Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

Thiền tâm trong "Ba khúc ru của gió" của Hoàng Vũ Thuật

Thiền tâm trong "Ba khúc ru
của gió" của Hoàng Vũ Thuật

Ngọn gió đi qua ba miền sáng tối: vũ trụ, cõi thiền và em, đậu xuống “khúc ru” của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật tạo nên những cơn địa chấn ngôn ngữ. Tôi bị ông dẫn dụ theo những cơn gió trong “Ba khúc ru của gió”…
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật
BA – KHÚC – RU – CỦA – GIÓ
 
1.
Mảnh thủy tinh long lanh
cứa vào trang sách giấy dó cổ xưa
yên nghỉ trong thư viện lẻ
những chiếc đèn thắm hồng đang treo trước cửa đình
 
như làn mưa quyến rũ
như tảng khói đam mê
như khúc gió quay về
 
búp sen nở trên đài sen trắng
khuôn ánh sáng thanh bạch bước lên thềm nhà
không cần thời trang
vũ nữ Apsara giáng thế
 
2.
Cơn giông ru đất đai
để lại đôi lúm đồng tiền nóng hổi trên da thịt bầu trời
thắp đỏ hàng cây
phô bày pho tượng lá
tà áo tuyết mềm vắt lưng núi xa
 
hiện hữu cùng vầng trăng ban ngày
gió che nửa gương mặt
cánh lông vũ
giúp anh tìm lại chiếc lưỡi mềm tuổi thơ hóa thạch
 
hỡi sự hoàn hảo
anh tin một lần đỗ vỡ mới biết sức mạnh vĩnh hằng
biết đêm sẽ bào thai bình minh
rạng đông xòe mười ngón
 
3.
Anh yêu nét cuồng thảo trên tấm voan cóng lạnh
yêu sóng xô nứt nẻ dòng sông
cài nhau vồ vập
bóng dáng vạt mưa thu trải vàng
thứ ngôn ngữ mùa nhớ mong
 
vườn địa đàng trĩu quả mơ hồ bên sông
cây đôi bờ
kết vành nón thảo hiền
 
anh ôm màu hoa cúc dại & mùi thơm giọt nước
trong la đà
viên mãn của lãnh địa gió.
 
