Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Thi sĩ Phạm Hầu và lời tỏ tình trên lá cây

Thi sĩ Phạm Hầu và
lời tỏ tình trên lá cây

Trong số những gương mặt thi sĩ được Hoài Thanh tuyển chọn trong Thi nhân Việt Nam, tên tuổi Phạm Hầu vụt sáng như tia chớp của một ngôi sao bay ngang bầu trời Thơ Mới.
Nhà phê bình Hoài Thanh đã dành cho ông những lời nhận xét thật trân trọng và xác đáng: “Ở đời, có những người nói to bước vững, Phạm Hầu quyết không phải trong hạng ấy. Ở giữa đời, Phạm Hầu là một cái bóng, chân đi không để dấu trên đường đi. Người còn mải sống với mình và con người ta tưởng không có gì là một người giàu vô vạn. Lòng người là một Vọng Hải đài…”.
Thi sĩ Phạm Hầu
Phạm Hầu sinh năm 1920, mất năm 1944. Ông là con tiến sĩ Phạm Liệu từng làm quan Thượng thư dưới triều Nguyễn, một trong “ngũ phụng tề phi” xứ Quảng, quê gốc ở Điện Bàn, Quảng Nam. Trong cuộc đời ngắn ngủi, chỉ với 24 năm hiện diện trên dương thế, thi nhân đã để lại cho đời một gia tài thơ không lớn nhưng có những bài khá đặc sắc. Đặc biệt bài Vọng Hải đài đã in một dấu ấn đậm nét trong lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại. Hai câu kết của bài thơ:
Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
Chẳng biết xa lòng có những ai?
Đã thành “câu hỏi lớn không lời đáp” ám ảnh bao thế hệ người đọc. Cảm giác vũ trụ mênh mang vẫy tay ngoài vô tận khi đứng trên đài cao Vọng Hải vừa thể hiện khí phách cao ngạo vừa cho thấy nỗi cô đơn sâu thẳm của tâm hồn thi nhân. Cần lưu ý xa lòng ở đây phải theo cách hiểu của người miền Trung: có nghĩa người một lòng với mình mà phải xa cách, chứ không phải theo cách hiểu thông thường: cách mặt xa lòng. Những câu hay của thơ Phạm Hầu lúc nào cũng đau đáu một nỗi cô đơn không người chia sẻ:
Tôi theo tư tưởng vô cùng tận
Chỉ gặp vô cùng nỗi quạnh hiu
Sáng sớm rạng đông, chiều chạng vạng
Những giờ mới lạ có bao nhiêu?
Và nỗi cô đơn dằng dặc ấy lại càng trở nên day dứt hơn khi trong cuộc đời mình thi sĩ đã ôm ấp một tình yêu đơn phương, si mê thầm lặng. Xung quanh mối tình này đã có bao nhiêu huyền thoại với những câu chuyện thực hư lẫn lộn đan xen nhau.
Vọng Hải đài trên núi Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Ảnh: LG
Nhân vật chính của thiên tình sử này là một cô gái thuộc dòng dõi hoàng tộc trạc tuổi với thi sĩ Phạm Hầu, tên là Tôn Nữ Lệ Minh (tên gọi ở nhà là Mừng). Lệ Minh được nhiều người ngưỡng mộ vì có tài đánh đàn tranh, ngâm thơ hay và rất xinh đẹp, được coi là hoa khôi của cố đô Huế thời đó. Cha cô là một nghệ sĩ nổi tiếng.
Hai cha con Lệ Minh đã từng được vào dinh quan, phủ chúa dạy đàn cho con cái những người quý tộc. Cô đã trở thành “người tình trong mộng” của biết bao là tao nhân mặc khách. Và Phạm Hầu đã dành cho cô một mối tình thiên thu vô tận.
