Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2023

Tiểu luận của Thy Lan: Lắc lư cùng Văn Đắc

Tiểu luận của Thy Lan:
Lắc lư cùng Văn Đắc

Ông Văn Đắc quê Thanh lúc nào cũng đủng đỉnh một chiếc túi thổ cẩm lắc lư bên mình như báu vật. Tôi nói đùa “túi thơ lưng lửng đi khắp thế gian”. Ông cười hiền đáp: “Nhà ngươi cứ trêu ta”. Quả thật, cái lắc lư ấy cứ ám vào tôi về một hồn người, hồn thơ.
Nhà thơ Văn Đắc trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, đến nay tuổi ngoại bảy mươi mà sức cống hiến xem ra còn “trường” lắm. Ông làm thơ và cũng viết cả lý luận phê bình nữa. Đọc rồi suy ngẫm từ chuyện nhỏ, chuyện to, chuyện xưa, chuyện nay,chuyện riêng một người,chuyện chung của làng văn nghệ, những cảm nhận về thơ bạn bè, đồng nghiệp, anh em… đều được ông nhìn nhận, đánh giá, phản ánh dưới con mắt “có tình”, hóm hỉnh, được nhiều sự đồng cảm. Là một người viết lý luận không chuyên, ông không quen dùng “học thuật nọ, khoa học kia”, ông viết bằng nhãn quan của một nhà thơ gần gũi, sát thực, giàu liên tưởng. Đọc thơ ông, bài viết của ông người ta thấy ít nhiều nhận được sự động viên, khích lệ, thấy mình được truyền lửa đam mê. Ông cứ đủng đỉnh, lắc lư; nói, làm và lôi kéo được mọi người đến gần mình mà tận hưởng, mà sẻ chia.
Mới đây, ông xuất bản tập thơ chọn có tên: Thơ Văn Đắc. Tôi lại có dịp được “thưởng thức” cái lắc lư, say đắm của thơ ông như một nét riêng không trộn lẫn. Ông đã in dấu ấn của mình vào thơ, đã gọi được tên cho thơ, đó là điều không phải ai cũng làm được! Dẫu rằng, đôi người vẫn bảo “thơ Văn Đắc chưa đi đến cái tận cùng”, “thơ còn điệu đà, làm dáng, làm từ”… Tận cùng là đến đâu? Mà thơ bao giờ là đủ, mà đủ đã là để chín, để thăng hoa, để làm chủ ngôn ngữ, để “bao con tim” phải rung lên tự “dày vò” mình. Văn Đắc là người có nhiều kỳ vọng, đôi lúc cũng không tránh khỏi chỗ nọ, chỗ kia; từ ngữ chưa sang; chưa mới… xem ra cũng là thói thường của kẻ hào hoa. Nhưng có được tiếng bấc, tiếng chì Văn Đắc “nuốt vào bụng”, ngào trộn thành đa mê, thành tiềm thức mà hoàn thiện hơn! Nên đến tuổi “nghỉ ngơi” rồi mà thơ ông vẫn như còn quậy cựa, bật chồi; vẫn trẻ trung, say đắm hiếm gặp.
Nhà thơ Văn Đắc ở Thanh Hóa
Lần mở trang đầu tập thơ là bài thơ Làng sơ tán. Bài thơ đạt giải Báo Văn Nghệ năm 1969 -1970… cho đến giờ mỗi khi đọc lên ta vẫn thấy lòng lạc quan nhân lên gấp bội:
Một túp lều con
Sơ tán
Nhiều túp lều con
Thành làng sơ tán
Giặc bỏ bom ngang
Ta xây làng dọc
Giặc bỏ bom dọc
Ta dựng làng ngang.
Niềm lạc quan ấy gửi vào sự hồn nhiên của trẻ thơ, gửi vào câu hát, gửi vào vì sao, gửi vào tiếng kẻng:
Trận địa của mẹ đây
Cháu nhỏ trải nong trên đê nằm đếm vì sao hát…
Kìa mẹ ơi
Bom Mỹ lại đến rồi
Mẹ khua kẻng dài hơn làng sơ tán
Từ trận địa của ta vút chéo lên trời thẳng căng đường đạn
Trên trời quê ta
Máy bay Mỹ cháy…
Trước cửa lều sáng lóa đóa trăng.
Không có bông hoa nào, không có huân chương nào cho mỗi chiến công, chỉ có ánh trăng là bầu bạn, là chứng nhân, là sự sẻ chia, chứng kiến mọi khó khăn và cùng con người lạc quan, hy vọng, hân hoan. “Đóa trăng” luôn hiện hữu trước “cửa lều” của làng sơ tán như niềm tin cách mạng luôn soi đường chỉ lối cho tiến bộ, cho điều thiện trước cái ác, cho sự dung dị, nghĩa nhân trước phấn son, cường bạo mà làm nên bản lĩnh con người, vóc dáng một dân tộc. Bài thơ đã đi vào lòng người từ những ngày đánh Mỹ, đến nay đọc lại vẫn còn lay động, vẫn còn sức sống riêng. Và tôi như đã nhìn thấy một cái lắc lư của con người có tâm thế, lạc quan, làm chủ được hành vi và biết “gieo giắc” niềm tin đến người khác.
Văn Đắc có cá tính rất tự nhiên trong đời thường. Có lẽ, cái nghề giáo “trang nghiêm “một thời trong đời ông trộn vào cái “lắc lư” thi sỹ trời cho mà “gột” nên hồ trong bay bổng thơ ông: “Nhà tôi niềm vui bận rộn/Cái ghế làm con tàu/ Cái bàn thành bến cảng…/ Tiếng cười mở ra ngoài đường/ Nước mắt gói vào vạt áo /Những ngày mưa mây xuống bắc cầu/ Tường cũ loài rêu xây cung điện/ Lắm lúc buồn vui/ Kéo cả dãy Trường Sơn về ở/ Đất nước hình như cũng ngồi trong đó/ Trái đất quay đúng chỗ tôi ngồi”. Cái tôi của Văn Đắc giao thoa, hòa hợp đến kỳ lạ; một chút khoát đạt, một chút cô đơn, một chút bộc trực, nóng nảy bốc đồng, một chút vội vàng, kiêu kỳ, ảo vọng… cứ nhấp nhổm như muốn trộn lẫn, như muốn khác biệt làm nên hình hài, mà nâng đỡ, nuôi lớn khát vọng không gì cưỡng nổi. Bởi thế dẫu đi được đến tận cùng đất nước hay chỉ ngồi tại nhà mình thì tấm lòng cũng hướng ra “bến cảng”, “con tàu”… Con người biết chịu đựng “Nước mắt gói vào vạt áo”, biết chia sẻ “Tiếng cười mở ra ngoài đường”, cái tôi từ bóng đêm bước ra không lạ lẫm với nắng trời! Ông tự ý thức: “Tôi như ngọn đèn ai thắp tự ngàn xưa”, rồi “Kéo cả dãy Trường Sơn về ở” để đến khái quát, tự tin hơn “Trái đất quay đúng chỗ tôi ngồi”. Có kiêu quá chăng? Văn Đắc đang lắc lư? Đang ngạo nghễ? Đang lo âu trước vũ trụ thơ không dừng lại?
Thi sĩ làm thơ cho mình cho đời, Văn Đắc dẫu có trải lòng đến mấy với sông Hương “dằng dặc Huế bên lòng” thì cũng để (có thể vô tình hay hữu ý) cho một chút ngông thi sỹ mà giấu đi cái mềm lòng, yếu đuối trước mỹ nhân: “Khách tiêu giao là ta/ Khách giang hồ là ta” (Một lần Huế). Hay trong bài “Lại đến mùa xuân”:
Em ơi, mùa xuân
Biển biếc ngàn năm em cũng không ngờ
Cứ xanh thế để làm con trẻ
Để gió về bờ em đậu ngủ
Mặt trời lên như quả chín cây buồm
Ngọn núi hóa măng non
Mái chùa thành búp lá
Miếng trầu vườn hai họ hẹn trao duyên
Hay:
Tôi như thuyền gác bãi dây neo
Bao mặn chát thấm tràn vào thớ gỗ
Trả lại biển những mùa xuân sóng gió
Xin đừng ai khua động mái chèo
Rạo rực là thế, mà nỡ cầm lòng nuốt theo tĩnh lặng! Có mâu thuẫn chăng với cái lắc lư kia: “Lặng yên nhìn trong cát tiếng trăng reo“. Sự giằng xé, sự dày vò phải chăng là rễ, là nguồn để làm nên vầng trán thơ ông! Cha mẹ xưa đặt tên cho ông là Nguyễn Tiến Tới, hẳn mong ông sau nay phát triển bằng người. Khi đến với văn chương ông lại đặt bút hiệu cho mình là “Văn Đắc”. Cái tên dễ nhớ, dễ gần và cũng gợi. Cái tên đó hợp với con người ông, hợp với văn ông bởi cái “sự Tâm, sự Đắc”; yêu đời và cũng muốn được đời yêu, nó vận vào ông, hình như có sự chi phối nào đó từ cả cách cảm, cách nghĩ thơ ông mà lay động hồn người:
Ta lẻn khỏi tuổi ta
Tìm lại vườn tuổi trẻ
Nàng ào đến ta như cơn gió biển mùa hạ.
Có lúc ông lại tự giễu mình:
Vợ mình không nhớ
Đi nhớ người ta
Già cóc củ đế hóa ra dại khờ
Đêm nằm trăn trở
Ngày đi gật gà
Nghe gọi hồn vía từ ngàn kiếp xưa
Con mắt nhỏ tí ra điều bao la
Của cải thiên hạ đòi mang về nhà
Rừng núi bước qua sông bể bước qua
Kiễng chân trên đất hái trăng làm quà
(Chân dung)
Ông cứ lắc lư,an nhiên, tự tại, tạo vật quanh ông hình như cái gì cũng nhỏ bé nằm trong tầm tay với, để ông có cớ mà giấu đi cái xung đột lòng mình: “Kiểng chân trên đất hái trăng làm quà”.
Bài thơ Làng ơi thêm một bức tranh Văn Đắc tự họa chân dung mình không cần chú thích: “Lắm lúc tôi đi trên đường làng/ Bọn trẻ hò reo: A, Ông Đắc. Ông Đắc/ Thế là cái tên thành tiếng hát/ Bạn nhỏ làng ơi bạn nhỏ làng/ Lắm lúc tôi im lỳ như đống rơm/ Cứ óng ả với trăng vàng trăng bạc/ Có cụ già vò tôi tâm sự/ Đến bây giờ hương lúa vẫn còn bay/ Tôi đang làm quả chín của làng đây/ Bọn trẻ lớn lên cụ già đi vãn hết/ Có con chim nhớ mùa, tìm hạt/ Nhận ra tôi ngơ ngác lá trong vườn”. Cái lắc lư như tỉnh, lại như động, như tiếng chim trong vườn lá thắm: “Tôi đang làm quả chín của làng đây”.
Khi tôi nhận ra (tạm gọi) đặc điểm lắc lư trong thơ Văn Đắc thì bài thơ tôi nghĩ tới đầu tiên là Tôi người Thanh Hoá. Tôi muốn dành nói sau cùng để kết lại một hồn người gắn liền với quê hương xứ sở. Trời Thanh Hóa rộng dài: “Phía Đông là biển/Phía Bắc là dãy Tam Điệp/Phía Tây là biên giới Việt Lào/Phía Nam là núi Chẹt”. Nhưng ông đã có sự ví von rất ngạo nghễ:
Trời Thanh Hóa của tôi là cái vó
Thả lúc nào cũng vớt được tôi lên
Và “rặt” một chất quê Thanh: “Đi đâu, về đâu, đến bao giờ/ Tôi không lẫn vào ai được”. Chính cái không lẫn vào ai mà vẫn nguyên xi chất người Thanh Hóa là cả một sự thủy chung mới có được: “Tôi người Thanh Hoá/ Cái khuôn đúc sẵn của trời/ Đã xoay đủ cách vẫn trồi tôi ra/ Xứ này vừa thật, vừa mơ/ Rất người mà rất “bay choa” mới tài”. Và cái hồn quê đọng lại ở điều bình dị nhất: “Rưng rưng rau má ngỏ lời/ Xa quê nhớ lấy nét người kẻ quê… Rau má là tôi là anh/ Cứ xanh mắt lá hiền lành là ta”. Và còn đặc trưng hơn nữa trong tiếng cười: “Thích bông lơn kiểu Trạng Quỳnh/ Thích nghênh ngang kiểu anh hùng xứ Thanh/ Thích thì vác đá xây thành/ Uất thì chọc thủng trời xanh mà cười/  “Lành làm gáo, vỡ làm môi”/ Rượu suông rất dễ động trời mà say”. Tính cách đó người xứ Thanh ai đọc cứ tưởng nói mình, lại ngồi một mình cười tủm: “Cái ông Đắc này nói sao mà trúng thế!”. Người quê Thanh thẳng thắn, bộc trực cũng lại hay bị mếch lòng nhau vì nói thẳng nên “Rượu suông rất dễ động trời mà say“. Câu thơ đầy ẩn ý, nói được nhiều điều.
Lạc quan là thế nhưng ông thi sĩ cũng nhiều lúc không tránh khỏi nỗi buồn. Nhất là khi rơi vào trạng thái cô đơn; “Tự làm bến rồi tự làm khách hẹn/ Díu dan chỉ dan díu một mình”(Tự cảm). Bởi vậy, có lúc ông thấy bơ vơ giữa hai bờ hư thực: “Như là hẹn và như là lỡ hẹn/ Tôi cứ đi như một kẻ si tình”. Hoặc có khi ông lại chơi vơi trống rỗng trong lòng như bị ai rút ruột: “Cái nỗi muôn đời thi sĩ/ Luôn có cuộc đưa tang trong khoảng trống tâm hồn”. Nhất là khi không tìm được sự đồng cảm cho thơ:“Thơ là thứ vu vơ nhất/ Không có ai chơi thì thơ chết mất” (Đêm vu vơ).
Văn Đắc lạc quan là thế, lắc lư là thế nhưng là cái lắc lư gắn liền với thế sự,con người, cuộc đời. Thậm chí cụ thể hơn là dòng sông, con thuyền, bông hoa, chiếc lá… hay người già, trẻ nhỏ… Trong bài thơ Trần đời ông viết để lên án những kẻ bạc ác, chà dạp lên tất cả, mất hết nhân tính, nhân tình: “Kẻ mua bán chức danh được nêu gương đạo đức/ Giả nghĩa giả nhân ra bộ hiền tài..”. Như thế thì theo ông cũng chuốc lấy thất bại “Khổ nhân tính trời chu đất diệt” chỉ có yêu người mới được người yêu.
Mặc dù có rất nhiều ưu thế về ngôn ngữ, về cái nhìn sắc nhọn, tâm cảm, suy tư về tình yêu mới và lay… Nhưng có lẽ vẫn cần hơn ở ông ngoài cái “lắc lư’ hiếm gặp kia, một sự ngất ngư, đắm đuối, tận cùng hơn để thơ “chín” hơn và thoả mãn nhiều khát khao của người đọc dành cho ông. Đúng như khát vọng mà ông thường chia sẻ với bạn đọc: Đã ủ men thơ nên cứ muốn “say cho đến muôn đời còn say”.
Viết về ông Văn Đắc và thơ ông đã có nhiều người quan tâm, làm thơ, viết lời bình, tản mạn… thậm chí nghiên cứu cả công trình sách gần trăm trang. Tôi thì chỉ góp đôi điều suy nghĩ để nói thêm về một hồn thơ, một hồn người, nhất là căn nguyên sâu xa, đặc tính sáng tạo, tạo nên phẩm chất thẩm mỹ “lắc lư” của thơ ông. Trong đó, tôi muốn dành lời kết bài viết này nói về xứ Thanh, nơi gắn bó trọn đời của nhà thơ Văn Đắc. Nơi đây đã thấm đẫm, ngấm vào ông – Một chút thanh lịch một thời từng là kinh đô, tâm tính pha chút gió Lào bộc trực dải đất miền Trung; một xứ còn đậm đặc dấu tích những địa tầng văn hoá, một xứ có vua, có chúa, có trạng; một xứ mà cây rau má nhỏ thó, yếu mềm, lăn lóc – hóa sâm mà dưỡng những hồn thơ. Của trời cho đó! Cứ thế, cho ông cá tính sáng tạo; cứ thế nhào nặn thơ ông.
 
Hà Nội, 21/8/2015
 Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Người ở bến Lù Khúc sông Lô hối hả đổ qua làng, rồi tần ngần chậm lại ở chỗ bến Lù. Cái bến ấy là thẻo đất cuối làng Soi Long và cũng là...