Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc 5

Nhân Văn Giai Phẩm
và vấn đề Nguyễn Ái Quốc 5

Chương 15

Cuộc cách mạng hiện đại đầu thế kỷ XX

Trở lại những năm đầu thế kỷ XX, sau thất bại liên tiếp của các phong trào cần vương545 và văn thân546 một thế hệ kháng chiến mới hình thành với những trí thức khoa bảng nho học, trong hai chuyển động lớn: Phong trào Đông Du (1906-1908) do Phan Bội Châu lãnh đạo và phong trào Duy Tân (1905-1908) do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng chủ xướng. Hai phong trào này phát động tinh thần yêu nước, phát sinh hình thức kháng chiến hiện đại của các trí thức nho học, nguồn gốc của các tổ chức chống Pháp sau này.

Một phong trào thứ ba, ít được biết đến, vì phần lớn văn bản viết tiếng Pháp, trên đất Pháp. Những người chủ chốt như Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh không theo cộng sản, và hậu duệ của họ là nhóm Đệ tứ, đã bị cộng sản tiêu diệt từ 1945. Đó là phong trào chống Pháp của các trí thức Tây học, xuất thân trường Pháp, chống Pháp trên báo chí tiếng Pháp, tại Paris và tại Sài Gòn. Phong trào này do Phan Văn Trường khởi xướng ở Paris, năm 1912, với hội Đồng Bào Thân Ái, cùng với Phan Châu Trinh. Sau được ba thanh niên Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành tiếp sức, họ được đồng bào gọi là nhóm Ngũ Long, đã có ảnh hưởng lớn trong việc chống thực dân, tại Pháp những năm 1920, dưới bút hiệu chung Nguyễn Ái Quấc. Sau họ là nhóm Đệ tứ, gồm những đệ tử của Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường, Huỳnh Văn Phương... tiếp tục tranh đấu đến 1945.

Trong thời kỳ đầu, những khuynh hướng chống Pháp không đối kháng nhau mà cùng hoạt động chung. Đến 1945 mới bị phân liệt, Việt Minh thanh trừng các đảng phái đối lập, thủ tiêu nhóm Trốt-kít - trừ Hồ Hữu Tường ở Hà Nội nên thoát. Sau khi lên cầm quyền, Hồ Chí Minh, không những gạt bỏ các thành phần đối lập ra ngoài lịch sử chính thống mà còn gán cho họ nhãn hiệu phản quốc. Phan Khôi và Hồ Chí Minh gắn bó với cả ba phong trào nói trên, lịch sử của họ giải mã những câu hỏi:

- Trong khi hầu hết các thành viên khác của NVGP, vẫn kính nể "bác Hồ", tại sao Phan Khôi lại "dám" đả kích công khai thần tượng Hồ Chí Minh?

- Sau NVGP, lệnh nhục mạ và bôi nhọ Phan Khôi trong nhiều thập niên đến từ đâu và bởi ai? Sự nhục mạ này dẫn đến cái chết bí ẩn gần như bức tử của Phan Khôi năm 1959.

Phan Khôi và Nguyễn Tất Thành, hai thanh niên nho học được Phan Châu Trinh trông cậy sẽ "kế nghiệp" mình. Năm 1922, thất vọng vì Nguyễn Tất Thành chọn con đường cộng sản và không chịu về nước, Phan Châu Trinh viết bức thư công khai gửi Nguyễn Ái Quốc, gần như đoạn tuyệt.

Năm 1925, về nước, Phan Châu Trinh trao di sản tinh thần cho Phan Khôi. Cuộc đời Phan Khôi gắn bó với lịch sử đấu tranh bất bạo động của phong trào Duy Tân, theo truyền thống Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895). Vì vậy, muốn tìm hiểu tư tưởng của Phan Khôi, cần phải nhìn lại hành trình cách mạng hiện đại chống Pháp đầu thế kỷ XX. Bắt đầu với Phan Bội Châu.

● Phan Bội Châu (1867- 1940)

Phan Bội Châu sinh ngày 26/12/1867, tại làng Đan Nhiệm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Mất ngày 29/10/1940, tại Huế. Là cha đẻ của nền cách mạng hiện đại trong thế kỷ XX. Chính trị gia, nhưng cũng là nhà văn nhà thơ lớn, văn chương Phan Bội Châu có khả năng thúc giục con người đứng lên cứu nước. Về văn thơ yêu nước, không tác giả nào sánh kịp Phan Bội Châu. Mỗi tác phẩm là một chặng đường. Tác phẩm nào cũng quyền biến cũng "sai bảo" con người phải hành động trước cái nhục nô lệ, mất nước. Trong khi các nhà cách mạng khác tìm cách đánh vào địch thủ, tức là thực dân Pháp, hay bọn quan trường thối nát, thì Phan Bội Châu, trước hết, đánh vào lòng người. Và chính cái lòng người được thúc giục vùng dậy ấy, sẽ đứng lên cứu nước. Phan Bội Châu cũng như các nhà nho cùng thời thường viết bằng Hán văn và khi dịch ra quốc ngữ, theo Huỳnh Thúc Kháng, cái hay đã mất đi một nửa, vậy mà ngày nay đọc cụ Phan chúng ta vẫn còn thấy xúc động gai người. Phan Bội Châu xứng đáng ngôi vị cha già của dân tộc.

Khi Phan ra đời, năm 1867, nước đã mất ba tỉnh Nam Kỳ. Chín tuổi, Phan "tập trận" theo kiểu "bình Tây". Năm 19 tuổi, cùng Trần Văn Lương lập đảng "Sĩ tử cần vương đội", khoảng 100 người, mưu "việc lớn". Pháp đánh Nghệ An, "đội sĩ tử" tan vỡ. Phan ở nhà trông nom cha trong 9 năm và dạy học, nhưng vẫn thầm mưu việc nước. 1900, cha mất, bắt đầu hoạt động: liên kết với các đồng chí của Phan Đình Phùng. Cùng Phan Bá Ngọc -con trai Phan Đình Phùng- và dư đảng Văn Thân, tổ chức đánh thành Nghệ An, nhân ngày 14/7/1901, ngày quốc khánh Pháp, nhưng không thành. Cuối 1902, Phan ra Bắc gặp Đề Thám lần đầu. Mùa xuân 1903, gặp Tiểu La Nguyễn Thành cựu đảng viên Cần Vương ở Quảng Nam. Nguyễn Thành khuyên Phan nên tôn vinh một dòng dõi đế vương để có chính nghiã. Phan yết kiến Kỳ Ngoại Hầu Cường Để547. Hầu chấp nhận. 1903, Phan viết bản Lưu Cầu huyết lệ tân thư 548 để dò phản ứng của sĩ phu và thuyết phục quan trường. Văn bản có 5 phần: Nêu sự tủi nhục của người dân mất nước - Mở mang dân trí, mưu đồ phục quốc - Phục hưng dân tộc - Đào tạo nhân tài - Kỳ vọng vào các hào kiệt.

Cuối 1903, Phan vào Nam vận động. Đầu 1904, trở về Quảng Nam họp với Nguyễn Thành và Kỳ Ngoại Hầu rồi lại ra Bắc gặp Đề Thám, quyết định mở đại hội. Giữa tháng 5/1904, khai hội tại Nam Thành sơn trang, nhà trên núi của Nguyễn Thành với Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và 20 người tâm huyết, bí mật lập Duy Tân hội, tôn Cường Để làm Hội chủ, chủ trương ba điểm: Chiêu mộ đảng viên - Phát sinh bạo động - Cầu ngoại viện. Không thể nhờ Tàu vì Tàu đã theo Pháp. Tăng Bạt Hổ đã sang Nhật nhiều lần, biết tiếng Nhật, đề nghị nhờ Nhật. Ngày 23/2/1905, Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ và Đặng Tử Kính bí mật đi Hương Cảng rồi sang Nhật. Gặp Lương Khải Siêu. Lương khuyên: Quý quốc đừng lo không được độc lập mà chỉ lo dân không đủ (khả năng để) độc lập. Có thể nhờ Lưỡng-Quảng viện trợ lương thực và khí giới, nhưng nếu (dân) không có thực lực thì cũng hỏng. Thực lực tức là: Dân trí, dân khí và nhân tài. Phan nói đến việc cầu viện Nhật, Lương gạt đi: "Quân Nhật đã một lần vào nước rồi, thì không thể đuổi nó ra được". Lời khuyên của Lương Khải Siêu thật là sâu sắc. Lương giới thiệu Phan với Khuyển Dưỡng Nghị và Đại Ôi, những nhà lãnh đạo chính trị cấp tiến của Nhật Bản. Đại, Khuyển rất dè dặt: "Chúng tôi có thể giúp lương thực, còn giúp khí giới thì phải tuyên chiến với Pháp, điều rất khó".

Phan thất vọng. Lương khuyên hai giải pháp: Dùng lời văn để thức tỉnh lòng dân và đánh động dư luận thế giới. Về nước cổ động thanh niên xuất dương du học, xây dựng vững nền tảng: dân trí, dân khí và nhân tài. Nghe Lương, Phan viết Việt Nam Vong Quốc Sử (1905), nhờ Lương in hộ. Cuối tháng 7/1905, Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính lén đem 50 bản Việt Nam Vong Quốc Sử về nước. Tác phẩm có tác động như quả bom thứ nhì sau Lưu Cầu huyết lệ tân thư. 1905 còn là cái mốc quan trọng trong tình hình thế giới: Nhật thắng Nga tại eo biển Đối Mã, người da vàng lấy lại niềm tin, biết có thể thắng được người da trắng đang làm chủ thế giới.

Phan Bội Châu về nước với mục đích đem Cường Để và một số sinh viên sang Nhật. Tháng 8/1905, Phan họp với Đặng Nguyên Cẩn549 trong một chiếc thuyền trên sông Lam, rồi gặp Ngô Đức Kế, thủ lãnh phong trào Duy Tân và Đông Du Nghệ-Tĩnh ở Nghèn, bàn việc kinh tài cho phong trào Đông Du. Tháng 4/1906, Đặng Nguyên Cẩn và Ngô Đức Kế bắt tay xây dựng các cơ sở thương mại: Triêu Dương thương quán được thành lập khoảng tháng 11/1906, và các Nông hội, các Học hội khác lần lượt ra đời.

Phan lại lên đường sang Nhật. Gặp lại Lương Khải Siêu, nói đến những khó khăn về việc tìm sinh viên và kiếm trợ cấp. Lương khuyên nên có một bài văn cổ động việc này, Phan viết "Khuyến quốc dân tư trợ du học văn - Khuyên dân đóng góp cho việc du học, Lương in giùm ngàn trang để gửi về nước. Một lần nữa, tác phẩm của Phan Bội Châu lại gây xao động lòng dân: dân chúng đóng góp và sinh viên bắt đầu tìm đường sang Nhật. Khuyển giới thiệu Phan với Tôn Dật Tiên. Hội đàm 2 lần. Tôn khuyên Phan nên bỏ quân chủ chuyển sang dân chủ, nên liên kết với đảng Quốc Dân Trung Hoa để cùng tranh đấu, nhưng không đi đến thoả thuận nào. Đầu năm 1906, Phan Bội Châu trở về Hương Cảng đón Kỳ Ngoại Hầu. Hai thủ lãnh đã ở hải ngoại, Duy Tân hội có thể công khai, in rõ chương trình hành động, với ba tiêu chỉ: Đánh đổ Pháp - Khôi phục Việt Nam - Kiến thiết nhà nước quân chủ lập hiến. Lần này Phan đã chuyển sang con đường lập hiến.

Tháng 2/1906, Phan Bội Châu gặp Phan Châu Trinh tại nhà Lưu Vĩnh Phúc ở Quảng Châu. Rồi cùng sang Nhật. Thời gian ở chung tại Nhật, hai người đã tranh luận sôi nổi về đường lối cứu nước, nhưng hai hướng đi đối lập, không thể dung hoà. Phan Bội Châu: "Cụ thì muốn đánh đổ quân chủ, mà cốt vun trồng nền tảng dân quyền. Dựa vào Pháp mà đánh đổ quân chủ. Còn ý tôi thì muốn đánh đổ người Pháp trước, chờ nước mình độc lập rồi, mới bàn đến việc khác. Vì thế, đương lúc đánh với Pháp, phải lợi dụng quân chủ. (...) Cụ thì muốn dựa vào Pháp đánh đổ vua, tôi ưng theo lối bài Pháp phục Việt, sở dĩ mâu thuẫn với nhau là như thế"550.

Phan Châu Trinh: "Một là đảng "cách mạng", một là đảng "tự trị". Nguồn phát khởi đảng "cách mạng" là Phan Bội Châu. Đảng "tự trị" người phát khởi là Phan mỗ mỗ- Phan Bội Châu chủ trương bạo động- Tôi xướng thuyết dựa vào người Pháp để tự lập"551.

Tuy hai lãnh tụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh có hai đường hướng chính trị đối lập, nhưng phần lớn trí thức nho học như Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Lương Văn Can, Nguyễn An Khương... ủng hộ cả hai phong trào: Đông Du và Duy Tân. Sau hai tháng ở Nhật, Phan Châu Trinh thấy không thể nhờ Nhật, ông về nước, xúc tiến việc mở rộng phong trào Duy Tân, và từ đây con đường của hai người chia hai ngả. Phan Bội Châu trở lại Hoành Tân, thảo Hải ngoại huyết thư và viết Kính cáo toàn quốc phụ lão văn thay lời Cường Để, hiệu triệu đồng bào. Lại một lần nữa, ngòi bút Phan Bội Châu tác dụng lên quần chúng, nhất là người dân Nam Kỳ rất gắn bó với triều Nguyễn, sự đóng góp cho Duy Tân Hội và Kỳ Ngoại Hầu cao nhất trong nước.

Năm 1908, cách mạng Việt Nam chịu những tổn thất nặng nề: Ở trong nước, phong trào Trung Kỳ dân biến, chống thuế ở miền Trung, do ảnh hưởng Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu và phong trào cúp tóc của Phan Châu Trinh, bị đàn áp dã man. Đông Kinh Nghiã Thục và một loạt các trường học, hãng buôn kinh tài cho Duy Tân và Đông Du bị đóng cửa. Các lãnh tụ Duy Tân và Đông Du: Nguyễn Thành, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn... đồng loạt bị bắt, bị đi đầy. Riêng Trần Quý Cáp, thầy học của Phan Khôi, bị xử chém ở chợ Cạn tỉnh Khánh Hoà. Cái chết bi thảm của Trần Quý Cáp có lẽ là một trong những lý do khiến Phan Khôi sau này phê bình gay gắt tính chất bạo động của các cuộc nổi dậy chống Pháp: Trung kỳ dân biến (1908) và Xô-Viết Nghệ- Tĩnh (1930-31).

Tháng 3/1909, Nhật bắt tay với Pháp, trục xuất Phan Bội Châu, Cường Để và các sinh viên du học. Phan phải lánh sang Trung Hoa. 1911, Cách mạng Tân Hợi của Tôn Dật Tiên thành công, đem lại nguồn hy vọng mới. Tháng 11/1911, Phan tuyên bố "thủ tiêu" Duy Tân Hội lập Việt Nam Quang Phục hội (Khôi phục Việt Nam). Mua vũ khí và chuyển sang chiến đấu võ trang để khôi phục lãnh thổ.

1913, nhiều vụ bạo động xẩy ra ở trong nước do Quang Phục Hội lãnh đạo nhưng không đem lại kết quả mong muốn. Pháp đàn áp gắt gao. Quần chúng trước ủng hộ Phan Bội Châu, nay ngần ngại. Ảnh hưởng đấu tranh bất bạo động của Phan Châu Trinh, một thời bị lu mờ vì Phan Bội Châu, nay trở lại.

Phan Bội Châu không chỉ là nhà chính trị mà còn là nhà văn, nhà thơ lỗi lạc. Tác phẩm của ông khơi động tinh thần ái quốc của toàn dân. Từ Phan Bội Châu phát sinh dòng cách mạng bạo động: Lương Ngọc Quyến552, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Hải Thần, Hồ Chí Minh, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam...

Phan Châu Trinh chủ trương duy tân, dân chủ, tự lực, tự cường. Từ ông, phát xuất các phong trào tranh đấu bất bạo động: Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường, Phan Khôi...

● Phan Châu Trinh (1872-1926) và phong trào Duy Tân

Phong trào Duy Tân chủ trương bất bạo động, khôi phục đất nước bằng nâng cao dân trí, cải tổ mọi mặt xã hội: kinh tế, giáo dục và văn hoá, lập các nhà buôn lớn để tự lực, mở trường dạy học hiện đại, dạy quốc ngữ, bỏ từ chương, thêm khoa học và sinh ngữ. Chọn nền chính trị dân chủ.

Phan Châu Trinh sinh ngày 9/9/1872, tại làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Cha là Phan Văn Bình, một võ quan ở biên giới vùng núi. Mẹ là Lê Thị Chung. Thiếu thời, Phan theo cha học võ và tham dự phong trào Cần Vương. Năm 1887, cha bị lãnh đạo nghi ngờ, xử tử. Phan được anh cả là Phan Văn Cừ trông nom, trở về đi học. Đậu cử nhân năm 1900, phó bảng, 1901. Bạn học cùng khoá với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Đình Hiến, Ngô Đức Kế, Nguyễn Sinh Huy (cha Nguyễn Tất Thành). Tất cả đều đỗ đạt cao. Năm 1903, Phan được bổ làm Thừa Biện Bộ Lễ. Nhưng ông chỉ làm việc hơn một năm rồi xin từ chức.

Tháng 2/1905, Phan Châu Trinh cùng Trần Quý Cáp (1874-1908), Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) rủ nhau đi Nam. Qua Bình Định, gặp kỳ thi, cả ba mạo danh vào thi. Đề thi là Chí thành thông thánh553, Phan làm bài thơ Chí thành thông thánh còn Trần và Huỳnh làm bài phú Danh sơn lương ngọc554. Hai tác phẩm sẽ được quảng bá rộng rãi trong quần chúng và phát động phong trào Duy Tân555.

Huỳnh Thúc Kháng chỉ ghi chuyến đi Nam là chuyến "đi chơi, đi du lịch", kỳ thực lúc đó ba người tìm đường sang Nhật. Nguyễn Tử Trực khai: "Họ được biết tin có tầu Nhật cập bến Khánh Hoà và họ muốn tìm đường Đông Du và vì vậy phải cải trang thành thương nhân lên tầu bán hàng để rồi theo tầu về phía Đông; họ không ngờ rằng khi đến đó, chỉ thấy có tầu Nga mà không có tầu Nhật; họ bèn quay trở về để đi Phan Thiết và tìm đường để đi về phía Đông"556. Vào Bình Thuận. Trần và Huỳnh xem xét tình hình rồi về Quảng. Phan bị ốm ở lại Phan Thiết. Ốm chỉ là cớ, vì theo Hồ Tá Khanh: "Thời cơ đó rất thuận tiện cho Phan Châu Trinh ở lại mấy tháng bàn bạc với anh em và hoạt động ngay. Trước mắt nhà cầm quyền Pháp, bọn quan lại triều đình không dám hó hé. Thư xã được lập ngay trong năm 1905 mà diễn giả đầu tiên là cụ Tây Hồ... Liên Thành ra mắt năm 1906 và năm 1907 trường Dục Thanh mở cửa"557. Đó là những cơ sở đầu tiên của phong trào Duy Tân trên đất nước.

Sở dĩ phong trào Duy Tân phát triển được, vì đó là thời toàn quyền Paul Beau (1902-1908), người đã từng làm đại sứ ở Trung Hoa. Từ khi nhậm chức, Beau hết sức cải tổ chính trị, mở thêm các trường Pháp-Việt và Đại học đầu tiên ở Đông Dương558. Toàn quyền Antoine Klobukovski kế nhiệm (1908-1910) áp dụng một chính sách hà khắc hơn nhiều.

Cuối 1905, Phan Châu Trinh ra Bắc, liên lạc với Lương Văn Can và các thân sĩ Bắc Hà để lập cơ sở Duy Tân ở Bắc (sẽ là trường Đông Kinh Nghiã Thục), gặp Đề Thám, sang Quảng Châu gặp Phan Bội Châu rồi hai người cùng sang Nhật. Quan sát tình hình chính trị và dân trí nước Nhật, bàn luận với Phan Bội Châu, biết không cùng chí hướng: Phan Châu Trinh về nước, xúc tiến con đường duy tân.

Về nước tháng 6/1906. Phan Châu Trinh gửi cho toàn quyền Beau bản "Đầu Pháp chính phủ thư"559, lên án gắt gao triều đình và quan lại. Phan hoạt động không ngừng: phát động phong trào cắt tóc ngắn, liên lạc với các sĩ phu, tìm sự ủng hộ của các nhân vật quan trọng như Hoàng Cao Khải, phó vương kinh lược sứ Bắc Kỳ và nhà tỷ phú Bạch Thái Bưởi560, tham gia xây dựng Đông Kinh nghiã thục...561

● Đông Kinh nghiã thục và Trung Kỳ dân biến

Ở số 10 Hàng Đào562 năm 1906, là cửa hiệu của bà Lương Văn Can, nhưng trên gác, là nơi hội họp của các nhà cách mạng mà thủ lãnh là Lương Văn Can. Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, đều đến luận bàn với họ mỗi khi ra Bắc. Đó là trụ sở Đông Kinh Nghiã Thục.

Đông Kinh là tên kinh đô Thăng Long thời nhà Hồ. Nghiã Thục là dạy không tốn tiền. Chọn tên Đông Kinh là đã ngụ ý theo sự duy tân của Hồ Quý Ly và cả cách mạng Hồ Quý Ly nữa. Bởi Đông Kinh nghiã thục, chủ trương cả hai đường: cách mạng bạo động và duy tân văn hoá, của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh563.

Nhiều nho sĩ góp tiền và dạy không công - ngày 2 bữa cơm và ngủ ngay tại trường. Các lớp dạy miễn phí. Tiểu học: Việt văn. Trung và Đại học thêm Hán và Pháp văn. Một tháng 2 lần diễn thuyết. Bỏ lối học từ chương khoa cử. Trần Hữu Dực và Nguyễn Quyền đứng đơn xin mở trường564, Lương Văn Can, hiệu trưởng. Nguyễn Quyền, giám học.

Tháng 3/1907, mở hai lớp đầu tiên. Tháng 5/1907 mới chính thức được giấy phép. Số học sinh gia tăng rất nhanh. Đào Trinh Nhất đã học, cho biết có khoảng hơn ngàn565 và Nguyễn Văn Vĩnh cũng viết: "Bài nói chuyện cuối cùng của tôi về trường Đại học cho Việt Nam đã được trên 500 người nghe"566. Trường có ban tu thư để soạn sách và dịch sách lấy. Có máy in. Các sách của trường in ra không còn dấu vết, nhưng những bài ca ái quốc còn truyền lại. Cuốn Hải Ngoại huyết thư của Phan Bội Châu đã được trường quảng bá khắp nước. Đông Kinh Nghiã Thục phát động phong trào yêu nước, phổ biến các bài ca yêu nước như Thiết Tiền Ca của thầy đồ Tây Tựu, và qua các buổi diễn thuyết. "Các giáo sư như Dương Bá Trạc, Nguyễn Quyền, Nguyễn Văn Vĩnh thay phiên nhau đăng đàn, nhưng nhà hùng biện nhất vẫn là cụ Tây Hồ. Mỗi lần ở Quảng Nam ra thì cụ đều lại Nghiã thục để diễn thuyết"567. Tất nhiên chính quyền thuộc địa phải tìm cách dẹp.

Tháng 1/1908, trường bị thu giấp phép568.

Hoạt động chưa được một năm, nhưng ảnh hưởng của Đông Kinh Nghiã Thục rất quan trọng trong thế kỷ XX: Đó là cái nôi đầu tiên xây dựng nền Việt học.

Đông Kinh Nghiã Thục bị đóng cửa tháng giêng, đến tháng 4/1908, khởi phát phong trào Trung Kỳ dân biến: dân chúng nổi dậy chống thuế. Bạo động. Khâm sứ Trung Kỳ Lévecque, Toàn quyền lâm thời Bonhoure và sau đó toàn quyền Klobukovski thẳng tay đàn áp, mượn cớ dẹp luôn Duy Tân và Đông Du: Phan Châu Trinh bị bắt ở Hà Nội, giải về Huế. Trong tư liệu mới về Phan Châu Trinh, bà Lê Thị Kinh tức Phan Thị Minh, cháu ngoại cụ Phan tìm thấy các chứng cớ chứng minh chính khâm sứ Trung Kỳ Lévecque đích thân chỉ đạo việc đàn áp cùng với toàn quyền lâm thời Bonhoure, quyết định kết án tử hình Phan Châu Trinh, nhưng nhờ Phủ Phụ chính, đặc biệt các quan thượng thư Cao Xuân Dục và Lê Trinh chống lại Lévecque, đổi án tử hình sang đầy Lao Bảo, Lévecque-Bonhoure đổi thành Côn Đảo. Sau vụ Phan Châu Trinh, Lévecque không cho đưa Trần Quý Cáp vào Huế để phủ Phụ Chính xử nữa, mà giam ông ở Khánh Hoà, rồi lệnh cho quan lại Khánh Hoà chém ngay, không để cho triều đình kịp can thiệp. Từ trước đến nay chúng ta vẫn tưởng nhờ Ernest Babut vận động Hội Nhân Quyền can thiệp mà Phan Châu Trinh thoát án tử hình.

Ngày 1/4/1911, Phan Châu Trinh và con trai là Phan Châu Dật rời Sài Gòn. Ngày 27/4/1911, tàu đến Marseille, đi xe lửa tốc hành lên Paris, ở hôtel rue Gay Lussac từ 27/4 đến 2/5. Sau đó chuyển đến ký túc xá Guyau của sinh viên, số 32 rue Vouillé569. Châu Dật học ở Montparnasse. Tháng 4/1913, Phan Châu Trinh trọ ở hôtel rue l'Abbé de l'Epée, Paris 5e. Tháng 10/1913, ông dọn sang hôtel rue Cujas, Paris 5e.

Tại Paris, Phan viết Trung Kỳ dân biến thỷ mạt ký điều trần với chính phủ Pháp nỗi đau khổ của người dân, vì sưu cao thuế nặng mà phải nổi lên chống thuế, rồi bị đàn áp dã man, mong chính quyền thuộc địa thay đổi chính sách.

Từ đây, kháng chiến chống Pháp bước sang giai đoạn thứ ba: đòi tự do dân chủ và độc lập bằng ngòi bút. Phan Văn Trường khởi động tại Pháp năm 1912, lập Hội Đồng bào Thân Ái, cùng Phan Châu Trinh lãnh đạo phong trào Việt kiều. Tháng 6/1919, Phan Văn Trường viết Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam, ký tên Nguyễn Ái Quấc, gửi Hội Nghị Hoà Bình Versailles, công khai đòi tự do dân chủ. Phong trào chống Pháp tại Pháp bắt đầu.

Những người chủ chốt được gọi là Ngũ Long gồm Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành.

● Phan Văn Trường (1878-1933)

Nhờ hồi ký Une histoire de conspirateurs annamites à Paris ou la vérité sur L'Indochine - Chuyện những người An Nam âm mưu ở Paris hay sự thật về Đông Dương của Phan Văn Trường, do sử gia Ngô Văn sưu tầm, in lại ở Paris, nxb l'Insomniaque, 2003, ta được biết thêm nhiều sự kiện mới về Phan Văn Trường.

Phan Văn Trường sinh năm 1878 tại làng Đông Ngạc, tỉnh Hà Đông, trong một gia đình 6 anh em. Con ông Phan Huy Quang và bà Phan Thị Nghiêm. Học trường Dòng, rồi trường thông ngôn. Làm phán sự ở Toà Sứ. Viên chánh văn phòng Toà Thống Sứ nhận xét: "Được giao làm các công bố chính thức, Trường hoàn thành nhiệm vụ rất cẩn thận và khéo léo. Có trí thông minh thực vô song, Trường sẽ là một phán sự cực giỏi có thể thay hẳn một viên chức người Âu". Nhưng sau đó thêm vào: "Có những biểu hiệu cứng đầu rất rõ rệt và những hành động gần như vô kỷ luật"570.

Năm 1908, đậu ngạch tham tá, biệt phái sang Paris làm giáo sư phụ giảng tiếng Việt571 tại trường Ngôn Ngữ Đông Phương572 và học Luật. Ông đi Pháp theo nghị định ngày 8/11/1908 của phủ Toàn quyền. Ông nhập Pháp tịch ngày 18/3/1911.

Năm 1912, xong cử nhân, ông ghi tên vào luật sư đoàn, tập sự tại toà Thượng Thẩm Paris. 1912, ông gặp Phan Châu Trinh, lập hội Đồng Bào Thân Ái, cơ sở đầu tiên của Việt kiều yêu nước tại Pháp. Vì hoạt động này, đầu tháng 1/1913, khế ước dạy học của ông bị huỷ.

Từ tháng 4/1913, Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu tổ chức nhiều cuộc bạo động ở Bắc và Trung. Ngày 26/4/1913, nhân vụ ném bom tại một quán cà phê, hai sỹ quan Pháp bị chết ở Hà Nội, chính quyền bảo hộ bắt người anh cả của ông là Phan Tuấn Phong -trí thức nho học- và con trai 13 tuổi là Phan Trắc Cư. Ngày 30/6/1913, khám nhà em trai ông là Phan Trọng Kiên lấy cớ tìm được ở nhà ông Kiên những thư từ liên lạc với ông Trường. Hai anh em và Cư bị đầy chung thân biệt xứ sang Nouvelle-Calédonie. Nhiều năm sau, nhờ luật sư Marius Moutet can thiệp, mới được trở về.

Ngày 31/10/1913, Bộ Thuộc Địa gài bẫy, dùng lá thư của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để ở Đức gửi Phan Châu Trinh, để kết tội hai ông Phan liên lạc với Việt Nam Quang Phục Hội, năm sau sẽ buộc tội hai ông "âm mưu chống nhà nước Pháp" qua bản khai (man) của Nguyễn Như Chuyên. Chuyên đi cùng tàu với Phan Châu Trinh sang Pháp, ở cùng khách sạn với Phan Châu Trinh, rue L'Abbé de l'Épée, rồi Cujas, có nhiệm vụ theo dõi Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường.

Ngày 13/3/1914, Phan Văn Trường được mời dự Hội thảo về vấn đề Đông Dương ở trường Cao Đẳng Xã Hội573, Albert Sarraut574 lo ngại, can thiệp với Bộ Thuộc Địa, không cho Phan Văn Trường diễn thuyết nhưng không thành. Phan Văn Trường nói về đề tài: Les revendications indigènes - Những thỉnh nguyện của người bản xứ575.

Bài diễn văn không nhắm trực tiếp vào những đòi hỏi độc lập dân chủ, vì ông biết đòi lúc này vô ích, nhưng ông phê bình đến nguồn cội của chính sách thực dân kiểu Âu châu từ thời La Mã, rồi so sánh và đối chất với hệ thống đô hộ kiểu Tàu, là nguồn cội xuất phát đế quốc An Nam. Bài diễn thuyết làm chính quyền thực dân lo ngại.

Thế chiến bùng nổ. Cuối tháng 7/1914, lệnh tổng động viên, vì có quốc tịch Pháp, Phan Văn Trường bị gọi đi lính. Ngày 12/9/1914, đang đóng ở Chartres, ông bị đưa về Paris, giam trong binh ngục Cherche-Midi. Phan Châu Trinh bị bắt ngày 15/9/1914, bị giam tại ngục Santé. Lý do giả là lá thư của Cường Để. Lý do thực là Hội Đồng Bào Thân Ái, đã được dự thẩm toà án binh, quan ba576 Caron viết ra: "Ngày 22/8/1914 có công văn của Bộ trưởng thuộc địa gửi cho Bộ trưởng quốc phòng thông báo: Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường trong hai năm qua đã kích động sinh viên và đồng bào thù ghét chính phủ Pháp và đưa họ vào một tổ chức có mầm mống phản loạn"577.

Trong bản hỏi cung ngày 8/4/1915, Nguyễn Như Chuyên khai hết những "âm mưu chống phá chính quyền" của hai ông Phan với những "bằng chứng": ông Trường sang Anh nhiều lần tìm cách liên lạc với cách mạng Trung Hoa, ông Trinh được chính phủ Đức cho tiền để mua súng đạn, tổ chức lật đổ chính quyền Pháp tại Việt Nam578, điều này hoàn toàn bịa đặt, vì Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh đều chống cách mạng bạo động. Dù là "sinh viên", Nguyễn Như Chuyên cũng "bị" bắt giam vào binh ngục cùng Phan Văn Trường, Chuyên dụ ông Trường muốn thoát án tử hình, phải viết đơn cầu cứu Thủ lãnh Luật sư đoàn hay dự thẩm Caron, nhưng Phan không viết.

Tháng 7/1915, nhờ luật sư dân biểu đảng Xã hội Marius Moutet, đồng nghiệp của Phan tại toà Thượng thẩm, yêu cầu Thủ tướng Pháp can thiệp cho ông xem hồ sơ, bởi vì nó trống. Albert Sarraut phải nhượng bộ. Toà tuyên miễn tố. Lệnh thả ký ngày 13/7/1915. Ngay khi ra tù, Phan Văn Trường biết từ đây mình có thể bị bắt và bị án tử hình bất cứ lúc nào, ông dặn Moutet mọi việc hậu sự.

Phan Văn Trường được gửi về Công Binh Xưởng Toulouse, làm thông ngôn cho lính thợ. Tại đây, ông vẫn bị Bộ Thuộc Địa, do André Salles chủ mưu -sẽ nói rõ hơn ở các chương sau- thâm thù Phan Văn Trường về việc trường Parangon và Hội Đồng Bào Thân Ái, tiếp tục theo dõi. Tháng 2/1916, Salles lại viết thư yêu cầu Bộ Quốc Phòng mở lại ăng-kết về ông, nhưng không có kết quả.

Đến tháng 6/1917, nhân việc viết đơn xin giãi ngũ cho một binh sĩ, Phan lại bị truy tố về tội "chủ mưu xui giục" công binh Việt Nam viết đơn xin giải ngũ579. Nhưng ông được thiếu tá chỉ huy Malacamp bênh vực. Tướng Mas đến Toulouse gặp Phan Văn Trường, sau đó Bộ Quốc Phòng trả lời dứt khoát Bộ Thuộc Địa, không chuyển Phan Văn Trường đi đâu hết vì không có bằng cớ gì cả.

Trong thời gian ở Toulouse, Phan kết bạn với Louise Vert -không ở chung- ở số 58 Rue Côte Pavé, sinh con trai Robert Phan, nhưng biết mình làm chính trị, có thể bị bắt bất cứ lúc nào, ông giấu tung tích vợ con. Bà liên lạc với ông qua địa chỉ ông Khánh Ký.

Tháng 4/1919, được giải ngũ, ông trở lại ở Paris. Luôn luôn bị mật thám theo dõi. Từ lúc này, địa chỉ số 6 villa des Gobelins, quận 13, Paris, nhà Phan Văn Trường, được coi là "trụ sở" của Hội Người An Nam Yêu Nước.

Tháng 6/1919 ông viết bản Les revendications du peuple annamite - Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam, ký tên Nguyễn Ái Quấc, đưa Nguyễn Tất Thành đem đến Hội Nghị Hoà Bình ở Versailles. Bản thỉnh nguyện không được Hội Nghị Hoà Bình lưu ý, nhưng làm cho chính quyền Pháp nổi giận, sẽ được ghi lại như văn bản đầu tiên đòi tự do dân chủ của người Việt gửi đến chính phủ Pháp và Đồng Minh.

Từ cuối 1919 đến giữa 1922 Phan Văn Trường thường sang Rhénanie biện hộ tại toà án binh Mayence. Đây là vùng đất Đức, thuộc Pháp từ 1793 đến 1914 Đức mới lấy lại. Ông sang đây cãi ở toá án binh, vì ở Paris không thể làm việc được: thân chủ ông bị mật thám theo dõi và đe doạ. Ngày 3/6/1922, ông trình luận án tiến sĩ, đề tài Essai sur le Code Gia Long - Khảo luận về Luật Gia Long.

Phan Văn Trường rời Pháp ngày 22/12/1923, đến Sài Gòn ngày 21/1/1924. Ra Bắc thăm gia đình, rồi trở vào Sài Gòn ngày 6/2/1925. Mở văn phòng chung với luật sư Paul Monin, nổi tiếng bảo vệ người An Nam, ở số 119 đường Mac-Mahon. Ông diễn thuyết và viết báo, cộng tác với Nguyễn An Ninh làm báo la Cloche Fêlée - Chuông Rè, cùng nhau viết nhiều bài chỉ trích chính quyền Pháp, nhưng Ninh để cho Trường ký, vì Trường có quốc tịch Pháp, thực dân không dám thẳng tay trừng trị như Ninh580. Ngày 26/11/1925, Phan Văn Trường thay Dejean de la Bâtie làm giám đốc tờ Chuông Rè581. Với các bài viết và các buổi diễn thuyết, nhóm Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, rồi sau này Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm... khuynh đảo tình hình chính trị tại Nam Kỳ.

Phan Châu Trinh lên đường về nước ngày 18/5/1925 cùng Nguyễn An Ninh và mất ngày 24/3/1926 tại Sài Gòn.

Vì tội tổ chức mít-tinh ở Vườn Xoài, Ninh bị bắt ngày 20/3/1926. Bốn ngày sau Phan Châu Trinh mất. Phan Văn Trường tiếp tục tờ Chuông Rè, mở rộng với nhóm Đệ tứ và đổi thành L'Annam từ 1/5/1926. L'Annam ra tới tháng 2/1928 phải đình bản, vì Phan Văn Trường bị toà Tiểu hình Sài Gòn kết án 2 năm tù ngày 27/3/1928582 với những "tội" sau đây:

1- Báo An Nam năm 1926, đăng bản kêu gọi Hội Quốc Liên của báo Việt Nam Hồn và đảng Phục Việt583 đòi quyền độc lập cho Việt Nam.

2- Đăng một bài trích báo L'Humanité Paris, xúi giục quân lính Việt Nam ở Trung Hoa bất tuân lệnh.

3- Cổ động dân chúng làm lễ truy điệu Lương Văn Can.

Toà Thượng Thẩm y án. Phan Văn Trường chống lên toà Phá Án Paris và sang Pháp để tự biện hộ. Toà Phá Án y án. Phan Văn Trường vào tù tháng 6/1929. Luật sư Marius Moutet, dân biểu đảng Xã Hội, vận động ân xá. Phan Văn Trường được trả tự do tháng 2/1930. Ông về nước, mở phòng cố vấn pháp luật tại Sài Gòn. 1933 ông ra Bắc thăm gia đình và mất tại nhà anh là Phan Cao Lũy, 25 phố Gambetta -Trần Hưng Đạo, Hà Nội, ngày 22/4/1933 vì bệnh đau gan584.

● Nguyễn Thế Truyền (1898-1969)

Nguyễn Thế Truyền là khuôn mặt thứ nhì sau Phan Văn Trường trong nhóm Ngũ Long. Nhờ cuốn Thân thế và sự nghiệp nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền của Đặng Hữu Thụ, chúng ta có thể biết rõ về Nguyễn Thế Truyền.

Nguyễn Thế Truyền sinh ngày 17/12/1898 tại làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng. Cha là Nguyễn Duy Nhạc. Ông là Nguyễn Duy Hàn, tuần phủ Thái Bình, bị hạ sát ngày 12/4/1913, vì bom của Phan Văn Tráng, trong Quang Phục Hội (Phan Bội Châu). Năm 1910, 12 tuổi, Truyền được phó công sứ Thái Bình Dupuy đem về Pháp du học. Vào nội trú trường Parangon585 (trực thuộc Alliances françaises586) lúc đó do André Salles, cựu thanh tra thuộc địa, làm hiệu trưởng. Trường Parangon có mục đích đào tạo trẻ em thuộc địa trở thành "công dân tốt" trung thành với mẫu quốc.

Là học sinh xuất sắc, Nguyễn Thế Truyền liên tiếp được học bổng của Alliances françaises từ 1913 đến 1922. Năm 1915, đậu Brevet Supérieur, về nước một năm, học thêm Hán văn, rồi trở lại Pháp học tiếp kỹ sư hóa học (1916- 1920) ở Toulouse.

Tháng 8/1920, sau khi tốt nghiệp kỹ sư, về nước một năm, học tiếp Hán văn. Tháng 8/1921 trở lại Paris, sửa soạn luận án tiến sĩ, học thêm triết và đậu cử nhân triết năm 1922.

Khi mới trở lại Paris, Nguyễn Thế Truyền ở số 3 Champollion, Paris 5e. Đầu năm 1922, ông đến ở nhà Phan Văn Trường, số 6 villa des Gobelins - Từ cuối 1919 đến 1922, Phan Văn Trường hay đi Đức, biện hộ tại toà án binh Mayence. Khi Phan Văn Trường về lại Pháp, Nguyễn Thế Truyền mướn nhà số 6 rue Saint Louis en l'Ile, Paris. Kết duyên với cô La Tour, y tá, sống chung từ cuối 1922, có bốn con.

Nguyễn Thế Truyền là một con rồng lớn trong nhóm Ngũ Long, ông đã khuynh đảo chính sách thực dân bằng ngòi bút, đặc biệt trên tờ Le Paria, với sự cộng tác của Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Phu - chú của Truyền.

Nguyễn Thế Truyền vào đảng Xã Hội, rồi đảng Cộng Sản587. Năm 1925, ông làm phó tổng thư ký hội Liên HiệpThuộc Địa - Union intercoloniale và chủ bút tờ Le Paria - Người cùng khổ. Năm 1926, ông rời Le Paria, ra báo Việt Nam Hồn. Tháng 5/1927, ông tách khỏi bộ phận thuộc địa của đảng Cộng Sản Pháp và lập đảng Việt Nam Độc Lập588.

Báo Việt Nam Hồn ra công khai được tám số589 thì bị Albert Sarraut, lúc đó là tổng trưởng Nội Vụ, ra lệnh cấm. Vẫn lén lút ra. Sau đổi tên là Hồn Việt Nam, ra được bốn số, rồi đổi là Việt Nam từ tháng 9/1927. Từ khi Việt Nam Hồn bị cấm, Truyền ra công khai tờ Phục Quốc. Hai tờ Le Paria và Việt Nam Hồn mà Nguyễn Thế Truyền là linh hồn, đã ảnh hưởng sâu xa đến cách mạng Việt Nam. Ngày 7/12/1927 Nguyễn Thế Truyền và gia đình cùng Nguyễn An Ninh lên tàu về nước. Nguyễn Văn Luận thay thế quán xuyến mọi việc. Gia đình Nguyễn Thế Truyền về Sài Gòn ở nhà Nguyễn An Ninh một tháng, ra Huế thăm Phan Bội Châu 3 ngày, rồi đi Vinh thăm bà dì ruột.

Đầu tháng 3/1928, trở về quê làng Hành Thiện ở ít lâu rồi lên Nam Định cư ngụ số 22 đường Sài Gòn590. Lúc đó cha ông là Nguyễn Duy Nhạc đang làm tri phủ Quốc Oai, Sơn Tây, Nguyễn Thế Truyền từ chối mọi đề nghị làm việc với Pháp, sống bằng phần ruộng gia đình, tự trông nom mùa màng, giúp Nguyễn Thế Song, đã về mở xưởng sửa chữa máy móc và xe hơi ở Hà Nội, để sống và kinh tài cho đảng Việt Nam Độc Lập. Xưởng bị mật thám xét, thợ thuyền bị đe dọa, khách hàng bị tra hỏi, giữa năm 1928 phải đóng cửa. Nguyễn Thế Truyền viết sách về các phong trào ái quốc, bằng tiếng Pháp, nhờ một nhà nho dịch sang chữ Hán và quốc ngữ, đem sang Trung Hoa in591 nhưng chắc bị tịch thu, không còn dấu vết.

Nguyễn Thế Truyền tìm cách liên lạc với Nguyễn Hải Thần và Đặng Hữu Bằng -người Hành Thiện- đệ tử Phan Bội Châu, sĩ quan cao cấp trong quân đội Trung Hoa và giáo sư trường võ bị Hoàng Phố. Tin này bị lộ, Truyền bị bắt 1933. Bà Truyền nhờ hội Chống Thực Dân can thiệp, mới được thả. Trong thời gian ở Bắc, Nguyễn Thế Truyền làm ba việc khiến người dân bị trị khâm phục: Tát Tổng đốc Vi Văn Định - Kiện chính quyền bảo hộ Bắc Kỳ - Bắt viên chánh cẩm Pháp tại Nam Định phải xin lỗi trước mặt công sứ Nam Định. Không thành công trong việc xây dựng đảng Việt Nam Độc Lập tại Việt Nam vì hoàn toàn bị theo dõi và cô lập và trong khi ông vắng mặt thì đảng ở Pháp bị giải tán.

Nguyễn Thế Truyền quyết định trở lại Pháp, ngày 26/3/1934 đến Marseille. Tại Paris, để sinh sống, ông bán báo rong. Diễn thuyết và viết báo. Xác định lập trường: Việt Nam không chấp nhận chủ nghiã vô sản chuyên chính vì các nhà lãnh đạo đệ tam hay đệ tứ đều tuân theo mệnh lệnh của Staline, Trotsky. Ở Việt Nam từ xưa đến nay, không có giai cấp rõ rệt, ai học giỏi thì đỗ ra làm quan. Không có chuyện cha truyền con nối. Không có giai cấp bóc lột. Không cần đấu tranh giai cấp. Chủ nghĩa cải cách của Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh cũng không đi xa được vì những cải cách mà người Pháp đưa ra chỉ có tính cách vặt vãnh, không khi nào thực dân bỏ quyền lợi của họ ở Việt Nam. Chỉ có chủ nghiã quốc gia, nặng về nhân trị, không bài ngoại, là thích hợp với dân tộc. Nguyễn Thế Truyền hoạt động cho Liên Minh chống chính sách thuộc địa -Fédération anticolonialiste do Marius Moutet và Joseph Lagrosillière sáng lập năm 1935. Ông thành lập Tập Đoàn Đông dương -Rassemblement Indochinois năm 1936. Vận động các tổ chức nhân quyền, các ủy ban đòi ân xá chính trị phạm, bênh vực Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu... bị giam ở Sài Gòn. Hoạt động đến hết 1938 mới về nước. Từ 1934 đến 1937, vợ con ông vẫn ở Nam Định, do cha mẹ ông trông nom. Khi hai con gái ông xin học bổng thì bị bác vì tên là Nguyễn Trưng Trắc, Nguyễn Trưng Nhị, bị coi là "những con rắn nhỏ" lớn lên sẽ đánh Pháp như Trắc, Nhị đánh Tàu. Vợ con ông bị nhóm thực dân ở Nam Định kỳ thị và thù ghét. Tháng 3/1937, bà nhận làm y tá, nghề cũ, tại trường Yersin và đem các con vào Đà Lạt. Sau khi bà mất các con ông được các linh mục đỡ đầu. Trưng Trắc sau làm tu sĩ ở Pháp. Trưng Nhị, giáo sư triết ở Anh. Quốc Tuấn học âm nhạc tại Tây Đức, Thế Hào học về cơ khí ở Pháp.

Nguyễn Thế Truyền không gặp lại vợ con khi về nước. Vợ ông mất giữa năm 1940, các con báo tin cho ông nhưng nhà cầm quyền chặn thư. Sau biết tin, ông xin vào Đà Lạt nhưng không được phép. Ông và Nguyễn Thế Song bị Pháp bắt ở Nam Định592 theo quyết định của toàn quyền ngày 3/5/1941 bị đưa lên Sơn La, và cuối 1941, bị đầy sang an trí ở Madagascar, tới tháng 6/1946, Marius Moutet mới can thiệp được cho hai anh em trở lại Việt Nam, nhưng bị quản thúc tại Sài Gòn đến giữa 1947.

Nguyễn Thế Truyền mất ngày 19/9/1969 tại Sài Gòn. Mộ của ông ở nghiã trang Hội Gò Công tương tế, gần phi trường Tân Sơn Nhất, sau bị chính quyền cộng sản san bằng593.

● Nguyễn An Ninh (1900-1943)

Hai gia đình cách mạng lớn thế kỷ XX là gia đình cụ Lương Văn Can ở Bắc và cụ Nguyễn An Khương trong Nam. Không những hai cụ là những nhà nho lãnh đạo phong trào Duy Tân và Đông Du ở Bắc và Nam, mà còn là thân phụ của hai người anh hùng: Lương Ngọc Quyến - Nguyễn An Ninh, tiêu biểu cho hai khuynh hướng cách mạng: bạo động của Phan Bội Châu và bất bạo động của Phan Châu Trinh.

Nguyễn An Ninh sinh ngày 5/9/1900 tại Chợ Lớn. Gia đình gốc Quán Tre, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Cha là Nguyễn An Khương, mẹ là Trương Thị Ngự, chú Nguyễn An Cư và bác Nguyễn Thị Xuyên, đều tham gia cách mạng. Đại diện Đông Kinh Nghiã Thục trong Nam, Nguyễn An Khương lập khách sạn Chiêu Nam Lầu tài trợ cho Duy Tân và Đông Du. Dịch sách chữ Hán sang tiếng Việt. Viết bài trên Nông Cổ Mín Đàm cổ động lòng yêu nước. Nguyễn An Cư, là nhà văn, nhà nho uyên thâm, thày thuốc Nam nổi tiếng.

Nguyễn An Ninh nhận hai nền giáo dục từ nhỏ: Hán học, do cha và cô ruột dạy và Pháp văn ở trường Sở Cọp, gần Vườn Bách Thú, rồi sau vào trường Dòng Taberd và lycée Chasseloup - Laubat. Làm báo tiếng Pháp rất sớm khi vừa xong bằng Brevet Élémentaire - Thành Chung. Nổi tiếng bất khuất, chửi Tây, đánh Tây. Thủa nhỏ có tật nói cà lăm, nhưng tự luyện khỏi cà lăm. Khi ở Paris, ngày nghỉ thường ra ngoại ô, vào rừng luyện giọng hàng giờ, sau trở thành nhà diễn thuyết hùng hồn, lôi cuốn. Năm 1916, Ninh ra Hà Nội học y khoa, sáu tháng sau bỏ qua Luật. 1918, Ninh về Sài Gòn, rồi sang Pháp học tiếp Luật. 1920, đậu cử nhân Luật594. Đậu xong cử nhân, cha gọi về nước cưới vợ. Vì Ninh đánh hai người Pháp có thái độ hỗn xược trong rạp xi-nê, trước mặt ông anh rể tương lai, ông này sợ quá, huỷ bỏ lễ cưới595. Tháng 7/1920, Ninh đi Pháp lần thứ nhì, chuẩn bị làm luận án tiến sĩ Luật.

Tháng 10/1922, Ninh về nước sau khi đi Âu Châu (Anh và Ý), diễn thuyết nhiều lần tại Hội Khuyến Học Nam Kỳ, đả kích chính sách thực dân, phát huy tinh thần dân chủ, được thanh niên hưởng ứng. Tháng 2/1923, Ninh trở lại Pháp, viết báo, mời Phan Văn Trường về nước làm báo. Tháng 8/1923, Ninh về nước. Tháng 12/1923, ông Trường về nước.

Đêm 15/10/1923, Nguyễn An Ninh diễn thuyết ở hội Khuyến Học Sài Gòn, bài Cao Vọng Thanh Niên, có tiếng vang lớn, thống đốc Nam Kỳ Cognacq gọi Ninh lên cảnh cáo. Ngày 10/12/1923, phát hành số 1, báo La Cloche fêlée - Chuông rè, toà soạn đặt tại số 29 đường Pierre Flandin - Bà Huyện Thanh Quan596 do Nguyễn An Ninh sáng lập, Dejean de la Bâtie làm chủ nhiệm. La Cloche fêlée là cơ quan ngôn luận đầu tiên chống Pháp công khai và mãnh liệt tại Việt Nam. Nguyễn An Ninh viết bài, lên trang, đưa in và tự mình đem báo đi bán. Báo viết tiếng Pháp, đánh thẳng vào các chính sách thực dân. Đến số 19, ra ngày 14/7/1924, báo phải tạm ngưng597. Cuối năm 1924, Nguyễn An Ninh kết hôn với cô Trương Thị Sáu.

Tháng 1/1925, Nguyễn An Ninh lại sang Pháp, ở Pháp gần một năm, lần này đón Phan Châu Trinh về nước598. Ngô Văn cho biết: "Trước khi lên đường ba hôm, Ninh và Trinh tham dự cuộc mít tinh tập hợp hơn 800 người Pháp và Đông Dương tại hội trường Hội Bác Học- Hôtel des Sociétes savantes". Kết quả cùng ký một quyết nghị gửi chính phủ Pháp599, đòi tự do, dân chủ cho Việt Nam, tương tự bản Thỉnh Nguyện Thư tám điểm của Phan Văn Trường.

Một mật báo viết: "Phan Châu Trinh đã xuống tàu hôm 28/5/1925 về Sài Gòn (...) Cùng chuyến tàu có tên phiến loạn chống Pháp là Nguyễn An Ninh cùng về. Cũng có quyển France en Indochine 600 chống Pháp một cách đáng ghét đã được đem về trong chuyến này. Yêu cầu không được phổ biến quyển sách này. Xin làm mọi cách để ngăn cấm"601.

Tờ Chuông rè im lặng 20 tháng, khi Phan Bội Châu bị bắt đưa về Hà Nội, bị đưa ra toà ngày 23/11/1925 về tội "phiến loạn", Nguyễn An Ninh tung trở lại Chuông rè ngày 26/11/1925602, phát động chiến dịch bảo vệ Phan Bội Châu cùng với Đông Pháp Thời Báo. Nguyễn Thế Truyền ở Pháp lập tức vận động Hội Liên Hiệp Thuộc Địa, tổ chức mít tinh lớn tại hội trường Hội Bác Học từ 9/10/1925, ứng khẩu diễn thuyết hùng hồn cảm động và viết trọn hai số Le Paria 36 và 37 về Phan Bội Châu603.

Ngày 24/12/1925, toàn quyền Varenne phải thả Phan Bội Châu, đưa về an trí ở Huế. 8/8/1927, Nguyễn An Ninh sang Pháp đón Nguyễn Thế Truyền về nước ngày 7/12/1927.

• Nguyễn An Ninh, năm lần bị bắt và bị cầm tù

1- Lần thứ nhất: 20/3/1926604, bị bắt, bị kết án 18 tháng tù, vì tội phá rối trị an, viết báo Chuông rè và truyền đơn xúi dân làm loạn, tổ chức mít tinh tại Xóm Lách, Vườn Xoài ngày 21/3/1926 -tổ chức chứ không tham dự, vì bị bắt từ hôm trước- ở nhà bà Đốc Phủ Tài, dì ruột Ninh, và đưa ra bản quyết nghị có ba ngàn người biểu quyết. Quyết nghị đòi Tám điểm, tương tự như Bản Thỉnh Nguyện Thư của Phan Văn Trường 1919. Bốn ngày sau, 24/3/1926, Phan Châu Trinh mất. Nguyễn An Ninh đã dặn dò nhóm Đặng Văn Ký, Huỳnh Đình Điển, Phan Khôi lo liệu cho Phan Châu Trinh trước khi bị bắt - sẽ nói rõ hơn trong chương 20, phần viết về đám tang Phan Châu Trinh.

Ngày 7/1/1927, được ân xá, Ninh xin sang Pháp lo cho gia đình Nguyễn Thế Truyền về nước605. Ngày 7/12/1927 Truyền và Ninh lên tàu Chantilly từ Marseille về Sài Gòn.

2- Lần thứ nhì: tháng 9/1928, bị kết án ba năm tù vì tội lập Hội Kín Nguyễn An Ninh, dính líu gần 500 người bị bắt vì tội "đảng viên". Phan văn Hùm cũng bị tù, được thả, viết cuốn sách nổi tiếng Ngồi tù khám lớn. Đến cuối năm 1930, Ninh được thả.

3- Lần thứ ba: 4/1936, bị bắt về tội viết báo La lutte - Tranh đấu, quy tụ nhóm Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Lê Văn Thử, Phan Văn Hùm, phá rối trị an, bị kết án 18 tháng tù, cùng với Tạ Thu Thâu, Nguyễn Văn Tạo. Tuyệt thực. Tháng 11/1936 được thả.

4- Lần thứ tư: 7/37 bị bắt trở lại, kết án 5 năm tù ở, 5 năm biệt xứ, về tội tổ chức biểu tình ở quận Càn Long "xúi giục dân chúng nổi loạn". Tháng 1/1939 được ân xá.

5- Lần thứ năm: Ngày 5/10/1939, đệ nhị thế chiến bùng nổ, bị bắt cùng với nhiều nhà chính trị khác đủ các khuynh hướng. Ninh bị kết tội phá rối trị an bằng cách hành động trong những cơ quan bí mật, tiếp xúc và xúi giục nông dân, thợ thuyền nổi lên chống chính phủ Pháp. Bị kết án: 5 năm tù. 10 năm biệt xứ và mất quyền công dân.

Lần này không thoát khỏi tử thần, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh mất tại Côn Đảo ngày 14/8/1943, ở tuổi 43606.

