Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2023

Thơ Phạm Tiến Triều với không gian văn hóa xứ Mường

Thơ Phạm Tiến Triều với
không gian văn hóa xứ Mường

Phạm Tiến Triều đến với thơ từ rất sớm. Dường như từ khi là một chàng trai biết rung động trước ánh mắt xa xăm của người bạn khác giới anh đã làm thơ – những bài thơ tình học trò trong sáng, hồn nhiên đã từng hiện hữu trong tập thơ đầu tay “Thơ tình gửi mùa đông” xuất bản từ khi anh còn là chàng sinh viên năm thứ tư trên giảng đường đại học. Lâu mới gặp anh, cầm trên tay tập thơ mới mà anh vừa xuất bản, một cảm giác tò mò thú vị đến ngay từ cái tên “Bùa lá”. Và khi lần lượt trải nghiệm các tập thơ anh xuất bản suốt từ năm 2014 trở lại đây cùng tập thơ mới này, người đọc sẽ xác lập được một không gian văn hóa xứ Mường in đậm, dẫn dụ người đọc đi vào thế giới nghệ thuật thơ anh.
Thơ xưa và nay đã có nhiều khác biệt. Nếu như ngày trước người sáng tác chú trọng vào câu, chữ, họ sẵn sàng đánh đổi hàng năm để có một câu thơ khiến “quỷ thần kinh hãi”: “Cho đời nhớ được một câu/Bạc đầu người viết dễ đâu đã thành” (Huy Trụ). Tiêu chí nghệ thuật sáng tác với lớp thi nhân ngày nay đã khác. Họ đến với thơ hồn nhiên, bạo dạn nhưng cũng chính vì thế họ sẽ áp lực hơn, khó khăn hơn trong việc tìm đường: làm thế nào để ra được cái tạng riêng không lẫn vào những cái na ná thơ. Sáng tác văn thơ, đối với những người hiện đại giống như một cuộc chơi tao nhã mà không ai muốn làm người ngoài cuộc, nhưng trong nhóm “tao nhân” ấy vẫn có những “mặc khách” âm thầm hướng tới tính chuyên nghiệp, tạo văn nghiệp. Sự chuyên nghiệp tất nhiên là một đòi hỏi thiết yếu nhất của mọi ngành nghề. Với thơ, đòi hỏi cuối cùng với một cây bút là phải tạo được ngữ hệ mang trong nó trường lực đủ sức hấp thụ và phát sáng lên một giọng điệu, mà chúng ta thường định danh là phong cách. Và tất nhiên, để khẳng định được phong cách, điều tối thiểu đòi hỏi tác giả phải có một hệ thống bài thơ dựng được khoảng không gian – thời gian nghệ thuật mang giá trị mỹ cảm ngôn ngữ riêng.
Nhà thơ trẻ nào cũng hướng tới sự khác biệt. Thơ Phạm Tiến Triều cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Từ hai tập thơ gần nhất là tập “Ta là người của núi” và “Mùa bông trăng” đến tập thơ “Bùa lá” gần đây nhất, người đọc dễ dàng nhận ra một “đường viền ngôn ngữ” mang dấu ấn đậm nét của một không gian văn hóa xứ Mường – đó là cơ sở ban đầu cho việc xác lập giọng điệu thơ anh.
Nhà thơ Phạm Tiến Triều
Nếu ai theo dõi hành trình sáng tạo của nhà thơ họ Phạm này sẽ nhận thấy trong tập thơ đầu tay “Thơ tình gửi mùa đông” xuất bản năm 2002 khi còn là chàng sinh viên năm cuối, giọng thơ của anh chưa có điểm riêng biệt, những bài thơ tình dù nồng nàn, say đắm xúc cảm vẫn nhàn nhạt, na ná với trăm ngàn bài thơ mà người đọc có thể dễ dàng tìm thấy được ở bất cứ trang thơ nào. Mãi đến mười hai năm sau (2014), anh mới cho ra đời tập thơ thứ hai “Ta là người của núi”. Có lẽ từ đây anh mới thực sự tìm ra con đường riêng của mình.
