Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023

Người gom nhặt bụi vàng

Người gom nhặt bụi vàng

Ngồi trong phòng khách giữa bộn bề sách và ngồn ngộn các bộ sưu tập của cặp đôi nhà báo Trần Thanh Phương - Phan Thu Hương, tôi có cảm giác như mình bị ngợp. Căn nhà nhỏ khiêm nhường nằm trên con hẻm ở đường Nguyễn Phúc Nguyên, cách ga Sài Gòn chỉ vài trăm thước, giống như một bảo tàng mini. Đây là nơi gặp gỡ của nhiều trí thức, các nhà văn, các nghệ sĩ danh tiếng, cùng bè bạn tri âm khắp nơi trong cả nước.
Nhà văn Trần Thanh Phương – Ảnh: N.M.N
Trần Thanh Phương cầm tinh con Rồng (1940), là người con của quê hương đất mũi Cà Mau. 14 tuổi, tập kết ra Bắc, chàng thiếu niên quê ở miệt “Đước thân cao vút, rễ ngang mình. Trổ xuống nghìn tay ôm đất nước!” (Xuân Diệu) được tiếp tục con đường học vấn. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, cuối năm 1967, anh được điều về báo Nhân Dân, nhận nhiệm vụ ở Ban miền Nam (còn gọi là Ban Thống nhất) của bản báo. Người bạn đời, chị Phan Thu Hương (quê Thanh Chương, Nghệ An) phóng viên báo Người giáo viên nhân dân, luôn đồng hành và ủng hộ anh Phương trong mọi công việc. Là con nuôi của nữ thi sĩ Anh Thơ và bác sĩ Bùi Viên Dinh, duyên kỳ ngộ ấy đã giúp anh cảm nhận sâu sắc thêm những giá trị văn hóa.
Lăn lộn với nghề, đi nhiều, tiếp xúc với đủ các giai tầng trong xã hội, Trần Thanh Phương là một cây bút sắc sảo, chính trực và giàu tâm huyết. Bên cạnh những tác phẩm báo chí có giá trị, từ rất sớm anh đã chú tâm đến công việc sưu tầm tư liệu. Ban đầu chỉ là sự góp nhặt, lưu giữ nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu sâu về mọi mặt đời sống, phục vụ cho tác nghiệp báo chí, dần dà, được sự giúp sức của người bạn đời, Trần Thanh Phương trở nên đam mê không biết tự lúc nào. Anh miệt mài sưu tập, cắt dán, ghi chép các bài viết về phong tục tập quán, các lễ hội, đám cưới, đám ma, cúng cơm, ăn đầy tháng, ăn thôi nôi… Từ việc nghiên cứu văn minh miệt vườn, văn minh miệt ruộng, văn minh kênh xáng, anh mở rộng ra nghệ thuật đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương; tìm hiểu lịch sử chiếc khăn rằn, chiếc áo bà ba, chiếc nóp, cây gậy tầm vông… Càng lúc, Trần Thanh Phương càng đắm đuối giống như người vừa khui được mỏ “vàng” vô tận. Bất ngờ khi nhìn lại thì vốn liếng của anh chị đã có “hàng tấn tư liệu, sách báo”, một tài sản tinh thần vô giá.
Ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, anh chị Phương – Hương đã rất cảm phục và tò mò muốn biết các nhà văn có điều kỳ diệu nào mà viết ra hàng ngàn, hàng vạn trang sách. Chữ viết của họ có điều gì đặc biệt? Từ suy nghĩ ấy, cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, Trần Thanh Phương bắt đầu nảy ra ý định sưu tầm chân dung và thủ bút các nhà văn Việt Nam. Người đầu tiên anh nghĩ đến là nhà thơ Huy Thông, tác giả tập thơ “Tiếng địch sông Ô”. Đó chính là Giáo sư Viện sĩ Phạm Huy Thông, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, một người thầy khả kính. Từ đó trở đi, gặp nhà văn, nhà thơ nào có danh tiếng, anh Phương cũng ráng hỏi “xin” tư liệu về họ. Đây là công việc trần ai, vừa nhọc nhằn lại vừa hao tốn thì giờ và công sức, nếu không có niềm đam mê và lòng kiên trì thì thất bại là điều có thể biết trước. Bởi trong giới cầm bút, xưa nay có lắm vị vốn quen ngắm cái bóng của mình trên vách nên thường khi họ hành xử rất khó chịu.
Cặp đôi Trần Thanh Phương – Phan Thu Hương tại tư gia – Ảnh: N.M.N
Một kỷ niệm không thể nào quên với Trần Thanh Phương là khi anh đến Nhà khách T.78 thuộc Ban tài chính Quản trị Trung ương Đảng (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) để xin bút tích của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà văn hóa lớn của đất nước. Sau khi nghe người thư ký vào báo cáo, chỉ 10 phút sau bác Tô đã thân mật ra tiếp anh Phương. Bác Tô hoan nghênh việc làm của anh Phương và trao cho anh một tờ giấy do chính tay bác viết: “Đồng chí Phương thân mến. Tôi gợi ý đồng chí đi tìm những người lao động ở nước ta đã làm nên những thành tựu kỳ diệu. Đó là những chữ ký có giá trị. Thân ái, Phạm Văn Đồng, 20-1-89”.
Cảm kích trước tấm lòng của Trần Thanh Phương, nhiều bạn bè thân hữu cùng các nhà văn đã tự nguyện gửi cho anh những dòng bút tích và cả những tấm ảnh quý hiếm về những con người mà anh cần. Trong số những người nhiệt thành ủng hộ cho ý tưởng độc đáo của anh Phương trước tiên phải kể đến nhà thơ Chế Lan Viên và nhà văn, nhà báo Thép Mới. Nhà thơ Chế Lan Viên hóm hỉnh “Trên đời này mình thích hai loại người: người có tài và người có tài liệu. Phương có tài hay không, mình chưa biết, nhưng Phương có tài liệu”. Thép Mới nồng nhiệt: “Không ngờ báo Nhân Dân lại sản sinh ra được một nhà tư liệu cho văn hóa Việt Nam như Phương”.
Sau gần 30 năm dày công tích cóp, cất giữ, tra cứu và đối chiếu tư liệu, công trình đồ sộ Chân dung và bút tích Nhà văn Việt Nam (2 tập) do Trần Thanh Phương – Phan Thu Hương biên soạn được Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành (khổ sách 20,5 x 29) với hơn ngàn trang in đã ra mắt bạn đọc. Bộ sách giới thiệu gần 500 gương mặt các nhà văn, nhà thơ Việt Nam, mỗi người được dành 2 trang nói về tiểu sử văn học, chân dung, bút tích và một đoạn văn (thơ) tâm đắc. Đó là các bậc văn nhân tài danh của đất nước: Huy Cận, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Đoàn Giỏi, Anh Đức, Tào Mạt, Hữu Thỉnh, Đỗ Chu, v.v… Bộ sách ra đời được sự đón nhận nồng nhiệt của bạn đọc, đặc biệt là thân nhân của các nhà văn đã khuất.
Công việc của Trần Thanh Phương có chút gì đó gần gũi với hình tượng người thợ gom nhặt từng hạt bụi vàng trong tác phẩm “Bông hồng vàng” của nhà văn Xô-viết K. Pauxtôpxki. Nó đòi hỏi phải công phu, tỉ mẩn, lắm khi lẩn thẩn như kẻ dở người. Suốt mấy chục năm qua, hầu như ngày nào anh Phương cũng ra sạp báo lựa mua những tờ báo có bài định lưu giữ. Người bán báo thường rất khó chịu khi thấy ông khách cứ lật qua lật lại hết tờ này sang tờ khác, cuối cùng chỉ mua 1-2 tờ hoặc có khi không mua. Không ít lần chủ sạp báo mắng té tát, song anh Phương không lấy đó làm điều mà vẫn kiên trì thực hiện điều mình hằng ấp ủ. Đến nay, nhà báo Trần Thanh Phương đã có 25 đầu sách được xuất bản, bao gồm các tập truyện ngắn, truyện dài, hồi ký. Tuy nhiên, mảng sách chiếm nhiều tâm huyết của anh vẫn là sưu tầm, biên khảo về địa chí văn hóa.
Năm 2005, Trần Thanh Phương nghỉ hưu. Có nhiều thời giờ, hai anh chị dồn sức làm cuốn sách độc bản lấy tên là Đất nước tôi. Sách dày 970 trang, khổ 1,2m x 0,8m, bìa bằng gỗ ép. Hiệu đóng sách phải làm cật lực trong hơn một tháng với chi phí hết hơn 5 triệu đồng. Trọng lượng sách nặng tới 87kg, riêng giá đỡ nặng 120kg (tốn 6 triệu đồng). Nội dung quyển sách tập trung vào bốn chủ đề: Danh lam thắng cảnh – Di tích lịch sử; Phong tục – Lễ hội; Ẩm thực; Trang phục. Như con ong cần mẫn, anh chị đã cắt giữ từ các tờ báo tiếng Việt phát hành rộng rãi ở nước ta suốt 35 năm qua. Có bài báo nguyên trang, có bài ngắn chỉ vài trăm chữ như một mẩu tin, song tất cả đều được ghi xuất xứ (tên báo, ngày, tháng, năm xuất bản). Chỉ riêng việc dán hơn 10.000 bài báo ấy đã ngốn mất của hai người hơn 6 tháng và tốn gần 200 lọ hồ. Có thể coi đây là hình ảnh thu nhỏ của một nước Việt Nam văn hiến!
Nhà báo Trần Thanh Phương được Trung tâm Guinness Việt Nam xác lập hai kỷ lục: “Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất Việt Nam” (2-2-2005); “Người có Quyển sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam” (14-5-2006). Tại thành phố mang tên Bác Hồ, những công trình sưu tập vô giá của hai anh chị Trần Thanh Phương – Phan Thu Hương được tổ chức triển lãm nhiều lần, phục vụ hàng ngàn lượt người xem. Trên 70 tờ báo và tạp chí đã viết bài và đưa tin về những công việc thầm lặng của hai người. Hàng chục đài truyền hình trung ương và địa phương xây dựng các phim phóng sự tài liệu về Trần Thanh Phương, “người góp mật cho đời”. Miệt mài sáng tạo, chỉn chu, công phu và nghiêm túc, đó là những phẩm chất giúp anh gầy dựng nên cơ nghiệp.
Vài năm nay, anh ốm, sức khỏe suy giảm nhiều, song với một tình yêu quê hương vô bờ bến, và đam mê cháy bỏng, Trần Thanh Phương vẫn còn ấp ủ nhiều dự định. Anh xứng đáng với lời khen “đệ nhất tư liệu” Việt Nam! Xin được vĩnh biệt nhà văn, nhà báo Trần Thanh Phương.
N.M.N
 
19/3/2020
Nguyễn Minh Ngọc
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...