Bài diễn thuyết Cao vọng thanh niên tại hội Khuyến học Sàigòn, đêm 15/10/1923 đánh dấu sự thành công đầu tiên của Nguyễn An Ninh như một nhà trí thức ái quốc 23 tuổi "mở màn cho cao trào cách mạng, mở mang dân trí, dân sinh, dân quyền, dân chủ cho nòi giống Việt" như Phương Lan Bùi Thế Mỹ nhận xét.

Nguyễn An Ninh đã ảnh hưởng sâu xa đến lớp trẻ như Hồ Hữu Tường, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu... Họ coi Ninh là thần tượng, "noi gương" Ninh làm cách mạng chống Pháp, lập đảng Trốt-kít. Phan Khôi, dù lớn hơn Ninh 13 tuổi, cũng chịu ảnh hưởng của Ninh trong việc xây dựng một nền quốc học, thoát khỏi ảnh hưởng Khổng Mạnh, gần gụi với tinh thần khoa học Tây phương.

Tại Paris, Ninh vừa làm vừa học: viết bài khảo cứu về Đông Phương học cho các báo, hoặc làm người mẫu cho họa sĩ. Chơi thân với giới văn nghệ sĩ Pháp và nhóm Anarchiste - Vô chính phủ. Khi về nước, viết báo, lên khung, in báo, mặc áo dài, để tóc dài, đem báo rao bán trên đường Catinat. Nấu dầu cù là Nguyễn An Ninh đem bán khắp thôn quê kiếm sống và diễn thuyết, nói chuyện với quần chúng đói khổ về tình hình đất nước. Có lúc Ninh và Hùm cạo trọc đầu.

Tại Paris, hoạt động tích cực trong nhóm Người An Nam Yêu Nước, là một trong Ngũ Long, diễn thuyết và viết báo chống thực dân. Hồ Hữu Tường viết: "Tụi Tây ít khi phục bằng cấp (...) Ninh viết français hay lắm, tụi nó lác mắt. Chừng đó mới chịu phục (...) Khởi đầu, Ninh viết trong tờ Le Libertaire607 là cơ quan anarchiste 608 Tây nó phục rồi, mới rủ Ninh đứng vào nhóm sáng lập tạp chí Europe (do J.R. Bloch làm giám đốc)... Vào tạp chí Europe, Ninh làm quen với Léon Werth. Sau Ninh rủ Léon Werth qua bên mình. Về Pháp, Léon Werth viết cuốn Cochinchine để ca tụng Ninh là người trí thức độc nhứt kể cả Tây lẫn Việt, mà Werth gặp được ở Nam Kỳ"609.

Phương Lan Bùi Thế Mỹ viết: "Năm 1922, vào mùa thu, sau khi kết nạp, tìm tòi, học hỏi ở Ý và ở Anh, kết nạp đặng nhiều bạn đồng chí như lãnh tụ Ấn Độ Nerhu, Ninh đã trở về đất nước phổ biến chí hướng phong trào ái quốc, cách mạng với dân tộc. Cái tài quan trọng nhứt là tài diễn thuyết và viết. Ninh đem từ Âu Châu về một lối văn mới, lời ít mà nói nhiều, câu văn gọn không rườm rà dài dòng lê thê mà tối nghiã như lối nhà văn thâm nho"610.

Lối viết thẳng và bộc trực này, cũng sẽ là lối viết của Phan Khôi, đặc biệt trong những văn bản cuối cùng, lập luận và văn phong của Phan Khôi chống Đấu tranh giai cấp có nhiều điểm giống Nguyễn An Ninh. Ninh viết về Đạo Phật, về Nietzsche, dịch 5 chương đầu cuốn Contrat social - Dân ước của Rousseau... Hành động quyết liệt nhưng tư tưởng trung dung, giao hoà Âu Á. Đó là Nguyễn An Ninh.

Nguyễn An Ninh tỏ lòng ngưỡng mộ đặc biệt Lương Ngọc Quyến, có lẽ cái chết bi tráng của Ngọc Quyến đã gây dấu ấn sâu đậm trong An Ninh, khiến sau này Ninh cũng trở nên một nhà cách mạng can trường vào bậc nhất thế hệ ông. Trong 43 năm sống, một phần ba đời vào tù ra khám, nhưng không hề nhụt chí, tiếp tục tranh đấu bằng ngòi bút cho đến chết.

Với cái nhìn rộng về tình hình thế giới, thâm hiểu cuộc cách mạng bất bạo động của dân Ấn Độ, Nguyễn An Ninh là khuôn mặt cách mạng hiện đại nhất của chúng ta. Một thần tượng trẻ trung, bụi đời, hippie, hóm hỉnh. Nhưng Nguyễn An Ninh còn là người anh cả nếu không muốn nói là cha đẻ của phong trào cách mạng thanh niên, chủ yếu nhóm Trốt- kít, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Hồ Hữu Tường, Huỳnh Văn Phương... những thanh niên học trường Tây, sử dụng ngôn ngữ Voltaire, dùng tinh thần cách mạng 1789 để chống thực dân Pháp tại Pháp và tại Nam Kỳ, trong suốt 25 năm, từ 1920 đến 1945, mới bị cộng sản tiêu diệt.

• Cái chết của Nguyễn An Ninh

Nhà báo Bùi Thế Mỹ, bạn đồng hành của Nguyễn An Ninh đã tìm cách xây dựng lại hoàn cảnh cái chết của Nguyễn An Ninh qua lời những nhân chứng bị giam cùng với Ninh trong đó có Hồ Hữu Tường và Tạ Thu Thâu.

1/ Phương Lan Bùi Thế Mỹ viết: "Nguyễn An Ninh, sau ba năm tù đầy thiếu thốn, ăn gạo hẩm, khô mực, không chút rau cỏ, không đủ sinh tố, lúc đầu chưa xẩy ra đệ nhị thế chiến, thì thỉnh thoảng còn tiếp được đồ tiếp tế của gia đình từ quê nhà gởi ra, đỡ khổ phần nào, khi bị chiến tranh phong tỏa mấy cửa biển lớn tầu bè ít đi lại, không được nhà tiếp tế, thì sức khoẻ Ninh lần lần kiệt quệ, đau ốm thường, nên thân hình nhà cách mạng chỉ còn da bọc lấy xương. Khi vướng bệnh kiết lỵ qua bệnh thũng, chịu bệnh tật hành hạ một thời gian ngắn, Ninh mới thở hơi cuối cùng vào mùa Vu Lan, nhằm ngày 14/8/1943 (theo lời một tù nhân tại chỗ nói lại, chẳng hiểu có đúng hay không?) (...)

"Không muốn cho người anh hùng dân tộc bỏ vùi thi thể trong hai mảng bao hàng, một người bạn gái, Pháp lai, cùng học chung với Ninh một trường Đại Học Sorbonne là Charlotte Printanière, vợ một kỹ sư nhà đèn tại Côn Đảo, có mướn đóng cho Ninh một chiếc quan tài, để cho Ninh ấm áp thi hài ngày cuối cùng, nhưng không được viên xếp khám là Tisseyre đồng ý, cho phép. Bà Charlotte tức giận gây với lão ta (...)

Vì sự kiện này, mà viên Giám đốc Tisseyre gửi đơn thưa bà kỹ sư. Và sau đó bà được lịnh rời Côn Đảo, không cho phép ở lại đó nữa. Chồng bà thua buồn, chán ngán, cũng xin đổi về đất liền theo vợ" 611.

2- Phương Lan Bùi Thế Mỹ trích đoạn Hồ Hữu Tường, tù chung với Nguyễn An Ninh, dưới bút hiệu Bửu Liên, kể lại trên báo Hoà Đồng:

"Gặp nhau và sống chung với nhau trong tù từ 1939 đến 1943. Chung sống trong tù, chúng tôi có dịp trao đổi với nhau những suy tư (...) Vài tháng trước khi vĩnh biệt.... Nguyễn An Ninh đã xin phép nhà cầm quyền để ghi vào một chúc thơ dài. Ngày ngày Giám thị mở khám để cho Ninh ra ngoài hành lang một mình với giấy mực, để nghiền ngẫm mà viết cái chúc thơ tinh thần ấy. Cả tuần lễ như vậy mới thảo xong. (...)"

Nhưng rất tiếc, theo tác giả Bửu Liên, chúc thư này Nguyễn An Ninh viết bảo để lại cho con, nhưng sự thật là lời chúc thư gửi cho cả thế hệ trẻ của dân tộc.

Rồi chúc thư lạc về đâu mất? Chẳng có đến tận tay gia đình nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Pháp cất giữ để làm tài liệu ư? Hay đã bị bỏ mất, thủ tiêu?"612

3- Phương Lan Bùi Thế Mỹ trích nhà văn Đỗ Bá Thế, trên báo Quyết Tiến, trong chương V, tiểu thuyết Thiếm Bẩy Giỏi thuật lời Tạ Thu Thâu kể lại Nguyễn An Ninh chết đau thương trong lao tù như thế nào:

Từ ngày ở Côn Nôn về chưa bao giờ Thâu có một ngày nghỉ ngơi trọn vẹn, Thâu muốn trở lại hoạt động, gặp lại các đồng chí cũ, Thâu hẹn gặp Mười Gò Vấp và bị Minh Hải cản: anh đi làm gì, Thâu trả lời: "Em nói vậy nghe sao được! Thằng Mười Gò Vấp là em út ruột của anh Ninh. Khi anh Ninh gần chết, có dặn nếu anh về đất liền, thì tìm nó, thuật lại cho nó nghe phút cuối cùng của anh để anh em an lòng (...)

- Nhưng này anh Năm613 à, lúc anh Ninh gần chết, tánh tình ảnh có thay đổi gì không! tại sao tụi Trấn, Giầu614 đồn quá trời vậy anh?

- Chúng nó đồn anh Ninh điên phải không?

- Có chỗ họ nói anh Ninh bị thác loạn tâm hồn, tinh thần rất xuống và lúc gần chết chúng tuyên truyền anh Ninh loạn óc.

Nhưng anh Ninh có loạn óc thật hay không vậy anh Năm?

- Thì em còn lạ gì chúng nó nữa! (...)

Lúc anh Ninh ở Sài Gòn còn mập mạnh, ra Côn Đảo vài năm sau sức khoẻ anh xuống quá nhiều. Anh đau ốm liên miên. Trong lúc đó, bọn anh Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng triệt để khủng bố tinh thần anh. Chúng nó lập tiểu tổ phê bình những người không cùng chánh kiến. Anh đây cũng bị chúng nó áp đảo tinh thần suốt mấy năm trời trong lao. Đã nhiều lần anh cố khuyên anh Ninh ráng chịu đựng! Nhưng sức khoẻ của ảnh quá kiệt quệ, bịnh thiếu sinh tố càng làm cho ảnh mau xuống tinh thần nữa. Đến một hôm không còn hy vọng gì kéo dài cuộc sống tù tội, ảnh có nói một câu với anh: "Thâu, em có về được đất liền nhờ nói với con anh, bảo chúng nó phải phòng ngừa bọn Sít-ta-lin-niên" (Stalinien)615.

Sự thật lịch sử này sẽ bị sửa đổi hoàn toàn trong tuyển tập Nguyễn An Ninh - Tác phẩm, do gia đình và Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học in năm 2009.

545 Cần vương: cứu vua.

546 Văn thân: lấy văn học tiến thân vào đời.

547 Kỳ ngoại hầu nghiã là Ông hầu ngoài kinh kỳ, tức dòng hoàng tử Cảnh.

548 Lấy Lưu Cầu, tên một quốc đảo phụ thuộc vào Trung Hoa bị Nhật chiếm năm 1879, làm ẩn dụ.

549 Cha Đặng Thai Mai.

550 Phan Bội Châu niên biểu tức Tự Phán.

551 Phan Châu Trinh, Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam - Nước Việt Nam mới sau khi liên hiệp với Pháp, bản dịch của Nguyễn Q.Thắng, Nguyễn Văn Tưởng, in trong Phan Châu Trinh cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Q. Thắng, Văn Học, 1992, trang 251-285.

552 Trong số những sinh viên đầu tiên vượt biển sang Nhật, có anh em Lương Ngọc Quyến, Lương Nghị Khanh, (con Lương Văn Can, hiệu trưởng Đông Kinh Nghiã Thục) và Nguyễn Hải Thần (môn đệ của Lương Văn Can), sau này sẽ trở thành lãnh tụ Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội. Lương Ngọc Quyến là một thanh niên "bụi đời" đầu thế kỷ XX, nghệ sĩ, để tóc dài, sang Nhật, học trường quân sự Chấn Võ, đi "ăn mày" để quyên tiền cho sinh viên Đông Du. Tự do, quật khởi, bất khuất. Nhiều năm bôn ba ở Trung Hoa tìm cách mộ binh đánh Pháp. Sau này, Nguyễn An Ninh sẽ tiếp tục hình ảnh nhà cách mạng bụi đời Lương Ngọc Quyến.

Theo Đào Trinh Nhất và Nguyễn Hiến Lê, năm 1915 Lương Ngọc Quyến bị bắt ở Hương Cảng giải về Hà Nội, giam ở nhiều nơi, rồi đưa lên Thái Nguyên. Darbes, công sứ Thái Nguyên, nổi tiếng bạo ngược nhất đất Bắc, sai dùi bàn chân Lương Ngọc Quyến buộc vào xích sắt. Dù vậy, Quyến vẫn liên lạc với viên đội khố xanh Trịnh Cấn. Đêm 30/8/1917, Trịnh Cấn phá ngục, chiếm đồn, cõng Lương Ngọc Quyến ra để chỉ huy. Nghiã quân làm chủ Thái Nguyên từ 30/8 đến 5/9, lấy cờ năm sao làm quốc kỳ, đặt quốc hiệu là Đại Hùng đế quốc, công bố hai bài tuyên ngôn với quốc dân. Khi Pháp tiến đánh, biết thế không giữ nổi, không chịu theo cáng để rút lui, Lương Ngọc Quyến nhờ Trịnh Cấn bắn một phát vào ngực ngày 5/9. Lương để lại bài Cảm tác trước khi mất, lời thơ hùng tráng, bi phẫn. Đội Cấn rút quân chống cự với Pháp, ngày 5/1/1918, bị vây và bị thương ở Pháo Sơn, chỉ còn 4 thủ hạ, Trịnh Cấn tự bắn vào bụng. Hai cái chết oanh liệt bi tráng vào bậc nhất trong lịch sử cách mạng dân tộc. Ngô Đức Kế lúc ấy đang bị tù ở Côn Đảo, làm sáu bài thơ tứ tuyệt chữ Hán tựa đề Thái Nguyên thất nhật Quang Phục ký. Lương Ngọc Quyến trở thành thần tượng của Nguyễn An Ninh và khởi nghiã Thái Nguyên 1917 dẫn đến khởi nghiã Nguyễn Thái Học 1930.

553 Lòng thành động đến thánh hiền.

554 Núi có danh sản xuất ra ngọc tốt - Núi có danh vì có người hiền tài.

555 Tinh thần Duy tân bắt nguồn từ những bản điều trần của Phạm Phú Thứ (1821-1882), Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) dâng vua Tự Đức (1829-1883), đó nguyên nhân xa. Nguyên nhân gần: Tinh thần Duy Tân bắt nguồn từ Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895) với văn bản Thiên hạ đại thế luận, viết năm 1892. Các lãnh tụ Đông Du và Duy Tân đều đọc và chịu ảnh hưởng của văn bản này trước khi đọc Tân thư do Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu giới thiệu và dịch Rousseau, Montesquieu sang chữ Hán. Thiên hạ đại thế luận nay đã mất, nhưng qua Huỳnh Thúc Kháng, chúng ta có thể biết những điểm chính của bài đại luận này:

1- Nước mạnh hay yếu là tại chánh giáo (là nền giáo dục lấy chánh đạo để đào tạo sĩ phu và quốc dân) chứ không phải tại lớn nhỏ. 2- Trình bày tình trạng tê liệt của Trung Hoa. Người Việt Nam đừng trông mong gì nước ấy giúp mình. Phải biết Duy Tân mà tự cường như Nhật Bản mới mở mặt được. 3- Bàn về các lẽ suy nhược của Việt Nam. 4- Muốn cứu nước, không thể theo đường cũ mà phải: a- Chấn chỉnh chánh giáo. b- Duy Tân, mở mang nông, công, thương, kỹ thuật khoa học của Âu Tây. c- Chờ cơ hội thuận lợi mà cứu nước. Sau khi trình bày bài luận trên, Huỳnh Thúc Kháng viết: "40 năm về trước (tức là 1892) mà học giới ta nước ta có người đại văn hào viết bài đại luận tình lý đã xác thực châu đáo mà văn thể cũng hùng kiện, không đáng gọi là Khang, Lương của nước ta hay sao? Chính cụ Sào Nam, cụ Tây Hồ và phần nhiều trong đám tiên thời nhân vật ở xứ ta sở đắc ảnh hưởng của bài ấy rất là sâu xa mật thiết, không kém gì sách Lương, Khang kia". Đúng như nhận xét của Nguyễn Văn Xuân: "Đại Thế Luận của Nguyễn Lộ Trạch đưa ra nét chính, phác họa một phong trào Duy Tân còn thô sơ. Phải nhờ Phan Châu Trinh mang chủ thuyết Dân Quyền về làm Chánh giáo, phong trào Duy Tân mới thực sự mở màn" (theo Nguyễn Văn Xuân, Phong Trào Duy Tân, Lá Bối, 1969, các trang 33-34-35).

556 Lê Thị Kinh, bản hỏi cung Nguyễn Tử Trực, Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, nxb Đà Nẵng, 2001 tập 1, quyển 1, trang 74.

557 Trích Thông sử Liên Thành do bác sĩ Hồ Tá Khanh viết năm 1984 tại Pháp, Lê Thị Kinh, sđd, tập1, q.1, tg. 69.

558 Theo Phạm Quỳnh, là với mục đích quảng bá ảnh hưởng Pháp, lôi cuốn sinh viên Trung Hoa và các nước Á Châu sang học, thay vì đi du học Mỹ.

559 Thư gửi cho nhà cầm quyền Pháp.

560 Lê Thị Kinh, sđd, trang 135.

561 Nguyễn Hiến Lê viết: "Cụ Tây Hồ là người mở đường cho phong trào duy tân ở nước nhà. Lập Nghiã thục, một phần công lớn là của cụ, gây tư tưởng mới ở Quảng Nam là cụ, đi khắp nơi diễn thuyết là cụ, khuyên quốc dân cắt tóc là cụ, liệng cái phó bảng mà ra lập hiệu buôn cũng là cụ, bỏ tục nhuộm răng, vận Âu Phục bằng nội hoá thì người đầu tiên cũng lại là cụ" (Đông Kinh nghiã thục, Lá Bối, Sài Gòn, 1968, trang 85).

562 Nguyễn Văn Vĩnh ghi số 10 Hàng Đào, Nguyễn Hiến Lê ghi số 4 (chắc ông Lê nhầm).

563 Nguyễn Hiến Lê viết: "Sự thực là có một sự phân công giữa các nhà Nho thời đó và hai phái Duy Tân và Bạo Động nhắm chung một đích, bổ túc lẫn nhau. Các cụ hẹn với nhau cứ sáu tháng lại khai hội một lần" (trang 43).

564 Nguyễn Văn Vĩnh, Bản điều trần gửi toàn quyền về Đông Kinh Nghiã Thục, Lê Thị Kinh, sđd, trang 132.

565 Nguyễn Hiến Lê đoán có lẽ ít hơn, NHL, sđd.

566 Nguyễn Văn Vĩnh, tài liệu đã dẫn, Lê Thị kinh, sđd, trang134. Theo Nguyễn Hiến Lê: Giáo sư Hán Văn gồm có cụ Kép làng Hương Canh, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Quyền, Lương Trúc Đàm... Giáo sư Việt Văn, Pháp văn và Toán: Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Trần Đình Đức, Bùi Đình Tá, Phạm Đình Đối...

567 Nguyễn Hiến Lê, sđd, trang 79.

568 Nguyễn Văn Vĩnh viết: "Rồi đã xẩy ra việc cảnh sát soát xét và tìm thấy 3 khẩu súng tại một trường ở Hà Đông (súng đã bị mất trong thành Hà Nội). Đông Kinh nghiã thục đã bị khám xét nhưng chỉ tìm thấy một số tranh và bản đồ của Nhật cùng một số sách chữ Tầu (...) Hôm sau ông Can được gọi đến toà Khâm sứ và được yêu cầu đóng cửa trường. Ông trình bầy gì cũng không được. Ông chạy về hỏi tôi. Tôi khuyên ông trước hết cứ chấp hành lệnh trên đã, sau đó sẽ trình bầy rõ hơn và có thể sẽ có lệnh ngược lại." (Bản điều trần gửi toàn quyền về Đông Kinh nghiã thục, bài đã đã dẫn).

Nguyễn Hiến Lê cho biết các cụ đã đã đốt hết tài liệu từ những đêm trước.

569 Lê Thị Kinh, sđd, tập 1, quyển 3, trang 29.

570 Lý lịch Phan Văn Trường lập năm 1919, của Sở Mật Tham Trung Ương, Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh... Tập I, Quyển 3, trang 120-121.

571 Répétiteur d'Annamite.

572 Ecole des Langues Orientales.

573 Ecole des Hautes Études Sociales.

574 Saraut làm Toàn quyền Đông Dương từ 1911-1914 và từ 1917-1919, sau đó làm Bộ Trưởng Bộ Thuộc Địa.

575 Les revendications theo tiếng Việt ngày nay thì phải dịch là Những yêu cầu, những đòi hỏi, nhưng trong bối cảnh tiếng Việt đầu thế kỷ XX, dường như chưa có chữ đó, và nếu có, cũng không thể ăn nói một cách "dân chủ" như thế, đối với người Pháp, chúng tôi dịch là Thỉnh nguyện theo Hoàng Xuân Hãn, vì chữ này phù hợp với ngôn ngữ đầu thế kỷ và ngôn ngữ Phan Văn Trường trong bản Thỉnh nguyện thư Tám điểm 1919.

576 Đại uý

577 Lê Thị Kinh tức Phan Thị Minh, Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, Đà nẵng, 2001, tập1, q.4, trang 7.

578 Bản hỏi cung Nguyễn Như Chuyên ngày 8/4/1915, tại toà án Binh Pháp, được in lại trong Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp, của Thu Trang, Đông Nam Á, trang 59- 63.

579 Trong thế chiến, số thợ và lính từ Việt Nam sang Pháp khoảng 92.000 người.

580 Phương Lan-Bùi Thế Mỹ, Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh 1899-1943, Thúy Phương, Sài Gòn, 1970, trg 153.

581 Trước kia báo ra hàng tuần, bây giờ mỗi tuần hai lần.

582 Ngô Văn, Việt nam 1920-1945, L'Insomniaque, 2000, trang 64-65. 583 Báo và đảng của Nguyễn Thế Truyền ở Pháp.

584 Theo Nguyễn Văn Vĩnh, Trạng sư Phan Văn Trường từ trần, l'Annam Nouveau số 231 ngày 24/4/1933 và Đặng Hữu Thụ, Thân thế và sự nghiệp nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền, tác giả xuất bản, Melun, Pháp, 1993, trang 35- 36. Trong bài viết, Nguyễn Văn Vĩnh ghi ông Trường mất đêm hôm nay (báo ra ngày 24/4/1933)

585 Trường này ở Joinville le Pont, ngoại ô Paris.

586 Alliances françaises là Liên Minh Pháp Ngữ, cơ quan truyền bá tiếng Pháp ở nước ngoài.

587 Vào đảng Cộng Sản khoảng 1922 khi ông bắt đầu viết cho tờ Le Paria.

588 Ngô Văn, sđd, trang 43.

589 Từ số 1 (1/1926) đến số 8 (8/1926). 590 Đặng Hữu Thụ, sđd, trang 279-281.

591 Cuốn sách được thám tử Durand nói đến trong phúc trình ngày 7/1/1932.

592 Do một người ta điền, nhận tiền, lén nhét vào ngăn kéo nhà hai ông tài liệu Cộng sản và Cường Để (Đặng Hữu Thụ, trang 334).

593 Tiểu sử Nguyễn Thế Truyền viết theo Đặng Hữu Thụ, sđd.

594 Theo Phương Lan-Bùi Thế Mỹ, Hồ Hữu Tường và Lê Văn Thử.

595 Phương Lan Bùi Thế Mỹ, trang 131.

596 Phương Lan Bùi Thế Mỹ, Nguyễn An Ninh (1899-1943) nhà cách mạng, Sài Gòn, 1970, trang 145.

597 Theo Ngô Văn vì vụ Phạm Hồng Thái ném bom ở Sa Diện (tại khách sạn Victoria, đảo Sa Diện - Shamian, trên sông Châu Giang, Quảng Châu), giết hụt toàn quyền Merlin ngày 19/6/1924 và một số sự kiện khác. Theo Lê Văn Thử, vì Thống đốc Cognacq tìm cách đóng cửa tờ báo nhưng không được, bèn sai lính kín hăm dọa chủ nhà in. (Hội Kín Nguyễn An Ninh, Nam Việt, 1949, trang 24).

598 Phương Lan Bùi Thế Mỹ viết: "Ninh thông minh, sáng suốt, nhận xét tinh tường. Nên mọi việc đều chuẩn bị chu đáo, hoạch định một cách có khoa học, là lần đầu về nước, đã phủ dụ được hai nhà cách mạng lão thành, cụ Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường. Ninh sẽ nương hai cột trụ tiền bối mà cùng mở mang dân trí đòi chủ quyền dân chủ, tự do độc lập (...) Chương trình hoạch định của Ninh là tại Hội Khuyến Học Nam Kỳ, Ninh tổ chức cho Phan Chu Trinh diễn thuyết về Luân lý Đông Tây, đến Phan Văn Trường nói về "Một chuyện người Việt âm mưu ở Ba Lê hay là sự thật về Đông Dương (Une histoire de conspirateurs annamites à Paris ou La Vérité sur l'Indochine). Tới Ninh nói về Cao Vọng Thanh Niên, Nền Quốc Học, cũng tại Khuyến Học Nam Kỳ. Rồi các bài diễn văn ấy, đều in lại thành sách đem phổ biến vào quần chúng, cùng in tại nhà in Xưa Nay, số 62-64 đường Bonnard, nay là nhà sách Khai Trí, đường Lê Lợi, vào năm 1926. Và chính Ninh lãnh đi bán nào Luân Lý Đông Tây nào Conspirateurs Annamites... Cao Vọng Thanh Niên, Pháp Luật Lược Luận của Phan Văn Trường có câu chữ Hán trước bìa: Dân Vi Quý, Xã Tắc Thứ Chi, Quân Vi Khinh. Chính câu này có đăng dưới cái tên báo Chuông Nứt của Ninh" (sđd, trang 152-153).

599 Ngô Văn, trg 50, trích G. Garos, Forceries humaines, Paris 1926, trg 179.

600 Tác phẩm của Nguyễn An Ninh.

601 Điện tín ký André Hesse, do tổng giám đốc cơ quan An Ninh gửi từ Paris sang Hà Nội (Thu Trang, 231-232).

602 Theo Phương Lan Bùi Thế Mỹ: "Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh họp nhau cùng viết nhiều bài chỉ trích chính phủ Pháp, mà phần nhiều Ninh để cho Trường ký tên. Để Trường ký tên cho lợi mọi việc. Vì Trường vốn dân Pháp gốc Việt, nên có viết bài chỉ trích mạnh, Pháp không dám thẳng tay trừng trị như Ninh. Có một độ, bộ ba Trường, Ninh, Dejean de la Bâtie, đồng ký tên viết một bài tuyên bố trên mặt báo Chuông Nứt cho độc giả hay rằng bắt đầu từ hôm nay (26/11/1925), Phan Văn Trường sẽ thay Dejean làm giám đốc tờ Chuông Nứt, câu Organe de propagande des idées françaises bỏ đi, thay vào câu khác như thế này: Organe de propagande démocratique (cơ quan tuyên truyền dân chủ), và nhà in từ đường P. Flandin cũng rời luôn về toà soạn mới đường Espagne (số 273) giờ là đường Lê Thánh Tôn. Trước kia mỗi tuần một lần, giờ có sự hợp tác Phan Văn Trường, ra mỗi tuần hai lần, vào ngày thứ hai và thứ năm" (Phương Lan Bùi Thế Mỹ, trang 153).

603 Đặng Hữu Thụ, Nguyễn Thế Truyền, trang 56-57.

604 PLBùi Thế Mỹ và Lê Văn Thử, bạn và đồng chí của Nguyễn An Ninh đều viết Ninh bị bắt ngày 21/3/1926. Cuốn Nguyễn An Ninh Tác Phẩm (Văn Học, 2009) ghi Ninh bị bắt 24 /3/1926 cùng ngày Phan Châu Trinh mất là sai.

