Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2023

Tiểu luận của Anh Ngọc: Sử dụng khẩu ngữ trong thơ

Tiểu luận của Anh Ngọc:
Sử dụng khẩu ngữ trong thơ

Văn chương có thể dùng toàn những ngôn từ sách vở mỹ miều mà vẫn phản ánh đúng hồn vía của đời sống, như kịch Sêchxpia, tiểu thuyết Huygô… chẳng hạn. Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn từng có một nhận xét rất tinh về ngôn ngữ của các nhân vật trong vở kịch “Hòn đảo thần Vệ nữ”: “Các nhân vật của vở kịch này tuy xuất thân là nông dân, là người lao động ít học nhưng vẫn nói một thứ ngôn ngữ hoa mỹ như sách vở, ấy vậy mà lại rất ăn nhập với không khí trang nghiêm và sang trọng đến mức cổ điển của vở kịch”.
Dùng khẩu ngữ đúng ngữ cảnh luôn nâng cao giá trị của tác phẩm. Đại thi hào Nguyễn Du và nhà thơ Hồ Xuân Hương luôn là đại diện tiêu biểu nhất khi dùng khẩu ngữ trong thơ.
Nói đi thì như vậy, nhưng nói lại thì sao?
Có một câu chuyện mà tôi không nhớ là đã đọc hay nghe được ở đâu, kể rằng: Một lần, Napôlêông và thuộc hạ bị quân địch vây khốn, tình thế hiểm nghèo đến nỗi những tướng lĩnh dày dạn trận mạc của ông cũng không giữ nổi bình tĩnh, đúng lúc ấy, khi nghe có ai đó hốt hoảng kêu lên một tin dữ, vị hoàng đế kiêu hùng của nước Pháp liền quát to, độc một tiếng “Cứt!”.
Chính là tiếng chửi cộc cằn tột cùng biểu cảm của thứ khẩu ngữ dân dã ấy đã nói lên tất cả tính cách của con người sắt đá này và trong hoàn cảnh ấy nó còn làm được hơn cả một liều thuốc an thần cho đám bộ hạ đã mất hết tinh thần. Chắc là sau đó Napôlêông đã chiến thắng trận ấy vì trong đời ông chỉ thua có vài trận, trong đó có trận cuối cùng mà thôi!
Như vậy là đã rõ: Một nhà văn, nhất là nhà văn hiện đại, không thể không biết dùng đến khẩu ngữ. Bởi vì khẩu ngữ không gì khác hơn là linh hồn và tâm tính của quảng đại quần chúng được thể hiện ra một cách hồn nhiên nhất, sống động nhất như cuộc đời vốn thế.
Trước hết, trong văn xuôi: Vai trò của khẩu ngữ quan trọng đến nỗi nó đủ sức giúp ta phân biệt một nhà văn thực sự và một cậu học trò đang tập “làm văn”. Điều này thể hiện rõ nhất trong những câu đối thoại, đến mức nhiều khi chỉ cần liếc qua vài câu đối thoại là tôi đã hầu như biết chắc chắn người viết có tài văn hay không. Bởi vì đơn giản khi đối thoại con người phải nói ngay, nói không có chuẩn bị nên ngôn ngữ hồn nhiên và mang tính đời thường nhất. Các bạn có thể lật dở bất cứ trang văn xuôi nào cũng sẽ thấy điều ấy.
Bây giờ ta thử xem xét việc dùng khẩu ngữ ở trong thơ.
Đã đành là cũng có những loại thơ có tính truyện, thơ tự sự…, nhưng kiểu gì thì bản chất của thơ vẫn là tiếng nói tâm hồn của một cá nhân trữ tình, nên ngôn ngữ thơ cơ bản là thứ ngôn ngữ đã trau chuốt, chắt lọc trên cái nền của ngôn ngữ đại trà. Tuy nhiên, không hiếm trường hợp ta vẫn bắt gặp cách dùng khẩu ngữ rất tài tình ở những nhà thơ giàu bản lĩnh. Ta biết, Nguyễn Du là một thi sĩ đã tôn vinh vẻ đẹp của Tiếng Việt bằng vô số những vần thơ rực rỡ và sang trọng: “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng …”. hay “Người lên ngựa, kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san…”.
Nhà thơ Anh Ngọc
Ấy vậy mà khi cần, nhà thơ xuất thân đại quý tộc này vẫn biết cách đặt vào miệng nhân vật của mình những từ ngữ hàng tôm hàng cá chính hiệu, chẳng hạn mấy lời chửi bất hủ của mụ Tú Bà :
“Bảo rằng đi dạo lấy người
Đem về rước khách kiếm lời mà ăn
Tuồng vô nghĩa, ở bất nhân
Buồn mình trước đã tần mần thử chơi
Màu hồ đã mất đi rồi
Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma
Con kia đã bán cho ta
Nhập gia thì cứ phép nhà ta đây
Lão kia có giở bài bây
Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe
Cớ sao chịu tốt một bề
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao…”.
Đúng là cả một xêri khẩu ngữ vỉa hè được ném ra đến tối tăm mặt mũi, và chính nhờ tính khẩu ngữ ấy mà thứ ngôn từ này mang màu sắc hiện đại kỳ lạ, ngỡ như những tay du côn du kề hôm nay cũng chưa phát minh ra cách nói gì khác hơn được thế. Sức sống của khẩu ngữ cũng ghê gớm đấy chứ. Có phải vì thế mà khi bình đoạn thơ này, Xuân Diệu đã kêu lên: Mụ Tú Bà chửi từ hàng trăm năm trước mà tưởng như nước bọt của mụ còn văng đến tận bây giờ, tưởng như mụ chửi rách cả trang giấy Truyện Kiều!
Đấy là Nguyễn Du, một cậu ấm, một viên quan Chánh Sứ. Còn như với một thi sĩ quái kiệt vốn là hồn vía của thập loại chúng sinh như Hồ Xuân Hương thì khỏi phải bàn. Chắc chắn mấy chú học trò quen mở mồm là “chi hồ giả dã” không ít phen phải đỏ mặt tía tai bỏ chạy khi nghe những:
“Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa…”.
 
“Cửa son đỏ loét tùm hum nóc
Hòn đá xanh rì lún phún rêu…”.
 
“Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa…”.
Trong thơ hiện đại, xu thế dùng khẩu ngữ càng phát triển hơn và đó là điều tất nhiên. Một nhà thơ thoát thai từ Thơ Mới, đầy duy mỹ như tác giả “Tây Tiến” với những “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” và “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”… mà có lúc cũng bỗ bã như ai, với “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”…
Nhưng phải đến từ thế hệ chống Mỹ trở đi thì có lẽ việc đưa lời ăn tiếng nói của đời thường vào thơ mới ăn sâu vào ý thức người viết. Hình như đó là sự cố tình khinh mạn quay lưng lại thứ văn phong sách vở, thói cố ý “làm văn” mà con người hôm nay rất dị ứng. Xin dẫn vài ví dụ, gọi là hú hoạ: Trong “Chồng chị, chồng em“, một bài thơ thú vị của Đoàn Thị Lam Luyến, nữ sĩ này đã tạo được một giọng điệu không thể lẫn nhờ vào lối nói thẳng thừng đầy sức sống của đời thường, kiểu như: “Cái giần vục phải cái sàng/ Xui cho hai đứa nhỡ nhàng gặp nhau”. Ở một tập thơ khác có cái tên đặc khẩu ngữ “Dại yêu”, chị vẫn giữ đúng một giọng như thế: “Em đầy ngộ nhận như tôi/ Cũng yêu chí chết cái người mình yêu…”.
Tôi nghĩ, một cách lựa chọn giọng điệu như thế là phù hợp với tạng của người viết này. Đối với nhà văn, giọng điệu quan trọng đến mức sống còn bởi nó góp phần quyết định để nhận diện một cây bút. Nhà thơ Nguyễn Duy có lẽ cũng là một người đi theo con đường này. Tôi cho rằng cùng với chất trào lộng, mặt mạnh nhất trong thi pháp thơ Nguyễn Duy là khả năng sử dụng khẩu ngữ của đời thường, như anh đã tuyên ngôn trong lời mở đầu một tập thơ có cái tên đặt rất đích đáng “Bụi” : “Đừng chê anh khoái bụi đời/ bụi dân sinh ấy bụi người đấy em/ xin nghe anh nói cực nghiêm/ linh hồn cát bụi ở miền trong veo…”.
Nguyễn Duy đã gặt hái được khá nhiều khi đem chất bụi ấy vào thơ. Nhưng có lẽ tính mức độ vẫn là điều khó nhất, và tiếc thay, đôi lúc cũng lại là quan trọng nhất trong sáng tạo nghệ thuật. Không ít lần nhà thơ Nguyễn Duy đã quá đà, để cho cả hai thứ đặc sản của anh là chất hài và chất bụi quay lại làm hại anh. Điều đó chắc hẳn chính anh cũng biết.
ANH NGỌC
 
Hà Nội, 21/8/2015
 Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhặt từng mong manh

Nhặt từng mong manh Mùa yêu đã tận/ Dòng đời trôi nhanh/ Mình em lận đận/ Nhặt từng mong manh// Lạ gió lạ mây/ Đường xưa mưa nhỏ/ Mưa chạm...