Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2023

Thơ là sự thăng hoa của trí tưởng tượng

Thơ là sự thăng hoa
của trí tưởng tượng

Trước thực tế sáng tác và xuất bản thơ phong phú, đa dạng như hiện nay, công việc của người phê bình thơ trở nên rất cần thiết và vô cùng nặng nề. Không ít người thừa nhận sự thật: Phê bình thơ bây giờ rất khó. Ít có những nhà phê bình chuyên tâm với thơ. Ngay cả nhà phê bình “gạo cội” Vương Trí Nhàn cũng đưa ra một cách giải thích mà tôi thấy tương đối tiêu biểu cho suy nghĩ của những người trong cuộc: “Gần đây, tôi ngại đọc thơ hẳn đi, văn xuôi hấp dẫn tôi hơn, đúng hơn đến với văn xuôi, tôi không phải ngại ngần e dè như đến với thơ. Đọc thơ sao khó khăn thế! Cầm tập thơ rất mỏng trên tay, nhiều khi cứ thấy ngại, và đọc xong, đầu óc mung lung, khó lòng nói một cách dứt khoát là hay hay dở” (“Tâm sự một người viết phê bình”, báo Văn Nghệ, số 37/1985).
Nhà lý luận phê bình Lê Hồ Quang
Đó là trong giới phê bình, còn sáng tác thì sao? Nhà thơ Wislawa Szymborska – giải Nobel Văn học năm 1996, trong bài Đêm tác giả, đã miêu tả một buổi đọc thơ ở Ba Lan như sau:
Trong căn phòng có mười hai người/ Một nửa đến vì mưa rơi/ Một nửa là thân quyến/ Đã tới lúc chúng ta phải bắt đầu câu chuyện/ Thơ ơi (Tạ Minh Châu dịch).
Tình hình có bi đát quá chăng? Nhưng bạn đọc ơi, xin chớ nản lòng. May sao trong hoàn cảnh như thế, vẫn có những kẻ nặng lòng say đắm với thơ, với những giá trị thi ca đích thực. Và bằng chứng sinh động là cuốn phê bình thơ Việt Nam hiện đại Âm thanh của tưởng tượng mà chúng ta đang có trên tay.
Lấy nhan đề bài viết về thơ Nguyễn Quang Thiều đặt tên cho cuốn sách phê bình đầu tay của mình, phải chăng Lê Hồ Quang đã xác tín một quan niệm: về sâu xa, thơ là tiếng nói của mơ mộng, tưởng tượng, một cách hình dung khác, diễn đạt khác về hiện thực. Và phê bình về thơ cũng là bắt đầu một sự tưởng tượng khác, hình dung khác của người viết về văn bản và hình tượng, về thế giới thơ… Có thể nói, suy nghĩ này đã chi phối khá nhất quán trong tập sách, tuy ở mỗi bài viết, tác giả lại có hướng tiếp cận và những điểm nhấn độc đáo khác nhau.
Các bài nghiên cứu, phê bình thơ Việt Nam hiện đại của Lê Hồ Quang kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy lý luận sắc sảo và năng lực thẩm bình tinh tế. Chị viết trong tâm thế của một người phê bình chuyên nghiệp có cái nhìn khách quan khoa học cùng sự đồng cảm, tri âm sâu sắc của người nghệ sĩ (xin được “bật mí” Hồ Quang cũng là tác giả thơ có tiếng của xứ Nghệ. Chị làm thơ từ thuở sinh viên, trước khi trở thành cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Vinh). Cái nền lý luận của một Tiến sĩ Văn học đã tạo bệ đỡ khá chắc chắn để trên đó cảm xúc bay bổng dẫn dụ người đọc.
Tác phẩm “Âm thanh của tưởng tượng” của Lê Hồ Quang
Diện quan sát của Lê Hồ Quang có trường khá rộng, từ các tác giả trong phong trào Thơ mới đến thơ đương đại. Tuy số lượng tác giả được lựa chọn không nhiều (khoảng 20 người), nhưng đều là những gương mặt tiêu biểu, có phong cách riêng đáng chú ý của từng thời kỳ. Mỗi người một vẻ, họ đã góp phần làm nên diện mạo thơ Việt trong thế kỷ qua. Từ Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Lưu Quang Vũ, Thi Hoàng, Hoàng Hưng, Lê Văn Ngăn, Ý Nhi,… cho tới các nhà thơ thế hệ sau này như Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Mai Văn Phấn, Trương Đăng Dung, Nguyễn Bình Phương, Phan Thị Vàng Anh…, họ đều được phân tích, lý giải dưới khá nhiều góc độ. Từ bề mặt văn bản, Lê Hồ Quang đã đi sâu khám phá những tương quan đối lập ngầm ẩn trong tác phẩm. Chị có ý thức vận dụng kết hợp nhiều thao tác nghiên cứu để khảo sát đối tượng. Đối với các nhà thơ trẻ, chị nhấn mạnh: việc cách tân trong quan niệm tất yếu dẫn đến cách tân trong thi pháp. Điều đó chi phối cách tổ chức ngôn ngữ, cách xây dựng hệ thống biểu tượng…, những yếu tố làm nên sắc thái thẩm mỹ đặc thù của thơ ca đương đại.
Trong cuốn sách này, bằng tình yêu và niềm đam mê với những giá trị thơ ca của đất nước, Lê Hồ Quang đã dắt bạn đọc đi theo cùng trò chuyện, suy nghĩ và cả… tưởng tượng nữa, theo cách riêng của mình, về một số gương mặt thi nhân. Phát hiện ra giọng điệu riêng, phong cách riêng – tức là cái tinh tuý, cái đặc sắc của mỗi nhà thơ, để không lẫn với ai – đó là mục tiêu của phê bình thơ. Lê Hồ Quang đã ít nhiều làm được điều này. Và cái quan trọng hơn là chị đã cho chúng ta cảm nhận được sự quyến rũ của thơ ca với tư cách là sự thăng hoa đặc biệt của trí tưởng tượng.
Hà Nội, 21/8/2015
Lưu Khánh Thơ
Nguồn: Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Theo https://vanhocsaigon.com/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Café yêu

Café yêu Giới thiệu Nếu đã quen với những trang báo Hoa Học Trò thì cái tên Minh Nhật có lẽ không xa lạ gì với các bạn. Tuy còn khá trẻ nh...