Thứ Hai, 16 tháng 1, 2023

Đọc sách và dạy học văn - Hoàng Thị Thu Thủy

Đọc sách và dạy học văn
Hoàng Thị Thu Thủy

Sao không viết là đọc văn và dạy học văn, mà viết là đọc sách và dạy học văn? Đây là trăn trở của chính chúng tôi khi viết bài báo này. Giữa đọc sách và dạy học văn có mối liên quan gì với nhau?
Trong văn bản “Bàn về đọc sách” sách Ngữ văn lớp 9, tập 2, đã chỉ ra: Tầm quan trọng của việc đọc sách (Đoạn 1, 2): Con người muốn có văn hoá, có kiến thức, có tri thức thì phải đọc sách (Sách là kho tàng tri thức của nhân loại; là yếu tố hỗ trợ cho học vấn). Nhờ có sách mà nhân loại tiến xa hơn trên đường học vấn (Đọc sách là cách tiếp thu tri thức của nhân loại; là trả món nợ với nhân loại). Ở đoạn 3, 4, 5 của văn bản chỉ ra cách đọc sách có hiệu quả (Phải biết chọn sách cho tinh ; mỗi loại sách lại cần đọc với số lượng phù hợp và cách đọc phù hợp. Đọc ít mà kĩ sẽ làm đổi thay khí chất; đọc nhiều mà không sâu như cưỡi ngựa qua chợ, sẽ về tay không… Vừa đọc vừa nghĩ, đọc ít mà đọc kĩ, đọc có kế hoạch, có hệ thống…) và những trở ngại thường gặp như là sách nhiều khiến người ta không chuyên sâu; sách nhiều dễ khiến người đọc bị lạc hướng. Từ văn bản này ta thấy: Đọc sách vừa có tri thức, vừa rèn luyện tính cách, vừa học làm người.
TS. Hoàng Thị Thu Thuỷ
Rồi ý kiến của Lâm Ngữ Đường, trong cuốn Sống đẹp có viết: “Tuổi trẻ đọc sách như ngắm trăng qua kẽ lá, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài” (Nguyễn Lê Hiến dịch, NXB Tao đàn, Sài Gòn 1965). Băn khoăn và đi tìm lời giải thích: Vì sao nói tuổi trẻ đọc sách như ngắm trăng qua kẽ lá? (Ngắm trăng qua kẽ lá: Ngắm từ xa, ngắm không rõ, thấp thoáng…) Do chưa chú tâm, chưa xác định mục đích rõ ràng, chưa thấy bức thiết, chưa tập trung, chưa có phương pháp đọc. Vì thế thường đọc loáng thoáng, đọc chỉ vì ham mê nhất thời, chưa đọc kĩ, đọc chưa tinh… Lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân, (ngắm rõ, gần). Đọc có mục đích, có nhu cầu, gắn với công việc nên đọc chín chắn, từng trải, hiểu biết… Và lựa chọn sách để đọc, đọc kĩ, đọc tinh, đọc để vận dụng vào công việc và cuộc sống… Tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài cao, (đọc thưởng thức trong một tư thế thoải mái, chiêm ngưỡng và hưởng thụ những tinh hoa do sách vở mang lại). Khi cuộc đời đã từng trải, đọc sách còn để chiêm nghiệm sự hiểu biết của mình; biết sách nào hay, sách nào dở, có độ lùi về không gian và thời gian để thưởng thức và nhìn ngắm. Cho nên, đọc thong thả, vừa đọc vừa suy ngẫm, vừa nhấm nháp sự thú vị và hấp dẫn của sách…; đọc có bình luận, suy tư và trao đổi về những điều mà sách mang lại…
Vậy là đọc sách có rất nhiều lợi ích. Người biết đọc sách từ nhỏ sẽ có thói quen đọc nhanh, sẽ có kỹ năng lựa chọn sách để đọc, sẽ biết cách ghi nhớ những tri thức mà sách đưa lại. Đọc sách là cách bồi dưỡng tâm hồn văn hoá cho mỗi con người…
Chúng tôi đã từng thuộc lòng bài thơ tình nổi tiếng của Puskin, bài thơ “Tôi yêu em”, hầu như trong sổ tay của tuổi mới lớn, bài thơ tình này như là kinh điển. Khi dạy học văn bản này ở sách Ngữ văn 11, hẳn người dạy và người học đã nhận ra cái hay của bản dịch thơ của dịch giả Thuý Toàn. Qua bản dịch này ta thấy một tình yêu cao thượng, một bản lĩnh tuyệt vời của cái tôi trữ tình, cái rung cảm tình yêu hấp dẫn người đọc bởi sự chân thành, cao thượng…
       Tôi yêu em đến nay chừng có thể
        Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
        Nhưng không để em bận lòng thêm chút nữa,
        Hay hồn em phải gợn sóng u hoài.
        Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng,
        Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
        Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
        Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em.
Thế rồi, khi đọc được bản dịch nghĩa ở trang “Hội ngộ văn chương” (vanchuong.vnweblogs.com), thì cảm nhận về cái hay của văn bản “Tôi yêu em” đã đến rất gần với nguyên tác:
        Tôi đã yêu em: tình yêu hãy còn, có lẽ là
        Trong lòng tôi (nó) đã không tắt hẳn;
        Nhưng thôi, hãy để nó chẳng quấy rầy em thêm nữa.
        Tôi không muốn làm phiền muộn em bởi bất cứ điều gì.
        Tôi đã yêu em lặng thầm, không hy vọng,
        Bị giày vò khi thì bởi sự rụt rè, khi thì bởi nỗi hờn ghen.
        Tôi đã yêu em chân thành đến thế, dịu dàng đến thế,
        Cầu Chúa cho em vẫn là người được yêu dấu như thế bởi người khác.
Câu thơ cuối ở bản dịch nghĩa, khiến chúng tôi băn khoăn, phải chăng nên hiểu theo cách của Nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu Ngô Tự Lập là: “Nghĩa thực của câu cuối cùng không phải là một thái độ cao thượng: Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em như trong bản dịch của Thuý Toàn, mà là “Có lạy Trời em [mới lại] được ai khác yêu chân thành, nâng niu đến thế”. Lối nói này cũng tương tự như khi người Việt nói: “Có Trời mới biết được!” để nói rằng “Chẳng ai biết được đâu!” (vanchuong.vnweblogs.com)
Từ chuyện đọc sách là cách bồi dưỡng tâm hồn văn hoá cho mỗi con người, vô tình chúng tôi cũng đã bàn đến chuyện dạy học văn qua bài thơ “Tôi yêu em”. Với văn bản văn học nước ngoài, hoặc văn bản văn học trung đại (nếu là chữ Hán), thì không chỉ đọc văn bản qua bản dịch, mà còn đọc qua bản dịch nghĩa và nếu đọc được cả nguyên tác thì quả là tuyệt vời. Có lần, dịch văn bản “Bình Ngô đại cáo” trong chương trình học Hán Nôm, chúng tôi đã thích thú khi đọc được nguyên tác của câu thơ dịch: “Nặng khoá liễm vét không sơn trạch” (Bản dịch của Bùi Kỷ) là “chúng vét sạch, cả đến con cung quăng”…
Thói quen đọc sách sẽ dẫn đến thói quen đọc văn bản văn học trong chương trình học Ngữ văn ở các cấp. Thói quen đọc sách sẽ giúp người học có vốn kiến thức phong phú, gợi trường liên tưởng, gợi tưởng tượng, viết bài văn sẽ có hồn. Thói quen đọc sách, giúp người đọc chiếm lĩnh được văn bản văn học hay của thế giới, của quá khứ và hiện tại.