Phạm Hầu biết Lệ Minh từ khi chàng là học trò trường Quốc học Huế còn nàng là nữ sinh trường Đồng Khánh. Lệ Minh còn là bạn của em gái Phạm Hầu. Thuở đó, mỗi lần Lệ Minh đi ra đường, lập tức xuất hiện một chiếc bóng theo sau, giữ một khoảng cách nhất định, vừa như sợ người đi trước phát hiện, vừa mong muốn người đó biết được tình cảm của mình.
Mối tình si thầm lặng cứ tiếp diễn mãi, kể cả sau này khi Phạm Hầu đã ra Hà Nội học trường Mỹ thuật. Mỗi kỳ nghỉ hè về Huế, Phạm Hầu lại tìm đến nhà Lệ Minh để được nhìn ngắm dung nhan người mình yêu dấu.
Mỗi buổi sáng cô ra quét ngõ, quét đường, cây lá quanh nhà cứ như reo lên chào đón người đẹp. Và kỳ lạ thay, ở trên tất cả các lá cây ngang với tầm tay có thể vít xuống được đều lấp loáng hàng chữ: Tôi yêu Mừng, Tôi yêu Mừng. Chẳng khó khăn gì để đoán biết tác giả của những lời tỏ tình trên lá đó chính là thi sĩ lãng mạn và tài hoa Phạm Hầu.
Căn cứ vào lời nhận xét của Hoài Thanh khi ông đọc những bài thơ chép tay của Phạm Hầu thì chắc hẳn đó là “những chữ mảnh khảnh, nhỏ nét, nằm trên trang giấy (trên lá?) như còn e thẹn, ngập ngừng. Lối chữ này đã giúp tôi hiểu Phạm Hầu hơn”.
Và cách tỏ tình độc đáo, khác lạ này cũng giúp chúng ta hiểu hơn tấm tình tha thiết đến si dại của thi nhân. Tôi cứ tin rằng hình bóng của nàng Tôn Nữ chính là nguồn cảm hứng vô tận để thi sĩ sáng tạo ra những bài thơ, câu thơ ghim được vào tâm trí người đọc:
Ngập ngừng ai vẫn qua êm nhẹ      
Một cái nhìn hương, chỉ thế thôi!
Một cái nhìn hương – hình như trong thơ lãng mạn Việt Nam chưa ai viết thế. Hương thơm từ một ánh nhìn, hay cái nhìn của người đẹp như một làn hương thoảng nhẹ?
Chính thi sĩ đã “thú nhận” với người đời việc làm khác lạ đó của mình:
Cái cây thi sĩ vô tình đã
Biên những dòng thơ lá bẽ bàng
Thẫn thờ lá trúc rưng rưng lệ
Như mắt đa tình lúc tiễn đưa.
Và đây nữa:
Tình tôi chót vót tựa non cao
Chỉ biết mình tôi thương nhớ thôi
Không cần ai phải nhớ thương tôi.
Bà Tôn Nữ Lệ Minh và con trai Lưu Trọng Văn 
bên mộ Phạm Hầu ở Huế, năm 1997
Mối tình câm đã trở thành một nỗi đau không dễ nguôi quên “Ngày một ngày hai thấm từng nét người yêu vào hồn mình. Hình ảnh thấm sâu đã thành sự sống. Để cho vơi nỗi đau, Hầu tránh mọi con đường ngày thường qua lại, Hầu tránh Bến Ngự, Hầu tránh cả Huế, Hầu ra Hà Nội ở một gác ba phố Săng-om, trên gác nhỏ, la liệt những bức tranh phác họa… Những gì Hầu đã vẽ và viết cho Mừng, Mừng không hề biết đó là một người đã vẽ, đã viết, đã mơ về Mừng” (Theo Hồi ký Lưu Trọng Lư).
Nhưng thật đúng là “trớ trêu chi thế ôi tình yêu”, thi nhân yêu si mê, đắm đuối đến như vậy nhưng không được người đẹp đền đáp. Nàng lại trao gửi tình yêu và cuộc đời mình vào một thi nhân khác. Thời gian sau cô Lệ Minh đã trở thành bà Lưu Trọng Lư.