605 Phương Lan Bùi Thế Mỹ, trang 177.

606 Bạn ông, nhà báo nổi tiếng Bùi Thế Mỹ (chồng bà Phương Lan), mất ngày 27/3/1943. Cuốn sách Nguyễn An Ninh có lẽ phần lớn do Bùi Thế Mỹ viết.

607 Người tự do tuyệt đối.

608 Vô chính phủ.

609 Hồ Hữu Tường, 41 năm làm báo, Đông Nam Á, Paris, 1984, trang 13.

610 Phương Lan- Bùi Thế Mỹ, Nguyễn An Ninh, trang 41.

611 Phương Lan Bùi Thế Mỹ, Nguyễn An Ninh, trang 245- 246.

612 Phương Lan Bùi Thế Mỹ, Nguyễn An Ninh, trang 247, trích Bửu Liên, Hoà Đồng số ngày 14/8/1965, trang 6.

613 Tức Tạ Thu Thâu.

614 Tức Nguyễn Văn Trấn hay Bẩy Trấn và Trần Văn Giầu.

615 Phương Lan Bùi Thế Mỹ, Nguyễn An Ninh, trang 250-253.

Chương 16

nguyễn tất thành

Tiểu sử Hồ Chí Minh là một bí mật.

Chỗ nào ông muốn viết hoặc chỉ thị cho viết, chỗ nào giấu đi hoặc thêm thắt vào, đều có chủ đích rõ ràng. Và ông không hề ngần ngại nhận mình là tác giả những công trình không phải của ông. Trong phạm vi khảo luận này, chúng tôi chỉ chú ý đến thời kỳ Nguyễn Tất Thành ở Pháp, từ 1919 đến 1923. Thời gian này, ông tự nhận là Nguyễn Ái Quốc và chính những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quấc/Quốc đã xây dựng nên tên tuổi và huyền thoại Hồ Chí Minh.

Thật vậy, về Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Tường Bách, em Nhất Linh Nguyễn Tường Tam viết: "Ngày 2/9 chính phủ Hồ Chí Minh làm lễ tuyên thệ độc lập ở Quảng trường Ba Đình. Tôi đã biết từ lâu Hồ Chí Minh ngày nay là Nguyễn Ái Quốc mà chúng tôi vẫn khâm phục như một nhân vật thần kỳ thời thiếu niên. Éo le là vận mệnh đã làm cho tôi đứng vào hàng ngũ đối lập"616.

Đặng Thai Mai cũng viết tương tự: "Chúng tôi được đọc báo Nhân Đạo và những tờ báo Bác Hồ viết ở Pháp như tờ Le Paria. Chúng tôi nhận những sách báo đó qua cụ Ngô Đức Kế, lúc đó đang làm báo Hữu Thanh (...) Kể từ những năm 1925 trở đi, chúng tôi hiểu được Liên Xô hơn vì được đọc các báo Việt Nam Hồn, Le Paria, L'Humanité, do Thủy thủ Pháp, đảng viên đảng Cộng Sản đưa vào Sài Gòn"617.

● Một tiểu sử đầy nghi vấn

Cuối lá thư đề Marseille ngày 15/9/1911, gửi Tổng thống Pháp, xin học trường Thuộc địa, ghi sinh năm 1892 ở Vinh. Một mật báo ghi Nguyễn sinh ngày 24/1/1892. Một mật báo khác ghi 15/1/1894. Hộ chiếu vào Nga năm 1923, theo Hồng Hà, ghi 15/1/1895. Còn ngày sinh chính thức 19/5/1890, có từ năm 1946, theo Nguyễn Thế Anh, có thể là ngày kỷ niệm thành lập Mặt Trận Việt Minh, 19/5/1941618. Daniel Hémery cho rằng chọn năm sinh chính thức 1890 -thay vì 1895 hay 1898- chỉ có mục đích phục vụ huyền thoại: 1890 tính đến 1945 là đã ngoại ngũ tuần, đáng được gọi bằng Bác. Năm Nguyễn Tất Thành từ Anh sang Pháp cũng thế, theo Hémery, Thành đến Pháp năm 1919, nhưng lại chọn năm 1917, vì năm này có những mốc lịch sử gắn liền: những cuộc binh biến trong quân đội Pháp và cuộc cách mạng tháng 10 của Nga619.

Tiểu sử chính thức của Hồ Chí Minh được rút ra từ ba cuốn hồi ký Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch của Trần Dân Tiên, được coi là chính Hồ Chí Minh viết. Cuối sách này đề (viết xong) Mùa xuân năm 1948. Bản gốc, chữ Hán được in ở Thượng Hải năm 1949, dịch ra quốc ngữ và in ở Hà Nội lần đầu năm 1958. Cuốn thứ nhì: Vừa đi đường vừa kể chuyện của T. Lan620, một bút hiệu khác của Hồ Chí Minh, in năm 1963. Và Cuốn thứ ba: Thời thanh niên của Bác Hồ, của Hồng Hà, nhà xuất bản Thanh Niên in năm 1976.

Viết về thời gian ở Pháp, cuốn Trần Dân Tiên có một số đoạn tương đối thành thực hơn cả. Cuốn Hồng Hà sửa lại, đầy đủ và hợp lý hơn, nhưng nhiều đoạn thêm bớt khá lộ liễu.

Lữ Phương nhận xét: "Cuốn "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch" của Trần Dân Tiên, viết từ năm 1948, đến nay đã in đi in lại đã có cả chục lần rồi. Cuốn sách này đã đóng vai trò hết sức đặc biệt đối với giới nghiên cứu, giảng dạy về Hồ Chí Minh trong chế độ cộng sản Việt Nam từ đó đến nay: nó được mọi người coi như là tác phẩm do chính Hồ Chí Minh viết về mình dưới bút danh Trần Dân Tiên, một tài liệu được tác giả giới thiệu như một "tiểu sử trung thành, đúng đắn, sinh động, không thêu dệt, không bày đặt". Cuốn sách vì thế đã thành một nguồn tham khảo căn bản, quan trọng nhất cho tất cả những công trình biên khảo về Hồ Chí Minh: các sự kiện về cuộc đời hoạt động của ông đã được đương nhiên coi là chính xác, không thể nói khác, nói ngược lại"621.

Dựa vào sự kiện bà Lê Thị Kinh đã gặp ông Vũ Kỳ và kể lại rằng: "Chiều ngày 2 tháng 3 năm 1993, tôi đã được gặp ông Vũ Kỳ là thư ký riêng của Bác từ Cách Mạng Tháng Tám đến ngày Bác qua đời và đã cùng một số người quanh Bác là đồng tác giả cuốn "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" với bút danh Trần Dân Tiên", Lữ Phương đưa ra lập luận sau đây: "Không có gì ngăn cản người ta tin rằng cái "tiểu sử" dưới hình thức "truyện" ấy được chính Vũ Kỳ và những người cộng sự viết ra và ký là Trần Dân Tiên. Nhưng như vậy thì lại gặp điều khó khăn phải giải thích tại sao cuốn sách tầm thường của một tác giả vô danh là Trần Dân Tiên ấy lại có thể trở thành một thứ tài liệu tham khảo vào bậc nhất về Hồ Chí Minh như đã xẩy ra, đặc biệt trong giới nghiên cứu, giảng dạy? Sự quan trọng ấy không thể nào có được nếu những gì đã viết về ông Hồ trong cuốn sách ấy không được chính ông xét duyệt (Vũ Kỳ là thư ký riêng của ông) và một cách nào đó đã làm cho người ta hiểu rằng chính ông đã muốn phổ biến cái "tiểu sử" có nội dung như vậy. Cuốn sách, do đó, dù có do Vũ Kỳ lấy tài liệu từ Hồ Chí Minh để viết hoặc do chính Hồ Chí Minh trực tiếp viết (hay đọc cho Vũ Kỳ viết), thiết tưởng ý nghiã cũng đều như nhau: Sự xuất hiện của nó là "cái cần thiết" cho nhu cầu cách mạng của bản thân Hồ Chí Minh sau 1945"622.

Tại sao lại cần thiết cho nhu cầu cách mạng của bản thân Hồ Chí Minh, Lữ Phương giải thích: "Sau 1945, Khi Nguyễn Tất Thành đã trở thành chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà với cái tên mới là Hồ Chí Minh (dân chúng chưa biết rõ lắm về lai lịch của cái tên này), 1948, đang ở chiến khu Việt Bắc kháng chiến chống Pháp: phải tạo cho mình hình ảnh một "đấng bậc trưởng thượng" kiểu Châu Á có uy tín vượt trội (...) một con người trong sạch, giản dị, hoà mình vào quần chúng, được bạn bè khắp hoàn vũ mến yêu giúp đỡ còn đồng bào trong nước thì đặt hình lãnh tụ lên bàn thờ và tôn xưng là "Cha già của dân tộc" v.v... Cuốn "tiểu sử" viết về Hồ Chí Minh của Trần Dân Tiên đã biểu lộ rất rõ cái nhu cầu năm 1948 mà Hồ Chí Minh và cuộc cách mạng của ông đang muốn tạo ra cho phong trào yêu nước cộng sản trước tình hình mới - một lãnh tụ tuyệt vời và chỉ có lãnh tụ đó mới là tuyệt vời thôi!"623

Lập luận của Lữ Phương rất sắc bén. Duy có một điểm: bản gốc cuốn "tiểu sử" là chữ Hán, in năm 1949, tại Thượng Hải, chắc chắn phải do Hồ Chí Minh viết - trừ khi Vũ Kỳ biết chữ Hán, nhưng điều này khó mường tượng: ông Hồ đọc cho Vũ Kỳ bằng tiếng Việt rồi Vũ Kỳ dịch sang tiếng Tàu! Ông Hồ viết chữ Hán vì ông giỏi chữ Hán hơn quốc ngữ. Nhưng bản dịch quốc ngữ in năm 1958 tại Hà Nội, chắc phải do Vũ Kỳ và những người "quanh Bác" thực hiện, vì trình độ quốc ngữ của "Bác" không cao -xin xem bài Việt Nam Yêu Cầu Ca- không thể viết được cuốn "Những mẩu chuyện..." Lữ Phương có lý khi ông cho rằng Vũ Kỳ và những người "quanh Bác" đã góp phần trong bản quốc ngữ. So với bản chính Hán văn, sự khác biệt ra sao? Phải hỏi những nhà Hán học. Nhưng chắc bản Hán văn gần với lời ông Hồ hơn cả.

Vậy cuộc đời "thật" của Nguyễn Tất Thành từ ngày rời nước năm 1911 đến năm 1923, đi Nga, như thế nào?

Từ 1911 đến 1923, cuộc đời Nguyễn Tất Thành, có thể đã diễn ra như sau:

Ngày 4/6/1911, Nguyễn Tất Thành rời Sài Gòn trên tàu L'Amiral Latouche-Tréville, thuộc Compagnies des Chargeurs Réunis - Công ty vận tải liên kết, chạy đường Hải Phòng - Dunkerque, làm phụ bếp, lấy tên Văn Ba. Trên tàu gặp ông Bùi Quang Chiêu và được 2 người lính trẻ, giải ngũ, hồi hương, dạy đọc và viết tiếng Pháp. Ông Chiêu nói với Tất Thành: "Tại sao con lại làm cái nghề khó nhọc này? Bỏ nghề này đi. Con nên chọn một nghề khác, danh giá hơn..."624.

Sổ hành trình ghi: Ngày 5/6/1911 rời Sài Gòn; 6/7 đến Marseille; 15/7 tới Le Havre; 26/8/1911 đến Dunkerque625. Theo Trần Dân Tiên, tàu đến Le Havre để sửa chữa. Nhân viên được chuyển sang một chiếc tàu khác để trở về Đông Dương, nhưng anh Ba không muốn về, anh ở lại Le Havre, làm vườn cho ông chủ tàu tại Sainte-Adresse, ngoại ô Le Havre, trong khoảng một tháng, rồi lại tiếp tục lên tàu đi Phi Châu. Tại nhà ông chủ, anh Ba học tiếng Pháp với cô sen626.

Lê Thị Kinh viết: "Từ Dunkerque, tàu quay lại Sài Gòn và trên sổ lương của tàu có ghi: "Văn Ba đã lĩnh lương tại Sài Gòn ngày 16/10/1911". Ngày 31/10/1911 Tất Thành đã gửi một thư cho cha. Thư lọt vài tay mật thám và được chuyển cho khâm sứ Trung Kỳ"627.

Vậy Trần Dân Tiên giấu việc trở lại Việt Nam, bịa ra chuyện đi vòng châu Phi để làm gì? Nếu không phải là để chứng minh muốn "đi xem các nước" để tính chuyện "giúp đồng bào" ngay từ 1911? Tất Thành lúc đó chưa thể bị "mật thám" theo dõi, vì chưa có thành tích gì. Thành viết thư thẳng đến Tòa Khâm, nhờ khâm sứ chuyển tiền cho cha, đồng thời viết thư cho anh là ông cả Đạt, đang làm việc tại Tòa Khâm - Sẽ nói rõ hơn ở dưới. Trong các thư Tất Thành gửi cho cha hay cho toàn quyền, năm 1911-1912, còn ký cả tên Tây: Paul Tatthanh hay Paul Thành... nữa, vậy khó có thể nói đến việc đi Tây "tìm đường cứu nước".

● Đơn xin học trường Thuộc Địa

Lá thư đề Marseille ngày 15/9/1911, gửi Tổng Thống Pháp xin vào nội trú trường Thuộc Địa được Henri de Turenne628 phát hiện và công bố trên đài truyền hình Pháp trong chương trình về Hồ Chí Minh, tháng 1/1982. Vũ Ngự Chiêu và Nguyễn Thế Anh chụp được hai bức thư viết tay giống hệt nhau: một gửi Tổng Thống Pháp và một gửi Bộ Trưởng Thuộc Địa629 cùng về việc xin học.

Daniel Hémery, cho rằng sự lựa chọn này là do Phan Châu Trinh dẫn dắt. Lê Thị Kinh, có lẽ do ảnh hưởng Hémery, đưa ra giả thuyết: Khi ở Sainte-Adresse: "Chắc chắn Người đã tranh thủ đến Paris gặp bác Phan, làm quen với những người quanh bác, và đặc biệt để bàn bạc với bác về hướng sống và học tập... Và có thể không phải chỉ đến một lần". Và bà tiếp tục cho rằng nhân dịp này "Người" gặp Bùi Kỷ, đang học trường Thuộc Địa và Bùi Kỷ đã gợi ý và viết đơn giùm630.

Lập luận này không vững vì nhiều lẽ: Tất Thành chỉ ở Le Havre từ 15/7/1911 đến 26/8 đã theo tầu lên Dunkerque. Phan Châu Trinh tới Paris ngày 27/4/1911, lúc đó chưa quen Phan Văn Trường -chỉ gặp ông Trường tháng 1/1912- và chưa chắc đã biết Bùi Kỷ ở đâu. Việc thông tin thời ấy không dễ dàng, Tất Thành vừa từ Sài Gòn sang, tiếng Pháp chưa biết, lạ nước lạ cái, mà cũng chỉ ở Le Havre hơn một tháng, làm sao đã tìm được địa chỉ của Phan Châu Trinh? Mà dù có địa chỉ cũng chưa chắc đã dám xin chủ nghỉ việc để về Paris nhiều lần thăm bác, vì thời ấy di chuyển không dễ dàng như bây giờ. Hơn nữa, cả Trần Dân Tiên, Bùi Kỷ và Phan Châu Trinh đều không nói đến những cuộc gặp gỡ này. Vậy giả thiết "Bác" đã gặp Bùi Kỷ và Phan Văn Trường tại nhà Phan Châu Trinh không thể đứng vững.

Ngoài ra, hầu hết các tư liệu đều chứng minh: Năm 1911 Tất Thành chưa có ý đồ hoạt động chính trị, chỉ muốn giúp cha và tiến thân. Sau cùng, nếu Bùi Kỷ viết đơn giùm Tất Thành, thì cũng không gửi đơn xin học cho tổng thống và bộ trưởng, mà viết thẳng cho hiệu trưởng. Vậy người viết đơn giùm Tất Thành phải là người không có trình độ cao lắm, làm việc cùng với Tất Thành ở Công Ty Vận Tải tại Marseille, Le Havre hay Dunkerque, hoặc một sự quen biết nào khác. Ngày 21/10/1911, ông hiệu trưởng trường Thuộc Địa viết thư trả lời từ chối, chỉ nhận những người đã học và được toàn quyền tuyển chọn tại Đông Dương631.

Lữ Phương dựa theo tài liệu của Hémery, thuật lại những sự kiện: khi tàu ghé Sài Gòn giữa tháng 10/1911, ngày 31/10/1911, Tất Thành viết thư gửi khâm sứ Trung Kỳ nhờ chuyển cho cha mandat 15 đồng Đông Dương và viết thư cho anh là ông cả Khiêm -Nguyễn Sinh Khâm hoặc Nguyễn Tất Đạt- đang giúp việc vặt tại Toà Khâm Sứ Trung Kỳ, nhờ vận động xin vào Ecole Coloniale. Việc này cũng thất bại.

Theo lời khai của ông Bùi Quang Chiêu với mật thám Sài Gòn ngày 21/9/1922, thì khi gặp trên tàu, Tất Thành nói với ông mục đích sang Pháp là để xin khiếu nại cho cha vừa bị bãi chức, và muốn đến ở nhà thuyền trưởng Do Huu Chan đang làm việc ở Marseille để nhờ ông giúp đỡ trong việc khiếu nại đó632.

Xin nhắc lại: "Nguyễn Sinh Huy đậu phó bảng năm 1901; năm 1906 vào Huế nhậm chức thừa biện Bộ Lễ; 1909 được cử làm tri huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định), nhưng chỉ 7 tháng sau, tháng 1/1910, thì bị bãi chức và bị triệu về Huế. Lý do: theo sở mật thám ông đã uống rượu say và đánh chết người"633.

Vậy việc khuyên Tất Thành xin vào trường Thuộc Địa và viết đơn giùm có thể là thuyền trưởng Đỗ Hữu Chân -hay Chấn- làm. Cũng không loại trừ khả năng chính ông Bùi Quang Chiêu đã nghĩ ra, vì thương Tất Thành là con quan -ông Chiêu đã dạy ông Nguyễn Sinh Huy về nông nghiệp- phải làm việc trên tàu cực khổ, nên đã giới thiệu Thành với ông Đỗ Hữu Chấn và nhờ ông Chấn giúp đỡ, vì ông Chấn ở cùng công ty hàng hải. Đơn xin học đề ngày 15/9/1911 ở Marseille, đúng là thời gian tàu ghé Marseille trên đường về Sài Gòn. Ngày 16/10/1911, Văn Ba lĩnh lương tại Sài Gòn. Tất cả ăn khớp vì đường Thủy Marseille - Sài Gòn là một tháng. Tại Sài Gòn, Tất Thành lại nhờ anh, ông Đạt, viết thư gửi khâm sứ và toàn quyền, xin vào trường Thuộc Địa một lần nữa, nhưng vẫn bị từ chối. Từ đây, Tất Thành phải chấp nhận nghề thủy thủ.

Theo Hémery, từ 1912 tới mùa hè 1914, Tất Thành vẫn dùng tên Ba, tiếp tục làm bồi, phụ bếp, hoặc phu khuân vác trên những tàu xuyên Đại Tây Dương, chạy đường Le Havre - Londres - New York, hoặc Châu Phi - Châu Mỹ.

Từ 1914 đến 1919, bỏ việc trên tàu, sống tại Luân Đôn với tên Nguyễn Tất Thành, ở số 8 Tottenham Road. Hémery cho rằng trong thế chiến, Tất Thành không sang Pháp vì sợ có thể bị gọi đi quân dịch. Làm việc tại khách sạn Carlton, rửa bát, rồi phụ bếp. Học tiếng Anh và hình như buổi tối có học thêm Máy móc (Mécanique) và Điện. Trao đổi thư từ với Phan Châu Trinh bằng Hán văn. Giữa tháng 6/1919, sang Paris. Hoạt động trong nhóm An Nam Yêu Nước. Ngày 27/12/1920, khai mạc hội nghị Tours của đảng Xã Hội (SFIO), Nguyễn Tất Thành xuất hiện công khai với tên Nguyễn Ái Quốc. Ngày13/6/1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật đi Nga, tới Moscou ngày 30/6/1923. Tháng 2/1925, Lý Thụy xuất hiện ở Quảng Đông, tình báo Trung Hoa nhận diện là Nguyễn Ái Quốc. Thành lập Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội.

● Trình độ học vấn

Theo năm sinh chính thức 1890, thì khi xuống tàu đi Pháp năm 1911, Tất Thành 21 tuổi.

Từ điển Văn học và các tiểu sử chính thức khác đều ghi: thủa nhỏ học chữ Hán rồi quốc ngữ, sau vào Quốc Học Huế. Đầu năm 1911, bỏ học vào Phan Thiết dạy trường Dục Thanh, ít lâu sau vào Sài Gòn, rồi từ Sàigòn "xuất dương tìm đường cứu nước".

Daniel Hémery viết: "Theo lời khai của Đạt (anh cả của Thành) với Sở Mật thám năm 1920, thì Thành học trường bảo hộ (franco-indigène), dường như Đông Ba, đậu bằng Tiểu học (Certificat d'études primaires). Cả hai ghi tên vào trường Quốc học (...) nhưng Thành học dở dang, bỏ đi làm (khoảng 1909?), làm trợ giáo, lương 8 đồng một tháng, ở trường Dục Thanh tại Phan Thiết"634.

Hémery ghi rõ học trường Pháp-Việt, còn đậu cả bằng Certificat d'études primaires. Nếu chi tiết này đúng, tức là Nguyễn Tất Thành đi học đến năm 19 hoặc 21 tuổi, và nếu có Certificat d'études primaires, tất phải biết tiếng Pháp.

Nhưng Trần Dân Tiên viết ngược lại: Ở tàu Latouche- Tréville "mỗi ngày anh Ba phải làm từ 4 giờ sáng", "công việc kéo dài suốt ngày", "suốt ngày anh Ba đẫm nước, hơi và mồ hôi, mình đầy bụi than", buổi tối có hai người lính giải ngũ về Pháp, tốt bụng, "dạy cho anh đọc và viết". Và khi làm vườn cho ông chủ tàu ở Sainte-Adresse, "anh học tiếng Pháp với cô sen"635. Một người đã có bằng Certificat d'études primaires không thể không biết đọc và viết tiếng Pháp, mà phải học tiếng Pháp với cô sen.

Nhưng cũng không có lý gì mà Hồ Chí Minh viết sai về chuyện này, nhất là ông lập lại nhiều lần rằng khi đến Pháp ông không rành tiếng Pháp, không viết được tiếng Pháp, phải nhờ Phan Văn Trường viết hộ.

Tại sao có nghịch lý này? Xin tạm giải thích như sau: Trong lá thư từ chối đơn xin học của Nguyễn Tất Thành636, ông hiệu trưởng trường Thuộc Địa nói rõ lý do: Trường chỉ nhận những học sinh đã học ở Đông Dương và do toàn quyền Đông Dương quyết định. Vì vậy, khi về qua Sài Gòn, Tất Thành mới viết thư cho ông cả Đạt, nhờ ông viết thư cho khâm sứ và toàn quyền, để xin cho em mình vào học trường Thuộc Địa. Trong hai lá thư này, để có trọng lượng, chắc ông Đạt khai là em mình đã học các trường Pháp Việt Đông Ba và Quốc Học... Vì vậy, năm 1920, khi Nguyễn Tất Thành đã "nổi danh" là Nguyễn Ái Quốc, sở Mật Thám gọi ông Đạt lên hỏi cung, ông giữ nguyên lời khai cũ.

Tóm lại, vấn đề học vấn của Nguyễn Tất Thành, phần chữ Hán là chắc chắn, vì cha là phó bảng Nguyễn Sinh Huy, bạn của Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh... Còn việc học ở các trường Đông Ba, Quốc Học, dường như không lấy gì làm chắc lắm.

● Nguyễn Tất Thành đến Paris

1/ Trong thời gian ở Anh, Nguyễn Tất Thành có trao đổi thư từ với Phan Châu Trinh, gọi cụ Phan là Hy Mã nghi bá đại nhơn - Hy Mã là tên hiệu của Phan Châu Trinh, nghi bá là bác kính- tự xưng là cuồng điệt Nguyễn Tất Thành -cuồng điệt là người cháu hăng say. Vì Phan Châu Trinh bị theo dõi rất kỹ, loạt thư này không qua mắt được mật thám, đó cũng là một trong những lý do xác định khoảng 1914- 1918, Nguyễn Tất Thành sống ở Luân Đôn.

2- Theo Thu Trang, mật thám tìm thấy thẻ thư viện mang tên Nguyễn Ái Quốc, ghi năm 1919637. Chứng này không đáng tin, vì thẻ thư viện, cũng như thẻ sinh viên, phải đề đầy đủ họ và tên thật Nguyễn Tất Thành, hoặc chỉ đề họ Nguyễn, chứ không thể đề tên hiệu Nguyễn Ái Quốc. Việc này có thể do mật thám nhìn thấy thẻ có tên Nguyễn, rồi bịa thêm thành Nguyễn Ái Quốc để lấy điểm.

3- Về thời điểm sang Pháp, Trần Dân Tiên viết:

Thế giới đại chiến bùng nổ. (....) Anh Ba đến nói với tôi: "Xin từ biệt anh Nam".

- Anh đi đâu?

Tôi đi Pháp (...)

Sau khi rời Luân Đôn, anh Ba viết thư cho tôi. Đại ý thế này:

"Tôi đã gặp nhà ái quốc Phan Châu Trinh. (...) Tôi cũng gặp luật sư Phan Văn Trường và những người khác. Tôi nói với họ: Trong khi vua Duy Tân nổi dậy ở Huế, nhân dân Thái Nguyên và nhiều nơi khác khởi nghiã, thì chúng ta phải làm gì chứ?"638

Trích đoạn trên đây cho thấy, "lần sang Pháp vào lúc đại chiến bùng nổ" Tất Thành mới gặp Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường. Nhưng lại có mâu thuẫn: Đại chiến thứ nhất bùng nổ năm 1914. Vua Duy Tân nổi dậy, 1916 và khởi nghiã Thái Nguyên, 1917. Vậy nếu Tất Thành sang Paris khi đại chiến bùng nổ vào năm 1914, thì làm sao biết được những biến cố xẩy ra năm 1916 và 1917?

Tại sao phải nói bừa như vậy?

Đọc đoạn Trần Dân Tiên viết về Hội Nghị Hoà Bình Versailles 1919, chúng ta có thể hiểu lý do:

"Họ đến để yêu cầu độc lập và tự do. Trong số đó, người ta thấy có ông Nguyễn Ái Quốc (tức là anh Ba). (...) Ông Nguyễn tổ chức nhóm người Việt Nam Yêu Nước ở Pa- ri và ở các tỉnh Pháp. Với danh nghiã của tổ chức này, ông đã đưa những yêu cầu ra trước hội nghị Véc-Xây (...) Cũng nên nhắc lại ý kiến đưa yêu cầu do ông Nguyễn đề ra nhưng lại do luật sư Phan Văn Trường viết, vì lúc bấy giờ ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp. Cũng nên nhắc lại là ông Phan Châu Trinh và ông Phan Văn Trường không tán thành hoạt động của nhóm Việt Nam Yêu Nước, vì các ông ấy cho nhóm thanh niên là trẻ con"639.

Trần Dân Tiên nhận mình đã "tổ chức nhóm người Việt Nam Yêu Nước ở Paris và ở các tỉnh", là nói bậy. Về bản Thỉnh Nguyện Thư thì viết đúng: luật sư Phan Văn Trường viết, vì lúc bấy giờ ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp. Còn câu: "các ông ấy cho nhóm thanh niên là trẻ con" nên hiểu: hai ông Phan thuộc lớp già, chê lớp trẻ: Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tất Thành là trẻ con.

Tóm lại, đoạn "anh Ba đi Pháp khi đại chiến thế giới bùng nổ" sở dĩ có nhiều chỗ vô lý, vì nó được viết ra với hậu ý chứng minh rằng:

- Chính Nguyễn Tất Thành đã dựng nên nhóm Người An Nam Yêu Nước.

- Chính Nguyễn Tất Thành là tác giả những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quấc/Quốc.

- Chính Nguyễn Tất Thành chủ động đưa ra ý kiến về bản Thỉnh Nguyện Thư ở Hội nghị Hoà Bình Versailles 1919.

- Và Nguyễn Tất Thành viết được những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc là do đã ở Pháp từ 1914 và đã hết sức cố gắng học tiếng Pháp.