Sở dĩ có những câu văn ngô nghê theo kiểu: “Ở miền Tây Thừa Thiên Huế có một cây xà nu thật to, che hết cả làng”; hoặc: “Cô Kiều nhảy xuống sông Tiền Giang tự tử”… là bắt đầu từ việc chưa đọc văn bản. Thật buồn cho những buổi dạy học văn khi người học chưa đọc văn bản, mà chỉ dựa vào Giáo trình, sách hướng dẫn để bình tán… Biết bao nhiêu năm nay hễ dạy đến “Vẻ đẹp chị em Thuý Kiều” là cứ đưa ra nhận xét rất chủ quan: “Vẻ đẹp của Thuý Vân báo hiệu cuộc đời Thuý Vân suôn sẻ, hạnh phúc, còn vẻ đẹp Thuý Kiều là báo trước tai ương, bất hạnh”… Có mấy ai đọc đến đoạn Kim Kiều tái hợp sau 15 năm để biết thêm về cuộc đời của cô Thuý Vân. Hoặc cứ khen “Truyện Kiều” mà chê “Kim Vân Kiều truyện”, dù người dạy và người học chưa hề đọc “Kim Vân Kiều truyện”… Nhưng nếu đọc cả “Kim Vân Kiều truyện” (“Trong thiên này chữ tình là một đại kinh, và chữ khổ là một đại vĩ. Song tình tất đợi có cảnh mới sinh, và khổ tất đợi gặp ngộ mới thấy…” – lời giới thiệu trong “Kim Vân Kiều truyện”) thì mới nhận ra mỗi nhà văn có một tầm cỡ khác nhau về cách nhìn về số phận những con người “tài hoa, bạc mệnh”…
Dạy học văn phải bắt đầu từ văn bản, từ những dấu chấm câu đến những chỗ xuống dòng… (ở thể loại thơ), từ mỗi chi tiết, mỗi sự thay đổi trong từng tính cách nhân vật… (ở thể loại truyện), đòi hỏi người học phải đọc thật kỹ, thật tinh mới nhận ra ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Xu hướng thi tốt nghiệp lớp 12, thi tuyển sinh môn văn trong những năm trở lại đây đều yêu cầu thí sinh phải làm rõ các biện pháp tu từ, các tín hiệu nghệ thuật trong mỗi trích đoạn… Những thao tác này đã được dạy từ bậc tiểu học, không mới, nhưng cũng khiến nhiều thí sinh lúng túng, chưa quen với lối đọc kĩ văn bản đến từng chi tiết nhỏ như thế. Chưa kể, lối dạy học không bám vào văn bản mà lệ thuộc quá nhiều vào tài liệu tham khảo, vào các “lò luyện thi”, học thay, làm hộ… thì lúng túng trước những đề thi rất dễ là điều không tránh khỏi.
Sẽ có những thay đổi mới trong giáo dục liên quan đến việc thay sách giáo khoa, việc dạy học môn văn cũng sẽ có những thay đổi liên quan đến việc thay đổi sách giáo khoa, nhưng với môn văn, dù có thay đổi gì đi nữa, việc dạy học văn cũng phải bắt đầu với văn bản văn học. Văn bản văn học trong sách giáo khoa đã được lựa chọn kĩ càng, người học cũng phải đọc kĩ càng, người dạy cũng cần quan tâm đến việc phân tích hình tượng văn chương từ chính văn bản, không quá lệ thuộc vào những sách hướng dẫn, những tài liệu tham khảo, mỗi khi chúng đã trở nên sáo mòn, khô cứng, chưa phù hợp với xu hướng thi cử hiện nay. Có như thế thì mới đảm bảo chất lượng trong việc dạy học văn. Để có thói quen đọc văn bản văn học, nên có thói quen đọc sách, nên thu thập kinh nghiệm đọc sách từ những gợi ý trên sách, báo. Ví dụ: Đọc theo từng chủ đề; đọc mọi lúc, mọi nơi; đọc bằng nhiều cách; đọc truyện trước công chúng sẽ là một cách chia sẻ hiệu quả, hoặc tự mình nghiền ngẫm các loại sách thuộc đề tài mình quan tâm… Biết sắp xếp thời gian đọc sách ngay cả khi bạn rất bận rộn. Biết chọn lựa các sách tin cậy. Có thể đọc từ mạng Internet và sách điện tử. Khi đọc sách, người ta có khả năng tư duy tốt hơn khi nghe nhìn, vì đọc sách thì có thể dừng lại và suy nghĩ, còn nghe nhìn thì nội dung cứ liên tiếp trôi qua…
TS. HOÀNG THỊ THU THỦY
 
28/2/2020
Đỗ Anh Vũ
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  CHƯƠNG XI phân bố địa lý Tình trạng phân bổ hiện tại không thể là do sự khác nhau về điều kiện vật lý- Tầm quan trọng của các giới hạn...