hè năm 2009, ở trại viết Hạ Long do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức tôi được nghe các chàng sinh viên Trường Viết văn Nguyễn Du và học viên Lớp Viết văn Quân đội khóa 1 là trại viên nói “hơi bị” nhiều về Lữ Mai. Với họ, Lữ Mai là áng thơ tươi mới trong giới viết trẻ.
2. Lữ Mai là một nhà thơ, nhưng tác phẩm đầu tiên của cô tôi đọc lại là truyện ngắn, cái truyện có tên “Đầu làng có cây vông” do nhà thơ Hoàng Chiến Thắng, bạn học của Mai chia sẻ khi tôi và anh cùng tham dự một sự kiện văn học. “Hoa vông rụng suốt đêm rằm/ Tình là sợi mắc, chim giăng ngang trời…”, lời ru của những người đàn bà, cũng là lời đề từ của truyện, buồn như một cơn gió xoáy vào tâm can. Hoa vông với sắc đỏ chói nhói trở đi trở lại không thôi ám ảnh người đọc. Nhiều ẩn ức, lắm đa đoan phải chăng là cái án chung cho kiếp má hồng? Sau này, tôi thường xuyên đọc truyện ngắn của Mai, dĩ nhiên nhiều truyện hay hơn, nhưng “Đầu làng có cây vông” lại là cái truyện làm tôi nhớ, ám ảnh nhiều nhất. Có lẽ cảm xúc ban đầu thường khó tàn phai.
Bìa tập truyện ngắn đầu tay “Linh hồ” – Lữ Mai
Năm 2019, Lữ Mai ra mắt tập truyện ngắn đầu tay “Linh hồ”. Tập truyện là kết quả của hành trình hơn 10 năm cô đam mê với chữ; 16 truyện ngắn với nhiều đề tài từ đời sống nông thôn, hậu chiến cho đến nhạy cảm, gai góc như ngoại cảm, mại dâm, đồng giới… Đọc tập truyện, tôi mừng cho Mai vì thực sự cô đã xác lập được “vân chữ”, “bóng chữ” của mình trên địa hạt truyện ngắn. Mai đàn bà, Mai nhạy cảm, Mai day dứt nỗi niềm, Mai liêu trai mê mị… là những gì tôi thấy trong “Linh hồ”.
3. Mặc dù viết truyện ngắn từ rất sớm và đã ít nhiều tạo được dấu ấn, nhưng thi ca mới là khu vườn mà ở đấy nội lực chữ, cảm xúc của Lữ Mai thăng hoa, bung nở thành những đóa thơ đẹp – lạ. Thơ Mai ngay từ những giọt thanh tân ban sơ đã khước từ véo von vần điệu, những hình ảnh tả thực và cách diễn đạt sáo mòn. Đọc thơ Mai hiếm gặp thể thơ giới hạn số chữ (trong câu thơ), đặc biệt là Mai hoàn toàn không làm thơ lục bát, cô luôn để cảm xúc dẫn dụ những ngôn từ: “Anh phác thảo vũ điệu sen trắng/ đá trăm năm khuất dáng ai nằm/ em mải miết yêu cạn vùng nhụy đắng/ ngó lời sân hận từ tâm” (Những khúc rời tháng Tám); “từng đôi bóng thức trên cầu/ cùng câm lặng tiễn đưa điều sắp đến/ cùng thả xuống lòng sâu vạn vì sao thẫm buốt/ khi nào buồn, sẽ lại lên cầu, ngó xuống, buông câu” (Trên cầu).
Ở ngoài đời, chuyện tình và cuộc sống gia đình Lữ Mai khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi sự đồng điệu, hạnh phúc viên mãn của cặp đôi văn chương Lữ Mai – Đoàn Văn Mật. Nhưng ở trong bầu trời thi ca, khi viết về tình yêu, thơ Mai nhiều âu lo, cô đơn, chất chứa nỗi buồn, nhưng đó là nỗi – buồn – đẹp: “Đêm qua cách chia bởi hàng cúc áo/ em là nửa mùa thu đầy bão/ khi mình trút vào nhau trăm giấc mơ buồn”, bởi “em chỉ là hạt mầm cô đơn/ khóc trước sự thành tâm của cỏ” (Mê khúc), thế nên “rất nhiều ánh mắt vẩn vơ tìm kiếm/ người bên người trong kiếp sống cô đơn/ ngày từ biệt khoanh tròn trên lịch cũ” (Cà phê Cộng). Và rồi, cảm xúc cô đơn, trống vắng ấy đã đưa người đàn bà thơ đến với cảm giác “góa phụ”: “hoa sữa tan rồi/ nhúm sót lại cuối đường mây trắng/ em chưa vu quy đã thành góa phụ/ những hồi chuông tụ phía chân đồi” (Bữa tiệc mùa thu).
