Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

 

Hải âu đi tìm cha

“Hải âu đi tìm cha” là truyện dài thiếu nhi của nhà văn Trần Thu Hằng ở Đồng Nai, vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, dành cho lứa tuổi 8+.

“Chim hải âu là loài rất thích biển đẹp, trời đẹp, bãi cát đẹp… Mẹ con đã sinh ra con trong hình hài một quả trứng, và bố ấp ủ con, rồi chăm sóc cho con từ khi con được sinh ra cho đến khi nở thành chú hải âu vô cùng đáng yêu. Bố đã tìm mồi, nghiền cả thật nhuyễn để mớm cho con, ủ ấm cho con, che gió cho con…” (trích tác phẩm)

Chim hải âu cùng biển cả là biểu tượng của khát vọng và tự do. Hai chú hải âu bé nhỏ Len và Lin thật may mắn khi được lên tàu cùng các anh chiến sĩ hải quân và đoàn đại biểu ra thăm Trường Sa. Hành trình khám phá biển đảo của hai chú chim non cũng là hành trình tìm kiếm người cha thất lạc từ lâu. Len và Lin có tìm được cha hay không? Hai chú hải âu có những khám phá diệu kì nào nơi các hòn đảo thân yêu và nhà giàn của Tổ Quốc? Chuyến du hành tuyệt vời đã mang đến những trải nghiệm và những bài học gì cho những chú chim hải âu thơ ngây và đáng yêu ấy?

Theo Nhà xuất bản Kim Đồng, “Hải âu đi tìm cha” là một hành trình tràn đầy cảm hứng tự do và chan chứa yêu thương. Hãy mở quyển sách này ra, cùng Len và Lin học hỏi, cảm nhận, thay đổi để trưởng thành, và được sống những tháng ngày tươi đẹp giữa biển trời bao la của đất nước.

Vanvn.vn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc trích đoạn tác phẩm “Hải âu đi tìm cha” của nhà văn Trần Thu Hằng.

 

Phần 3:

ĐIỆP VỤ GIỮA BIỂN KHƠI

 

Sáng sớm hôm sau, Lin dậy trước và đánh thức Len dậy:

– Đi ra biển bắt cá đi.

– Hôm nay trên tàu không có thức ăn à anh Lin? – Len hỏi.

– Không phải. Các anh nuôi lúc nào cũng để dành thức ăn cho bọn mình, nhưng ăn cơm với cá kho hoài chán lắm. Ra biển bắt cá vừa vui, vừa gặp được nhiều bạn mới…

Nghe nói gặp nhiều bạn mới là Len dậy ngay. Bay ra khỏi khoang hàng, cả hai thấy các anh đang ngồi ăn sáng, nhưng Lin phớt tỉnh bay đi mặc kệ các anh gọi. Len không vội bay theo Lin, mà đến gần anh Minh kêu mấy tiếng “oóc oóc oóc…!” như muốn kể lại câu chuyện nghe được trên loa tối qua. Anh Minh sợ Len buồn nên vỗ về cậu: “Hôm nay nhớ đi theo anh nhé, hôm nay sẽ có đông người hơn hôm qua, sẽ vui nhiều đấy!” Một anh mặc đồng phục rằn ri ngồi bên cạnh lại gạt đi: “Nó biết gì mà vui với buồn, kệ nó đi!” Một anh khác cũng nói: “Hải âu ra biển như thả hổ về rừng, cậu đừng lo cho bọn nó…”

Len nghe vậy thì bay vút ra. Trong ánh sáng ban mai thanh tĩnh, có một cơn mưa rất nhẹ đang lướt qua, làm ướt sàn tàu và hàng lan can. Mọi người vẫn tụ tập khá đông để đón mặt trời lên, và họ chỉ trỏ về phía Lin đang chao lượn bên thành tàu, thậm chí còn chụp ảnh, quay phim.

A bird on a hill

Description automatically generatedBìa sách “Hải âu đi tìm cha” của Trần Thu Hằng

– Kìa, có thêm một chú hải âu nữa! Trông yêu chưa kìa!

Mọi người kêu lên thích thú khi thấy Len bay theo Lin. Lin phấn khích hẳn lên:

– Nào, bây giờ nhào lộn bắt cá nhé. Nhào lộn cho đẹp vào, mọi người đang quay phim chúng mình đấy!

– Em chưa biết bắt cá. Lỡ bị ngã ngửa giống hôm qua thì kỳ cục lắm.

– Làm sao mà ngã được. Cứ làm đi sẽ được!

Nói xong, Lin lấy đà cắm đầu thật sâu xuống nước. Len cũng lấy đà làm theo. Có điều Lin ngóc đầu ngoi lên khỏi mặt nước ngay, còn Len thì khi chúi xuống đã cố mở mắt thật to ra tìm cá, nhưng chẳng thấy gì. Cậu kêu to lên gọi Lin: “Anh Lin ơi, không thấy cá!” Lin liền liến thoắng gọi lại:

– Làm lại, làm lại nào!

Thế là cả hai lại đồng diễn cái cảnh bắt cá và được rất nhiều người trên tàu tán thưởng. Lin khoái chí làm đi làm lại nhiều lần nữa, nhưng không lần nào bắt được cá, cho đến lúc nhìn lên, mọi người đã rời khỏi boong tàu từ khi nào. Mặt trời đã lên cao, đỏ rực, những tia nắng chói chang xuyên qua mặt biển và những tầng mây phía chân trời, làm cho mặt nước thêm lấp lánh.

– Ôi trời, ôi trời! Mệt quá!

Lin kêu lên rồi đứng lại để nghỉ mệt, còn Len thì chới với:

– Sao chẳng tìm thấy con cá nào cả, anh Lin!

– Chú em không thấy mọi người thi nhau quay phim, chụp ảnh mình à. Còn cá thì tí nữa đỡ mệt, mình bay sang đảo, xin tạm bọn chim bói cá vậy…

Nghe vậy Len suýt khóc vì đói, mệt và hoang mang quá đỗi. Cậu băn khoăn không biết bói cá có phải là những con chim nhỏ bơi quanh trạm gác ở ngoài đảo không. Chuyến lên đảo hôm qua Lin đã chẳng thèm đếm xỉa đến những chú chim ấy, nhưng lại cố tình kể chuyện mình ở cảng thế nào, ăn những con cá biển tươi ngon làm sao khi ra chơi ở những con tàu đánh cá… Lin đã làm cho bọn bói cá mê tít, hóng theo từng bước, nhưng anh ta đã nhanh chóng nhập bọn với lũ chim lớn hơn… Len kêu to lên:

– Vậy thì em mong sao không gặp lại lũ chim bói cá hôm qua, vì nếu có thì chúng ta cầm chắc là bị đói…

– Yên tâm đi, hôm nay lên đảo khác, xa đảo hôm qua mấy chục hải lý rồi. Mà anh đã đánh hơi được mùi của bọn nó…

Nghỉ mệt một lúc, Lin và Len theo xuồng của chỉ huy lên đảo, Lin không bay theo mà cố tình đậu lên vai người lái xuồng, cứ thế lướt vèo vèo ra cầu dẫn lên đảo. Khi mọi người bước xuống, những người lính trên đảo hô vang: “Kính chào thủ trưởng!” thì Lin bệ vệ đậu xuống ở mỏm cầu gần đó, nơi bám rất nhiều vỏ trai, ốc và có một đám chim nhỏ đang bơi. Lin e hèm, e hèm vài tiếng thì mấy con chim lớn nhất đàn bơi đến, cất tiếng chào:

– Chào anh ạ, hôm nay anh trở lại đảo thăm chúng em à?

Len ngạc nhiên nhìn vẻ mặt vui mừng của những con chim bói cá, và vẻ oai vệ đến buồn cười của Lin. Lin e hèm một lần nữa rồi trả lời:

– Đúng rồi, sau nửa năm đi chu du thiên hạ thì anh quay lại đây, để xem các em có ổn không. Đây là chú em của anh, hoàn cảnh rất đáng thương, đang trở lại các hòn đảo để tìm cha mình…

Len hơi ngớ ra, bất ngờ trước lời giới thiệu của Lin. Mấy con chim bói cá khác từ xa bơi lại, tha theo mấy con cá, mấy con cua biển nhỏ tí để đãi khách. Lin nháy mắt ra hiệu cho Len tạm dùng bữa sáng, nhưng với hai chú hải âu mới tròn một tuổi và hơn nửa tuổi này thì chừng ấy thức ăn là quá đủ rồi. Lại còn tươi rói thế kia… Khi gần xong bữa thì con chim bói cá lớn nhất – có vẻ là đầu đàn – lên tiếng:

– Chúng em ở đây luôn, không đi đâu cả anh ạ. Vì nếu đi tìm chỗ mới, thể nào cũng có kẻ bắt nạt, mà chẳng phải ai cũng sẵn lòng bảo vệ chúng em như anh…

– Ý các chú nói là anh đánh nhau giỏi chứ gì. Yên tâm đi, cái món ấy càng ngày anh càng giỏi, vì cứ đi một ngày học một sàng khôn mà…

– Còn anh này – chú bói cá quay sang nói chuyện với Len – chắc là cha của anh ở trên đảo này đấy ạ. Chúng em thấy một ông chim khổng lồ, trắng tinh, ngày nào cũng đứng đợi ở trên kia…

– Thật à bói cá? – Lin hỏi lại ngay – Có thật không? Sao các chú biết?

Len mừng rỡ:

– Ôi, thế ông bố của tôi ở đâu, làm sao mà gặp được?

– Anh cứ bay thẳng góc cầu dẫn này, đi theo mọi người đến nơi có nhiều nhà cửa, chài lưới, gọi là xóm Làng Chài. Ở đó có một ngôi chùa rất đẹp. Đối diện với ngôi chùa có một đồi cát cao và em luôn thấy ông chim trắng khổng lồ đứng ở đó nhìn ra biển, cứ có gió là ông ấy kêu rất to, chúng em ở xa hàng hải lý vẫn còn nghe thấy…

Chỉ cần có vậy là Len bay đi ngay, mặc kệ Lin vẫn chễm chệ giữa bầy chim bói cá và bịa đủ thứ chuyện đi “chu du thiên hạ”. Quãng đường khá dài, nhưng với Len thì chỉ bay một phút là tháp chùa đã hiện ra, Len bay cắt qua hướng dòng người đang đi và thấy ngay đồi cát ở gần đó, ở trên đồi cát là một cái trụ kim loại thật to, thật cao, và đậu bên trên đầu trụ đúng là một chú chim trắng khổng lồ đang quay nhìn ra biển.

Birds on a post

Description automatically generatedTranh minh họa của Hằng Xuân

Cha của Len, có đúng là người cha mà cậu đang mơ ước được gặp không? Len rụt rè cất tiếng gọi: “Cha ơi! Cha!” Thân hình người cha rung lên nhè nhẹ, và từ từ quay xuống rồi lại vòng lên nhìn cậu.

– Cha ơi! Con đây, con là Len đây!

Len bay lại gần ông cha khổng lồ, đáng kính của mình, ríu rít gọi dù không biết tên cha. Nhưng ông cha chẳng trả lời mà đột nhiên rít lên một tiếng, nghiến răng ken két rồi quay lộn đầu xuống đất liên tục mấy vòng liền. Len sợ quá, nhưng cứ bay xấn đến gần để gọi, hy vọng ông cha sẽ nhận ra mình, và thò đầu ra nói chuyện với mình. Gió ở đâu tự nhiên thổi thốc đến, muốn đánh bạt cả cậu sang một góc. Cái trụ sắt rít to lên, dường như ông cha của Len đang nổi giận?!

– Len, tránh ra, không được đến gần đó, nguy hiểm lắm!

Lin từ đâu xuất hiện, kêu lên oang oác. Nhưng Len có vẻ không chú tâm đến tiếng gọi đó, mà cố bay đến gần hơn.

– Đó không phải cha em đâu. Tránh xa ra!

Mặc cho Lin quát to thế nào, Len cũng không muốn bỏ cuộc. Lin bay đến gần, tìm cách kéo Len ra ngoài, nhưng dường như gió càng mạnh thì cả hai càng bị hút đến gần ông chim khổng lồ kia hơn. May sao lúc đó có mấy chú chim hải âu khác bay qua, Lin kêu to cầu cứu:

– Các anh ơi, giúp em đưa thằng em này ra ngoài, nó tưởng đây là ông bố của nó nên cứ muốn đến gần đây này…

Đám hải âu quay trở lại, trước hết chúng ngó qua ngó lại một lát rồi mới đồng thanh lên tiếng:

– Chú em bay ra ngay, đây là một cái quạt gió, không phải cha của em đâu!

– Đến gần nữa là nó sẽ quật chết em đấy!

Cả đám thi nhau bay qua bay lại và réo gọi Len. Khi ấy, gió từ từ ngừng thổi, ông cha khổng lồ trên cái trụ kim loại kia cũng chầm chậm quay đầu lên, và thôi không nghiến răng ken két một cách ghê rợn nữa.

Len đậu xuống mép bức tường bằng gạch của ngôi chùa, chảy nước mắt nhìn lên. Cả đám hải âu cũng đáp xuống bên cạnh cậu, thi nhau thở.

– Đấy, nhìn xem. Có con hải âu nào có đến ba cái cánh không? – Lin quát nhặng lên – Ba cái cánh ấy đều bằng thép cả đấy, nó mà chém thì cả đại bàng, khủng long cũng tan thây, còn đâu nữa mà bay hử? Hử?!

– Đúng rồi! – Một chú chim to đầu lên tiếng: Đây là cây quạt gió, là thứ làm ra điện cho lính và người dân trên đảo dùng, chứ không phải sinh vật, càng không phải là chim…

– Tội nghiệp! Chắc thằng bé nhớ cha, mong được gặp cha lắm đây…

Một anh chàng hải âu xám âu yếm nhìn Len và nói. Lin bật người khỏi bức tường, kêu oang oác lên:

– Nó ở đất liền ra, nên có biết gì đâu. Suýt nữa thì mất mạng rồi đấy, biết không…!

Gió lại thổi đến, ba cánh quạt trên cột trụ lại xoay xoay nhè nhẹ, rồi kêu ken két. Len cảm thấy hoa cả mắt, chóng cả mặt. Một bác hải âu khác, có bộ lông đậm màu nhất trong đám ôn tồn lên tiếng:

– Không sao đâu, rồi em sẽ tìm thấy cha thôi. Mà biết đâu, cha em cũng đang đi tìm em đấy. Hải âu cha là người chăm sóc, gần gũi với con còn nhiều hơn cả mẹ, nên nếu còn sống, chắc chắn ông ấy sẽ rất nhớ em, và cũng đi tìm em đấy…

Hải âu đi tìm cha – Truyện thiếu nhi của Trần Thu Hằng – Kỳ 2

Cập nhật ngày: 31 Tháng Năm, 2024 lúc 10:20

Vanvn- Khi nào muốn gặp bọn anh, em cứ bay ra biển, cứ gọi anh Hen, anh Hét, anh Bép. Giả sử không gặp được, thì bạn anh chắc chắn sẽ dẫn đường cho em tìm thấy bọn anh… Nhưng nói những chuyện này cũng không cần thiết lắm, vì cuộc sống của chúng ta là để khám phá mặt biển và bầu trời bao la, rộng lớn này. Gặp lại nhau cũng tốt, mà gặp được những điều mới mẻ khác cũng tốt… Mạnh mẽ lên nhé cậu bé, chúc em sớm tìm được cha mẹ!

A person with dark hair

Description automatically generatedNhà văn Trần Thu Hằng ở Đồng Nai

>> Hải âu đi tìm cha – Truyện thiếu nhi của Trần Thu Hằng – Kỳ 1

 

Chiều hôm ấy, trở về tàu, lòng Len trĩu nặng tâm tư. Không phải vì cuộc đụng đầu với chiếc quạt điện gió khổng lồ, mà là vì những câu nói của bầy chim hải âu tình cờ gặp mặt. Chỉ không đầy một giờ đồng hồ, lũ chim thú trên đảo đã chuyền tai nhau nghe câu chuyện chú hải âu nửa tuổi nhận chiếc quạt điện gió làm cha. Len trở thành thằng em ngốc nghếch của Lin, đi đến đâu cũng bị hỏi thăm.

Công nhận lũ chim thật nhiều chuyện.

Trở về tàu cùng với Len, vẻ mặt và dáng điệu của Lin bỗng trở nên bất an, thay vì chui vào khoang hàng, anh chàng lại lò dò bước ra thành tàu nghe ngóng, rồi lại bay xuống đuôi tàu. Rồi không chịu nổi sự bất an ở trong lòng, Lin quay vào tìm Len và ngập ngừng nói nhỏ:

– Này Len, em có nghe thấy biển có mùi gì lạ lạ không?

Len ngơ ngác nhìn quanh. Khoang hàng đã trống đi một nửa nên có vẻ thoáng đãng hơn nhiều.

– Anh đánh hơi được à? Giống như đánh hơi được mùi của đàn chim bói cá phải không?

– Ơ, không – vẻ mặt Lin lúc ấy thộn ra rất buồn cười – lúc ấy anh bịa cho vui thôi, vì đang đói quá. Nhưng bây giờ có vẻ thật đấy. Anh nghe trong không khí của biển có cái gì rất lạ, không giống ở cảng, cũng không giống trên đảo…

– Hẳn rồi, đâu có chỗ nào giống chỗ nào – Len đáp – nhưng với em thì mỗi ngày đều có những điều lạ. Từ khi rời cảng, mọi thứ đều thay đổi, nên em nhận ra mình không phải là một chú chim bình thường như trước nữa…

– Mới có ba ngày trên biển mà chú em trở thành ông cụ non mất rồi. Bởi vậy mới có câu chuyện lao ra gọi quạt điện gió là cha. Người đời gọi là dở hơi rồi đấy.

– Em nói thật, không phải chỉ có em, ở trên con tàu này, ai cũng có một điều đặc biệt…

– Nhưng anh không nói chuyện của con người, anh chỉ nói chuyện biển thôi. Anh đi biển trước chú lâu rồi nhé, anh chả thấy có gì khác lạ ngoại trừ chuyện mưa nắng, thức ăn, hay là chuyện gặp được nhiều loài chim biển. Bởi vì anh chẳng nghĩ gì ngoài những thứ đó. Chú em nghĩ nhiều quá, đâm ra dở hơi thật đấy.

Nghe Lin nói có vẻ gắt, Len không nói gì, lẳng lặng bay lên đống hàng nằm im lìm trên đó. Anh bạn đồng hành hơi chưng hửng, quay vào cái góc kín gió và ấm áp để đánh một giấc. Thực ra Len không ngủ, mà chọn một góc cao để ngẫm nghĩ một mình. Cậu thấy mình có nhiều điều khác với Lin lắm, nhưng đành chịu thôi, trong cuộc hành trình này, cậu may mắn biết được mình có cha có mẹ, mình không thể hy sinh hết những điều đó để đi theo Lin được.

Nhưng biết làm thế nào khi Len chưa có tí kinh nghiệm nào trong cuộc sống ở biển. Mình không thể tách anh Lin ra để đi một mình được – cậu thầm nghĩ. Mọi thứ, như các anh thường nói, phải biết dựa vào đồng đội…

Nghĩ đến đó, Len thiu thiu ngủ vì làn gió mát và mùi vị dịu dàng của biển. Nhưng chưa được bao lâu thì cậu giật mình tỉnh dậy vì một chuyển động khác lạ từ trong lòng biển xanh, từ tít tắp xa. Len thấy cái gì đó óng ánh lướt đi nhanh hơn cả sóng, đeo bám lấy con tàu. Từ chỗ cậu đậu nhìn ra chỉ là một cái ô nhỏ nhỏ, từ mặt biển xanh có một vài đốm nhỏ bay lên…

– Cá heo, mọi người ơi! Cá heo bơi theo tàu kìa!

– Đúng rồi! Cả một bầy cá heo kìa mọi người ơi!

Bỗng có tiếng reo, rồi tiếng chân người chạy ra hành lang con tàu, chen nhau che luôn cả cái ô cửa nhỏ của Len. Cái đốm nhỏ hiện lên to hơn một chút, búng mình cao hơn một chút… Và phía sau, lại có một vài đốm nhỏ óng ánh cắt ngang đường chân trời, lao tới vun vút. Vừa hiếu kỳ, vừa tức mình vì tầm nhìn bị che mất, Len bay luồn qua cửa ra vào, bay hẳn lên tầng trên để nhìn cho rõ cá heo là gì mà làm cho mọi người thích thú đến như vậy.

Ở tầng giữa, gần với boong tàu, Len thấy những chú cá heo đen dài đang hứng chí bơi theo tàu, và búng mình lên cao như đang thi nhảy múa. Nhưng cá heo không bơi một mình, mà bơi theo từng cặp, từng cặp, mỗi khi nhảy lên, chúng làm thành một chiếc cầu vồng đôi tuyệt đẹp rồi cùng lặn vào mặt nước. Chẳng bù cho cái vũ điệu lộn nhào bắt cá mà Lin xúi Len làm đi làm lại hàng chục lần trước ống kính, cứ phải bay xong lại cắm đầu thẳng xuống nước, cái mỏ chúi xuống hàng mét mà không được một cái vảy cá nào. Những chú cá heo tinh nghịch có những cái miệng cong cong, xinh xinh, và chẳng có chân cũng chẳng có cánh. Vậy là Lin rất đúng, khi dự cảm thấy cảnh khuấy động này của bầy cá heo trên biển trước cả nửa ngày.

Người trên tàu hò reo, cổ vũ, huýt sáo để gọi cá heo. Len vội bay vào để gọi Lin. Nhưng Lin ngủ say chỏng gọng, cái mỏ ngoác ra rồi lại ngậm vào theo nhịp đu đưa của sợi dây thừng bên cạnh. Len hơi cáu vì Lin “đánh hơi” được sự chuyện lạ này, mà giờ lại nằm ngủ tỉnh bơ như thế. Dùng mỏ mổ mấy cái vào bộ lông của Lin mà chẳng nghe động đậy gì, Len quay đuôi bỏ đi. Cậu quay ra đúng vào lúc mấy chú cá heo bám sát tàu, và cùng nhảy lên trước thành tàu, trông rất to và nghịch ngợm. Xung quanh chúng, nước tóe lên cao như những cụm hoa thủy tinh bất chợt nở trên mặt biển.

– Ôi trời, tôi chưa bao giờ thấy cá heo!

– Tôi thấy rồi, nhưng chưa bao giờ thấy gần đến thế…

Mọi người phấn khích, vỗ tay reo hò không ngớt. Len hứng chí rời khỏi lan can thành tàu, bay theo những chú cá heo đang ngụp lặn không biết chán trên mặt biển.

– Len ơi, Len! Em bay đi đâu?

Len nghe tiếng anh Minh gọi với theo, nhưng cậu chẳng kịp quay đầu chào anh, mà vươn thẳng cánh để phóng vút đi, cố sức đuổi cho kịp theo những chú cá heo.

Gần như ngay sau đó, các anh cá heo kêu éc éc đầy phấn khích rồi bật người bay lên. Họ thi nhau gọi:

– Này, hải âu nhỏ. Em ở đâu đến đây? Tuy nhỏ mà gan lì quá đấy!

– Có theo các anh ra đại dương không?

Một anh cá heo khác kêu lên:

– Mày bay cao lên một tí, kẻo bọn anh nhảy trúng bây giờ…

Len nhích lên cao hơn một chút, lấy hết sức kêu lên oác oác:

– Các anh bay đẹp quá! Cho em theo với!

Anh chàng cá heo to con nhất trong nhóm lại tung mình lên cao, mấy anh cá heo phía sau, rồi cả mấy nhóm phía sau lần lượt tung lên cao như đồng diễn thể dục vậy.

– Chuyện! Bọn anh toàn đóng phim không đấy! À, nhưng mà là nhảy chứ không phải bay nhé! Chỉ có loài chim như hải âu các em mới gọi là bay thôi đấy!

– Dạ vâng! Em hiểu rồi ạ! – Len vui vẻ đáp.

– Thế sao em lại bay một mình? Em không có bạn à?- Một anh cá heo khác hỏi.

– Em có một anh bạn, nhưng anh ấy đang ngủ…

– Thật là… Chẳng có ai gặp bầy cá heo đông vui thế này mà ngủ được cả…

***

Chim bay, cá nhảy một lúc có vẻ thấm mệt. Thế là các chú cá heo bơi chậm lại, còn Len thì đứng chân xuống biển, cho biển đu đưa mình bên cạnh những anh cá heo có thân hình trơn láng và vui tính. Các nhóm cá heo bơi phía sau dần lảng đi nên Len ở lại với nhóm đầu, chỉ sau mấy cú nhảy và đối đáp trên không là cả bọn thân thiết như anh em rồi.

– Trông chú em non thật, mỏ và chân còn nhạt màu thế kia, cánh thì ngắn, đuôi cũng chưa dài, thế mà gan thật, dám bay theo bọn anh xa như thế…

Anh cá heo trưởng nhóm nheo nheo mắt nhìn Len. Anh thứ hai tiếp lời:

– Nó nhỏ nhưng mà có võ đấy! Giỏi!

Được khen, Len thích lắm, cu cậu tuy đã mệt nhưng cũng cố gắng đứng vươn vai trên sóng trông khí thế lắm. Các anh cá heo thật thân thiện, dễ mến làm sao.

– Thế vì sao các anh lại nhảy giỏi như thế ạ?

– Ôi, bọn anh có nhiều lý do để nhảy lắm. Vì bọn anh là vũ công của biển mà. Bọn anh nhảy để đuổi theo tàu, làm bạn với những người ngư dân. Rồi nhảy để chơi đùa với nhau này, nhảy để làm quen với bạn gái này, hoặc có khi nhảy để báo hiệu biển sắp động… cũng giống như chim hải âu sẵn sàng lao lên vách đá để báo bão. Chắc tại em còn nhỏ, nên chưa biết những điều đó…

– Hẳn rồi, chú em lông tơ còn chưa mọc hết, đúng là chíp hôi…

– Em tên là Len ạ! – Không hiểu “chíp hôi” là gì, Len vội láu táu tự giới thiệu mình.

– Bọn anh không có tên, nhưng bọn anh luôn nhận ra nhau nhờ những đặc điểm riêng, nhất là nhờ tiếng kêu của mình. Như anh thì là Hen, anh này là Hét, anh nhỏ kia là Bép. Bọn anh đi đâu cũng có đàn, vui lắm.

– Tên của em là do một anh lính hải quân đặt cho, chứ em không biết loài chim hải âu của em có tên không. Em cũng không có đàn, vì em được các anh mang về nuôi rồi theo các anh lên tàu…

– Ồ, thế em mồ côi cha mẹ rồi sao?

– Em không biết sao nữa. Em đang đi tìm cha mẹ mình, nhưng em gặp rất nhiều chim hải âu rồi, mà cũng không ai biết cha mẹ em ở đâu…

– Thương em thế! – Anh Hen kết luận – Không biết cha mẹ em có đặc điểm gì cho dễ tìm nhỉ. Bọn anh sẽ truyền tin cho nhau, nhờ tìm xem sao. Cá heo với hải âu cũng chơi thân với nhau lắm đấy.

Cả đám lặng đi một lát, xong anh Bép lượn thành một vòng tròn để tiếp tục gợi chuyện. Anh bảo:

– Em bay theo bọn anh xa thế này có sợ không? Có định lên đảo nhập với bầy hải âu trên đó không?

– Em… – Len hơi bất ngờ trước câu hỏi này. Anh Hét nói ngay:

– Sợ gì mà sợ, hải âu là loài chim rất thông minh, rất tự do và dũng cảm. Ai cũng nói thế. Em muốn gì cứ làm, Len ạ.

Anh Hen thì tỏ ra từ tốn hơn:

– Lúc Len bay theo chúng ta, anh nghe có người trên tàu gọi tên Len đấy. Chắc đó là người đã cứu sống và đưa Len về đất liền nuôi dưỡng. Người đó thương Len nhiều lắm đấy.

– Vâng, đúng rồi ạ. Anh ấy tên là Minh, là một trung úy hải quân.

– Ừ, anh biết mà… – Anh Hen gật gù – Nhưng anh Minh của Hen đóng quân ở vùng biển nào, là Hải Phòng, Quảng Ninh, Cam Ranh, Vũng Tàu, Cát Lái hay Kiên Giang, Hà Tiên?

– Em…

– Xung quanh mình có nhiều vùng biển vậy hả anh Hen? – Anh Bép hỏi lại ngay, làm hai anh Hen và Hét phá lên cười hắc hắc.

– Chứ sao nữa… – Cười xong anh Hen mới nói.

– Em và anh Minh ở Cam Ranh, còn Lin và anh Khôi thì từ Hải Phòng. Trên tàu có rất nhiều người đến từ nhiều vùng đất, vùng biển khác nhau, em không nhớ hết được…

A painting of a crane on a road

Description automatically generated with medium confidenceTranh minh họa của Hằng Xuân

Ba anh cá heo chuyển sang hỏi thăm Lin. Len kể ba ngày qua làm bạn với Lin, từ lúc đụng đầu nhau trên cầu cảng cho đến đoạn Lin ngủ say giấc trưa bị mổ đau cũng không chịu dậy. Anh Hét cười:

– Thế là biết rồi, Lin là chú chim vô tư và thực tế hơn em, cậu ấy sống đúng với đặc điểm của loài chim hải âu mà ông trời tạo ra như thế. Còn em, em nhỏ hơn nhưng lại suy tư nhiều hơn. Mong em sớm gặp cha mẹ mình để thỏa ước mong, không phải băn khoăn nhiều nữa…

– Khó lắm, khó lắm… – Anh Bép chen vào – Cứ thoải mái vô tư cho khỏe, lo nghĩ mà làm gì Len ơi!

Nói xong, anh Bép lại lùi lại một chút, trước khi phóng về phía trước, để lại một cái đuôi nước thật dài. Hai anh cá heo kia lập tức phóng theo. Cả ba làm nên những đường ngoằn ngoèo trên mặt nước.

– Chúng mình đi xa quá rồi, chơi đùa mãi rồi mà chẳng thấy bóng con tàu của Lin đâu cả… – anh Hen ngừng bơi để nghe ngóng. Bây giờ mà cho Len tự tìm về tàu thì em có làm được không?

– Em làm được! – Len gục gặc cái đầu và cái mỏ bé xíu trước ba ông anh khổng lồ.

– Vậy thì em nên quay về tàu, về với các anh hải quân và bạn Lin. Dù sao đấy cũng là những người thân thiết nhất của em, không nên bỏ đi mà không có lý do Len ạ. Nếu cần thì bọn anh sẽ hộ tống em về, để em bay về một mình bọn anh cũng không yên tâm.

Anh Hen chậm rãi nói với Len. Cậu nghiêng mặt nhìn anh Hen, rồi nhìn hai ông anh cá heo đang phun nước trên đỉnh đầu một cách chậm rãi, khoan khoái. Lúc sau cậu mới biết đó là cách cá heo thở ra. Có vẻ những lời của anh Hen rất nghiêm túc, khiến Len hơi tiếc nuối. Đang chơi vui, cậu đâu có nghĩ đến chuyện tiếp tục đi hay trở về tàu. Cậu cũng không để ý mặt trời đang lặn, mặt biển dần chuyển màu xanh thẫm. Đúng là đã đến lúc tìm về tàu, vì Len chưa từng nghĩ đến việc sẽ rời xa anh Minh và sống ở một nơi nào xa lạ.

– Khi nào muốn gặp bọn anh, em cứ bay ra biển, cứ gọi anh Hen, anh Hét, anh Bép. Giả sử không gặp được, thì bạn anh chắc chắn sẽ dẫn đường cho em tìm thấy bọn anh… Nhưng nói những chuyện này cũng không cần thiết lắm, vì cuộc sống của chúng ta là để khám phá mặt biển và bầu trời bao la, rộng lớn này. Gặp lại nhau cũng tốt, mà gặp được những điều mới mẻ khác cũng tốt… Mạnh mẽ lên nhé cậu bé, chúc em sớm tìm được cha mẹ!

Anh Hen nói với sự quả quyết chắc nịch, anh Hét và anh Bép gục gặc cái đầu ra vẻ đồng tình. Thế là đã đến lúc phải chia tay nhau rồi. Len bay vòng quanh các anh, vẫy vẫy cánh tạm biệt, rồi quay đầu phóng vút lên bầu trời.

– Em cảm ơn các anh! Nhất định sẽ gặp lại! – Tiếng kêu của Len tạo thành một chuỗi âm thanh lảnh lót ngân nga hoài trên sóng.

Truyện thiếu nhi của Trần Thu Hằng: Hải âu đi tìm cha – Kỳ 3

Cập nhật ngày: 08/06/2024 lúc 07:10

Hạc cũng là một loài chim, nhưng hạc giấy là để tưởng nhớ người đã mất. Việc gấp hạc giấy mang ý nghĩa chung của loài người, không phân biệt bất cứ ai. Chắc là cô ấy gấp hạc để tưởng nhớ cha mình và những người chiến sĩ hải quân đã hy sinh ở quần đảo Trường Sa này. Lần trước anh đi biển cũng được thấy mọi người gấp hạc giấy để thả xuống biển, cùng với hương hoa trong lễ tưởng niệm. Xúc động lắm!

A person wearing a red hat

Description automatically generatedNhà văn Trần Thu Hằng

>> Hải âu đi tìm cha – Kỳ 1

>> Hải âu đi tìm cha – Kỳ 2

 

CON TÀU GIỮA NHỮNG BÃO GIÔNG

 

Len đáp về tàu khi trời xẩm tối, nhóm lái tàu và các kỹ thuật viên đang ngồi ăn cơm bên khoang hàng, có Lin đang chễm chệ đậu trên vai anh Khôi. Từ xa, Len nhận thấy cái vai của anh Minh khòm khòm bên cạnh, nom rất tội nghiệp. Thế là cậu lật đật nhảy đến, mổ mổ vào tay anh.

– Ôi, Len về rồi này mọi người ơi! – Anh Minh vui mừng reo lên. Len nhảy lên vai anh trước đôi mắt ngỡ ngàng của Lin và tất cả mọi người.

– Chú em làm cho anh và mọi người lo buồn muốn chết đi được! Tưởng chú em theo bầy cá heo đi ra đại dương rồi chứ…

Lin làu bàu nói, nhưng mắt thì sáng lên khi thấy Len. Len quẹt quẹt cái mỏ lên cổ áo anh Minh, dụi đầu vào tóc anh, rồi ngoác mỏ sang bên cạnh để nói với Lin:

– Em đi theo các anh cá heo dạo chơi trên biển tí thôi, tại anh không chịu dậy để đi cùng em đấy Lin!

– Biết rồi! Biết rồi! Lần sau không thế nữa…

Hai anh Minh, Khôi và những người bạn hỉ hả nhìn thấy Len xuất hiện. Họ vuốt ve bộ lông của Len, trìu mến nhìn cậu. Vui nhất vẫn là anh Minh, anh đút cho cậu miếng thịt thật to, nheo nheo mắt nhìn nó vẻ tự hào.

– Len giỏi thật! Anh tin là em sẽ quay về đây mà…- Anh Minh thầm thì vào tai nó.

– Nó quay về là đúng, sắp có biển động rồi, loài hải âu rất thông minh, nó biết trước chúng ta rất nhiều thứ… – Một tiếng nói khác vang lên làm mọi người hơi ngỡ ngàng, vì mọi thứ vẫn diễn ra bình thường.

Song lời tiên đoán ấy đã trở thành sự thật ngay trong đêm. Đầu tiên là con tàu hơi dập dềnh khiến mọi người đang say giấc thấy chòng chành không yên. Nhưng chỉ một lúc sau, con tàu rung lên bần bật, người nằm trên những chiếc giường dã chiến bị đẩy dạt qua một góc, rồi lại bị bật lại góc đối diện. Đồ vật trên tàu, nhất là những chiếc va ly có bánh xe, bắt đầu chạy qua chạy lại trên sàn. Nhiều người chóng mặt, buồn nôn, đầu óc quay cuồng đến nỗi phải xin trợ giúp.

Hai chú hải âu đang tuổi ăn tuổi lớn thì khỏi phải nói, đang gác mỏ lên vai nhau ngủ say thì tàu bị nghiêng làm lăn lông lốc đến những thùng hàng trong khoang, may mà hàng hóa được chằng néo chặt nên không bị nguy hiểm đến tính mạng.

– Len! Em có sao không? Còn sống không?

Lin bật dậy trước, vồ lấy cái bóng của Len đang lăn đi trong ánh sáng mờ mờ từ ngoài hành lang tàu hắt vào.

– Anh Lin, anh Lin có bị sao không?

Len cũng choàng tỉnh, cả hai vội choàng lấy nhau, kéo nhau nhảy lên chỗ ô cửa sổ nhỏ trên cao. Vừa lúc đó loa tàu cũng bật lên, thông báo tình hình biển động.

– Toàn tàu chú ý! Toàn tàu chú ý! Hiện nay tàu đang ở trong vùng biển có áp thấp nhiệt đới, nhưng tình hình không quá nguy hiểm. Mọi người hết sức bình tĩnh, làm theo chỉ dẫn của thủy thủ đoàn, và tuyệt đối không ra các vị trí nguy hiểm vào lúc này. Nếu cần có sự giúp đỡ, xin mọi người hãy gọi ngay cho chúng tôi…

Lin bám vào cửa sổ, vẻ mặt bơ phờ mệt mỏi. Lúc này, nhóm của anh Minh, anh Khôi đã xuất hiện và chạy qua chạy lại hành lang một cách khẩn trương nhưng cũng rất nhẹ nhàng. Một lúc sau, anh Minh chạy vào khoang hàng, bật đèn lên để kiểm tra mọi thứ, và khi nhìn thấy hai chú chim hải âu đậu ở trên cao, anh cười mừng ra mặt:

– Giỏi lắm, hai đứa tự lo cho nhau, vượt qua sóng gió nhé. Anh sẽ trở lại ngay!

Lin thở dài nói với Len sau khi anh Minh quay đi:

– Chẳng biết sao anh mệt bã cả người, xương khớp, đầu cổ cánh đều rã rời như ông lão vậy. Chú em vậy mà khỏe, ra biển với đàn cả heo cả buổi mà vẫn không sao…

– Có sao đâu anh. Cái hôm gặp cây quạt điện gió khổng lồ trên đảo, em cũng bị y như anh vậy…

– Thú thật, đây là lần đầu tiên anh gặp cảnh này. Lần trước đi biển với anh Khôi sóng yên biển lặng, vui chơi thỏa thích, chẳng biết mệt là gì…

***

…Con tàu bị nhồi lắc liên tục suốt đêm. Các anh trong thủy thủ đoàn phải chạy như con thoi trên tàu để giúp đỡ cho những người say sóng. Nhưng cũng có người trong thủy thủ đoàn ngất xỉu vì mệt, phải đưa về phòng cấp cứu. Mặt mũi Lin méo xẹo, tựa hẳn người vào một bên cánh của Len. Nghe tiếng loảng xoảng vang từ phía nhà bếp – cách khoang hàng chỉ một cái hành lang – Lin thều thào nói:

– Anh đói bụng quá! Giá như bây giờ có cái gì bỏ bụng nhỉ!

– Em cũng đói. Không biết giờ này các anh nuôi đã có gì để ăn chưa…

– Xoong nồi kêu loảng xoảng thế kia, chắc là vỡ hết cả rồi, lấy gì mà nấu…

Len cười thành tiếng “kéc kéc, kéc kéc…”, rồi choàng lấy một bên cánh của Lin, rủ: “Đi nào!” Cả hai bay qua hành lang, tìm cửa để đi vào bếp. Chẳng khó khăn gì khi cả hai đến trước một cánh cửa đang mở, mùi thức ăn tỏa ra thơm nức. Cả hai nhìn nhau rồi ngoắc nhau: “Vào đi, vào đi!”

Thật là lạ, nhà bếp khá nhiều người. Trong cảnh con tàu lắc lư mạnh như thế này, những cái chân bàn được buộc chặt vào nhau, xô chậu được xếp hết xuống sàn. Một số người ngồi trên ghế, nhưng người mệt lả, ngồi không vững, mặt xanh như tàu lá. Các anh nuôi mặc áo choàng trắng và đi ủng nhựa khá dày để khỏi trượt té, luôn tay luôn chân tiếp tế cho mọi người. Có người còn được anh nuôi đút cháo, dỗ dành như với em bé vậy.

Nhìn thấy cảnh tượng này, Lin vui mừng ra mặt, thở ra một tiếng “khì!” Cả hai mon men đi qua góc cửa, đến gần chỗ mọi người hơn. Xung quanh có cháo, nước trắng và cả thuốc, nhưng cả hai không biết cách nào xin được cả.

– Bây giờ anh giả vờ té ra giữa sàn, mọi người thấy chắc chắn sẽ lấy thức ăn cho anh… – Len thì thầm nói với Lin khi thấy cái cây lau sàn đang cắm vào cái thùng nhựa để bên cạnh cửa. Không hiểu sao nó cứ lắc la lắc lẻo trong cái thùng mà không bị rơi.

– Anh mệt quá, không leo lên được. Chắc xỉu luôn trước khi mọi người nhìn thấy anh quá…

Nghe Lin vừa nói vừa than thở, Len liền bay lên, vít lấy đầu cây lau sàn để lấy đà… té xuống. Nhưng vừa lúc con tàu bị nghiêng đúng chiều Len đang đứng, nên cậu làm một cú “ter” thật dài, ngã người ra giữa phòng rồi bắn thẳng ra tới cửa nhà bếp. Vừa lúc đó một anh nuôi bưng cái nồi bước ra, anh kêu “Á!” lên một tiếng, chới với suýt ngã. Nhưng bị loạng choạng một tí, anh  đứng thẳng dậy được, hai tay gồng cứng để giữ cái nồi khỏi bị đổ.

– Úi! Cu cậu này ở đâu không biết! Bác ơi, bác có sao không?

Anh nuôi xuýt xoa kêu lên. Một bác mặc áo sĩ quan hải quân màu trắng quân hàm đại tá, quần tây xanh đang cúi đầu, giơ hai tay về phía trước để ngăn anh nuôi không ngã và làm đổ nồi nồi thức ăn. Thấy mọi chuyện đã ổn, bác mới cẩn thận cúi xuống để bế Len ra chỗ ghế ngồi:

– Bác không sao, không sao cả. Xem này, chú chim này nó đói, đi kiếm ăn đấy. Khổ, người còn nằm bệt thế này, bọn chim chắc là đói lắm đây…

– Ôi may quá, suýt nữa thì cậu ấy bị trúng một đạp của anh nuôi…

– Anh nuôi giỏi quá, nhờ học võ đấy!

– Cho nó ăn cháo đi, một lát là tỉnh thôi mà…

A painting of a ship in the ocean

Description automatically generatedTranh minh họa của Hằng Xuân

Mấy người trong phòng ăn ồn lên, có vẻ thích thú vì sự xuất hiện của Len. Bác đại tá đặt cậu vào lòng như muốn ủ ấm, và đặt chén cháo đang ăn dở vào sát mỏ của cậu. Nhưng Len thì căng thẳng hết cả người vì nghĩ đến Lin đang đứng xớ rớ ở cửa ra vào. Cậu thấy ngượng khi được chăm sóc như vậy. Thấy Len không đụng mỏ vào chén, bác sĩ quan lại cầm ly sữa đút cho nó.

– Ăn đi cho khỏe, để bác còn phụ với các anh nuôi, chăm sóc những người khác nữa chứ!

Nghe bác nói vậy, Len vùng ra một cái, nhảy tót xuống sàn để chạy đến với Lin. Anh chàng nằm bẹp xuống sàn, trông thật khổ sở. Nhưng thấy Len chạy ra, Lin xấu hổ muốn chạy tọt ra ngoài. Len không nói gì, chỉ dùng mỏ, cánh và cả chân kéo Lin vào cho bằng được.

– Ô, ô, hay chưa kìa! Có thêm một chú hải âu nữa kìa! Chắc là chúng nó đói lắm rồi…

– Ôi chao ôi! Nó hiểu được tiếng người hay sao ấy. Mà xem chúng nó thương nhau chưa kìa!

Mọi người đang ngồi trong phòng đều bất ngờ bởi tình huống hai chú chim hải âu “đi lạc” vào. Bác sĩ quan kia vừa tấm tắc nói to lên, vừa chủ động chạy đến, đón cả hai về ghế ngồi, ôm chúng vào lòng rồi mớm thức ăn – chủ yếu là Lin ăn tới tấp nên Len nhường. Cả phòng ồn ào lên thấy rõ.

– Tôi biết hai anh chàng này, đây là hai chú hải âu “binh nhất” và “binh nhì” được ra biển lần đầu đấy. Tuy là chim hải âu nhưng lại được các cậu trong thủy thủ đoàn đưa về đất liền nuôi nấng, nên cái nết y như chim nhà vậy đó. Hai ông cha nuôi ngày nào cũng ngồi ăn ở gần khoang hàng và cái cầu thang bên kia, làm nhiệm vụ tối mặt tối mũi nên đâu có thời gian để mắt tới tụi nó…

– Đáng yêu thật, nhìn thấy chúng nó thế này cảm thấy thật ấm áp…

Vừa ăn, cả hai vừa dỏng tai lên nghe. Như đã quen với hoàn cảnh nên không mọi người không kêu ca gì cả, con tàu cũng đã bớt chông chênh nên đồ đạc không xê dịch nữa. Đồng hồ kêu boong boong báo 6 giờ sáng. Anh bếp trưởng chạy ào ra chỗ treo điện thoại, bấm hối hả rồi cất tiếng:

– Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi đã chuẩn bị xong bữa sáng, nhưng ngoài hành lang tàu bị mưa ướt và sóng đánh khá cao lên không bày bàn ghế ngồi ăn được. Chúng tôi xin mang bữa sáng đến các phòng luôn ạ. Những ai cần chăm sóc chúng tôi sẽ đưa về phòng ăn hoặc phòng y tế để theo dõi sức khỏe. Báo cáo hết!

Trong điện thoại nói gì đó rất ngắn gọn. Anh bếp trưởng đáp: “Báo cáo, rõ!” rồi treo điện thoại lên tường. Ngay lập tức, đội quân anh nuôi từ trong bếp tỏa ra, mang những khay thức ăn và bát đũa đi khắp con tàu. Len và Lin ngỏng cổ lên nghe ngóng, tỏ vẻ hiếu kỳ lắm. Bác sĩ quan lại dùng bàn tay to và ấm giữ chúng lại; ông nói với cả hai như nói với hai đứa bé:

– Ở đây, không đi ra ngoài nguy hiểm lắm…

– Đúng rồi. Thế nào lát nữa hai ông bố nuôi của hai anh chàng, và nhóm kỹ thuật viên của tàu, cũng sẽ đến đây ăn sáng mà…

– Hôm nay thời tiết xấu thế này, chắc là mọi người không lên thăm đảo được. Anh em trên đảo chắc là rất buồn đây…

Nghe đến đây, bác sĩ quan đứng dậy, đặt hai chú chim hải âu vào cái ghế đệm rồi với cái nón cối đội lên đầu:

– Để bác ra ngoài xem thế nào. Tàu cách đảo không còn bao xa nữa, nếu trời không mù thì có thể nhìn thấy bằng mắt thường rồi đấy. Nhưng hôm nay không lên thăm đảo được thì biết bao giờ mới quay trở lại đây…

Nói xong, ông lom khom bước ra, vì dáng người của ông to quá khổ, chỏm tóc còn cao hơn cả cửa ra vào. Cái đệm ghế ông vừa rời đi thật ấm áp.

***

Sau này Len mới biết, sự xuất hiện bất thường của đàn cá heo có thể là dấu hiệu của biển động; chỉ vì trên tàu có nhiều người đi biển lần đầu nên chưa có kinh nghiệm ứng phó với biển động mà thôi. Còn loài chim hải âu của cậu sinh ra là suốt ngày bay trên biển, đến khi trời sắp có bão thì chia thành từng đàn tìm nơi trú ẩn. Vì vậy, mọi người trên tàu dựa vào sự trở về của cậu mà cho rằng cậu biết trước cơn biển động sắp tới. Chỉ có Len mới tự biết mình chẳng có tài cán gì, cậu đang chập chững những bước đầu tiên làm quen với biển cả, và nhờ làm bạn với Lin, với đàn cá heo… mà biết thêm nhiều thứ. Nhưng Len luôn đau đáu nghĩ về cha mình. Nhất là trong buổi sáng biển động, mưa nhiều và trời mù dày đặc, con tàu phát ra lệnh mọi người phải ở yên trên tàu, không được tự ý lên boong hoặc đứng ở những nơi nguy hiểm. Đội cứu hộ, trong đó có anh Minh và anh Khôi, thì trực chiến ở sàn tàu. Bác sĩ quan hải quân cao lớn kia thì cứ đi đi lại lại ở hành lang, thỉnh thoảng dùng ống nhòm nhìn ra xa xa. Len và Lin ăn no, ngủ ấm một giấc thì đã khỏe, lon ton ra thành tàu, nhưng cũng chỉ dám đi quanh quẩn gần bếp, và sẵn sàng quay vào khoang hàng cho an toàn.

Lin nói với Len:

– Em có nhớ bác sĩ quan hải quân kia nói gì không. Chúng mình ở rất gần đảo rồi nhưng không thể lên thăm đảo. Bác ấy có vẻ buồn lắm đấy.

– Có, em nhớ. Anh Lin có để ý thấy một cô gái rất trẻ, cũng mặc áo trắng hải quân, cứ ngồi ủ ê trong phòng và gấp những con chim bằng giấy không? Cô ấy không nói gì cả, nhưng vẻ mặt rất buồn. Sau đó hình như cô ấy cố tình đeo khẩu trang vào để mọi người không biết là mình đang khóc…

– Ôi trời, sao lại là gấp những con chim bằng giấy? Phải gọi là những con hạc giấy chứ. Chú em này, đúng là lính mới chả biết gì cả.

– Ơ, thế là anh cũng có nhìn thấy cô gái ấy à? Cái cô ấy gấp là hạc giấy à? Mà hạc giấy là gì?

Len hỏi lại, vẻ mặt hết sức ngây thơ khiến Lin cười phá lên nghe cùng cục, cùng cục khá ồn ào.

– Hạc cũng là một loài chim, nhưng hạc giấy là để tưởng nhớ người đã mất. Việc gấp hạc giấy mang ý nghĩa chung của loài người, không phân biệt bất cứ ai. Chắc là cô ấy gấp hạc để tưởng nhớ cha mình và những người chiến sĩ hải quân đã hy sinh ở quần đảo Trường Sa này. Lần trước anh đi biển cũng được thấy mọi người gấp hạc giấy để thả xuống biển, cùng với hương hoa trong lễ tưởng niệm. Xúc động lắm!

– Vậy à?

Lúc đó, những ý nghĩ về cha lại hiện lên trong đầu Len. Chắc là cô gái đang nhớ cha mình nên mới khóc âm thầm như thế. Chị ấy biết rõ cha mình đã mất, còn Len thì vẫn chưa rõ cha và mẹ mình như nào. Cậu nghe bác sĩ quan áo trắng hối hả nói vào máy bộ đàm đang cầm trong tay:

– Vâng, xin cảm ơn Đô đốc nhận lời gặp tôi. Tôi sẽ đến ngay.

Bác sĩ quan bỏ máy bộ đàm vào túi quần, rồi sải chân bước nhanh về phía trước. Len bấm mỏ vào cánh Lin, rủ chạy theo bác ấy ngay lập tức. Đôi chân dài của bác di chuyển rất nhẹ nhàng lên cầu thang, đi vào hành lang và bước vào phòng chỉ huy. Cánh cửa phòng nhanh chóng khép lại, Lin và Len kéo nhau vào theo, nhưng suýt nữa thì va mỏ vào thành cửa đau điếng…

– Chuyện gì ấy nhỉ, có vẻ gấp rút lắm anh Lin ạ!

– Thử theo anh qua đây. Chắc cửa sổ phòng Đô đốc đang mở…

Lin phóng người bay vào lối đi khá sâu và tối bên trong, Len liền bám sát theo. Cả hai bay vòng vo mấy bận mới ra được hành lang bên ngoài. Lần qua các ô cửa sổ nhỏ bằng kính, cuối cùng cả hai cũng tìm thấy căn phòng mà bác sĩ quan vừa bước vào.

– Suỵt, anh nói đúng mà. Cửa sổ đang mở, cứ lẳng lặng đi vào, không được gây tiếng động nghe chưa!

Lin thì thào rồi thu chân lại, chui tọt qua cửa. Len nhát gan hơn, cứ bay vờn qua vờn lại, chần chừ không dám chui vào.

– Vào đi, vào đi!

Lin bám vào thành cửa sổ, ngoắc lấy ngoắc để. Len đánh bạo bắt chước theo, làm một cú bay không thể hoàn hảo hơn luồn qua cánh cửa kính trượt. Chẳng ngờ bác sĩ quan đang đứng đối diện với vị Đô đốc của con tàu, đã nhìn thấy tất cả những hành động ấy của hai chú hải âu mình mới ôm ấp và cho ăn lúc sáng sớm.

Bác hơi nhướng đôi lông mày lên, một bên mép cũng động đậy. Nhưng chỉ có thế, rồi vẻ mặt bác trở lại bình thường, có vẻ như đang chờ đợi điều gì đó.

Vị đô đốc, trong bộ trang phục bằng kaki trắng, cũng im lặng, hơi cúi đầu so vai như đang phải suy nghĩ điều gì quan trọng lắm. Ông chợt quay lại, mím môi, gật đầu, và may là ông không nhận ra có hai kẻ vừa mới đột nhập bất hợp pháp phòng của ông. Cả hai nằm nép trên cái kệ sách có nhiều cuốn bị xô nghiêng, chắc là cơn biển động đã làm cho sách vở nghiêng ngả như vậy.

– Tôi khẩn thiết xin Đô đốc chuẩn y cho tôi được lên đảo. Vì như tôi đã trình bày, hòn đảo này là nơi tôi đã canh giữ suốt 5 năm trời lúc mới ra trường, nên tình cảm đối với đảo sâu nặng lắm. Đây cũng là hòn đảo nằm ở vị trí hiểm yếu, tàu thuyền khó vào nên lính đảo ít được gặp mọi người, các chiến sĩ thiếu thốn tình cảm lắm. Điều quan trọng nhất là hiện giờ đảo đang cần tiếp tế gấp, vì không chỉ có lính đảo mà còn có thuyền của ngư dân, gặp biển động bất ngờ phải dạt vào, neo lại đây, mọi người đang phải nương tựa vào nhau chờ qua cơn áp thấp nhiệt đới. Vì vậy, tôi xin một đội tiếp tế khẩn cấp lúc này, chứ nếu chờ được ra đảo lần sau, thì biết đến bao giờ… thưa thủ trưởng…

Bác đại tá nói khá dõng dạc và rành mạch, nhưng đến đoạn cuối thì giọng nói hơi méo đi, trầm hẳn xuống, đôi mắt cũng nhìn xuống hai bàn tay đang đan chặt vào nhau.

Vị Đô đốc lại gật gật cái đầu, xấp giấy trên tay ông được cuộn tròn lại, đập đập vào cổ tay. Đô đốc nhìn lên trần, quầng thâm trên mắt nổi phồng lên, gương mặt nặng vẻ ưu tư. Ông chỉ buông ra mấy chữ:

– Rất nguy hiểm, anh Nghiêm ạ!

– Vâng, tôi biết, thưa Đô đốc!

Bác sĩ quan cũng đáp lại bằng mấy chữ chắc nịch. Sau cùng hai đôi mắt nhìn nhau.

– Tôi đồng ý! Cho phép anh sử dụng những phương tiện tốt nhất để đảm bảo cho chuyến đi an toàn!

– Rõ, thưa thủ trưởng!

Bác sĩ quan giơ tay, dập gót chào theo kiểu nhà binh. Vị Đô đốc cũng lập tức đáp lại. Sau đó hai người ôm chặt lấy nhau. Đô đốc nói bằng giọng hơi nghẹn ngào:

– Đại tá Nghiêm! Thực ra tôi rất muốn lên đảo với anh em, nhưng nguyên tắc không cho phép. Anh và các chiến sĩ lên đảo, hết sức cẩn thận, an toàn là trên hết – Thật bất ngờ, ông giơ tay lên, dập gót chào theo kiểu nhà binh: Tôi, đô đốc Nguyễn Văn Bình, xin gửi lời chào các chiến sĩ trên đảo của chúng ta!

– Rõ, thưa Đô đốc! Tôi sẽ chuyển lời.

30/5/2024

Trần Thu Hằng

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1 Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lạ...