Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Thơ Trần Hà Yên nhẹ nhàng và trong sáng

Thơ Trần Hà Yên
nhẹ nhàng và trong sáng

Tôi quen biết Trần Hà Yên (tên thật là Trần Thị Minh Hạnh, bút danh Trần Hà Yên, Minh Hạnh, Hội viện Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh) từ khi chị còn là sinh viên ngành ngữ văn (khóa VI) Trường Đại học Quy Nhơn. Ngày còn ngồi trên ghế giảng đường văn khoa cũng như sau này khi đã trở thành một cô giáo dạy văn THPT, do chịu ảnh hưởng và tác động nhiều từ những áng văn thơ nổi tiếng trong chương trình dạy và học, Trần Hà Yên đã từ những cảm xúc của con tim mà viết thành những bài thơ bỏ túi chỉ riêng mình chị biết.
Những bài thơ bỏ túi rất riêng tư ấy của Trần Hà Yên có thể đã không có cơ hội đến với công chúng bạn đọc nếu cuộc đời chị có lần không may bị một căn bệnh hiểm nghèo phải nằm viện dài ngày. Đó là khoảng thời gian u ám dễ khiến cho con người ta bi quan trước cuộc sống. Nhưng đó cũng là cơ hội để con người thấm thía giá trị của sự sống.
Với Trần Hà Yên khi cơ thể yếu ớt nằm trên giường bệnh chị đã ngắm nhìn cuộc sống đời thường đang trôi qua khung cửa, thấy mọi người đi lại nói cười, thấy xe cộ tấp nập với những thanh âm quen thuộc mà bình thường lúc khỏe mạnh ít khi để ý, chị chợt nhận ra sự quí giá vô ngần của cuộc sống. Chính là vào cái lúc ấy, Trần Hà Yên chợt thấy yêu cuộc sống vô cùng và lòng trào dâng xúc động. Từ đó, những vần thơ yêu đời, yêu người và yêu cuộc sống của Trần Hà Yên mới thực sự được hiển hiện dưới ánh sáng mặt trời, mới đến với người thân, bạn bè, học trò và đông đảo bạn đọc yêu mến chị. Trong lí luận văn học, người ta gọi đó là hoàn cảnh có vấn đề để từ đó nhà nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật.
Từ đó thơ gắn với Trần Hà Yên cứ như là nước gắn với sự sống, khí trời gắn với hơi thở. Những câu thơ đầy xúc cảm của cô giáo dạy văn viết cho chồng con, cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp, học trò… cứ thế ra đời và được mọi người đón nhận.
Nhà thơ Trần Hà Yên
Tôi vẫn nhớ vào dịp tháng 5 năm 2016, khi tập Mùa nắng hanh vàng với 123 bài thơ được tuyển chọn của Trần Hà Yên ra mắt bạn đọc bởi Nhà xuất bản Văn học, chị đã kí tặng tôi với ánh mắt yêu đời và ngời sáng một tâm hồn lãng mạn. Bởi vào thời điểm ấy, Mùa nắng hanh vàng có ý nghĩa như là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời làm thơ của Minh Hạnh dù trước đó chị đã có nhiều bài thơ được in chung với các tác giả khác như Tình thơ tháng 10, Hồn quê, Trút lá thầm thì, Gọi nắng xuân về…
Thơ Trần Hà Yên giàu cảm xúc với những câu chữ nắn nót, nhẹ nhàng chứ không đao to búa lớn, hô hào chân lí cách tân này nọ như một số cây bút trẻ thường làm ra vẻ thời thượng mà ta vẫn thấy đó đây trong các thi tập khác. Có lẽ đó là đặc điểm có được từ những năm tháng Trần Hà Yên làm cô giáo dạy văn trên bục giảng trường THPT.
Bạn đọc sẽ rất dễ nhớ những vần thơ của Trần Hà Yên mà đọc lên nghe thật da diết, nhất là khi chị viết về tình yêu:
Mùa thu về trong gió nhẹ heo may
Cứ nồng nàn mỗi hàng cây gốc phố
Đường ta qua ngập vàng bao lá đổ   
Hanh hao nào làm đôi mắt em cay
(Chung lối)
Đó chính là sự da diết với cuộc sống hay nói đúng hơn là với sự sống của Trần Hà Yên sau những trải nghiệm của phần đời mà chị đã đi qua.
Đọc Trần Hà Yên tôi nhận ra ở chị một tâm hồn trong trẻo và và hồn nhiên một cách tinh tế. Chị sinh ra Hà Nội, lớn lên ở vùng đất miền Trung nghèo khó lũ nhiều bão lắm rồi cuộc sống đưa đẩy vào lập nghiệp ở Sài Gòn, một thành phố đất rất rộng người rất đông và nắng lắm mưa nhiều. Tôi thích những câu thơ của Trần Hà Yên viết về Sài Gòn với những cơn mưa rào bất chợt:
Mưa Sài Gòn không làm sao biết được