Mỗi nhà thơ thường lựa chọn cho mình những “vùng” riêng trong sáng tạo, có người hướng tới vấn đề lớn nhưng cũng có tác giả chỉ viết nhuyễn chuyện đời thường, cái đã và đang xảy ra hàng ngày mà họ được can dự. Với Phạm Tiến Triều, tôi nghĩ anh thuộc dạng sau, anh viết về công việc, về tình yêu, về những bâng khuâng, hẫng hụt, tiếc nuối, cả những khổ đau còn chất chứa trong tim như cách người ta ghi lại những cảm xúc bằng thơ vậy. Điều đặc biệt nhất ở thơ anh là không gian văn hóa Mường với sự in dấu đậm nét của lời rang, lời xường, câu bọ meẹng…
Cũng là tình cảm tha thiết của người cha dành cho đứa con bé nhỏ nhưng anh đã lựa chọn cách diễn đạt khác đi hay nói đúng hơn là trở về cách nói nôm na, gần gũi quê hương mình, dân tộc mình sinh ra:
Ngủ đi con ơi
cho trái bưởi chín vàng, buồng nang chín chói
cho mụ Dạ Dần thương quẳng cho câu xường ru
ngủ đi con khép đôi mắt tròn như trái đu
mặt con xinh như cánh bông trăng tháng ba hoa nở
màu hoa đẹp sẽ nhắc con niềm thương nỗi nhớ
chuyện nàng Ờm trong trắng của mường ta.
 (Ngủ đi con ơi)
Những hình ảnh buồng nang, trái đu, bông trăng, mụ Dạ Dần, nàng Ờm và câu xường ru có thể còn xa lạ với nhiều người nhưng với người Mường thì nó không chỉ gợi những nỗi niềm thương nhớ mà còn có nhiều ý nghĩa sâu xa. Nếu không được trang bị những hiểu biết nhất định về văn hóa Mường, người đọc sẽ không nhìn thấu hết tình cảm người cha dành cho đứa con bé bỏng. Từ lâu, trong tiềm thức của người Mường, câu xường ru – mụ Dạ Dần nhắc đến một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mường. Nguồn gốc của xường được các già làng truyền lại rằng: Xưa có mụ Dạ Dần (nữ thần sáng tạo) gánh xường đi qua miền đất xứ Thanh. Không ai biết mụ sẽ trao xường ở đâu và cho ai. Bỗng nhiên gánh xường đứt quai, một đầu rơi xuống mường Ai, còn đầu kia rơi xuống mường Ống, gánh xường còn rơi vãi khắp nơi, dân mường Ống, mường Ai bèn rủ nhau ra nhặt. Do đó, xường mường Ống và mường Ai được cho là xường gốc. Bởi vậy, người Mường Thanh Hoá từ bao đời nay rất trân trọng và tự hào với di sản văn hoá – xường của các thế hệ cha ông truyền lại: “Đất thì xường, mường thì rang/Kẻ Chợ, Mường Ngoài còn đang có tiếng”. Cả một vùng Mường quê Thanh nơi đâu cũng cất cao khúc hát tâm tình. Bắt rễ từ suối nguồn văn hóa dân tộc, trong lời ru của người cha Mường trong câu thơ của Phạm Tiến Triều có những nét văn hóa vốn đằm sâu trong hồn dân tộc, có bóng dáng của nàng Ờm với tình yêu trong trắng, thủy chung dành cho chàng Bông Hương với cánh bông trăng tinh khiết của tháng ba hoa nở. Mỗi lời ru là một lời dặn dò, là mong muốn con được lớn lên trọn vẹn trong tình yêu, trong ngọn nguồn văn hóa của xứ Mường chảy mãi.
Hai nhà thơ Phạm Tiến Triều, Phan Hoàng ở hồ Bến En – xứ Mường, Thanh Hóa 5.2022
Vẫn là nhà thơ với những câu thơ tình tha thiết, nhưng đến tập thơ “Bùa lá”, những câu thơ đã mang chất hồn riêng của núi của rừng, đã mang âm hưởng trong lời tỏ tình chân chất thật thà của những chàng trai xứ Mường. Một không gian tình tự thơ mộng với những câu xường yêu bên suối. Dòng suối trong mát hòa lẫn vào thương vào nhớ, vào câu xường thiết tha vang vọng cả một đời người:
Những chiếc lá thương lá yêu
cho anh câu xường hẹn buổi gặp nhau bên suối
để anh biết em đêm nào cũng bứt lá đếm yêu
lá quấn thương vào nhớ
lá quấn em vào anh
một đời
(Bùa lá)
Trong sân chơi chữ nghĩa, mỗi nhà thơ không cần phải hoàn hảo nhưng cần phải có cá tính, cần phải tạo nên điều khác lạ. Ý thức được điều đó, Phạm Tiến Triều đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo câu chữ và anh nhận ra thơ không chỉ đơn thuần là những rung động, thơ ca muốn neo đậu nơi tâm hồn độc giả phải mang những thông điệp về văn hóa. Bởi vậy, trong một lần nói chuyện với phóng viên, nhà thơ Phạm Tiến Triều đã không ngần ngại bày tỏ: “Người cầm bút phải có sứ mệnh mang văn hóa của dân tộc mình đến với mọi người. Bởi xét đến cùng, cội rễ của thơ ca phải xuất phát từ ngọn nguồn văn hóa của dân tộc mình sinh ra. Dòng chảy ấy là bất tận. Nhà thơ phải biết hòa điệu giữa dòng chảy văn hóa dân tộc với điệu hồn cảm xúc của cá nhân mình. Anh không thể trở thành nhà thơ chân chính nếu thoát khỏi dòng chảy văn hóa ấy. Mọi thứ cứ để con chữ chảy ra tự nhiên từ mạch nguồn văn hóa mà thành thơ ca. Trên đời này không có thứ thơ ca gượng ép, nhào nặn câu chữ mà thành. Thơ ca chỉ nảy mầm, đơm hạt từ những gì tự nhiên vốn có và phải được tắm đẫm trong dòng chảy văn hóa bất tận của dân tộc để lớn lên”.
Để khắc họa một không gian văn hóa Mường, ngòi bút của nhà thơ đã tập trung biểu đạt cảm xúc về những ngày lễ Tết, các phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, đặc sản vùng miền, cảnh sắc thiên nhiên, địa danh văn hóa… Đó là những trải nghiệm, những trăn trở với một miền quê yêu dấu. Anh đã đưa tâm hồn người Mường vào thơ, anh tư duy theo cách của người Mường với thi pháp thơ hiện đại, vừa làm giàu bản sắc dân tộc, vừa mang hơi thở của hiện thực. Đọc thơ anh ta thấy sông, thấy suối, thấy đá, thấy rừng cây, thấy thấp thoáng bản nhỏ người Mường bình yên, thấy cái cách trở, nghèo khó của rừng núi và lời dặn, lời hát, câu xường, câu rang văng vẳng đâu đây. Đặc biệt, bao trùm lên tất cả là tình người mộc mạc, chân chất mà vẫn lãng mạn, bay bổng:
Nàng yêu à!
ta đã phải lòng tiếng xường trong trẻo đêm trăng
say lời xường bên áng
tiếng nàng có bùa yêu
giọng nàng có men tình
buộc ta vào lời thương
(Lời yêu bên dốc núi)
Người Mường vốn sống gần gũi với thiên nhiên, vì vậy cũng sớm hình thành cho mình những hình thái sinh hoạt văn hóa khác nhau. Trong đó phải kể đến những quan niệm về vía và phong tục buộc vía. Lễ buộc vía bao giờ cũng được tổ chức một cách trang trọng, bởi nó mang theo niềm tin về sự bình an và may mắn trong suốt cuộc đời mỗi người. Sợi chỉ mảnh cha mẹ buộc trên tay con trẻ như lời nguyện an yên. Nhưng hành trình thơ Phạm Tiến Triều không phải là hành trình sưu tầm, diễn giải về phong tục tập quán, về văn hóa tộc người mà là ý thức, là niềm tự hào về vẻ đẹp của phong tục, về văn hóa nguồn cội để đưa vào thơ mình tự nhiên như cuộc sống, như hơi thở:
Mẹ ơi
bố à
ngày con đi
mẹ dặn con giữ vía cho chắc
bố bảo con cầm vía cho bền
đừng lạc theo người mường lạ
đừng nghe theo người không quen
 (Lạc vía)
Sở hữu biển ngôn từ giàu đẹp của dân tộc, nhưng kết hợp từ thế nào để cho hay cho đẹp thì không phải chuyện dễ dàng. Phạm Tiến Triều có lẽ ý thức rất rõ điều đó. Bởi vậy, mỗi bài thơ của anh đều là những cố gắng, tìm tòi, sáng tạo cách diễn đạt mới, không lặp lại người khác và cũng không lặp lại chính mình một cách nhàm chán. Nhiều hình ảnh so sánh vì thế lạ nhưng vẫn rất tự nhiên:
Chưa cho cha được miếng canh ngon
lưng người đã cong như vành trăng cuối tháng
chưa cho mẹ được tấm áo thơm
mắt người đã mong manh như lọn khói lưng chiều
 (Nợ quê hương)
Hay:
Anh như ngọn đồi khát
cỏ cháy khô đến cạn cả giấc mơ
nụ cười em như cơn mưa ngày hạ
tưới tắm giấc mơ mùa
 (Em cơn mưa ngày hạ)
Độc giả biết đến Phạm Tiến Triều bởi nhiều vần thơ viết về tình yêu. Nhưng đến cái tuổi ngoại tứ tuần, thơ viết về tình yêu của anh đằm hơn, sâu hơn, kín đáo hơn. Đó là tiếng nói của một trái tim từng tha thiết yêu thương và cũng đã tột cùng đau khổ: “Đâu thể dối lòng/khi mỗi ngày em đi vào giấc mơ của anh/như người lữ khách đi vào khu vườn không cánh cổng/em dắt giấc mơ anh đi qua dặm dài/phiêu lưu”… để rồi đau đớn khi “ngày có người đàn ông phương xa/cầm tay em chạy ngang qua khu vườn không cánh cổng/giấc mơ anh chới với/bay về phía xa xôi…” (Khu vườn không cánh cổng), “Và em cứ bình tâm quên ngày cũ/Quên nụ hôn vội vã buổi chiều hoang”, “Anh sẽ về những đêm suông nhạt nhẽo/Vít cần rượu xóa hết dấu môi hôn” (Anh sẽ đợi em về). Có những niềm yêu không bộc lộ thành lời, có những niềm đau gào thét trong tim, có chút tiếc nuối, có chút chênh vênh mơ hồ, vô định được anh thể hiện rải rác trong thơ. Và người đọc phải kết nối, xâu chuỗi lại mới có thể phần nào nhang nhác hình dung.
“Bùa lá” không phải bài bài nào cũng hay, nhưng nó đánh dấu bước trưởng thành của một ngòi bút. Trong lúc những giá trị tinh thần phần nào bị người hiện đại xem nhẹ, nhà thơ nhiều khi phải đối diện với những bạc bẽo của nghề, thì những nỗ lực tìm tòi, sáng tạo của nhà thơ Phạm Tiến Triều là một điều rất đáng trân quý. Những tín hiệu văn hóa trong thơ anh không phải ai cũng “dung nạp” được, mỗi người đọc bằng những phông nền văn hóa, những trải nghiệm khác nhau sẽ có những ấn tượng, cảm nhận khác nhau về thơ anh. Sau tập thơ đầu khai lộ đến những tập thơ gần đây xác lập hình hài, giọng điệu, và cho đến khi “Bùa lá” xuất hiện anh đã dần hé mở ra trước người đọc một chân trời thơ mới. Cất lên và tôn cao cái nền vốn có trong bề dày văn hóa, tôi tin thành tựu của Phạm Tiến Triều sẽ không chỉ dừng lại ở những cái mà anh đã có.
HỒNG NGUYỄN
 
Hà Nội, 21/8/2015
Lưu Khánh Thơ
Nguồn: Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Café yêu

Café yêu Giới thiệu Nếu đã quen với những trang báo Hoa Học Trò thì cái tên Minh Nhật có lẽ không xa lạ gì với các bạn. Tuy còn khá trẻ nh...