Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Thơ Lê Văn Hiếu với "Nỗi cô đơn có lửa"

Thơ Lê Văn Hiếu với
"Nỗi cô đơn có lửa"

Lê Văn Hiếu là một nhà thơ sống hết mình vì nghệ thuật. Anh đã lao động cật lực, bền bỉ để cho ra đời đều đặn những tác phẩm thơ ngày càng phong phú, đặc sắc, sáng tạo hơn về cả nội dung lẫn hình thức thể hiện. Cho đến nay, anh đã cho ra mắt 6 tập thơ và 1 CD thơ tuyển.
Đọc thơ Lê Văn Hiếu, người đọc nhận ra hầu như bài nào cũng thấp thoáng nỗi cô đơn, mà theo nhà thơ đó là “nỗi cô đơn có lửa”. Thơ anh được viết ra bằng chính những trải nghiệm và sự suy tưởng, chiệm nghiệm của bản thân về con người và cuộc đời. Với nhà thơ Lê Văn Hiếu cuộc đời không chỉ để sống mà còn để sáng tạo. Vì thế, đọc thơ anh, người đọc bắt gặp nhiều vấn đề của cuộc sống được nhà thơ phản ánh theo cách của riêng mình với một hệ thống ngôn ngữ, thi ảnh, tứ thơ bình dị mà độc đáo, gần gũi nhưng rất ấn tượng… Bên cạnh đó, Lê Văn Hiếu cũng tạo ra cho mình một tạng thơ riêng theo hướng hiện đại trên cơ sở kế thừa thơ ca truyền thống.
Nhà thơ Lê Văn Hiếu
Đi qua những năm tháng thăng trầm, Lê Văn Hiếu nhìn đời bằng con mắt của một con người từng trải, chín chắn. Bởi anh đã thấu được những được mất, buồn vui của sự sống này. Nhà thơ sâu sắc nhận ra quy luật nghiệt ngã của đời người, niềm vui “ngắn chẳng tày gang” mà nỗi buồn thì bất tận. Vì thế, anh luôn sống và yêu hết mình bằng trái tim bao dung, đa cảm.  Dù nỗi buồn, sự cô đơn tràn ngập trong thơ anh, nhưng đó không phải là sự tuyệt vọng, mất phương hướng, tiêu cực… mà là sự tự thức cao độ để sống theo đúng nghĩa giá trị là người.  Dậy đi, dậy đi/ Nhanh đốn những trắc trở, những phiền muộn,/ nhưng đám mây cản ngăn,/ Thả giấc mơ bay lên (Giấc mơ bay lên).
Hầu hết các sáng tác của nhà thơ Lê Văn Hiếu đều tràn ngập nỗi cô đơn. Nhìn cái gì, viết về điều gì thơ anh cũng mang mang nỗi niềm bâng khuâng, hoang hoải. Buồn nhưng không thảm, sầu nhưng vẫn tỉnh tảo và rất đời, rất nhân văn. Nhà thơ vẫn khao khát sống, khao khát yêu từ thẳm sâu trong tâm thức. Đã có miệng là có lưỡi/ Ai đoán chắc với tôi không nào/ Ví như ngôi nhà tôi đang ở, miệng là cửa cái,/ lưỡi là chính tôi – chủ nhân của nó./ Tự dưng tôi thèm nhai lưỡi/ thèm ngắm và mân mê chúng// Như tôi đã từng nhai lưỡi của em/ Và đón nhận ngọt ngào/ Đủ để cảm – cuộc đời này thật đáng sống! (Tự dưng tôi thèm nhai lưỡi).
Nhà thơ nhìn đời bằng những trải nghiệm tinh tế với nhiều cảm xúc đã được chắt lắng mang tính chiêm nghiệm. Bài thơ Của chung, chỉ 17 dòng thơ ngắn nhưng Lê Văn Hiếu đã gợi ra bao điều thú vị về tình yêu và cuộc đời. Điều cứ ngỡ là bình thường nhưng nhà thơ nhắc đến làm cho tất cả chúng ta phải suy ngẫm. Hoa trong vườn vừa nở/ Một lũ bướm ong cứ thế ùa vào// Ta giật mình, ta là chủ vườn/ Chưa hẳn đã là chủ/ Can cớ gì tiếc ngọc đến đau// Vầng trăng trên nền trời/ Hàng tỉ người tơ tưởng// Chợt thức trong ta lời của cụ Hàn/ Ai mua trăng thì cụ bán// Trăng là của cụ/ Cụ rao// Nàng thơ ta cũng thế/ Nàng thơ ta nàng của nhiều người// Nàng mặc kệ – chữ và không chữ/ Nàng cứ đong đưa// Cứ đỏng đảnh/ Nàng cười…
Thơ Lê Văn Hiếu là bức tranh đa dạng của đời sống, những hình ảnh, sinh hoạt đời thường đi vào thơ anh một cách tự nhiên như vốn có. Người đọc có cảm giác như đang nghe một câu chuyện kể, hay xem một thước phim trên truyền hình. Bài thơ Mạch sống là một ví dụ: Trong lúc tôi làm thơ./ Người hàng xóm ngồi tắm chó – thoáng bâng quơ nghĩ/ về người chồng bị bệnh nằm liệt của đôi ba năm trước./ Người hàng xóm khác, nằm hát những bài ca buồn, thầm/ tưởng về thời xuân sắc, một thời trăng hoa, mà nàng là/ một cô gái đẹp lộng lẫy./ Và cụ già trước mặt, tóc đã bạc màu cước, tưới/ những chậu hoa, rồi tỉa tót, ngầm tạo những dáng thế/ cuộc đời, những thế cây là thế cuộc, có lẽ ông dày/ trải nghiệm, khuôn mặt ông trầm ngâm.