Tôi đặc biệt ấn tượng với chất mơ ảo, liêu trai trong thơ Lữ Mai: “Thời gian ấm hơn gỗ mục/ chiều đông Vĩnh Phúc phố nâu trầm/ ở đó nhà sàn tượng đồng xám lạnh/ đôi điều giá buốt lanh canh/ nàng bước ra từ tranh gẩy điệu đàn á phiện/ rút cạn đảo điên rồi khiến ta quên” (Giữa hoang tàn nến chảy); “Linh Đàm nắng đục hơn sương/ lăng mộ đá vẳng lời sân hận/ cạnh đó còn ngôi biệt thự/ lâu rồi ta chẳng ghé chơi/ cỏ mọc quá đầu người/ mối tình xanh mật báo/ hồn sen thơm người bán dạo yểm bùa/ phảng phất chén trà xưa bi lụy” (Gần giống một khúc rời). Về vẻ đẹp này trong thơ Lữ Mai, nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn từng nhận định: “Tình thoắt hiện thoắt phôi pha. Chập chờn bóng đời, mà rưng rức tâm trạng. Khát khao ngún lửa dưới tàn tro chán chường. Thi ý giấu lệ sau thi ảnh lang thang. Một muộn phiền nữ, một biểu tỏ nữ. Đó là dạng thơ, cách thơ Lữ Mai”. Đồng quan điểm, nhà văn Hoài Hương cho rằng thơ Lữ Mai “ám ảnh mộng mị như si như ngây như đắm như dại… Mà trong thơ có họa nên càng cảm giác liêu trai, hình như có ai đó đang bước ra từ câu thơ… ảo thật cứ quyện vào nhau sương khói…”.
4. Đọc thơ Lữ Mai không khó để nhận ra những dấu mốc trưởng thành và sự trường lực của một nữ sĩ luôn khát khao mang đến những điều mới mẻ cho thi ca. Ở tập thơ “Giấc” (2010) và “Mở mắt rồi mơ” (2015), thơ Lữ Mai chất chứa nỗi niềm của nàng thiếu nữ thanh tân – người đàn bà chớm bước vào cuộc sống hôn nhân. Đó là nỗi buồn chợt đến chợt đi, nhiều khi tưởng như vô cớ, là âu lo ngăn cách, lạc lõng, cô đơn. Đó là cảm thức của một trái tim phụ nữ dịu dàng, mong manh trước thiên nhiên và sự chảy trôi của thời gian. Nhưng đến tập thơ “Thời cách ngăn trống rỗng”, mạch thơ của cô chuyển dịch dần về phía cuộc đời rộng lớn với hình ảnh những em nhỏ miền Trung trong cơn lũ, người bán hàng rong ở Đồng Văn, những người lính biên phòng miền biên viễn…
Người đọc dễ đồng cảm với một trái tim phụ nữ bao dung, sẻ chia. Về thể thơ, nếu như “Giấc” là tập hợp 35 bài thơ tự do, gọn gàng, kiệm chữ, thì đến “Mở mắt rồi mơ” đã xuất hiện một số bài được viết theo dạng văn xuôi và ở “Thời cách ngăn trống rỗng” là ba bài thơ được chia đoạn, chiếm dung lượng lớn trong tập: “Từ biên ải” (3 đoạn, 63 câu), “Những bài giả dụ” (5 đoạn, 76 câu), “Những khúc rời tháng Tám” (8 đoạn, 143 câu). Tôi cho rằng, từ sự chuyển dịch đối tượng thẩm mỹ và thể thức trong thơ Lữ Mai đã báo hiệu một giai đoạn mới trong hành trình sáng tạo của cô: Thêm một lần xác quyết cá tính thơ ở thể loại trường ca, với những điều lớn lao vượt lên trên cái tôi bản ngã. Và rồi, trong ba năm liên tiếp Lữ Mai lần lượt công bố 3 trường ca: “Ngang qua bình minh” (2020) viết về biển đảo, sự hy sinh anh dũng của những người lính hải quân, “Chư Tan Kra mây trắng” (2021) là câu chuyện cảm động về những chiến binh thuộc “Trung đoàn mũ sắt”, “Hồi sinh” (2022) dung chứa những cung bậc cảm xúc của một hồn thơ giàu lòng trắc ẩn, tinh tế, ưa quan sát và đầy suy nghiệm trước một đại dịch khủng khiếp có tên là COVID-19. Cả ba trường ca đều được đánh giá cao, giành được những giải thưởng uy tín và đặc biệt đã chạm đến trái tim nhiều độc giả, thực sự lan tỏa vào trong cuộc sống.
Trường ca “Hồi sinh” của nhà thơ Lữ Mai.
5. Trước đây, mỗi dịp gặp Lữ Mai là tôi nghĩ đến kiểu phụ nữ của phòng máy lạnh (dù Lữ Mai đã làm phóng viên của nhiều báo, tạp chí), họ sợ nắng gió, sợ khói bụi như nàng Lọ Lem sợ mụ dì ghẻ. Nhưng chuyến công tác cùng Mai từ Hà Nội lên A Pa Chải hơn 700km mà phần lớn là đường núi đồi, đèo dốc đã làm tôi không khỏi bất ngờ về cô. Trong suốt hành trình, không ít lần tôi bung biêng vì những khúc cua tay áo bất thình lình, Lữ Mai vẫn tươi rói bắt chuyện, khai thác thông tin từ những hành khách đi cùng. Cô thoa kem dưỡng ẩm, cô chụp ảnh tanh tách, cô tranh thủ ngắm cảnh đẹp trôi qua cửa kính. Đến đoạn đường từ thị trấn Mường Nhé vào xã Sín Thầu cực Tây Việt Nam, cô vừa phỏng vấn nhân vật là cán bộ văn hóa xã vừa gõ phím laptop rào rào. Lúc này thì tôi thực sự nể sự deo dai, sức chịu đựng và tinh thần “chiến binh” của cô khi đi viết bài. Hàng loạt bài báo văn hóa, chùm thơ năm bài và một truyện ngắn là kết quả Mai gặt hái được trong chuyến đi ngắn ngủi. Nhưng trong chuyến đi này, có một sự kiện “hú hồn” mà mỗi khi nghĩ lại hẳn cô không khỏi “tim đập, chân run”.
Chiều ấy, một cậu cán bộ trẻ người Mông được Đồn Biên phòng Thu Lũm cử đi đón nhà báo Lữ Mai ở xã Mù Cả, được nửa quãng đường thì chiếc xe bất ngờ chết máy. Tối không trăng. Rừng hoang vắng. Cậu cán bộ trẻ tiếng phổ thông chưa trôi chảy,… rồi ánh mắt,… rồi hành động lại vụng về… Một nỗi sợ như ánh chớp, như lưỡi dao vụt qua đầu Lữ Mai. Nỗi sợ ấy hối thúc cô băng mình vào giữa những bụi cây rậm rì. Phải đến hai tiếng đồng hồ sau, khi đơn vị tổ chức đi tìm mới rước được cô phóng viên lên từ khe suối. Mai bảo hôm đó nếu đúng gặp phải người xấu chắc cô quyết lao xuống vực chứ không chịu khuất phục. Và khi chứng kiến cậu cán bộ kia gục xuống bàn rưng rức khóc do bị hiểu lầm thì Mai thấy thương cậu và không khỏi áy náy vì cái sự quá mẫn cảm của mình.
6. Mang trong mình dòng máu của một người lính từ chiến trường Campuchia trở về nên Lữ Mai dành nhiều tình cảm cho những người lính. Cô đến với đơn vị bộ đội nơi biên giới, hải đảo bằng tấm chân tình của người em, người chị và từ đó nhiều tác phẩm xúc động về người lính đã ra đời, được giới chuyên môn, bạn đọc trong, ngoài quân đội đón nhận… Tôi lại nhớ bạn bè văn chương từng kể, khi đôi bạn Mai – Mật còn đang hẹn hò, chàng Mật cứ dùng dằng giữa việc về Văn nghệ Quân đội công tác với một môi trường tự do, phóng khoáng hơn. Lữ Mai đã ra “chỉ lệnh”: Một là về Văn nghệ Quân đội và tiếp tục yêu Mai, hai là… không gì cả. Đương nhiên là chàng Mật phải răm rắp chấp hành. Đến nay, thi sĩ họ Đoàn đã là Trưởng ban Thơ – Nhà số 4 và gia đình bé nhỏ của họ bao năm qua cũng chỉ gắn bó với phố nhà binh.
Tôi biết, từ khi còn là sinh viên Lữ Mai đã tham gia hiến tạng. Khi tôi hỏi cô về tâm nguyện này, Mai bảo nếu mai này không còn có mặt giữa nhân gian thì cô mong được gửi lại một chút gì đó cho đời. Mai sinh ra ở một ngôi làng vùng bán sơn địa xứ Thanh, phía sau là núi Cha lam tuyền, trước mặt con sông Lèn xanh trong miên mải chảy giữa miền hoa cỏ êm đềm. Cô cũng bảo sau này cô muốn được tan vào những đám mây, hòa vào những dòng sông, những con đường hoa dại… Còn tôi tin rằng, dăm sáu mươi năm nữa, nếu có phút giây ấy thì cô sẽ vẫn là một đóa bạch mai trên phố nhà binh, nở tinh khôi mỗi sớm xuân về.
NGUYỄN PHÚ/VNCA
 
29/6/2021
Hoàng Việt Hằng
Theo https://vanvn.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhân vật nữ trong tiểu thuyết Patrick Modiano Patrick Modiano là nhà văn lớn của văn học Pháp từ nửa sau thế kỷ XX đến nay. Ông là chủ n...