Đến bất ngờ như em đến trong ta 
Tháng Tám rồi sao mưa cứ đi qua
Bờ vai lạnh bởi vì mưa giăng mắc
(Trời Sài Gòn)
Đọc thơ Trần Hà Yên, bạn đọc cũng dễ dàng nhận thấy sự tinh tế của chị khi nói về những tâm tình sâu kín thường chỉ có ở những cây bút nữ. Chẳng hạn hàng năm cứ mỗi mùa Vu lan đến Trần Hà Yên luôn nhớ về người mẹ tần tảo của mình:
Mẹ sinh con trong bao nhiêu gian khó
Thuở bần hàn của cuộc sống ngày xưa
Những sớm trưa trên đồng ruộng cày bừa
Cùng cha con để cho con an giấc
(Con vẫn biết)
Đó là những câu thơ giản dị có ý nghĩa như một bài học về lòng hiếu thảo của cô giáo văn Trần Hà Yên. Những câu thơ khiến ta cùng tác giả mỗi khi đọc bỗng thấy cay cay nơi khóe mắt.
Người xưa đã nói rất đúng: Văn thơ là tiếng nói của trái tim (Ngôn, tâm thanh dã – Dương Hùng, nhà làm phú nổi tiếng Trung Quốc thời nhà Hán). Người ta chỉ làm thơ khi muốn diễn đạt một cách ngắn gọn và khái quát nhất về những tình cảm đang bộc phát từ con tim mình. Vì thế thơ được xem là tiếng lòng của nhà thơ, cũng là sự thể hiện của một hiện thực đầy đủ và chân thật nhất về tư tưởng và tình cảm của con người nhà thơ. Trần Hà Yên cũng không nằm ngoài qui luật ấy. Tôi đã thấy chị viết rất hay về tình đơn phương qua hình ảnh một cánh diều thả lúc hoàng hôn:
Em thả rồi, dù biết sẽ đơn côi
Vì vắng anh trong cuộc đời em mãi
Diều vẫn bay gió không đưa trở lại
Bởi vì em yêu tình đơn phương.
(Thả diều)
Trong lịch sử tình trường của mỗi chúng ta, ai mà chẳng ít nhiều trải qua đôi ba mối tình đơn phương. Ai đã từng yêu những năm tháng học trò và cả những năm tháng sinh viên cũng đều có những mối tình đơn phương, những mối tình thường khiến ta mệt mỏi và vô vọng thậm chí là tuyệt vọng, nhưng với những câu thơ trên của Trần Hà Yên, tình đơn phương lại mang hơi hướng của tính tích cực. Đó chính là sự trong sáng trong tâm hồn – Trần Hà Yên.
Tập thơ “Mùa nắng hanh vàng” của Trần Hà Yên
Một đặc trưng khác trong thơ Trần Hà Yên là câu chữ, từ ngữ trong thơ chị rất giản dị dù chị vẫn dụng công trau chuốt. Người vụng về trau chuốt thường làm phức tạp, rắc rối thêm; người tinh tế trau chuốt là để làm giản dị thêm câu chữ. Trần Hà Yên là một người làm thơ tinh tế. Hãy lắng nghe qua những câu thơ chị viết về tình yêu khi một mùa xuân đã đi qua để thấy hết sự sâu lắng mà thiết tha trong cảm xúc tâm hồn chị:
Đã cuối xuân rồi sao em mãi vấn vương
Hương sắc tình yêu vẫn đang mùa mật ngọt
Và say mê em lắng nghe tiếng hót
Đàn én ngang trời tung cánh lượn, mùa xuân!
(Hương sắc mùa xuân)
Với những trang thơ dâng đầy sức sống không một chút mệt mỏi hay bi quan yếm thế, trải qua những năm tháng sống và viết, Trần Hà Yên đã gặt hái được khá nhiều thành công. Có thể kể ra đây những giải thưởng văn học mà chị đã đạt được: Chuyện tình chị tôi (Giải nhì thơ Đồng vọng 2014), Ký ức mùa thu (Giải 3 thơ Hướng dương 2015), Lời nguyện cầu (Giải nhất cuộc thi thơ CLB Vần thơ Tâm Giao 2015. Trần Hà Yên là Hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, chị còn là thành viên của Thi đàn Việt Nam và là Quản trị viên CLB Văn học Hạt Bụi Vàng – Trung tâm UNESCO Việt Nam.
Người viết bài này cũng như bao độc giả khác luôn mong mỏi cho thơ Trần Hà Yên, một cô giáo dạy văn làm thơ ngày càng tinh tế, đằm thắm và sâu lắng hơn để cho những tứ thơ hay luôn tuôn chảy trong tâm hồn chị. Nó như một sự khao khát luôn nằm ở phía trước như Trần Hà Yên đã viết rất đạt trong bài thơ Điều em muốn mà tôi lấy làm kết thúc cho bài viết này:
Ngày đến rồi đêm cũng sẽ đi qua
Nỗi buồn nào cũng nguôi ngoai năm tháng
Chỉ còn em với tình yêu ở lại
Khao khát niềm vui luôn đến mãi trong đời.
HÀ TÙNG SƠN
 
15/12/2020
Ngô Bích Thu
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. ...