Thứ Ba, 3 tháng 1, 2023

"The Hole": Phép ẩn dụ cho một xã hội còn nhiều hạn chế

"The Hole": Phép ẩn dụ cho
một xã hội còn nhiều hạn chế

“The Hole” là một tác phẩm nghệ thuật đầy tính ẩn dụ, xây dựng nên một câu chuyện hấp dẫn về lỗ hổng, về những thiếu sót, cô lập, nhàm chán và quẩn quanh của con người trong cuộc sống đời thường. Cuốn sách của nhà văn Hiroko Oyamada do David Boyd chuyển ngữ từng đoạt giải Akutagawa, một giải thưởng văn học uy tín tại Nhật Bản.

Nhà văn Hiroko Oyamada.
Asahi là nhân vật chính và là người kể chuyện trong tiểu thuyết thưa thớt và đáng sợ của Hiroko Oyamada, bị bao trùm trong môi trường xung quanh cô. Đó là một mùa hè nóng bức. Những con ve sầu kêu to đến nỗi cô tự hỏi liệu một con ve có thực sự bị mắc kẹt bên trong cơ thể mình hay không. Chồng của Asahi – Muneaki chuyển đến làm việc tại một văn phòng cách không xa ngôi nhà thời thơ ấu của anh ở vùng nông thôn Nhật Bản. Cha mẹ anh có hai ngôi nhà trên mảnh đất của họ, một ngôi nhà ông bà cho hai vợ chồng anh thuê ở miễn phí. Asahi thôi công việc văn phòng của mình, tạm biệt bạn bè và trở thành một người nội trợ.
Không rõ vì lẽ gì mà Asahi không thể nhớ ngôi nhà thứ hai mà bố mẹ chồng cho vợ chồng cô ở đã từng tồn tại bao giờ, mặc dù cô đã đến thăm bố mẹ chồng trước đây. Cô cũng không thể nhớ được chồng mình làm nghề gì kiếm sống, hay công việc của mẹ chồng là gì. Thậm chí, Asahi không hề nhớ và miêu tả rõ ràng về công việc cũ của mình, ngoài việc nhớ rằng cô đã có các lịch trình làm việc tràn đầy năng lượng. Dường như có những lỗ hổng trong trí nhớ, trong những câu chuyện kể của mỗi nhân vật. “Có vẻ như mọi người không nhìn thấy những gì họ không muốn thấy,” một nhân vật trong tác phẩm nói.
Không con cái, không xe hơi và một người chồng hiếm khi xuất hiện trong suốt câu chuyện, ngày tháng của Asahi diễn ra hầu như trong trống rỗng và bơ phờ. Một ngày nọ, khi đang đi bộ đến cửa hàng tiện lợi làm việc vặt mẹ chồng giao, cô nhìn thấy một con vật lớn kì lạ màu đen, tò mò và không có việc gì khác, cô đã đi theo con đường nơi có con vật lạ đó, đi men tới bờ sông và rơi xuống một cái hố.
“Nó có lẽ sâu 4 hoặc 5 feet, nhưng tôi đã cố gắng tiếp đất bằng đôi chân của mình… Cố gắng di chuyển, tôi nhận ra cái hố thực sự hẹp đến mức nào. Nó gần như có cảm giác như thể cái lỗ đó chính xác là kích thước của tôi – một cái bẫy được tạo ra dành riêng cho tôi,” Asahi trầm ngâm. Rơi vào lỗ hổng là lần đầu tiên trong một chuỗi những trải nghiệm kì lạ đưa Asahi đi sâu hơn vào những bí ẩn của cảnh quan nông thôn đầy những nhân vật lập dị và những sinh vật không thể xác định, khiến cô đặt câu hỏi về vai trò của mình trong thế giới này…
Bìa cuốn tiểu thuyết của Hiroko Oyamada.
Bất cứ ai quen thuộc với Oyamada từ The Factory, tác phẩm đầu tiên được dịch sang tiếng Anh của cô, sẽ không ngạc nhiên bởi sự chuyển biến kì lạ này, cũng như cái cách mà người kể chuyện và nhân vật chính trong câu chuyện đối mặt với nó. Cách viết của Oyamada thường được mô tả là Kafkaesque (tính từ thể hiện cơn ác mộng của Kafka, kiểu Kafka). Tính từ này áp dụng chính xác cho The Hole. Ở Hóa thân của Kafka, có người đàn ông tên Gregor Samsa thức dậy vào buổi sáng và thấy mình biến thành một loài côn trùng khổng lồ, tình huống này gọi là Kafkaesque. Những gì Oyamada làm ở đây là, cô coi xã hội đã tạo ra một lỗ hổng – nhỏ bé và hết sức hạn hẹp và trước khi bạn biết được điều đó, bạn đã sa vào lỗ hổng đó và không thể thoát ra. Khu phố mà nhân vật chính Asahi sống đầy rẫy những lỗ hổng, nhưng chỉ có một trong số đó là “một cái bẫy dành riêng cho cô”.
The Hole nói lên hoàn cảnh của nhiều phụ nữ ở Nhật Bản. Hình ảnh của Asahi và “lỗ hổng” dành cho cô thể hiện những hạn chế của xã hội cũng như những áp lực và kì vọng của một xã hội đặt lên vai người phụ nữ. Những người hàng xóm gọi Asahi là “cô dâu”, để làm giảm sự tồn tại của cô ở tình trạng hôn nhân, mà không nhấn mạnh đến các vai trò khác trong gia đình, nhìn nhận khắc nghiệt về việc cô không có con. Trong những lần về nhà hiếm hoi, chồng cô dành hết thời gian với chiếc điện thoại hoặc phàn nàn về việc nấu nướng của cô. Mẹ chồng của cô, dù vẻ ngoài thân thiện và quan tâm đến cô, nhưng bên trong lại âm thầm thể hiện sự thống trị của mình với Asahi. Các mối quan hệ hiếm hoi mà Asahi có, đó là người cha đã già của chồng và anh rể của cô, một người tự nhận mình là người tốt, dành nhiều thời gian sống trong nhà kho của khu vườn nhà, không bao giờ được mọi người gia đình nhắc tới.
Oyamada đã rất tài tình khi biến những chi tiết vụn vặt, những quẩn quanh của cuộc sống đời thường thành một tác phẩm nghệ thuật đầy tính ẩn dụ. Cô xây dựng nên một câu chuyện hấp dẫn về sự lỗ hổng, sự thiếu sót và cô lập. Tuy nhiên, lỗ hổng ở đây không phải là sự vắng mặt là là những gì không sờ thấy được. Giống như đó là một tiếng vọng, là một bóng ma, một dấu hiệu cho thấy những gì đã xảy ra trước đó và những gì sắp xảy ra. Khai thác nỗi kinh hoàng trong dự đoán của sự biến chất là tính tất yêu để xác định chúng ta là ai và chúng ta nhất định trở thành ai. The Hole là bước đệm của một nhà văn đã luyện tập, đã sẵn sàng và chuẩn bị cho những điều thực sự sâu sắc.

27/1/2021
Bình Nguyên
Nguồn: Văn nghệ quân đội
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  “Mắt trong” và hành trình Nghĩ, Tìm, Lặng Bùi Việt Phương là tác giả sinh ra ở miền núi nhưng phần lớn thời gian công tác và làm việc ở ...