Xin nhắc lại: Khi Nguyễn Tất Thành đến Pháp -sẽ được xác định vào tháng 6/1919- Hội Nghị Hoà Bình Thế Giới đã khai mạc từ 18/1/1919 ở Versailles, tức là nửa năm trước, và nhóm An Nam Yêu Nước đã hoạt động từ khoảng 1916. Vậy Nguyễn Tất Thành không thể "tổ chức" nhóm An Nam Yêu Nước và cũng không "đề ra những yêu cầu" ở Versailles. Tất Thành chỉ là người được nhóm An Nam Yêu Nước chỉ định đem bản Thỉnh Nguyện Thư Của Người An Nam đến Hội Nghị Hoà Bình Versaillles.

Hội Nghị Hoà Bình khai mạc ngày 18/1/1919, với tham vọng xây dựng những quốc gia Âu châu mới sau thế chiến. Trong chiến tranh, Pháp đã tập trung 900 ngàn người ở các thuộc địa đến Pháp để đánh giúp, trong đó có 92 ngàn người Việt Nam640. Số lính thợ di dân tạo nên những phong trào yêu nước chống Pháp của người dân các thuộc địa như Tunisie, Algérie... và Việt Nam với nhóm An Nam Yêu Nước của Phan Văn Trường. Trong bối cảnh tổng thống Wilson tuyên bố chống lại chính sách thuộc địa, Hội Nghị Hoà Bình Thế Giới là cơ hội hiếm có để tiếng nói của các nước bị đô hộ vùng lên, và nhóm Yêu Nước đã nhắm đúng thời cơ để công bố bản Thỉnh Nguyện Thư tám điểm, ký tên Nguyễn Ái Quấc.

● Xác định ngày Nguyễn Tất Thành đến Paris

1/ Việc Tất Thành sang Pháp năm 1914, quá khó tin; cho nên trong cuốn Thời thanh niên của bác Hồ641, Hồng Hà (được lệnh) sửa lại như sau:

"Anh bỏ nghề phụ bếp ở Luân Đôn, sang Pháp, đấy là vào cuối năm 1917"642.

"Vừa tới Pa-ri, anh Nguyễn Ái Quốc đến ở nhà số 6 phố Vi-la đề Gô-bơ-lanh643 một phố yên tĩnh của quận 13. Đây là nhà của luật sư Phan Văn Trường. Cùng ở có cụ Phan Châu Trinh mà anh Nguyễn Ái Quốc có thư từ thăm hỏi luôn khi anh còn ở Luân Đôn. Ông Trường nhường cho anh một buồng con trên gác ba, vừa đủ kê một cái bàn, một cái giường và một cái tủ con. Dạo ấy, nhà số 6 phố Vi-la đề Gô-bơ-lanh là một trung tâm gặp gỡ của nhiều Việt kiều ở Pa-ri. Có khi bà con đến chơi ăn ở liền mấy ngày (...) Cụ [Phan Châu Trinh] làm nghề ảnh tư ngay tại nhà số 6. Để sống, anh Nguyễn - cả người Việt lẫn người Pháp quen gọi anh Nguyễn Ái Quốc như thế - cùng với một kiều bào khác là Tuyết giúp việc cho cụ Phan đồng thời học nghề rửa ảnh và phóng đại ảnh. Cụ Phan là một nhà yêu nước chân thành, nổi tiếng ở Việt Nam và nước ngoài. Cụ hơn anh Nguyễn 19 tuổi, còn ông Trường vốn là thông ngôn, học đến tiến sĩ luật học, làm nghề luật sư ở Pa-ri. Ông giỏi tiếng Pháp, vào quốc tịch Pháp, có nghiên cứu chủ nghiã Mác, quen biết nhiều trí thức và nhà chính trị Pháp. Điều mà anh Nguyễn băn khoăn hỏi hai người lúc đó làm gì cho đất nước trong khi đồng bào khao khát cách mạng thì không được trả lời thoả đáng, rõ ràng. Anh Nguyễn vừa làm nghề rửa ảnh vừa chăm chỉ học thêm tiếng Pháp với ông Trường"644.

Trích đoạn này cho ta một số thông tin rất đáng lưu ý. Đặc biệt câu: "Vừa tới Pa-ri, anh Nguyễn Ái Quốc đến ở nhà số 6 phố Vi-la đề Gô-bơ-lanh". Chính câu này đã xác định, một lần nữa, ngày tháng Nguyễn Tất Thành đến Paris: Bởi vì căn nhà số 6, ngõ cụt Gobelins, Phan Văn Trường chỉ ở sau giải ngũ, tức là từ tháng 4/1919, khi ông về sống tại Paris645.

Tóm lại, nếu Nguyễn Tất Thành đến Paris ở ngay nhà Phan Văn Trường, 6 Villa des Gobelins, thì chỉ có thể là sau tháng 4/1919, thời điểm Phan Văn Trường đã giải ngũ, lên Paris và trước khi Nguyễn Tất Thành đem bản Thỉnh Nguyện đến Versailles, giữa tháng 6/1919.

2/ Một mật báo của Pierre Guesde - tổng thanh tra quân đội Đông Dương và người Đông Dương- Contrôleur général des troupes indochinois et des Indochinois chắc là chức vụ tình báo cao nhất về vấn đề Đông Dương, thời đó - không đề ngày, nhưng chắc là cuối năm 1919, ghi như sau:

"Người có tên gọi là Nguyễn Ái Quốc, 27 tuổi, quê ở Đông Dương. Anh ta đã từ Luân Đôn (Anh) đến Paris hồi tháng 6 vừa qua, ở một mình từ ngày 7 đến ngày 11/6/ tại số nhà 10 phố Stockholm, rồi từ ngày 12/6 đến ngày 13/7 vừa qua tại 56 Monsieur Le Prince. Sau đó, anh ta cư trú tại 6 Villa des Gobelins, ở với người đồng hương có tên là Phan Văn Trường sinh năm 1878 ở Hà Nội (Bắc Kỳ), luật sư toà Phúc Thẩm Paris"646.

Mật báo này có lẽ là nguồn mà Sophie Quinn-Judge trích dẫn trong bài viết của bà, để xác định Tất Thành từ London đến Paris ngày 7/6/1919.

Tóm lại, theo tổng thanh tra Guesde: Tất Thành đến Pháp ngày 7/6/1919. Ở số 10 Stockholm từ 7/6 đến 11/6. Ở 56 Monsieur Le Prince từ 12/6 đến 13/7. Và từ 14/7/1919 đến ở 6 Villa des Gobelins. Được ông Khánh Ký dạy cho nghề rửa ảnh.

Vậy có thể xác định chắc chắn rằng: Nguyễn Tất Thành đến Pháp ngày 7/6/1919. Kết hợp mật báo của Pierre Guesde và các sự kiện khác, tất cả đều ăn khớp.

Nguyễn Tất Thành ở nhà số 6 Villa des Gobelins của Phan Văn Trường trong hai năm, từ tháng 6/1919 đến ngày 14/7/1921 mới dọn tới số 9, Impasse Compoint, khu 17.

Đây là khu phố nghèo dành cho thợ thuyền, gần ngoại ô phía Bắc Paris, Tất Thành tiếp tục nghề ảnh ở một cửa hiệu gần nhà. Ngày 14/3/1923, Tất Thành dọn về trụ sở báo Le Paria, số 3 Marché des Patriaches647, ở được ba tháng đến 13/6/1923, lên đường đi Nga.

Khi đã xác định được đúng thời điểm Nguyễn Tất Thành đến Pháp, ta có thể đi sâu hơn nữa vào các tổ chức Việt kiều, vào sự phát sinh cái tên Nguyễn Ái Quấc/Quốc và những công trình Hồ Chí Minh nhận là của ông nhưng lúc đó ông chưa có mặt tại Paris.

● Căn nhà số 6 Villa des Gobelins và ông Khánh Ký

Căn nhà số 6 Villa des Gobelins, được coi là "trụ sở" của Hội Người An Nam Yêu Nước, nhiều nơi ghi là địa chỉ của Phan Văn Trường từ 1912, đặc biệt trong bản báo cáo của dự thẩm quan ba Caron, ngày 23/6/1915, với câu: "Sở Mật Thám khám nhà hai ông: không bắt được gì tại nhà ông Trường ở 6 Villa des Gobelins. Tại nhà ông Trinh ở 16 Cujas có bắt được một số tư liệu chữ Hán và quốc ngữ"648.

Trong hồi ký, Phan Văn Trường cho biết: Từ khi sang Pháp cuối năm 1908 đến 1913, cuộc đời ông chia đôi giữa trường Sinh Ngữ Đông Phương, nơi ông dạy học và trường Luật, nơi ông học.

Bắt đầu từ tháng 4/1913, ông nói đến địa chỉ rue Bertholet (PVT, trang 99). Và đến tháng 2/1916, đóng ở Toulouse, khi được nghỉ phép về Paris, ông vẫn ở cái appartement ấy (PVT, trang 168).

1914-1915, đi tù. Ra tù, bị đổi xuống Toulouse, nhưng không ở trong trại lính mà thuê nhà ở riêng, đổi nhà 2 lần, đều ở Phố Taur - Rue du Taur.

Appartement phố Bertholet có lúc cho cháu ở, bị an ninh khám 2 lần, đều giả ăn trộm, lần thứ nhất khi ông vừa nhập ngũ, lần thứ nhì khi ông đã bị tù trong ngục Cherche- Midi, và mật thám đã lấy đi tất cả tài liệu (PVT, trang 112), cả bài diễn văn Les revendications indigènes - Những thỉnh nguyện của người bản xứ, đọc ở trường Cao Đẳng Xã Hội ngày 13/3/1914, cũng bị tịch thu trong 2 buổi khám nhà này.

Sự nhầm lẫn của Caron có thể giải thích như sau: số 6 Villa des Gobelins là một nhà lầu (immeuble) có nhiều phòng. Khoảng 1914-1915, có thể ông Khánh Ký đã thuê cho những người đồng hương lỡ bước ở nhờ.

Ông Khánh Ký tên thật là Nguyễn Văn Xuân, là một nhà ái quốc, thợ ảnh và doanh nhân, một trong ba cột trụ của Hội Đồng Bào Thân Ái, là người kinh tài cho tổ chức Yêu Nước ngay từ những ngày đầu, bạn thân của Phan Văn Trường, không hề rời ông Phan, dù ở Paris, Toulouse hay sang Mayence, Đức. Chính ông Khánh Ký đã dạy cho Phan Châu Trinh và Nguyễn Tất Thành nghề ảnh để kiếm sống tại Pháp. Và Nguyễn Như Chuyên -có nhiệm vụ theo dõi Phan Châu Trinh từ trên tàu rời Việt Nam- cũng đã ở số 6 Villa des Gobelins trong thời điểm đó.

Vì vậy mới có sự lầm lẫn trong phúc trình Caron và trong báo cáo của một số chỉ điểm khác. Mà cũng chưa hẳn là nhầm: có thể chính Nguyễn Như Chuyên đã dẫn mật thám đến khám nhà này năm 1914 và bảo đó là nhà của Phan Văn Trường.

Một mật báo của Deveze ngày 29/4/1921 cho biết thêm: "Hôm qua trong căn hộ của Phan Văn Trường ở 6 Villa des Gobelins đã xẩy ra một cuộc cãi cọ dữ dội giữa một bên là Khánh Ký và bên kia là Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc và Tạ Văn Căn. Khánh Ký đã nhân danh Phan Văn Trường cam kết với chủ ngôi nhà, ông Richard, là sẽ trả dần tiền thuê nhà trong 5 năm chiến tranh, nay không thể tiếp tục trả nữa và nói rằng những người ở nhà phải trả nợ đó (...) Khánh Ký còn báo với Phan Châu Trinh là người cháu của Phan Văn Trường là Phan Cao Lu (Lục?) làm cho một ngân hàng tư nhân ở Toulon sẽ đến ở Paris cùng với vợ và một cháu bé và phải giành chỗ ở cho anh ta trong căn hộ. Tình hình đó làm cho Phan Châu Trinh, Tạ Văn Hộ và Nguyễn Ái Quốc rất lo lắng, họ không biết sẽ làm sao ở chung được với gia đình trẻ có một cháu bé như vậy. Do đó họ đã tìm bà gác cổng để hỏi xem trong nhà còn nơi nào chưa có người thuê không"649.

Như vậy, ông Khánh Ký đã thuê căn nhà Villa des Gobelins từ trong chiến tranh, và tới tháng 4/1921, ông báo cho những ai ở đó phải lo trả tiền nhà. Bởi vì ông đang sửa soạn về nước. Ông về Hà Nội ngày 25/7/1921650.

Đó là lý do khiến ngày 14/7/1921, Tất Thành phải dọn tới 9 Impasse Compoint. Phan Châu Trinh ở lại đến cuối năm 1921 mới dọn ra 21 Pernety. Có lẽ vì giận Tất Thành hay làm ẩu nên ông Khánh Ký nói vậy -khi ở Mayence, ông Khánh Ký đã viết thư răn đe Tất Thành nên ăn ở tử tế với ông Trường- chứ ông Trường viết thư cho ông Trinh ngày 27/4/1921 còn dặn dò: "Tôi đã bảo cho Lục nếu nó cần ở Paris mấy tháng thì có thể đến căn hộ của tôi nhưng phải để gia đình ở Toulon. Nếu nó đem theo ai thì anh báo cho tôi. Roux đến Paris có việc gì hay chỉ đến thăm anh"651.

● Trình độ chính trị của Nguyễn Tất Thành

Trần Dân Tiên viết: "Lúc ấy, ông Nguyễn là một người yêu nước quyết tâm hy sinh tất cả vì tổ quốc; nhưng ông Nguyễn lúc đó rất ít hiểu về chính trị, không biết thế nào là công hội, thế nào là bãi công và thế nào là chính đảng (...) Ông Nguyễn không đủ tiếng Pháp để viết và phải khẩn khoản yêu cầu ông Phan Văn Trường viết thay. Ông Trường viết giỏi, nhưng không muốn ký tên. Mà chính ông Nguyễn đã phải ký tên những bài báo"652.

Đoạn này xác định thêm một lần nữa: Nguyễn Tất Thành không biết tiếng Pháp và cũng không hiểu gì về chính trị, nhưng những chi tiết này ở các bản tiểu sử chính thức về sau sẽ bị xoá hẳn. Trần Dân Tiên viết tiếp về việc học viết báo tiếng Pháp: "Nhược điểm về tri thức làm ông Nguyễn rất khó chịu. Nhất là ông Trường không viết tất cả những điều ông Nguyễn muốn nói. Vì vậy, ông Nguyễn bắt tay vào việc học làm báo. Thường lui tới toà báo "Dân Chúng", ông làm quen với những người Pháp khác trong đó có chủ bút tờ "Đời sống thợ thuyền". Cũng như ông Lông-ghê, người chủ bút này cũng rất đáng mến. Ông bảo ông Nguyễn viết tin tức cho tờ báo của ông. Biết rằng không thể nhờ ông Trường viết mãi, ông Nguyễn nói thật là mình cón kém tiếng Pháp. Người chủ bút nói: "Điều đó không ngại, có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài của anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài, năm, sáu dòng cũng được". Ông Nguyễn bắt đầu viết rất khó khăn. Tin tức về Việt Nam, ông Nguyễn không thiếu. Ông thiếu nhất là văn Pháp (...) Khi thấy viết đã bớt sai lầm, ông chủ bút bảo ông Nguyễn: "Bây giờ anh viết dài hơn một tý, viết độ bảy tám dòng". Ông Nguyễn viết bảy, tám dòng. Dần dần, ông Nguyễn có thể viết cả một cột báo và có khi dài hơn. Lúc bấy giờ người chủ bút bạn thân của ông Nguyễn khẽ bảo:"Bây giờ anh viết ngắn lại. Viết từng này hoặc từng này dòng. Không viết dài hơn"653.

Việc học tiếng Pháp để viết báo trong vài năm chỉ có thể đưa đến kết quả: Nguyễn Tất Thành có thể viết được vài hàng tin tức. Còn viết được những bài xã luận ký tên Nguyễn Ái Quốc là một chuyện khác. Nhất là Tất Thành chỉ ở Pháp có 4 năm.

Tóm lại, phần thành thật trong nhật ký Trần Dân Tiên là nhìn nhận lúc ở Pháp, Tất Thành chưa biết gì về chính trị, tiếng Pháp kém và muốn học để viết báo. Nhưng cũng có chỗ không thành thật: vì ông đã nâng thời điểm Tất Thành đến Pháp từ 1919 lên 1914, để chứng tỏ những việc làm của Phan Văn Trường là Nguyễn Tất Thành làm. Theo thông tin tình báo, ông chơi rất thân với Nguyễn Thế Truyền, người bạn có lúc ở chung với ông, hoặc ngày nào cũng gặp, có lẽ Nguyễn Thế Truyền mới là người đắc lực dạy ông tiếng Pháp.

Ở Hội Nghị Tours, khai mạc ngày 27/12/1920, Nguyễn Tất Thành xuất hiện công khai với cái tên Nguyễn Ái Quốc. Hémery viết: "Nguyễn xoay sở để được mời đi dự Đại Hội đảng Xã Hội ở Tours, nhân danh đại biểu khu 13 của nhóm Xã Hội Đông Dương ma (fantomatique). Ngày 27/12 anh phát biểu ủng hộ kiến nghị Cachin-Frossard, ủng hộ việc đảng Xã Hội gia nhập Quốc Tế Cộng Sản"654.

Về Hội Nghị Tours, Trần Dân Tiên viết: "ông Nguyễn lắng nghe nhưng không hiểu rõ lắm, vì người ta thường nhắc đi nhắc lại những tiếng, những câu: chủ nghiã tư bản, giai cấp vô sản, bóc lột, chủ nghiã xã hội, cách mạng (...) Ông Nguyễn nhức đầu vì khó hiểu"655.

Tuy không hiểu rõ những bàn cãi chính trị trong Hội Nghị Tours, nhưng Nguyễn vẫn bỏ phiếu cho Đệ Tam Quốc Tế vì ông nghĩ: "Đệ Tam Quốc Tế nói sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập của họ"656.

Đoạn này Trần Dân Tiên cũng viết rất thực, nhưng trong cuốn Hồng Hà và các tiểu sử chính thức về sau, những đoạn thành thực như thế sẽ bị xoá hẳn, để thêm vào những đoạn dài mô tả "Bác" đã "nghiên cứu" kỹ càng lý thuyết Mác-Lê trước khi dự Hội Nghị Tours.

616 Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, Tủ sách nghiên cứu, Montréal, 1981, trang 70.

617 Đặng Thai Mai, Hồi ký, Tác phẩm mới, 1985, trang 355.

618 Nguyễn Thế Anh, L'itinéraire politique de Ho Chi Minh, in trong cuốn Ho Chi Minh, L'homme et son héritage, Đường Mới, Paris, 1990.

619 P. Brocheux dẫn Hémery, Ho Chi Minh, Presses Sciences Po, 2000, trg15.

620 T. Lan là một trong những bút hiệu của Hồ Chí Minh sau 1951, theo Bùi Tín, ông Hồ rút ngắn bí danh Trần Thái Lan của Nguyễn Thị Minh Khai khi hoạt động ở Hương Cảng và Quảng Đông.

621 Lữ Phương, Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh, Thư Nhà, Melbourne, Australia, 2002, trang 5.

622 Lữ Phương, sđd, trang 26-27). 623 Lữ Phương, sđd, trang 25.

624 Trần Dân Tiên, trang 17.

625 Chép theo sổ hành trình của tàu, Hồng Hà, trang 27-28-29. Lê Thị Kinh, sđd, tập 1, quyển 3, trang 187.

626 Trần Dân Tiên, trang 18-19-20.

627 Lê Thị Kinh, sđd, tập 1, quyển 3, trang 187-188.

628 Nhà báo Pháp, cánh tả, nổi tiếng làm phim thời sự về Việt Nam.

629 Vũ Ngự Chiêu &Nguyễn Thế Anh, Một ngôi trường khác cho Nguyễn Tất Thành, Tủ sách Văn Hoá, Paris, 1983, trang 117- 118.

630 Lê Thị Kinh, sđd, trang 188-190.

631 Vũ Ngự Chiêu & Nguyễn Thế Anh, trang 121.

632 Hémery, sđd, trang 36-37. Lữ Phương, sđd, trang 19-20.

633 Trích theo Lữ Phương, sđd, trang 16, LP trích lại Hémery, Jeunesse d'un colonisé, genèse d'un exil. Ho Chi Minh jusqu'en 1911, Approche Asie, No 11, 1992.

634 Daniel Hémery, Ho Chi Minh De L'Indochine au Viet Nam, Gallimard 1990, trang 32-33.

635 Trần Dân Tiên các trang 15-16-17 và 20.

636 Vũ Ngự Chiêu & Nguyễn Thế Anh, sđd, trang 121.

637 Thu Trang, Rapport ký tên Jean, in trong Phụ lục cuốn Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925, Đông Nam Á, Paris, 1983.

638 Trần Dân Tiên, trang 30-31.

639 Trần Dân Tiên, trang 32.

640 Hémery, sđd, trang 42. 641 Nxb Thanh Niên, 1976. 642 Hồng Hà, trang 38.

643 6 villa des Gobelins. Villa ở đây nghiã là Ngõ cụt, không phải là Phố.

644 Hồng Hà, sđd, trang 38 và 19.

645 Phan Văn Trường, Une histoire de conspirateurs annamites à Paris ou la vérité sur L'Indochine - Chuyện những người An Nam âm mưu ở Paris hay Sự thật về Đông Dương, L'Insomniaque, 2003.

646 Lê Thị Kinh, sđd, tập 2, quyển 1, trang 64. 647 Hồng Hà, trang 187.

648 Lê Thị Kinh, sđd, tập 1, quyển 3, trang 14.

649 Lê Thị Kinh, sđd, tập 2, quyển 1, trang 188.

650 Lê Thị Kinh, tập 2, quyển 1, trang 211.

651 Lê Thị Kinh, sđd, t2, q1, trang 190.

652 Trần Dân Tiên, trang 34- 35.

653 Trần Dân Tiên, trang 35- 36.

654 Hémery, trang 46.

655 Trần Dân Tiên, trang 46-47.

656 Trần Dân Tiên, trang 49.

Chương 17

hội đồng bào thân ái
phong trào ái quốc đầu tiên tại pháp

Phan Văn Trường thành lập hội Đồng Bào Thân Ái

Về sự thành lập Hội Đồng Bào Thân Ái - La Fraternité des Compatriotes, Phan Văn Trường viết: "Một ngày trong năm 1912, sau khi đưa đám một thiếu niên An Nam, học sinh trường Parangon [trường Nguyễn Thế Truyền học từ năm 1910], một số đồng bào đưa ra ý kiến lập Hội Ái Hữu Sinh Viên An Nam tại Pháp - Association amicale des étudiants annamites en France. Họ đề nghị tôi nghiên cứu dự trình để thực hiện càng sớm càng tốt. Tôi trả lời ngay: "Làm thì dễ, Pháp đã có luật 1/7/1901, tự do lập hội. Nhưng luật không chưa đủ, còn phải tính đến chính sách thuộc địa nữa. Các bạn nên biết, nếu ta lập hội mà không có phép, chính quyền thuộc địa sẽ tìm cách dẹp ngay"657.

Tuy nói vậy, nhưng rồi ông cũng làm:

"Tôi bắt tay vào việc. Viết bản Điều lệ và một bài quảng cáo dài. Hội được thành lập trong sự hoan hỉ của đồng bào đã giao phó trách nhiệm cho tôi. Tôi yêu mến đặt tên nó là Thân Ái - La Fraternité. Hội có mục đích:

1/ Giúp sinh viên Đông Dương xa gia đình có cơ hội gặp gỡ, kết bạn, đến chơi và giúp đỡ nhau trong trường hợp rủi ro, bệnh hoạn.

2/ Học chung với nhau để trao đổi kiến thức khoa học và văn chương.

Hội Thân Ái mỗi tháng tổ chức nhiều cuộc hội họp"658. Bản Điều lệ của Hội được Lê Thị Kinh tìm thấy, dịch và đưa vào "Phan Châu Trinh Qua Các Tài Liệu Mới659. Ở dưới có ghi: "Dịch nguyên văn từ quốc ngữ ra tiếng Pháp. Lorin, giáo viên dạy tiếng An Nam Trường Thuộc Địa", nhưng bà không tìm thấy bản quốc ngữ. Điều này dễ hiểu, vì Phan Văn Trường, bản tính thận trọng, viết bản điều lệ bằng tiếng Pháp, nhưng đề tên Lorin dịch, nên không hề có bản tiếng Việt. Lê Thị Kinh tìm thấy một số tư liệu quý về Phan Văn Trường và Hội Đồng Bào Thân Ái, mà có lẽ lúc còn sống chính ông Phan cũng không biết.

Về ngày lập hội, Phan Văn Trường ghi trong hồi ký: "Tôi chưa bao giờ gặp ông (Trinh) ở trong nước. Tôi quen biết ông tại Paris năm 1912"660. Ông Trường nói vì đồng bào thúc đẩy nên ông mới đứng ra lập hội, viết bản điều lệ và đặt tên là Thân Ái nhưng ông không ghi rõ ngày tháng việc này. Albert Sarraut xác định chủ tịch là Phan Văn Trường. Và trong bản Điều lệ, khoản 1, ghi: "Nay thành lập một Hội của người nước Nam có tên gọi Hội "Đồng Bào Thân Ái". Trụ sở của hội tạm thời đặt ở nhà của vị chủ tịch".

Rất may Lê Thị Kinh tìm được mật báo đầu tiên về cuộc họp ở trường Parangon ngày 18/1/1912 về Hội Ái Hữu Đông Dương - Société de Secours Mutuels Indochinoise, trong có câu: "Sau đám tang của Dang [Đang?], ông Trinh và và những người cùng đi đã mời tất cả người Đông Dương đến họp nghe nói chuyện tại Parangon. Đó là một cuộc mời họp đột xuất. Ông Trinh cùng một người tôi không biết rõ tên đã nói trước tiên"661.

Điều này ăn khớp với những gì Phan Văn Trường viết trong hồi ký: Sau đám tang một học sinh Parangon, một số đồng bào đưa ra ý kiến lập hội Ái Hữu Sinh Viên An Nam tại Pháp. Tóm lại, ngày 18/1/1912 là buổi họp đầu tiên tại trường Parangon có Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường tham dự662. Buổi họp này, vì chưa có hội, nên chưa có tên, mỗi người đưa ra một tên như: Ái Hữu Sinh Viên, Ái Hữu Đông Dương, Hội Tương Tế... Chỉ sau khi Phan Văn Trường đã viết xong bản điều lệ và đặt tên là Thân Ái-La Fraternité gửi cho Bộ Thuộc Địa, thì mới chính thức có Hội Đồng Bào Thân Ái.

Phan Văn Trường viết: "Hội hoạt động công khai không mờ ám. Chúng tôi cũng biết là có mật thám trà trộn trong đám hội viên, nhưng không sao, càng tỏ cho họ thấy là hội của chúng tôi theo đuổi những mục đích hoàn toàn hợp pháp và đáng khuyến khích. (...) Bọn mờ ám vẫn rình rập, với thế lực trong chính quyền thực dân, thế nào họ cũng phá. Hội của chúng tôi bị tẩy chay, họ phao tin hội này là ổ cách mạng, gián tiếp cảnh cáo hội viên nếu cứ cứng đầu không chịu bỏ thì có ngày sẽ phải hối hận"663.

Bản Lý lịch Phan Văn Trường của sở Mật Thám ngày 19/12/1919 viết: "Năm 1912, y lập Hội Tương Tế lấy tên là Đồng Bào Thân Ái, chỉ gồm toàn người Đông Dương. Hội này chưa bao giờ khai báo với cảnh sát, không có trụ sở và thường hội họp ở các phòng trong của các tiệm cà phê, nhất là tiệm ăn Tầu ở 183 Đại lộ Montparnasse. Hội này hình như đã bị giải tán vào tháng bẩy năm 1913 (?)"664

Hội Đồng Bào Thân Ái là tế bào đầu tiên của người Việt yêu nước tại Pháp. Lúc đó có Bùi Kỷ, đang học trường Thuộc Địa, làm thư ký và Khánh Ký doanh nhân làm thủ quỹ.

Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh, trở thành hai nhà lãnh đạo đầu tiên của phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp. Vì hoạt động của hội, mà Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh bị bắt năm 1914.

Cùng với việc lập Hội Đồng Bào Thân Ái, trong tháng 4/1912, Phan Văn Trường giúp Phan Châu Trinh viết lại bản điều trần Trung Kỳ dân biến thỉ mạt ký665 sang tiếng Pháp gửi cho Hội Nhân Quyền. Trong hồi ký, ông nhắc đến văn bản này nhiều lần nhưng chỉ nhẹ nhàng nói rằng ông giúp Phan Châu Trinh đưa bản điều trần lên Hội Nhân Quyền.

