Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

Tiểu luận của Trần Bảo Định: Tình quê trong thơ Võ Mạnh Hảo

Tiểu luận của Trần Bảo Định:
Tình quê trong thơ Võ Mạnh Hảo

Người thơ - chàng thanh niên Võ Mạnh Hảo, sinh ra và lớn lên giữa những dòng sông quê đậm chất phù sa. Tiếng ru của mẹ theo nhịp tiếng quay nôi, hòa cùng tiếng nước rạt rào hai mùa mưa nắng quyện thành sương khói quê nhà ngấm sâu vào tâm hồn thi nhân. Và, cũng vì thế, ngôn ngữ thơ của chàng họ Võ – có thể chưa hẳn là hay, hoặc hay tuyệt. Song, ngôn ngữ thơ ấy, là yếu tố đầu tiên làm nên những bài thơ khiến người đọc bồi hồi, tiếc nuối, thương nhớ quê nhà!…
Thơ là người, cổ nhân nói thật hữu lý! Võ Mạnh Hảo, vốn người hiền lành, sống giản dị dễ gần gũi, lời chàng khi chuyện trò thường nhỏ nhẻ, dễ mến và thơ chàng cũng vậy! Dường như, nhà thơ trẻ Long An có xu hướng đi vào chiều sâu đối tượng, ưa khám phá những gì tế vi và nhẹ nhàng. Điều này, minh chứng cho cái nhìn không hời hợt và giác quan nhạy bén của Hảo đối với những gì xảy ra thường ngày. Chính vì thường ngày, người đời chẳng mấy khi để ý nhưng với chàng thi nhân họ Võ thì lại khác, chàng có biệt tài biến những gì có vẻ thường tình bỗng bật ra tứ thơ đầy thú vị.
Võ Mạnh Hảo không đặt kỳ vọng tuyệt đích thơ ca. Chàng thi sĩ chỉ hướng đến tính chất dung dị đời thường. Và, có gì hơn cái dung dị đời thường của quê hương chàng nơi mảnh đất dung chứa những dòng sông: đôi bờ Ba Lai – Hàm Luông, quê nội và đôi bờ Vàm Cỏ Đông – Vàm Cỏ Tây, quê ngoại; đã hun đúc cốt lõi hồn thơ trong trái tim trĩu nặng tình quê ở người thơ họ Võ.
*
Nhà thơ Võ Mạnh Hảo
Bên cạnh những câu thơ đầy cảm khái trước thời thế bụi đường xe máy, cuộc sống phố chợ ồn ào thành thị, Võ Mạnh Hảo vẫn dành riêng khoảng không gian rộng rãi cho bóng hình châu thổ Cửu Long. Đơn giản, bởi nhà thơ họ Võ lớn lên cùng con nước lớn ròng, cùng tiếng mưa khuya hắt hiu mái lá. Không gian sông nước cất giữ ký ức tuổi tuổi thơ lẫn tuổi thanh xuân, rồi đi vào tiềm thức qua những giấc ngủ trưa hè oi ả dưới những tán lá dừa râm mát cả vùng trời quê. Mùi hoa dừa nhả hương theo gió mơn man khắp xóm cùng làng như suối tóc thì con gái nghiêng bóng nước đợi chờ yêu mà chẳng biết yêu ai. Bóng nước chao vì con nước, đôi khi bạn đọc có thể nhận ra nét tương đồng ít nhiều với thế hệ nhà thơ tiền bối “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre/ Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/ Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng”[1]. Nhưng, với nhà thơ họ Võ, con nước riêng có và không nhầm lẫn vì ngộ nhận. Đó là, con nước mang nặng hằng hà sa số hạt phù sa của dòng sông sinh đôi Vàm Cỏ Đông – Tây, Ba Lai – Hàm Luông mà chàng trai họ Võ, tuổi mười tám bắt đầu mơ mộng và ưu tư. Ngay buổi đầu, bạn đọc có thể thấy định mệnh thơ của chàng. Con đường ra phố: viễn khơi-viễn mộng!
Mười tám tuổi
tôi thả lên dòng sông chiếc thuyền lá dâu
những chấm nhỏ xanh trôi dần theo giấc ngủ trưa hè
nó sẽ trôi qua chuỗi bình minh
vượt qua giông tố
sẽ cập bến, nơi những người thợ
đặt giấc mơ của mình nằm giữa lòng thuyền
tiếng hat từ xa vọng lại
ngỡ tiếng thiên thần giỡn đùa trên sóng lũ
tôi quay đi hòa nhập với cuộc đời
chiếc mặt nạ tinh ranh tôi mang giữa phố
bày biện trò chơi
không có thuyền lá dâu trong chiều mưa ướt sũng
những em bé mình trần
đội nắng đồng sâu…[2]
Gắn bó lúc ấu thơ, trưởng thành khi thanh xuân của nhà thơ Võ Mạnh Hảo, bốn dòng sông đất Bến Tre và Long An nơi quê nội và xứ ngoại đã mặc nhiên in hằn trong vô thức. Vết hằn đó, còn đậm lạt trong thơ. Hình như, chàng trai họ Võ không làm thơ mà do sóng nước của những dòng sông hợp thành tạo nên thơ ca đủ sức quyến rũ người đọc hít thở bờ nước, phù sa, rong rêu, mùi bùn, mùi cỏ,… đồng thời, thưởng ngoạn chất liệu lời ăn tiếng nói chơn tình của người miền Nam bằng ngôn ngữ của thơ . Con nước dẫn dụ tâm hồn trẻ trung mải miết đi dọc bờ sông tản mạn khói sóng thời gian. Hồn thơ họ Võ đang trôi hay bốn dòng sông vẫn chảy và không thể, hoàn toàn tách bạch.
