Thứ Ba, 15 tháng 10, 2024

Chú rùa bay - Truyện thiếu nhi của Nguyễn Hiệp

Chú rùa bay - Truyện
thiếu nhi của Nguyễn Hiệp

Nhà văn Nguyễn Hiệp sinh năm 1964, hiện là Chi hội trưởng Nhà văn Việt Nam tỉnh Bình Thuận, tác giả nhiều tập truyện và được trao một số giải thưởng.
Chú rùa bay là truyện dài ông viết cho thiếu nhi, mà theo NXB Kim Đồng: “Chú rùa bay là câu chuyện nên thơ về tình bạn phi thường. Một khúc nhạc du dương về tình yêu thương và khát vọng vươn tới điều cao cả. “Chập chờn trong vùng sáng là đám mây trắng bay trên bầu trời xanh biếc, nơi có cậu bé lem luốc, gầy nhom cưỡi trên lưng một chú rùa đang bay, đang bay trên sóng nước. Những tiếng cười trẻ thơ trong trẻo, giòn tan ngân vang, ngân vang…” (trích tác phẩm)”.
Nhạc cát
… Đám cỏ lông chông nháo nhào lên rồi hớt hơ hớt hải vừa bay vừa lăn cuống cuồng, mạnh ai nấy chạy thục mạng như bị ma rượt. Chẳng biết bà Gió dọa gì mà bọn nó sợ mất mật như thế? Ở đảo đèn này, mong một ngày bà Gió đi vắng là chuyện còn lâu mới có. Từ rạng sáng đến chạng vạng, lúc nào bà ấy cũng cao giọng rít rú hù dọa ai đó hoặc hạ giọng luyến láy say sưa tán chuyện với mọi vật. Những âm thanh hoang đường phát ra từ miệng bà Gió tôi nghe chán cả tai. Điều tôi mong nhất mà có thể thành sự thật, một món quà tuyệt diệu của biển, đó là những ngày rằm hàng tháng, khi nước triều rút cạn, phía trong chân đảo liền hiện ra những giồng cát lượn cong, sạch bong, mịn màng. Thường thì không phải dụi mắt nhìn đi nhìn lại nghi ngờ gì cả, những giồng cát ấy là “cây đàn” thương thiết gắn bó với tôi từ lâu rồi. Cứ trần trùng trục, chỉ chiếc quần đùi trên người, từ nhà đèn tôi ào xuống bãi, bất chấp bà Gió nghịch ngợm trêu đùa núm tóc tôi từng đợt, từng đợt hất ngược lên trời.
Những hạt cát mịn hết biết! Những hạt cát sạch hết biết! Những hạt cát trăng trắng vừa rao ráo mát lạnh long lanh lấp lánh trong nắng chiều luôn mang đến cho tôi niềm thích thú vô bờ bến. Cát đó! Cứ như cả bãi ngọc trời cho riêng tôi vậy. Khua chân vào vũng nước đọng cho thiệt sạch, đặt hai chiếc dép lên tảng đá hình bàn tay úp với ba ngón khum khum cắm sâu vào cát, tôi trịnh trọng đưa đôi chân trần bước vào trò chơi quen thuộc bất tận của mình. Trò chơi nhạc cát bắt đầu! Tôi luôn thì thầm một mình tự ra lệnh cho mình và nhẹ nhàng nhón chân nhấn gót lên cái giồng cát phát ra những âm thanh “thần thánh” đó. Tôi nghiêng người bên này, nghiêng người bên kia, vừa đi vừa lắng tai nghe tiếng nhạc khìn khịt, khin khít, khào khạo kì diệu vang ngân khẽ khàng dưới từng gót chân chầm chậm cọ sát vào những hạt ngọc trời cho của mình. Tôi tự thấy mình rất điệu nghệ trong từng bước nhấn nhá gót chân. Tôi đi chậm, hơn nửa bàn chân nhấn mạnh xuống thì cát sẽ phát ra những lời phàn nàn đùng đục, giận dỗi. Đi được ba bốn bước tôi lại xoạc xiên ngang hoặc xoáy gót một phát cho những âm thanh sột soạt nối nhau ngân vang, ngân vang như lời ca hân hoan vui vẻ. Cả một đoạn dài, tôi co rút cho bàn chân ngóc đầu lên, gót nhọn nhẹ nhàng đặt xuống, ấn sâu xuống để âm thanh liên tiếp rít lên cao bổng như tiếng ai đó vừa ấn chiếc muỗng vào lon sữa bột đầy ắp mà múc lên cả muỗng đầy những béo ngọt thơm tho. Nghe âm thanh ấy thôi nước miếng đã ứa ra đầy miệng. Nói ra thiệt mắc cỡ, có lúc tôi phải dừng lại để nuốt đánh ực cái thứ nước miếng thèm khát khổ sở do trí tưởng tượng nổi loạn ấy. Và thường thì sau đó tôi có một đoạn nhảy chân sáo trong niềm phấn khởi tột độ, có khi còn chu miệng huýt huýt mấy tiếng mong muốn nối dài thêm điệu nhạc cát mê đắm giữa tiếng thủy triều nhịp nhàng nhẹ nhàng ì à ì oạp triền miên lên xuống, xuống lên… mà cha nuôi tôi gọi là tiếng nhật triều.
Những đắm đuối, tưởng tượng một mình với các cung bậc âm thanh phát ra từ những đụn cát ngay dưới chân mà nghe xa xăm, mà nghe mơ hồ ấy kéo tôi đi mải miết hết giồng cát này đến giồng cát kia cho đến khi mặt trời đỏ rực lặn vào làng mạc phía trong đất liền. Ánh sáng bị hút hết vào lòng biển rất nhanh. Sóng biển cũng góp phần co kéo lau dọn cho đến khi sạch trơn, không còn một sợi tơ ánh sáng rực vàng, rực đỏ nào nữa trên bãi biển. Những vũng nước bị bỏ lại một mình, mây trời thản nhiên vẫy tay tạm biệt từ lâu, mấy cánh hải âu cũng biến vào mênh mông, không thèm soi bóng. Bà Gió chợt trở nên hiền lành, dịu dàng hẳn ra, cũng có thể sau một ngày dài tán chuyện bà ấy đã thấm mệt, lử lả. Cả những bầy dã tràng cũng nhanh chóng chui vào mấy ngôi nhà cát nhiều ngóc ngách và sâu hoắm của mình, bỏ dở dang cả công việc se cát đắp đường đi xuống phủ Long Vương đòi lại viên ngọc ngỗng quý giá, (Tôi biết sự tích Dã Tràng qua lời kể của cha nuôi trong những đêm trăng sáng vằng vặc trên đảo đèn).
Và chắc chắn khi ánh đèn trên ụ tháp bắt đầu chiếu rọi từng luồng, từng luồng sáng mạnh mẽ theo nhịp ba- một, ba dài một ngắn… ra phía biển xa cũng là lúc tiếng hú gọi của cha nuôi tôi cũng vừa vang lên từ chân tháp, từ những cấp đá mòn nhẵn đầy bông trắng rụng từ hai hàng bông sứ xù xì cổ thụ. Đó là lúc cha nuôi vừa xong công việc kiểm tra, lau bóng điện hàng ngày của mình, đang đi từ tháp đèn xuống nhà ở. Tôi “dạ” một tiếng thật to và nhảy phốc lên mỏm đá hình đầu người khổng lồ quơ quơ hai tay cho cha nuôi thấy được tôi từ xa mà yên tâm.
Có lần đang mê với trò chơi nhạc cát thì tôi giật mình cái đụi vì vừa thấy một bóng người. Tôi nhanh chóng định thần ngay, lẳng lặng như thế không thể là ai khác ngoài cha nuôi ra, những người đàn ông ra đảo đèn bắt đú và tìm trứng đú thường rất ồn ào, họ đi đến đâu là hơi rượu và những tiếng văng tục ngập ngụa đến đó.
Cha nuôi ngồi bó hai tay quanh gối trên tảng đá đầy rêu nhìn tôi chơi, hai mắt ông lấp lánh. Cha nuôi đã im lặng chăm chú nhìn từng bước chân và cái cách nghiêng nghe rồi cười một mình của tôi. Cuối cùng thì cha nuôi cũng lên tiếng: Có một loại đàn người ta gọi là dương cầm, chơi đàn bằng cách dùng ngón tay ấn các phím. Hình như con đang chơi đàn bằng những gót chân… Cha nuôi vừa nói vừa bước đến ôm tôi vào lòng. Cha nuôi là người hiểu tôi nhất trên trần đời. Cha nuôi hiểu được cả những giấc mơ, những trò chơi và cả những tưởng tượng trong đầu của một đứa bé. Tôi dụi đầu vào người cha và cảm nhận được tình thương cha nuôi dành cho tôi dạt dào, vô bờ bến. Cha nuôi nói: Nếu con thích âm nhạc cha sẽ dạy cho con! Cha “lên dây cót” cho tôi: “Trên đời có triệu người là có triệu ước mơ nhưng chỉ vài người thực sự cố gắng biến ước mơ thành sự thật. Ước mơ chính là đôi cánh giúp chúng ta bay lên…  Con phải thật cố gắng nghe!”.
Cha nuôi tôi là người “gác đèn”, coi ngó chăm sóc cho ngọn hải đăng này nên mọi người gọi là ông Hai Hải Đăng, cũng có vài người gọi Ông Hai Cụt vì cha nuôi bị tháo khớp đầu gối chân trái, phải gắn vào đó một chân giả bằng gỗ. Từ lâu cha nuôi đã trở thành một phần đá cây và sóng biển nơi đây. Tiếng bước chân lọc cọc không đều của cha nuôi đã trở thành một phần nhớ thương không nguôi trong ký ức của tôi. Tiếng nước biển, sóng biển thì thầm trong giọng nói của cha nuôi đã chiếm giữ một phần quan trọng trong tâm hồn tôi. Hơi nước biển mặn mòi thấm đẫm nhuộm màu trong làn da nâu bóng của cha nuôi là màu sắc tôi yêu thích nhất trong cuộc đời này.  Và tôi, chắc chắn cũng sẽ thành như vậy, giống cha nuôi, y chang cha nuôi. Tôi cứ hình dung tiếng nước biển, sóng biển thì thầm trong giọng nói của mình mà mỉm cười một mình. Cha con tôi thân thuộc với nơi đây. Tôi không biết rõ ngọn đèn biển này cao bao nhiêu, chỉ biết ngước nhìn trật ót mới thấy được bầy yến bay lượn và ụ đèn bên trên. Có lần cha nuôi dẫn tôi lên ụ đèn chơi cho biết, ông nói cầu thang bằng thép hình trôn ốc mà chúng tôi vừa chinh phục có cả thảy 183 bậc.
– Ba đếm hết luôn hả ba?
– Ừ thì ngày nào cũng lên xuống, đếm miết thuộc luôn.
Tôi phục lăn khi biết cha nuôi vừa leo vừa đếm, trong khi tôi leo từng cấp theo ông thôi đã phải thở bằng cả tai cả mũi, mà phải dừng lại nghỉ cả chục lần. Cha nuôi còn giảng đây là hải đăng cổ xưa nhất nước Việt mình. Vừa liền tay lau bóng điện lớn trong ụ đèn, ông vừa kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Tôi thấm ý cười miết chuyện về cái tên Kê Gà. Cha nuôi giải thích: Do người Pháp đến đây xây dựng hải đăng, trong khi đi vẽ bản đồ, họ hỏi ông hương, ông lý trong đất liền: “Nơi đây gọi là gì?”,  mấy người đó trả lời “Khê Gà”, (tên chữ vậy nhưng dân thường gọi Khe Gà, do khe nước ngọt chảy ra tận bờ biển này có nhiều gà rừng, gà lôi tụ tập uống nước). Trong tiếng Pháp có phụ âm “K” chớ không có “KH” nên ông Tây đó ghi luôn lên bản đồ hai chữ “Kê Gà” mà chẳng biết “kê” cũng có nghĩa là gà. Tưng tửng vậy đó mà địa danh “Hai gà” ra đời, in rõ ràng trên tất cả các bản đồ sau đó luôn! Nói như mấy người đánh bầu cua cá cọp thì “Gà! Có hai con gà!”… Kể đến đó cha con tôi cùng ôm bụng mà cười, tiếng cười của hai cha con âm âm ngân ngân mãi trong ụ đèn, trong vòng thang xoáy ốc…
Được cha nuôi dẫn lên ụ đèn cao ngất giữa trời xanh ấy tầm mắt tôi được mở rộng ra. Tôi đưa mắt háo hức nhìn hút vào làng mạc phía xa kia và như bị thôi miên trước cảnh kì vĩ của những vách đá cao vút nhô lên từ những đợt sóng biển trắng xóa. Gọi là ụ đèn thật ra có tới ba tầng. Trên cùng là tầng có bóng đèn chính xoay chung quanh, đèn được mái vòm có vách kính dày bảo vệ. Tầng giữa có vành đá ghép hình tròn và rào chắn thép bao bọc. Tầng thứ ba là buồng kỹ thuật có cửa vào, (chỉ mình cha được vào đó), lan can rộng hơn làm bằng đá ghép thành hình bát giác, mỗi cạnh lại có tám trụ đá dẹt ghép thẳng hàng. Thấy tôi chồm đầu lên trên thanh đá lan can, cha nuôi cứ phải luôn nhắc chừng phải hết sức cẩn thận. Cha nuôi dừng công việc ở tầng trên xuống đứng một bên, nghĩ chắc ông lo lắng, tôi nói “Con không sao đâu!”. Cha nuôi đứng cạnh bên đưa tay choàng qua người tôi và khe khẽ kể: Ngày trước, có người thường lên đây thòng dây thừng đu mình từ lan can xuống lấy tổ yến về bán. Một hôm, gió mạnh đột ngột thổi, ông ta không cách gì đu lên lại được. Sợi dây thừng bị đưa qua đưa lại cạ miết vào thanh đá lan can nên các tao dây đứt dần, đứt dần. Cho đến khi phần dây mỏng manh còn lại không chịu nổi sức nặng nữa thì đứt phựt. Một tiếng thét dài của sự sợ hãi tột độ bay từ ụ đèn ngân ngân xuống tận những con sóng trắng xóa, tận những mỏm đá nhô nhọn như bãi chông. Người bắt yến rơi xuống mỏm đá bên dưới tan xác. Cho tới giờ, cha nuôi vẫn còn ám ảnh cái chết không toàn thây thảm thương ấy… “Tháp làm bằng đá hoa cương, tường dày hơn mét rưỡi, không ngã được nhưng… gió- trên- cao- mạnh- lắm, chủ quan là bị thổi bay ngay!”, cha nuôi nghiêm mặt nói từng lời như vậy.
Đêm ấy, trong giấc chiêm bao, tôi mấy lần giật mình hét lên khi thấy chính mình bị rơi rất nhanh từ trên cao xuống những mỏm đá lởm chởm. Và tôi cứ mãi nghĩ về cảm giác bay trong không trung như một cánh chim nhưng cũng liên tục rùng mình vì nỗi sợ hãi đến đứng tim, ngừng thở đó.
Có lẽ cha nuôi biết tôi gặp ác mộng khi nghe kể về câu chuyện quá kinh hoàng của gã đàn ông thòng người trên dây bắt yến nên tìm mọi cách giúp tôi xua tan những thứ nặng nề ấy ra khỏi tâm trí. Là tôi đoán vậy khi nhìn ánh mắt có vẻ hơi hối hận khi đã kể cho tôi nghe câu chuyện khiếp đảm kia. Vừa sáng sớm, cha nuôi đã gọi tôi đến và tặng tôi một chiếc vợt lưới do tự tay ông làm. Chiếc vợt cũng không có gì đặc biệt, nó làm từ mảnh lưới cũ trôi dạt cha nuôi nhặt được và vòng sắt cũng hơi rỉ sét, cả mấy con sao biển và hải miên tím đỏ khô cứng cũng không lạ gì nhưng cái cách ông thì thào đầy vẻ bí mật và nói “Đây là chiếc vợt bắt giấc mơ” khiến tôi thích thú và tò mò. Cha nuôi nói thêm: bắt được giấc mơ đẹp hay lạc vào giấc mơ nặng nề là tùy người chủ của cây vợt nghen!
– Chiếc vợt này bắt được giấc mơ hả ba?! Hay quá! Con thích những giấc mơ đẹp! Tôi reo lên và cầm chiếc vợt có treo toòng teng mấy bạn sao biển, mấy bạn hải miên dễ thương kia mà chạy đi. Đến khi ra tận mép sóng biển dưới chân đảo đèn tôi mới nhận ra mình đã quên hỏi cha nuôi cách bắt giấc mơ như thế nào…
Sáng sớm, ngồi ăn mấy củ khoai lang luộc với cha nuôi mà ruột gan tôi nóng như lửa đốt. Có gì đó cứ khiến trong dạ bồn chồn, phấp phỏng không yên. Tôi ngốn nhanh mấy củ suýt nghẹn cổ, ực một gáo nước mưa rồi vội vàng chạy đi. Bãi biển dưới chân đảo đèn hôm nay cạn rốc, tôi định bụng không phải trèo qua “Ông Tướng Quân” mà đi vòng luôn qua bãi cát để đến ổ rùa. 
Chương III
Chiếc vợt bắt giấc mơ
Sáng sớm, ngồi ăn mấy củ khoai lang luộc với cha nuôi mà ruột gan tôi nóng như lửa đốt. Có gì đó cứ khiến trong dạ bồn chồn, phấp phỏng không yên. Tôi ngốn nhanh mấy củ suýt nghẹn cổ, ực một gáo nước mưa rồi vội vàng chạy đi. Bãi biển dưới chân đảo đèn hôm nay cạn rốc, tôi định bụng không phải trèo qua “Ông Tướng Quân” mà đi vòng luôn qua bãi cát để đến ổ rùa.
Vừa qua phiến đá bàn phẳng mặt ở bến ghe tôi đã nghe tiếng ríu rít loạn cuồng bất thường của đám chim ở hướng hai “Ông Tướng Quân”. Những con hải âu (còn gọi là mòng biển) liên tục cắp những vật gì đen đen bay vút lên cao rồi thả xuống…
Không! Không!… Tôi vừa hét lên vừa chạy khi đoán ra những vật đen đen ấy chính là những chú rùa sơ sinh. Một cảnh tượng thê lương đang diễn ra trước mắt  khiến ngực tôi nhói đau: Cả bầy hải âu bu lại xâu xé những chú rùa sơ sinh đang cố ngoi lên khỏi mặt cát và ra sức chèo lết về phía những con sóng. Chúng liên tiếp cắp  rùa con bay lên thả xuống cho dập mềm rồi sà tới ăn thịt, vừa vụt lên vụt xuống rào rào những con chim khùng này vừa hớn hở ríu rít trò chuyện, la hét nhau om sòm phở lở. Bầy dã tràng như những kẻ cắp đêm trăng bất động rình rập rồi đột ngột bươn thẳng tới nạn nhân bằng cả  tám que hai càng một lúc, chúng tranh nhau kẹp lôi những chú rùa con bị thương xuống hang. Một góc gần vách đá, hai gã chồn lông xám đang nhai rao ráo từng chú, từng cô rùa sơ sinh vừa chui lên từ lòng cát… Tôi ba chân bốn cẳng chạy đến hụt hơi, vừa chạy vừa khua tay vừa la ỏm trời ỏm đất. Bầy hải âu khùng lì lợm, không ai dạy dỗ vụt bay lên rồi quần qua chỗ khác khiến tôi phải nghĩ ra cách ném bất cứ thứ gì tìm được trên bãi cát.
Tôi thiệt tình không muốn làm tiếng chim nào bị thương cả nhưng chúng lì lợm quá sao tôi không bực mình cho được.
Lần đầu tiên trong đời tôi nghe tiếng chim hải âu chao chát đến vậy. Lần đầu tiên những cánh hải âu trắng muốt chao lượn là một phần nét đẹp thương thuộc của đảo đèn đã giảm đẹp bớt, bởi chúng thiệt sự không biết nghe lời.
Tôi vốc cát liên tục ném tung về phía những cánh trắng. Cuối cùng thì bầy chim không biết nghe lời đó cũng dạt ra, bay lượn qua lượn lại tít ngoài những con sóng đầu bạc. Hai gã chồn ma lanh ma le đã chia nhau ra hai đường, hễ tôi rượt gã này thì gã kia nhào tới chỗ ổ rùa canh me chú rùa nào vừa lú đầu lên là sực ngay. Quần nhau với hai gã chồn một hồi cũng ná thở, tôi ngồi phịch ra ngay gần ổ rùa. Hóa ra không làm gì hết thì lại được. Trong đời không phải lúc nào cũng hùng hục là ngon cơm đâu, tôi loáng thoáng trong đầu một bài học quý vừa rút ra. Hai gã chồn thấy tôi ngồi đó không dám tới, ngoái đầu, trố mắt một lúc rồi cụp hai chiếc đuôi dài như hai cái chổi tự đánh vào đít mình mà im lặng rút lui.
Tôi không ngờ bãi cát giữa hai “Ông Tướng Quân” lại trở thành bãi chiến trường tan hoang thương đau như thế, chung quanh tôi những phần cơ thể của rùa sơ sinh còn xót lại tạo ra những chấm đen tang tóc khiến tôi say xẩm mặt mày.
Mặt cát buồn! Bãi biển buồn! Những tiếng sóng ì oạp buồn!
Chưa bao giờ tôi thấy lòng mình buồn như thế! Tất cả cứ chao nghiêng, chao nghiêng, rã rượi. Tiếng chim hải âu cũng chao nghiêng, chao nghiêng. Tiếng rít rú của bà Gió cũng chao nghiêng, chao nghiêng… Tôi nhắm mắt lại nhoài người vòng hai tay ra quanh ổ rùa để cho những chú rùa ít oi còn lại nhô lên khỏi cát mà bò thẳng vào lòng mình. Dù nhắm mắt nhưng tôi vẫn cảm giác được từng bước chân mái chèo bé tí, từng mảnh yếm nhỏ nhắn nghiêng qua nghiêng lại chạm vào da thịt mình nhồn nhột, thương thương. Những em bé sơ sinh nhỏ bé yếu đuối này cần được bảo vệ biết bao, cần được thương yêu biết bao!
Tự dưng tôi nhớ đến thằng bé tôi trong lời kể của cha nuôi: Tôi đã tím tái thoi thóp với chút sự sống cuối cùng, mỏng manh trong vòng tay gồng lên co rút cứng đơ để bảo vệ con của má. May mà có cha nuôi! Ông đã vạch tấm lưới ra đúng lúc, đã cứu tôi sống lại sau cơn bão biển làm cho trời đất làng chài trắng khăn tang năm ấy… Giờ, tôi cũng phải giang đôi tay của mình để cứu những em bé sơ sinh rùa thôi!
Một chú. Hai chú. Ba chú. Bốn chú. Năm chú… Tôi vẫn bất động chờ đợi, chờ đợi một điều kỳ diệu tiếp theo nhưng mãi rồi không thấy thêm động tĩnh gì mới. Chỉ còn năm nhóc út ít này thôi sao?! Câu hỏi cũng chính là câu trả lời ấy làm cho tôi bàng hoàng, rã rượi như người mất điện. Lòng tôi chùng xuống. Ngực tôi trĩu xuống… Tôi hít một hơi thật sâu, căng tràn lồng ngực, cố lấy lại “cái tinh thần”, mở he hé mắt quan sát, thắc mắc thêm lần nữa nhưng đáp lại tôi chỉ một màu cát chói chang. Chói chang và im ắng. Tôi nhẹ nhàng đặt năm chú rùa dễ thương vào “chiếc vợt bắt giấc mơ”, vạch những bạn hải miên ra ngoài, sợ đụng chạm trầy vi trốc vảy năm bạn nhỏ, năm nhóc tì sóng sót qua cơn “bão dữ”. Một lúc sau, tôi lại vọc mạnh tay xuống cát, sục sạo lần cuối quanh vùng ổ rùa, buồn thay, hai bàn tay tôi chỉ đụng phải những chiếc vỏ trứng mỏng manh lẫn trong lòng cát lạnh.
Thở hắt ra một hơi thật dài, lòng tôi thiệt sự tái tê khi biết cả ổ rùa gần trăm trứng nhưng giờ chỉ còn vỏn vẹn năm chú rùa con, chắc chỉ vài nhóc lanh con chạy được đến biển. Tôi tự trách mình đã đến chậm, đã thất hứa với trái tim mẹ rùa, đã không hoàn thành nhiệm vụ “ấp bóng” để cho cuộc tàn sát đáng tiếc đã xảy ra. Hình ảnh trái tim mẹ rùa nóng ấm phập phồng cứ chaạp chờn trước mắt tôi. Phải chi… Phải chi… Phải chi… Tôi ôm chiếc vợt bắt giấc mơ với năm chú rùa bé nhỏ vào lòng mà miệng cứ lầm bầm mãi như thế với suy nghĩ dai dẳng mình thật đáng trách, thật đáng trách.
Tôi mang năm chú rùa lững thững đi ra biển, định thả cho các bạn nhỏ ấy về với đại dương mà lòng buồn rười rượi. Bất an quá! Những cơn sóng bất an cứ cuộn lên, cuộn lên từng đợt trong lòng. Tôi nhìn bãi nước cạn kéo tận ra xa, mặt nước rợp bóng chim hải âu, bầu trời riu ríu inh ỏi tiếng hải âu mà lo năm nhóc này sẽ cùng bị chung số phận với anh chị mình! Chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu: Sao mình không nuôi cho các bạn mồ côi mẹ tội nghiệp này lớn khôn hơn một chút rồi hãy thả về biển?! Ý nghĩ ấy làm tôi đứng sựng lại bần thần giây lâu giữa bãi cát ngập nắng. Tôi hình dung các chú rùa quanh quẩn bên tôi đòi ăn rồi khuya đến lại vạ vật thiếp ngủ bên tay bên chân tôi mà mỉm cười một mình. Cha nuôi tôi đã từng dạy là rùa biển ăn cỏ biển, tôi biết rồi; để có thức ăn cho các bạn thiệt là quá dễ dàng với tôi. Vậy thì… “Tại sao không?” Tôi phấn chấn hẳn lên với ý nghĩ này. Đây là cơ hội để tôi cứu vớt lỗi lầm thất hứa với trái tim mẹ rùa. Và bước chân tôi tự nhiên đi về phía nhà đèn, hai tay tôi ôm ấp chiếc vợt với những “giấc mơ” nhỏ bé ngọ ngoạy bên trong mà mình vừa có được. Tôi cứ ngắm mãi chiếc vợt kỳ diệu, ngắm những chú sao biển, hải miêng lủng lẳng xung quanh và cuối cùng là ngắm năm nhóc nhỏ dễ thương. Lòng tôi ắp tràn, rưng rưng niềm thương yêu vô cùng vô tận không chỉ với năm nhóc cưng mà còn với cả cuộc đời này…
Cha nuôi tôi khuyên đến lần thứ tư: “Hãy để cho chúng về với biển con à! Trời đất đã sinh ra chúng phải chịu kiếp nạn như vậy rồi”. Tôi biết là cha nuôi sợ tôi vụng về sẽ làm chết chúng. Cái tội của người lớn là lúc nào cũng nghĩ con cháu mình luôn trẻ con, tôi quá hiểu điều này mà. Tết này, tôi đã chín tuổi rồi, trẻ con cái nỗi gì nữa!
Tôi vẫn giữ ý mình, vui thích thật sự với vai trò “bảo mẫu” và cuộc sống chung đặc biệt với năm nhóc rùa thương thương. Một hôm, tôi lội dọc chân vách đá hái rong biển (cha nuôi tôi gọi là cỏ biển) về thì thấy một hộp gỗ lớn mới đóng đặt cạnh giường. Tôi biết ngay là của cha nuôi! Vậy là cha đã đồng ý cho tôi nuôi tiếp năm nhóc rùa biển này rồi! Tôi mừng quá nhảy cẫng lên reo mừng. Cha nuôi bước vào nhà từ lúc nào, đứng im lặng nhìn; ông thường có kiểu đứng vòng tay, nhìn mà không hé răng nửa lời như thế. Trước khi nhấc chân ra ngoài, ông khe khẽ: “Nhưng… phải hứa… thả chúng về với biển khi chúng mạnh mẽ nghen!”.  Khỏe re! Tưởng gì! Chỉ cần được bảo vệ chúng qua đoạn khó khăn nguy hiểm này thôi, vậy là tôi mãn nguyện rồi, mừng rồi. Tôi “dạ “ một tiếng rõ to rồi nhảy chân sáo lòng vòng quanh căn phòng, lòng hớn hở, vui sướng như mở cờ trong bụng.
Sau khi lót cỏ khô và mấy cái bao bố cũ của cha nuôi cho, tôi nhấc từng nhóc rùa đặt vào “ngôi nhà mới”. Cho chúng một ít rong biển nữa. Đứng ngắm đã đời xong tôi ra sân đứng vươn vai nhìn quanh quất, ngước nhìn trật ót xem bầy én trên ụ đèn có gì vui mà ríu rít om sòm đến vậy. Chưa bao giờ tôi thấy đảo đèn đẹp như hôm ấy! Con đường thơm với hai hàng sứ già đang ở ngay trước mắt tôi mà cứ kỳ ảo, lung linh như vừa hiện ra từ những câu truyện cổ tích xa xưa, nơi có nàng công  chúa ngủ mãi trong rừng đợi bước chân của chàng hoàng tử uy quyền, nơi những bông hoa trắng muốt, bé nhỏ cũng biết thổn thức, ca hát bằng tiếng người. Tôi bước lên từng cấp đá rêu phong mà cứ hình dung mình đang ưỡn ngực bước đi trên con đường ảo mộng đến xứ sở Ước mơ… Chợt tôi nhận ra chiếc vợt bắt giấc mơ của cha nuôi tặng lung linh kì diệu biết bao. Lòng tôi như một bông hoa đang xòe nở, vui mừng không kể xiết.
Đợi con sóng rút xuống, tôi ẩy tay mạnh một cái cho Út lao ra làn nước. Út chao người trong cơn sóng rồi lẳng lặng, buồn bã bơi đi, bơi đi. Làn nước xanh chao chao, lóng lánh trong lòng nó những đường sáng cong lượn, hình như biển đang muốn nhắc đến những con đường mà ở đó, chúng tôi, tôi và năm bạn rùa quá thương của mình, phải luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp, luôn- nghĩ- đến- những- điều- tốt- đẹp…
Chương IV
Vũng Hải Miên chiều ấy
Út! Đi nhẹ nhàng thôi! Có nghe nhạc dưới chân không?! Tôi cúi xuống đưa một ngón tay lên miệng nói khẽ với nhóc rùa Út…
– Kẻ Hoang Đàng! Đi cho thẳng hàng! Vào giữa sống cát tiếng nhạc phát ra mới hay! Tôi quay qua nhắc nhóc rùa to con và mất trật tự nhất nhà…
– Cầu Ngói ơi là Cầu Ngói! Phải đi tới chớ, đứng lại là cản đường người khác, không biết à…
Thiệt sự là tôi vui nhưng rất mệt khi dẫn bầy rùa đi chơi trên bãi biển quanh chân đảo đèn, nhất là tập cho mấy nhóc tham gia vào trò chơi nhạc cát. Cứ phải thì thào, la lối nhắc nhở mãi, không phải lúc nào các chú nhỏ cũng biết nghe lời.
Một năm trôi qua, năm nhóc rùa vẫn gắn bó với tôi, chúng đã biết nghe vài hiệu lệnh từ những ngón tay gõ gõ và lời nói. Tôi đặt tên cho năm nhóc khi chúng  còn bé tẹo, giờ đây, nghe gọi đến tên chúng cũng đã nhận ra là “bạn chủ đang gọi mình”. Nhóc lớn nhất thích đi chơi xa báo hại tôi phải tìm mấy lần toát mồ hôi hột nên tôi đặt tên là Kẻ Hoang Đàng. Nhóc thứ hai có chiếc mai khá tròn và các gai quanh mép mai đều đặn nên gọi là Mai Tròn. Nhóc thứ ba giữa mai có sống nhô cao xếp lớp nên tôi gọi là Cầu Ngói (dựa vào câu chuyện ông tôi kể có cây cầu ngói ở ngoài xứ Quảng). Nhóc thứ tư có hai mái chèo trước phát triển khá to, đi nhanh nên nhóc có tên là Lực Sĩ. Nhóc út nhỏ con nhất, mỏng và dẹt, nên tên cũng đơn giản, gọi là Út thôi. Tôi cưng Út nhất, hay cho nhóc bò lên nằm ngủ trên ngực tôi. Có khi đang ngủ say tôi trở mình bất ngờ làm cho Út lăn lông lốc xuống giường, vài ba lần gì đó bị lật ngửa cứ quơ quơ mái chèo suốt cả đêm, thiệt tội nghiệp.
Loanh quanh đâu đó trở về, tôi sựng người khi bắt gặp cha nuôi đang ngồi chồm hổm xem say sưa mấy nhóc rùa của tôi. Tới gần tôi mới nhận ra cha nuôi đã nhặt về cho mấy nhóc rùa một con sứa biển tròn tròn, cơ thể trong veo. Biết tôi đứng ngay sau lưng nên cha nuôi nói luôn: “Rùa biển thích ăn sứa nhưng không phải là sứa lửa nghen, sứa lửa là loại có chấm đỏ trên thân rất độc. Bọn nhỏ này cả năm rồi mà chỉ tí tẹo, chúng nhịn đói giỏi nhưng phải cho ăn nhiều thì mới lớn nhanh. Rùa biển phải ăn thêm hải miên mới cứng cáp được. Ở vùng biển của mình có nhiều loài hải miên, loài nào rùa cũng ăn được. Hải miên giỏ hoa ở đáy biển sâu nhất, trên cạn hơn thì có hải miên ngón tay vàng, ngón tay tím, ngón tay đỏ, hải miên da voi, hải miên nậm rượu, hải miên túi tua, hải miên chanh… Hải miên có nhiều ở vũng nước phía đông đảo, khi nào con cần lấy thì nói ba chèo ghe chở đi hoặc sẵn ba đi câu cá ngang qua đó sẽ ghé lại lấy về một ít. Cha nuôi giảng giải thêm: Hải miên nhìn mắt thường thấy bất động vậy nhưng nó là động vật thân lỗ. Mỗi ngày, hải miên bơm rất nhiều nước qua các lỗ trên cơ thể để lọc lấy các sinh vật đơn bào bé nhỏ làm thức ăn. Phải lọc cả ngàn lít nước, chúng mới có được chút thức ăn và khí thở…
Tôi đã theo lên ghe vài lần chèo đi lấy hải miên. Sau, thấy tôi lặn sâu nguy hiểm nên cứ đi câu về là cha nuôi ghé lặn lấy hải miên cho luôn. Cũng có lúc ba còn đưa tôi mấy con cá để băm nhỏ cho rùa ăn. Mấy nhóc thích lắm, tranh nhau ăn, có khi nhóc Lực Sĩ còn hất Kẻ Hoang Đàng lật ngửa yếm lên trời làm tôi cười muốn đau bụng luôn.
Năm nhóc rùa của tôi dạo này đã lớn lên trông thấy, có nhóc mai đã bằng chiếc chiếc dĩa lớn. Khi cọ tắm cho mấy nhóc, mỗi lần nhấc chúng lên đã thấy nằng nặng đôi tay. Những bữa dắt rùa đi chơi ngoài bãi biển của tôi cũng ít dần đi, các bạn ấy chèo chân đi nhanh quá khiến tôi rượt theo muốn ná thở luôn. Chiếc thùng gỗ cũng đã chật cứng, mấy nhóc phải gác đè lên nhau mà ngủ.
Càng ăn nhiều càng lớn nhanh và càng lớn càng ăn nhiều. Đó là điều mấy nhóc rùa khiến cha con tôi bắt đầu đuối sức. Nhiều lần cha nuôi đi câu cá vào không đủ cá cho chúng, mà sóng to gió lớn quá cũng không lấy được bao nhiêu rong biển nên năm nhóc rùa đói cồn cào bắt đầu bò đi khắp nơi. Chúng trèo lên cả gối mền của cha nuôi tìm thức ăn.
Chuyện gì đến đã phải đến. Trong bữa ăn của hai cha con, ba dừng đũa nghiêm giọng nói với tôi: Biết là con sẽ buồn nhưng ba phải nói: Năm con rùa nay đã lớn, đã mạnh mẽ, đã tự bảo vệ được mình rồi. Con không thể sống với chúng mãi được, phải thả chúng về với biển cả con à!
Nghe vậy, tôi bỏ đũa không ăn nữa, chạy vụt ra bãi biển. Tôi xoài người, dựa lưng vào tảng đá “Ông Tướng Quân” mà lòng buồn rười rượi. Một lúc sau thì cha nuôi cũng tìm ra được tôi. Đứng dựa lưng vào tảng đá “Ông Tướng Quân” bên kia, cha nuôi im lặng nhìn tôi, mãi ông mới chậm rãi nói: “Chính… điều… người ta sợ hãi nhất… nhưng khi vượt qua được thì nó lại khiến người ta… trở nên mạnh mẽ… nhất…” Cha nuôi chỉ nói vậy rồi lại im.
Lúc ấy, tôi không nghĩ ngợi gì cả, lòng tôi đang chết điếng mà. Nghĩ tới cảnh phải xa lũ nhóc rùa thôi là tâm hồn tôi đã tan nát, còn hơi sức đâu nữa mà nghĩ ngợi gì. Nhưng đến tối, trong khi trằn trọc, chập chờn trên giường thì câu nói của cha nuôi đã quay trở lại, tôi ngạc nhiên biết mình nhớ không sót một tiếng nào. Dường như câu nói ấy đã nhập tâm một cách tự nhiên khiến tôi không cố mà vẫn nhớ mồn một vậy. Đúng là tôi đã rất sợ cái ngày phải chia tay! Tôi hít một hơi sâu, không khí căng tràn lồng ngực… Chợt tôi hiểu và đồng ý với cha nuôi, tôi sẽ vượt qua, sẽ mạnh mẽ.
Tôi cũng không ngờ cuộc chia tay trên bãi phía vũng Hải Miên lại diễn ra nhanh như vậy, (vũng Hải Miên là do tôi gọi tên như thế, chỉ tôi với cha nuôi biết). Chiều ấy, gió lấm lem. Gió rát. Hình như trong gió có mùi nước mắt! Bà Gió khó ở hay sao mà lúc lại tung bên này lúc lại hất bên kia khiến cát bay mù trời. Ngày thường vũng Hải Miên nước trong xanh như ngọc, nhìn thấy cả những thân hải miên tím đỏ lớp lớp dưới đáy nhưng giờ thì sóng đục bụi mù như có bàn tay khổng lồ nào đó cố tình khuấy nháo nhào cả lên. Từ Hòn Thụt, Hòn Thò bên ngoài vũng Hải Miên, sóng lớn ì đùng đập vào Hòn Thụt, nước lại lòn dưới gầm đá qua Hòn Thò trào ào ào xuống. Mọi thứ cứ khiến tôi muốn ù lỗ tai, đã buồn lại ồn ào ai mà chịu nổi! Cha nuôi chọn bãi trước vũng Hải Miên để thả rùa. Ba nói: Thứ nhất, vũng ấy có nhiều thức ăn cho rùa, thứ hai, rùa đã lớn, vũng càng sâu càng tốt, không có gì đe dọa chúng được. Hơn nữa, Hòn Thò, Hòn Thụt tạo dòng nước động nhẹ quanh năm góp phần làm cho  phù du phát triển, cỏ biển mọc cũng nhiều…
Cha con tôi đã ì ạch khiêng cả thùng gỗ, tức ngôi nhà của các bạn rùa, ra tận mép nước.
Ba đứng quay mặt đi để cho tôi tự tay nhấc từng bạn rùa đặt xuống mép nước. Thỉnh thoảng tôi thấy cha nuôi quay mặt lại nhìn, hai mắt ươn ướt nên biết lòng ba cũng ngập tràn lòng thương cảm, xót xa. Tôi vuốt vuốt tấm mai có những đường vân sáng trưng, mềm mại của chú rùa có những chân chèo to lớn, mạnh mẽ và rưng rưng nói:
-Lực Sĩ! Bạn về với biển đi nghen! Tạm biệt nhóc! Bạn chủ sẽ nhớ nhóc lắm, biết không?!…
Các mái chèo khua vội, bóng rùa lao vụt vào làn nước xanh. Tôi dõi mắt theo, dõi theo mãi. Khi đã hút bóng Lực Sĩ trong làn nước thì trước mắt tôi lại hiển hiện hình ảnh Lực Sĩ nhấn nhá từng mái chèo trên giồng cát ngày nào, cứ mỗi bước lại dừng, lại ngóc đầu nhìn tôi. Mỗi khi được tôi khen là đôi mắt Lực Sĩ ánh lên vui vẻ lắm. Thương quá những kỷ niệm! Không bao giờ chúng ta có một dịp nào để cùng nhau chơi đùa như những ngày qua, phải không Lực Sĩ?! …
Từ tầm xa cả chục mét, chợt Lực Sĩ ngóc đầu lên mặt nước, bạn ấy từ từ quay đầu lại nhìn. Tôi đưa tay vẫy vẫy mà nước mắt đầm đìa hai bên má. Tôi không còn nhớ mình đã khóc nấc bao lâu sau cú ngóc đầu nhìn lại của chú rùa Lực Sĩ thương mến ấy.
Mai Tròn tạm biệt tôi bằng một cú lộn nhào, bơi vòng tròn đến mấy lần rồi mới  giang mái chèo bơi thẳng ra biển. Cầu chúc cho bạn luôn sống hạnh phúc! Mai Tròn có nhớ lời của cha không?!  Hạnh phúc là… con đường mà ở đó ta luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp đó bạn… Tôi ngồi bần thần mãi cùng những lời tâm sự thì thầm mà hai vai cứ chốc chốc lại rung giật, nước mắt cứ chảy tràn âm ấm xuống hai má.
Cầu Ngói không chịu xa tôi, phải ba lần đẩy bạn ấy xuống nước nhưng cả ba lần bạn ấy đều lạch bạch quay lại. Đến bên chân tôi bạn ấy nằm ẹp xuống, ngước đôi mắt trong veo nhìn tôi, cứ nhìn mãi thôi, không một tiếng ư hử. Tôi nói gì bạn ấy cũng giương đôi mắt buồn rười rượi ngây ngô ngó. Nằm ì ra đó, cơ thể không nhúc nhích, dường như bạn ấy vẫn không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tại sao phải rời bạn chủ mà đi?! Tại sao lại chia tay?!… Cuối cùng, tôi phải chọn cách khó nhọc nhất là bơi cùng Cầu Ngói một đoạn rồi bất ngờ ngoặt người bơi ngược vào bờ. Trên làn nước xanh biếc êm ả, tôi rưng rưng khi nhìn cái chấm đen thân thương kia đã hơn ba lần xoay xoay ngó ngó vào bờ.
Kẻ Hoang Đàng đã tỏ ra mạnh mẽ hơn trong cuộc phân ly. Bạn ấy được thả vào nước như “cọp được thả vào rừng”, hớn hở bơi ào đi. Đang chuẩn bị chia tay với Út thì thật bất ngờ tôi thấy Kẻ Hoang Đàng quay lại cách bờ khoảng ba mét. Thôi rồi, tâm hồn kẻ cứng rắn nhất giờ cũng nhũn ra rồi! “Kẻ Hoang Đàng! Hãy sống mạnh mẽ cho đến ngày quay lại chính bãi bờ này mà sinh con nghen!”, tôi nhào ra mép con sóng vẫy tay liên hồi và nói thật to để át tiếng bà Gió. Khua mái chèo trụ một chỗ, đầu ngóc lên thật cao, hụp xuống rồi lại ngóc lên cao, đến lần thứ tư Kẻ Hoang Đàng mới xoay người bơi đi thật.
Út bịn rịn trong đôi tay tôi khá lâu. Tôi nâng Út lên áp vào má mình, hôn Út đến năm lần bảy lượt mới đặt Út xuống mép nước. Út quay người bò vội lên bờ. Tôi lại đặt Út xuống lại mép nước và nói: Chắc mẹ rùa của Út vui lắm khi biết có ngày này! Út phải về với biển! Biển mới là ngôi nhà thực sự và lâu dài… Không thèm nhớ Út đâu! Đi… đi… Đi đi! Sống hạnh phúc! Hãy sống hạnh phúc!… Đợi con sóng rút xuống, tôi ẩy tay mạnh một cái cho Út lao ra làn nước. Út chao người trong cơn sóng rồi lẳng lặng, buồn bã bơi đi, bơi đi. Làn nước xanh chao chao, lóng lánh trong lòng nó những đường sáng cong lượn, hình như biển đang muốn nhắc đến những con đường mà ở đó, chúng tôi, tôi và năm bạn rùa quá thương của mình, phải luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp, luôn- nghĩ- đến- những- điều- tốt- đẹp.
Chú rùa Út kỳ diệu của tôi đã bay vượt qua sóng dồi gió giật, dù có lúc bị đánh bạt, có lúc lạng người suýt rơi nhưng cuối cùng đã đáp xuống được trước mặt cha nuôi tôi. Nhìn đầu sợi thừng đã từ từ trườn xuống nước, tôi biết cha đã hiểu ý tôi nên nhận đầu cước từ rùa Út đã cẩn thận thu cước về phía mình để nắm được sợi thừng mà lần người theo vào bờ…
Chương VIII:
Bay trong bão tố
Dạo này, rùa Út đã lớn phổng phao, mai to ngang chiếc thúng đựng gạo, cha nuôi phải nhờ người mua một tay lưới bén để kéo cá thì mới đủ cho Út ăn, nếu câu như trước nay thì cứ thiếu trước hụt sau. Mỗi lần đi thả lưới vô cha nuôi bao giờ cũng nhớ lặn lấy thêm hải miên và cỏ biển cho rùa Út. Tôi biết cha nuôi thương tôi nên mới thương Út đến như vậy. Mỗi lần cha nuôi lên ghe chèo đi là tôi với Út ra bãi đứng nhìn theo.
Lần này, tôi và Út đang đứng đợi cha nuôi về thì bầu trời chợt tối sầm lại, mây đen ùn ùn kéo tới rất nhanh. Bà Gió chẳng biết giận gì ai mà chém mạnh từng luồng, từng luồng rát mặt. Bà Gió là chúa “giận cá chém thớt”, tôi sống ở đảo nên quen quá rồi nhưng lần này thì bà làm dữ thiệt. Chắc là bão lớn! Bà Bão là chị ruột của bà Gió mà! Tôi và Út ba chân bốn cẳng chạy nhanh vào núp dưới chân hai tảng đá “Ông Tướng Quân”. Từ đây chúng tôi vẫn nhìn thấy cha nuôi đang hối hả thu lưới lên ghe. Lòng tôi như có lửa đốt khi nhìn thấy mây đen càng lúc càng sậm xịt, xa xa trong mịt mù u ám đe dọa kia là những tia chớp chốc chốc lại rạch roẹt sáng lòa.
Cha nuôi đã chèo ghe quay vào khiến tôi và Út đều mừng khấp khởi. “Cố lên ba ơi!” “Cố lên ba ơi!”… Biết là không cách gì ba nghe được vì ghe ba còn ở quá xa mà trời đất thì gầm gừ, rít rú, ràn rạt vầy nhưng tôi vẫn vừa nhảy lên vừa hét lớn. “Đôi khi hét thiệt to cũng làm cho người ta bớt sợ, phải không Út?!”, tôi ngồi xuống ôm ngang cổ Út thì thào, cũng là để tự trấn an mình.
Cơn bão ào tới dữ dội. Mặt biển tung sóng ầm ào. Trời đất tối tăm xám xịt một màu. Gió mạnh như những luồng roi quất đau điếng vào da thịt. Cha nuôi đang chèo cật lực vào bờ thì một con sóng cao ngất như một tòa nhà lớn từ phía sau ập tới. Chiếc ghe lộn nhào, lụp chụp, run rẩy mặc cho con sóng lùa đi. Nhìn thấy cha nuôi vừa bị hất văng ra thì một con sóng khác to hơn lại ào đến nhấn chìm lĩm, tim tôi như ngừng đập. Tôi chết điếng cuống cuồng nhào ra mép sóng gào thét “Cha ơi!” Cha ơi! Cha bơi vào đi! Con sợ quá!… Cha đâu mất rồi, cha ơi!”…
Mặt biển vẫn ầm ào dữ tợn. Bà Gió bà Bão vẫn “giận cá chém thớt” cắt cứa tung hê mọi vật. Mưa lại hùa thêm liên tiếp ném những hạt mưa đau rát vào mặt tôi. Rồi mưa thật lớn, đùng đùng, ào ào. Nước trút. Nước giật tứ phía. Chiếc ghe vẫn đang lật úp dập duềnh trong sóng nước nhưng không thấy bóng dáng cha nuôi. Tôi chạy đến đâu thì Út theo đến đó, là chạy cuống cuồng vậy thôi chớ không biết phải làm gì, chạy đến chỗ này nhón chân căng mắt nhìn, chạy đến chỗ kia nhón chân căng mắt nhìn. Vẫn không thấy cha nuôi đâu cả! “Út ơi! Cha nuôi bị trôi đi đâu rồi! Làm sao bây giờ? Làm sao bây giờ? Làm sao bây giờ Út ơi? Không có cha nuôi mình biết làm sao bây giờ Út ơi!?”… Tôi ôm mặt khóc hu hu, nước mắt nhòa lẫn trong nước mưa ràn rụa trên mặt. Tôi gục xuống trong cơn tuyệt vọng, hai tay choàng lấy cổ rùa Út.
Chợt mắt tôi sáng lên khi vừa ngước lên. Nín bặt. Cha nuôi! Đúng là cha rồi! Một cánh tay cha đã bám vào được đáy ghe nhưng sóng to gió lớn dữ quá không thể bơi vào được. Tôi bật dậy như chiếc lò so chỉ cho Út coi: Ba đó! Ba đó! Út thấy chưa, thấy chưa, thấy chưa? Út nhìn rồi gật gật đầu. “Làm gì bây giờ? Làm gì bây giờ? Làm gì để cứu ba Út ơi?” Tôi hỏi Út rồi Út biết hỏi ai. Tôi hỏi mãi Út ngó lên nhìn tôi mãi. Cơn bão càng lúc càng tăng dần, có lúc tôi suýt bị bay thốc đi mấy lần.
Chợt tôi chạy băng đi, chạy hết bãi cát, chạy qua bến ghe, chạy hộc tốc lên hết những cấp đá dọc theo con đường bông sứ, chạy đến được nhà kho. Kho đóng khóa.   Tôi sựng lại, bất động, hai tay buông thỏng mặc cho nước mưa tuôn túa xối xả, mặc   gió quất từng luồng roi, từng luồng roi ghê gớm. Tôi không còn biết đau nữa. Tôi đứng đơ giữa trời đất. Tôi định chạy lên lấy dây thừng dây câu trong kho ra cứu cha nhưng oái oăm cha đã khóa kho mất rồi… Tôi chợt nhớ chỗ cha giấu chìa khóa dưới viên đá, mừng quá, tôi dùng hai tay đã tê lạnh của mình cố lật viên đá lên, đúng là có chìa khóa rồi… Mừng đến run giật người!
Cuộn dây thừng lớn tôi tròng lên vai, hai tay ôm thêm mấy cuộn cước câu nữa, cứ thế mà chạy. Lỉnh kỉnh, vướng víu và nặng nữa nên tôi cứ té lăn cù, cứ lồm cồm bò dậy mấy lần. Lại chạy. Chạy hộc tốc. Cha ơi! Chờ con nghen! Cha ơi! Chờ con! Chờ con! Tôi vừa chạy vừa thì thào một mình trong mưa gió bão bùng. Nước mưa, gió bão quất rát rạt, tôi vẫn chạy. Không kịp rồi, phải chạy nhanh nữa! Tôi ra lệnh cho mình mặc dù có lúc hai chân tôi muốn khụy xuống, cả người muốn đổ gục, lăn đi đâu thì lăn…
May quá! Cha vẫn còn ngâm mình trong sóng nước, một tay vẫn còn bám vào cái đáy ghe bị lật úp. Tôi lo sợ cha nuôi sẽ không chịu đựng nổi nữa mà buông tay chìm vào dòng nước đang hung hãn chờm lên thụp xuống kia. Sóng đổ ập từng cơn khủng khiếp như trời giáng. Gió rít mạnh đến khó mở mắt ra được. Tay tôi run lập cập nhưng vẫn cố gắng buộc một đầu cuộn cước vào người Út, định bụng khi cha nuôi nắm được đầu dây rồi tôi sẽ nối đầu kia vào dây thừng, tự khắc ba sẽ biết phải rút dây ra như thế nào. Giờ chỉ trông cậy hết vào Út thôi! Không ai có thể bơi được trong cơn bão dữ thế này.
“Út bơi ra chỗ ba đi!”… “Út bơi ra chỗ ba đi!”… “Út bơi ra chỗ ba đi!”… Vừa gút được mối dây tôi vội vàng chỉ ra chỗ ba vừa nói với Út, vừa vỗ về, năn nỉ. Có vẻ như Út không biết phải làm gì. Tôi quýnh quíu đưa đoạn dây cước cho Út thấy rồi chỉ tay về phía ba. Vẫn không động tĩnh. Đôi mắt Út vẫn ngơ ngơ. “Chắc là không kịp rồi!” Ý nghĩ ấy lầm tôi đau nhói trong ngực. Gió càng lúc càng giật dữ dội. Nỗi lo sợ đang thiêu cháy trong lòng, tôi hét lên: Bay! Bay! Bay đến chỗ ba đi mà Út! Ngay lúc ấy, điều kỳ lạ đã xảy ra! Tôi mừng hết lớn khi thấy Út mang sợi dây ào xuống mép sóng. Út ra sức quạt hai mái chèo, nhanh dần, nhanh dần, nhanh dần. “Bạch”… vừa nhô lên khỏi mặt nước một đoạn, Út đã rơi xuống lại làm nước văng tung tóe. Hai mái chèo lại nhanh dần, nhanh dần, nhanh dần… Đôi cánh trắng trên mai rùa đột ngột mọc lên như những tấm lụa dệt bằng ánh sáng. Và thật kỳ diệu, trong cơn cấp bách, Út đã nhô người lên khỏi mặt nước và bay ngược chiều gió bão, bay thật sự, bay như chim đại bàng lượn thẳng băng về phía trước. Không thể tưởng tượng nổi! Trước đây, Út bay lên một đoạn ngắn đã làm tôi mừng đến trào nước mắt, vậy mà bây giờ ngay trước mắt tôi và ba, Út đã bay lên ngoạn mục như một cánh đại bàng.
“Cố nữa Út ơi!”, tôi vừa tháo nhanh các vòng cước vừa cổ vũ Út trong nước mắt ràn rụa. Chợt Út chao lạng đi vì một luồng gió bạt quá mạnh. Tôi học theo cha nuôi miệng lầm rầm: Cầu trời khấn Phật cho sợi cước không bị đứt! Tôi đã nhìn thấy cái ngước mắt kinh ngạc của cha khi nhận ra chú rùa Út đang bay về phía mình. Nối nhanh đầu cước còn lại vào đầu sợi dây thừng rồi tôi nhảy nhảy lên, đưa đầu dây thừng lên cao cho ba thấy. Cha nuôi đã thấy, đã hiểu nên ba gật gật đầu mấy cái liền.
Chú rùa Út kỳ diệu của tôi đã bay vượt qua sóng dồi gió giật, dù có lúc bị đánh bạt, có lúc lạng người suýt rơi nhưng cuối cùng đã đáp xuống được trước mặt cha nuôi tôi. Nhìn đầu sợi thừng đã từ từ trườn xuống nước, tôi biết cha đã hiểu ý tôi nên nhận đầu cước từ rùa Út đã cẩn thận thu cước về phía mình để nắm được sợi thừng mà lần người theo vào bờ.
Gió bão càng lúc càng mạnh dần, tiếp tục ngồi ngoài bãi trống tôi sẽ bị thổi bay  ngay nên cầm một đâu dây thừng tôi lồm cồm bò vào tảng đá “Ông Tướng Quân”. Men người quanh tảng đá không biết bao nhiêu vòng tôi mới chịu buộc gút lại và áp mặt ôm chặt người vào tảng đá luôn. Người tôi muốn lả đi vì mệt nhưng tôi vẫn ráng hé mắt theo dõi ba đang chầm chậm nắm sợi dây thừng đưa người nhích dần vào bờ. Khi đã chắc là ba đang trườn người lên bãi cát tôi mới thiếp đi, không còn biết gì nữa.
Tỉnh lại tôi đã thấy mình đang nằm trong nhà, quanh người là chiếc mền dày và ngay cạnh giường là rùa Út đang giương đôi mắt trong veo nhìn tôi. Một lúc lâu sau, ba mới bước vào, hai tay bưng một tô cháo nóng đang bốc hơi nghi ngút…
Vậy là cha nuôi đã được cứu sống một cách thần kỳ nhờ rùa Út đã mang sợi dây bay qua cơn bão dữ… Tôi dần nhớ lại mọi chuyện và cảm thấy tự hào về người bạn nhỏ của mình vô cùng.
1/6/2024
Nguyễn Hiệp
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1 Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lạ...