Về văn bản này, Lê Thị Kinh mới đầu cũng nghĩ là Phan Văn Trrường viết, nhưng sau bà lại dẫn ý kiến Hémery cho rằng đây là một "công trình tập thể", được ông De Pressensé, chủ tịch Hội Nhân Quyền duyệt lại trước khi gửi cho bộ trưởng Thuộc Địa. Chúng tôi không đồng ý với ông Hémery, bởi vì dấu ấn Phan Văn Trường quá rõ, không thể là "tập thể" được, ngoài bút pháp mà Roux và Babut không thể sánh, còn có những điểm sau:

1/ Bỏ hẳn giọng hạ mình đối với chính quyền Pháp của Phan Châu Trinh.

2/ Xưng nước mình là Đế Quốc An Nam, ngôn ngữ tự hào dân tộc, sẽ thấy lại trong bản Thỉnh Nguyện Thư Tám Điểm 1919.

3/ Vô tình xưng mình quê ở huyện Hà Đông - trong khi Phan Châu Trinh quê ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Phan Văn Trường mới quê ở Hà Đông.

4/ Lối lập ngôn "Xét rằng" cao kỳ của một nhà luật học, phù hợp với ngôn ngữ trong bản tuyên ngôn nhân quyền.

Phan Văn Trường có đủ thẩm quyền hơn nhiều người khác về sự thận trọng, tài lập luận và dùng chữ; chỉ cần đọc những thư hoặc thư ngỏ ông viết cho toàn quyền, bộ trưởng, dân biểu... để bắt bẻ, thì thấy khả năng bút pháp của ông.

Bản điều trần đăng trên Báo của Hội Nhân Quyền và Dân Quyền - Bulletin de la Ligue des droits de l'homme et du citoyen số 20 ngày 31/10/1912. Và được ông chủ tịch hội Nhân Quyền chuyển đến Bộ Thuộc Địa ngày 25/9/1912. Đầu năm 1913, Albert Sarraut phải nhượng bộ, hứa thả dần tù nhân vụ Trung Kỳ dân biến.

Toàn quyền Albert Sarraut gửi lá thư thứ nhất cho bộ trưởng Thuộc Địa về Hội Đồng Bào Thân Ái ngày 24/4/1912. Lá thư mở đầu bằng câu: "Theo điện số 1152 (V.P. Bộ Trưởng) Ngài đã chuyển cho tôi bản điều lệ của Hội Đồng Bào Thân Ái do những người An Nam ở Pháp thành lập. Chủ tịch là Phan Văn Trường, phụ giảng ở trường Ngôn Ngữ Đông Phương". Và kết thúc bằng câu: "Cần đề phòng ảnh hưởng của Phan Văn Trường, người có kiến thức rất uyên bác nhưng tự phụ, hay sinh sự và muốn có uy tín trong đồng bào mình ở Pháp và ở Đông Dương. Đồng Bào Thân Ái sẽ thành một Câu Lạc Bộ để trao đổi những cảm tưởng và ý nghĩ bất lợi cho sự thống trị của chúng ta, sẽ thảo luận các vấn đề chính trị nhiều hơn là những lợi ích vật chất và tinh thần của Hội. Tôi nghĩ cần phải theo dõi kỹ hành động của Hội này và mong ngài sẽ có những chỉ thị cần thiết cho việc đó"666.

Toàn quyền Albert Sarraut viết lá thư thứ hai cho bộ trưởng Thuộc Địa ngày 5/7/1912, tỏ rõ ý lo ngại hơn về Hội Đồng Bào Thân Ái, Sarraut nhấn mạnh: "Tôi đã yêu cầu ngài hạ lệnh theo dõi hoạt động của các thành viên, đặc biệt là Phan Văn Trường, chủ tịch Hội"667.

Và lần này có kết quả: Để trừng trị, Bộ Thuộc Địa ra lệnh cho hiệu trưởng trường Sinh Ngữ Đông Phương phải sa thải Phan Văn Trường.

Nhưng sự trừng phạt không dừng ở đó. Albert Sarraut lo ngại hai ông Phan dùng hội Đồng Bào Thân Ái để liên lạc với các tổ chức chống Pháp ở trong nước, đặc biệt Phan Châu Trinh liên lạc với Lương Văn Can và Phan Văn Trường với 5 anh em ông668, một gia đình nổi tiếng nhiều nhân tài ở đất Bắc, khiến Nguyễn Văn Vĩnh viết: "Nếu nước An Nam chúng ta có độ mươi gia đình như gia đình này, thì chúng ta sẽ có đủ nhân tài để bố trí làm tất cả những công việc cần thiết"669.

Lợi dụng việc Quang Phục Hội của Phan Bội Châu ném bom giết chết hai sĩ quan Pháp tại một quán cà phê ở Hà Nội tháng 4/1913, mật thám bắt người anh cả của ông Trường là Phan Tuấn Phong và con trai 13 tuổi là Phan Trắc Cư. Khám nhà em ông là Phan Trọng Kiên, tìm được thư của ông Trường, trong có câu: "Mong nước mình rồi sẽ có ngày 14/7", tức là ngày cách mạng Pháp phá ngục Bastille năm 1789. Hai anh em bị kết án chung thân biệt xứ vì "tội đã giết quan tư670 Chapuis và Montgrand", tại Hà Nội671. Cha con ông Phong và ông Kiên bị đầy sang Nouvelle-Calédonie.

Ngày 13/3/1914, Phan Văn Trường được mời diễn thuyết tại trường Cao Đẳng Xã Hội, Albert Sarraut lại can thiệp với Bộ Thuộc Địa, không cho Phan Văn Trường nói, nhưng không thành - các trường lớn và các đại học rất ghét sự can thiệp của chính quyền. Phan Văn Trường diễn thuyết về đề tài: Les revendications indigènes - Những thỉnh nguyện của người bản xứ. Lần đầu tiên ông chính thức dùng chữ Les revendications - thỉnh nguyện, đòi hỏi, về sau chữ này sẽ trở lại với Bản Thỉnh Nguyện Tám Điểm, năm 1919.

Tiếp theo đó là vụ bắt Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường, tù từ tháng 9/1914 đến tháng 7/1915. Theo một mật báo thì Hội Đồng Bào Thân Ái phải giải tán năm 1916672.

Nhóm Người An Nam Yêu Nước ra đời.

● André Salles, con bài của Bộ Thuộc Địa để trừ khử Phan Văn Trường và Hội Đồng Bào Thân Ái

André Salles, thanh tra thuộc địa về hưu, mạnh cánh trong Bộ Thuộc Địa, là Bí thư - Secrétaire- của Ủy Ban Paul Bert trực thuộc Alliances Françaises- Liên Minh Pháp Ngữ, cơ quan truyền bá tiếng Pháp ở nước ngoài. Uỷ Ban Paul Bert có nhiệm vụ kiểm soát du học sinh đến từ thuộc địa. Học sinh đến Pháp được Salles đưa vào trường Parangon, một trường tiểu học tư ở Joinville le Pont, ngoại ô Paris, do Salles đỡ đầu, để dễ kiểm soát. Salles cực lực chống việc cho Phan Châu Dật vào trường Parangon, mặc dù lúc đầu y cũng tỏ vẻ "nâng đỡ" Phan Châu Trinh. Học sinh nào tỏ dấu hiệu khó bảo thì cha mẹ sẽ bị trừng trị. Ngay từ lúc mới sang, Phan Văn Trường đã được Salles mời đến gặp, chủ ý muốn "thu phục", nhưng thái độ của Phan Văn Trường lơ là, Salles đem lòng thù oán. Y tiếp tục theo dõi, coi hai ông Phan là phần tử xấu, ảnh hưởng đến học sinh, reo rắc mầm mống nổi loạn.

Trong một bản mật báo gửi Arnoux, một trong những xếp mật thám ở bộ Thuộc Địa, Salles viết: "Nghỉ hè năm 1910, khi gặp tại Ngân khố một trong các trẻ thơ đỡ đầu của chúng tôi mới 17 tuổi, đến nay vẫn chưa tốt nghiệp trung học, y (tức Phan Văn Trường) đã nói: "Chúng ta là những nô lệ, vì vậy tôi sẽ xin nhập quốc tịch Pháp". Sau đó, y đưa cho nó một danh mục sách bảo nên mua đọc:

- Dân ước của Rousseau.

- Thực chất luật pháp (tức Vạn pháp tinh lý) của Montesquieu.

- Thử bàn về sử (Khảo luận sử học) của Chateaubriand (...) hành động của Trường đúng là chứng tỏ cách làm của lãnh đạo Hội Đồng Bào. (...) "Học vấn cao và đúng hướng sẽ nẩy sinh tư tưởng cách mạng", đó là chủ trương của Hội Đồng Bào. (...) Hội Đồng Bào năm 1912 có vẻ muốn nối tiếp truyền thống của Hội Đồng Bào năm 1908 ở Trung Kỳ (...) Chủ trương mới này mang tính lâu dài hơn nhưng còn khôn khéo hơn nhiều, có thể tóm tắt như sau: "Nấp dưới luật pháp của Pháp để chống chính sách của Pháp ở Đông Dương"673.

Được hỏi về việc này, Phan Văn Trường trả lời vắn tắt: Tưởng cứ đọc Dân Ước thì làm cách mạng được à, sao dễ thế! Nhưng những việc Salles tố giác không "oan": Nguyễn Thế Truyền là một trường hợp điển hình, có thể coi là môn đệ của Phan. Phan Văn Trường lại tỏ thái độ rất coi thường Salles, khiến y càng tức tối, tìm hết cách để triệt hạ ông và Hội Đồng Bào Thân Ái. André Salles là đầu mối các việc: Phan Văn Trường mất chức giảng dạy ở trường Sinh Ngữ, thay bằng Cao Đắc Minh, tay chân của Salles. Anh, em ông Trường ở Hà Nội bị bắt và bị đi đầy. Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường bị bắt.

Đến tháng 2/1916, André Salles viết đơn yêu cầu mở lại vụ án, đòi đuổi Phan Văn Trường khỏi Công Binh Xưởng Toulouse. Nhưng sau lá thư trả lời dứt khoát của Bộ Quốc Phòng ngày 13/3/1916, từ chối việc thuyên chuyển ông Trường, André Salles bị mất chức bí thư Uỷ Ban Paul Bert, thay thế bằng Lorin là người đã ký tên dịch bản điều lệ Hội Đồng Bào Thân Ái của Phan Văn Trường.

● Nhóm An Nam Yêu Nước

Sự xuất hiện bút hiệu Nguyễn Ái Quấc.

Nếu Hội Đồng Bào Thân Ái ra đời một cách chính thức, có điều lệ nội quy gửi lên Bộ Thuộc Địa để xin phép, thì Nhóm An Nam Yêu Nước là một tổ chức không chính thức, không là Hội - Association mà chỉ là Nhóm- Groupe.

Hémery cho rằng: "Nhóm nhỏ Người An Nam Yêu Nước do Trinh và Trường lập năm 1918. Một thứ "cộng đồng" nhiều nhất độ 15 người ở nhà Phan Văn Trường số 6 Villa des Gobelins"674. Câu này có chỗ sai: Năm 1918, Phan Văn Trường đang ở Toulouse, chưa ở nhà số 6 Villa des Gobelins. Nhưng rất có thể nhóm này đã hình thành từ khi Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền ở Toulouse.

Phan Văn Trường để ý đến Nguyễn Thế Truyền từ khi Truyền còn là học sinh trường Parangon. Hai người về sau lại cùng sống ở Toulouse từ 1916 đến 1919: Phan Văn Trường, tại ngũ, làm thông ngôn cho lính thợ và Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Thế Song (em), Nguyễn Thế Phu (chú), Nguyễn Thế Tắc (em họ), đều là sinh viên ở Toulouse từ 1916 trở đi, và đều trở thành những nhà cách mạng trong nhóm Nguyễn Thế Truyền.

Hémery nói đến năm 1918, vì 1918 tên Nguyễn Ái Quốc/Quấc xuất hiện trên báo, nhưng chắc nhóm An Nam Yêu Nước đã hoạt động tại Toulouse từ 1916.

Sau khi Phan Văn Trường ra tù, được gửi về Công Binh Xưởng Toulouse, André Salles vẫn ngấm ngầm vận động mở lại vụ án, đòi chuyển Phan Văn Trường khỏi Toulouse, nhưng giám đốc Công Binh Xưởng trả lời: Phan Văn Trường có thái độ đúng đắn, không hề có triệu chứng gì đáng nghi ngờ. Salles bèn viết tiếp lá thư thứ nhì, vẫn nhân danh bộ trưởng Thuộc Địa, lần này y nhấn mạnh: "Về thái độ đúng của Phan Văn Trường ở Toulouse: Do y biết đang bị theo dõi nên hết sức giữ gìn. Y sẽ làm việc một cách kín đáo giấu giếm như y đã làm trong Hội Đồng Bào với các sinh viên An Nam, ngoài sự kiểm soát của người quản lý các sinh viên đó. Và y có nhiều thuận lợi: y ở ngoài phố và thợ người Nam từ 19 đến 21 giờ và chiều ngày chủ nhật được tự do. Như vậy tha hồ trò chuyện không bị kiểm soát. Đó là những hoạt động ngầm rất khó phát hiện (...) Bộ trưởng Thuộc Địa rất ngại Phan Văn Trường sẽ thực hiện với thợ thuyền người An Nam ở Toulouse những điều y đã làm với sinh viên Đông Dương và chuẩn bị cho họ phản kháng lại kỷ luật của các nhà cầm quyền Pháp (...) Vì vậy nên đưa tên lính Phan Văn Trường ra khỏi Toulouse và cho y đến một nơi không có có nhóm thợ An Nam nào làm việc."675.

Lần này bộ trưởng Quốc Phòng gửi thư đáp lại bộ trưởng Thuộc Địa, bác bỏ hẳn đề nghị đổi Phan Văn Trường đi chỗ khác vì đang cần một thông dịch viên giỏi ở Toulouse676. Thu Trang trích một mật báo, năm 1919, không ghi ngày, như sau:

"Hội những người An Nam yêu nước đã được thành lập từ nhiều năm nay do hai nhà cách mạng chống Pháp là Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh. Đó là một nhóm hoạt động rất tích cực.

Trong suốt thời kỳ chiến tranh (1914-1918), trụ sở Hội này là nơi hẹn của rất nhiều binh lính An Nam và hạ sĩ quan cùng sĩ quan có cấp bực. Từ hồi hai người trên, Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh, bị bắt vì tội chống an ninh quốc gia vào năm 1915, tuy Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh vẫn giữ vai trò lãnh đạo Hội một cách không chính thức, nhưng thực tế thì đã chính là do Nguyễn Ái Quốc"677.

Điểm đáng chú ý đầu tiên là câu: "Trong suốt thời kỳ chiến tranh (1914-1918), trụ sở Hội này là nơi hẹn của rất nhiều binh lính An Nam và hạ sĩ quan cùng sĩ quan có cấp bực", Câu này chỉ có thể là thời kỳ Phan Văn Trường ở Toulouse, vì chỉ ở Toulouse mới có Công Binh Xưởng, hội tụ nhiều binh lính An Nam. Vậy mật báo này xác nhận việc Phan Văn Trường đã quy tụ nhóm An Nam Yêu Nước ở Toulouse. Lo lắng của Salles không phải là vô bằng cớ.

Điểm thứ nhì đáng chú ý là câu: "tuy Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh vẫn giữ vai trò lãnh đạo Hội một cách không chính thức, nhưng thực tế thì đã chính là do Nguyễn Ái Quốc", câu này trong mạch văn, có thể có các ý nghiã:

1/ Cái tên Nguyễn Ái Quốc/Quấc đã xuất hiện trong khoảng 1914-1918, ít nhất là từ 1918. Tức là trước khi Nguyễn Tất Thành sang Paris rất lâu - Tất Thành sang Paris tháng 6/1919, như đã nói ở trên.

2/ Nhóm Người An Nam Yêu Nước đã hình thành trong khoảng 1914-1918. Như vậy, chỉ có thể ở Toulouse, nơi Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền, em và chú, cùng học từ 1916. Trong thời gian này Phan Văn Trường bị buộc tội xúi giục binh lính An Nam làm loạn viết đơn xin giải ngũ. Nhóm Nguyễn Thế Truyền có lẽ còn là sinh viên nên chưa bị để ý - Sẽ nói đến sau.

3/ Nguyễn An Ninh được ba người bạn thân Lê Văn Thử, tác giả Hội kín Nguyễn An Ninh678, Phương Lan Bùi Thế Mỹ, tác giả Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh 1899- 1943679 và Hồ Hữu Tường, tác giả 41 năm làm báo680 đều ghi nhận Nguyễn An Ninh sang Pháp lần đầu năm 1918.

Vậy cái tên Nguyễn Ái Quấc - Quấc chứ không phải Quốc - nếu có từ năm 1918, phải là dấu ấn của Nguyễn An Ninh. Ninh là người Nam, chỉ có người Nam, theo Huỳnh Tịnh Của, mới viết Quấc. Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền người Bắc, không viết như thế. Quấc và Quốc cùng được sử dụng trong một thời gian, sau Nguyễn Thế Truyền chỉ dùng tên Quốc.

4/ Bộ Thuộc Địa bắt đầu theo dõi Nguyễn Ái Quốc vào khoảng tháng 10/1919. Báo cáo của Jean681 tháng 10/1919, có đoạn như sau:

"1- Ông Guesde nói phải, có Nguyễn Ái Quốc tên thật là Nguyễn Văn Quốc, người Sàigòn, học ở bên này đã lâu lắm. Song chưa biết tên ấy ở đâu - Phải quen Phan Văn Chường thời mới biết tên ấy được.

2- Xin ông làm ơn hỏi Sureté682 Paris xem Chường có ở Paris bây giờ không, hay là đi voyage như lời sergent interp683 Khương nói và cho tôi chỗ hắn ở (số nhà và phố)"684.

Theo báo cáo này, Jean đến tháng 10/1919, vẫn chưa xác định được nhân dạng Nguyễn Ái Quốc, lúc thì coi Nguyễn Ái Quốc là Nguyễn An Ninh - người Sàigòn, lúc thì coi Nguyễn Ái Quốc là Nguyễn Thế Truyền - học ở bên này đã lâu lắm, và chưa biết địa chỉ của Hội người An Nam yêu nước là nhà Phan Văn Trường, số 6 villa des Gobelins.

Những báo cáo của mật thám và chỉ điểm, trong hai năm 1919-1920 về Nguyễn Ái Quốc của Jean, của Edouard (cũng có tên là Đốc Phủ Bẩy) và của tổng thanh tra Pierre Guesde685, trong thời gian này đều có tính rối mù như thế, nghiã là như một nhân vật có đầy đủ khả năng biện luận, diễn thuyết, biết rõ tình hình Việt Nam và thế giới, đang viết và dịch sách Tây... tóm lại là khả năng của nhiều người họp lại.

5/ Về hoạt động của nhóm An Nam Yêu Nước, Daniel Hémery viết: "Từ mùa thu năm 1919, Nhóm Những Người Yêu Nước có cột viết trên các báo Le Popupaire (Người bình dân), L'Humanité (Nhân loại), Le Libertaire (Người tự do tuyệt đối), báo của CGT (một công đoàn), La vie ouvrière (Đời sống thợ thuyền) và Le Peuple (Dân chúng). Họ diễn thuyết, tổ chức những buổi họp mặt công cộng, với chủ đích bảo vệ quyền lợi Đông Dương trong nền văn chương chống thực dân theo cách của những nhà văn Indonésia (Nam Dương) hay Ấn Độ. Cuối năm 1919, Nguyễn Ái Quốc, theo lời khuyên của Paul Vigné d'Octon là người hết sức chống chế độ thuộc địa, làm việc ráo riết tại thư viện Quốc gia, sửa soạn ra cuốn sách Les Opprimés (Những kẻ bị đàn áp), có thể là sơ thảo văn bản tương lai Procès de la Colonisation (Bản Án Chế Độ Thực Dân) và nghiền ngẫm dự định dịch các tác phẩm tây phương, như L'Esprit des lois (Vạn pháp tinh lý) sang Quốc ngữ"686.

Câu này xác định hoạt động của nhóm Ngũ Long trên báo chí và diễn thuyết. Nhưng vì dùng tài liệu sai của mật thám, nên Hémery đã nhầm Nguyễn An Ninh với Nguyễn Ái Quốc/Nguyễn Tất Thành.

Trong các bài viết hoặc diễn thuyết của mình, Nguyễn An Ninh thường nhắc đến kinh nghiệm cần học hỏi của Ấn Độ, Nam Dương. Nguyễn An Ninh thời ấy là một thanh niên để tóc dài kiểu hippie, làm "người mẫu" để kiếm tiền học, chơi thân với Paul Vigné d'Octon và nhóm anarchiste - vô chính phủ, cộng tác với báo Le Libertaire của nhóm này. Mỗi cuối tuần, Ninh ra ngoại ô Paris, vào rừng tập nói, để diễn thuyết cho hùng hồn. Đó là Nguyễn An Ninh những năm 1918-1922 ở Pháp. Theo Phạm Quỳnh687, thập niên 1920 ở Pháp, diễn thuyết là một cái mốt, hầu như cuộc hội họp nào cũng có diễn thuyết. Nguyễn An Ninh còn viết cuốn La France en Indochine - Nước Pháp ở Đông Dương, chống Pháp mãnh liệt, in năm 1924, mang về Việt Nam trong chuyến đi với Phan Châu Trinh, sách này đã bị tịch thu688. Ninh dịch Contrat social - Dân ước của Rousseau và có ý dịch cả L'Esprit des lois - Vạn pháp tinh lý của Montesquieu.

Vậy hình ảnh một thanh niên tên Nguyễn, chơi thân với nhóm anarchiste, diễn thuyết hùng hồn, viết hết sách này đến sách khác, vào cuối 1919 đầu 1920, mà mật thám Jean mô tả và Hémery ghi lại trên đây, chỉ có thể là Nguyễn An Ninh, vì Nguyễn Tất Thành, đến tháng 6/1919, mới sang Pháp, đang học tiếng Pháp, làm sao cuối năm 1919, đã có thể "đăng đàn diễn thuyết", viết sách, và dịch Montesquieu được?

6/ Một mật báo khác viết: "Vào những năm 1920-1921, Hội những người An Nam yêu nước" đặt trụ sở tại số 6 villa des Gobelins. Số người lãnh đạo của Hội này, đã từng làm công việc tuyên truyền chống Pháp một cách rất mạnh nói chung, và đặc biệt chống ông Sarraut (toàn quyền Đông Dương) nói riêng. Những người này cho là ông ta đã gây nên nhiều nỗi đau khổ tại nước họ.

Tháng 10 năm 1921, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Khánh Ký, Lê Văn Thuyết và Hai Tân đã quyết định đề nghị ám sát ông Sarraut (...) Nhưng nhờ sự can thiệp của Phan Châu Trinh mà dự án này không đem ra thi hành"689.

Những thông tin trong đoạn đầu, khá đúng, duy việc Phan Văn Trường định "ám sát" Sarraut là sai. Phan Văn Trường là người thận trọng, ghét bạo lực, hành động công khai, ông đối lập với Sarraut bằng luật pháp và ngòi bút. Nguyễn Thế Truyền sôi nổi và nóng nẩy hơn khi viết những bài đả kích Sarraut.

Several newspapers with different headlines

Description automatically generated with medium confidence

● Hội Liên Hiệp Thuộc Địa và báo Le Paria

Hội Liên Hiệp Thuộc Địa - Union Intercoloniale là cơ sở quan trọng thứ nhì, đối với người Việt tại Pháp, sau nhóm An Nam Yêu nước. Hội quy tụ đại diện những nước nhược tiểu bị Pháp đô hộ, họp lại để cùng chống thực dân. Hội ra tờ báo Le Paria - Người cùng khổ.

Trần Dân Tiên khoe vai trò của mình trong tờ báo này:

"Để mở rộng việc tuyên truyền đến các thuộc địa, ông Nguyễn và các đồng chí của ông ra tờ báo Người cùng khổ (Le paria) do ông là chủ bút kiêm chủ nhiệm (...) Ông Nguyễn kiêm cả viết, chủ nhiệm, chủ bút, chữa bài, thủ quỹ, xuất bản và liên lạc"690.

Hồng Hà cũng viết: "Báo Người cùng khổ, cơ quan ngôn luận của vô sản thuộc địa do anh Nguyễn Ái Quốc sáng lập, làm chủ bút kiêm chủ nhiệm, phát hành trong những năm từ 1922 đến 1924 (...) Anh Nguyễn viết khỏe nhất và nhiều nhất, có số anh viết tới ba, bốn bài. Chính từ đây và từ năm 1922 này, người đọc được thấy những bài báo đầy tính chiến đấu mãnh liệt của anh Nguyễn"691.

Sự thực không như thế.

Hội Liên Hiệp Thuộc Địa được sáng lập tháng 7/1921, tại Paris. Mỗi thuộc địa có một đại diện trong ban chấp hành. Trụ sở số 9 rue Vallette, sau dời đến số 3 rue Marché des Patriarches. Tờ báo của hội là tờ Le Paria ra hàng tháng, dưới sự bảo trợ của nhà văn Henri Barbusse. Báo viết tiếng Pháp, tên in ba thứ chữ: Pháp, Hán và Ả Rập, tồn tại 4 năm, ra được 38 số: số 1, ngày 1/4/1922 và số 38, ngày 1/4/1926.

Thành phần của Hội khi mới thành lập gồm có: Marie Bloncourt, luật sư, đại diện Dahomey, Phi Châu, tổng thư ký, Nguyễn Ái Quốc, đại diện Đông Dương, Jean Baptiste, đại diện Guadeloupe; v.v... Lúc đầu có khoảng 200 hội viên. Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh đều là hội viên từ 1922, cả ba đều đã diễn thuyết nhiều lần tại trụ sở của Hội hoặc ở Hội trường Hội Bác Học - Salle des Sociétés savantes, rue Danton. Ví dụ, ngày 18/2/1923, Phan Văn Trường diễn thuyết so sánh sự cai trị Việt Nam của Pháp và của Trung Hoa. Nguyễn An Ninh diễn thuyết nhiều lần tại Hội trường hội Bác Học. Ngày 17/10/1924 Nguyễn Thế Truyền diễn thuyết về Đông Dương dưới sự cai trị của Albert Sarraut và Martial Merlin. Mỗi lần Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh diễn thuyết, Phan Châu Trinh đều đến nghe692.

Chỉ cần lướt qua tờ Le Paria cũng thấy: đây là tờ báo chống thực dân một cách trào phúng và thâm thúy, kiểu "gậy ông đập lưng ông"; phải đủ những điều kiện: có óc châm biếm, có uy-mua Pháp, thâm hiểu văn hoá Pháp mới viết được. Nguyễn Ái Quốc làm đại diện cho Đông Dương trên tờ báo này là đúng, vì bút hiệu Nguyễn Ái Quốc năm 1922, đã rất nổi tiếng. Nhưng những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc có phải do Nguyễn Tất Thành viết không?

Trong một bài bênh vực Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền ngụ ý: tiếng nói của Nguyễn Ái Quốc là tiếng nói của toàn dân Việt Nam, vậy ông đã kín đáo thổ lộ sự thật về cái bút hiệu chung này. Báo Le Paria số 4, tháng 7/1920, có 2 bài ký tên Nguyễn Ái Quốc, tựa đề La haine des races- Sự căm thù chủng tộc và Les cilivisateurs - Những kẻ giáo hoá. Bài L'Humanité coloniale - Nhân nghiã thực dân trong số 6 ra tháng 7/1920, có kèm ảnh những người bị xử bắn, và trong bài báo tác giả mỉa mai ghi: đó là hành động của những con người văn minh693.

Bài đầu tiên ký tên Nguyễn Thế Truyền xuất hiện trên Le Paria, số 9 ra ngày 1/12/1922, tựa đề Un bolchevick jaune- Một người Bôn-sơ-vích da vàng, nội dung bênh vực Nguyễn Ái Quốc bị báo La Dépêche Coloniale - Bản tin thuộc địa đả kích, trong bài này, Nguyễn Thế Truyền ngụ ý: Tiếng nói của Nguyễn Ái Quốc là tiếng nói của toàn dân Việt Nam, như đã nói ở trên.

Sau khi Nguyễn Tất Thành đi Nga, tên Nguyễn Thế Truyền xuất hiện nhiều hơn và tên Nguyễn Ái Quốc giảm dần, nhưng vẫn tồn tại đến 1927, chứng tỏ Nguyễn Thế Truyền tuy đã viết bằng tên thật nhưng vẫn còn tiếp tục dùng tên Nguyễn Ái Quốc trong 4 năm nữa694.