Như một sự run rủi của số phận, có thời gian Lưu trọng Lư ở trọ cùng nhà với Phạm Hầu ở Hà Nội. Phạm Hầu còn vẽ một bức tranh nai minh họa cho tập thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư. Có đôi lần nhà thơ đã kể cho Phạm Hầu nghe về cô cháu gái “họ xa” ở Huế.
Lưu Trọng Lư đã nói về Phạm Hầu với tình cảm thân thương, đầy trìu mến “Anh lành lắm, chỉ nhìn mà ít nói… chỉ biết thương yêu, nhường nhịn giúp ích cho đời, đúng là một con nai nhỏ của tôi. Trong con nai thu của tôi, không phải chỉ có cái ngơ ngác của tôi mà thôi. Anh Hầu còn dại khờ đáng yêu hơn cả thơ và tranh của anh. Tình thương của anh nhẹ nhàng kín đáo lắm, không để ý không thấy, dễ tưởng như phơn phớt vô tình. Anh ở bên tôi lâu ngày, lúc anh đi nơi khác tôi mới cảm thấy được sự trống rỗng anh để lại bên tôi. Tôi nhớ thương anh hơn ruột thịt” (Trích hồi ký Nửa đêm sực tỉnh).
Con người Phạm Hầu được các nhà Thơ Mới kể lại khá thống nhất. Theo đó ông là một người sống lặng lẽ, nhu mì. Với 24 năm ngắn ngủi trên dương thế, ông chỉ kịp để lại cho đời 26 bài thơ (do Hoàng Minh Nhân sưu tầm được, gồm cả 6 bài in trên các báo, tạp chí Tao đàn, Thanh niên, Bạn đường… trước Cách mạng). Những bài thơ của Phạm Hầu in dấu một nỗi cô đơn thường trực trong tâm hồn (Vọng lâu, Riêng Tây). Tình yêu trong thơ ông cũng chỉ là những thoáng mộng mơ trong tâm tưởng (Mộng cù lao, Sầu thương).
Thế giới nghệ thuật trong thơ ông mang một vẻ riêng không dễ lẫn, vừa mong manh hư ảo, siêu thực (Ai về lướt thướt trong đêm trắng), vừa dữ dội và quyết liệt (Trong đầy ải mình trần tê ngọn lửa/ Tiệc chim bằng rỉa rói một lòng đơn).
Cùng là thi nhân nên họ dễ có tâm hồn đồng điệu. Lưu Trọng Lư thấu hiểu tình yêu của thi sĩ Phạm Hầu đã dành cho Lệ Minh. “Duyên trăm năm dứt đoạn – tình một thuở còn hương”, về phần mình, bà Lệ Minh cũng rất trân trọng tình cảm sâu nặng ấy.
Ngôi mộ của thi sĩ Phạm Hầu nằm ở chùa Vạn Phước (Trường An, Huế) là một nơi chốn tâm linh của cõi lòng bà. Trong thời gian yêu thương rồi khi đã trở thành vợ nhà thơ Lưu Trọng Lư, mỗi khi có điều kiện, bà lại cùng chồng đi viếng mộ nhà thơ.
Trước khi từ giã cõi đời một năm – năm 1997, bà đã cùng con trai là nhà báo Lưu Trọng Văn đến viếng thăm ông lần cuối. Trong mắt thi nhân, hình ảnh người tình trong mộng tưởng của ông mãi mãi thanh xuân như thuở đầu đời, thuở nàng xao xuyến, bồi hồi đọc những lời tỏ tình được ông viết trên lá cây.
21/7/2020
Lưu Khánh Thơ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thẻ nhớ vô tri

Thẻ nhớ vô tri Anh bạn thẻ nhớ từ ngày mua về đến giờ, cứ bị nhốt suốt trong máy ảnh, hôm nay mới được ra ngoài, tung tảy, tự mình nhìn ng...