20.10.2021
HOÀNG VŨ THUẬT
 
Lời bình của Nguyên Tô:
Ngọn gió đi qua ba miền sáng tối: vũ trụ, cõi thiền và em, đậu xuống “khúc ru” của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật tạo nên những cơn địa chấn ngôn ngữ. Tôi bị ông dẫn dụ theo những cơn gió trong “Ba khúc ru của gió”.
Gió sắc – “mảnh thủy tinh”, quất vào lịch sử – “trang sách giấy dó cổ xưa”, khai quật quá khứ đã “yên nghỉ” trong thư viện lẻ, kết thành trái thơm hiện tại “đèn thắm hồng đang treo trước cửa đình”. Đạo và đời giao ái, luân hồi lên vũ khúc, đi qua bước chân thời gian. Lịch sử đớn đau được chưng cất trong cõi an phiền hiện tại, ngẫm ngộ để nhân vật trữ tình không lẫn giữa đời và đạo. Trong chừng mực nào đó con người luôn đi giữa hai thế giới: đời quá sẽ trần tục, sâu đạo trở nên vô thực. Hãy sống với bản thể và khao khát thắm hồng. Tôi lắng nghe tiếng thơ ông, như âm vang từ trùng trùng kiếp kiếp dội về, nhưng dãi dề hiện sinh trong cơn phóng túng được buông xả khao khát, ẩn ức thầm nén. Tôi chạm đến nỗi cô đơn của người tài hoa. Trí tuệ bị xếp xó, bắt câm lời trong một “thư viện lẻ”. Có cái gì đó chênh vênh như máu ứa của người tài phải trở nên vô ngôn, tự xóa mờ gương mặt mình. “Yên nghỉ trong thư viện lẻ”, chỉ câu thơ 5 chữ đã đủ cất lên thân phận. Một thứ cốt tủy bắt bám vào mặt nhám của thời gian nên còn lưu dấu mãi, dù tháng năm vô tình. Tất cả những ẩn ức lịch sử, đeo bám dằng dai đã thành một thứ đèn lồng ảo diệu giữa không gian thiền định, “cửa đình”. Nền văn hóa Đại Việt cổ xưa cũng bắt đầu từ cánh cửa cắt thớ gỗ nâu u tịch ấy.
“Quyến rũ” và “đam mê”, dưới mười ngón tay thi nhân, ngôn ngữ đã nổi loạn, đổi chiều. Từ trầm tích lịch sử 4 câu thơ đầu đã trở nên đã đầy bản thể, từng da thịt run rẩy “như làn mưa”, “như tảng khói”.  Hoàng Vũ Thuật đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến tò mò khác. Ông lạ hóa ngôn từ một cách ám ảnh, bứt dứt, nếu khói chỉ gợi nét múa bút mơ ảo vờn vẽ khí quyển thì “tảng khói” lại gợi ra vẻ mỹ cảm ngôn từ trên da thịt vũ nữ Apsara, sẽ xuất hiện ở câu cuối cùng của khúc ru thứ nhất. Với cách nhập đề mới mẻ như thế, tác giả đã kiến tạo một lối riêng vào trái tim độc giả của mình. “như khúc gió quay về”. Có lẽ, thân phận bị phanh trần bởi cuồng phong quá khứ, nỗi đau trí tuệ bị cầm cố, qua trải nghiệm, ngẫm ngộ đã khởi sinh vẹn nguyên, tươi mới, trong veo như áng sương mai chưa hề biết cội mục đầu nguồn. “Quay về” – trở lại, không một lằn roi nào có thể khiến con tim người thi sĩ bớt cao ngạo, nhưng tắm trong ẩn ức và dòng nước mắt, con tim ấy đã hồi sinh giữa thổn thức, dấu yêu.
Tác giả Nguyên Tô
Sen trổ nhánh từ bùn, từ những cuồng phong, giông tố, tự cô tịch, hoang hiu của một thân phận bị giằng giật khỏi cuộc đời để đẩy sâu vào huyệt mộ. Nhưng sen đã dâng ngạo nghễ: “búp sen nở trên đài sen trắng”. Búp sen như bàn tay Phật, sau những ngón dài là trái tim ngấn lệ đau nhàu, tủi khổ, nỗi kiêu ngạo, da diết của con người bị lịch sử quăng quật, nhưng vẫn giữ mình, tư thế thượng đài, quay lưng với hèn nhát, thậm chí chấp nhận cái chết. Nhưng khát vọng ánh sáng, mong mỏi phục sinh danh dự đã giữ trái tim mấp mé bờ vực ấy vẫn thấp thỏm trong lồng ngực, vừa lo âu vừa hy vọng. Một tiếng cười ngạo thế, hầm mộ có đào sẵn cũng chỉ là mọi rợ, bóng tối sẽ bị lu mờ bởi ánh sáng “thanh bạch”. Từ trên đài cao, tác giả thả một tấc lòng “thanh bạch”. Trí tuệ là vậy, không cần tô vẽ, thời gian là thứ nước rửa ảnh để lộ chân giá trị. Tứ thơ tỏa sáng vẻ đẹp giản dị, phơi bày lầm mê của lịch sử, đâu đó như một sám hối trước gươm nhọn và “anh” mỉm cười độ lượng với tất cả:
“không cần thời trang
vũ nữ Apsara giáng thế”
Thực ra, tài năng là thứ không cần trang sức, bởi tự nó đã lấp lánh rồi. Tác giả thần tình đưa một đường cọ ảo diệu: vũ nữ “giáng thế”. Khi con người trong vẻ đẹp bản thể, nguyên sơ, hình hài ban đầu cha mẹ cho, ấy là sự “giáng thế”. Câu thơ đẹp đến choáng váng, những đường nét ban xuống hạ giới, trước hiên nhà như thể tự cõi tiên.
Khúc ru thứ nhất có nốt trầm lịch sử, cái hoang hiu của trái tim bị đẩy vào xó tối, sự tuẫn đạo của một Phật tử trước bể khổ, nhưng vẫn không đè nén được nỗi khát cháy được cất lên khúc hoan ca trên da thịt “vũ nữ Apsara”.
Khi xuất hiện trong huyền hồ vũ trụ và thẳm sâu thế cuộc, ưu mang thời gian, em đã dấy lên bão tố lòng anh. Em là “cơn giông ru đất đai”. Ngòi bút Vũ Hoàng Thuật như có thần, dậy lên âm thanh bao la đất trời, bản đàn da thịt run lên những chân cảm đắm đuối. Đất đai tịch mịch bỗng trở nên run rẩy, khô khát chờ uống giọt mưa. Nghệ thuật siêu thực, tượng trưng đã nhập vào câu chữ, đưa độc giả đến với luồng cảm xúc lạ lẫm, mê cuồng. “Đôi núm đồng tiền trên da thịt bầu trời”. Tôi từng đếm sao trên trời, nhưng hôm nay vần thơ ông cho tôi chạm tới “da thịt bầu trời”. Ông đã kiến tạo cõi mê, để lại dấu ấn là núm đồng tiền. Nhục cảm đã vượt qua đường biên của cái đẹp, qua cơn hào hển câu chữ. Giao tình thuần túy mùi tục lụy đã được nâng lên đài cao khi tình yêu chắp cánh. Phút ban đầu đắm đuối của bất kì lứa đôi trinh nguyên nào cũng chỉ đẹp đến thế mà thôi. Tình yêu “thắp đỏ”. Tình yêu “tạc tượng”. Tình yêu làm ấm vầng tuyết lạnh đến mềm nhàu. Ngôn ngữ của ông khởi sinh tất cả trong cơn hoan mê ngông cuồng, trinh bạch. Đất, bầu trời, hàng cây, tượng lá, áo tuyết, lưng núi. Thơ ông chạm trổ vào bao la thiên địa pho tượng tình yêu bất diệt. Nghệ thuật điểm nhãn, “thi trung hữu họa” đã tạc nên bức bích họa lồng lộng. Tôi đọc đi đọc lại từ  cụm từ “pho tượng lá”. Một sự diễn giải lịch sử và cảm xúc. Lá cũng thinh lặng, không gian, thời gian đứng im và ông đã thu muôn kiếp vào một khoảnh khắc bất động. Một lối hành văn bản năng nhưng đầy chủ ý dưới sự sắp đặt của nghệ thuật tinh luyện.
Tình yêu luôn mang khuôn mặt bí ẩn. Nhìn qua con tim run rẩy, một vẻ đẹp huyền bí đến vô thực: “hiện hữu cùng vầng trăng ban ngày”. Trăng chỉ lộng lẫy dưới bầu đêm, em trong mắt anh đẹp hơn trăng, ánh mặt trời phải lu mờ. Gió se sẽ choàng em trong vòng tay e ấp, em truyền cho anh sự hưng cảm. Anh là đại bàng sải cánh trên vòm trời em. Mấy ai trong đời đã gặp được tri kỷ. Anh hạnh phúc vô biên khi em đã làm sống dậy, hào hển, dấu yêu, ngây dại. Anh như đứa bé trước hoang sơ em. Nụ hôn đóng dấu da thịt, hóa thạch cả muôn kỉ băng hà, “giúp anh tìm lại chiếc lưỡi mềm tuổi thơ hóa thạch” – thi sĩ đã thu muôn kiếp luân hồi vào cảm xúc trinh nguyên, háo hức của đứa trẻ trên bầu ngực mẹ.
