Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

Đời sống Sài Gòn qua chuyện chợ của Lương Minh và Các Ngọc

Đời sống Sài Gòn qua chuyện chợ
của Lương Minh và Các Ngọc

“Từ Đời chợ đến Chợ tỉnh, Chợ quê ghi chép lại được hơn 100 chợ, đối với chúng tôi chỉ là mới là bước khởi đầu cho những cuộc dạo chợ khắp Việt Nam”. Bởi vì: “Đi chợ ở Sài Gòn không biết mệt vì đến mỗi chợ là góp nhặt được được những điều thú vị. Nét đẹp của chợ Sài Gòn còn nhiều lắm để khám phá…
Nhà phê bình Hoàng Bích Hà
1. “Ngay từ thời mở nước, Sài Gòn đã là chợ, là cảng biển, giao lưu với vùng nội địa phía đồng bằng sông Cửu Long và vài nước miền nam châu Á (nhà văn Sơn Nam).
Quả đúng vậy Sài Gòn ngày nay là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, qui tụ lượng dân cư đông đúc trên 10 triệu dân. Để đáp ứng nhu cầu cuộc sống thì có biết bao chợ và thương xá lớn nhỏ phủ khắp các quận huyện nội đô và các vùng phụ cận của Thành phố Hồ Chí Minh (tên gọi hành chính). Trong cuộc sống nhiều người vẫn quen gọi theo địa danh xưa là Sài Gòn cho gọn.
Về những ngôi chợ nổi tiếng hình thành từ thuở cha ông chúng ta “mang gươm đi mở cõi”, có sự đóng góp giao thương của người nước ngoài. Trong đó đặt chân đến sớm rồi bám trụ và ngày càng ăn ra làm nên thì phải kể đến lượng người Hoa ở chợ Lớn, quận 5 và quận 11 và các thương gia đến từ các nước khác trong khu vực và trên thế giới như Pháp, Ấn , Hàn…
Hai nhà báo Lương Minh và Các Ngọc đã dày công tìm hiểu, bằng những chuyến đi thực tế không mệt mỏi bất kể ngày hay đêm, bởi vì có những ngôi chợ hoạt động 24/24 hầu như không ngủ, các nhà báo đã bỏ thời gian công sức để tác nghiệp. Tìm hiểu nguồn gốc sự hình thành của các chợ, quan sát tỉ mẫn ghi lại những đặc điểm, nét sinh hoạt vào những bài viết trong tác phẩm Đời chợ (Nxb Trẻ, 2000) và tác phẩm Chợ tỉnh, chợ quê (Nxb Hội Nhà văn, 2012). Phải nói rằng đây là hai công trình tìm hiểu thực tế khá công phu, ghi chép, hệ thống hóa và trình bày một cách mạch lạc, đã đem đến cho người đọc những khám phá hấp dẫn.
2. Sài Gòn là một thành phố rất rộng lớn, đó là chưa kể các vùng phụ cận thì dù là dân nhập cư hay dân bản địa có điều kiện trải nghiệm lâu năm đi chăng nữa thì cũng khó mà đặt chân đến hết tất cả chợ tỉnh, chợ quê. Vì thế nhờ cặp mắt nghiệp vụ, khả năng quan sát tinh tế và ngòi bút kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Hai nhà báo đã có mặt trên từng cây số để đem đến cho bạn đọc những khám phá thú vị với tất cả các ngôi chợ đề cập trong hai tác phẩm. Vẫn biết rằng công việc nào cũng xuất phát từ tâm huyết, nhiệt thành mới đem đến thành công. Nhưng nếu làm việc vì mưu sinh đi nữa mà không có đam mê thì khó phát huy hết sáng tạo. Cầm trên tay hai tác phẩm này chúng tôi vẫn phải nói lời cảm ơn chân thành tận đáy lòng gửi tới hai nhà báo. Tôi cũng là dân viết lách, cũng có sở thích xê dịch tuy nhiên đi du lịch đây đó cũng chỉ “ cưỡi ngựa xem hoa” nên không thể nào tìm hiểu cụ thể để biết hết tất cả các ngôi chợ trên mọi miền đất nước. Trong cuộc sống mỗi người cũng chỉ ôm gọn một góc phố nơi mình cư ngụ và những nơi mình hay lui tới mà thôi!
Chợ tỉnh chợ quê – tác phẩm của Lương Minh & Các Ngọc
Tác phẩm Đời chợ viết năm 2000, Chợ tỉnh, Chợ quê viết năm 2021. Trong 12 năm đó, hai nhà báo vẫn không ngừng tìm hiểu, khám phá khi có dịp để có thể đưa vào trang viết. Có thể nói công trình trên mười năm theo đuổi một đam mê không mệt mỏi là điều đáng trân trọng. Cuộc sống luôn phát triển không ngừng. Đặc biệt ở Thành Phố lớn bậc nhất như  Sài Thành thì sự thay đổi chóng mặt. Có những dãy phố, khu chợ tháng trước, tháng sau diện mạo đã khác rồi, luôn mới mẻ, năng động để bắt kịp đà đi lên với cuộc sống. Có những ngôi chợ truyền thống đã hình thành hàng trăm năm nay vẫn còn đó, đã thay đổi hay đã xóa sổ để hình thành những khu chợ mới phù hợp hơn! Thì những điều tác giả viết trong cuốn sách đến thời hiện tại đã chục năm, hai mươi năm trôi qua có những điều đã khác. Tuy nhiên chúng ta hãy ghi nhận những gì xảy ra tại thời điểm tác giả tiếp cận mà chúng ta chưa có dịp nhìn lại cũng là điều đáng quí. Huống gì cuộc sống luôn biến chuyển, nhu cầu cũng thay đổi theo để đáp ứng thời đại: Từ chợ, quầy hàng, diện tích, trang trí bày biện, những mặt hàng, mẫu mã chất lượng luôn đổi thay cho kịp thị hiếu, hướng đến ngày càng hoàn thiện, thiết thực hơn.
Truyền thống cơ bản của các ngôi chợ là phục vụ nhu cầu ăn uống, giải trí, làm đẹp… thì vẫn vậy, vẫn kế thừa và phát triển không ngừng theo nhịp sống hiện đại. Nhưng bạn đọc yên tâm, nhiều ngôi chợ được hình thành từ hàng trăm năm, vị trí vẫn còn đó, tên gọi vẫn còn có thay đổi chăng là các thế hệ tiểu thưởng cha truyền con nối hay đã đổi chủ.
3. Đến quận 1 có chợ Bến Thành – biểu tượng văn hóa đời sống của thành phố và cũng là một điểm du lịch của du khách trong nước và quốc tế. Qua tìm hiểu, tác giả cho biết chợ được xây dựng từ 1914 hơn trăm năm trôi qua vẫn không ngừng phát triển về thương mại. Chợ có 16 cửa, trong đó có 4 cửa chính là Đông, Tây, Nam Bắc là mặt tiền của chợ. Các mặt hàng kinh doanh là vải vóc quần áo, giày dép, mỹ phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng mây tre, gốm sứ, nhôm, nhựa bánh kẹo, thực phẩm chế biến… đủ cả. “ Bên cạnh các tiểu thương buôn bán quanh năm vẫn có những quầy hàng lớn của các công ty…bán hàng theo giá niêm yết, bài trí không thua gì các siêu thị”. Phía sau gần cửa Bắc có khu ẩm thực đủ các món ăn 3 miền như Bún bò Huế, mì Quảng, hủ tiếu Nam Vang, phở Hà Nội…Có thực phẩm chế biến như giò chả, nem thịt chà bông…”. Vòng ra cửa Bắc là khu vực bán hoa tươi và trái cây.
Hơn thập kỷ sau (2012), khi viết về chợ Bến Thành trong tác phẩm mới: Chợ Tỉnh, Chợ Quê. Hai nhà báo  không miêu tả lại những điều đã nói về ngôi chợ này năm 2000 trong tác phẩm Đời Chợ nữa mà chỉ đề cập đến một món hàng đặc trưng đó là vàng. Chợ vàng Bến Thành cũng là trung tâm đầu mối của cả nước. Đây là một trong 3 khu chợ bán vàng nổi tiếng với nhiều trang sức như vàng 24k, 18k, vàng trắng, hột xoàn, cẩm thạch, ngọc trai…
Tiếp đến ngôi chợ Bình Tây. “Cũng là một đầu mối bán hàng cho cả nước và là trung tâm thương mại của cả 3 nước Đông Dương, nằm trên đường Tháp mười quận 6, được xây dựng từ tháng 3.1930. Người xây dựng chợ là Quách Đàm sinh năm 1863 ở Triều châu (Trung Quốc).Chợ khởi đầu có diện tích 10000 mét vuông, mở rộng dần tới 29000 mét vuông. Các mặt hàng vải vóc, quần áo giày dép…có cả sách báo. Chợ này có các đại lý bánh kẹo của những nơi sản xuất bánh kẹo nổi tiếng như bánh pía Sóc Trăng, Bánh tiêu Mỹ Tho, kẹo dừa Bến Tre, mè xừng Huế, bánh đậu xanh Hải Dương…
Ngày nay các trung tâm thương mại, siêu thị mọc lên rất nhiều hướng đến hoạt động thương mại văn minh hơn, đáp ứng nhu cầu mua sắm phong phú, đa dạng hơn! Nhưng dù sao chợ vẫn có những ưu thế riêng. “So sánh về cách phục vụ ở đây với cách phục vụ ở siêu thị, nhiều người nhận xét: Do phụ trách từng mặt hàng, do chính họ thu mua nên biết rất rõ chất lượng cách sử dụng để hướng dẫn người tiêu dùng. Còn ở siêu thị người mua được lựa chọn hàng thoải mái nhưng ít được chỉ vẽ cặn kẽ”.
Và cứ thế với lòng đam mê nghề nghiệp: đi và viết. Xê dịch từ địa phương này qua địa phương khác. Giờ giấc không theo giờ hành chính mà phải tác nghiệp theo giờ giấc hoạt động của các chợ có khi nửa đêm, khi gần sáng, khi về khuya, khi trùng giờ hành chính. Có những ngôi chợ về đêm hay khuya gần sáng là thời điểm bán sỉ, ban ngày là bán lẻ. Hai nhà báo đã có mặt khắp nơi nhằm tiếp cận, mục sở thị để tìm hiểu về những con phố kinh doanh các mặt hàng đặc trưng, những thương xá lớn nhỏ, hơn 100 ngôi chợ ở Sài Gòn, vùng phụ cận và các tỉnh miền Tây, miền Đông… rồi ra đến  Biên Hòa, Rạch Giá. Đến tận chợ Đồng Xuân ở Hà Nội và cả những vùng sâu, vùng xa để tiếp cận những ngôi chợ Việt hay chợ của Trung Quốc, Lào, Cam pu chia ở sát vùng biên giới nước ta.
Đến với chợ biên giới phía Bắc là chợ Tân Thanh (thuộc xã tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) nơi trao đổi hàng hóa  giữ 2 nước Việt Trung, hàng hóa rẻ bất ngờ vì áo sơ mi chỉ 15 000 đ/1 chiếc, vali du lịch mẫu mã y chang hàng Nhật Bản, giá chỉ 110 đ (thời điểm năm 2012). Bài học dành cho du khách, bên cạnh niềm vui khám phá, cũng bùi ngùi ghi lại kỷ niệm buồn trong chuyến du ngoạn. Nỗi niềm người mua hàng Trung Quốc ở chợ biên giới. Vali samsonai sang trọng mua xong xách ra là vòng nhôm viền theo nắp vali bung ra, người bán sửa lại rồi dặn: đây là hàng Trung Quốc chứ không phải hàng Nhật nên đừng để vật nặng đè lên, có thể làm vali thủng, như vậy mua xách để tạo dáng, chứ không thể đựng đồ. “Mua pin tiểu Baomapai 60 viên chỉ 8000đ định định dùng cho 1 quý nào ngờ bỏ vô máy cassette  chạy chưa được 1 mặt băng thì pin hết hơi…Một hộp cắt móng tay hình cây đàn rất đẹp giá 25 000đ/lố rất đẹp mua về để biếu người thân bạn bè, vừa cắt thử móng tay thì đã gãy cán. Còn cái máy nghe băng mua cho đứa con để học Anh văn giá 50000đ/cái. Bỏ băng vào chỉ kêu lạch cạch. Thì ra người Trung Quốc nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng thích hào nhoáng giá rẻ và căn cứ vào đó mà sản xuất” . “Thế nên chúng ta mua hàng nội hóa có thương hiệu khi hư hỏng còn có nơi khiếu nại, còn mua hàng ngoại quốc kiểu này chỉ cốt để “ học khôn”. Đúng là một bài học của chợ đời, một kinh nghiệm bổ ích. Xin cảm ơn tác giả!
Nỗi niềm tiểu thương cũng được hai nhà báo ghi lại. Qua câu chuyện với 2 nhà báo, các tiểu thương cũng chia sẻ tâm tình, nỗi vất vả đa đoan của nghề nghiệp. “Đôi khi phải bán chịu, cứ 10 triệu tiền hàng chỉ thu về 2-3 triệu tiền mặt, bán như thế không lấy gì làm phấn khởi nhưng mình không bán, người khác bán chẳng lẽ lại ngồi chơi. Thế là lao vào cuộc bán buôn chỉ trông chờ vào một chữ tín.” Nhưng cũng không phủ nhận ưu điểm của nghề nghiệp kinh doanh là tạo sự thông thương hàng hóa phục vụ tiêu dùng mà thu nhập cũng khá, lo được gia đình và nuôi dạy con cái học hành. Có người từ buôn bán nhỏ, gặp may cũng thành hiệu buôn lớn có nhiều chi nhánh, phất lên như diều gặp gió. Cũng mong sao các tiểu thương chân chính không ngừng trau dồi khả năng giao tiếp, giữ chữ tín, và thái độ phục vụ “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” hướng đến văn minh thương mại để thu hút và giữ chân khách hàng để việc bán buôn ngày càng phát triển thuận lợi.
4. Chợ là bộ mặt của địa phương… nên khi đến một vùng đất nào chúng ta chưa tới chợ thì sẽ rất thiếu sót, cảm giác như đánh mất một trải nghiệm rất thú vị. Chợ vùng nào cho thấy nét văn hóa vùng đó, đặc sản địa phương và những phong tục tập quán phần nào cũng bộc lộ nơi đây. Chợ cũng phản ánh tiềm lực kinh tế của địa phương. Mỗi chợ, mỗi vùng miền có những điều kỳ thú hấp dẫn riêng. Nên vì thế đi chợ là một thú vui. Mua sắm hay thưởng thức ẩm thực để hiểu thêm vẻ đẹp tình đất, tình người nơi đó, nó trở thành những kỷ niệm trong những chuyến du hí của chúng ta.
Kết thúc lời ngỏ tác giả chia sẻ: “Từ Đời chợ đến Chợ tỉnh, Chợ quê ghi chép lại được hơm 100 chợ, đối với chúng tôi chỉ là mới là bước khởi đầu cho những cuộc dạo chợ khắp Việt Nam”. Bởi vì: “Đi chợ ở Sài Gòn không biết mệt vì đến mỗi chợ là góp nhặt được được những điều thú vị. Nét đẹp của chợ Sài Gòn còn nhiều lắm để khám phá”.
Đọc hết Đời Chợ và Chợ tỉnh, Chợ quê chúng tôi như được trải nghiệm cùng 2 nhà báo về hơn 100 ngôi chợ, khu thương xá ở Sài Thành, vùng phụ cận và những địa phương khác. Những nơi mà các tác giả đã có dịp đặt chân tới đều để lại dấu ấn trong từng trang viết.
Sài Gòn, ngày 23.11.2021
HOÀNG THỊ BÍCH HÀ
 
Hà Nội, 21/8/2015 
Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...