Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2024

Về không khí viết lách ở Đồng bằng sông Cửu Long

Về không khí viết lách ở
Đồng bằng sông Cửu Long

Nếu như ngày xưa là mái nhà để anh em gặp nhau hâm nóng không khí sáng tác, bây giờ Hội Văn Nghệ lạnh lẽo trở thành cơ quan hành chánh loay hoay giấy tờ, tiền bạc. Lãnh đạo suốt ngày bận lo họp hành… Và, mối liên kết các Hội Văn nghệ Đồng bằng sông Cửu Long cũng trở thành hình thức.
Những năm đầu giải phóng có diễn vở kịch của Nga – “Điều thiêng liêng nhất”. Nội dung một trang trại gồm đủ ngành nghề – chăn nuôi, trồng rừng, thủy lợi, săn bắn, kiểm lâm tranh cãi nhau về cuộc sống điều gì cho là thiêng liêng nhất? Vở kịch bỏ lửng nhưng khán giả lại thấy, lại hiểu rằng: Không khí là thiêng liêng hơn nhiều thứ khác, mặc dù cũng rất cần cho con người. Thí dụ như cơm gạo, như nước chẳng hạn, tuy nhiên người có thể nhịn cả tuần lễ vẫn sống. Còn nín thở chỉ 3 phút thôi, là không thể. Tình cờ điều này như phù hợp với những người sáng tác.
Truyện ngắn nhờ vài chi tiết, thơ dựa vào hình ảnh, vẽ chú ý đến màu sắc, tuy nhiên cái chẳng dính gì tới chuyện viết lách là không khí nhưng không có nó thúc đẩy thì sẽ không có hứng. Có phải như vậy, nhất là khi nói tới phong trào văn nghệ miền tây ở thập niên 70-80 của thế kỷ trước? Đất nước sau bao năm chiến tranh, ngày hòa bình im tiếng súng, thay vào đó là tiếng lòng con người sau năm tháng dài chịu đựng lại bùng ra. Một không khí tưng bừng hồ hởi. Cha con chồng vợ gặp lại nhau, bạn bè người gặp lại người mừng vui đến chảy nước mắt. Bầu không khí này như chủ đạo thống nhất bao trùm không gian, mặc dù bên cạnh vẫn có nhiều nỗi buồn vì vẫn có kẻ ra đi không về… Và người vừa hồi hộp, lo lắng không biết xã hội mới cuộc sống rồi sẽ ra sao, nó có đúng như sự mong đợi… Giới văn nghệ sĩ, nhất là lớp trẻ miền Tây, có tâm trạng đó.
Rất nhiều đứa lớn lên vẫn chưa hình dung mặt mũi Việt Cộng như thế nào, nhất là chủ trương đường lối văn hóa văn nghệ chỉ nghe nói mơ hồ từ xa. Hầu như ai cũng có tư thế thủ chuẩn bị khi gặp nhau. Phút đầu tiên đưa mắt ngơ ngác tò mò quan sát Nguyễn Bá, Lê Chí, Nguyễn Thanh, Văn Định, Anh Động, Lê Văn Thảo… những nhà thơ, nhà văn ở rừng ra. Sau đó gặp thêm Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Mai Văn Tạo ở miền Bắc về. Lâu nay cứ tưởng những người Cách mạng Cộng sản là khắc khổ, những người không biết đùa. Bất ngờ khi thấy các anh lại là những người cởi mở, phóng khoáng trải lòng ra với anh em. Bất ngờ khi người ngoài thành không biết gì bên trong nhưng các anh bên trong lại biết rất rõ về cuộc sống bên ngoài. Cùng với không khí tưng bừng lúc đó, phút đầu tiên biết nhau tò mò lại trở thành cái phút đẹp ấn tượng về sau, khoảng cách giữa hai bên không còn.
Phải nói những ngày đầu giải phóng, giới văn nghệ sĩ hòa nhập vào xã hội trước nhất, trước mọi giới khác. Gặp nhau trò chuyện thâu đêm vẫn chưa hết chuyện, không hay trời sáng. Rồi người Long Xuyên qua Vĩnh Long, xuống Cà Mau chơi và ngược lại, không cần mướn khách sạn chỉ cần trải chiếu ngủ ở cơ quan hay nhà ai đó. Chỉ cần bình trà, một hai chai rượu đế con khô, nghe các anh kể chuyện vui, buồn trong chiến khu. Rồi đến chuyện chữ nghĩa văn chương. Để rồi qua không khí đó nở rộ lên phong trào sáng tác, xuất hiện những cây viết mới là cơ sở để thành lập các hội văn nghệ.
Nhớ lại các hội văn nghệ khi ấy, anh em đi qua đi lại với nhau nhưng cùng một nhà. Lúc này không có điện thoại lại không có Internet, nhưng qua sự giao lưu mà anh em biết sáng tác của nhau. Những gương mặt thơ trẻ Nguyễn Trọng Tín, Song Hảo, Đinh Thị Thu Vân, Trịnh Bửu Hoài, Phù Sa Lộc , Mường Mán, Phạm Nguyên Thạch, Nguyễn Bạch Dương, Nguyễn Thị Trà Giang, Nguyễn Bính Hồng Cầu rồi tới Kim Ba, Hồ Thanh Điền, Vũ Hồng… nổi lên cả nước biết tên. Đặc biệt, Trịnh Bửu Hoài, Phù Sa Lộc, Mường Mán, Phạm Nguyên Thạch, Nguyễn Bạch Dương là những cây bút cũng đã có tên tuổi trước đó xuất hiện trong tạp chí Văn của Trần Phong Giao. Rồi văn xuôi được ghi nhận Nguyễn Thanh, Văn Định, Anh Động, Đặng Thư Cưu, Phạm Thường Gia, Phạm Trung Khâu, Lê Đình Bích, Nguyên Tùng, Lê Đình Trường, Hồ Tĩnh Tâm, Nguyễn Trọng Nghĩa… Các hội văn nghệ được vận động thành lập. (Nói thêm ngoài thẻ hội viên văn nghệ vì vui gặp gỡ nhau để chơi trao đổi chuyện văn chương anh em, còn có làm một cái thẻ chí cốt ghi tên tuổi và điều lệ – ai có thẻ này đi tới nhà người nào cũng có thẻ này được quyền ở chơi 3 ngày. Ngày thứ 4 con cá tươi trở thành con cá sình phải rút lui và có quyền giới thiệu một người bạn chí cốt khác. Tình cờ công an phát hiện không biết cái thẻ chí cốt có mục đích gì, nên hội chí cốt phải giải tán).
Và qua không khí nhiệt tình phấn khởi hòa hợp, mọi người phát sinh ra việc liên kết các hội văn nghệ đồng bằng sông Cửu Long. Có thể đây là hiện tượng đầu tiên. Sự liên kết các hội văn nghệ miền Tây làm được rất nhiều việc, mở nhiều cuộc hội thảo về văn thơ, mở các cuộc thi thơ, truyện ngắn, đến các cuộc triển lãm tranh, điêu khắc gây tiếng vang toàn quốc. Và, cũng qua sự liên kết với không khí ấy xuất hiện thêm nhưng khuôn mặt nữ giới Lê Thanh My, Trúc Linh Lan, Trương Thị Thanh Hiền, Võ Diệu Thanh nhất là với Nguyễn Ngọc Tư. Có thể nói Nguyễn Ngọc Tư là người đến sau nhưng lại về đích trước. Như vậy có thể nói nhà văn là người của công chúng cần không khí để viết ra tác phẩm mặc dù khi ngồi trước trang giấy họ lại là những người cô đơn.
Văn nghệ đồng bằng sông Cửu Long trải qua giai đoạn hưng phấn làm ra nhiều tác phẩm xứng đáng đóng góp vào văn học cả nước, nhiều người trở thành hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam. Cho tới ngày xã hội vật chất khoa học phát triển… Cái ngày được gọi là thời 4.0, ai cũng có điện thoại thông minh cầm tay, có máy tính không gian như mở rộng. Bộ mặt xã hội thay đổi từng ngày rất nhiều chuyện để viết để kể ra với bạn đọc. Lẽ ra nước lên thuyền lên, đằng này bộ mặt đồng bằng sông Cửu Long như trầm lắng xuống. Trừ một vài người như Lê Thanh My, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Ngọc Tư vì còn trẻ, giữ được phong độ theo kịp thời đại. Phần đông các tay viết bắt đầu có tuổi, viết ít đi. Thêm nữa, nhà văn gắn với việc đi để thấy cảm xúc rồi viết ra. Đằng này nhiều người lại an phận ngồi ở nhà tiếp xúc với bên ngoài với chiếc điện thoại, với màn hình. Cuộc sống bên ngoài có rất nhiều điều phải nhìn thấy tận mắt giờ bị thế giới ảo lấn sân, vì vậy cảm xúc để sáng tác phai dần và có nhiều người ngưng viết.
Về các hội văn nghệ. Nếu như ngày xưa là mái nhà để anh em gặp nhau hâm nóng không khí sáng tác, bây giờ hội văn nghệ như lạnh lẽo trở thành cơ quan hành chánh loay hoay giấy tờ, tiền bạc. Lãnh đạo suốt ngày bận lo họp hành. Nhiều vấn đề của địa phương lẽ ra người viết là người cần phải được mở rộng tầm nhìn hiểu rõ nó hơn ai, nhưng lãnh đạo hội đi họp về không phổ biến gì hết. Không vốn sống để viết, vì vậy người viết vẫn tiếp tục viết ra những truyện ngắn, những bài thơ vô thưởng vô phạt thiếu hơi thở đời sống chẳng phản ánh được hiện thực xã hội đang bề bộn diễn ra.
Về mối liên kết các hội văn nghệ đồng bằng sông Cửu Long cũng trở thành hình thức. Thay vì qua mối liên kết mỗi năm mở ra một hai cuộc hội thảo, văn học nhiều chuyện cần phải bàn luận mổ xẻ, đồng thời qua đó tìm kiếm tài năng. Thay vì qua sự liên kết tạo điều kiện cho các hội viên các tỉnh nhiều cơ hội gặp nhau rồi tổ chức chung hùn một đoàn đi thực tế để rồi có nhiều tác phẩm hơn. Sự liên kết như chỉ dành cho lãnh đạo hội mỗi năm gặp nhau một lần, làm mỗi một việc luân phiên thay ca mở cuộc thi bút ký, thơ, truyện ngắn. Cuộc thi được đưa lên tạp chí các hội ít dòng thông báo coi như xong, chờ nhận bài. Nhưng số lượng bài dự thi ít ỏi. Vì nhiều người có biết đâu mà gởi. Lẽ ra khi đăng cai các cuộc thi phải tổ chức một cuộc họp mặt, mời các tay viết đến giao lưu chuyện trò tạo ra bầu không khí thi đua hào hứng. Làm như vậy còn chưa chắc tìm ra tác phẩm trao giải xứng tầm. Chính vì mở cuộc thi chờ người gởi bài tới, ban giám khảo chấm rồi trao giải nên nhiều năm qua chẳng những tác phẩm được giải không được ai nhớ mà còn xảy ra nhiều việc bê bối tai tiếng.
Như vậy có thể nói, không khí rất cần cho giới sáng tác mặc dù ngồi trước trang giấy họ là những người cô đơn. Dần dần văn nghệ đồng bằng sông Cửu Long như chuyển giao cho một thế hệ trẻ mới, thời đại nào như có người của thời ấy. Lần lượt xuất hiện những cây bút mới. Lớp 8x có Võ Mạnh Hảo – Lê Minh Tú của Long An. Trương Trọng Nghĩa – Võ Tấn Cường của Tiền Giang. Trần Văn Tuấn – Đình Thu của Bến Tre. Trầm Thanh Tuấn – Văn Triều của Trà Vinh.
Lớp 9x Nguyễn Chí Hoan ở Bến Tre, Trần Thị Thùy Linh – Lê Văn Trường thuộc Sóc Trăng là hai vợ chồng trồng mía sống nhưng lại làm thơ viết tản văn rất hay. Cần Thơ có Phan Duy, Hoàng Khánh Duy đã in 2 đầu sách và Phát Dương được vô chung khảo Văn học tuổi hai mươi. Đồng Tháp có Lê Minh Chánh – Nguyễn Hữu Trung – Thu Truyền. Cà Mau có Lê Minh Nhựt – Huỳnh Thúy Kiều. Đặc biệt lực lượng viết văn trẻ ở An Giang thật là đông, nhiều tên được cả nước biết tên như Nguyễn Đức Phú Thọ, Nghiêm Quốc Thanh, Lê Quang Trạng, Vĩnh Thông, Đông Triều, Trần Sang, Hoàng Thị Trúc Ly, Huỳnh Thị Nương, Mai Hương, Lâm Long Hồ, Huỳnh Ngọc Phước. Những cây viết trẻ nhờ thông tin ngày nay rộng mở, nhất là làm thơ trên máy tính, nhất là hiện nay cả nước có gần 800 tờ báo thường xuyên mở những cuộc thi, mặc sức phát triển tài năng kiếm tiền.
Lực lượng giới trẻ miền Tây lại đông hơn TPHCM, mười năm qua không có gương mặt 9x nào, như một hiện tượng mang sức sống đồng bằng. Lớp trẻ tạo ra không khí viết lách sôi động như vượt qua thế hệ đàn anh tuy nhiên không có chiều sâu. Có tác giả như Hoàng Ngọc Duy một năm in được 4 cuốn sách. Vĩnh Thông in 3 cuốn nhưng không được bạn đọc chú ý. Lại thêm viết để đăng báo, báo chí rất nhiều, nên phải viết theo gu của báo nên đành đánh mất bản ngã. Qua đây ta thấy rõ vai trò của cùng các hội văn nghệ.
Nếu trước đây hội là bà đỡ mát tay cho thế hệ trước, nhiều người trở thành Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam. Bước vào thời 4.0 xuất hiện một không khí sáng tác sôi nổi của lớp trẻ, phải thú nhận đó như của trời cho mình, chớ có phải mình đào tạo ra đâu. Thôi thì hội tiếp tục làm vai bà đỡ chăm sóc phong trào có được thêm nhiều nhà văn xứng đáng gọi là tác giả, để kế thừa sự nghiệp của lớp đàn anh chớ không phải viết được ba bốn cuốn sách rồi lặng tăm. Không khí để sáng tác làm ra tác phẩm rất là cần, mỗi năm nên tổ chức được gặp nhau một hai lần qua đó tìm ra những tài năng thực sự. Nhất là tìm được cho đồng bằng một người chuyên viết lý luận phê bình đi sát với phong trào. Xã hội đang chuyển mình từng ngày, người làm văn nghệ phải chuyển mình theo, đổi mới phương pháp lãnh đạo để được kết nạp thêm nhiều người vô Hội Nhà Văn Việt Nam. Với một lực lượng trẻ đầy nhựa sống mà mỗi năm chỉ kết được một hai người vậy là quá ít hơn những vùng miền khác, chưa xứng tầm vóc của một đồng bằng trù phú có nền kinh tế phát triển sôi động.
3/9/2019
Ngô Khắc Tài
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...