Thứ Năm, 12 tháng 1, 2023

Tiểu luận Thy Lan: Mưa dắt ngang chiều - Thơ dắt về ký ức

Tiểu luận Thy Lan: Mưa dắt
ngang chiều - Thơ dắt về ký ức

Gần đây nhiều người “sính làm thơ”, cho rằng “thơ” là câu chữ vần vè ghép lại nên số lượng thì tăng mà tỉ lệ nghịch với nó là sự nghèo nàn, thô cứng. Hay chăng thơ xưa và nay khác gì nhau? Ngô Thì Nhậm nói “thơ khởi phát từ lòng người ta” nghĩa là thơ: cốt cảm hơn cốt nghĩ! – Một vài câu chữ thô sơ thôi mà thay hộ được con tim, làm người đọc run lên hơn là dắc người đọc đi tìm “sâm” hết cánh rừng này đến cánh rừng khác mà chỉ gặp toàn củ ấu.
“Mưa dắt ngang chiều” – tập thơ mới của nhà thơ Lâm Bằng tôi mới được đọc, dù còn nhiều việc phải bàn, nhưng như người theo chân tác giả vào rừng tôi chí ít cũng tìm được những “củ sâm” dẫu “chưa già” những là củ sâm “tự nhiên” hoang dã với bao suy tư, trải nghiệm, những ký ức buồn vui về cuộc sống, về đời người.
Nhà phê bình Thy Lan ở Thanh Hóa
Nếu nói thơ là tiếng nói bộc bạch, tâm tình sâu kín nhất, với Lâm Bằng cũng đúng. Cái vẻ bên ngoài thản nhiên, gai góc, trầm lắng, ẩn giấu trong lòng anh những nỗi niềm, những ký ức gian khó, thiệt thòi, chênh chao đã ám vào anh, hãy nghe anh tâm sự: “Những buồn vui sau lũy tre một thuở/Mãi mãi là ký ức của riêng tôi”. Anh làm thơ để giải bày, để chiêm nghiệm và để tri ân cha mẹ, xóm làng, những anh hùng, những con người nhỏ bé giữa đời thường giàu lòng nhân ái, biết trọng nghĩa nhân.
Trước hết anh thuyết phục tôi với những câu thơ viết về cha mẹ. Nhất là nói về hiếu nghĩa, dù thời nào cũng cần, nhưng có lẽ thời này khi mà các giá giá trị có phần bị đảo lộn cần được nhắc nhở nhiều hơn. Xã hội đồng tiền lên ngôi thì chữ hiếu lại chao đảo, bị coi nhẹ. Đọc những câu thơ của Lâm Bằng viết, người đọc tìm lại được một khoảng không gian cân bằng. Đó là các bài: Vu Lan 2010, Mẹ tôi, Ký ức tôi… Những câu thơ tặng mẹ quả thật rất cảm động: “Nắng xiên bóng đuổi liêu xiêu/ Mẹ đi gió thốc cả chiều nón mê/Đường làng hun hút phía đê/ Níu hai đòn gánh mùa quê chùng chiềng/ Sắt se sợi buộc sợi buông/Mẹ tôi gánh cả đoạn đường trên vai/Cau xanh ba bảy bổ dài/ Lá trầu vội úa mẹ tôi trở chiều/ Đời mẹ như nắng liêu xiêu/ Dặm xưa chưa tới bóng chiều đã buông” (Mẹ tôi). Cái rấm rứt, tê tái, chua xót gửi vào những câu lục bát tròn trịa về niêm luật, ngôn ngữ giàu biểu cảm, hình ảnh có sức gợi dường như không còn của riêng tác giả mà nó lan tỏa, làm ta buốt nhói. Cậu bé mất mẹ khi tuổi “chửa rời nôi” để rồi “Ký ức tôi không giữ nổi bóng Người/ Qua lời kể tôi hình dung chật vật” (Ký ức tôi). Nghiệt ngả số phận nhà thơ để câu thơ trĩu nặng. Hiểu mẹ mình trong cái gian lao của người mẹ quê miền chiêm trũng anh đã tái tạo chân dung con người lao động vất vả nhưng đẹp và nhân văn: “Mẹ đi gió thốc cả chiều nón mê”, “Níu hai đòn gánh mùa quê chùng chiềng”. Những câu thơ gợi bởi những hình tượng sống động. Như một bức tranh quê hiển hiện với bát ngát cánh đồng, hun hút gió và mùi rơm rạ đâu đây. Để rồi những cái hiển hiện đó ném vào không gian một tiếng kêu đắng lòng của một người con khát khao có mẹ trên đời, tủi phận vì mồ côi quá sớm:”Lá trầu vội úa/Mẹ tôi trở chiều“. Cách nói của anh tưởng nhẹ nhàng nhưng ta nghe có tiếng gằn lòng trong đó. Cái tái tê, cay xót lại từ đó nhói lên. Nỗi đau mất mẹ hằn lên trong trái tim non dại nhưng khắc nghiệt và hụt hẫng với cha “Cau xanh trầu úa… chiều vàng/Mẹ tôi đứt gánh giữa lang bang đời/Trời chi nghiệt ngã bấy trời… /Thân cha gà trống nghẹn lời võng đưa” Hình ảnh cau xanh, trầu úa lại một lần nữa xuất hiện trong thơ và cả hình ảnh rau răm, cây cải nữa…. Chất liệu dân gian làm cho tứ thơ trở nên đằm thắm. Bởi vậy dẫu tâm trạng rất đau xót nhưng vẫn chia sẻ bằng cách nói sâu đằm: “Gian nhà trống lời cha khàn đục/ À ơi/Gió đưa cây cải… sang mùa/Rau răm đi mãi…”. Cái sự vì con của cha, càng khiến anh cảm phục. Cha đã vì con mà quên nỗi niềm riêng một cách “dửng dưng”, quên đi cái đơn côi “lẻ buồm”, “còm cõi”. Bởi vậy anh càng thương và nể phục cha hơn: ” Chát lòng vả, đỏ lòng sung/Đắm con cá chuối, dửng dưng bến người/Lẻ buồn cha ngược dốc đời/ Cau xanh một bóng bạc vội, chát trầu/ Một đời đi muộn về mau/ Cõi còm cha chắt mỡ màu phần con”. Sự chịu đựng của người đàn bà góa bụi xưa nay đã làm ta không khỏi xót thương, nhưng cái sự chịu đựng, tảo tần của người đàn ông – gà trống nuôi con mới cám cảnh làm sao! Chỉ có người  nhân hậu, vị tha mới “Cau xanh một bóng bạc vôi chát trầu”. Cách nói ý nhị, có dấu ấn cá nhân dù rất dân gian. Có thể nói đây là câu thơ hay nói về một hiện thực không mới nhưng thể hiện một lối viết “biết tiếp lửa” cho những gì đã có. Câu thơ có sức nặng không phải bởi sự bóng bẩy, ngoa ngôn mà có sự sâu đằm, chia sẻ cảm xúc của cái tôi đau thật, thương thật, tủi thật chia sẻ với cha mình, với chính bản thân mình. Trong bài Ký ức tôi, anh thêm một lần nữa bày tỏ tình cảm của anh dành cho cha: “Ký ức tôi hình dung lời khàn đục/Lời cha ru khấp khểnh trưa hè/Tấp tểnh ngõ tre, cha về rười rượi/Bánh đúc bánh đa tôi đâu đáu một thời/… Ký ức dập dềnh thao thức/Lời cha ru lấm láp thân cò/Chưa đi hết câu ầu ơ một thuở/Tôi trở về gom ký ức…” tuổi xa xưa. Ký ức tuổi thơ với mỗi con người là sự sum vầy bên cha mẹ, nhưng với anh thật xót xa, thiệt thòi. Cái sự chênh vênh, hụt hẩng ấy có khi làm anh khép mình với tâm tư không thể giải tỏa. Nhưng có một điều anh khiến người ta phải thừa nhận là sự vươn lên chiến thắng số phận. Sự nghèo khổ của gia đình, mồ côi mẹ, rồi cha mất, sống cùng bà ngoại. Ở tuổi thiếu thời càng hun đúc trong anh ý chí để vươn lên. Tự học, tự kiếm sống, anh tìm đủ cách để học, để bằng bạn, để lập thân. Trường học của anh lớn nhất là trường đời. Cái sự say mê học hỏi anh có được như hôm nay là con đường không hề bằng phẳng. Có người chưa hiểu anh đôi khi ganh tị với anh, nhưng ở hoàn cảnh như anh không có nghị lực làm sao chiến thắng nổi. Hay lại trở nên buông lỏng, chênh vênh…? Nhà văn, nhà thơ trưởng thành trước hết nhờ năng khiếu bẩm sinh nhưng sống với văn chương thì cái quyết định vẫn là đam mê và tự rèn luyện. Anh là người yêu văn chương và sống với nó như một duyên nợ. Đến nay ở cái tuổi được “nửa đời” rồi anh vẫn hăng hái viết với nhiều khát khao, kỳ vọng, dẫu để đến được bên bờ kia không dễ chút nào.
“Mưa dắt ngang chiều” – tập thơ của Lâm Bằng
Cùng với bóng dáng cha mẹ là quê hương, làng xóm nơi anh gắn với tuổi thơ lam lũ đã vào thơ anh như lẽ tự nhiên không thể khác. Anh viết về quê anh, nơi đồng chiêm trũng, quanh năm nước ngập trắng đồng, nơi có bà ngoại tần tảo sớm trưa với củ khoai, củ sắn: “Một cọng khoai lang/Hai cọng khoai lang/Chắt chiu bà ngoại dắt sang bếp chiều”… Đơn giản thế mà nuôi dưỡng thơ anh, mà vấn vương người con lập nghiệp nơi thành phố vẫn “nửa đời không nguôi nhớ” và “dẫu đi xa nết ăn ở” vẫn mãi còn, như một bản sắc không thể lẫn. “Ký ức làng” là sự ký thác chân thành mà anh đã trải nghiệm: “Bỗng ùa vào tôi rơm rạ của một thời/ Nồng ngai ngái đất lát cày nắng nỏ/ Chân trần dưới đồng chua/ Ngoáy đất thói nặn trâu, nặn cá/ Tóc vàng hoe bê bết đất vạt cày“. Để rồi anh mang theo đến cuối đất cùng trời một tâm niệm hay một sự tri ân cái nơi đã nuôi anh khôn lớn dù gian lao, khổ cực “Làng tôi đó, người làng nhân hậu lắm”. Những câu thơ thiên về tả, chưa thật mới lạ nhưng lại được cái tình người viết và có hồn quê trong đó. Gìn giữ bản sắc quê hương cũng là nét cần và quý để người làm thơ giữ được hồn mình như cánh diều nhờ vào sợi dây giàng buộc bám vào mặt đất dẫu có mải miết bay ở tận phương nào.
Bài thơ An nhiên là bài viết có tứ, tràn đầy cảm xúc khi tác giả nghe tin đại tướng Võ Nguyên Giáp vị tướng tài ba của dân tộc về cõi vĩnh hằng “Giữa cây ngàn/ Ông/ Một sắc lá xanh/ Dâng hiến hết mình lá an nhiên về cội/ Bình dị vậy thôi/ Giữa muôn ngàn gió nổi/Lá mang theo mình triệu triệu trái tim đau”.  Một chiếc lá rất giản dị, gần gũi – Chiếc lá như một đời người “Lá mang trong mình triệu triệu trái tim đau” thì chiếc lá đã có một sự thoát thai để mang trong mình vẻ đẹp mới: Có nội tâm và vĩnh hằng cùng người “nơi tiên cảnh”. Như một nén tâm hương ngưỡng vọng, nhà thơ cũng gửi lòng mình vào chiếc lá ru giấc ngủ người an nhiên về cội.
Bên cạnh người mẹ sinh ra anh, người mẹ quê cũng được anh tái hiện. Và đặc biệt là người mẹ Vĩnh Linh vá cờ Tổ quốc đã là một sự lựa chọn để anh bày tỏ cái tố chất anh hùng cách mạng của người phụ nữ Việt Nam. Nhân hậu trong đời thường, giản dị trong cách sống, dũng cảm trong đấu tranh và còn vững vàng trong tư tưởng chính trị. Người mẹ Vĩnh Linh vá cờ tổ quốc không chỉ đơn thuần là cái sự giỏi thêu thùa, vá may của người phụ nữ Việt Nam mà cao hơn là tư tưởng là cái sự ghé vai của họ trong sự nghiệp chung của non sông: “Mẹ ngồi đó đường kim mũi chỉ…/ Mẹ ngồi đó với dáng hình đất nước/ Cờ Tổ quốc nguyên lành bên người mẹ Vĩnh Linh”.
Và còn nữa những con người bình thường nhưng thanh sạch một đời cũng là đối tượng thẩm mỹ của thơ anh. Bằng lối thơ tự sự, qua câu chuyện của một người nhưng nói xa hơn về đời người. Anh bàn đến cái sự sang. Cái sự sang không cứ chỉ có ở những người giàu có, nó cũng có con đường riêng cho mọi con người bình dị: “Sòng phẳng đến mức cực đoan là gã/ Gã mua bánh mì chủ quán ưu đãi bán rẻ một xu, gã trả lại bánh bỏ đi/ Vào xem nhà hát lão mua hai vé, một vé gã gồi, một vé đòn gánh gã ngồi/ Nhặt được ví tiền dày cộp/ Gã mang nộp công an/ Rồi lại chạy theo gánh hàng với những đồng bạc lẻ“. Người dân ở xứ Thanh gọi tên gã là “Sơn Tỉ” thành tên chung cho nhiều đứa trẻ con “yêu mến” và “nghịch ngợm đáng yêu”. Hay như trong bài “Những kẻ lang thang” anh viết: “Mọi sự khôn ngoan đều là chạy trốn chính mình”. Cuộc sống hôm nay với bộn bề nỗi lo mưu sinh. Ứng xử với cuộc đời vẫn là bài học ai cũng nghĩ là “biết rồi, nói mãi” mà luôn luôn vẫn tồn tại, không cũ, không nhàm. Sống hết mình cho thơ, có lẽ trước hết cần phải hết lòng với đời.
Mỗi nhà thơ muốn trau dồi về nghệ thuật cần phải không ngừng tích lũy vốn sống, gìn giữ nhân cách. Cái đẹp như nhụy vàng của thơ phát lộ khi cửa sổ tâm hồn rộng mở – Cách mà các nhà thơ bậc thầy họ đã làm, hình như nhà thơ Lâm Bằng đang cố gắng mở rộng hồn mình để đón những va đập của cuộc sống phong phú ngoài kia.
Như một thói thường của cái “duyên thơ” mà nhân vật em “ào ạt” xuất hiện trong thơ anh với nhiều cung bậc khác nhau: Yêu say, mê đắm, buồn sầu… thể hiện rõ nhất chất lãng mạn có khi pha chút ngu ngơ, khờ dại, có khi day dứt, hờn trách, đắm chìm. Từ “say” trở đi, trở lại trong tập thơ hơn chục lần như để giải bày, khỏa lấp ham muốn không thể nào kiềm chế trước cái đẹp. Cái sự “dửng dưng” của anh mà người không gần gũi khó nhận ra thì giờ đây cũng chừng muốn cởi mở, không nề giấu diếm. Một sự náo nức đến vò võ, đợi chờ đến đắm đuối bên dòng Hương, tình tứ từ một ánh mắt “mi ướt” giữa hội xuân, hay chỉ “làn tóc mây” đã làm anh bối rối. Bài thơ “Có một chút tình si” là sự thú nhận thành thực: “Có đôi chút tình si bên mái lá/ Nợ ríu ran cho suốt một mùa yêu“. Yêu đến ngẩn ngơ “Tôi hóa đá trong vô cùng mắt biếc” và mất cả cảm thức thời gian “Ngất ngư say nắng thả sang chiều” để “nợ… cả mùa yêu” và “ngẩn ngơ” lạc cả “hồn vía” là đáng quý trọng. Tôi không ngờ là anh cũng đa mang đến thế.
Thơ nối dài hơn cho cảm xúc thăng hoa và thơ cũng “khôn ngoan” hơn trong cách tỏ tình. Bài “Em về bên ấy”  lại là một cảm xúc khác, với nỗi cô đơn: “Níu gì một chút hoa ngâu/ Ngày dài như dài thêm mãi/ Xa xăm khói cay đồng bái/ Đò sang… Mưa dắt ngang chiều” Em gần đó mà xa đó, huống chi bên này, bên kia đã là sự khác biệt, cách trở lắm rồi. Bài thơ gợi buồn, ly cách, cứ ngầm định người “làng bên”, “ngóng theo” chạnh lòng đến tê tái. Người yêu lấy chồng, cái cách dân gian, các bậc cha ông mình vẫn nói là “Đò sang…” đã được anh kế thừa lạ hóa.
Viết về “em” Lâm Bằng gắn kết với trăng. Trăng gắn với thế thái nhân tình. Trăng phá phách, trăng u sầu, lạnh lẽo. Trăng mang tâm hồn người con gái đa đoan, sầu cảm, trói buộc. Còn một sự táo bạo, dữ dội muốn bung phá để “Tuột nút gia phong” để “bung… neo lễ giáo”. Người đẹp thời “Cung oán ngâm khúc” và “Chinh phụ ngâm”… phá rào cất lời “khát khao”. Rằng “Đêm hoàng cung” tưởng cao sang mà sao “cô quạnh quá”? Bởi thế “trăng kinh thành” mà “giọt trăng rơi lã chã”. Trăng vừa hóa thân, trăng vừa là chứng nhân. Trăng soi, trăng chứng giám nước mắt người thiếu phụ dù sống giữa “Bệ ngọc đêm dài/ thiếp/ lạnh/ giấc/ nữ/ vương” (Trăng kinh thành), bởi đã “chật căng niềm ước”. Ước muốn nhỏ nhoi, trần tục với chỉ một lần “Thế gian ngưng, chao đảo cả trời sao” (Trăng). Cái bản năng hạnh phúc, thế tục xưa nay vẫn luôn là tình yêu và khát khao chiếm đoạt. Nếu công phu hơn cả về cách nghĩ, cách  cảm chắc chắn bài thơ sẽ gợi hơn, nhiều độc giả hơn.
So sánh hai bài thơ Trăng và Trăng kinh thành ở trên với một loạt các bài anh viết về “em” như: Sông Hương đêm, Chút ngẩn ngơ, Kìa trăng, Thì cứ hẹn… ta thấy anh có lý khi đã biết “quy kết’ chuyện yêu muôn thuở: “Em lỗi hẹn mưa bay ngăn ngắt lá “để ” Cho bến hẹn chênh chao mặt sóng”  và “Cho ngày đi chộn rộn đến nao lòng”…
Biết được giới hạn, biết khắt khe với chính mình mà tìm tòi, sáng tạo để thơ được “vun vén, cắt tỉa” âu đó cũng là việc mà ai muốn dấn thân vào công việc đam mê, đầy khổ ải này phải luôn nhớ. Lâm Bằng cũng như bao người khác cũng có ý thức như vậy! Liệu anh muốn bứt phá, hay bằng lòng với những gì đã có còn là vấn đề thời gian, nghị lực, và sức cảm, vốn văn hóa, kiến thức mà anh tích lũy. Trong tập, nhiều bài anh viết theo lối tìm tòi của thơ đương đại như: Khúc luân vũ của những giá trị, Ru khúc, phiếm luận về sáng tối hay sự khinh bỉ của loài dơi, Giảng giả, Tự phu, Những kẻ lang thang… nhưng viết còn rườm rà, ý không rõ. Anh đặc biệt quan tâm đến thực tại xã hội với thật giả lẫn lộn, giá trị đạo đức nhân phẩm xuống cấp, những kẻ giả danh trí thức, trọc phú vô văn hóa, những giá trị ảo… đang tồn tại, lẩn khuất cần được lên án. Nhưng vẫn mới dừng lại ở một cái tôi bản lĩnh dám đề xuất, thể nghiệm những suy nghĩ của mình cùng bạn đọc, chứ chưa thơ, chưa thuyết phục. Nhưng có lẽ sự mạnh dạn đó cũng cần thiết cho sự khởi đầu của thơ để anh có “của ăn” lấy sức mà mải lộ. Trong tập thơ không tránh khỏi nhiều bài mang tính luận giải, triết luận nhưng tính ước lệ, nhuần nhị chưa cao, tứ lỏng lẻo, từ ngữ luận giải chưa gợi, chưa đạt được mục đích của tác giả. Đó là các bài: Sẽ là tội lỗi ở một góc nhìn khác, Ghi ở quán Karaoke, Ngẫu cảm nguyên đán, Ngày, Trọc…
Nhà thơ Chế Lan Viên viết “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở /Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Triết lý giản dị mà thơ, dễ lay động lòng người. Vẫn mong mảnh đất Hà Trung nơi anh sinh ra và lớn lên là chất liệu, ngọn nguồn cho anh tiếp cận, cho cảm xúc anh thăng hoa. Dù nói gì đi chăng nữa “Mưa dắt ngang chiều”[1] là một tập thơ ghi nhận sự cố gắng tiếp cận hiện thực, những ám ảnh của anh về những gì anh đã có, anh nhìn thấy và anh đang tiếp cận. Cầu mong anh gặt hái được nhiều thành công, thêm một lần nào đó lại được theo chân anh vào rừng nhặt được nhiều “củ sâm” thơ anh đã tụ lõi, hóa trầm.
THY LAN
_________
[1] Mưa dắt ngang chiều, NXB Hội Nhà văn, 2014 của nhà thơ Lâm Bằng
 
2/4/2021
Mai Thị Liên Giang
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những chuyến đò mưa

Những chuyến đò mưa Đò chở những bà mẹ nghèo sang chợ Than bên kia sông bán những thứ của nhà làm ra hoặc buôn thúng bán mẹt. Năm ngày 2 p...