Rừng xanh mưa
của Nguyễn Thanh Lâm
Tập thơ Rừng xanh mưa của Nguyễn Thanh Lâm,
NXB Hội Nhà văn, 2018
Huyền ảo những cơn mưa
Đây là tập thơ mới nhất của nhà thơ Nguyễn Thanh
Lâm. Tập thơ dày 150 trang, gồm 71 bài, được viết trong khoảng vài ba năm trở lại
đây…
Bài thơ “Rừng xanh mưa” ở cuối tập, được tác giả lấy làm tên
chung cho cả tập. Nghĩa là có rất nhiều mưa rải rác trong cả tập, nhưng lạ
thay, chỉ có mỗi bài thơ “Rừng xanh mưa” chuyên chú tả những cơn mưa rừng, hoặc
giả như có vẻ là mưa rừng, còn thì rất nhiều mưa biển, mưa lòng, mưa ở khắp nơi
trong cõi người và cõi mộng. Mưa ảo mưa thực trộn lẫn vào nhau, dan díu với
nhau, hòa âm hòa sắc với nhau, vang lên những tiếng mưa hữu hình và vô hình, hữu
thanh và vô thanh, dường như miên man bất tận…
Đây nhé! “Gặp mưa” (tr.13), “Biển sau mưa” (tr.14), “Biển lại
mưa” (tr.16), “Biển Hồ chiều mưa ” (tr. 96), rồi thì “Rừng xanh mưa”… Và còn biết
bao những chữ mưa rả rích trong suốt cả tập thơ, kể cả những hạt mưa bong bóng
và vang bóng.
Mưa đến
Và mưa đi
Sóng biển vẫn mải mê trôi đến vô cùng
Cõi vĩnh hằng xa xăm
Thời gian giới hạn đời người
Cầm cố giấc mơ
Tôi hằng mơ những giấc mơ trong đời chật chội…
(Đức tin)
Hình dung thấy khá rõ ba mảng thơ được tác giả thể hiện trong
tập này. Mảng thơ viết trong thời gian 15 ngày ở Nhà sáng tác Vũng Tàu, tập
trung ở những cảm xúc, những suy tư từ biển, về biển. Mảng thơ thứ hai được
Nguyễn Thanh Lâm viết khi anh cùng bạn bè lần đầu tiên ra thăm Côn Đảo, thăm đất
nước Chùa Tháp láng giềng từng một thời chồng chất khổ đau và kiêu hãnh vì những
vả tầng kiến trúc, văn hóa sâu dày, để đối diện với lịch sử, đối diện với quá
khứ đã xa và chưa xa, để tự nhận thức, tự tỉnh thức, tự phản tỉnh, làm mới tư
duy còn hạn chế của mình.
Mảng thơ viết gần đây nhất là thơ viết từ chính phòng văn của
tác giả tại Hà Nội. Cũng chỉ gọi là tương đối thế thôi, chứ không gian thơ là rộng
lớn, từ nhỏ đến lớn, biên độ thời gian dường như không có điểm dừng nhất định.
Tuy nhiên, cảm hứng bao trùm của tập thơ vẫn lại là tình yêu với muôn vẻ sắc
màu chìm nổi.
Đây là nhận thức từ đôi mắt, về đôi mắt:
Cuộc đời xấu, đẹp, thiện, ác đan cài
Như âm trong dương, như dương trong âm
Hạnh phúc thay những người nhìn đời bằng con mắt đẹp
Đôi mắt của yêu thương-bản năng như nhiên
Sẽ có một ngày cái ác cái xấu hổ thẹn cúi đầu.
Và hơn thế:
Nhắm mắt nhìn vào lòng mình thấy tất cả hiện lên
Không khoảng cách
Không thời gian
Thấy ánh sáng giấc mơ dịu dàng
(Nhắm mắt II)
Nhắm mắt, nhưng mà lòng thì mở mắt, để suy tư về biển, về lằn
ranh phân định lãnh hải các quốc gia, về “lằn ranh của cái ác và cái thiện”, của
“tình yêu và vô cảm”, về lòng tham vô đáy của con người, về cõi người khó hiểu
và thật dễ hiểu. Thi nhân mơ ước một thế giới trong hòa bình:
Trái đất ôm biển trong vòng tay lớn
Ta mong con người điệp trùng nối những vòng tay!
