Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

 

Con cáo và nhà thơ

Nhà văn, nhà giáo Trần Vinh là cha của nhà thơ trẻ quá cố Hoa Níp. Nhớ về những ngày tháng cuối cùng của con trai, ông đã viết truyện ngắn “Con cáo và nhà thơ”, nhân kỷ niệm lần giỗ thứ 8 của Hoa Níp.

“Mới như hôm qua mà đã 8 năm rồi (25.5.2016 – 25.5.2024). Năm nay ngày giỗ 19.4 âm đúng vào ngày 26.5 dương. Âm dương cách nhau một ngày”. Nhà văn Trần Vinh còn cho biết thêm: “Hoa Níp là nguyên mẫu của nhân vật Nam trong truyện. Trong các mối quan hệ, Hoa Níp cũng thường tự xưng tên là Nam. Quan trọng nhất là quan điểm sống, tình yêu gia đình, tình yêu phố biển, ý tưởng làm việc, nhân cách thi sỹ… của nhân vật Nam đã được thể hiện đúng như con người thật của Hoa Níp”. 

Tưởng nhớ nhà thơ, nhà văn trẻ tài hoa bạc mệnh Hoa Níp, Vanvn trân trọng giới thiệu truyện ngắn “Con cáo và nhà thơ” của nhà văn Trần Vinh.

Vừa hoàn thành đường bơi quen thuộc, Nam tựa lưng lên tấm đá hoa cương ốp dọc bờ kè ven biển. Hôm nào cũng vậy, sau khi bơi xong, Nam rất thích ngồi nghe tiếng sóng vỗ ì oạp và tận hưởng làn gió biển mát rượi. Mặt trời đã kịp nhuộm đỏ cả hoàng hôn trước khi nhúng mình xuống biển. Nam có cảm giác mọi lo toan đều lắng xuống, nhường chỗ cho tình yêu phố biển đang lan tỏa theo những cơn gió mơn man.

– Chào thi sỹ. Bơi xong rồi ngắm cảnh, làm thơ. Quá tuyệt vời!

Một giọng nói như pha trộn chất giọng cả ba miền vang lên, kéo Nam ra khỏi cơn phiêu lãng. Nam ngoái nhìn thấy anh chàng có dáng thư sinh hiền lành, hình như đã gặp ở đâu đó mà chưa nhớ ra.

– Nhà thơ không biết tôi, nhưng tôi lại biết khá nhiều về nhà thơ đấy.

– Vậy à, anh cũng là dân của phố biển Phong Khê này sao?

– Ba tôi vốn sinh ra tại vùng này. Ông tập kết ra Bắc từ lúc còn nhỏ. Mấy chục năm trời, ông đưa cả nhà bôn ba khắp nơi. Cuối cùng trở về quê hương phố biển lập nghiệp. Tôi mới theo ba về đây vài lần mà đã hợp duyên rồi, không rời đi được nữa.

– Thế thì cha con anh cũng là tín đồ của cái nơi biển xanh, cát trắng, nắng vàng này rồi.

Anh chàng thư sinh nhìn sang bên kia đường, miệng “ê” một tiếng rồi đưa hai ngón tay lên. Loáng cái đã có người xách hai ly cà phê cắm ống hút chạy qua.

– Tôi mời anh ly cà phê. Tôi tên Long. Tôi biết anh ngày nào cũng uống cà phê một mình tại chỗ này.

– Hay quá ta! Sao mà có người rành tui vậy trời!

– Có gì đâu, cái gì muốn biết thì sẽ biết thôi mà.

Hai người chuyện trò trên trời dưới biển thêm một lúc. Đến khi những người tắm biển cuối cùng lên bờ thì Nam và Long cũng tạm biệt nhau.

***

Nam được sinh ra và lớn lên ở phố biển Phong Khê. Khác với đám bạn bè, cứ học hành thành đạt là rời xa phố biển. Nam như kẻ lạc loài, luôn cuồng si với tình yêu phố biển. Chưa khi nào Nam đủ kiên nhẫn để xa phố biển quá vài tháng. Thành ra những công việc phù hợp với Nam ở Sài Gòn hay Hà Nội đều dang dở. Cuộc sống của Nam không thể thiếu được những cảm giác quá đỗi quen thuộc nơi phố biển. Đó là hợp âm ràn rạt của tiếng gió trộn vào tiếng sóng; là tiếng rom róp dưới bàn chân trần khi sải bước trên cát mịn; là khi bờ biển giăng kín màn mưa trắng bạc, Nam thỏa thích thả bộ dầm mưa, để mặc cho những giọt mưa mằn mặn len vào miệng. Đi như người mộng du trong màn mưa, Nam mường tượng đang được nếm nước mắt trời hay là nước mắt nhân gian? Có những lần phải đi xa, khi về đến phố biển đã vào lúc nửa đêm, Nam vẫn dạo một vòng theo con đường ven biển để tha hồ hít hà mùi biển. Con đường uốn lượn mềm mại, đoạn thì đường ôm biển, đoạn thì biển ôm đường. Tất cả cùng miên man dưới ánh đèn đường vàng ệch. Chẳng nhớ từ khi nào Nam mắc chứng nghiền ánh đèn vàng, nghiền mưa, nghiền cát, nghiền sóng, nghiền gió, nghiền mùi của biển… Nam nghiền cả những khoảng khắc nghe được biển đang trở mình theo gió theo trăng.

A person in a blue shirt

Description automatically generatedNhà thơ Hoa Níp (1985 – 2016)

Phố biển Phong Khê có hai ngọn núi trấn giữ rất hợp thế phong thủy. Nhiều người gọi là “núi chồng, núi vợ”. Lớp trẻ mộng mơ thì thích gọi là “núi chàng, núi nàng”. Mỗi lần trên đường trở về phố biển, dù cách mấy chục cây số, nhưng nhìn thấy bóng núi là Nam cảm nhận như đã về đến nhà. Nam đặt tên cho hai ngọn núi của phố biển là “núi cha” và “núi mẹ”. Trời đất thật khéo sắp đặt, đúng là “nam tả nữ hữu”. Ngọn núi cha cao lớn kỳ vỹ, thi thoảng đỉnh núi có mây trắng vờn quanh đẹp đến nao lòng. Vì vậy mà Nam đặt cho núi cha thêm cái “tên tự Vân Lưu Đỉnh”. Cách không xa là hòn núi mẹ. Núi mẹ thấp nhỏ hơn núi cha, dáng hình mềm mại. Thế núi thoai thoải một bên như mái tóc xõa, đang bạt theo chiều gió. Trên mái tóc núi mẹ có một công trình màu trắng để dẫn đường cho tàu biển, nhìn xa giống như chiếc cặp ba lá. Vào mùa phượng nở, mái tóc núi mẹ được cài hoa đỏ, càng duyên dáng hơn. Đã không ít lần, Nam bơi ra thật xa bờ để được phóng tầm mắt ngắm những con sóng bạc đầu mãi miết vỗ về chân núi mẹ.

***

Hôm sau, vẫn là lúc Nam vừa hoàn thành đường bơi quen thuộc, Long xách hai ly cà phê ống hút nhẹ nhàng bước lại.

– Mời Nam, cà phê ở đây vậy mà ngon, lại tiện lợi, xách đi đâu cũng được.

Nam cầm li cà phê, ngậm ống hút một hơi.

– Cảm ơn anh. Nhưng mà…

– Nhưng mà sao?

– Anh có thấy chúng ta đang quá phí phạm không?

– Ý Nam là sao?

– Cà phê xách tay thì ở đâu chẳng có. Cầm cái ly nhựa lên rồi ngậm ống hút, người lớn cũng như trẻ con. Không gian phố biển là tài nguyên, uống cà phê như vậy thật phí phạm không gian phố biển. Tại sao chúng ta lại không kết hợp giữa giọt đắng của cà phê cao nguyên với hương biển Phong Khê theo một phong cách khác biệt?

Những lời nói của Nam làm cho Long bất ngờ. Long siết chặt tay Nam, nói như reo:

– Ý tưởng lớn gặp nhau rồi bạn ơi. Thú thực, hôm tình cờ biết Nam đã dùng truyền thông giải cứu ngoạn mục chuỗi Cà phê Sóng Xanh, rồi nghe lỏm Nam tư vấn ý tưởng phát triển cho cậu chủ bên Sóng Xanh là tôi quyết bám theo.

– Vậy là âm mưu chứ ý tưởng cái gì! Nam bật cười.

– Muốn thực hiện ý tưởng thì đôi khi phải dùng đến âm mưu.

Cả Nam và Long cùng cười vang bên bờ biển. Long chỉ tay lên ngọn núi chồng:

– Gia đình tôi đã quyết định dốc vốn liếng vào hòn núi này. Tuy nhiên, có nhiều việc còn rất lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu.

Nghe Long nói vậy, Nam đứng bật dậy hỏi luôn:

– Mở khu du lịch giải trí nghỉ dưỡng hả? Đã được cấp phép chưa?

– Rồi. Nhưng còn mông lung lắm. Không thiếu tiền, không thiếu người mà chỉ thiếu cái đầu có những ý tưởng độc lạ. Hay là sáng mai mời Nam lên núi ngó nghiêng chút đi.

– Ngó nghiêng để làm gì? Thế anh nghĩ tôi chưa từng lên đỉnh “núi cha” hay sao?

– Núi cha? Ồ nghe hay quá! Xin bái phục ý tưởng của Nam nhưng tôi cũng xin nói thật nhé. Cái đầu quản lý của bên Sóng Xanh chỉ biết mỗi lợi nhuận. Hơn nữa toàn bộ vốn liếng hùn hạp chưa nổi triệu đô thì đi đến đâu? Đó không phải là nơi để cho Nam đầu tư ý tưởng. Còn bên tôi đã có nguồn vốn mấy chục triệu đô, lại muốn tạo ra những sản phẩm đặc trưng chỉ có tại phố biển này. Đó là nơi xứng đáng nhất để Nam thể hiện tình yêu phố biển.

– Hay lắm! Nhưng anh nghĩ kéo tôi từ Sóng Xanh dưới chân núi mẹ lên đỉnh núi cha chỉ đơn giản vậy sao?

– Xin lỗi, ý tôi không phải vậy. Nam cứ nghĩ nhẹ nhàng chút đi. Nơi nào giúp ta thực hiện được ý tưởng và tình yêu thì ta đến.

– Anh làm cho tôi bắt đầu có cảm hứng rồi đó. Thôi muộn rồi. Hôm sau gặp lại nhé.

Lần tiếp theo, Nam bơi xong, vừa bước lên bờ, Long đã cười nói:

– Hôm nay là lần thứ ba Lưu Bị xuống núi…

Nghe chưa hết câu Nam đã cười ha hả.

– Xuống núi nhưng không gặp được Gia Cát Lượng tiên sinh mà chỉ thấy “da cát biển” hậu sinh chứ gì.

Hai người vui vẻ ngồi uống cà phê xách tay. Nhìn đàn chim biển chao mình kiếm mồi trên những con sóng, Nam nói với Long:

– Vì sao những con chim biển bay lượn kiếm ăn trên sóng mà không bị rơi xuống biển? Nhờ đôi cánh đấy. Thời nay các doanh nghiệp muốn làm ăn là phải có đôi cánh thật tốt.

– Ý Nam nói đôi cánh là cánh gì?

– Là đôi cánh truyền thông. Chìm hay nổi là do đôi cánh truyền thông cả đấy. Trên thế giới này không có bất cứ doanh nghiệp, tập đoàn nào giàu mạnh mà truyền thông lại yếu kém cả đâu.

– Biết vậy nên Lưu Bị mới xuống núi lần thứ ba nè.

– Lưu Bị không bằng ôm bị.

Cả hai lại cười vui vẻ, cùng hướng về pho tượng Phật trắng ngời nổi bật trong hoảng hôn tím ở nơi lưng núi. Nam nhìn xa xăm rồi nói với Long mà như độc thoại:

– Tượng Phật dựng khắp nơi. Biết bao người thờ Phật mà chẳng hiểu gì về Phật. Tôi cũng đã dùng tiền để thỉnh tượng Phật bằng đá nguyên khối. Không phải là tôi muốn nhờ vả vào đấng quyền năng. Đơn giản tôi thích ngắm nhìn Ngài mỗi sớm mai thức dậy. Dĩ nhiên, Ngài không phải là bằng hữu của tôi. Phật không kết bằng hữu với con người. Phật là tấm gương tôi soi từng ngày.

Người ta thờ Phật, quanh năm xì xụp hương khói cốt để cầu an cầu lợi. Phật chẳng nhận lễ vật của ai và chẳng cho ai cái gì. Phật không biết ân oán như người. Thờ Phật là thờ tấm gương để tự soi mình sống cho từ bi bác ái, từ bỏ tham sân si nguồn gốc của tai họa khổ đau. Trong cõi vô thường mọi thứ đều có luật nhân quả. Khi ta hiểu ra và sống theo lời Phật dạy chính là Phật đang ở trong ta, giúp ta loại bỏ dần tai ương… Phật độ là như vậy, chẳng có gì là mê hoặc thần bí cả.

Đối với bên cà phê Sóng Xanh, có một điều duy nhất làm tôi thất vọng là anh chủ chẳng hiểu gì về Phật. Chỉ biết chăm lo khói hương van vái để mong được Phật độ trì. Thờ Phật mà không dám nhìn vào góc khuất của chính mình thì thờ Phật để làm gì?

