Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

Văn hóa mặc đẹp của đàn bà con gái Việt

Văn hóa mặc đẹp
của đàn bà con gái Việt

Có lẽ người Việt đã biết mặc đẹp từ thời… vua Hùng, nhất là đàn bà con gái Việt, càng biết mặc đẹp để khoe dáng. Cho phép tôi không nhắc đến đàn ông con giai Việt, chắc cũng biết mặc đẹp từ thưở xa xăm ấy, bởi “thuyền đua thì lái cũng đua”. Tôi thích con gái đàn bà Việt, đã rành làm dáng từ xửa xưa, xúng xính trong trang phục cổ nhất: bộ yếm – váy cổ truyền, thật đáo để đẹp, thật bắt mắt theo quan niệm huê tình của dân gian Việt: đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh.
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái
Yếm – váy xinh cổ truyền
Yếm – xinh đến nỗi thi sĩ Hoàng Cầm đã bị sét ái tình đánh trúng, từ năm lên 8 tuổi, chỉ vì một buổi hoàng hôn nhuộm hồng xứ Kinh Bắc, bỗng tròn mắt thấy một cô 16 tuổi, thiếu nữ nhà quê đến mua quà ở ngôi hàng xén của mẹ, hiển hiện rờ rỡ đẹp gái, ngay trước mặt cậu bé Tằng Việt, (tên thật của Hoàng Cầm). Cô mặc áo cánh, bên trong thấp thoáng yếm màu lòng trai ngà trắng, gilê khoác ngoài và đẹp làm sao, là tấm váy Đình Bảng buông chùng cửa võng – câu mở bài thơ Lá diêu bông bất tuyệt của Hoàng Cầm, sau mấy chục năm choáng váng đầu đời, mới chịu xuất đầu lộ diện…
Mê mẩn dáng kiều thon của thiếu nữ, như bị bỏ bùa mê thuốc lú, cậu bé Việt cứ thế lõng thõng đi theo, đến tận cánh đồng chiều, lúa mới gặt, còn trơ cuống rạ. Thấy thiếu nữ cứ mải ngó nghiêng tìm kiếm trên cánh đồng, cậu bé hỏi dò thì bị gắt toáng lên: Ta  tìm lá diêu bông/ Đứa nào tìm được/ Từ nay ta gọi là chồng. Cậu bé mới tí tuổi đầu, sao biết chiếc lá huyền thoại ấy mà tìm? Nhưng cảnh tượng tìm kiếm bồn chồn mê man ấy của thiếu nữ mặc bộ yếm – váy Đình Bảng buông chùng, sóng sánh theo gót sen thì mãi in trong trí nhớ thăm thẳm của Hoàng Cầm thi sĩ. Và thúc gọi sự ra đời của bài thơ danh tiếng Lá Diêu bông. Về sau, ngẫu nhiên ta được biết, do chính thơ Hoàng Cầm mách bảo: hạt nhân thi hứng của bài thơ này lại chính là vẻ đẹp gợi tình của cái …yếm. Và từ đó, Hoàng Cầm đã phải lòng Yếm Việt đến mức viết bài thơ dài “Hội Yếm bay”, in trong tập “99 tình khúc Hoàng Cầm” xuất bản 1996. Với rợp trời yêm bay, che phủ nụ thanh tân, với yếm rất nhiều màu: hồng điều, xác pháo, lòng trai, đỏ thắm…theo tưởng tượng bát ngát của phấn hứng thi sĩ Hoàng Cầm.
Thực ra, mặc yếm – váy là văn hóa mặc cổ truyền của đàn bà con gái Việt, được thăng hoa tình tứ từ trong ca dao dân ca Việt cổ, gốc vùng Kinh Bắc. Hàng năm, cứ đến hẹn lại lên, xuân thu nhị kì, hội hát quan họ nam thanh nữ tú, tổ chức hát giao duyên: hát mời trầu vào cuộc hát huê tình, lên tới đỉnh yêu, lời hát đã thật ngọt lịm: Yêu nhau cởi áo, cởi yếm cho nhau/ về nhà dối mẹ qua cầu gió bay…
Trong ca dao, yếm đẹp và lẳng đến chao đảo trong lời con gái tỏ tình: Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi. Và yếm, trong lịch sử kinh thành Thăng Long ngàn năm, vốn là đất Kẻ Chợ, châu tuần các làng nghề thủ công về buôn bán, đặc sắc nhất là phường bán yếm – áo cánh, váy… thảy đều may tay. Phường bán Yếm này bán yếm mặc thường ngày (màu trắng) và yếm mặc trảy hội, lên chùa cúng lễ, là yếm đỏ, (còn gọi là yếm điều, yếm thắm, yếm đào. Yếm đào đẹp đến gây tai họa, như dân gian hài hước: Ba cô đội gạo lên chùa/Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư/ Sư về sư ốm tương tư/ Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu…Yếm đã giúp cả một phường nghề may yếm  hành nghề bán yếm ở kẻ Chợ, chiếm ngự một “phố hàng” đắc địa nhất của Hà Nội 36 phố phường, là con phố giàu nhất Hà Thành, phất lên từ phường bán Yếm, đắt khách nhất là yếm đào, hiện lưu lại tên phố HÀNG ĐÀO. Phường bán yếm này đã đủ giàu để xây cả một cái đình ở giữa phố Hàng Đào để thờ ông tổ của nghề may yếm độc đáo này, đặt tên chữ khá ngộ, vì lẫn vào một chữ yếm thuần Viêt: Đình Đồng Lạc quyến yếm thị, hiện đã được công nhận là ngôi đền di tích lịch sử của phường nghề bán yếm, mang số nhà 38 phố Hàng Đào, luôn có khách du lịch ghé thăm…
Từ Yếm – Váy đẹp cổ xưa đến Áo Dài đẹp tân thời
Đầu TK XX, ngay trong thời thuộc Pháp, ở Hà Nội, hai họa sĩ Lê Phổ và Cát Tường, tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đã cùng sáng chế bộ áo dài – quần trắng, lai ghép đẹp đẽ giữa áo mớ ba mớ bảy của phụ nữ Việt thời xưa, với váy đầm Pháp, mà thành áo dài, mặc bộ với quần trắng, khiến tất cả đàn bà con gái ở thành thị kiến trúc kiểu Pháp, theo lối sống “Âu hóa” đã đua nhau mặc áo dài. Và gọi nôm là áo dài tân thời. Người Pháp theo luật bản quyền, đã lấy tên họa sĩ chính là Cát Tường đặt tên cho áo dài tân thời. Khốn nỗi, tên họa sĩ Cát Tường, theo nghĩa Hán Việt là tốt lành, may mắn, đã bị người Pháp nhầm hiểu theo tiếng Pháp là “lemur” nghĩa “bức tường”, nên tên áo dài, đặt theo tên người thiết kế, đã rất ngộ nghĩnh, là áo dài lemur. Các bà các cô người thành thị, từ Hà Nội, Huế, Hải Phòng, Sài Gòn cũng phớt lờ cái tên thật hài hước ấy mà đua nhau mặc áo dài tân thời – lơ muya, trong tất cả các tình huống xã giao và không xã giao: đi chơi, tiếp tân, đi làm, đi học, gánh gồng buôn thúng bán mẹt…
Sau hàng trăm năm tiến hóa về văn hóa mặc áo dài Việt, các nhà thiết kế Việt đã phân lập thành các trường phái áo dài Hà Nội, Huế, Sài Gòn, mang theo bản sắc văn hóa vùng miền. (Như câu chuyện cô Ba đã quyết giữ nghề may áo dài Sai gòn gia truyền nhiều đời, đã được nghệ thuật hóa thật cảm động và sinh động trong phim truyện điện ảnh “Cô Ba Sài gòn”.
Áo Dài đã bỏ tên “lơ muya” nửa Tây nửa Tàu, thành một từ thuần Việt, bởi bản thân áo dài chính là sự tích hợp văn hóa mặc của cả phương Đông lẫn phương Tây. Theo xu hướng hiện đại của lối sống Âu hóa, áo dài đã chiếm thế thượng phong trong cách mặc của phụ nữ thành thị ở Việt Nam, soán ngôi của yếm – váy truyền thống vốn thống trị trị ở thôn quê. Áo dài tuy vẫn giữ được vẻ đẹp chân truyền của vạt áo mớ ba mớ bảy ngày xưa, khi thu lại thành hai tà dài sau trước kín đáo, nhưng đã làm hoàn toàn biến mất chiếc yếm cổ truyền, mặc bên trong áo cánh. Yếm vốn là áo lót lỏng lẻo, đã bị thế chỗ bởi áo lót phương Tây, nâng đỡ và ôm khít chặt hai bầu ngực, mà người Việt quen gọi theo tiếng Pháp là xu chiêng (soutien).
Hơn nữa, ngay từ đầu TK XX, tà áo dài thành thị đã giã biệt những gam màu tối, u trầm âm tính của làng quê Việt để chuyển sang màu sắc rực rỡ vàng, cam, lam, trắng, đỏ, hồng, tím, xanh… nhiều dương tính của đô thị kiểu Tây.Bởi vậy, áo dài đẹp nhất ở sự hài hòa âm dương trên thân thể người phụ nữ Việt. tính từ trên vai xuống lưng thon, cổ áo dài may khít cổ, ôm tròn vai và ôm tròn ngực, hai bên xẻ tà, chỉ để thấp thoáng hở lườn đủ giữ lại chút gợi cảm của yếm thắm ngày xưa, và phía dưới eo lưng buông chùng hai tà áo, với bên trong là quần trắng để tạo thành bộ quần trắng áo dài kinh điển. (Sau này người ta may quần đủ màu. Cụ Võ An Ninh, người rất thích chụp ảnh thiếu nữ Việt mặc áo dài, đã lấy làm tiếc, khi cho rằng áo dài chỉ nên mặc với quần trắng là đẹp nhất, còn các màu quần khác đều là…vô lối. Về tổng thể, áo dài khi ôm khít toàn bộ phần trên của thân thể người đẹp Việt, là đã phô hết vẻ đẹp dương tính của họ, còn phía dưới, là quần trắng, sau hai tà áo để chùng, chính là ẩn giấu vẻ đẹp âm tính, hài hòa với phần dương tính ở trên.
Tuy nhiên, văn hóa áo dài Việt càng tiến hóa trong hàng trăm năm, càng gặp thách thức trong sự phát triển. Áo dài từng bị thiết kế quá đà, khoét cổ quá trễ, làm bồng vai, nhấc eo lên quá cao, hở rất nhiều lườn, rồi vạt áo bị cắt ngắn, bị xé lẻ tan nát… đã khiến áo dài Việt bị biến dạng. Nhưng may thay, áo dài đã tự điều chỉnh, bởi các nhà thiết kế Việt đã cố giữ được vẻ đẹp truyền thống căn cơ của áo dài, được tạo lập ngay từ khi ra đời.Trong mấy cuộc thi sắc đẹp quốc tế ở VN, các thí sinh đã đồng loạt mặc áo dài Việt, phô diễn hình thể đẹp tại thành phố biển Nha Trang…
Và không ngẫu nhiên, áo dài Việt được công nhận trên thương trường thời trang quốc tế và không cần dịch sang tiếng nước ngoài, với việc để nguyên mẫu tự tiếng Việt in hoa là AO DAI.
Trong cả tháng 10 và 11 gần đây, từ TP HCM, khi tham dự các sự kiện: Hội thảo về văn hóa văn nghệ, Lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh thể loại kịch VN, Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc ở Hà Nội và Hải Phòng, tôi vẫn thấy phấp phới những tà áo dài thật đẹp của phụ nữ VN, dù tình hình dịch Covid đang rất căng thẳng. Có thể, việc vẫn mặc áo dài đẹp trong các sự kiện văn hóa văn nghệ hôm nay cũng là biểu hiện sống động của cái đẹp cũng phải “sống chung với lũ”, để cái đẹp có thể cứu chuộc thế giới thoát hiểm khỏi dịch covid 19 vẫn đang diễn biến khốc liệt trên toàn cầu…
NGUYỄN THỊ MINH THÁI
 
Hà Nội, 21/8/2015 
Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...