Thứ Năm, 12 tháng 1, 2023

Tiểu luận của Hồ Anh Thái: Tự hào và chối bỏ

Tiểu luận của Hồ Anh Thái:
Tự hào và chối bỏ

Ở một đất nước vùng Trung Đông. Phúc lợi xã hội được thực hiện tốt. Riêng chuyện lương thực thực phẩm, ở thủ đô có hẳn một khu chợ bao cấp rộng mênh mông. Thực phẩm hàng hóa ở đấy giá chỉ rẻ bằng nửa so với siêu thị hoặc các khu chợ khác. Chợ dành cho người thu nhập thấp. Tuy vậy chất lượng sản phẩm luôn ở mức chấp nhận được, không hề thấp.
Chỉ có một điểm khác: ở các “chợ nhà giàu”, mua hoa quả chẳng hạn, bạn được tự tay chọn. Cứ quả ngon quả tốt thì nhặt. Còn ở chợ bao cấp cho nhà nghèo này, hoa quả hái xuống còn tươi chưa phân loại, để cả sọt to, bạn không được quyền chọn. Nhân viên bán hàng tự tay bốc từng vốc, bỏ lên cân, rồi cho vào túi giúp bạn. Chuyện, đâu có quyền chọn, giá đã rẻ chỉ bằng một nửa.
Nhà văn Hồ Anh Thái
Chẳng cần nói một khu chợ bao cấp giá rẻ như vậy là điểm hẹn của người Việt Nam. Ăn nhanh, đi chậm, hay cười/ Hay mua đồ cổ là người Việt Nam. Đồ cổ ở đây phải hiểu là đồ cũ. Và phải nói thêm: hay mua đồ rẻ là người Việt Nam. Đồ rẻ, tất nhiên về chất lượng không thể đòi kén cá chọn canh.
Ấy vậy, bà vợ một nhà ngoại giao người Việt khi giáp mặt anh bán hàng thì cười rất tươi, bập bẹ tiếng địa phương tự giới thiệu ngay từ câu đầu: Tôi là người Việt Nam.
Ái chà, quý bà chắc chắn là người có lòng tự hào dân tộc cao ngất. Đi đến đâu cũng không chịu quên giới thiệu quê hương bản quán của mình. Nhưng lòng tự hào phô trương ngay từ câu đầu này đã có tính toán: gây cảm tình. OK, cảm tình đã được thiết lập. Anh bán hàng đẹp trai tướng mạo như Alexander Đại Đế đã tươi cười đáp lại. Anh đưa hai bàn tay hộ pháp bốc cho bà mấy cân táo. Anh bốc lên đĩa cân rồi, bà hùng hổ gạt phắt tay anh ta ra. Bà sấn sổ xông vào nhặt những quả méo bỏ ra ngoài, rồi tự tay nhặt những quả ngon quả chín bỏ vào. Có nghĩa là bà phải được chọn.
Bà một mình phá bỏ quy ước của khu chợ bao cấp: mua hàng không được chọn.
Bà tự thiết lập cho mình một đặc quyền mà những người địa phương đang xếp hàng không có.
Đặc quyền ấy bà tự cho là nhờ kỹ năng gây cảm tình của bà. Cụ thể nó là câu tự giới thiệu mào đầu: Tôi là người Việt Nam.
A, thì ra lòng tự hào dân tộc là có chủ ý. Nó xuất phát từ sự vụ lợi. Tranh thủ cảm tình để kiếm lời. Và để tranh thủ cảm tình và trục lợi, người ta sẵn sàng mang cả danh xưng đất nước ra để đổi chác giá rẻ.
Anh bán hàng lúc ấy chỉ biết ngắm bà Việt Nam đang nhặt nhạnh lựa chọn từng quả táo, chỉ ngắm và cười cười, thể tất. Cả một hàng người xếp hàng cũng chỉ biết nhìn chằm chằm cái bà vừa xưng là người Việt Nam đang so đo chọn lựa. Chắc cũng phải có người sốt ruột nghĩ: Bà Việt Nam kia, bà muốn được quyền chọn thì mời bà sang chợ nhà giàu mà chọn, đừng có làm phiền người khác như thế này.
Kể đến đây, người viết phải tạm dừng lại để hỏi người đọc: nếu bạn đang đứng xếp hàng ngay sau cái bà tự xưng là Việt Nam kia, ngay khi bà ta vừa đi khỏi, anh bán hàng hỏi bạn người nước nào thì bạn có dám trả lời thật thà rằng mình cũng là người Việt Nam hay không?
***
Cũng là một người Việt Nam ở nước ngoài. Xếp hàng trước quầy làm thủ tục gửi hành lý ở sân bay, một anh chàng người Việt bắt chuyện với một ông Tây đứng trước mình. Bập bẹ, xin tự giới thiệu tôi là người Việt Nam, ông đến Việt Nam bao giờ chưa, chưa à, thế thì ông phải đến, đất nước tươi đẹp, con gái xinh đẹp, người dân thân thiện.
Xong. Đã biết ai là ai. Tinh thần tự hào dân tộc ngay sau đó được chuyển hóa sang nội dung chính. Anh ta đang có hơn hai chục cân hành lý quá cước. Mỗi cân sẽ phải nộp khoảng hai chục đô la Mỹ. Nhẩm tính tổng thiệt hại sẽ là một khoản cay như ớt đắng như mướp đắng. Thế thì chỉ còn cách nhờ vả. Nhờ cái ông Tây này chẳng hạn. Xem ra hành lý của ông ấy không nhiều. Nhờ ông ấy nhận gửi giúp cái thùng giấy của mình. Hành lý của ông ấy thêm vào hai chục cân. Hành lý của mình bớt được hai chục cân.
Nhờ vả ở sân bay kiểu ấy không hay. Nhưng mấy câu gây cảm tình và mấy câu nhờ vả thì cũng chưa đến nỗi quá quắt. Thế mà anh chàng kia vẫn không dừng lại. Anh ta sửa bộ mặt cám cảnh mà nói thêm: Ông giúp tôi nhé, tôi là người Việt Nam, Việt Nam nghèo lắm.
Ấy thế. Thì ra. Thì ra thế.
Người viết lại đặt câu hỏi cho người đọc: nếu bạn cũng đang đứng trong hàng người ấy, đã nghe thấy cuộc nhờ vả kia, rồi khi bạn tiến đến trước mặt ông Tây thì ông Tây hỏi bạn: Lại là người Việt Nam nữa à?
Bạn có nhận không? Nhận mình cũng là người Việt Nam?
***
Rồi cũng ở cái sân bay ấy. Anh chàng đã nhờ được ông Tây để không phải mất tiền nộp hai mươi cân hành lý quá cước giờ đang cười nói bô lô ba la với một nhóm bạn đồng hành người Việt. Phô trương chiến thắng, chiến thắng bằng cách giơ cái nghèo đói của đất nước mình ra. Quán tính của một thời thiếu đói, ai cũng thản nhiên phô trương cái nghèo của mình, phô cái nghèo để được nhận chế độ ưu tiên ưu đãi của xã hội, thậm chí của nước ngoài. Phô cái nghèo để trốn thuế và trốn tránh một lô trách nhiệm. Anh chàng kia đang hân hoan phô trương cái chiến thắng kiểu ấy. Thôi thì cứ rộn ràng tíu tít cả một góc phòng chờ. Người nước ngoài nghe chẳng hiểu gì, chỉ thấy thanh điệu nheo nhéo bổng trầm như chim hót như loa phường. Họ chỉ biết đấy là một nhóm người Việt đang cụm lại với nhau thực hành tiếng Việt ở xứ người. Ồn ào, khó chịu, mất cảm tình.
Giả sử lúc ấy có một bà đầm hoặc một ông Tây nào đó hỏi có phải bạn đi cùng nhóm người Việt ở đằng kia hay không, bạn sẽ trả lời thế nào?
Nhận là đồng hương? Hay không nhận?
***
Một anh bạn người Việt ở nước ngoài có lần trả lời tôi: dứt khoát không nhận. Phải làm như mình không dính líu đến đám người mất trật tự ấy. Đã có một người trong số họ đoán mình là người Việt, bèn mon men đến hỏi bằng tiếng Việt. Mình bèn ngơ ngác hỏi lại bằng tiếng Anh, làm cho anh bạn kia quê luôn, phải sorry rồi rút lui. Mình không muốn bị người nước ngoài coi là cùng một giuộc, không muốn bị coi thường. Đến những nơi công cộng ở xứ người, thường có người đến làm quen rồi hỏi, người Hàn à, người Nhật à, người Thái Lan à?
Nhận luôn.
Anyone but Vietnamese. Là ai cũng được, chỉ trừ là…
Nói thế lại bị nâng cao quan điểm rằng đấy là loại vong bản, mất gốc. Giống như người ta từng cắt cúp một câu nói của ông trí thức nọ rằng phải làm sao nâng cao vị thế của người Việt trong mắt bạn bè thế giới, để khi cầm tấm hộ chiếu ra nước ngoài, ta không bị mặc cảm hay hổ thẹn. Cắt cúp. Cố tình hiểu sai ý. A, dám nói là cầm hộ chiếu Việt Nam thì thấy hổ thẹn. Chủ ý hiểu sai, để có cớ cho sấm sét tung ra và gạch đá dội xuống.
Mấy câu hỏi đặt ra ở trên coi như đã được trả lời. Người ưu tư mẫn cảm và dễ bị tổn thương sẽ không chịu nhận, nếu như ngay trước mình có người Việt Nam đã đến và làm tổn hại thanh danh đất nước. Tự nhận là người Việt để rồi bắt mọi người chờ chực mình nhặt nhạnh từng quả táo từng quả cà chua. Tự nhận mình là người Việt để dùng cái tình cảnh nghèo hèn của mình mà xin người ta trả giúp cước phí cho vài chục cân hành lý. Tự nhận là người Việt để rồi sau đó buôn gian bán lận hoặc làm ồn ào cả lên ở những nơi công cộng như sân bay, nhà ga, bến xe, công viên, thư viện, rạp hát…
Không thể nói những sự tự nhận ấy là lòng tự hào dân tộc. Trước hết, đấy là sự dễ dãi, vô tâm vô tính, không biết giữ gìn và bảo vệ một giá trị thiêng liêng – không biết tôn trọng thanh danh của đất nước. Tiếp nữa, đấy cũng là sự thiếu tự trọng, danh dự của chính đất nước mình mà không biết cất giữ sâu kín trong tim mình như cất giữ đồ gia bảo, có khi suốt đời không phô ra cho ai biết. Nữa, đã không biết giữ lại còn đem phô ra, biến nó thành món vật chất hữu hình để đánh đổi lấy lợi lộc cho cá nhân, mà là lợi lộc giá rẻ.
Cái việc đi đâu cũng nhận là người Việt kiểu ấy, người tử tế sẽ từ chối gọi đấy là lòng tự hào dân tộc. Cái sự xưng xưng tự nhận dễ dãi và tưởng như hồn nhiên ấy cứ thế mà tích tiểu thành đại, làm hư hại chính lòng kiêu hãnh của cả một cộng đồng. Nó vừa là sự hời hợt của một kiểu người, vừa là sự láu cá, ăn người, vặt vãnh. Là sự quyết đạt mục đích vật chất bằng mọi giá, ngay cả khi có phải đem thanh danh ra để mua bán đổi chác.
Một khi vẫn còn “lòng tự hào” kiểu ấy thì mãi mãi vẫn còn sự “chối bỏ gốc gác” kiểu kia.
    HỒ ANH THÁI
 
2/4/2021
Mai Thị Liên Giang
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thành phố vắng bóng mặt trời  Nhà văn Trần Quốc Cưỡng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Phú Yên. Xuất thân...