Trần Dần, thời đại và đổi mới
Những ngã tư và những cột đèn xứng đáng là một tác phẩm
văn chương đúng nghĩa phản ánh thời đại với lối viết mới mẻ, là một dấu ấn mới
cho văn chương Việt Nam trên con đường tìm tòi, đổi mới.
Tiểu thuyết kể về chàng thanh niên Dưỡng - một người vì những
hoài nghi, cực đoan của quãng quá độ dẫn đến cuộc đời của anh vô cùng “lỉnh kỉnh”
được viết dưới dạng “đối thoại” cách nhau 10 năm giữa một nhà văn vô danh tính
và Dưỡng thông qua những trang nhật ký mà anh để lại. Những ngã tư và những cột
đèn được Trần Dần viết bằng những trải nghiệm khi ông tiếp xúc với nhiều quân
lính trong các sở giam đã được chính quyền bấy giờ cho phép. Tiểu thuyết không
chỉ cho thấy cõi đời vụn vặt, vô cùng bất trắc cùng những xung đột nối nhau tồn
tại, mà phần nào đó cũng cho thấy những dụng ý nghệ thuật rất riêng của ông,
trong lối viết thi tính cũng như cách dùng từ ngữ vô cùng mới lạ.Nhà thơ Trần Dần (1926 - 1997)Hiện tại là thứ sót lại
Thời gian chính là yếu tố quan trọng của tiểu thuyết này. Nó
đầy khách quan khi Trần Dần cố gắng phân định một cách rõ ràng giữa hai giọng kể.
Những Đông - 1954 và Xuân - 1955 được xác định rõ khi chưa hề có những sự “chọn
lựa”. Thế nhưng một khi đã hòa vào trong trang viết, thì dẫu là Dưỡng với ba cuốn
nhật ký “dằn di” mà mình đã viết, hay anh nhà văn (và là Trần Dần?) cố gắng thuật
lại một điều gì đó, thì chúng tản mát và khó xác định.
Mở đầu những đoạn gián tiếp kể lại, người nhà văn nọ luôn
luôn tuột sâu vào vùng “khử sạch thời gian”. Mất dấu ngày tháng, anh ta không
rõ thứ hai hay là chủ nhật, và những dòng chữ giờ đây rồi chỉ còn lại những sự
xê dịch liên tục lỉnh kỉnh. Vì hà cớ gì một người khách quan đứng ở bên ngoài
mà cũng cảm nhận được xu hướng ấy? Anh chia sẻ chung một sự cảm nhận về tính
ngoại biên của hiện tại, về tính “không” của đương lúc này, và hơn hết là sự
vĩnh hằng của nó.
Trong trang nhật ký, Dưỡng viết “Tôi không nhớ đã nhìn thấy ở
đâu, một bức hoạ đường tuyến tính của thời gian, như thế này: hai đầu của đường
tuyến tính, chạy cả về hai phía vô định, và biến mất. Hóa ra quá khứ và tương
lai chiếm hết cả chiều dài thời gian hiện tại chẳng là cái gì, chỉ là một cái
chớp mắt, chỉ là một phần rất nhỏ, của cái chớp mắt […] Tôi làm thêm một thử
nghiệm nữa, tôi vẽ hiện tại, bằng một dấu chấm bé nhỏ, nhưng bên ngoài đường
tuyến tính thời gian. Hiện tại của tôi thế là tồn tại vĩnh viễn, chẳng thuộc về
đâu cả, chẳng phụ thuộc quá khứ lẫn tương lai”.
Với Dưỡng, người mắc kẹt lại bởi sự đảo chiều của dòng lịch sử,
không có gì khác ngoài “hiện tại”. Ở đó anh bơ vơ qua những ảm đạm của sự nghi
kỵ. Trong vở “nộm đời” của thời gian ấy, cuộc sống của anh hết lộn sang trái lại
lộn sang phải, những gì anh viết liên tục vỡ nát và không lành lặn. Đối với
anh, thời gian không còn ý nghĩa. Nó không được tính ở thời mà Chúa ra đời, mà
là kéo dài bám theo từng sự kiện một. Đó là ba ngày đại nạn, là năm ngày lên kế
hoạch… và là điểm chuẩn cứ thế theo nhau san phẳng rồi lại lấp đầy.
Từ một phát súng nổ trong vườn khuya, cho đến một gã “nhọn cằm”
bám sát cành hông trong mọi ngõ ngách. Từ cô Cốm thiêng liêng ở tuổi 17 còn
không biết hôn phải làm thế nào, Dưỡng đến và hiến mình cho một ả đàng điếm, một
gái làng chơi, đổi lại tình yêu đã được trải nghiệm một cách sâu sắc… Ở những
ngã rẽ của chính số phận sắp đặt, anh liên tục chọn và rồi rẽ sai. Ở đó có những
đường ra có thể cứu vãn, nhưng cũng có lúc lựa chọn chỉ là cái chết.Diện mạo mới của “Những ngã tư và những
cột đèn” do Nhã Nam và Nxb Hội Nhà Văn liên kết ấn hành.Những ngã tư và những cột đèn nói cách khác là những ngã
tư của sự lựa chọn. Là những đèn không cột, và cột không đèn. Những cột đèn đó
như người theo dõi, như kẻ theo đuôi, như gã lang thang giương mắt chứng kiến
mà không thể can thiệp hay tác động được gì. Dòng lịch sử của giai đoạn ấy đã
đưa con người vào giữa trung tâm, và buộc họ phải chọn lựa. Giữa đào ngũ hay ở
lại, giữa bản thân hay bạn bè, giữa tội ác hay hình phạt, giữa chết chóc hay sống
còn và bị đồng hóa?
Ở cõi đời ấy, cái mong manh của hiện tại, cái chớp mắt cho hiện
tại qua nhanh, trở thành phương thuốc cuối cùng để giữ họ lại. Họ cô độc trong
một đời sống không thể tìm thấy được sự tối ưu. Họ sống trong nỗi sợ hãi tình bạn
– tình bạn thực dân. Họ đắm mình trong là những trò đùa, nhưng sâu bên trong là
những tổn thương. Họ đi bán rong hết lòng liêm sĩ, để chỉ còn lại những “bản đồ
tội”. Đó là liên tục những sự tra vấn từ hết đêm này cho đến ngày khác của 3 cá
thể: giữa thằng Tôi, cái sọ và cái bóng của thằng Tôi – trong những lửng lơ của
cuộc sống hằng ngày.
Ngã tư như những định mệnh, và Trần Dần đóng khung nhân vật của
mình vào thời điểm ấy, để nó mang tính thời khắc và là độc nhất. Bằng những láo
nháo của đêm, láo nháo của mưa, láo nháo của lá, láo nháo của gió, láo nháo của
đời… ông nắn nhân dạng của một con người như cái chớp mắt của kỳ phân rã.
Cũng như tính “không” của thứ vật chất mang tên thời gian,
ông hiểu không thể giữ mãi con người thật là con người. Những ngã tư và những cột
đèn nâng cấp trải nghiệm mà họ trải qua, bằng tính trung tâm (ngã tư), các nhân
chứng (cột đèn) và những phông nền (láo nháo)… để mãi giữ nó, để biến nó thành
vĩnh hằng, và để biết rằng khi vẫn còn ở giữa trung tâm, con người chưa phải lựa
chọn, thì họ là một điểm chấm nằm ngoài đường thẳng thời gian. Họ mãi vĩnh hằng
và thoát khỏi nó, khỏi sự đồng nhất, khỏi sự chồng lắp, khỏi sự chôn vùi và rồi
biến mất.
Nghệ thuật viết mới mẻ
Trong một văn bản đậm đặc chất thơ, thật khó để không nhận ra
dấu ấn Trần Dần. Bằng những câu vần vô cùng đặc sắc “Đầu bạc răng long, đời
mình đi tong”, những sự đảo ngữ có phần khác lạ “những đèn không đường, những
đường không đèn” hay cái giễu nhại thiên hướng bàng bạc “những chủ nhật mắm thối,
những tuần lễ khắm, những ngày mà đi cũng dở, ở cũng không xong”… Trần Dần đã tạo
nên một tác phẩm đầy rẫy cay đắng mà không điêu ngoa, đầy cái giễu nhại mà
không cay cú.
Cùng với đặc trưng ghi chép cũng như ít nhiều mang tính trinh
thám, Trần Dần phá vỡ khuôn thước của những thể loại, từ đó làm ra một tác phẩm
mới, đậm đặc hơi thở hiện đại nhưng cũng chứa đầy yếu tố cá nhân. Hành trình của
Dưỡng là chuỗi hành động mang tính phá án vô cùng đặc sắc, để thông qua đó, Trần
Dần sử dụng khía cạnh tội ác – hình phạt để làm rõ thêm “trách nhiệm tinh thần”
mà anh phải chịu, cùng đó là một sức hút không thể dứt ra cho đến cuối sách.
Cái chung và riêng ở tiểu thuyết này cũng được Trần Dần khai
thác vô cùng mới lạ. Cùng với Lê Đạt như người kéo gần khoa học lại với văn
chương, Trần Dần có những suy tư về mặt thời gian vô cùng độc đáo. Đặt hai dòng
chảy có phần tương đồng và phản ánh nhau, Những ngã tư và những cột đèn đặt ra
câu hỏi đậm tính thời đại về sự lựa chọn, về sự vô tận của những khả năng, cũng
như một sự liên tục lặp lại của một kiếp người.
Giống như Celiné tạo nên được tính tiên phong trong việc sử dụng
thể loại thư tín, thì với tác phẩm này, Trần Dần cũng mang đến cách nhìn khác về
thể loại nhật ký. Một thời gian dài người ta vẫn thường tự hỏi, vì sao các nhà
văn Đức như Thomas Mann vẫn viết nhật ký, dẫu luôn biết rằng khi mình mất đi,
thì chúng ít nhiều sẽ được công bố? Là một thể loại mang nhiều nghịch lý, Trần
Dần cũng khai thác sâu vào vấn đề này như để góp thêm một sự hỗn loạn vào trong
thời cuộc.
Ông đã viết rằng “động tác ghi nhật ký thực chất là tư hữu
hóa những sự kiện. Cách duy nhất để quên nhật ký là đưa nhật ký, từ sở hữu của
một cá nhân anh, thành sở hữu của vô số người khác. Động tác xuất bản nhật ký của
anh, chính là để anh mất đi, mọi quyền hạn với nhật ký. Khi sách của tôi xuất bản,
thành hàng nghìn cuốn, anh sẽ bình thản đọc nó, như đọc nhật ký người không
quen, từ vị trí một độc giả. Câu chuyện một mình anh cũng sẽ trở thành chuyện của
vô số người khác. Đây là cách duy nhất, để anh rời bỏ, vĩnh viễn, một giai đoạn
khó quên, của quá khứ. Cũng là một cách, để nhật ký tác động vào thời gian, lần
cuối cùng”.
Thời gian, nhật ký, nỗi đau, chọn lựa… Bằng những yếu tố vừa
chung vừa riêng, vừa là trường tồn vừa là khoảnh khắc, Trần Dần đã viết nên một
tác phẩm vô cùng đặc sắc về sự lửng lơ, về thế lưỡng nan không bao giờ cũ. Những
ngã tư và những cột đèn xứng đáng là một tác phẩm văn chương đúng nghĩa phản
ánh thời đại với lối viết mới mẻ, là một dấu ấn mới cho văn chương Việt Nam
trên con đường tìm tòi, đổi mới.
7/10/2022 Tuấn AnhNguồn: TTO
7/10/2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét