Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Vì sao thơ 1-2-3 hút người? - Khang Quốc Ngọc

Vì sao thơ 1-2-3 hút người?
Khang Quốc Ngọc

Có thể nói, tiếng thơ 1-2-3 khắp nơi đang ầm ào đổ và tụ về mảnh đất Sài Gòn hoa lệ trên trang văn nghệ vanhocsaigon.com, càng ngày nó càng dần định hình và hòa chung vào dòng chảy thơ hiện đại đất Việt; nó đang và sẽ tạo dựng ra một chỗ đứng riêng biệt, hình dạng ra sao còn chờ thời gian thẩm định bồi lắng nhưng chắc chắn một điều rằng thơ 1-2-3 sẽ luôn là một thể thơ gần gũi với hết thảy những tác giả đã nghiền ngẫm và sáng tác về nó…
Nhà thơ – nhà giáo Khang Quốc Ngọc
Mới ra đời chưa lâu, và trên trang Văn Học Sài Gòn (VHSG) cũng chỉ mới phát động cuộc vận động sáng tác gần bốn tháng nay nhưng thể thơ 1-2-3 (do nhà thơ Phan Hoàng nghĩ ra) đã có một sức hút kì lạ đối với độc giả,“đến nay thu hút khoảng hơn 130 tác giả trong và ngoài nước tham dự với hơn 300 chùm thơ gửi về” (VHSG). Vì đâu thể thơ mới này lại có một sức hút lạ lùng như vậy?
Vì nó ngắn gọn chăng? Nếu lấy sự ngắn gọn ra làm thước đo để mê hoặc thì sự ngắn gọn của 1-2-3 đâu ngắn bằng thể haiku xưa nay của nước Nhật.
Vì nó gợi cho người ta sự trải lòng mình lên con chữ một cách dễ dàng chăng? Lục bát thì kém cạnh gì, còn hơn ở sự mướt mát và vần điệu êm ái ấy chứ! Còn ở thể tự do, nó không chỉ hấp dẫn mời gọi thúc giục người viết ngay ở cái tên mà nó còn sẵn sàng chiều lòng người khi tác giả ngừng lại bất kì lúc nào, ở kiểu câu chữ, nhịp điệu nào khi sáng tác.
Hay là vì nó vừa tầm chừng mực đủ cho người ta dừng lại nhấm nhá cái tôi của mình chăng? Thất ngôn cũng đầy sự chừng mực ra kìa. Này nhé, nhỏ gọn xinh xinh thì có thất ngôn tứ tuyệt, tăng số lượng câu chữ lên một chút thì có anh bát cú, rồi thể thất ngôn trường thiên thì tha hồ cho người viết chọn lựa, tha hồ…
Thế thì vì đâu thể thơ 1-2-3 nó lại có sức lôi kéo con người ta vào mê lộ chữ nghĩa ngôn từ đến vậy? Cả chuyên lẫn không chuyên, cả trẻ cho đến già… ai đã đọc nó, thử sức với nó là lập tức bị nó cuốn đi ngay, không dứt ra được, rồi ôm ấp vỗ về nó, cưng nựng nó.
Thì ra có lẽ, sức hút của nó trước tiên ở chỗ nó vừa chặt vừa lỏng, vừa như có sự ràng buộc lại vừa như khuyến khích người ta tha hồ tung tẩy tự do phá rào, vượt lệ. Sự hô ứng nhịp nhàng ở câu 1 và câu 6 phải chăng là sự bập bênh khêu gợi đầy thử thách? Những câu còn lại thì tha hồ co duỗi nhưng cũng không vượt quá sự hạn định số lượng câu chữ ở ba đoạn thơ theo thứ tự 11, 12 và 13 chữ. Thì ra, ở thể thơ mới này, nó có sự kế thừa và sáng tạo rõ rệt. Nó bắt buộc số lượng chữ trong từng đoạn nhưng lại không hề ràng buộc thanh điệu bằng trắc đến ngặt nghèo như thể thất ngôn bát cú, như lục bát mượt mà truyền thống Việt Nam ông cha xưa.
Và có lẽ thơ 1-2-3, sau đó, nó hấp dẫn người viết ở chỗ nó đem đến sự mới lạ và độc đáo. Người làm thơ kị nhất là lặp lại mình. Ý thức sáng tạo thôi thúc họ không ngừng đi tìm cái mới. Đôi khi yêu cầu đổi mới mình thật sự đã “hành xác” người viết. Viết tới viết lui, dập dập xóa xóa (trước đây viết trên giấy) rồi thì bôi đen đờ lít thời 4.0 khi chưa ưng ý bài viết nào đó. Họ trằn trọc, thao thức, có lúc tưởng rằng ưng ý mười mươi rồi đấy nhưng năm ba bữa đọc lại chỉ thấy nhạt hoét và nhàm chán, rồi lại xóa, bỏ đi làm lại… Giờ tự nhiên gặp được cái mới, cái lạ ai không ham?
Rõ ràng là cái mới luôn có một sức cuốn hút và ghị níu kì lạ. Người mới viết thì còn nguyên sự hào hứng để thi triển; người cu cũ một tí thì cũng không kém sự nôn nao để trải lòng; thậm chí vài tác giả đã có số có má trên văn đàn cũng bị 1-2-3 cuốn vào mời gọi, rồi thì tung tẩy theo nó xôn xao ít dòng, thử thôi ai dè làm thiệt, thơ 1-2-3 rõ rồi, khà khà, cái khoái chí nó dần dà ngấm như vị trà hậu ngọt, xong được chùm này, lại thấy ngọt ngào thì thêm nữa, thêm nữa; thành thử chùm nọ nối tiếp chùm kia ra đời liên tục, thấy cũng thú vị vô cùng!
Đối với người mới bập bõm sáng tác, bắt gặp kiểu thơ Phan Hoàng bằng như bắt được vàng, sướng âm ỉ cả ngày. Họ được cái lợi thế, phía trước chưa có những cây cao bóng cả lừng lững chắn lối nhắc nhở, đằng trước lối đi còn thông thoáng lắm, tha hồ mà chọn lựa ý, lựa tứ, hình ảnh mà gõ phím, cứ gọi là ào ạt cả ngày. Thế thì dại gì mà không viết, mà cái thói đời đã viết được một cái gì đó tạm gọi là ra hồn một chút rồi thì mê mẩn với nó, điếu đổ với nó, viết và viết tiếp chứ còn biết làm gì khác nữa đây?
Điều ấy đã được những con số thống kê người sáng tác thơ 1-2-3 trên vanhocsaigon làm sáng tỏ. Hàng tuần số lượng thống kê tăng lên rõ rệt, người cũ, kẻ mới ra vô trang văn nghệ này cứ phải gọi là nườm nượp. Này nhé, 70 người, rồi 80, rồi 90… rồi lên tới 140 tác giả; 240 chùm thơ. Chu choa, tăng chóng mặt chứ bỡn sao? Con số biết nói, con số lấp lánh, con số chân thành vẫy gọi. Đọc lên kích thích con người ghê lắm! Và thế là đến lượt con người bật dậy kích hoạt con chữ, con chữ nhảy vào 1-2-3 !
Thế là đến lượt nó, thơ 1-2-3 giang tay chứa hết tất cả mọi đề tài, mọi kiểu cách thể hiện và mọi giọng điệu. Vườn thơ 1-2-3 cũng đa sắc không khác chi mọi vườn thơ khác. Ta bắt gặp một Bình Địa Mộc ào ạt tung con chữ ra đòn như một người lính tung gươm lên quyết chém phăng đi mọi gai góc, ung nhọt cuộc đời qua giọng điệu chất vấn kiểu thơ văn xuôi day dứt:
“Tôi mang kiếng đen tôi dân xã hội đen chăng
 
Tôi mang kiếng trắng tôi thuộc thành phần trí thức chăng?
Tôi không mang kiếng tôi hiền lành tôi ngu dốt chăng?
 
Không. Tôi nhìn đời bằng đôi mắt thợ kiếng pha màu giỏi nhất
Để trắng đen không hề lẫn lộn màu sắc không thể phôi phai
Để bước chân không đi lạc theo lối mòn của người khác tôi.”
Chất liệu cuộc sống ngồn ngộn trong thơ anh, lời thơ ngang tàng mà đau đáu, rất giàu hình ảnh ẩn dụ:
“Tôi khoác lên người tôi chiếc áo bà ba mười ba
 
Đường kim giun bò dưới ảng nước ngoằn nghoèo cọng rau muống
Múi chỉ nổi vồng khoai lang lãng mạn kết tủa đam mê
 
Băng qua cánh đồng cò trắng chấm lửng bầu trời xanh mười tám
Giọt nước mắt chia li nhuộm chiếc khăn thêu trái tim đỏ thắm
Tôi lần lượt bóc vỏ củ hành thời gian từng lớp cay xè.”
Một Đoàn Thị Diễm Thuyên nồng nàn ắp đầy nữ tính nhưng cũng nhiều những dự cảm chênh chao mơ hồ của rạn nứt:
“Bắt đầu những giả dụ
 
Ngay khi chúng mình vừa bắt đầu chạm những môi hôn
Là em đã bắt đầu rơi những giọt nước mắt
 
Của vỡ òa hạnh phúc
Của hoang mang ước mơ
Là em đã giả dụ nụ hôn biệt li rất gần như vốn dĩ…”.
Một Lê Tuyết Lan như đang lắng nghe đau đớn những phận người, giọng thơ chị chùng xuống cảm thông xa xót:
“Quá nhiều người sợ thất nghiệp hơn cả bệnh đau
 
Đi làm giao phó phần mình cho những lời nói lớn
Về nhà cột mình trong bòng bong cơm áo thuốc thang
 
Những phận người nổi trôi xa nhà xa xứ
Những mảnh chất chồng đao gươm người gạn qua đêm
Đôi mắt chưa kịp thấy gần đã vụt cụp sâu xa xăm tăm tối”.
Ta bắt gặp thêm giọng thơ Trần Nguyệt Ánh ngọt ngào sâu lắng qua những thi ảnh trong ngần kí ức khi viết về tuổi thơ, về mẹ:
“Tìm bóng dáng xưa ngồi trong quang gánh mẹ
 
Bồi hồi ngược dòng kí ức tuổi thơ
Nhặt dấu bàn chân bắt bướm đuổi chim bờ ruộng
 
Nhấm nháp giọt mồ hôi mẹ vương khắp cánh đồng
Nhặt sợi nắng giòn leo giữa lưng ong
Con xin lại nhọc nhằn trên đôi vai tảo tần mẹ gánh!”.
Một Lưu Minh Hải chiêm nghiệm cuộc đời qua góc nhìn giàu chất huyền bí và phồn thực:
“Đêm bình yên nghe rừng thầm thì
 
Bạt ngàn thâm u giấu linh hồn huyền bí
Bìm bịp sảng mê thảng thốt giật mình
 
Trăng suông lẻ bạn, người nhớ người dưng
Sương trắng giấc mơ đêm dậy thì thiếu nữ
Cao su vươn mình bung cúc áo thiên thanh”.
Rồi còn nhiều, nhiều tác giả nữa mà với dung lượng bài viết nhỏ này, người viết chưa thể đề cập hết được.
Có thể nói, tiếng thơ 1-2-3 khắp nơi đang ầm ào đổ và tụ về mảnh đất Sài Gòn hoa lệ trên trang văn nghệ vanhocsaigon.com, càng ngày nó càng dần định hình và hòa chung vào dòng chảy thơ hiện đại đất Việt; nó đang và sẽ tạo dựng ra một chỗ đứng riêng biệt, hình dạng ra sao còn chờ thời gian thẩm định bồi lắng nhưng chắc chắn một điều rằng thơ 1-2-3 sẽ luôn là một thể thơ gần gũi với hết thảy những tác giả đã nghiền ngẫm và sáng tác về nó. Điều đó chẳng cho ta những thú vị sao?
Sài Gòn – 25.8.2020
KHANG QUỐC NGỌC
15/12/2020
Ngô Bích Thu
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...