Và gần hơn, thực tiễn và hiện hữu không bình yên của biển.
Con người ở nơi này nơi khác vẫn chưa phải là con người hoàn hảo. Và có lẽ cũng
không bao giờ có sự hoàn hảo. Tham lam và độc ác vẫn còn đang lấp ló, đang ngự
trị khắp đó đây. Thi nhân, trở về từ những giấc mơ nhân văn, từ khát vọng hòa
bình, lòng lại chợt vấn vương với liên tưởng gần gũi:
Giật mình, xót xa đọc ĐÁM CƯỚI MỘT LINH HỒN
Biết bao lứa đôi yêu nhau trong chiến tranh
Khi thời bình người yêu đã gửi xác thân và linh hồn trong
lòng biển
Họ thắp hương, thả hoa trên biển
Cưới linh hồn…
Một chủ đề có thể nói là quen thuộc, bao trùm và nổi bật
trong tập “Rừng xanh mưa” chính là tình yêu. Tình yêu với thiên nhiên, với con
người đôi khi ở cấp độ nhân loại, nhưng gần gũi hơn và đậm đặc, dễ thương hơn
là tình yêu lứa đôi, nồng ấm mùi hương bản thể.
Nửa tháng ở Vũng Tàu, Nguyễn Thanh Lâm thường ngày vẫn ra ngắm
biển. Ngắm biển, chẳng những là để thưởng lãm vẻ đẹp bao la của biển cả nước
xanh như ngọc bích, mà còn là để suy tư về thiên nhiên, về lẽ đời, về cõi siêu
hình.
Cái khác biệt của thi nhân với người thường chính là ở cấp độ
thứ hai, ở cấp độ suy ngẫm về biển cả: “Biển ở lòng tôi/ Biển ở thơ tôi/ Thơ
tôi viết về biển thế nào do tôi định đoạt/ Đâu ngờ/ Có lúc biển định đoạt thơ
tôi/ Mai xa/ Trong mắt của thời gian và mắt cuộc đời/ Tôi và biển sẽ mang số phận
khác/ Có thể sẽ trôi vào quên lãng/ Có thể rưng rưng vô bến bờ đời/ Nhưng tôi sống
cho hôm nay, giây phút này/ Biển và tôi”.
Trong thơ ở đây có biển không mưa. Có biển trong mưa. Và cũng
có biển sau mưa:
Sau cơn mưa
Biển trở lại tuổi thơ
Như cô gái mới vào chùa chưa xuống tóc
Hồn nhiên tóc gió vẫy mây
Mắt biển ngây thơ
Nhìn nhà thơ với ánh mắt đời trần
Nắng bản năng thiếu nữ
Nhịp thở êm ru song
Hương trinh nữ lặng thầm…
Với Nguyễn Thanh Lâm, biển cả hiện lên trong nhiều chiều
kích, nhiều sắc màu tâm tưởng. Có khi thi nhân thấy biển lãng đãng màu Thiền,
có khi xinh đẹp mộng mơ như một trinh nữ, hoặc như một thiếu nữ mới vào chùa nhưng
chưa xuống tóc… Ít thấy cái dữ dằn bão tố, nhưng thấy sự cuồn cuộn trong đáy ngầm
của những suy tư triết học, ngổn ngang bề bộn, đôi khi là sự lẫn lộn dường như
không thể phân định rạch ròi giữa nhận thức thẩm mĩ và minh triết nhân văn.
Biển chưa im lặng bao giờ
Suốt đời quằn quại song
Cả đời mặn nước mắt khổ đau
Mưa trời không thể bão hòa vị mặn.
Biển Thiền trong động chăng
Sóng gió, vị mặn là bản thể bản năng
Trời sinh ra thế
Như thơ sinh ra từ tình yêu và nỗi khổ con người
…
Tôi nhìn vào lòng mình thấy biển
Nước mắt chảy vào trong mặn cõi người.
Thi sĩ Nguyễn Thanh Lâm là con người của tình yêu, của sự đa
cảm, đa tình. Các thi nhân thường vẫn thế. Yêu cái đẹp vĩnh cửu và cả cái đẹp
nhất thời. Đôi khi là cả tình yêu trong ảo vọng. Ảo vọng nhưng mà lấp lánh cả một
niềm hy vọng chói chang.
Các người đẹp, các đôi mắt của đàn bà trên thế giới facebook,
vừa xa vừa gần, đều có cả. “Đã gặp nhau đâu/ Chỉ biết nhau trên facebook/ Tôi vẫn
viết những dòng cảm xúc/ Lang thang trong vô tận tìm người/ Tìm em/ Tìm tình
yêu/ Khi mắt tôi dõi tìm/ Cuốn sách đời/ Cuốn sách cuộc sống tôi tìm được/ Là
đôi mắt em nhấp nháy trên trời mây/ Và tôi đọc triền miên/ Những trang khổ đau
và ngời xanh mơ ước/ Nghìn đôi mắt cuộc đời…”.
Với đàn bà và thơ, thi nhân khẳng định:
Em đừng làm thơ
Em đẹp-em đã thơ rồi !
Lại còn triết luận như một triết nhân si tình:
Thơ hay là trời cho
Sắc đẹp cũng trời cho
Mĩ viện, thời trang, son phấn tạo vẻ đẹp giả mong chống lại
thời gian
…
Em đẹp, em đâu biết
Em là nắng lung linh trong đêm mộng của người yêu.
Nhưng tình yêu dù là keo sơn gắn bó chung tình, nó cũng đôi
khi dở chứng dở nết như thiên nhiên, như biển cả. Cái chuyện hay chuyện dở, hay
là chuyện lừa dối ái tình, cũng đều có cả, xưa nay đều có cả. “Tôi biết em lừa
dối tôi/ Tôi bằng lòng xem em lừa dối/ Bình thản như không biết/ Thơ bảo tôi hãy
dại ngây/ Tình yêu bảo tôi ngây dại/ Hoa tím rơi ngược lên cành/ Nhìn màu tím
thủy chung như ảo ảnh/ Tôi nhìn em như ảo/ Nhìn thật, em sẽ buồn hơn tôi”. Biện
minh, chứng minh rồi biện luận về một trong những sắc thái của tình yêu muôn
màu, đau trong mê muội, trong tỉnh táo phân minh.
“Rừng xanh mưa” là một tập thơ đáng đọc. Tuy nhiên, trong tập
còn một số bài tứ thơ còn lỏng, nhiều lời ít ý. Trong số những bài hay, theo
tôi, bài “Trăng ngày” viết về thi sĩ Hàn mặc Tử là đáng chú ý hơn cả. Hay cả về
ý về tình, đẹp trong ngôn ngữ biểu cảm, cấu tứ chặt chẽ.
Chỉ nơi đây trăng sáng giữa ban ngày
Trăng hòa trong nắng thu vàng óng
Người mặc áo trăng nằm dưới kia
Người ôm trăng ru trăng vào giấc mơ
…
Những giọt trăng đọng trong lá biếc
Ngập ngừng rơi xuống hồn tôi
Tôi hớp giọt trăng có vị thơ và máu
Máu cuồng say và thơ điên cuồng yêu
Chỉ nơi đây trăng sáng giữa ban ngày
Trăng chọn hồn thi nhân làm nơi trú ngụ
Tôi đứng trong không gian thơ bất tử
Chọn thơ là cõi đi… về!
Tập thơ có bài thể hiện quan niệm của tác giả về đổi mới thơ,
đổi mới chính bản thân nhà thơ. Tác giả cho rằng: “Xã hội rừng có luật chơi
riêng/ Thời gian không thay đổi luật chơi/ Nên tất cả chúng ta làm mới mình rất
khó/ Không mới, sẽ bị khuất chìm”.
Thì vưỡn! Nhưng đổi mới như thế nào, đó mới chính là vấn đề hết
sức khó khăn. Thế giới mở cửa, kinh tế hội nhập, nhưng văn hóa phương Đông
không thể là văn hóa phương Tây. Tìm hướng thể hiện mới cho thơ, trước hết và
căn cốt phải là đổi mới tư duy thơ, phải trên tinh thần tiếp thu tinh hoa của
thơ ca truyền thống…
Hà Nội, 3/2018
Vũ Bình Lục
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét