"Ông hoàng truyện kinh dị Mỹ" và
cuốn hồi ký trải dài 4 thập
kỷ
Stephen King là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất nước Mỹ
với 55 đầu sách được xuất bản và 350 triệu bản bán ra. Trong đó có cuốn sách từng
chuyển thể thành bộ phim kinh dị được đánh giá là “gây ảnh hưởng nhất mọi thời
đại”.
Tuy nhiên, khác với nhiều tác gia nổi tiếng khác, Stephen
King không viết hồi ký về mình, cũng không xuất bản những cuốn tiểu sử kể về cuộc
đời đầy màu sắc của bản thân mà lẳng lặng biến mình thành nhân vật chính trong
nhiều cuốn tiểu thuyết, khắc họa những ký ức thời thơ ấu, những đau khổ trong
cuộc đời, những lỗi lầm ông muốn rũ bỏ, những biến động trong xã hội Mỹ qua những
nhân tố yêu ma quỷ quái không có thật và những tội ác quái gở.
Stephen King hấp dẫn người đọc bởi những nhân vật kinh dị
nhưng được viết bằng những lo lắng chân thật của trái tim con người.
1. Stephen King sinh năm 1947 tại Portland Maine, Mỹ.
Cha của ông bỏ rơi vợ con vào năm 1949, và King được nuôi lớn bởi người mẹ tần
tảo. Cậu học sinh Stephen bắt đầu viết truyện ngắn và các bài báo châm biếm từ
khi còn học trung học phổ thông, cho đến khi tốt nghiệp cử nhân ngành Ngôn ngữ
Anh tại Đại học Main năm 1970. Stephen trở thành giáo viên môn tiếng Anh, đúng
nghề được đào tạo nhưng vẫn ôm giấc mộng văn chương.
16 năm sau, tác phẩm đầu tiên của “ông hoàng kinh dị” tương
lai ra mắt vào năm 1967 với tên gọi “The Glass Floor”, được đăng tải trên tạp
chí Startling Mystery Stories. Thời kỳ ấy, văn chương với ông không chỉ là giấc
mộng mà là áo cơm. Để kiếm sống, nhà văn vừa phải đi dạy, vừa phải viết truyện
tình cảm ba xu để đăng lên các tạp chí dành cho người trưởng thành như Playboy
và Hustler. Cố gắng của Stephen King đã được đền đáp khi nhà xuất bản Signet
mua bản quyền cuốn tiểu thuyết đầu tay “Carrie” của King với giá 400,000 USD.
Cuốn tiểu thuyết kể về một cô gái lập dị bị bắt nạt ở trường học và bị hành hạ
bởi người mẹ cuồng tín ở nhà đột nhiên phát hiện ra mình có siêu năng lực và
quyết định trả thù tất cả những người đã làm mình đau khổ nhanh chóng được dựng
thành phim năm 1976, thu về 33,8 triệu USD với mức vốn ít ỏi 1,8 triệu USD và
trở thành một bộ phim kinh dị huyền thoại. Tính đến ngày hôm nay, Stephen King
là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất nước Mỹ với 55 đầu sách được xuất bản
và 350 triệu bản bán ra.Nhà văn Stephen King cùng vợ và con.Sự nghiệp dài lâu và khả năng sáng tạo phi thường của Stephen
King đã khiến nhiều độc giả tò mò về quá trình lên ý tưởng, phong cách làm việc
và lý do sáng tác của ông. Bản thân King là một nhà văn có lối làm việc quy củ
và chăm chỉ, đến mức kể cả khi ông không nghĩ được ra nhiều thứ để viết, ông vẫn
cố gắng viết 2.000 chữ hằng ngày: “Tôi muốn viết 10 trang mỗi ngày, tức là khoảng
2.000 từ. Vậy là trong 3 tháng tôi sẽ viết được 180.000 từ, gọi là vừa đủ để
thành một quyển sách. Có những ngày tôi có thể viết 10 trang một cách dễ dàng
và đến buổi trưa là tôi đã có thể đứng dậy làm việc vặt, nhưng cũng có những
ngày tôi ngồi đến tận 3 giờ chiều mà vẫn chưa hoàn thành định mức.” Hàng ngày,
nhà văn sẽ thức dậy sớm, đi bộ 5km để thư giãn đầu óc, sau đó về nhà đọc lại
trang sách cuối cùng mà ông viết hôm trước, rồi tiếp tục viết đến trưa và dành
cả buổi chiều để biên tập. Sự nghiêm khắc này có thể lý giải cho khối lượng tác
phẩm khổng lồ của ông hoàng kinh dị; ông tin rằng bản thảo đầu tiên của một quyển
tiểu thuyết cần được hoàn thành trong 3 tháng, nếu không thì cả nhân vật lẫn cốt
truyện sẽ trở nên nhạt nhẽo. Ở tuổi 73, nhà văn thú nhận rằng mình không thể viết
nhiều và nhanh như thế nữa, nhưng ông khẳng định rằng đây chính là bí kíp thành
công của mình.
2. Thế nhưng, đối với độc giả, điều khiến tác phẩm
Stephen King nổi bật trong mắt họ chính là cách ông đưa chính con người và cuộc
sống của mình vào trong những câu chuyện. Nhà văn không viết hồi kí về mình,
cũng không xuất bản những cuốn tiểu sử kể về cuộc đời đầy màu sắc của bản thân
mà lẳng lặng biến mình thành nhân vật chính trong nhiều cuốn tiểu thuyết, khắc
họa những kí ức thời thơ ấu, những đau khổ trong cuộc đời, những lỗi lầm ông muốn
chối bỏ, những biến động trong xã hội Mỹ qua yêu ma quỷ quái không có thật và
những tội ác quái gở.
Tiểu thuyết đầu tiên của King, “Carrie” – kể về một cô gái có
siêu năng lực.
“Salem’s Lot” – câu chuyện về đàn ma cà rồng thống trị một thị
trấn nhỏ, bắt nguồn từ niềm yêu thích của tác giả dành cho những tiểu thuyết
kinh dị mà cậu bé Stephen tìm thấy trong thùng đồ của cha mình, đặc biệt là các
tác phẩm của bậc thầy H.P. Lovecraft, và cả những cuốn truyện rẻ tiền cùng những
bộ phim kinh dị thế kỉ 20.
King từng thừa nhận hồi nhỏ ông rất thích bị dọa ma, và điều
này đã định hình nhiều tác phẩm của ông trong giai đoạn đầu sáng tác. Trên thực
tế, sở thích có phần kì dị này của nhà văn vẫn có ảnh hưởng lớn đến những tiểu
thuyết trinh thám ông viết sau này, như “The Colorado Kid” (2005) và “Joyland”
(2013), bằng chứng là cả hai đều cố tình đề cập đến những truyện trinh thám ba
xu King từng đọc, được in bởi những nhà xuất bản nhỏ và bìa được vẽ giống như
những cuốn sách xuất bản trong thập niên 1950. Nhiều nhà phê bình nhận định,
King đã hấp thu và tái hiện cả một nền văn hoá ông từng trải nghiệm những năm
tháng thiếu thời qua những tác phẩm này.
Môi trường sống của nhà văn và cuộc sống cá nhân của ông bắt
đầu tìm đường len lỏi vào các tác phẩm từ cuối thập niên 1970, khi Stephen King
bắt đầu nghiện chất kích thích. Đầu tiên, ông nghiện rượu sau khi trở nên thành
công và phải chịu sức ép khủng khiếp từ các nhà xuất bản, độc giả và cả chính bản
thân mình. Nhà văn nhận ra mình là một “con sâu rượu” sau khi hoàn thành tác phẩm
“The Shining” kể về một nhà biên kịch tên Jack Torrence nghiện rượu, hóa điên
vì những hồn ma bóng quế trong ngôi biệt thự chìm dưới tuyết và rắp tâm hạ sát
vợ con mình. Với Stephen King, Jack trong “The Shining” chính là ông, chứng
nghiện rượu và cơn cuồng sát của nhân vật cũng chính là ác quỷ trong ông. Xuyên
suốt sự nghiệp của mình, nhà văn đã nhiều lần viết về chính bản thân nhưng “The
Shining” chính là nỗ lực chân thật nhất của ông để “trừ tà” con quỷ rượu chè.
Tuy “The Shining” trở thành một quyển sách cực kỳ thành công
và được chuyển thể thành một trong những bộ phim kinh dị gây ảnh hưởng nhất mọi
thời đại, nỗ lực “trừ tà” của ông hoàng kinh dị đã thất bại thảm hại, thậm chí
ông còn nghiện thêm nhiều chất kích thích khác, bao gồm cả cocaine. Cho dù 10
năm sau, ông đã cai nghiện nhưng ma tuý bắt đầu xuất hiện đầy rẫy trong các tác
phẩm của nhà văn. Đã rất nhiều lần King thú nhận bản thân đã không nhận thức được
tầm nghiêm trọng của vấn đề và ông đã để ma túy điều khiển tác phẩm của mình:
“Một phần trong tôi vẫn viết truyện, nhưng đồng thời cũng nhận ra rằng tôi là một
con nghiện, và tôi bắt đầu kêu cứu bằng cách duy nhất tôi biết: qua những câu
chuyện kể và những con quái vật tôi sáng tạo ra”.
Những tác phẩm của ông ở giai đoạn này đều khắc họa rất rõ những
khó khăn của tác giả. Đầu tiên, cuốn “The Tommyknockers” kể về một nhóm người
ngoài hành tinh ban cho con người sự thông tuệ tuyệt đối và nguồn năng lượng dồi
dào, nhưng con người sẽ phải trả giá bằng chính linh hồn mình – giống hệt như
khi sử dụng ma túy. “Cujo” kể về một con chó khổng lồ cố sức ăn thịt hai mẹ con
kẹt trong xe ô tô – biểu trưng cho chứng nghiện ngập của King và những tổn
thương ông gây ra cho vợ con. “Misery” – tác phẩm đã đưa sự nghiệp của Kinh lên
đỉnh cao mới – kể về nữ y tá Annie Wilkes bắt cóc một nhà văn mà ả hâm mộ đến mức
bệnh hoạn và ép ông viết lại tiểu thuyết theo ý ả. Với King, tác phẩm này là một
cú chuyển mình trong cả phong cách viết lẫn quá trình cai nghiện của ông: “Tôi
nghĩ, “Misery” là một tác phẩm về cocain. Annie Wilkes là cocain và cô ả là người
hâm mộ số một của tôi.”
3. King đã cai nhiện thành công vào năm 1987, ngay sau
khi “Misery” được xuất bản và từ đó trở đi, các nhân vật của ông cũng thay đổi
và họ đại diện cho hành trình hồi phục của ông: nhân vật chính trong “Doctor
Sleep” là một con nghiện rượu đang dần cai, còn nhân vật chính trong “Revival”
là một tên nghiện heroin. Rõ ràng là tác phẩm của King chịu ảnh hưởng của bối cảnh
và trải nghiệm trong đời ông, và những con quỷ dữ ông viết về không chỉ là sản
phẩm của trí tưởng tượng của ông mà còn là những bóng ma ám ảnh con tim ông. Những
lần xuất hiện đáng chú ý khác của ông trong những quyển sách của mình bao gồm
nhà văn Ben Mears trong “Salem’s Lot”, tác giả truyện kinh dị Bill Denborough
trong “IT”, nhà văn Mike Noonan trong “Bag of Bones”, và Scott Landon trong
“Lisey’s Story”.
Tuy nhiên, nhà văn tài hoa không chỉ viết về những trải nghiệm
cá nhân của ông mà còn về xã hội Mỹ ông đang sống. Qua nhiều thập kỉ, xã hội Mỹ
đã trải qua nhiều đổi thay, nhưng tác phẩm của ông vẫn bắt kịp với mọi biến động
và luôn thật tươi mới với người đọc. Với những độc giả nước ngoài, các trang
văn của King đại diện cho chính nước Mỹ xa xôi và có thể quyết định mức độ thấu
cảm của họ dành cho xứ cờ hoa. Stephen King có khả năng thấu hiểu người dân Mỹ,
và nhà phê bình Walter Mosely đã khen ngợi tài năng này của King khi trao cho
ông giải thưởng Tác phẩm Quốc gia năm 2003: “King có sự hiểu biết tự nhiên như
một thứ bản năng về nỗi sợ trong tâm khảm tầng lớp lao động ở Mỹ.” Tony
Magistrale đã đưa ra một nhận định rất chính xác về nhà văn và các tác phẩm của
ông: “Sách của King hấp dẫn người đọc bằng ma cà rồng và yêu quái, nhưng trái
tim của các tác phẩm của ông chính là nỗi lo lắng rất chân thật trong đời sống
người dân Mỹ.”
Bộ “hồi ký” khổng lồ kéo dài hàng chục năm xuyên suốt rất nhiều
tác phẩm của King đã có một cái kết đẹp. Ông xuất hiện trong phần “Susannah’s
Story” của bộ truyện “The Dark Tower” và lần này, ông đã không còn giấu mình dưới
những cái tên giả, che đậy nỗi đau bằng những con yêu quái, mà thay vào đó đã
ra mặt trong tác phẩm dưới tên thật của mình, Stephen King. Trong cuốn truyện
này, ông không phải là một nhà văn nghiện ngập, mà là vị thần sáng tạo đầy quyền
năng, người khai sinh ra vũ trụ và tất cả các nhân vật trong truyện. Quan trọng
nhất, Stephen King trong “The Dark Tower” đã không còn đau khổ, dằn vặt, bị xô
đi đẩy lại bởi cuộc đời mà đã nắm trong tay trọn vẹn quyền chủ động quyết định
tất cả.
25/8/2022 Huyền Thi
25/8/2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét