Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

Văn học phản trinh thám - Tiểu luận Đặng Thị Bích Hồng

Văn học phản trinh thám
Tiểu luận Đặng Thị Bích Hồng

Văn học trinh thám là một trong những hiện tượng văn học nổi bật mang tính toàn cầu. Kinh qua không ít thăng trầm trong định giá của giới nghiên cứu phê bình, truyện trinh thám đã khẳng định được chỗ đứng của nó trên văn đàn đương đại. Cuối thế kỷ XX, sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ tạo ra một hiệu quả bất ngờ: văn học trinh thám vượt ra ngoài định kiến của thứ “á văn chương” để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của lớp độc giả có trình độ tri thức, học vấn cao. Những “luật lệ” của truyện trinh thám thậm chí trở thành chất liệu để nhà văn nhào nặn nên một thể văn học mới – văn học phản trinh thám.
Thuật ngữ phản trinh thám (anti–detective) lần đầu tiên được đề xuất bởi William Spanos. Năm 1972, trong bài viết Thám tử và giới hạn: vài lưu ý về hư cấu văn chương hậu hiện đại, Spanos cho rằng: “mô hình lý tưởng của hư cấu văn chương hậu hiện đại là truyện phản trinh thám (và tương tự, câu chuyện phản phân tâm học) với mục đích tối hậu là gợi lên sự cần thiết của hành trình kiếm tìm và/hoặc điều trị phân tâm học rồi vô hiệu hóa nó một cách triệt để bằng cách từ chối khả năng làm sáng tỏ tội ác (hoặc tìm ra nguyên nhân của chứng loạn thần kinh)”[1]. Hạt nhân quan niệm “phản trinh thám” của Spanos là “phản chủ nghĩa Aristotle”. Ông khẳng định, câu chuyện phản trinh thám đi ngược lại nguyên tắc xây dựng tác phẩm theo quan hệ nhân quả với cấu trúc ba phần: mở đầu, trung tâm, kết thúc. Kiểu sáng tác này đã manh nha từ những năm đầu thế kỷ XX trong Vụ án của Franz Kafka và tiếp tục phát triển đến giữa thế kỷ với Chân dung một người xa lạ của Nathalie Sarraute, Những cục tẩy của Alain Robbe–Grillet, Molloy và Watt của Samuel Beckett, Nạn nhân của trách nhiệm của Eugène Ionesco… Sau khi Spanos công bố bài viết, nhiều công trình nghiên cứu tiếp tục sử dụng thuật ngữ phản trinh thám để bàn về một xu hướng phát triển của tiểu thuyết trinh thám trong bối cảnh hậu hiện đại.
Nhà phê bình Đặng Thị Bích Hồng ở Đại học Hùng Vương – Phú Thọ
Đặc trưng truyện kể trinh thám
Bắt đầu từ Edgar Allan Poe, truyện trinh thám đã nâng lên tầm văn học để  từ đó, nhiều thế hệ nhà văn tiếp tục sáng tác theo cái khung trinh thám cổ điển tương đối ổn định. Năm 1928, Van Dine đưa ra 20 nguyên tắc được coi như “khuôn vàng thước ngọc” của truyện trinh thám mà Todorov tóm gọn lại trong 8 điểm khi bàn về thể loại văn học này, đó là: “1. Cuốn tiểu thuyết phải có nhiều nhất là một thám tử và một thủ phạm, và ít nhất là một nạn nhân (một xác chết). 2. Thủ phạm không được là một tội phạm chuyên nghiệp; không được là thám tử; phải giết người vì lý do riêng của cá nhân. 3. Ái tình không có chỗ trong tiểu thuyết trinh thám. 4. Thủ phạm phải có một tầm quan trọng nào đó: a. Trong đời: không phải là một nam hay nữ hầu phòng. b. Trong sách: là một trong các nhân vật chính. 5. Mọi sự đều phải được giải thích một cách duy lý; cái kỳ ảo không được chấp nhận ở đây. 6. Không có chỗ cho miêu tả cũng như phân tích tâm lý. 7. Với các thông tin về truyện, cần tuân thủ sự đối ứng sau: “tác giả: độc giả = tội phạm: thám tử”. 8. Cần tránh các tình thế và các giải pháp tầm thường tẻ nhạt”[2]. Những nguyên tắc mà Van Dine đưa ra nằm trong khuôn khổ của tiểu thuyết ẩn ngữ, ứng với chặng đầu tiên trong tiến trình phát triển song hành và nối tiếp của ba hình thái truyện trinh thám: tiểu thuyết ẩn ngữ, tiểu thuyết đen và tiểu thuyết phân vân hồi hộp. Tiểu thuyết ẩn ngữ vinh hiển trong khoảng giữa hai cuộc đại chiến. Kiểu tác phẩm này luôn chứa đựng hai truyện: truyện về tội ác và truyện về cuộc điều tra, trong đó truyện về tội ác kết thúc trước khi bắt đầu truyện thứ hai. Todorov đánh giá Michel Butor là người khái quát hay nhất về đặc trưng của thể loại này khi ký thác vào lời nhân vật George Burton trong Thời gian biểu rằng: “mọi cuốn tiểu thuyết trinh thám đều xây dựng trên hai vụ giết người, vụ thứ nhất do kẻ sát nhân tiến hành chỉ là cơ hội cho vụ thứ hai trong đó y là nạn nhân của sát thủ trong sạch và không thể bị trừng phạt, nạn nhân của người thám tử”[3].
Tiểu thuyết đen khởi nguồn từ Mỹ trước Đại chiến thứ hai và nở rộ ở Pháp. Người khởi xướng tiểu thuyết đen tại Pháp Marcel Duhamel miêu tả thể loại này quanh hằng số của bạo lực, tội ác, vô luân… Trong tiểu thuyết đen, sự tìm tòi khảo sát thay thế cho sự hồi cố. Niềm quan tâm thích thú của độc giả chuyển từ sự hiếu kỳ trên hành trình đi từ kết quả đến nguyên nhân ở tiểu thuyết ẩn ngữ sang sự phân vân hồi hộp trên hành trình đi từ nguyên nhân đến kết quả ở tiểu thuyết đen. Lý giải sự đổi thay này, Todorov cho rằng, “các nhân vật chính của tiểu thuyết ẩn ngữ (thám tử và bạn anh ta, người kể chuyện), theo định nghĩa, là bất khả xâm phạm: chẳng điều gì có thể xảy ra với họ. Tình thế đảo ngược trong tiểu thuyết đen: mọi sự đều có thể, và thám tử nếu không liều mạng sống thì cũng là liều sức khỏe” [4]. Ở tiểu thuyết đen, những quy tắc mà Van Dine đưa ra đã không hoàn toàn phù hợp nữa. Todorov dẫn chứng, trong tiểu thuyết đen, tội phạm hầu như không bắt buộc phải là một kẻ chuyên nghiệp và không giết người vì lý do cá nhân, ái tình mang tính thú vật thường được ưa chuộng… Đặng Anh Đào khi nghiên cứu về “Nữ tác gia và truyện trinh thám” cũng nhắc đến 8 nguyên tắc mà Todorov đã tóm lược nhưng không phải để minh họa cho những quy tắc đó mà để nhấn vào sự đổi mới của truyện trinh thám trong đời sống văn học hiện đại, đặc biệt là sự bùng rộ yếu tố miêu tả và phân tích tâm lý. Tác giả lập luận, “trong xã hội hiện đại, khi những căn bệnh tâm thần phát triển, cũng như sự tiến bộ của khoa học hình sự dẫn đến vai trò nổi bật và mới mẻ của những chuyên gia, bác sĩ, nhà tâm lý tội phạm, truyện trinh thám hiện đại càng phải khai thác những vấn đề bất ổn của nhân cách, bản năng”[5].
Tiểu thuyết phân vân hồi hộp kết hợp các đặc tính của hai hình thức trước: giữ lại của tiểu thuyết ẩn ngữ điều bí ẩn và hai truyện, đặt truyện thứ hai vào vị trí trung tâm và mở rộng nó ra ngoài phạm vi cuộc truy đuổi tội phạm đơn thuần. Todorov chỉ ra hai kiểu quan tâm đã cùng tụ lại trong tiểu thuyết phân vân hồi hộp, đó là sự hiếu kỳ và sự phân vân hồi hộp. Độc giả một mặt tò mò muốn biết các biến cố đã qua sẽ được lý giải như thế nào, mặt khác quan tâm điều gì sẽ xảy đến với các nhân vật chính. Về mặt lịch sử, tiểu thuyết phân vân hồi hộp giữ vai trò chuyển tiếp giữa tiểu thuyết ẩn ngữ và tiểu thuyết đen, đồng thời tồn tại với tiểu thuyết đen. Định danh theo nhân vật thám tử, Todorov gọi tiểu thuyết phân vân hồi hộp ở giai đoạn chuyển tiếp là “truyện về người thám tử có thể bị tổn thương”, ở giai đoạn song hành với tiểu thuyết đen là “truyện về người thám tử – khả nghi”.
Như vậy, qua chặng đường gần 200 năm định hình và phát triển, có thể rút ra đặc điểm chung nhất của truyện trinh thám là sự vận động xoay quanh một hành trình giải mã điều bí ẩn. Thể loại này yêu cầu phải có một tội ác, một manh mối, đồng thời phải có một nhà thám tử với khả năng quan sát nhạy bén và suy luận sắc sảo về mối quan hệ nhân quả giữa các manh mối ấy. Các tác giả trinh thám xây dựng tình huống như những câu đố, ở đó, mỗi điều bí ẩn được đưa ra đều tiềm tàng một điểm nút để tháo gỡ. Đến hồi kết, ở sự dồn tụ mang tính chất quyết định của những mối nghi ngờ, điều bí ẩn tưởng như thách đố quy luật thông thường của tư duy logic sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Bắt đầu từ truyện ngắn của Edgar Allan Poe, tiến xa qua những sáng tác của Arthur Conan Doyle, Agatha Christie, Dorothy Leigh Sayers, Ellery Queen…; mô hình truyện trinh thám đã minh chứng cho sức mạnh của con người cá nhân để giải mã thế giới bí ẩn mà anh ta đối mặt. Theo đó, khi tiếp xúc với tác phẩm, độc giả hào hứng với niềm tin chắc chắn rằng không gì có thể ngăn được sự thắng thế của lẽ phải dù sự kiện có kỳ quái hay bề ngoài có vẻ bất khả giải đến đâu đi chăng nữa. Tuy nhiên, truyện trinh thám không thuần nhất chỉ có sự thắng thế của lý trí, lẽ phải trên hành trình giải mã điều bí ẩn. Trong những năm 1920, 1930 của thế kỷ XX, một số tác giả trinh thám bắt đầu phủ định lý trí, tạo ra những tác phẩm vừa dữ dội bạo lực, vừa có sự pha trộn độc đáo giữa chủ nghĩa hoài nghi với chủ nghĩa lãng mạn. Dashiell Hammett là cây bút thể hiện rõ nhất những đổi mới này đồng thời đẩy những đổi mới ấy đi một bước xa hơn: nhân vật thám tử của Hammett không chỉ chú trọng vào hành động thay vì lý trí mà còn phủ nhận vai trò của lý trí, phủ nhận khả năng của các giải pháp trong một thế giới lộn xộn và không cùng. Họ tin vào sức mạnh tuyệt đối của điều bí ẩn.
Đặc trưng truyện kể phản trinh thám
Cũng từ thế kỷ XX, không ít nhà văn có tên tuổi đã sử dụng những nguyên tắc của tiểu thuyết trinh thám như một phần không thể thiếu trong tác phẩm của họ. Những cây bút lớn như Vladimir Nabokov, Jorge Luis Borges, Alain Robbe-Grillet… đã bị lôi cuốn bởi tiểu thuyết trinh thám ở sự định hướng nhận thức rõ ràng của nó. Những tác giả văn chương đương đại thường đặt ra vấn đề quá trình hiểu biết tự thân và những nhân tố tác động đến quá trình ấy. Tiểu thuyết trinh thám với khung cốt truyện về những cuộc điều tra thoả mãn họ khát khao được khám phá cách thức con người đối mặt với những vấn đề của tồn tại và cố gắng lý giải ý nghĩa của chúng. Một số nhà văn hậu hiện đại vận dụng, phỏng nhại hình thức và những nguyên tắc của tiểu thuyết trinh thám để sáng tạo nên tiểu thuyết phản trinh thám.
Trên cơ sở những đặc trưng của thể loại trinh thám, tiểu thuyết phản trinh thám là sự phá vỡ tất cả những nguyên tắc thuộc về khung thể loại. Ở đây, chúng tôi sẽ tổng hợp những đặc trưng của truyện kể phản trinh thám trong tương quan đối sánh với truyện kể trinh thám dựa trên hai bình diện tự sự học là cốt truyện và nhân vật.
Cốt truyện là yếu tố giữ vai trò đặc biệt trong văn học trinh thám. Trong xu hướng đổi mới đa diện của văn chương hậu hiện đại, Borges cho rằng, truyện trinh thám vẫn bảo lưu được những giá trị truyền thống với cấu trúc mở đầu, thắt nút, mở nút. Nhận định này gần gũi với quan điểm của Todorov khi ông khẳng định truyện trinh thám có những chuẩn mực thẩm mĩ bất di bất dịch, làm “tốt hơn” hay “kém đi” những chuẩn mực đó đòi hỏi, truyện trinh thám sẽ không còn là nó nữa. Như vậy có nghĩa là, cốt truyện trong văn học dù đang hướng đến sự mờ hóa xung đột, kịch tính; thậm chí, như các nhà tiểu thuyết Mới tuyên bố, cốt truyện trở thành một khái niệm lỗi thời trong văn chương thì với truyện trinh thám, nó vẫn giữ vai trò trọng yếu. Song chúng tôi cho rằng, cách nhìn này đã không còn phù hợp với những tiểu thuyết phản trinh thám khi cấu trúc đramatic với sơ đồ cốt truyện trình bày, khai đoạn, phát triển, đỉnh điểm và kết thúc đã không còn được tuân thủ. Truyện vẫn tồn tại một điều bí ẩn, tuy nhiên, diễn biến câu chuyện không hướng tới giải mã điều bí ẩn đó, thậm chí, bạn đọc đến chung cục tác phẩm lại đối mặt với vô vàn điều bí ẩn mới mà nhà văn mở ngỏ trong truyện kể.
Về nhân vật, truyện trinh thám yêu cầu: phải có thám tử, kẻ phạm tội và ít nhất một nạn nhân. Vẫn những nhân vật ấy, đi vào tiểu thuyết phản trinh thám, nhiệm vụ thay đổi, vị thế thay đổi và tất nhiên, kết cục thay đổi. Thám tử trong tiểu thuyết trinh thám và tiểu thuyết phản trinh thám kiếm tìm những câu trả lời khác nhau xuất phát từ những quan niệm nhận thức khác nhau của cái thời đại đã sản sinh ra họ: một đằng tập trung loại trừ trạng thái nhất thời của thế giới trật tự, một đằng nhấn vào những cái tạm thời ngẫu hứng không với mục đích giải thích điều bí ẩn mà ngược lại, để thích ứng với nó. Cũng có thể nói, trong truyền thống truyện trinh thám, thám tử là kẻ bất khả chiến bại trên hành trình giải mã điều bí ẩn còn sang tiểu thuyết trinh thám hậu hiện đại, hành trình điều tra của anh ta chỉ còn là một mã biểu đạt. Độc giả ít quan tâm đến việc tay thám tử sẽ thành công hay thất bại mà dõi theo hành trình ấy để tìm ra những cái được biểu đạt khác nhau.
Phản trinh thám trong tiểu thuyết đương đại
Tên của đóa hồng (Umberto Eco) và Thành phố thủy tinh (Paul Auster) được xem là hai trong số những tác phẩm hư cấu trinh thám hậu hiện đại phổ biến nhất. Sau khi được công bố, Tên của đóa hồng (1980) ngay lập tức trở thành “một biến cố văn học”, được đánh giá là “một loại tiểu thuyết làm đổi thay đầu óc người đọc… dẫn dắt chúng ta bước vào một thế giới kinh viện vừa thiêng liêng vừa đen tối…” (Los Angeles Times). Thành phố thủy tinh (1985) là mắt xích đầu tiên trong New York Trilogy – bộ ba tiểu thuyết đã khiến Paul Auster lừng danh trên văn đàn Âu – Mỹ. Nếu như ở Tên của đóa hồng, Umberto Eco đặt vấn đề “Ai là kẻ có tội? Một câu trả lời xác thực là: chính chúng ta là kẻ có tội” thì ở Thành phố thủy tinh, “câu hỏi “Ai là thủ phạm?” đã biến thành “Ai đang hỏi thế?” và “Rốt cuộc thì câu hỏi ai là thủ phạm nghĩa là gì?” (The New York Times). Cả hai cuốn tiểu thuyết đã mượn các “phụ tùng trinh thám” để đặt ra nhiều vấn đề mang tầm vóc triết học của nhân loại.
Cốt truyện giả trinh thám
Bàn về truyện trinh thám, Todorov chú ý mối quan hệ giữa đề tài – những gì đã xảy ra trong đời và cốt truyện – cách tác giả trình bày đề tài nọ. Ở tiểu thuyết ẩn ngữ, hai khái niệm này cùng hiện diện, được đặt bên cạnh nhau nhờ quy chế đặc biệt của hai truyện: truyện về tội ác – truyện thực sự song khiếm diện, truyện về cuộc điều tra – truyện hiện diện nhưng chỉ là môi giới giữa bạn đọc và truyện về tội ác. Đề tài trong Tên của đóa hồng và Thành phố thủy tinh đều đề cập tới các vấn đề của thể loại tiểu thuyết trinh thám với yêu cầu đặt ra là phải tìm được một manh mối, một điểm mấu chốt của vấn đề cũng như việc đưa ra đáp án cho điều bí ẩn. Tuy nhiên, cốt truyện tiểu thuyết lại “mờ hóa” những mục tiêu trinh thám ấy bằng cách gài thêm nhiều “mục tiêu” khác, thậm chí, nhà văn biến tác phẩm thành “mã” để độc giả tự do phát huy khả năng khám phá.
Tên của đóa hồng và Thành phố thủy tinh đặt bạn đọc vào một tình huống trinh thám bí ẩn ngay từ những trang đầu tiên và triển khai tình huống trinh thám trong một khung thời gian xác định. Umberto Eco đưa William xứ Baskerville – một học giả dòng Francisco đã từ chức phán quan – đến một tu viện dòng Benedict ở phía Bắc nước Ý để điều tra về một loạt các vụ án mạng diễn ra bên trong cái không gian linh thiêng huyền bí ấy. Thời gian kể từ khi hai thầy trò William – Adso đặt chân tới tu viện cho đến lúc họ khám phá ra những bí ẩn đằng sau bức tường tu viện kéo dài trong bảy ngày, được tính theo các giờ kinh lễ. Paul Auster khởi đầu hành trình điều tra của Quinn – nhà văn viết truyện trinh thám – bằng một cú điện thoại nhầm lẫn ngẫu nhiên tìm gặp thám tử Paul Auster nhờ bảo vệ tính mạng cho Peter Stillman trước sự điên khùng của người cha cũng mang tên Peter Stillman. Cú điện thoại gọi vào một đêm tháng 5 và “công việc” của Quinn kết thúc khoảng giữa tháng 8 khi nhân vật đã trở thành vô sản và không làm chủ được bất cứ một sự thật nào. Xét về tính quy phạm của cốt truyện trinh thám, có thể nói, Umberto Eco đã tuân thủ chặt chẽ hơn, hay diễn đạt theo cách ngược lại, Paul Auster đã phản trinh thám triệt để hơn. Những cái chết liên tục xảy đến và những dữ kiện mới liên tục mở ra nhiều hướng suy luận song đến đêm cuối hai thầy trò được phép lưu lại tu viện họ đã tìm ra thủ phạm và lý giải được động cơ của tội ác, dù kết quả ấy xuất phát từ một hướng suy luận sai lầm. Trong khi đó, Quinn không bao giờ có cơ hội đi tới một kết luận cuối cùng khi những câu chuyện không ngừng chuyển hướng và “giễu nhại” khả năng suy luận của nhà thám tử để kết cục, anh ta trở thành vô hình giữa New York hỗn loạn cùng chốn.
Tuân thủ hoặc không tuân thủ quy phạm của cốt truyện trinh thám, cả Umberto Eco và Paul Auster đều cấu trúc tiểu thuyết của mình như một mê cung với muôn vàn ngã rẽ.  Ở Tên của đóa hồng, bên cạnh cốt truyện trinh thám đầy bí ẩn, hấp dẫn, câu chuyện còn là một ký ức lịch sử vĩ đại với nhiều tri thức uyên bác dù ngay từ những dòng khởi đầu, Umberto Eco đã nêu rõ, câu chuyện ông viết ra chỉ thuần túy là niềm vui được kể, niềm vui sáng tạo chứ không nhằm mục đích thay đổi thế gian, cũng không nhằm khẳng định nó có thực. Phía sau bức tường tu viện, người kể chuyện đồng sự tái hiện lại những tín điều thiêng liêng, những dục vọng đen tối, những ám ảnh vô thức lộn trái… diễn ra bên trong tâm hồn các con chiên của Chúa, từ đó mở ra nhiều quan niệm lý thú về chân lý, thần học, tiếng cười, thậm chí, về bản thể con người… Bên cạnh đó, nhà văn còn đan lồng vào câu chuyện của Aldo một dung lượng lớn những vấn đề của lịch sử, tôn giáo, từ chiều sâu của nền văn hóa Ý cổ xưa với giáo đường, đại dinh, mê cung đến những đổi thay cục diện chính trị giáo hội, những tội ác kinh hoàng của tòa án dị giáo thời Trung cổ.
Thành phố thủy tinh, như chính cái tên gọi của nó, là một trò chơi ghép hình bằng thủy tinh đầy biến ảo. Độc giả được tham chiếu tới nhiều vấn đề khác trong xã hội hậu hiện đại từ cách “trình bày đề tài” trinh thám của Paul Auster. Trịnh Lữ nhận ra sự tương đồng rất thú vị giữa những vấn đề của xã hội ta hiện nay với những chủ đề Paul Auster đưa ra trong tác phẩm. Đó là chuyện đi tìm lại thứ ngôn ngữ chân xác của con người, là cái hệ lụy bi thảm trong ngôn ngữ và văn chương của tham vọng loài người, là cái bí ẩn khôn lường trong thế giới nội tâm của những người sinh ra để viết văn… Tất cả những chủ đề đó tựu trung lại là triển khai tấn kịch bi tráng của nhà văn trên con đường đi tìm ngôn ngữ đích thực để diễn ngôn sự thật. Viết một tiểu thuyết giống như tạo ra một thế giới bằng ngôn ngữ, và cơ sở của thế giới này không cố định, vậy nên thế giới này cũng luôn luôn đổi dạng. Quinn trên đường từ nhà Peter trở về nhìn vào những hàng cây bên đường và tự hỏi: “Không biết Peter có nhìn thấy cùng những thứ mà hắn thấy hay không, hay thế giới là một nơi nào khác đối với anh ta. Và nếu cái cây lại không phải là một cái cây, thì không biết thực sự nó là cái gì”[6]. Do đó, hiện thực không bao giờ nhất nhất phải được phản ánh nguyên vẹn trong nghệ thuật ngôn từ, hiện thực chỉ là những hình ảnh được tạo nên qua thế giới ngôn từ ấy. Một vấn đề đặt ra là, nhà văn làm việc trên chữ nghĩa trong khi chữ nghĩa với vị thế mớ tín hiệu giả tạo đã đánh mất khả năng lộ diện tính chất sự vật để trở thành những cái nhãn hiệu vô nghĩa lý móc thêm vào sự vật. Và việc tiếp cận tác phẩm văn chương cũng là hành trình thích ứng với sự vô nghĩa lý của chất liệu tạo nên nó.
Nhân vật giả thám tử
Thám tử là hình tượng trung tâm để định danh một tác phẩm văn học trinh thám. Ở truyện trinh thám cổ điển, anh ta là hiện thân của trí tuệ sắc sảo. Nhờ năng lực ưu trội trong quan sát hiện trường, phân tích thông tin, phán đoán sự kiện…, thám tử trở thành con người bất khả chiến bại trước mọi thử thách. Ở hai cuốn tiểu thuyết phản trinh thám của Umberto Eco và Paul Auster, kiểu con người suy lý hoặc bị giễu nhạo hoặc thường xuyên tự giễu nhạo chính cái khả năng suy lý của mình.
Tên của đóa hồng và Thành phố thủy tinh đặt nhân vật thám tử vào những tình huống trinh thám đặc trưng: tình huống xảy ra tội ác hoặc khả năng của tội ác. William được phái đến tu viện để làm sáng tỏ bí ẩn về cái chết của Tu sĩ xấu số Adelmo, dọn đường cho cuộc gặp gỡ giữa đại biểu dòng Fracisco và sứ giả của Giáo hoàng. Bắt tay vào hành trình điều tra, thám tử biết rằng mình đang phải đối mặt với những khả năng khủng khiếp hơn nhiều so với tính chất ban đầu của sự kiện. Quinn từ cuộc điện thoại nhầm địa chỉ đã quyết định vào vai Paul Auster để bảo vệ tính mạng cho người con bất hạnh Peter Stillman. Chấp nhận một cuộc tráo danh, thám tử bất đắc dĩ dần lạc lối trong mê cung của chính bản thân mình. Chung cục, sự thật về điều bí ẩn dù tồn tại hoặc không tồn tại, mọi nỗ lực của thám tử đều hóa hư vô.
Vừa giống, vừa không giống với những thám tử lừng danh của truyện trinh thám cổ điển, các nhân vật thám tử của Umberto Eco và Paul Auster mò mẫm trên con đường phá án của mình. William một mặt khát khao kiếm tìm chân lý, mặt khác hoài nghi chân lý không phải lúc nào cũng hiện ra trước mắt. Đứng trước tội nhân đích thực của hàng loạt những cái chết lạ lùng bi thảm, William thừa nhận rằng hành trình điều tra đã bị lái theo một hướng sai lầm, rằng mình không phải người tìm ra chìa khóa để bước vào “finis Africae”. Thậm chí, thám tử không thể không đồng tình với lời thoái tội của kẻ phạm tội khi Jorge khẳng định hắn chẳng giết ai cả, mỗi người chết theo số phận tội lỗi của họ. Quinn với tư cách một tác giả viết truyện trinh thám đã ý thức rất rõ về những nguyên tắc nghề nghiệp của nhà thám tử nhưng khi vào vai một thám tử trong thực tế, hắn liên tiếp lâm vào những đổ vỡ bi đát. Thám tử Paul Auster – tấm bình phong của cái vai Quinn đang mang – thực tế không tồn tại, vợ chồng Peter Stillman biến mất, lão Peter Stillman tự tử, Quinn bị đẩy về rất xa so với chính xuất phát điểm của hắn. Hóa ra, sự thật tưởng như tồn tại đâu đó trong cuộc đời lại chỉ là ảnh ảo giữa một thế giới vận hành theo quy luật của sự ngẫu nhiên.
Cả Umberto Eco và Paul Auster đều đứng ở tầm những nhà triết học khi xây dựng tác phẩm trong sự kết nối chặt chẽ với những vấn đề thần học của nhân loại. Tuy nhiên, cả Umberto Eco và Paul Auster cũng lại đều phủ nhận cơ sở thực tế để bạn đọc có thể kiểm chứng tính chân thực của dữ kiện. Tên của đóa hồng được hình thành trên cơ sở Bản thảo của Dom Adson xứ Melk dịch sang tiếng Pháp từ ấn bản của Dom J. Mabillon (do Nhà In của Tu viện Source, ở Paris, xuất bản năm 1842) mà Umberto Eco tình cờ được đọc năm 1968 nhưng sau đó ông kiểm chứng ra rằng cuốn sách hiếm hoi với lượng tư liệu lớn tái hiện lịch sử của dòng Benedict thế kỷ XIV ấy có thể chỉ là giả mạo. Hồi ký của Adso và những sự kiện ông kể lại được bao phủ bởi vô vàn bí ẩn mờ ảo, bắt đầu bằng tung tích của tác giả, và chấm dứt bằng vị trí của tu viện mà Adso đã thận trọng nhất quyết không tiết lộ. Hành trình trinh thám của Tu sĩ William trong Tên của đóa hồng diễn tiến trên cơ sở một cuốn sách bí ẩn mà đến hồi kết, thám tử biết được rằng đó là bản sao tập hai tác phẩm “Thi ca” của Aristotle – cái bản sao duy nhất còn sót lại trong “mê cung” của tu viện mà ngay sau đó bị Jorge biến thành thành tro bụi hư không khi ném nó vào lửa. Thám tử Quinn trong Thành phố thủy tinh cũng phải đối mặt với tình huống dở khóc cười không kém, cuốn Khu vườn và tòa Tháp: Nhỡn ảnh ban đầu của Tân thế giới của Peter Stillman luận về nhiều cuốn sách khác trong đó cuốn Tân Babel luận của Henry Dark – viễn ảnh sắc sảo nhất về tân lục địa tính đến năm 1690 lại được Peter Stillman kết luận là bản duy nhất mà ông có được sau khi vụ hỏa hoạn năm 1691 đã giết chết Dark và thiêu hủy gần như toàn bộ các ấn bản của Tân Babel luận. Những lưỡi lửa bốc lên từ cuốn sách đang cháy trong cả hai bộ tiểu thuyết đều là những ẩn dụ tuyệt vời về sự cần thiết giải thiêng chân lý và đặt lại các giả thuyết.
Todorov khi bàn về truyện trinh thám đã đặt nó trong mối quan hệ với vấn đề thể loại. Ông khẳng định, một kiệt tác lớn thường sáng tạo nên, theo cách nào đấy, một thể loại mới, đồng thời cũng vi phạm các quy tắc của thể loại vẫn lưu hành trước đó; tức một tác phẩm lớn xác định thực tế của hai chuẩn mực: chuẩn mực của thể loại mà nó vi phạm và chuẩn mực của thể loại do nó sáng tạo. Todorov xếp truyện trinh thám ra ngoài quy luật chung ấy. Ông nhấn mạnh: kiệt tác của tiểu thuyết trinh thám là cuốn sách tuân theo các quy tắc thể loại. Chúng tôi cho rằng quan điểm của Todorov đã không còn phù hợp với tiểu thuyết phản trinh thám. Không gò mình trong những quy tắc định sẵn của thể loại trinh thám, mỗi nhà văn phản trinh thám lựa chọn một con đường khác nhau để kiến tạo tác phẩm. Tên của đóa hồng của Umberto Eco và Bộ ba New York của Paul Auster là biểu hiện sống động của sự không phù hợp giữa những khái niệm đã định hình với thực tiễn sáng tác. Và chính trong Tên của đóa hồng, Umberto Eco đã cho rằng: “Có lẽ sứ mệnh của những người yêu nhân loại là làm cho con người cười vào chân lý, là làm chân lý cười lên, vì chân lý duy nhất là học cách giải thoát chúng ta khỏi sự đam mê chân lý một cách điên cuồng”[7]. Thiết nghĩa, đó cũng là sứ mệnh của tiểu thuyết phản trinh thám trong thời đại lên ngôi của những tiểu tự sự.
ĐẶNG THỊ BÍCH HỒNG
__________________
(1) Spanos William, 1972, “The Detective and the Boundary: Some Notes on the Postmodern Literary Imagination” Boundary 2 1:1, Duke University Press, tr.154.
(2) Todorov Tzvetan, 2004, Thi pháp văn xuôi (Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch), NXB Đại học Sư phạm, tr.17.
(3) Todorov Tzvetan, 2004, Thi pháp văn xuôi (Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch), NXB Đại học Sư phạm, tr.10.
(4) Todorov Tzvetan, 2004, Thi pháp văn xuôi (Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch), NXB Đại học Sư phạm, tr.15.
(5) Đặng Anh Đào, 2001, Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, NXB Đại học Quốc gia, tr.123.
(6) Paul Auster, 2007, Trần trụi với văn chương (Trịnh Lữ dịch), NXB Phụ nữ, tr.67.
(7) Umberto Eco (1989), Tên của đóa hồng, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, tr.490.
 
21/8/2021
Huỳnh Như Phương
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Văn học, số 5-5/2011
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...