lẩn trốn cơn mưa
Bầy cò đứng một chân mổ rong rêu trong giấc mơ đứa trẻ
Ngày đói nắng lang thang sông Vàm …
Chùm mây nặng nề như bản đồ thế giới
Gieo vào mắt nhiều dự cảm
*…*
Đêm
Ngủ bên sông nhiều ngày
Uống cạn nhiều gáo gió thơm mùi bùn mùi cỏ
Lòng vơi đi phố thị
Giấc ngủ cũng đầy rơm, và mắt cá mở tròn như những ngọn đèn soi vào ký ức[3]
Bên sông Vàm Đông – Tây hay Ba Lai – Hàm Luông là một trong số những bài thơ “đặc sản sông nước” trong gia tài thơ của nhà thơ Võ Mạnh Hảo. Hẳn nhiên, tính đặc sản và đặc sệt sông nước Cửu Long nếu so sánh sẽ được nhìn nhận ở mức độ khác nhau. Thế nhưng, với riêng thơ Võ Mạnh Hảo, những bài thơ viết về không gian sông nước quê, nhà thơ họ Võ viết bằng tấm lòng chân thật, cảm xúc chân phương, ý hướng chân thiện; do đó, những bài ấy sáng giá và quý giá. Nếu, nhà thơ họ Võ đi xa và tìm sâu hơn vào từng trầm tích đất đai quê hương, đi vào lịch sử thậm chí huyền sử, lắng nghe trong âm ba lặng lẽ sông quê để phát hiện tiếng nói của con nước, thơ của nhà thơ họ Võ có thể trở thành tiếng nói của xứ sở! Liệu rằng nhà thơ họ Võ có tìm về ngọn đèn soi vào ký ức!
Từ sông nước, nhà thơ Võ Mạnh Hảo mở rộng cái nhìn, phóng tầm mắt bao quát ruộng đồng quê hương và nhà thơ, gọi là những khi “ngoại tình với cánh đồng”. Nhưng, kẻ ngoại tình này không chia sớt tình ái mà càng đong đầy thêm tình yêu quê nhà trên đất Cửu Long. Tình yêu ấy, hóa thân trong những tứ thơ lạ và thú vị. Bằng phép chuyển nghĩa tương đồng, nhà thơ họ Võ trao cho cánh đồng quê nụ hôn thanh xuân của chàng trai trẻ căng tràn sức sống. Rồi, chàng hòa mình vào da thịt đất đai quê hương. Hồn thơ chàng thấm đấm hồn đất thâm trầm mát rượi. Tình quê ứa chảy ngọt lành trong trẻo.
bên phố
mà ngoại tình với những cánh đồng
chiếc hôn mùi đất nâu
nằm vạ trên da thịt tháng mười
thời gian đâu xóa nổi[4]
“Ngoại tình với cánh đồng”, thực sự như vậy chăng? Có lẽ, phải nói ngược lại. Nhà thơ họ Võ ngoại tình với phố và lâu ngày trở về với tình cũ. Quê nhà vẫn là người tình trăm năm bền bỉ thủy chung. “Tình cũ không rủ cũng tới”. Dẫu cũ vẫn mặn mòi nồng đượm, càng “gây mùi nhớ”, càng “khan giọng tình”, càng…
Chất tình tứ chứng minh hồn trẻ. Có phải vì tâm hồn thanh xuân trẻ trung căng tràn nhựa sống, niềm khao khát hòa nhập cuộc đời của lứa thanh niên mà giác quan của nhà thơ họ Võ dễ dàng bị kích thích bởi ngoại giới. Ngũ quan nhạy bén, nhà thơ trẻ sử dụng cùng lúc nhiều giác quan để tái hiện sự vi tế, sâu kín của thế giới xung quanh. Thơ Võ Mạnh Hảo triển ra ở hai chiều, chiều rộng bằng cái nhìn bao quát và chiều sâu bởi sự kết hợp cảm giác-tri giác-tưởng tượng. Không gian sông nước quê nhà hiện lên bằng qua những gì dung dị đơn sơ nhất. Biến những cái đẹp thành ra có giá trị thẩm mỹ vốn là điều dễ hiểu. Còn biến những gì chưa đẹp thành ra có giá trị thẩm mỹ mới thực biệt tài. Nhà thơ họ Võ ở kiểu thứ hai và nhà thơ, có ý lựa chọn hình ảnh, sao cho năng lực gợi tưởng của thơ đạt đến mức độ sống động. “Mùi phân bò”, “cánh đồng”, “tuổi thơ”, trường liên tưởng chắc hẳn thuộc về ký ức của rất nhiều đứa trẻ đồng bằng. “Mùi khét nắng” trong thơ Võ Mạnh Hảo có khiến bạn bồi hồi sống lại những buổi trưa trốn ngủ cùng rong ruổi trên đồng bắt cào cào, châu chấu, vọc nước, tắm sông… Lời thơ lẫm chẫm như bước chân ấu thơ lầm lũi dưới trời nắng giòn giã.
Tôi sinh ra kịp ngửi mùi phân bò
Mùi thịt da mẹ chắt từ đồng áng
Gió tháng mười thổi qua nhiều gương mặt
Lấm đầy những vệt trăng
Ô cửa mở ra cánh đồng, nơi bà tôi chôn hũ gạo những năm hạn đói
Nơi cất giữ đôi mắt chị tôi
Đêm đêm bay vào bầu trời như hai vì sao như bông hoa bất tử
Tôi nhìn ngắm đôi mắt chị và thấy giấc mơ mình ở đó
Mỗi đêm về như con nước dâng đầy[5]
Cánh đồng không trưởng thành nhưng đứa trẻ ngày nào đã trở thành nhà thơ, biết “ầu ơ” hát ru những ký ức thời niên thiếu. Nỗi buồn miên man của sự hoài niệm về “cuộc ngoại tình với cánh đồng”. Nhà thơ Võ Mạnh Hảo hình như trưng ra cho độc giả hai tâm thế. Sự trong trẻo ấu thơ và nét chiêm nghiệm thân phận. Cảm thức đời người dịch chuyển biến những cánh đồng trở thành miền trăn trở. Cái giá của sự trưởng thành là những vết thương một khi đời buộc lòng phải “dậy thì”. Nhưng, có lẽ, nhà thơ họ Võ thừa hiểu, nên chàng thi sĩ tỏ ra an yên trước những đổi thay trong tâm hồn. Từng nhát cuốc số mệnh, từng lưỡi hái thân phận, không thể tránh khỏi. Cũng phải thôi, và nhờ vậy, lời thơ mặn mòi như mẻ cá kho tới lửa tròn vị!
Tôi lớn lên và chôn vào lòng đất
Chiếc bình tuổi thơ-đựng câu chuyện của bà
Đứng giữa cánh đồng không nói
Tôi đóng dấu đời mình bằng nhát cuốc đầu tiên
Lưỡi hái cha truyền cho tôi vẫn mang sứ mệnh
Gặt nên những phận người…[6]
Cha truyền cho nhà thơ Võ Mạnh Hảo lưỡi hái nào. Có phải lưỡi hái lịch sử. Hay, nhà thơ họ Võ nhận lưỡi hái Oedipus?[7] Mong rằng, lưỡi hái lịch sử không rỉ sét, để tiền nhân không bị lãng quên.
Nước khởi nguồn sự sống, quê hương gốc gác khai nguyên. Có phải, vậy mà, nước thường gợi nhắc lòng người nhớ quê chăng? Xưa nay cũng không ít người dùng nước để gửi lòng hoài hương. Nhật mộ hương quan hà xứ thị?/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu (Hoàng Hạc lâu, Thôi Hạo). Hay: Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà (Tràng giang, Huy Cận). Nguyên tượng[8] nước chi phối tình yêu Võ Mạnh Hảo. Nguyên tượng đóng vai trò như “hình nhi thượng” chi phối sự hình thành và chiều hướng vận động của ý thơ. Và, ở khoảng tình quê, ở những bài đề cập đến sông nước quê hương, nguyên tượng nước càng tỏ ra dạt dào sâu nặng. Dường như, mỗi khi cảm hoài về chính quê mẹ, nhà thơ họ Võ thả mình vào tiềm thức. Thơ Võ Mạnh Hảo – giấc mơ. Hay nói cách khác, lời thơ mộng du. Nhà thơ họ Võ mộng du bằng chất liệu phù sa, thả mình theo chiều nước từ thượng nguồn bất tận chẳng biết, chảy tới cửa biển mênh mông mịt mù, không thể luận lý cảm thức sông nước ở đây. Bởi, nhà thơ đâu có tỉnh thức, dường như chàng thi sĩ nhập đồng vào từng lón nước “thầm thĩ” chảy giữa dòng. Nhà thơ Võ Mạnh Hảo lờ mờ nhận thấy từng dịch chuyển âm thầm của quê hương. Cánh cò quê làm chứng cho cảm thức ấy trong lòng nhà thơ trẻ.
Tôi lớn lên
Bên hàng dừa già cỗi cố men cùng thời đại
Đã thấy sông trở mình thầm thĩ đêm đêm
Sông giữ giùm tôi nước mắt
Rửa cho tôi từng vết nhọc nhằn
Khi tôi biết mơ về những miền phố thị
Sông đỏ như người say và tiếng nấc neo vào ngực sấm
Quằn quại phía chân trời [9]
Câu thơ Võ Mạnh Hảo có khi như lời ru. Bóng hình người bà, người mẹ gắn liền lời ru hời đong đưa cánh võng trưa hè, vỗ về cơn mộng du thi ca của nhà thơ họ Võ. Dù trải qua những vết thương dậy thì của tuổi thanh xuân, nhà thơ vẫn gìn giữ bóng hình mẹ và cánh đồng. “Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học, mẹ đi trường đời”.  Võ Mạnh Hảo biểu tượng hóa thành “cánh đồng mẹ”. Từ Nắng đẹp miền quê ngoại [10] của chú Tư Xâm, tới “Cánh đồng mẹ” của Võ Mạnh Hảo, thiết nghĩ cùng chung mạch ngầm ca dao “một lòng thờ mẹ kính cha”. Hiểu vậy, bạn đọc sẽ nhận ra lòng thương nhớ ông bà tổ tiên của những người con đất phù sa châu thổ xưa nay như một. “Đêm đêm con thắp đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con”. Đứa con quê hương Võ Mạnh Hảo biết xót và rưng rưng ôm cánh đồng có bóng hình mẹ “bạc phơ nỗi niềm”. Văng vẳng câu hò: “Thuyền không có lái thuyền quay/ Con không có mẹ ai bày con nên”.
Tôi có những giấc mơ không dịu dàng bằng phẳng
Ngả nghiêng tựa luống cày
Chiều hạ
bóng mẹ tôi đâu như hôm trước
vừa đôi gang tay
*
tôi khóc
giọt nước mắt nhỏ nhoi lặn xuống cánh đồng
váng đầy tiếng dế
đâu thể
vực cánh đồng thoát vụ gian nan …
chỉ câu thơ xa lạ
níu nỗi buồn đi qua
bóng mẹ bóng tôi khập khiễng trong lời ru câu hát
ngả về nỗi đau
*
Lặng lẽ …
*
Gió thổi nát nhàu
Con thuyền tôi quẩn tìm lối mòn ra biển
Khát khao đâu gọi tên
Gương mặt tôi hằn vết
Tháng năm chảy mềm theo vết rạ chân chim
Tôi ôm dáng mẹ ngỡ cánh đồng run rẩy
Bạc phơ nỗi niềm…[11]
Trên cánh đồng mẹ, không riêng nhà thơ họ Võ, còn bao nhiêu người con quê hương châu thổ hiền lành chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, kiếm miếng cơm manh áo, van vái đất trời chân cứng đá mềm cho yên tấm lòng. Đâu đó, bạn đọc có lẽ nhận ra bóng hình hàng hàng lớp lớp lưu dân những ngày đầu đến vùng đất mới. Quần quật lao động, chống chọi với thiên nhiên hoang dã còn nhiều nguy khó nơi vùng hoang địa phương Nam “Đến đây xứ sở lạ lùng/Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê” (Ca dao). Vết trầm tích thời gian in hằn còn nhận ra qua bóng hình cha. Nhắc đến mẹ với đức hy sinh chịu thương chịu khó; nhắc tới cha, Võ Mạnh Hảo vọt ra những lời thơ đượm buồn bởi cuộc đời gian truân vất vả. Trong bóng hình cha, Hảo nhận ra vết tích thời gian chẳng khác gì vết tích thăng trầm thời cuộc trên mảnh đất quê. Nỗi cơ cực đời cha chẳng phải chính là nỗi nhọc nhằn của những lưu dân vào phương Nam tìm đường sống giữa cuộc tranh giành vương quyền. Cảnh ăn đồng miểng dùa còn khắc ghi thành cái tên dòng họ trên từng cục đất.
Cá chết vì miếng ăn vẫn khát tìm cái chết
Mảnh lưới theo cha giăng bẫy mặt trời
Tôi tựa vào lưng người nghe hồn thiêng của đất
Nỗi cơ hàn sánh giọt mồ hồi …
*
Đi qua những bãi cuồn mắt tôi tràn lúa
Miệng tôi ru hạt thóc nẩy mầm
Phù sa dưới chân tôi đẹp dịu dàng nỗi nhớ
Tay nâng cánh diều chết đuối ngoài sông
(…)
Lại qua từng mô đất mang tên dòng họ
Tôi nghe giọng bà những năm hạn đói
Dòng sông chảy qua đêm giấu đi chú mèo chỉ còn đôi mắt
Canh giữ ngôi nhà đau tiếng mối hồn nhiên[12]
Chàng thi sĩ trẻ họ Võ, hẳn nhiên khó có thể hiểu hết tục cúng việc lề, giỗ hội bởi nền nếp đời sống xưa kia khó có thể chống chọi cuộc trở mình của thời đại. Nhưng, trong tiềm thức, chắc rằng mỗi người con xứ sở còn lưu giữ và hoàn toàn có khả năng phát huy. Ý thức lịch sử quê hương, kính ngưỡng tiền nhân, sống xứng đáng với tổ tiên ông bà, tiếp nối truyền thống xứ sở ngày càng có ý nghĩa lớn hơn. Bạn đọc có thể kỳ vọng hồn thơ Võ Mạnh Hao một khi chàng trở bước quay về tiềm thức lưu dân, khai thác cảm hứng lịch sử để làm mới không gian thi ca của chàng.
Cánh đồng mẹ hay cánh đồng không mông quạnh! Bởi, chàng thi sĩ họ Võ đã mải miết đi theo, lần dò theo dấu chân ông bà tổ tiên, thấy cha mẹ gặt thời gian trên đồng ruộng quê hương. Hằng hà dấu chân tiếp tục in hằn trên mảnh đất quê đầy biến cố. Nỗi cảm hoài thời gian và thời thế, dường như nhà thơ tách mình khỏi dòng chảy thời gian để ngắm nhìn thời gian. Nhưng, cách thể hiện thời gian của Võ Mạnh Hảo, thông thường biểu hiệu qua sự chuyển động của ngoại vật. Nhà thơ họ Võ, lấy không gian để biểu thị thời gian. Điều này xác nhận thêm cách thế nhìn đời riêng biệt của nhà thơ. Rõ ràng, Võ Mạnh Hảo nghiêm túc với thi ca.
mỗi lần về
lại thấy mình nhỏ nhoi trước cánh đồng đương vào vụ gặt
lúa vẫn xanh qua nhiều thế kỷ
vẫn nghẹn thơm hơi kẽ tay người
*
những thửa rượng mỗi ngày lại sinh ra thêm nhiều dấu chân
lấp loáng bóng mẹ cha gặt thời gian mê mải
tôi gặt lời ru trong ký ức
nhìn mặt trời như quả tim đỏ rực
đập theo nhịp gặt của người
*
mỗi lần về
lại thấy dáng hình ông tôi trong hạt thóc mùa màng
tiếng lưỡi hái ăn sâu giấc ngủ
tiếng ho khan như trận lá đầu thu[13]
Hình như, châu thổ của nhà thơ họ Võ – một châu thổ u buồn. Xứ đồng bằng mơn man đầy rẫy giấc mơ. Trong khi thế hệ những người sinh ra và lớn lên trước 1975 gắn bó với ruộng đồng, sống cuộc đời lam lũ vất vả sớm hôm, những người sinh ra từ thời kỳ đổi mới ôm ắp nhiều giấc mơ khác nhau, chạy tìm bao nhiêu phương trời hứa hẹn. Đến nỗi, cánh đồng mẹ trong cảm thức của nhà thơ là sự lãng quên. Cánh đồng quên lãng, rơi vào ký ức tuổi nhỏ. Chàng trai trẻ thi nhân họ Võ, cũng như nhiều người con sinh ra từ thời kỳ đất nước mở cửa đã dịch chuyển cuộc đời vào một cách thế sống khác. Nửa mùa – phố chợ. Đồng ruộng chỉ còn là ký ức, nửa nhớ nửa quên, nửa lạ nửa quen, nửa xa nửa gần… Cánh đồng vắt vẻo giữa quá khứ và hiện tại.
tôi chưa quên lần vấp ngã sau hè
nhìn cánh đồng giàn giụa nước mắt
mẹ không nâng tôi lên như những người mẹ khác
mẹ chỉ dạy tôi cách tìm ra sức mạnh sau mỗi lần đau
*
giờ cánh đồng dẫn dụ những chiếc lưng bạc màu
vẫn lấy cắp nhiều giấc mơ trẻ
thời gian gắn lên mộ ông tôi niềm tin từ sắc cỏ
những chuỗi ngày yên bình không di ảnh đạn bom …
*
vì sao …
trước cánh đồng tôi đâu thể hồn nhiên
sợ bầy trẻ kia chẳng thả nổi giấc mơ mình bay trên đầu ngọn lúa
và khi ghép những mảnh đêm tôi vừa nhặt lại
cánh đồng mẹ hiện về sau mỗi chuyến lãng quên…[14]
Bản thân nhà thơ Võ Mạnh Hảo (hoặc rộng hơn cả thế hệ của Võ Mạnh Hảo) vừa như giấc mơ vừa như một cơ hội và thách thức. Cuộc đời mở ra, kéo theo những ắp ủ bay bổng, thời đại của những tâm hồn trẻ chuyển mình cùng vận hội của đất nước. Đứng trong thế so sánh, nhà thơ họ Võ nhìn thấy ông bà, cha mẹ và những tiền nhân u hiển trong âm ba vọng lại qua từng thớ thịt tấc đất: hai thế hệ, hai mối quan hệ với quê hương, hai mối tình quê khác nhau. Thế hệ trước tình quê rõ ràng mồn một trong cuộc sống cần lao mỗi ngày. Thế hệ của Võ Mạnh Hảo, tình quê hiển hiện trong ký ức và đời sống tinh thần nhiều hơn. Cảm giác quen thuộc mỗi khi nhà thơ trở về mảnh vườn cũ, thăm hỏi bà con, là sợi dây liên kết tinh thần của thế hệ những con người mới. Điều đáng quý, chính là nhà thơ họ Võ đã giữ được và tôi luyện thành cảm thức thi ca, trong khi nhiều người đã đánh mất. Giữa đời sống đầy biến động, liên tục quanh cua, con người dễ đánh mất sợi dây liên kết tinh thần, đứng trước nguy cơ xa lạ với chính nơi chôn nhau cắt rốn. Và, đánh mất quê hương không phải vì quê hương thời thế thay đổi mà vì sự gắn bó giữa người và quê đã thay đổi.
huyễn hoặc tôi bằng sắc vàng đua nhau đến chân trời
chối từ con đường nhựa
tôi chạy về Bình Lãng bằng đôi chân đất
gai nhọn găm da sần
máu chảy vào ký ức
*
nơi những người đàn ông đang căng từng tấm da còn hơi thở đầm lầy
và ánh nhìn từ mắt đen thăm thẳm
chảy về đâu?
*
trong lễ hội vỡ ngày
bầy trẻ sánh lên nhau, tiếng cười đánh vào nhau
tay vỗ trống căng da căng gió
từ đôi tay nhỏ
đàn trâu muộn phiền đi vào nỗi nhớ tôi và cất lên tiếng khóc
khi những tấm da không còn thuộc về mình[15]
Quê hương nhà thơ họ Võ đầy thương tích. Như thịt da cha mẹ chịu đựng vết tích thời đại, nhà thơ cảm nghiệm nỗi đau của cha mẹ mà cũng chính là nỗi đau quê hương qua nụ cười nén đau thương của cha. Hình như, có nỗi nhức nhói nào đó, bởi quê hương vừa hiện lên một cách thiêng liêng huyền thoại, ươm vàng như cổ tích, quê hương lại rươm rướm máu mủ sưng xị. Nhà thơ cảm nghiệm đau thương quê hương vẫn âm ỉ. Gốc tích nguồn cơn nỗi đau nhà thơ không chọc khoáy, truy nguyên để giải quyết. Có lẽ, nhà thơ họ Võ nghĩ rằng, nỗi đau thời đại không thể phủ nhận càng không thể chối bỏ. Thừa nhận nỗi đau, chấp nhận mưng mủ nhức nhối, nhà thơ nhận ra thế hệ của mình và những thế hệ tiếp nối phải nối và tiếp cuộc sống của tiền nhân để mở ra đời sóng mới. Vượt qua nỗi đau thời đại trên quê hương kỳ thực chính là tạo ra sinh thể mới của quê hương.
dòng sông chia đôi
Nhánh chảy vào đời mẹ cha tình yêu bay trên lửa đạn
Nhánh chảy vào tôi hình hài đứa trẻ
Rượt đuổi hàng dừa đầy thương tích
Chúng vẫn lặng im
Đứng thẳng vào giấc mơ tôi như câu chuyện huyền thoại
*
Giấc mơ nhiều nước mắt
*
Tôi leo lên cây bần lưng gù như người già
Thảy xuống nhánh sông tôi mẻ đồng tiền bằng đất
Sông giữ dùm tôi
Thiêng liêng như báu vật
Từ nơi này kỷ niệm được hồi sinh[16]
*
Từ Bụi cám bay đến Phố nửa mùa, nhà thơ họ Võ vận động về phía đô thị hóa. Thơ ca Võ Mạnh Hảo ngày càng hiện đại, nóng hổi nhịp sống thời đại, bắt nhịp với từng vòng xe máy lăn trên đường bê tông. Con đường “đô thị hóa” trong thơ ca, có phải bước đường “du mục” của nhà thơ họ Võ trong chữ nghĩa. Hẳn nhiên, bạn đọc sẽ hoan nghênh với những người có lòng tạo nên cái mới, chịu khó trải nghiệm. Không có gì lạ khi một người trẻ cất bước phiêu lưu trên con đường thiên lý đời sống. Văn chương, tự nó rất cần những tuấn mã khát khao trên đường thiên lý. Mong rằng dọc đường gió bụi, chẳng sờn lòng ngã chí đánh rơi bóng hình quê hương và mớ hành trang nhân tính định vị tâm hồn giữa đời sống.
quả trứng hiền lăn vào chuyện ngụ ngôn
con gà mổ những hạt thóc mẹ mang tặng buổi chiều
trời bình yên sau cơn mưa dài nhưng hàng cây mệt mỏi
đứng ủ rũ – gương mặt người già
*
ông ngồi nhìn
lũ Đồng Tháp Mười năm nay lên chậm
tóc như chùm mây bạc
chiều ghé qua rồi bỗng ngủ quên
*
nước mắt hoài niệm
ám ảnh con đường dẫn về thị trấn
người nông vui mừng khi nhìn lúa trổ
như cụ già vừa gặp lại tuổi thơ
*
dựng lại giấc mơ trong chều Bắc Bỏ
làm lễ vật ban tặng dòng sông
ta lắng nghe thời gian dịch chuyển
mặt trời hồn nhiên lặng lẽ chín dần
*
một chú dế sinh ra trong cỏ
loay hoay tìm chiếc hang của mình
giấc mơ đầu tiên chú mơ làm chiếc cọ
vẽ lên ngày chùm nắng sơ sinh[17]
Phải chăng nhà thơ họ Võ đại diện cho thế hệ chữ nghĩa đang đứng trước “ngã ba sông”? Chọn dòng chảy tiếp, thế hệ trẻ dựa lòng vào đâu để chọn lựa phương hướng chảy tới! Nhà thơ họ Võ hình như vẫn lừng khừng ở ngã ba sông. Chàng thi sĩ trẻ của bốn dòng sông quê, lắng nghe và nhìn thấy cuộc sống con người nhiều ẩn khuất ngổn ngang, chàng còn do dự chưa bước tiếp! Bởi, chưa vội bước tiếp không đồng nghĩa bỏ cuộc mà chỉ là, chưa chọn được dòng chảy hay con nước xoáy ở ngã ba còn níu chân. Nhà thơ Võ Mạnh Hảo còn tần ngần suy ngẫm.
mặt trời vẫn ung dung soi những mặt người
tìm vè con tàu nằm nghếch mũi ban trưa
những chàng trai mình trần ngại gì gian khổ
nụ cười còn lấp loáng trên sông?
*
ngã ba
như giấc mơ đã hỏng
thả về
những lời nói mê” (nơi ngã ba sông, Phố nửa mùa, tr.39)
Bạn đọc có áy náy, ray rức khi đọc những bài thơ lấy đề tài không gian sông nước, nhưng sông nước không còn thấy đâu nữa. Tất yếu! Quê hương đã chuyển mình. Người viết cũng chuyển dòng. Đến cuối bài thơ “Tháng mười một, Tân Thành, Thơ cho một người, Thuận Bình, Viết ở Thạnh An, Phước Đông”, người viết thường bỏ lửng lơ, cho bài thơ chìm vào hư vô. Làm thơ, có vẻ như mở ra cuộc du hí tinh thần và cuối bài thì êm xuôi cho lời thơ chìm vào lặng yên. Bài thơ như hít vào rồi thở ra, coi như buông xuôi một ý hưởng khỏi đầu óc. Liệu có dễ dãi không! Thơ ca đâu phải sự vứt bỏ tư tưởng, như thể người thơ vóc từng vón tư tưởng vứt khỏi tâm hồn. Hay người viết muốn trao lại suy tư đó cho độc giả? Cộng hưởng trách nhiệm (người viết-người tiếp nhận) hay một cách để Võ Mạnh Hảo gieo vào lòng bạn đọc dấu ấn của riêng mình.
Chàng trai trẻ nhà thơ họ Võ phải bước tiếp! Trách nhiệm thế hệ của Võ Mạnh Hảo. Nhà thơ họ Võ đã chọn đường thơ và phải trọn trách nhiệm với đường thơ đã chọn. Thơ ca hay bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào, không thể chỉ là cuộc rong chơi, không thể không nghiêm túc đến với nghệ thuật, không thể xem nghệ thuật chỉ là món phục sức vẽ vời giữa chợ đời cho bằng thiên hạ! Người viết phải quay về với ý hướng căn cơ khởi đầu sự viết, xác định trách nhiệm chữ nghĩa của ngòi bút. Đã nghiêm túc nay càng thêm trách nhiệm – trở thành tiếng nói thời đại!
Thơ ca không thể là “món ăn vặt lề đường”, thiên hạ nhấm nháp làm vui trong “vài trống canh”. Thơ ca hoặc là thứ độc dược hoặc là dưỡng chất tâm hồn. Không đặt ý hướng viết ở cao vọng chữ nghĩa và tư tưởng, thơ ca nói riêng và văn học nói chung có thể trở thành thú vui xuề xòa chóng vánh. Chữ nghĩa trở thành trò mua vui cho thiên hạ! Không thể! Người đến với chữ nghĩa vì sao? Người đến với chữ nghĩa để làm gì? Người có thể làm gì với chữ nghĩa hôm nay? Người kỳ vọng gì qua cuộc chữ nghĩa? Người viết phải trở lại với những truy vấn cơ bản nhất. Thậm chí, truy vấn sự viết phải là sự truy vấn về phía tồn tại. Vì, rõ ràng, chữ nghĩa vẫn tiếp tục tồn tại sau khi kẻ viết mục rã hư vô.
*
Tình trạng nằm vắt vẻo giữa đồng ruộng và đô thị sẽ đưa nhà thơ họ Võ đến đâu về đâu? Con đường thơ của nhà thơ họ Võ sẽ tiếp tục ở những chặng nào nữa? Ưu tư đó, không đặt ra riêng cho bản thân nhà thơ Võ Mạnh Hảo, mà hầu như đặt ra cho tất cả người thơ hôm nay. Khuynh hướng đô thị nảy sinh từ quá trình chuyển mình của quê hương. Lòng người và cách nhìn quê hương cũng thay đổi. Việc đổi mới này hẳn nhiên mang lại sinh khí mới cho hoạt động chữ nghĩa thơ ca. Nhưng, có lẽ, người thơ nên nghĩ đến chặng đường tiếp theo, một khi cái mới đã không còn mới nữa và phải chăng, người thơ hôm nay lại tiếp tục chạy tìm một cái mới khác lắp vào…(?). Xu hướng thơ có thể trở thành xu thế thời trang, con đường thơ ca có nguy cơ trở thành đường catwalk. Để thơ ca không sa vào lối catwalk uốn éo làm duyên làm dáng chóng vánh vài bước, nhiệm vụ ấy thuộc về thế hệ của Võ Mạnh Hảo và những người còn ắp ủ ước mong thúc đẩy văn chương phát triển. Đưa văn chương vào đời sống, hòa vào nhịp thời đại – cần thiết! Song, trên dòng lịch đại, bằng cách nào có thể neo lại được một tiếng nói thời đại cho mai sau còn chút vốn liếng tiếp nối vận hội chữ nghĩa quê hương. Tôi tin và kỳ vọng chàng trai trẻ Võ Mạnh Hảo, nhà thơ miền châu thổ Cửu Long tắm nắng Sài Gòn sẽ là một trong nhiều nhà thơ của thế hệ hôm nay làm được điều ấy!
TRẦN BẢO ĐỊNH
___________________
Các tập thơ của Võ Mạnh Hảo
Nhà thơ Võ Mạnh Hảo
Sinh năm 1981, quê Bến Tre, lớn lên ở Long An, hiện công tác Báo Nhân Dân, Cơ quan thường trực tại TP Hồ Chí Minh
Bắt đầu sáng tác thơ từ năm 1999. Tác phẩm đã xuất bản:
– Bụi cám bay, NXB Văn nghệ (Thơ, 2008)
– Dậy muộn, NXB Hội Nhà văn (Thơ, 2011)
– Phố nửa mùa, NXB Hội Nhà văn (Thơ, 2015)
Giải thưởng:
– Giải Nhì thơ Cuộc thi Chân dung tuổi mới lớn báo Mực Tím năm 2003
– Giải ba thơ Bút Hoa, Tạp chí Tài Hoa Trẻ năm 2004
– Giải Nhì cuộc thi Thơ Đồng bằng sông Cửu Long 2006
_________________________________________
[1] Nhớ con sông quê hương (Tế Hanh, Lòng miền Nam, NXB Văn nghệ, 1956).
[2] Thuyền lá, tập Bụi cám bay, tr.34-35.
[3] Bên sông Vàm, tập Bụi cám bay, tr.36-37.
[4] 8-11, tập Bụi cám bay, tr.45.
[5] Cánh đồng II, tập Bụi cám bay, tr.46.
[6] Cánh đồng II, tập Bụi cám bay, tr.47.
[7] Oedipus complex: “Người nghệ sĩ… được thúc đẩy bởi những xung động và xu hướng cực kỳ mạnh mẽ, anh ta muốn chinh phục nào danh dự, nào sức mạnh, nào vinh quang, nào tình yêu của đàn bà. Nhưng họ thiếu những phương tiện để thỏa mãn những thứ đó. Chính vì thế, cũng giống như những kẻ không thỏa mãn khác, anh ta quay lưng lại với hiện thực và tập trung toàn bộ hứng thú và cả Libido của mình vào những ham muốn được cuộc sống tưởng tượng của anh ta tạo ra, điều đó có thể dễ dàng đưa tới nhiễu tâm”. David Stafford Clark (1998), Freud thực sự đã nói gì (Lê Văn Luyện và Huyền Trang dịch), Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr.219.
[8] Xem thêm Nguyễn Thị Thanh Xuân (2009), Phê bình cổ mẫu và cổ mẫu nước trong văn chương Việt Nam. Trong Nhiều tác giả (2009), Nghiên cứu văn học Việt Nam – những khả năng và thách thức, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr.169-202.
[9] Cổ Chiên, tập Bụi cám bay, tr.53.
[10] Văn Phụng Mỹ (1964), Nắng đẹp miền quê ngoại, Tiền Giang xuất bản (!), Saigon.
[11] Cánh đồng mẹ, tập Bụi cám bay, tr.61-62.
[12] Quê 5, tập Bụi cám bay, tr.81.
[13] Cánh đồng mẹ 2, tập dậy muộn, tr.12.
[14] Cánh đồng mẹ 2, tập dậy muộn, tr.13.
[15] Bình Lãng, tập dậy muộn, tr.14.
[16] Quê 3, tập dậy muộn, tr.16.
[17] Đá Biên, tập Phố nửa mùa, tr.76-77.
 
Hà Nội, 21/8/2015 
Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...