Tình yêu là sự ngẫm ngộ. Bao nhiêu đấng tài hoa được khai sinh từ sự màu nhiệm của tình yêu. Bên em, anh vỡ ra: “hỡi sự hoàn hảo”. Hoàn hảo là tròn đầy, thực ra lý tưởng là cái chết. Vì vậy Chúa tạo ra bóng tối để con người biết sợ hãi, để tìm đường ra khỏi cõi mê lầm. Anh đến đây đã cảm ơn những khúc quanh của số phận, vì chính nó chứ không phải điều gì khác đã cho anh sức mạnh. Anh bao dung thứ tha hết cho cơn mê lầm lịch sử. Có bắt đầu, có kết thúc. Niềm tin mãnh liệt đã cho anh cơn hồi sinh vào bình minh, rạng đông đã đón chúng ta. Trong thế giới huyền hồ, chỉ tình yêu cứu chuộc con người.
Khúc ru của gió ở trường đoạn thứ hai là khởi sinh, là mặt trời, là nguồn sống tráng lệ, nguy nga. Vũ trụ sẽ hoang hiu, sụp đổ tan tành nếu mất đi tình yêu và ánh sáng.
Và cơn hào hển chưa lắng xuống, trái lại, mê cuồng, ngông đời và nghệ sĩ. Anh thành họa sỹ, với mười ngón tay rạng đông vẽ nét ma mị trên cơ thể em, trên da thịt bầu trời. “Giấy dó cổ xưa” hay “tấm voan lạnh cóng” dưới tay anh thành bản hoan ca cuồng si. Lịch sử thức tỉnh, và anh tồn tại. Anh bên em, chúng ta yêu cả những vết sẹo trên cơ thể và tâm hồn nhau, thương trầy xước, nâng niu đớn đau. Người thi sỹ đã se duyên cho cuộc trùng phùng giữa những mảng màu tương phản: mềm như nước, khô như “nứt nẻ”, ào ạt như “sóng”. Cứng, mềm, ấm, lạnh, những phím yêu bất tận trong khúc hoan ca mùa thu trải vàng. Tuổi thu là mùa thu vào từ trải nghiệm, từ quăng quật của số phận, anh đã thấm thía. Đi qua nỗi đau, vượt lên cái chết, chiến thắng dập vùi, con người sẽ chi chút từng giọt hạnh phúc bé nhỏ.
Không cần kết trái bầu trời, nơi nào có em, nơi ấy là bầu trời anh:
“vườn địa đàng trĩu quả mơ hồ bên sông
cây đôi bờ
kết vành nón thảo hiền”.
Giữa hai dòng thơ dài, tác giả hạ một câu chỉ ba từ khiến đoạn thơ trở nên siêu thực, tựa hồ như bức vẽ mỹ cảm về vẻ đẹp nguyên sơ mà tạo hóa ban tặng cho người phụ nữ. Ông gọi tên là “quả mơ hồ”. Tôi đồ rằng lúc đó anh không còn tỉnh trí nữa, tình yêu đẹp đến vô thực, trước vườn địa đàng em, anh như kẻ lần đầu bập răng vào trái táo cấm. Anh là tội đồ tình yêu trên đài sen được Phật cứu rỗi hay tình yêu của em cứu chuộc anh và chúng ta?
Bài thơ viết tự do, phóng túng nhưng tôi nhìn ra nét phác thảo về quy luật nhân sinh và tình yêu của tác giả. Con người thấm trải can qua, sẽ can trường, lãnh đạm, tình yêu không tự đến mà phải “tìm”, hiểu, gây dựng niềm “tin”, yêu đến cuồng si, dâng hiến đến cạn kiệt. Sống và yêu đều như nhau, tựa hồ ngọn nến cháy hết mình, sống như thể ngày mai sẽ chết. Em sắc “màu hoa cúc dại” khờ, hoang sơ, em thơm mùi “giọt nước”. Tôi liên tưởng đến lệ vũ trụ, giọt khóc của em. Đàn bà trong bất hạnh hay viên mãn đều ứa lệ. Ngòi bút nhà thơ đã vẽ nên giọt lệ đa đoan long lanh ấy. Anh trong viên mãn, khi được thấm từng giọt lệ từ nguyên bản hình hài em.
Tác phẩm viết theo thể thơ tự do, sau mỗi khúc ru, tác giả hạ một dấu chấm, không viết hoa chữ đầu dòng, trừ danh từ riêng và sau dấu chấm. Mỗi khúc ru là mỗi mô phỏng nốt nhạc. Cả thi phẩm là một bản đàn, vũ khúc bi ai và hoan ca của con người. Lịch sử đã đi những bước thăng trầm, con người hay tình yêu đều mang thân phận. Tác phẩm nghệ thuật chân chính không kết thúc ở dòng cuối cùng. Thơ Vũ Hoàng Thuật, tôi tin chắc rằng sẽ mang sinh mệnh đến với những người yêu thơ, trân trọng và xót xa những ẩn ức màu nước mắt từ cuộc đời trầm luân của ông.
NGUYÊN TÔ
 
Hà Nội, 21/8/2015 
Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao Nhìn lại nền âm nhạc ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến ba tên tuổi được coi là nổi b...