Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

Nghĩ gì: Con người và chiếc lá khi vào thu

Nghĩ gì: Con người
và chiếc lá khi vào thu

Có người hỏi tôi tại sao hễ vào mùa Thu là có nhiều bài thơ lãng mạn, thâm trầm và có lúc man mác nỗi buồn? Tôi chẳng biết trả lời làm sao, bởi tự trong tâm trí tôi dễ nhạy cảm về sự tuần hoàn của vũ trụ cho nên tâm hồn cũng theo đó mà biến đổi cách nhìn, suy nghĩ... Từ đó, giọng thơ có lúc vui tươi rộn rã, khi lại mang nét trầm mặc ưu tư... và duy có một điều mà tôi có thể khẳng định rằng tôi rất yêu mùa Thu bởi lẽ khi vừa lọt lòng Mẹ là tôi đã cảm nhận được không khí lành lạnh của thu phong và tiếng tí tách của giọt mưa Thu hòa lẫn tiếng ru êm ái của Mẹ hiền.
Mỗi khi lang thang trong các công viên của tỉnh hay từng bước lang thang trong khu rừng gần nhà có nhiều hàng cây cao to nhành xòe ra để làm bóng mát cho người tránh ánh nắng gắt gao khi Hạ về và rồi sẽ từ từ trơ trọi chênh vênh lúc mùa Thu đến và trong thư phòng nhìn qua khung cửa sổ thấy chiếc lá run rẩy không muốn lìa cành từ từ rơi xuống hỏi làm sao mà không rung động?
Thu về
rừng lá cầu kinh
Xin mong
chút nắng
ấm tình Hạ rơi
Hư gầy
chiếc lá bên trời
Trong
cơn buốt lạnh
khóc đời hanh hao
Thu
đang nhuộm sắc
cành cao
Gió
đong đưa nhẹ
bay vào hư không... (SA)
Dù biết rằng Thu sẽ buồn như thế, nhưng mùa Thu luôn quyến rũ lòng người bởi cảnh sắc muôn màu vàng úa, đỏ nâu... trong không gian tĩnh lặng âm thanh lá cây khua động khe khẽ và từ từ lìa cành rơi trên cõi đất bình yên hỏi bạn nghĩ gì?
Người xưa mình từng có câu: "lá rụng về cội".
Thật vậy, ngẫm lại cuộc sống của con người và chiếc lá nào có khác chi đâu?!
Cây từ hạt mầm bén rể đâm chồi vươn lên trổ cành xanh lá nở hoa đủ sắc màu tươi thắm rực rỡ đển khi già cỗi sẽ dần héo úa rụng rơi nhường cho những mầm non nhú lên. Đó là quy luật thay đổi mất còn của tạo hóa mà theo nhà Phật gọi là luân hồi, hể có sinh thì có diệt và cái mất đi chính là sự trở về để bắt đầu cho sự sống mới. Đó chính là vòng xoay của kiếp sinh tồn hay còn gọi là:
Ta tìm về nguồn cội
Nơi đã từng ra đi
Đến khi chân mỏi gối
Lui gót quay trở về (SA)
Với tôi, khi tuổi về chiều ta hãy từ bỏ mọi áp lực của cuộc sống, dọn tâm mình thật sạch những hệ lụy vui buồn, đau thương để lòng được yên tịnh, bình yên đến khi cuối đời sẽ như chiếc lá rụng về cội trong thanh thản nhẹ nhàng, không phải vậy sao?
Lá rơi thầm nhắn nhủ
Mấy chốc màu tươi xanh
Cũng tàn phai vàng úa
Nằm dưới cội yên lành
Ta như là chiếc lá
Lang thang giữa Thu chiều
Như nhiên và thong thả
Rơi vào chốn tịch liêu.
Trần đời là ảo mộng
Mơ ước chi cho nhiều
Chỉ cần một ngày sống
Dâng đời trái tim yêu. (SA)
... Có phải thế không?!
Nghiêng làn tóc thả hồn mơ
Nghiêng vai trút những hững hờ quanh ta
Nghiêng xe cổ mộ tức là...
Nghiêng đời ngả xuống thân ta hóa bùn (SA)
Trên lý thuyết mấy ai mà không biết trần gian là cõi tạm, thân xác là tạm bợ, vật chất chỉ là phù hư... vân vân và... vân vân... Thế nhưng, quanh ta vẫn còn hiện tượng tranh giành hơn thua nhau để mình có nhiều quyền lực hơn người, được vinh danh ca tụng là người tài giỏi, giàu có, đẹp xinh rất nổi tiếng dù đó chỉ là lời nói ở trên thế giới ảo huống chi là thực tế. Bởi vậy, đến bao giờ gia đình, cộng đồng, thế giới mới được sống bình yên như hằng mong ước.
Nhớ lại thời trung học tôi đã được học, được biết các thi hào danh nhân trong môn cổ văn dạy con người nhân cách sống ở đời mà trong đó mình rất tâm đắc những bài thơ của cụ Nguyễn Công Trứ. Tư tưởng cụ thấm sâu và ảnh hưởng rất nhiều vào cuộc sống của mình từ lúc trẻ cho đến bây giờ tuổi đời đang đi vào hoàng hôn khác nào như con ngựa già đang từng bước bò lên dốc đời cao vời vợi một cách nhàn nhã, ung dung vì hiểu thế nào là...
Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc
Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn (NCT)
(Biết đủ là đủ đợi đủ biết khi nào mới đủ
Biến nhàn là nhàn đợi nhàn biết khi nào mới nhàn)
Hay:
Thi tại môn tiền náo
Nguyệt lai môn hạ nhàn (Chữ Nhàn_NCT)
(Chợ nằm trước cửa thì náo nhiệt
Trăng soi trước cửa thì thanh nhàn)
Và:
Chữ nhàn là chữ làm sao?
Nếu đã biết đừng lao tâm khổ trí (NCT)
Khi còn trẻ:
Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay (Chí làm trai-NCT)
Lúc về già:
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu (NCT)
Vậy tại sao ở tuổi về chiều có người vẫn còn thấy khổ và suy nghĩ lẩn quẩn trong cái vòng hệ lụy trần gian cho là cô đơn khi sống một mình, mặc cảm ở nhà thuê không có nhà riêng, sống hàn vi chẳng có nhiều tiền, không được đi xe mới, không được sống an nhàn vv... điều mà trong tâm tưởng mọi người hầu như ai cũng có.
Sao vùng vẫy mãi chưa lìa xa bể khổ
Khiến cho thân tâm trí não chẳng bình yên
Như chiếc thuyền đang giữa trời đầy giông tố
Biển cả mênh mông đâu chứa hết những muộn phiền. (DĐ (SA)
Sự đau khổ của con người trong cuộc sống không có từ ngữ nào có thể diễn tả cho hết nên trong thuyết nhà Phật luôn nhắc nhở chúng ta khi đối đầu với chướng ngại, nghịch cảnh và khổ đau thì hãy nhìn nhận thấu suốt để mà khắc phục vượt qua để được sống bình an, tìm thấy hạnh phúc và giúp cho cuộc sống thật sự có ý nghĩa. Đó là bốn phép căn bản trong Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) mà Đức Phật đã dạy.
Song, trong lòng chúng ta mỗi người đều có những nỗi niềm riêng làm sao ai biết? Hãy tự hỏi lòng!.
12/10/2022
Sương Anh
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1 Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lạ...