Nghe đến đây, Long tiếp lời Nam:

– Chí lý quá! Cả nhà tôi theo đạo Phật. Mọi người trong nhà đều có pháp danh hẳn hoi nhưng cũng chưa ngộ được hết những điều Nam vừa nói.

Nam bất ngờ và rất ngưỡng mộ khi nghe Long nói cả nhà đều có pháp danh. Một gia đình Phật tử hẳn là một gia đình biết hướng về lương thiện. Nam luôn tôn trọng tin tưởng và sẵn sàng hợp tác với những ai biết sống từ bi hỷ xả. Có lẽ, Long cũng không ngờ việc cả nhà mình đều theo đạo Phật đã thuyết phục được Nam lên núi.

Nam vỗ vai Long:

– Đồng ý! Tôi sẽ lên núi vào lúc phù hợp nhất. Thực ra tôi đã từng có ý tưởng lên núi nên mua sẵn tên miền từ lâu rồi, sẽ tặng luôn cho cha con anh. Có cả email nữa, bây giờ làm ăn là phải xây dựng thương hiệu, phải có website với tên miền ấn tượng.

– Ôi trời! Anh làm tôi bất ngờ quá thôi!

– Này nhé, ngọn núi này tôi gọi là “núi cha” tên tự là “Vân Lưu Đỉnh”. Nghĩa là đỉnh núi mây ôm, đỉnh cao mây đến… là điểm nhấn, là thiên đường trên cao giữa thành phố biển. Hãy xây dựng thương hiệu du lịch giải trí “Vân Lưu Đỉnh” với tên miền là: vanluudinh.com.

Long ôm chầm lấy Nam rồi thốt lên:

– Ôi trời! Duyên đến với tôi rồi!

***

Ba của Long là lão Hấu. Năm mười tuổi cậu bé Hấu đã theo đoàn học sinh miền Nam lên đường tập kết ra miền Bắc. Hấu trải qua trường Học sinh miền Nam rồi vào đại học Bách khoa. Hấu học giỏi, tốt nghiệp đại học ngành cơ khí. Cùng một số sinh viên vừa tốt nghiệp, Hấu tình nguyện vào quân đội với ước mơ trở về giải phóng quê hương. Trở thành một người lính, Hấu đã có nhiều năm lăn lộn ở Trường Sơn với nhiệm vụ sửa chữa xe cơ giới, cầu phà. Trong một lần trực tiếp gắn thiết bị giúp xe vượt ngầm, Hấu bị thương nhẹ, sau đó được chuyển công tác về một nhà máy Z của quân đội ở khu vực miền Trung với chức vụ đội trưởng chuyên sửa chữa xe cơ giới và vũ khí.

Sau năm 1975, nhà máy Z nơi đội trưởng Hấu công tác có nhiệm vụ thu nhận xe cơ giới máy móc vũ khí hư hỏng từ chiến trường miền Nam chuyển ra. Cả vùng đất mênh mông quanh nhà máy, xe pháo vũ khí hư hỏng chất cao như núi. Công việc sửa chữa vô cùng vất vả, chủ yếu là tháo gỡ từng bộ phận chưa bị hư hỏng của thiết bị này rồi lắp ghép thay thế sang thiết bị khác. Nhiệm vụ là vậy nên cấp trên cũng không thể giao khoán định mức được. Làm đến đâu biết đến đó.

Trong khi mọi người chỉ biết suốt ngày cặm cụi tháo lắp chắp vá thì đội trưởng Hấu đã nghĩ ra cách cải thiện cho đơn vị. Trước hết, đội trưởng Hấu chọn mấy cặp bánh lốp còn sử dụng được rồi chế thành những chiếc xe bò lốp đầu tiên để tặng một hợp tác xã nông nghiệp gần bên nhà máy. Ban quản trị hợp tác xã vô cùng phấn khởi, tặng lại cho nhà máy bốn con lợn to. Thế là cả nhà máy có bữa liên hoan rộn ràng. Dân mừng, nhà máy vui. Tình quân dân thắm thiết. Đội trưởng Hấu được hoan hô. Tiếng tăm xe bò lốp càng vang xa.

Núi xe cộ hư hỏng vơi dần, xe bò lốp xuất hiện khắp cả tỉnh. Rồi đến lúc nhà máy dần hết việc, đời sống cán bộ, sỹ quan, công nhân viên quốc phòng ngày càng khó khăn. Riêng đội trưởng Hấu chẳng biết dành dụm thế nào mà mua được nhà đất rồi cưới vợ sinh con ngoài thị xã. Sau đó đội trưởng Hấu lặng lẽ xin phục viên.

Ngay sau khi được phục viên, Hấu cùng cả nhà thực hiện cuộc “Nam tiến”. Lần “Nam tiến” này, hành trang của Hấu là tấm bằng kỹ sư cơ khí, cái thẻ thương binh và bản năng nhạy bén thức thời. Bắt đầu từ giải đất miền Trung rồi tiến dần vào Nam Bộ. Đến vùng đất nào thuận lợi là kỹ sư Hấu lại dừng chân làm ăn sinh sống. Ở đâu kỹ sư Hấu cũng hết mình giúp địa phương sửa sang máy móc, làm cầu cống. Đổi lại, kỹ sư Hấu được tạo điều kiện làm ăn, được cấp đất, cấp nhà. Thậm chí, có những địa phương còn cho kỹ sư Hấu cả mẫu đất trống. Tại mỗi nơi sinh sống, khi đã có được nhà đất ổn định và công việc vơi dần là kỹ sư Hấu lại đưa vợ con lên đường đi tiếp. Nhà cửa cơ ngơi tạo dựng được chuyển qua cho mượn hoặc cho thuê. Danh sách bộ sưu tập nhà đất của kỹ sư Hấu cứ kéo dài bất tận. Sau mấy chục năm xê dịch, kỹ sư Hấu đã có rất nhiều mảnh đất vàng đắc địa trải dài từ miền Trung cho đến các tỉnh thành ở Nam Bộ.

Đến giai đoạn nền kinh tế mở cửa, cơ chế thông thoáng, chủ trương cho phép đầu tư doanh nghiệp lại gặp lúc đất đai lên giá. Thế là lão Hấu bất ngờ bán hết toàn bộ nhà đất. Lão ôm tiền đưa cả nhà trở về phố biển. Ngọn núi cha từ lâu đã lọt vào mắt xanh lão Hấu. Lão hình dung ra một trung tâm du lịch giải trí, nghỉ dưỡng trên cao. Nơi đây lại có giá thuê đất cực rẻ và thứ đặc biệt cuốn hút là “dư địa” để lão tha hồ cơi nới bao chiếm. Những người hiểu bản tính lão Hấu nói đùa: “cáo già quay đầu về núi”.

Trước ngày quyết định dốc vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, lão Hấu gọi cả nhà lại, lão tuyên bố “cương lĩnh” ngắn gọn: “Nhà ta con cái đã học hành xong, có đủ bằng xanh bằng đỏ, nguồn vốn có rồi. Bây giờ là lúc chuẩn bị lập công ty trách nhiệm hữu hạn du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng. Tôi sẽ làm Chủ tịch hội đồng quản trị, thằng Long làm giám đốc, con Thanh làm kế toán trưởng. Tùng, Trúc, Cúc, Mai mỗi đứa phụ trách một mảng. Còn mẹ nó thì giúp tôi quản lý. Trước hết tôi lo đối ngoại và mọi thủ tục thành lập công ty. Thằng Long lo đối nội và toàn bộ kết hoạch hoạt động, kế hoạch nhân sự. Cứ theo hướng đó mà làm. Tôi đã quyết, không bàn nữa”.

***

Đến hôm Nam theo giám đốc Long lên núi, khu vui chơi giải trí cơ bản đã hình thành. Một số điểm đang đi vào hoạt động kinh doanh. Nói là đỉnh núi nhưng thực ra do yếu tố tự nhiên và người ta đã âm thầm san gạt tạo thành một mặt bằng rộng mênh mông. Khi giám đốc Long đang giới thiệu các khu vực hoạt động với Nam thì có chiếc xe jeep bò đến. Từ trên xe một lão già bước xuống. Bước chân của lão cứ chấm phẩy theo kiểu người bị di chứng tai biến xuất huyết não. Long chạy vội đến, hình như cặp mắt hấp háy của lão chỉ nhìn thấy mỗi Long. Lão không nói. Lão chỉ chửi. Lão chửi thành cơn. Cơn chửi của lão càng lúc càng hăng. Tất cả những gì liên quan đến loài chó đều được lão lôi vào cơn chửi. Nước bọt từ cái miệng méo xệch liên tục nhiễu ra cùng tiếng chửi liên hồi của lão.

Tranh của họa sĩ Trần Thắng

Nam ngơ ngác trước sự ươn hèn, co rúm chịu trận của Long. Bỗng dưng tiếng chửi tắt ngang như cái loa kẹo kéo bị sập nguồn. Cặp mắt hấp háy của lão bỗng sáng rực. Mấy nàng “tiên giáng thế” lướt đến cùng tiếng nhạc du dương, những giải lụa, xiêm y bay phất phơ trên chiếc xe ô tô điện được trang trí giống như một đám mây bồng bềnh. ”Đàn tiên” đã bay về động mà tiếng cười giòn tan và mùi nước hoa thơm ngất ngây như vẫn còn vương lại. Đúng là chốn “bồng lai tiên cảnh”!

Nam cười thầm, nghĩ bụng: “sáng kiến cho gái đẹp làm tiên nữ mà cắt được cơn chửi, giúp già thành trẻ thì cũng hay”. Lão già đi lết vào động, giám đốc Long quay sang phân bua với Nam:

– Ba tôi đấy. Ông bị tai biến nên sinh ra khó tính. Mỗi khi gặp chút trục trặc là cứ nhằm đầu tôi mà xả. Miệng xà nhưng tâm Phật. Đừng bận tâm.

– Không sao. Tôi chỉ quan tâm đến công việc của mình thôi.

– Nói thật, vốn liếng đầu tư là của ba tôi nên ông có quyền chửi mắng nhưng công ty thành bại là do anh em mình. Không bao lâu nữa ông sẽ giao toàn quyền cho tôi.

– Thế tôi lên đây sẽ đảm nhận công việc gì?

– Trước mắt Nam cứ làm trợ lý cho tôi. Công việc thì hoàn toàn tự do. Nam có quyền tìm hiểu mọi hoạt động nhằm đưa ra những tư vấn tốt nhất. Làm sao cho thương hiệu “Vân Lưu Đỉnh” sớm nổi tiếng. Đặc biệt là khi có bất cứ sự cố gì xảy ra thì xử lý thật nhanh, đừng để báo chí nhảy vào. Ăn uống tại đây Nam có thể vào bất cứ quầy nào, dùng xong ghi sổ là được. Còn tiền lương và các khoản chi phí thì không cố định. Khi cần cứ báo tôi làm thủ tục chi trả luôn.

– Tôi lên đây là muốn được làm việc bài bản, được đóng góp thật sự. Nghĩa là cần cái phòng truyền thông, hoạt động có tính chuyên nghiệp.

– Tôi hiểu. Sẽ đến lúc phải như thế mà.

– Còn bây giờ thì giám đốc Long đang thử thách tôi chứ gì?

– Ồ… Không hẳn vậy. À mà Nam cũng đang thử ngược tôi đấy thôi.

Cả hai người cùng cười vui vẻ. Nam cũng bắt đầu làm việc từ hôm đó.

Bước đầu Nam đã có vài bài báo giới thiệu, quảng bá về định hướng, quy mô của “Vân Lưu Đỉnh” được đánh giá khá cao. Nam được thay mặt Giám đốc Long tham gia giao lưu trên diễn đàn “Doanh nhân trẻ thành đạt” cũng rất ấn tượng. Có lần Nam còn kịp thời giàn xếp ổn thỏa vụ du khách bị tai nạn khi tham gia một trò chơi cảm giác mạnh. Vai trò của Nam dần được khẳng định. Tuy nhiên, thay vì phấn khởi tự tin thì Nam lại có linh cảm bất ổn. Hình như các hoạt động nơi đây đang che dấu điều gì đó mờ ám. Cách quản lý doanh nghiệp của Chủ tịch hội đồng quản trị mang hơi hướm như một ông trùm với kiểu làm ăn chụp giật gian lận.

Để kịp chuẩn bị đưa thêm mấy trò chơi mạo hiểm vào hoạt động, Nam phải ở lại qua đêm trên núi. Ghé vào chỗ trưng bày các món ăn kinh dị bên cạnh khu vực trò chơi mạo hiểm, khi nhìn thấy cái bàn “Hầu não thực” dù chỉ là mô phỏng với mấy vệt sơn loang lỗ đỏ loét như máu nhưng vẫn làm cho Nam rùng mình. Những câu chuyện kinh hoàng về món óc khỉ sống cứ ám ảnh rồi theo Nam vào giấc ngủ chập chờn.

Một con khỉ trong tư thế quỳ gối, đầu bị kẹp vào cái gông, phần sọ nhô lên. Nước mắt khỉ chảy ròng, nó chấp tay vái lia lịa. Hình như con khỉ biết sắp bị bổ đầu lấy óc. Thực khách vây quanh mắt hau háu, mặt phừng phừng, cười nhăn nhở. Gã đầu bếp đao phủ cầm cái dao sáng lạnh bước đến. Hắn tợp ngụm rượu rồi phun lên lưỡi dao, phun lên đầu khỉ. Lưỡi dao bỗng vung lên như tia chớp. Phập! Nhát dao phạt qua đầu khỉ. Một tiếng rú man dại đến lạnh người. Mảnh xương sọ khỉ văng lông lốc xuống dưới chân thực khách. Con khỉ giãy giụa gào thét. Mấy vị khách cười hô hố, điềm nhiên rắc muối tiêu, vắt chanh lên phần óc khỉ đã lộ ra toang hoác rồi cầm muỗng xắn từng miếng óc khỉ lẫn máu đỏ tứa ra đổ vào miệng, nhét thêm mớ rau răm, rau húng rồi nhai ngấu nghiến, nuốt tuồn tuột.

Nam bung choàng tỉnh dậy, mồ hôi ướt đẫm. Chạy ra khỏi phòng, toàn cảnh phần đầu của ngọn núi cha bị máy ủi đào bới san gạt nham nhở đập vào mắt Nam. Dưới ánh sáng trắng ởn của mấy ngọn đèn cao áp, từng đống đất do máy múc lên đỏ bầm, làm cho phần đầu núi cha trông giống như cái đầu khỉ vừa bị đao phủ phạt bay mảng xương sọ, óc trào ra. Rùng mình ớn lạnh, người như lên cơn sốt, Nam quay vào phòng gục xuống giường mê man.

Tiếng ồn ào ở phía ngoài cửa sổ làm cho Nam tỉnh lại. Giọng lão Hấu thì thầm sin sít:

– Phần móng nhớ làm đúng thiết kế. Phần tường xây qua loa thôi nhé.

– Sao tường lại xây qua loa ạ?

– Mày ngu vừa thôi. Khi xây phần tường chưa xong thì sẽ có thanh tra đến xử phạt. Mày cứ nộp phạt rồi cho đập bỏ phần tường xây. Tiến hai bước, lùi một bước. Mỗi năm ta sẽ có được mấy bước. Thời nay làm gì cũng phải vừa dày tiền vừa dày mặt. Phạt xong cho tồn tại hoặc khắc phục lấy lệ. Làm công trình mà chờ đầy đủ thủ tục cho phép thì có mà ăn cám.

– Dạ, con hiểu rồi. Ba ạ, con nghĩ bây giờ đã đến lúc ta cần đẩy mạnh mảng truyền thông…

– Truyền thông là cái quái gì? Đừng có mà bày đặt vẽ chuyện với tao. Dẹp hết! Mấy ông ở trên để tao lo. Thằng nhà thơ gì đó quen biết nhiều báo chí lắm phải không? Mày bảo nó lo mà canh chừng tụi báo chí cho kỹ, đừng để chúng nó thọc gậy, nhúng mũi vào là được. Né được vụ nào thưởng vụ đó.

– Dạ. Con biết rồi.

***

Nam bỗng rơi vào trạng thái u uất, nặng nề và vô cùng thất vọng khi nhận ra lão Hấu Chủ tịch Hội đồng quản trị chính là “cáo già quay đầu về núi”. Một con cáo thành tinh, biết nói tiếng người, biết hỉ nộ ái ố giống như người. Làm Chủ tịch Hội đồng quản trị mà lão Hấu không thèm biết đến một ai ngoài người nhà cùng với các nàng “tiên nữ” và vị sư trụ trì. Trong khi đó, lão lại biết rành rọt gia cảnh của rất nhiều vị quan tỉnh. Biết từ sở thích của các quan bà cho đến việc du học của các cậu ấm cô chiêu. Từ ngày dốc vốn để vạc đầu núi cha lão bỗng trở thành người “biết tuốt việc nhà quan”.

Ngột ngạt giữa nơi lộng gió, Nam rảo bước sang phía có bức tượng Phật Di Lặc khổng lồ. Trước khi lão Hấu lên núi, đỉnh núi cha trông giống một tướng quân, đầu đội mũ giáp oai vệ trầm mặc. Vậy mà chỉ sau vài năm, pho tượng Di Lặc khổng lồ bằng xi măng được dựng lên trên đỉnh núi. Nhìn từ xa, pho tượng ấy giống như cái búi tóc củ tỏi. Phía dưới thân tượng được thiết kế khá kỳ lạ, trông vừa giống chùa lại vừa giống động. Chẳng ai biết đó là chùa hay là động.

Bước vào chỗ nửa chùa nửa động, Nam thấy chỉ còn vài “nàng tiên” phấn son nhợt nhạt, mặt mũi u sầu. Nhờ cách gợi chuyện chân tình nên chỉ sau mấy phút e dè các nàng đã kể hết với Nam. Càng nghe Nam càng ngỡ ngàng. Chẳng biết do ngọn núi đắc địa, phong cảnh hữu tình hay do sự mát tay của lão Hấu và vị sư trụ trì mà có gần cả chục “tiên nữ” đã ễnh bụng. Vài ba nàng còn lại đang thuộc diện “chờ kết quả”. Các nàng đều bối rối vì chưa thể xác định được lão nào là tác giả đã để lại giọt máu cho mình. Lão Hấu kịp thời xử lý êm thấm, giải thể “mô hình tiên giáng thế”. Vị sư trụ trì cùng hội cùng thuyền cũng được cuốn gói ra đi trong im lặng.

Chiều xuống, Nam lại trở về với đường bơi quen thuộc. Những lúc mệt mỏi lo âu thì cả thế gian này chỉ có hai nơi giúp Nam cảm nhận được sự bình yên tuyệt đối. Thứ nhất, đó là nơi vòng tay của mẹ. Không gì dễ chịu hơn khi sà vào lòng mẹ, được mẹ vò nhẹ lên mái tóc, được nói với mẹ mấy câu vu vơ. Nơi thứ hai, đó là biển. Chạy ào xuống biển, vẫy vùng thỏa sức cho đến khi sự chán nản tan biến hết. Lần này cũng chạy ào xuống biển nhưng Nam không bơi mà thả nổi mình trên mặt nước. Sóng biển dập dờn, có lúc sóng nâng bổng người lên đùa giỡn làm cho Nam nhớ hai cánh tay của ba khi cưng nựng tung hứng để được nghe tiếng con cười khanh khách. Tiếng gió, tiếng sóng vẫn ràn rạt thậm thì như tiếng mẹ. Làn nước vẫn như cánh tay của ba vững chãi vỗ về quen thuộc. Sự yên bình trở lại, Nam chỉ muốn về ngay bến đợi, nơi có mẹ đang mong ngóng từng giờ. Làm thơ viết truyện đã nhiều nhưng Nam chưa biết làm sao để nói với mẹ một câu: “con biết ơn mẹ, con thương yêu mẹ lắm!”.

Ngồi bên bờ biển, ngước nhìn lên núi cha, Nam bỗng nhớ những lời khuyên hóm hỉnh thâm sâu của ba: “Ngày xưa, thời còn nghèo khổ như nhau nhưng cụ tổ văn nhân đã dám coi thường cụ tổ doanh nhân. Từ đó hai cụ không chịu đi chung đường, sống chung nhà, ngồi chung mâm. Con mà vướng vào nghiệp của cụ tổ văn nhân rồi thì rất khó để đi chung đường của cụ tổ doanh nhân. Văn chương nó làm cho người ta lương thiện tử tế đến tận phao câu đầu cánh. Không lương thiện tử tế thì không viết được gì cả. Kiếp văn sỹ là do trời chọn, là sứ mạng con ạ. Liệu con có đủ sức phân thân để mang trong mình cả hai kiếp người khác biệt đó không?” Chưa bao giờ Nam thấm thía lời ba đến vậy. Rồi Nam nghĩ đến cái sự “tâm Phật” của lão Hấu. Nhà lão ai cũng có pháp danh Phật tử, ai cũng có bộ áo lam, ai cũng có cái miệng nam mô và ai cũng có niềm tin được Phật che chở, được Phật cho làm giàu. Cái trò núp bóng Phật, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” chỉ là một cách đầu tư “bảo hiểm niềm tin” của những kẻ bon chen ham hố.

Dòng suy tư của Nam như đã đi cạn chân trời. Rốt cục, dù ta đang là người tốt hay kẻ xấu thì vẫn có khả năng không còn là ta nữa. Vì con người luôn tiềm ẩn những nguy cơ trở thành ai khác. Nam nhìn trời nhìn biển rồi mỉm cười dưới vách hoàng hôn. Trong Nam đang có sự buông bỏ, tránh xa thói ô trọc tham lam đến mất hết liêm sỹ tại cái nơi mà Nam từng yêu như máu thịt của mình. Không mấy khi Nam thấy lòng mình lại nhẹ nhàng thanh thản đến vậy. Đêm đó, trang Facebook của Nam đã gửi đi thông điệp: “Chao ôi! Chỉ vì muốn dày tiền, mà lắm kẻ đã dày mặt giành giật tàn phá. Họ lọc lừa thủ đoạn, họ bất chấp tất cả. Họ mặc cho nhân cách lấm lem, mặc cho lương tâm rách nát, mặc cho người đời nguyền rủa để chạy theo sự phù du và lòng tham vô đáy. Tôi không thể chung đường với họ. Tôi trở về làm thi sỹ của nhân gian”.

Vũng Tàu, 24/5/2024

Trần Vinh

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1 Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lạ...