Trong lúc tôi làm thơ./ Con chó nằm phơi lông, người đàn bà kia đã lặng im/ lời hát, có lẽ nàng đã trùm chăn và đã ngủ./ Cụ già ngồi uống trà, lắng nghe chim hót, cuồng vọng/ nghe tiếng lọc của ban mai tinh khiết.
Trong lúc tôi làm thơ./ Bài thơ chưa xong đã quá nửa ngày, mặt trời sắp treo/ trên đầu cây sân trước. Nhà bên đã ráo khô thoáng/ sạch, người đàn bà ấy ngồi buồn như khóc. Cô hàng/ xóm kia vừa thức, lại cất lên tiếng hát bên nồi cơm/ đang sôi. Cụ già hết đứng lại ngồi, ngắm nhìn và tỉa tót.
Trong lúc tôi làm thơ./ Một chiều sống chung quanh tôi trở nên cô độc…
Sau những chiêm nghiệm chân thành về bản thân mình, đôi lúc Lê Văn Hiếu lại tỏ ra hoài nghi.
Buổi chiều không biết làm gì/ Lướt mạng, gặp câu chửi thề bạn tình mình là con đĩ/ Thấy màn hình lạnh băng.
Kéo phập xuống, mở cánh cửa thơ, đụng phải con Quăng/ Co rồi quẫy, cứ co rồi quẫy/ Huy hoàng – đời muỗi – nên chăng? (Nhà dột).
Anh hoài nghi về những gì đã qua, hoài nghi cả ở hiện tại và cả những gì sắp diễn ra ở phía trước. Trong tột cùng của sự cô đơn, “tôi” nhận thức sâu sắc rằng: Tôi sống là tôi đang mơ.
Tôi nghiêng mình/ Trước viên gạch đỏ/ Lặn vào thinh không/ Lâm râm nguyện cho những gì tồn tại.
Tôi không vinh danh/ Mọi thứ là cơn gió/ Tôi không tin hiện hữu/ Mọi vật là hư vô/ “Tôi Sống là tôi đang Mơ”(Giấc mơ ngộ ngộ).
Nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa
Đọc thơ Lê Văn Hiếu, độc giả dễ nhận ra rằng cái tôi cô đơn của nhà thơ không bắt nguồn từ sự thoát ly, xa lánh cuộc đời mà nỗi cô đơn của thi nhân là một thứ tình cảm tự trào dâng trong lòng. Xé một mảnh tuổi thơ/ Chằm vào vai áo bạc bây giờ/ Cộng với bông hồng ngày cưới/ Mẹ trao ta chiếc áo cuộc đời// Tay mẹ khéo đến vừa vặn/ Vừa vặn từ khi bồng ẵm/ Vừa vặn từ khi nuôi dưỡng thành người// Vừa vặn từ khi ra gió/ Chiếc áo lồng lộng bay// Ta không nỡ cởi trần sợ phụ lòng mẹ/ Ta không bao giờ côi cút côi// Đêm qua/ Người về sờ nắn khắp thân ta/ Rồi đứng đó/ Không rời… (Giấc mơ).
Nhà thơ nhìn gì xung quanh mình cũng gây sự xúc động, bao nỗi niềm đau đáu về đời về người cứ chạy dài trong những trang thơ anh. Trong vườn nhà, dưới con mắt quan sát, sự liên tưởng của Lê Văn Hiếu cũng trở nên sinh động và giàu sức ám gợi.
Xưa thật là xưa, từ khi chưa có tôi đã có sên, khu vườn nhà tôi đã là quê hương cụ tổ của sên. Hóa ra tôi là người đến sau, thuộc hàng bé nhỏ.
Tôi bé nhỏ, ta bé nhỏ trước muôn loài, chi ít với loài sên trườn bò lặng yên đánh thức.
Nhìn người ta rần rần đua nhau mua hoa và tặng hoa, đến nỗi vựa hoa Dalat phải “bốc giá”, trước cảnh ấy, nhà thơ không khỏi ngậm ngùi. Anh không nhập mình vào đám đông đó, bởi anh nghĩ về những điều sâu xa hơn.
Tôi không nhập vào trò ngớ ngẩn/ Vào dòng người ngớ ngẩn
Vợ tôi đang tần tảo trên rừng/ Mẹ tôi lạnh ở vùng trời buốt giá
Người tình tôi đang sù sụ xứ người/ Và thơ tôi gục ngã
Để rồi sau tất cả, anh có ước nguyện xin làm que củi ấm: Giá như tôi hóa thành que củi/ Sưởi ấm những phận đời? (Xin làm que củi ấm).
Khao khát và kìm nén là những biểu hiện rõ nhất cho những ẩn ức tình yêu được Lê Văn Hiếu gửi gắm vào những vần thơ đậm chất trữ tình, những cách nói, cách ví von, và diễn đạt “lạ”: Vi rút tình, Cõi thơ bay, Phiêu chim, Em nằm phơi lá, Nỗi cô đơn có lửa, Sợi tóc buồn, Biên bản rời từ những cuộc rượu, Nước mắt kiến, Tuyết rơi màu đỏ, Ngực núi…
Có thể thấy trong hành trình thơ Lê Văn Hiếu, nỗi cô đơn, hoài nghi, khắc khoải đó là sản phẩm của một con người có cuộc đời nhiều thăng trầm, biến động. Sau những bão giông, trở về với cuộc sống bình yên nhưng dường như người thơ ấy vẫn chưa tìm được niềm vui và sự tin tưởng trọn vẹn. Vì thế, anh có nhiều những câu thơ, bài thơ mang âm hưởng cô đơn, khắc khoải, day dứt trước tình yêu và cuộc đời.
– Con Quạ bỏ rơi cái trứng – cái trứng chưa kịp ấp – trứng ung
Cô gái gỡ bỏ bào thai bào thai gieo xuống đất hóa thành hạt bụi - ám ảnh (Ám ảnh).
– Ta sẽ nhặt hạt cườm long lanh trên đôi má ngày xưa/ Xâu thành chuỗi/ Quàng lên cổ suốt đời (Hạt cườm).
– Sớm sớm mặt trời mọc ra hắn/ Mặt trời lặn hắn lặn/ Hắn con của mặt trời? (Một chấm người).
– Rỗng – những ngày rỗng/ Muốn lang thang mà sợ lang thang/ Sợ đối diện khuôn mặt quen,/ Sợ khuôn mặt lạ xa lạnh lùng rơi như đá sỏi (Rỗng và những ngày rỗng).
Điều đặc biệt, trong thơ Lê Văn Hiếu nhân vật trữ tình “em/ nàng”- “tôi/ ta/ anh”, xuất hiện với tần số dày đặc. Nhân vật trữ tình “tôi/ ta/ anh” đôi lúc rơi vào trạng thái cô đơn, trống rỗng. Bản thể cô đơn đó đã ăn mòn vào trong đời sống, luôn thường trực và trở thành nỗi khắc khoải, day dứt khôn nguôi. Đây không chỉ là dấu hiệu của một bi kịch mà còn là dấu hiệu của sự ý thức cá tính.
Em lại về với sông/ Ta xuống biển tìm em hoài/ Mà không thấy// Nội mình đã không còn/ Có còn đâu trái ổi/ Em nhớ không? (Về với sông).
Vì xa biển nên anh không thấy biển nhắm mắt thế nào/ Càng không nghe lời giận hờn của sóng// Vì xa biển nên không nghe linh hồn con cá khóc/ Linh hồn có nước mắt không/ Cá chết có nước mắt không? (Mạch nguồn…).
Ngồi nhúng nỗi buồn vào cốc rượu/ Để thương giọt nước mắt Nàng/ Để nhận trái cô đơn lăn trên lưỡi/ Để nghe lòng trĩu nặng bóng em tan… (Một mình).
Không gian và thời gian nghệ thuật trong thơ Lê Văn Hiếu đa dạng và kết hợp hài hòa với nhau. Trong bối cảnh không gian và thời gian khác nhau những cảm xúc, khao khát yêu đương, những chiêm nghiệm về cuộc đời được thể hiện cụ thể và rõ nét.
Thơ Lê Văn Hiếu, hình tượng cái tôi tồn tại và vận động bởi cấu trúc đa tầng nhưng vẫn thống nhất và làm nên nét riêng trong thế giới nghệ thuật của thơ anh. Cái tôi hướng nội, đầy suy tư trăn trở về tình yêu và bản chất của sự sống. Cái tôi với nhiều sắc diện phong phú, thể hiện rõ cốt cách, sự từng trải với thái độ, cách ứng xử điềm tĩnh và nhân văn. Dù gặp bất trắc, khổ đau nhưng vẫn cứ lặng lẽ, vươn mình lên để  sống, cứ thế mà lớn lên và tồn tại.
Ta không biết giờ ta sinh, giờ ta hỏi mẹ ta,/ mẹ ta cũng không biết nữa./ Chỉ biết đó là ngày ngập lụt, nước tràn qua cửa sổ/ Ta chợt nghĩ đến mùa đông/ Hèn gì ta chịu rét/ Thế là ta lớn lên (Cứ thế mà lớn lên).
Sáng tạo trong thi ca là một công việc đòi hỏi bên cạnh sự yêu thích, nhiệt huyết, sự miệt mài, nghiêm túc, cẩn trọng còn có yếu tố tài năng. Để có thơ hay, ngoài việc tạo ra câu chữ, hình ảnh, tứ thơ độc đáo thì bản thân nhà thơ phải biết tự làm mới mình, tự tạo cho mình một sự khác biệt riêng. Trên đôi mắt cãi vã/ Và gió chiều/ Ta chợt thấy đôi vú héo/ Treo.// Treo đàn con đen đúa/ Nhuộm sắc mặt trời/ Ngực vú cao hơn ngực núi/ Treo.// Trên đôi môi nhúp nhép/ Mũm mỉm cười/ Treo cái no cái đói/ Mạch ngầm – suối reo (Ngực núi).
Lựa chọn cho mình thể loại thơ chủ đạo không phải là sự lựa chọn tùy tiện mà nó mang tính quy luật, thể hiện phần nào tài năng của nhà thơ trong việc kết hợp thống nhất giữa hình thức và nội dung. Thơ Lê Văn Hiếu chủ yếu là thơ tâm trạng, vì thế thể loại thơ chủ đạo mà anh viết đó là thơ tự do. Đây là thể loại thơ mà anh có thể giãi bày một cách đầy đủ nhất những khía cạnh của tâm hồn mình. Sự linh hoạt của các câu thơ dài – ngắn là cách để nhà thơ bày biện, luận giải những vấn đề phức tạp của thế giới tinh thần. Lê Văn Hiếu có nhiều bài viết theo kiểu thơ tự do tạo được những ấn tượng đối với bạn đọc như: Tôi chưa thèm ra đi, Vi rút tình, Đêm nằm nghe tiếng rắn gọi tình, Giấc mơ – thằng cu đái, Người xông đất, Uống cạn, Kết nối với bầu trời, Người đi xuyên tường… Đến với văn học hiện đại, thể thơ này ngày càng phát triển và được nhiều nhà thơ vận dụng.
Lê Văn Hiếu đến với thi ca, kể ra cũng đã trải qua một chặng đường khá dài. Có lẽ hơn ai hết, bản thân là người trong cuộc, anh hiểu sự nhọc nhằn, khổ ải để viết ra được những câu thơ, bài thơ mang giá trị. Họ đã viết bằng chính những cảm xúc thăng hoa tột đỉnh, những vui buồn, được mất, những hạnh phúc và khổ đau.
Hòa cùng với chảy chảy của thơ Việt đương đại, bước đầu nhà thơ Lê Văn Hiếu cũng có lối viết và cách suy tưởng mới mang dấu ấn hiện đại trên hành trình tìm cho chính mình một phong cách thơ riêng, phong cách thơ Lê Văn Hiếu – trầm buồn, cô đơn nhưng đó là “nỗi cô đơn có lửa”. Bởi nhà thơ không phải lúc nào cũng chỉ ám mình trông nỗi buồn, nỗi cô đơn mang tính riêng tư mà luôn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi Ta là ai? Ta phải làm gì cho cuộc đời này?.
Nhà thơ Lê Văn Hiếu
Hội viên Hội VHNT Lâm Đồng
Có thơ in ở các Báo, Tạp chí trong và ngoài nước
Tác phẩm đã xuất bản:
– Tự tình (Thơ), Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình, 1989.
– Khi mặt trời chưa mọc (Thơ), Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, 2002.
– Đêm đom đóm (Thơ thiếu nhi), Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, 2008.
– Dưới vòm cây – tôi nợ (Thơ), Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2012.
– Hành hương tìm về mây trắng (Thơ), Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2013.
– Cứ thế mà lớn lên (Thơ), Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2016.
– CD Những giọt nước không màu (Thơ tuyển), 2016.
12/7/2020
Nguyễn Văn Hòa
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về con chim yến nói dối và con gõ kiến yêu chân lý Đây là câu chuyện hoàn toàn thực, tôi xin kể lại như sau: Trong tất cả các con chim...