Số 21 ra ngày 1/12/1923, trong bài Le vase de Chine - Chiếc bình sứ Trung Hoa, Nguyễn Thế Truyền đả kích kịch liệt bác sĩ Cognacq, nguyên giám đốc học chính Đông Dương về tội hối lộ. Số 22, Nguyễn Thế Truyền nhắc đến lòng yêu nước của Phan Tuấn Phong và Phan Trọng Kiên, anh em ruột của Phan Văn Trường trong phong trào Đông Du, bị bắt năm 1913. Số 24, đả kích toàn quyền Albert Sarraut đầu độc dân tộc Việt Nam bằng rượu và thuốc phiện. Số 27, viết về Phạm Hồng Thái và tiếng bom Sa Diện. Số 28, đả kích Outrey, dân biểu Nam Kỳ, tuyên bố trong quốc hội Pháp không nên áp dụng luật ân xá tại Việt Nam, vì người Việt Nam không biết ân xá là gì. Nguyễn Thế Truyền chê Outrey dốt nát không biết gì vì chín trăm năm trước vua Lý Thánh Tông đã ân xá cho phạm nhân, trong một năm trời làm rét mướt695.

Từ ngày 4/11/1923, Nguyễn Thế Truyền thay thế Nguyễn Ái Quốc làm trị sự toà báo. Đầu 1925, Nguyễn Thế Truyền trở thành phó tổng thư ký của Hội và chủ bút tờ Le Paria. Trong năm 1925, hầu như số nào cũng có bài của Nguyễn Thế Truyền. Sau số kép 36-37 ra tháng 10/1925, toàn bộ viết bài bênh vực Phan Bội Châu, Nguyễn Thế Truyền ra khỏi Le Paria để sửa soạn ra tờ Việt Nam Hồn, tiếng Việt. Không có Nguyễn Thế Truyền, Le Paria chỉ ra được một số chót - số 38, tháng 4/1926- rồi đình bản696.

● Ai là tác giả những bái báo ký tên Nguyễn Ái Quốc?

Nhờ cuốn sách của Đặng Hữu Thụ, mà chúng ta biết rõ hoạt động của Nguyễn Thế Truyền và nhóm của ông tại Pháp trong đó có em trai là Nguyễn Thế Song, chú ruột là Nguyễn Thế Phu và các anh em họ và người làng, đều đi du học Pháp từ 1916 và làm cách mệnh.

Trong thư ngày 27/3/23, cụ thân sinh Nguyễn Thế Truyền khuyên con: "chớ bắt chước Nguyễn Ái Quốc làm báo nói lăng nhăng, chớ chơi với Nguyễn Ái Quốc"697.

Như thế, cái tên Nguyễn Ái Quốc, tuy là tên chung, tên ma, nhưng đã thành tên riêng của một người: Nguyễn Tất Thành, và sự bí mật về cái tên Nguyễn Ái Quốc gần như toàn diện, đến cả cụ thân sinh Nguyễn Thế Truyền cũng không biết con mình viết bài ký tên Nguyễn Ái Quốc! Sự bí mật này trở thành chiến lược của nhóm Ngũ Long, chúng tôi sẽ trở lại trong phần phân tích văn bản Nguyễn Ái Quốc.

Trần Dân Tiên/Hồ Chí Minh hiển nhiên nhận mình là Nguyễn Ái Quốc, tác giả các bài báo.

Nhưng nhiều dữ kiện chứng minh ngược lại:

1/ Khả năng tiếng Pháp: Một người đến Pháp năm 1919, mới bắt đầu học viết báo tiếng Pháp, một thời gian sau không thể viết được những bài xã luận ký tên Nguyễn Ái Quốc, kể cả khi người ấy ở Pháp nhiều năm. Viết được như vậy phải học trường Pháp từ nhỏ và có văn tài.

2/ Chính quyền Pháp cũng không tin Nguyễn Tất Thành là Nguyễn Ái Quốc: Trong thư gửi toàn quyền Đông Dương ngày 12/9/1923, sau khi Nguyễn Tất Thành đi Nga, tổng thanh tra Pierre Guesde còn viết: "Những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc không phải do y viết hoặc đã được sửa chữa rất nhiều. Khả năng nói và viết tiếng Pháp của tay An Nam này không đủ để viết những bài y ký tên".

Nguyên văn: "Les articles publiés sous le nom de Nguyễn Ái Quốc ne sont pas de lui ou ont été tout au moins l'objet des plus sérieures retouches. Cet annamite parle et écrit insuffisament le français pour rédiger tout ce qui paraît sous son nom"698.

Một thư khác, Pierre Guesde gửi toàn quyền Đông Dương ngày 6/7, nhưng không đề năm, chắc vào khoảng 1920-1921, có đoạn như sau: "Tôi được thông báo là Phan Văn Trường sẽ từ Mayence về Paris những ngày sắp tới. Tôi đã dặn Cảnh Sát Cuộc phái người theo dõi trong thời gian y ở lại thủ đô. Ông Babut có đến thăm tôi và nói rằng tất cả những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc đều do Phan Văn Trường gợi hứng. Babut xác định với tôi rằng Phan Văn Trường là linh hồn của tất cả những gì xẩy ra trong môi trường Villa des Gobelins"699.

Theo báo cáo này thì Ernest Babut không hẳn đã có lòng tốt với Phan Châu Trinh mà Babut còn "làm việc" với chính phủ Pháp nữa.

Nhiều chứng cớ cho thấy Babut và Roux, hai ân nhân của Phan Châu Trinh, còn hành động dưới quyền điều khiền của Pierre Guesde và Albert Sarraut.

Báo cáo 20/1/1921 của Josselme, trưởng Cơ Quan Kiểm Soát ở Marseille gửi Guesde về lời khai của François Albert, một luật sư gốc Việt - Miên đã ở trong nhóm Phan Văn Trường: "Ngày 17/1/1921, theo ý kiến của François Albert thì có khả năng nhân vật Nguyễn Ái Quốc không có thật mà đó chỉ là một bí danh của Phan Văn Trường, tiến sĩ luật khoa. François Albert nói: Tôi chưa bao giờ trông thấy Nguyễn Ái Quốc ở Paris. Tất cả các bài báo đăng cũng như các yêu sách của dân Đông Dương gửi đến hội nghị hoà bình đều do Phan Văn Trường thảo ra"700.

3/ Những ai biết tiếng Pháp và đọc những văn bản ký tên Nguyễn Ái Quốc, đều thấy một sự thực hiển nhiên: Nguyễn Tất Thành không thể viết những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc.

Hoàng Xuân Hãn viết: "bí danh này có thể là tên tượng trưng của tất cả người Việt (Nguyễn là họ thông thường của nhiều người Việt, chứ không phải chỉ là họ của Tất Thành). Nguyễn yêu nước, ba chữ ấy ứng vào tiếng Pháp: Groupes des patriotes Annamites thấy ký ở dưới truyền đơn: Bản yêu cầu tám điểm. Có lẽ một mặt vì họ Nguyễn mà mật thám coi đó là tên của Nguyễn Tất Thành. Rồi sau Nguyễn Tất Thành cũng mang tên ấy một thời gian mà thôi"701.

Những điều này giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết khi còn giả thuyết Nguyễn Tất Thành sang Pháp từ năm 1917.

 

● Nhóm Ngũ Long

Hồ Hữu Tường là người đầu tiên "tiết lộ bí mật" về nhóm Ngũ Long. Hồ viết theo lời Phan Văn Trường kể lại khi họ gặp nhau ở Paris năm 1930, sau khi Phan ra tù lần thứ nhì, và sắp lên đường về nước. Những lời Hồ viết dưới đây có vài chi tiết sai, nhưng đại thể là đúng: "Khi ra rù, hai cụ được Nguyễn Thế Truyền, học xong ở Toulouse lên hiệp tác. Đầu tháng bẩy cụ Tây Hồ móc nối được với Nguyễn Tất Thành, lúc đó ở London, nên viết thơ gọi về Paris. (...), Đến 1918, nhóm nầy lại được Nguyễn An Ninh ở Sài Gòn sang nhập bọn. Người ngoài cho đó là năm con Rồng, bởi người Việt xưng mình là "con Rồng". Linh hồn của nhóm "Ngũ long" nầy là cụ Phan Châu Trinh.

Và khi chường ra công chúng, nhứt là khi viết báo chống thực dân, thì ý kiến thường do cụ Tây Hồ xướng ra, Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh thảo thành tiếng Pháp, và giao cho Tất Thành đem giao cho nhà báo với một bút hiệu chung.

Về cái bút hiệu nầy, có một giai thoại kể ra cũng buồn cười. Lúc ban đầu, các cụ chọn bút hiệu là Nguyễn Ố Pháp. Nghiã là thằng Nguyễn ghét người Pháp. Tên nầy được độc giả Pháp hoan nghinh lắm, vì giọng nói dí dỏm của người Việt Nam, lại thêm câu văn của Ninh và Truyền gọt giũa nên có duyên. Độc giả gởi thơ đến nhà báo hỏi Nguyễn Ố Pháp là ai và tên ấy có nghiã gì? Các cụ buộc lòng phải dịch cho ngay tình. Các bạn Pháp phản đối cái tên cực đoan dễ ghét, mà tiếng Pháp gọi là sô vanh (chauvin), và đề nghị đổi đi. Từ đó bút hiệu Nguyễn Ố Pháp bị đổi là Nguyễn Ái Quốc. Về sau bốn vị kia tách ra, tên Nguyễn Ái Quốc còn lại riêng cho Hồ Chí Minh"702.

Câu: "Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh thảo thành tiếng Pháp, và giao cho Tất Thành đem giao cho nhà báo với một bút hiệu chung", ăn khớp với sự khảo sát văn bản Nguyễn Ái Quốc mà chúng tôi sẽ đề cập đến ở chương sau.

Vẫn về việc này, Lê Thị Kinh viết lại lời Phan Châu Trinh: "Cụ Phan Châu Trinh trên giường bệnh tháng 3/1926 tại Sài Gòn đã kể lại vắn tắt với cụ Nguyễn Sinh Huy: "Ban đầu, Nguyễn Ái Quốc là tên chung của nhóm, khi cảnh sát đưa giấy cho Phan Châu Trinh ở số 6 Villa des Gobelins gọi Nguyễn Ái Quốc ra trình diện thì Tất Thành mới ra nhận"703.

Hồ Hữu Tường cũng kể lại việc này và pha trò theo cách của ông: "Bộ trưởng Thuộc Địa tống trát đòi "Nguyễn Ái Quốc đến cấp tốc tại Bộ Thuộc Địa gặp ông bộ trưởng", nhưng lại đem trát giao tận nhà Phan Châu Trinh. Cụ Tây Hồ gọi Tất Thành đến giao tờ trát, Tất Thành cầm trát đến gặp ông bộ trưởng Pháp và câu đầu nói xỏ rằng "Nguyễn Ái Quốc là tôi. May mà trát gởi đến nhà chú tôi là Phan Châu Trinh, nên được chú tôi đưa lại. Không thì lạc mất rồi! (...) Ngày ấy, cụ Tây Hồ xỏ Tây tế nhị xong, xuống chợ Mouffetard mua lòng lợn về mời đủ năm Rồng xơi một tiệc "khải hoàn"704.

Trong thời gian từ 1919 đến 1923, nhóm Ngũ Long, qua bút hiệu chung Nguyễn Ái Quấc/Quốc, rồi từ 1923 đến 1927, chỉ còn lại Nguyễn Thế Truyền ở Pháp, đã tả xung hữu đột, tranh đấu quyết liệt cho sự độc lập và dân chủ của đất nước. Sự phân công có thể như sau:

Phan Châu Trinh là nhà ái quốc lão thành, nhưng cách tranh đấu của ông không còn phù hợp với hoàn cảnh mới ở bên Pháp, cho nên chỉ giữ vai lãnh đạo tinh thần. Phan Văn Trường là nhà lãnh đạo đích thực. Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh viết nhanh, viết

mạnh. Nguyễn Tất Thành phụ trách phần tin tức, việc quản trị và cổ động bán báo, in truyền đơn...

Phần lớn những người tham gia kháng chiến chống Pháp, từ Nho học đến Tây học, đều học giỏi nổi tiếng, nhưng đã gạt văn bằng sang một bên để dấn thân. Hồ Chí Minh là một trường hợp đặc biệt, dù con quan, nhưng sớm bỏ học, trình độ quốc ngữ kém, tiếng Pháp sơ sài, ông đã sống rất cực khổ, làm bồi bếp trong suốt quãng đời thanh niên từ 1911 đến 1919, trước khi tới Pháp. Tại Pháp cũng chỉ có hai năm ở nhà Phan Văn Trường là khá, sau này ra Compoint, một khu nghèo nàn thợ thuyền, sống rất cơ cực, với mặc cảm sâu xa đối với các bạn đồng hành trí thức. Đó là những lý do khiến Nguyễn Tất Thành theo cộng sản, mặc dù ông chưa hiểu rõ lý thuyết cộng sản như thế nào.

Sau này, khi lên cầm quyền, việc đầu tiên là ông sẽ bắt mọi người phải kính nể, phải gọi ông bằng "Bác", phải cúi đầu trước chân dung ông, và riêng đối với trí thức, ông sẽ dành cho họ những nhục nhằn mà ông đã phải gánh chịu trong suốt cuộc đời thanh niên.

Phụ bản

Chúng tôi in lại bản Revendications du Peuple Annamite dưới đây, nguyên văn tiếng Pháp, bản dịch sang tiếng Việt, và bài thơ Việt Nam Yêu Cầu Ca.

Revendications du Peuple Annamite

Depuis la victoire des Alliés, tous les peuples assujettis frémissent d'espoir devant la perspective de l'être de droit et de justice qui doit s'ouvrir pour eux en vertu des engagements formels et solennels, pris devant le monde entier par des différentes puissances de l'entente dans la lutte de la Civilisation contre la Barbarie.

En attendant que le principe des Nationnalités passe du domaine de l'idéal dans celui de la réalité par la reconnaissance effective du droit sacré pour les peuples de disposer d'eux-même, le peuple de l'ancien Empire Annam, aujourd'hui Indo-Chine Française, présente aux Nobles Gouvernements de l'Entente en général et à l'honorable Gouvernement Français en particulier les humbles revendications suivantes:

1- Amnistie Générale en faveur de tous les condamnés politiques indigènes.

2- Réforme de la justice indochinoise par l'octroi aux Indigènes des mêmes garanties judiciaires qu'aux Européens, et la suppression complète et définitive des Tribunaux d'exception qui sont des instruments de terrorisation et d'oppression contre la partie la plus honnête du peuple Annamite.

3- Liberté de presse et d'opinion.

4- Liberté d'association et de réunion.

5- Liberté d'émigration et de voyage à l'étranger.

6- Liberté d'enseignement et création dans toutes les provinces des écoles d'enseignements techniques et professionnels à l'usage des indigènes.

7- Remplacement du Régime des lois705.

8- Délégation permanente d'indigènes élus auprès du Parlement Français pour le tenir au courant des désidérata indigènes.

Le peuple Annamite, en présentant des revendications ci-dessus formulées, compte sur la justice mondiale des toutes les Puissances et se recommande en particulier à la bienveillance du Noble Peuple Français qui tient son sort entre ses mains et qui, La France étant une République, est censée d'avoir pris sous sa protection. En se réclamant de la protection du Peuple Français, Le Peuple Annamite, bien loin de s'humilier, s'honore au contraire; car il sait que le Peuple Français représente la liberté et la justice, et ne renoncera jamais à son sublime idéal de Fraternité universelle. En conséquence, en écoutant la voix des opprimés, le Peuple Français fera son devoir envers la France et envers l'Humanité.

Pour le Groupe des Patriotes Annamites:

Nguyễn Ái Quấc

Thỉnh nguyện của dân tộc An Nam

Từ khi Đồng Minh thắng trận, các cường quốc long trọng cam kết rõ ràng trước thế giới quyết tâm tranh đấu, lấy Văn Minh chống lại Hung Tàn; tất cả những dân tộc bị áp bức đều nôn nao hy vọng, trước viễn ảnh, sẽ được sống trong công bằng và luật pháp.

Trong khi chờ đợi nguyên tắc dân tộc tự quyết, từ lý tưởng sang thực hành, bằng sự nhìn nhận thực sự quyền thiêng của mỗi dân tộc, tự định đoạt lấy số phận mình; Chúng tôi, Thần dân của Đế quốc An Nam ngày trước, nay là Đông Dương Pháp, trình bày với Cao Quyền Đồng Minh nói chung và Kính Quyền Pháp nói riêng, những thỉnh nguyện khiêm tốn sau đây:

1- Đại xá tất cả tù binh chính trị bản xứ.

2- Cải tổ luật pháp Đông Dương, bằng cách bảo đảm cho người dân bản xứ, những điều kiện về luật pháp như người Âu châu. Bỏ hẳn các toà án đặc biệt là công cụ khủng bố và đàn áp thành phần lương thiện nhất của dân tộc An Nam.

3- Tự do báo chí và tư tưởng.

4- Tự do lập hội và hội họp.

5- Tự do di dân và du lịch ra nước ngoài.

6- Tự do giáo dục và xây dựng những trường kỹ thuật và thực nghiệp tại các tỉnh cho người bản xứ.

7- Thay thế Chế độ pháp lý.

8- Có phái đoàn đại diện thường trực dân biểu bản xứ tại Nghị viện Pháp để thông báo những nguyện vọng của người dân bản xứ.

Dân tộc An Nam, qua những thỉnh nguyện trên đây, tin tưởng ở công pháp quốc tế của các cường quốc và đặc biệt trông cậy vào lòng thành của dân tộc Pháp cao quý, đang cầm vận mệnh của chúng tôi trong tay; nước Pháp là một nước Cộng hoà, cầm bằng như đã bảo hộ chúng tôi. Khi thỉnh cầu sự bảo trợ của Dân tộc Pháp, Dân tộc An Nam, không hề tự hạ mình, mà ngược lại còn lấy làm vinh hạnh, vì họ biết Dân tộc Pháp biểu hiện tự do và công bằng, không bao giờ từ khước lý tưởng cao cả: Tứ hải giai huynh đệ. Vì vậy, khi đáp ứng tiếng kêu của người bị áp bức, Dân tộc Pháp không những làm tròn bổn phận đối với nước Pháp mà còn đối với cả Nhân loại.

Thay mặt nhóm An Nam Yêu Nước - Nguyễn Ái Quấc.

(Thụy Khuê dịch)

Việt-Nam yêu cầu ca

Bằng nay gặp hội Giao hoà.

Muôn giân hèn yếu gần xa vui tình.

Cầy rằng các nước Đồng minh

Đem gươm công lí giứt hình giã man

Mấy phen công bố rõ ràng.

Dân nào rồi cũng được trang bình quyền

Việt Nam xưa cũng oai thiêng

Mà nay đứng giới thuộc quyền Lang-sa.

Lòng thành tỏ nỗi sút sa.

Giám xin đại quấc soi qua chút nào.

1 xin tha kẻ đồng-bào.

Vì chưng chính trị mắc vào tù giam.

2 xin phép luột sửa sang

Người Tây người Việt hai phương cùng đồng.

Những toà đặc-biệt bất công

Giám xin bỏ giứt rộng giung dân lành

3 xin rộng phép học hành

Mở mang kỵ nghệ, tập tành công thương

4 xin được phép hội hàng

5 xin nghị ngượi nói bàn tự gio

6 xin được phép lịch giu

Bốn phương mặc sức, năm châu mặc tình.

7 xin hiến-pháp ban hành

Trăm đều phải có thần-linh pháp quyền.

8 xin được cử nghị-viên.

Qua Tây thay mặt giữ quyền thổ giân.

Tám đều cặn tỏ xa gần.

Chưng nhờ vạn quốc công giân xét tình

Riêng nhờ giân Pháp công bình

Đem lòng đoái lại của mình trong tay.

Pháp giân nức tiếng xưa nay.

Đồng-bào, bác ái sánh tày không ai.

Nỡ nào ngảnh mặt ngơ tai.

Để cho mấy ức triệu người bơ vơ.

Giân Nam một giạ ước mơ

Lâu nay tiếng núp bóng cờ tự-gio.

Rộng xin giân Pháp xét cho

Trước phò tiếng nước, sau phò lẽ công.

Gịch mấy chữ quấc âm bày tỏ

Để đồng-bào lớn nhỏ được hay.

Hoà bình may gặp hồi nầy

Tôn sùng công lí, đoạ đày gia-man

Nay gặp hội khải hoàn hĩ hạ

Tiếng vui mừng khắp cả đồng-giân

Tây vui chắc đã mười phần

Lẽ nào Nam lại chịu thân tôi đòi

*

Hẵng mở mắt mà soi cho rõ

Nào Ai-lan, Ấn-độ, Cao-ly.

Xưa, hèn phải bước suy vi

Nay, gần độc lập cũng vì giân khôn

Hai mươi triệu quấc hồn Nam Việt

Thế cuộc nầy phải biết mà lo

Đồng bào, bình đẳng tự gio

Xét mình rồi lại đem so mấy người

Ngổn ngang lời vắn ý giài

Anh em đã thấu lòng nầy cho chưa

Nguyễn Ái Quấc

657 Phan Văn Trường, Une histoire de conspirateurs annamites à Paris ou la vérité sur L'Indochine - Chuyện những người An Nam âm mưu ở Paris hay Sự thật về Đông Dương, L'Insomniaque, 2003, trích dịch trang 87.

658 Phan Văn Trường, sđd, trang 87-88.

659 Quyển 3, tập 1, trang 138

660 Phan Văn Trường, sđd, trang 68.

661 Lê Thị Kinh, sđd, tập 1, quyển 3, trang 134-135.

662 Phan Văn Trường viết trong hồi ký là quen Phan Châu Trinh năm 1912. Vậy họ biết nhau trong những ngày đầu tháng Giêng, khi sửa soạn lập Hội.

663 Phan Văn Trường, sđd, trang 89.

664 Lê Thị Kinh, sđd, tập 2, quyển 1, trang 115.

665 Bản dịch in trong Lê Thị Kinh, tập 1, quyển 4, trang 250-276.

666 Lê Thị Kinh, sđd, tập 1, quyển 3, trang 146-147.

667 Lê Thị Kinh, tập 1, quyển 3, trang 148.

668 Theo Nguyễn Văn Vĩnh, gia đình Phan Văn Trường 6 anh em, đều có học thức, tri thức, và có khuynh hướng khác nhau. Hai anh: Phan Tuấn Phong, anh cả, nhà nho, nhà văn, nhà hùng biện, nhà ái quốc theo đạo Khổng; Phan Cao Lũy, chánh thư ký toà án tối cao, theo đạo thiên chúa, và ba em: Phan Trọng Kiên, đạo Phật, người em thứ là bạn của Nguyễn Văn Vĩnh, triết gia. Và người em út Phan Văn Dương, làm trác đại tư (thiết kế) cho Sở Công Chánh, theo trường phái Epicure.

669 Nguyễn Văn Vĩnh, bđd.

670 Thiếu tá.

671 Tổng hợp lý lịch Phan Văn Trường, Lê Thị Kinh, sđd, Tập 2, quyển 1, trang 115.

672 Thu Trang, Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp, trang 43.

673 Theo Lê Thị Kinh, sđd, tập1, quyển 3, trang 155-157.

674 Hémery, sđd, trang 42.

675 Lê Thị Kinh, tập 1, quyển 4, trang 206-208.

676 Lê Thị Kinh, sđd, trang 213-214.

677 Thu Trang, Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925, Đông Nam Á, Paris, 1983, trang 44.

678 Nam Việt ấn hành 1949.

679 Thúy Phương, Sàigòn, 1970.

680 Đông Nam Á, Paris, 1984

681 Tên một người Việt làm chỉ điểm cho Tây.

682 An ninh.

683 Ông đội thông ngôn.

684 Thu Trang, sđd, trang 54.

685 Được Lê Thị Kinh sưu tầm trong tập 2, quyển 2, trang 123 -150.

686 Hémery, sđd, trang 45.

687 Trong Pháp du hành trình nhật ký.

688 Bài La France et L'indochine đăng trên Europe số 31, ra ngày 15/7/1925,tóm lược nội dung cuốn sách.

689 Thu Trang, sđd, trang 45.

690 Trần Dân Tiên, trang 44.

691 Hồng Hà, trang 150 và 156.

692 Đặng Hữu Thụ, Thân thế và sự nghiệp nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền, tác giả xuất bản, Paris, 1993, trang 40.

693 Thu Trang, trang 144.

694 Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh về nước cuối năm 1923 và Nguyễn Tất Thành đi Nga, giữa 1923.

695 Đặng Hữu Thụ, trang 43.

696 Đặng Hữu Thụ, trang 51.

697 Đặng Hữu Thụ, sđd, trang 19.

698 Thư của tổng thanh tra quân đội Đông Dương và người Đông Dương gửi toàn quyền Đông Dương ngày 12/9/1923 - Contrôleur général des troupes indochinois et des Indochinois à Gouverneur général de L'Indochine le 12/9/1923) (Slotfom Série I, Carton II - Đặng Hữu Thụ, trang124).

699 Thu Trang sđd, Phụ lục, chú thích 7, chương 5.

700 Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh qua các tài liệu mới, Tập 2, quyển 1, trang 122.

701 Thu Trang, sđd, trang 114.

702 Hồ Hữu Tường, 41 năm làm báo, Đông Nam Á, Paris, 1984, trang 18-19.

703 Lê Thị Kinh, sđd, Tập 2, quyển 1, trang 28.

704 Hồ Hữu Tường, sđd, trang 19-20.

705 Trong bản in ở cuốn sách của Vũ Ngự Chiêu & Nguyễn Thế Anh, trang 125, điều 7 này được viết như sau: Remplacement du régime des decrets par le régime des lois (Thay chế độ sắc lệnh bằng chế độ pháp lệnh). Chúng tôi dùng bản in trong sách của Thu Trang vì có bài thơ viết tay Việt Nam Yêu Cầu Ca đính kèm. Văn bản này trong bộ Hồ Chí Minh toàn tập đã được sửa hết các lỗi chính tả.

 

Chương 18

nguyễn ái quốc - lai lịch và văn bản

Bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập, 12 cuốn706, 8410 trang, gồm:

- 80% diễn văn, công văn chính thức, do các bí thư viết, văn phong thay đổi tùy theo sách lược chính trị mỗi thời và bút pháp từng người.

- 5% chú thích.

- 15% còn lại là văn bản gần 1000 trang, có thể chia làm hai phần: Phần dịch từ tiếng Pháp những bài ký Nguyễn Ái Quốc và phần tiếng Việt gồm những bài ký bút hiệu khác.

Phần tiếng Việt: Gồm những bài đăng báo Việt Nam, ký C.B tập 7 và 8 - C.B là viết tắt của Của Bác, theo Bùi Tín, ký Trần Lực, tập 9 và 10 và ký Chiến Sĩ, tập 11. Loạt bài tiếng Việt phản ảnh tư chất thực tiễn, ngắn gọn, dễ hiểu, không lý thuyết lý luận, không khôi hài, có lẽ đó mới đích thực là văn viết của Hồ Chí Minh. Bài Việt Nam Yêu Cầu Ca, có thể xem là bài thơ đầu tay, phản ánh lối làm thơ nôm na của ông Hồ. Sau này, còn có nhiều bài khác, cùng một phong cách như thơ chúc Tết, thơ Trung Thu và thơ ngâm vịnh. Lối thơ này được in lại trong tập 3.

Phần ký Nguyễn Ái Quốc: Khoảng 700 trang -bản CD bị cắt một số đoạn, so với sách in- là bản dịch những bài viết trên báo Pháp, từ 1919 đến 1927. Bản dịch chưa lột hết cá tính nguyên văn, nhưng cũng làm lộ phẩm chất, tư tưởng, lòng ái quốc và chí khí của người viết. Chính loạt bài này đã "thành danh" Nguyễn Ái Quốc, xác định "tư tưởng Hồ Chí Minh", làm cho ông trở thành thần tượng ngay từ thập niên 1920-1930 của thế kỷ trước.

Nguyên bản tiếng Pháp trên báo, được ký dưới hai dạng: Nguyễn Ái Quấc, trong thời kỳ đầu, sau Nguyễn Thế Truyền giữ lại Nguyễn Ái Quốc.

Phần khảo này có hai mục đích:

- Truy nguyên lai lịch bút hiệu Nguyễn Ái Quấc/Quốc. - Khảo sát văn bản Nguyễn Ái Quốc.

Để truy nguyên lai lịch Nguyễn Ái Quốc, ta phải trở lại sự thành lập Nhóm An Nam Yêu Nước tại Toulouse.

● Hoạt động của Phan Văn Trường tại Công Binh Xưởng Toulouse

Ra tù năm 1915, Phan Văn Trường tiếp tục là phần tử "nguy hiểm", luôn luôn bị theo dõi. Mật thám dò hỏi người giữ cửa immeuble về mọi hoạt động, giao du của ông. Trong thời gian ở Toulouse, ông không ở trong trại lính, thuê nhà ở riêng, đổi nhà 2 lần, đều ở phố Taur - Rue du Taur. Vì biết mình luôn luôn bị mật thám theo dõi và vẫn tiếp tục chống Pháp, ông giấu kín việc gia đình, có người vợ không giá thú, và con trai không ở cùng địa chỉ.

Ông Khánh Ký cũng xuống Toulouse, ở số 23 đường Braqueville. Nguyễn Thế Truyền, em, chú và em họ cũng về Toulouse học.

Thời kỳ đó, Phan Châu Trinh trải qua nhiều bất hạnh đớn đau, có lẽ không liên lạc thường xuyên với anh em trong một thời gian dài. Bà Phan Châu Trinh mất khi ông ở tù và ông cũng bị chặn tin, không hề hay biết, như trường hợp Nguyễn Thế Truyền. Ra tù, ông bị chính quyền thực dân cắt trợ cấp, hy vọng không biết tiếng Pháp, không thể xoay xở nổi, Phan sẽ phải về nước.

Nhưng Phan học nghề ảnh với Khánh Ký và tự lập được. Ông di chuyển nhiều nơi: Chartres, Pons, Bordeaux, Le Havre, kiếm sống sung túc. Đến tháng 3/1917 Phan lâm trọng bệnh phải vào bệnh viện Cochin 2 tháng. Ra viện, tiền dành dụm đã hết, lại yếu quá không làm việc được. Châu Dật phải nghỉ học, làm việc ở siêu thị Bon Marché để nuôi cha. Marius Moutet can thiệp, Dật được học bổng trở lại, học tiếp niên khoá 1917-18, nhưng đã mắc bệnh lao vì quá vất vả. Pháp không chữa được.

Phan hy vọng cho con về Việt Nam thời tiết ấm hơn, Châu Dật lên tầu về nước ngày 27/9/1919 và mất ở Huế ngày 2/2/1921.

Từ 1916, Phan Văn Trường ở Toulouse vẫn bị André Salles theo dõi nhưng không làm hại được. Đến tháng 9/1917, nhân việc Phan dịch đơn xin hồi hương cho một người thợ, mọi sự lại dấy lên lần nữa, Phan bị khám xét nhà cửa. Bộ Quốc Phòng bắt buộc phải mở cuộc điều tra. Viên sĩ quan phụ trách tìm cách ép những người lính thợ phải khai rằng chính Phan đã "chủ mưu xúi giục" họ viết đơn xin giải ngũ. Thực ra, Phan chỉ dựa trên việc chính quyền thuộc địa dán áp-phích quảng cáo khắp nơi, rằng đi lính chỉ một năm rồi về, để khuyến dụ mọi người "tình nguyện" đi lính cho Tây. Nhưng lần này Phan không bị bắt, một phần vì Thiếu tá chỉ huy trưởng Malacamp có thiện cảm với ông, và nhất là nhờ những người lính thợ, không những không khai mà còn nói chính ông Phan đã ngăn cản chúng tôi nộp đơn xin giải ngũ!707 Tướng Mas xuống gặp Phan, và sau đó mọi chuyện được dàn xếp ổn thoả.

Sự kiện này cho thấy tinh thần tương trợ của đồng bào và nói lên bộ mặt chìm của an ninh: Bộ Thuộc Địa vẫn nghi ngờ hoạt động bí mật của Phan Văn Trường tại Công Binh Xưởng Toulouse, họ theo dõi để diệt trừ. Phan Văn Trường trong hồi ký chỉ viết về việc ông bị theo dõi, bị nghi "oan" vì đã dịch thư xin hồi hương cho một đồng bào, mà không hở chút gì về hoạt động của ông tại Toulouse708.

Về tội xúi giục binh lính Việt xin hồi hương, chắc không oan, vì đó là một chiến lược: Ông muốn vận động một phong trào phản chiến trong lòng những sĩ quan và binh lính Việt. Cũng giống như ông đã gieo vào đầu óc học sinh trường Parangon tinh thần chống Pháp tại Pháp. Và ông luôn luôn khôn khéo, không hành động ra ngoài khuôn khổ luật pháp: Việc lính thợ xin hồi hương, là đúng luật, đúng hạn kỳ một năm mà chính phủ Pháp đã hứa hẹn. Việc này Phan còn làm lại, trên báo L'Annam ở Sài Gòn năm 1926, kêu gọi lính Việt ở Trung Hoa, ngừng chiến đấu cho Pháp, và lần thứ hai này ông bị bắt, bị kết án cùng với một số tội trạng khác, ông phải sang Pháp tự biện hộ, nhưng vẫn bị tù năm 1929.

● Nội dung các văn bản ký tên Nguyễn Ái Quấc/Quốc

Đọc những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quấc/Quốc và hai tác phẩm Bản Án chế độ thực dân và Đông Dương (1923-1924), ta có thể hiểu được hoạt động của nhóm Người An Nam Yêu Nước tại Toulouse: Nội dung tố cáo tội ác thực dân một cách xác thực, toàn diện và ghê gớm, chứa đựng trong toàn bộ các văn bản ký Nguyễn Ái Quấc/Quốc này, cho thấy đây là một công trình dài hơi đã được thu thập tài liệu một cách quy mô trong một thời gian dài, trước khi các tác giả chấp bút.

Thời kỳ Phan Văn Trường ở Toulouse, cùng Khánh Ký là thời gian hình thành cuộc cách mạng bằng ngòi bút trên báo chí Pháp từ 1919 trở về sau, với sự trợ giúp của nhóm Nguyễn Thế Truyền (sinh 1898), em Nguyễn Thế Song (1902) và chú Nguyễn Thế Phu (1900)709, cùng ở Toulouse trong thời điểm đó và cùng giúp Nguyễn Thế Truyền trong các tờ Le Paria, Việt Nam Hồn, Phục Quốc và La Nation Annamite.

Vậy có thể kết luận rằng từ 1916 đến 1919, tại Toulouse, nhóm An Nam Yêu Nước đã tập hợp tài liệu và nhân chứng để chuẩn bị cho cuộc tranh đấu công khai bằng ngòi bút về sau:

1/ Hàng ngày tiếp xúc với lính thợ và sĩ quan Việt, Phan Văn Trường đã thu thập những nhân chứng quan trọng về chính sách dã man của thực dân. Đó là kho lưu trữ lớn nhất, gồm những thông tin từ hai phía: phía chính quyền, qua hồ sơ quân đội Pháp mà Phan tiếp cận được và phía nạn nhân, qua những điều mà người lính thợ Việt Nam hàng ngày kể lại với ông, khi họ nghỉ việc ở xưởng từ 19 đến 21 giờ mới phải vào trại và có nửa ngày chủ nhật nghỉ, như Salles cho biết. Vì vậy "ê-kíp" của ông mới có thể gặp gỡ và ghi lại những nhân chứng nói về các trường hợp cụ thể tội ác thực dân đã xẩy ra ở từng nơi, từng làng.

2/ Năm 1918, Nguyễn An Ninh từ Sài Gòn sang - trước khi đi Pháp, Ninh đã ra Hà Nội học hai năm. Ông biết rõ tình hình cả Nam lẫn Bắc. Sau này, ông còn về nước nhiều lần.

3/ Năm 1919 có nhiều yếu tố hội tụ: Tháng 1, Hội Nghị Hoà Bình khai mạc ở Versailles. Tháng 6, Nguyễn Tất Thành từ Luân Đôn sang Pháp. Bản Thỉnh Nguyện Thư do Phan Văn Trường viết, nhưng Tám điểm hẳn là một sự bàn cãi tập thể, vì Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh đều học Luật.

4/ Nguyễn Thế Truyền sau khi học xong kỹ sư, về quê một năm từ tháng 8/1920 đến tháng 8/1921. Thời gian này, ông quan sát tác dụng của phong trào: tên Nguyễn Ái Quốc được người trong nước coi như một vị anh hùng, và khi trở lại Pháp, Nguyễn Thế Truyền đã thuật lại trong bài "Một người Bôn-Sê-Víc da vàng". Ông mở rộng địa bàn tranh đấu trên tờ Le Paria của hội Liên Hiệp Thuộc Địa cùng với các nhà văn, nhà báo Châu Phi, Madagascar. Tại trụ sở Le Paria, Nguyễn Thế Truyền thu thập thông tin, qua chứng từ của các nhà báo và của người đọc ở Châu Phi gửi về toàn soạn.

Tất cả dữ kiện đó, tạo ra một ngân hàng thông tin, mà các tác giả sử dụng để viết những bài báo, chính ra là những bản cáo trạng, phơi bày sự thật về chính sách thực dân tại Đông Dương, dưới một bút danh bí mật Nguyễn Ố Pháp, rồi Nguyễn Ái Quấc/Quốc. Nguyễn Tất Thành là người đứng ra nhận tên Nguyễn Ái Quốc.

● Nguyễn Tất Thành / Nguyễn Ái Quốc

một lầm lẫn vô tình hay cố ý

Khi viết về thời kỳ lịch sử này, hầu hết các nhà nghiên cứu Pháp-Việt đều coi Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc là ba nhân vật chính của phong trào chống Pháp. Điều đó không sai. Nhưng sự sai lầm đến từ sự kiện: Nguyễn Tất Thành là người nhận tên Nguyễn Ái Quốc nhưng không phải là tác giả những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc. Sở dĩ chưa ai soi tỏ sai lầm này, vì các lý do sau đây:

1/ Vì Hồ Chí Minh tự nhận là Nguyễn Ái Quốc, nên không ai dám cãi lời "Bác". 1948, khi viết "hồi ký" ký Trần Dân Tiên, ông Hồ cần dựa trên uy tín của Nguyễn Ái Quốc -cái tên mà người Việt đã biết, đã coi như anh hùng, qua những bài báo chống Pháp thập niên 1920 tại Pháp- để lập cho mình một căn cước "lãnh tụ tuyệt vời" đúng như lời Lữ Phương: Cuốn "tiểu sử" viết về Hồ Chí Minh của Trần Dân Tiên đã biểu lộ rất rõ cái nhu cầu năm 1948 mà Hồ Chí Minh và cuộc cách mạng của ông đang muốn tạo ra cho phong trào yêu nước cộng sản trước tình hình mới - một lãnh tụ tuyệt vời và chỉ có lãnh tụ đó mới là tuyệt vời thôi". Cho nên ông đã tạo ra các bằng chứng để biện minh Nguyễn Tất Thành chính là Nguyễn Ái Quốc.

2/ Sự kiện này, có thể làm được năm 1948, vì ba người trong cuộc: Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh đã qua đời. Nguyễn Thế Truyền bị bắt từ tháng 5/1941, bị đầy đi Madagascar. Đến tháng 6/1946, Moutet can thiệp, hai anh em ông Truyền mới được thả, nhưng bị quản thúc tại Sài Gòn đến 1947. Tóm lại, 1948, ở Việt Bắc, Hồ Chí Minh tưởng Nguyễn Thế Truyền vẫn đang bị đi đầy, nhóm Ngũ Long không còn ai, vậy mình có thể nhận là chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Le Paria, là người lập ra nhóm An Nam Yêu Nước mà không bị ai phản bác. Đúng như dự tính của ông Hồ: không bao giờ Nguyễn Thế Truyền đả động đến việc viết chung bút hiệu. Chỉ khi cuốn hồi ký 41 năm làm báo của Hồ Hữu Tường được in ra năm 1984 tại Paris sau khi ông mất, việc này mới tỏ.

3/ Một mặt khác, sau khi thua trận, người Pháp có mặc cảm tự ti đối với Hồ Chí Minh, mặc cảm này dường như đã thấm vào vô thức của nhiều người, kể cả các nhà nghiên cứu đứng đắn.Vì vậy, dù họ có đặt ra một số nghi vấn về tác giả Nguyễn Ái Quốc nhưng rồi vẫn mặc nhiên coi Nguyễn Ái Quốc là Hồ Chí Minh. Riêng đối với những đảng viên cộng sản Pháp như sử gia Alain Ruscio, và đặc biệt Léo Poldès, người quản lý Câu Lạc Bộ Faubourg, nơi Nguyễn Tất Thành đến học nói tiếng Pháp trước công chúng, thì sự tôn sùng lãnh tụ Hồ Chí Minh còn có ý "kể công" và tuyên truyền cho đảng Cộng Sản Pháp.

4/ Nhiều nhà nghiên cứu ngoại quốc, một mặt, không biết rõ những khó khăn của một người ngoại quốc học viết tiếng Pháp, một mặt, tưởng Nguyễn Tất Thành cũng như hầu hết những thanh niên Việt sang Pháp thời ấy, đều giỏi tiếng Pháp.

5/ Thu Trang trong cuốn Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp, rồi Thu Trang-Gaspard trong cuốn Hồ Chí Minh à Paris, và Lê Thị Kinh trong bộ Phan Châu Trinh qua các tài liệu mới, là những trường hợp đặc biệt, mặc dù hết sức trung thành với "Bác Hồ", nhưng vẫn đưa ra được những bằng chứng nghi ngờ Nguyễn Tất Thành là Nguyễn Ái Quốc.

6/ Sau cùng, sự nhầm lẫn của các nhà nghiên cứu, còn đến từ một sự kiện khác: việc sử dụng những báo cáo sai lầm của mật thám. Yếu tố sau cùng này là rường mối của các sai lầm mà chúng tôi gọi là sai lầm của những nhà nghiên cứu đứng đắn và sự kiện này cần được mổ xẻ, phân tích kỹ càng.

● Nguyễn Như Chuyên

Nguyễn Như Chuyên là loại thám tử trà trộn vào hàng ngũ "địch" vẫn thấy trong các phim trinh thám. Khi chính quyền thực dân thả Phan Châu Trinh và cho ông đi Pháp, họ đã gài sẵn một thám tử đi theo hai cha con, là Nguyễn Như Chuyên, thông dịch viên ở Đông Dương, đi với tư cách "sinh viên" được học bổng 3 năm của Pháp, cùng chuyến tầu710. Nhiệm vụ của Chuyên có lẽ chỉ bộ trưởng, toàn quyền và một vài người được giao trách nhiệm trực tiếp biết, vì các bộ não an ninh dường như cũng không biết rõ, vẫn coi Chuyên là "đồng bọn" với hai ông Phan.

Tới Pháp, Chuyên vào học trường Jules Ferry tại Versailles ít lâu rồi bỏ, thường đi về giữa Paris và Le Havre, khai là có cửa hàng ở Le Havre. Gần gụi Phan Châu Trinh, làm thông dịch cho ông, trao đổi thư từ "tâm huyết" với ông trong nhiều năm, được ông coi là đồ đệ. Chuyên ở cùng khách sạn với Phan Châu Trinh, rue l'Abbé de l'Epée, rồi rue Cujas. Khi Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường bị bắt, Chuyên cũng bị bắt, bị điều tra thẩm vấn hệt như "tòng phạm" của hai ông Phan. Chuyên có mon men làm thân ông Trường nhưng ông Trường là người cực kỳ thận trọng, đã cảnh báo ông Trinh, nhưng ông Trinh không nghe. Trong hồi ký, ông Trường trách ông Trinh "khinh xuất" là như thế. Chính Nguyễn Như Chuyên đã mạo khai để hai ông Phan bị bắt về tội "phiến loạn".

Cũng nên đọc qua một đoạn hỏi cung "cò mồi" của quan ba Caron với Chuyên:

"- Hỏi: Hôm khám nhà anh 14/10/1914 ở khách sạn Flandres, 16 Cujas, thấy trong lò sưởi có nhiều giấy tờ đã đốt. Giấy tờ gì vậy?

- Đáp: Chính là các thư của Phan Châu Trinh vì tôi sợ nên đã đốt. Chính qua các thư đó mà tôi biết các khoản tiền chính phủ Đức giúp Phan Châu Trinh cũng như dự định nổi dậy ở Đông Dương trong đó có các thư của Phan Văn Trường về quan hệ của ông ta ở Tàu và sự giúp đỡ của Tàu cho các nhà cách mạng Đông Dương.

- Hỏi: Anh nói thêm chi tiết về kế hoạch nổi dậy?

- Đáp: Phải chờ cơ hội thuận tiện và chiến cuộc ở Âu châu có thể là hiệu lệnh cho cuộc nổi dậy. Quân cách mạng sẽ được các nhà cầm quyền Tàu ở biên giới cấp vũ khí tiền bạc cùng với các lãnh sự Đức ở Tầu. Quan hệ với Tàu do Phan Văn Trường, còn Phan Châu Trinh phải quan hệ với nhà cầm quyền Đức"711.

Tổ chức mua súng ống là bịa đặt vì hai ông Phan hoàn toàn chống lại bạo động cách mạng. Những câu hỏi được dàn dựng một cách ngu xuẩn: "Hôm khám nhà anh thấy đốt... tư liệu gì vậy? Tại sao Chuyên biết sẽ bị khám nhà mà đốt? Lại nhè đúng lúc công an sắp đến mới đốt để cho họ thấy tro? Tại sao không giữ những thư của Phan Châu Trinh nhận tiền của Đức, nếu có? Tại sao những giấy tờ Phan Văn Trường liên lạc với Tàu làm cách mạng, lại ở nhà Nguyễn Như Chuyên? Phương pháp làm việc của Caron và đồng bọn quả đúng là ô nhục như lời luật sư Moutet nhận định sau này.

Dù là "sinh viên", Chuyên "được" giam vào ngục nhà binh Cherche-Midi ở tù chung với Phan Văn Trường! "Phan Châu Trinh cứ khen Nguyễn Như Chuyên thông minh và là chính trị gia khéo léo, chứ tôi thấy y rất tồi trong vai thám tử mà người ta giao cho hắn đóng cạnh tôi trong ngục Cherche-Midi"712.

Sau khi đi cung về Chuyên thuật lại với ông Trường: "Họ đã quyết định chặt đầu cả ba đấy. Đây là chiến thuật của Sarraut muốn đánh một cú vang dội. Ông phải viết thư ngay tức khắc cho thủ lãnh luật sư đoàn, hay cho Quan ba Caron, hay một người có quyền thế nào khác, kêu xin cầu cứu đi". Phan Văn Trường chẳng động đậy.

Lần cung hôm sau, ra về, y nói: "Họ đã bắt tôi phải khai là ông nhận tiền của của lãnh sự Đức để mua súng vậy ông còn chần chừ gì nữa". Phan Văn Trường vẫn không nhúc nhích.

Cuối cùng, hắn quát to bằng tiếng Pháp: "Đấy! đấy! Tôi đã bảo hắn là việc hết sức quan trọng, tôi đã khuyên hắn phải viết thư xin những vị có thẩm quyền can thiệp, mà hắn chẳng coi ra gì, cứ rắn như đá, dù hắn đã có hai anh em bị đi đầy"713.

Sau cùng, Chuyên giả điên, nhẩy vào cắn Phan Văn Trường, một người lính canh cản lại. Chuyên được chuyển vào nhà thương điên, Phan Văn Trường vẫn nghĩ đó chỉ là một vở hài kịch được dàn dựng. Cớ điên để vô hiệu hoá những lời khai man của Chuyên và có cớ xử hai ông được miễn tố. Sự miễn tố này, là công của luật sư Marius Moutet, đồng nghiệp của Phan Văn Trường tại toà Thượng thẩm, và Phan đã gặp trong hội nghị về nhân quyền ở Lille năm 1914, đã là người bảo vệ hai ông Phan, hiệu quả nhất. Quan tư Roux có can thiệp cho ông Trinh, nhưng chỉ thêm rách việc, vì Caron nói thẳng với ông Trinh: Ông đừng tưởng cứ quen Roux mà xong đâu!

Tại Quốc hội, tháng 2/1925, trong cuộc đối chất với Outrey, Moutet kể lại lúc còn đang đi lính, ông được tin Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường, bạn đồng nghiệp của ông tại toà Thượng Thẩm bị bắt. Đang đóng ở Vosges, ông đã viết nhiều thư can thiệp nhưng vô hiệu. Phải đợi đến lúc đắc cử dân biểu, về Quốc Hội, ông mới đến gặp Thủ tướng Viviani và nói rằng: "Tôi muốn trình thủ tướng người ta đã dùng những phương pháp ô nhục. Là thủ tướng, ông cho phép tôi mở lại hồ sơ, tôi muốn chứng minh rằng nó hoàn toàn trống rỗng". Ông Viviani gọi trách nhiệm toà án binh đến và ra lệnh: "Tôi yêu cầu ông đưa ngay hồ sơ cho ông Moutet". Thưa quý vị, tôi đã mở hồ sơ và quả nó trống rỗng. Người ta bảo tôi: "Trống đấy, nhưng hồ sơ thật ở bên Đông Dương kia!"714

Albert Sarraut không còn lối thoát. Đành phải tính cách thối lui cho khỏi mất mặt. Và có lẽ bi hài kịch Nguyễn Như Chuyên giả điên được dàn dựng trong hoàn cảnh đó.

Ngày 2/3/1918, một mật báo cho biết: Nguyễn Như Chuyên được đưa vào nhà thương điên Bicêtre từ 22/4/1915 đến 16/4/1916 được ra. Sau khi vào bệnh viện lần thứ nhì, ngày 13/2/1918 Chuyên được ra khỏi để "đi đến Toulouse, số 23 đường Braqueville, nhà người chụp ảnh Khánh Ký, người đã cam kết nhận y để kiếm việc làm cho y"715. Vậy Bicêtre có lẽ là "địa chỉ tạm thời" mà Chuyên được ở với bệnh danh "trầm cảm" do bác sỹ cấp, để đánh lạc hướng, và Chuyên sẽ về Toulouse với ông Khánh Ký, để tiện bề theo dõi nhóm Yêu Nước.

Sau chiến tranh, Phan Văn Trường trở lại Paris làm luật sư, mật thám vẫn theo dõi các thân chủ của ông, đe dọa nếu mượn Phan Văn Trường, một kẻ phiến loạn, chống nhà nước Pháp biện hộ, thì có ngày mang họa.

● Vấn đề chỉ điểm, mật thám

Chính quyền thuộc địa dùng nhiều mật thám người Việt, dễ len lỏi vào môi trường Việt kiều. Những người có bí danh như Jean, chuyên theo dõi Nguyễn Tất Thành hay Désiré, theo dõi Nguyễn Thế Truyền, đều là Việt. Trong số mật thám có cả các quan: Đốc Phủ Bảy là một trường hợp. Nhưng mật thám có thể đưa những thông tin sai lầm:

Cuốn Cochinchine - Nam Kỳ716 của Léon Werth, là một tác phẩm văn học giá trị, nói lên sự khâm phục kín đáo của Werth đối với Nguyễn An Ninh và mô tả tỷ mỷ đời sống hàng ngày ở Nam Kỳ dưới sự áp bức của bọn thực dân vô giáo dục trên một dân tộc có truyền thống văn hóa lâu đời nhưng cam chịu. Léon Werth kể lại câu chuyện sau đây: hai mật thám người Việt có nhiệm vụ theo dõi Nguyễn An Ninh ở Sài Gòn, nhưng thay vì theo Ninh, họ lại đi theo Dejean de la Bâtie717. Khi Werth và Ninh rời Sài Gòn đi Lục tỉnh, mật thám vẫn tiếp tục theo dõi La Bâtie và làm báo cáo hàng ngày. Đến lúc cơ quan an ninh ở Rạch Giá đánh điện lên, Sài Gòn mới biết là nhầm, hình như hai người này bị đuổi!718

Trong năm 1919, Edouard đưa ra những bản báo cáo về Nguyễn Ái Quốc rất dài và tỉ mỉ, đặc biệt mật báo về cuộc thảo luận tối 19/12/1919 ở Villa des Gobelins719 mà ông được dự - Edouard hình như là Đốc phủ Bẩy, công chức ở bộ Thuộc Địa, "chơi thân" với nhóm Yêu Nước- chép lại lời Nguyễn Ái Quốc diễn thuyết rất hùng hồn về hiện tình Việt Nam và thế giới, trong lúc chính sở mật thám cũng chưa biết Nguyễn Ái Quốc là ai! Đọc bản báo cáo này, người ta có thể nhận ra Nguyễn Thế Truyền vì phù hợp với lối phát biểu của ông, nhất là chi tiết: "Nguyễn Ái Quốc" lấy tàu đi Toulouse.

● Theo dõi Nguyễn Ái Quốc

Vấn đề theo dõi Nguyễn Ái Quốc rất phức tạp, vì những lý do sau đây:

1/ Người Pháp và người Tây phương nói chung, thường dùng Họ thay Tên. Vì vậy, đối với người Pháp, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quấc, đều là M. Nguyễn. Ấy là chưa kể các Nguyễn khác trong nhóm Yêu Nước, riêng gia đình Nguyễn Thế Truyền có đến bốn năm Nguyễn.

2/ Thời gian đầu, mật thám chưa phân biệt được 3 nhân vật chính: Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành720. Vì vậy, có một số mật báo hoàn toàn trái ngược nhau, ví dụ tả Nguyễn Ái Quốc là người miền Nam, tức Nguyễn An Ninh, hoặc học ở Pháp từ nhỏ, tức Nguyễn Thế Truyền. Có mật báo còn nhầm Nguyễn Ái Quốc với Nguyễn Chuyên721, rồi nhầm Nguyễn Chuyên với Nguyễn Như Chuyên... Đến khi chụp được ảnh Nguyễn Tất Thành, mới vỡ lẽ. Nhưng từ bộ trưởng, toàn quyền đến thanh tra, tất cả đều cho là Thành mạo nhận.

3/ Chính Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền cũng tung hoả mù: Truyền và Ninh cố tình giao các văn bản họ đã viết cho Nguyễn Tất Thành đem khoe với mật thám rằng mình vừa viết xong.

Vì thế, từ cuối 1919, đã có những bản mật báo ghi rõ: Nguyễn Ái Quốc vừa viết xong cuốn sách này, dịch cuốn sách kia... và Daniel Hémery đã dựa vào những báo cáo này để viết câu: "Cuối năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã "sửa soạn ra cuốn sách Les Opprimés- Những Kẻ Bị Đàn Áp, có thể là sơ thảo văn bản tương lai Procès de la Colonisation - Bản Án Chế Độ Thực Dân và nghiền ngẫm dự định dịch các tác phẩm Tây phương, như L'Esprit des lois- Vạn Pháp Tinh Lý sang Quốc ngữ."722. Sự thể đã trở thành khôi hài: một người mới sang Pháp 6 tháng, đang học tiếng Pháp, làm sao có thể có những dự tính "đội đá vá trời" như vậy?

Việc vở kịch Le dragon de bambou - Rồng tre, là một ví dụ. Có thể Truyền hay Ninh viết, rồi đưa Thành đem đến cho Léo Poldès, đảng viên cộng sản, người điều khiển các buổi nói chuyện ở Câu Lạc Bộ Ven Đô - Club du Faubourg, khu 17, nơi Tất Thành, từ 14/7/1921, ở ngõ Compoint gần đấy, hay đến để tập nói tiếng Pháp giữa công chúng. Léo Poldès đọc thích quá, đã giúp việc dựng kịch. Ông nhận xét về vở kịch này như sau: "Hoàn chỉnh, hóm hỉnh, đối thoại hài hước quất vun vút như roi, sống động như lối khôi hài của Aristophane"723.

4/ Ngày 12/10/1919, Guesde báo cáo cho bộ trưởng: "Nguyễn Ái Quốc đã được mời ra sở cảnh sát để hỏi và chụp ảnh ngày 20/9/1919. Anh ta kiên quyết khai tên là Nguyễn Ái Quốc mặc dù ta biết là khai man"724.

5/ Mật báo ngày 28/11/1919, mô tả khá đúng tình trạng hoả mù ấy: "Chúng tôi thấy ở Paris có một người An Nam hình như gốc Bắc, tự nhận là Nguyễn Ái Quốc. Hắn giấu kỹ danh tánh thật. Chính hắn đã ký những bản truyền đơn đòi tự trị ở Đông Dương. Hắn ở số 6, villa des Gobelins, nhà luật sư Phan Văn Trường, hắn chuyên về vấn đề chính trị và cả ngày ở thư viện Quốc gia, phố Richelieu, thư viện Sainte- Geneviève, Place du Panthéon, ở văn phòng Hội Nhân Quyền, phố L'Université, hoặc nậm nọa với bọn khả nghi cùng chủng loại. Hắn thư từ với Phan Châu Trinh ở Pons, Phan Văn Trường và Khánh Ký hiện đang ở Mayence. Tình báo cho biết tại nhà số 6 Villa des Gobelins bọn An Nam có khi tụ họp tới một giờ sáng, cãi nhau ỏm tỏi đến nỗi láng giềng phải than phiền. (...) Các thám tử của ta theo dõi rất sát tên được gọi là Nguyễn Ái Quốc, một người đã kết thân được với hắn, sớm muộn gì rồi hắn cũng sẽ thổ lộ cho biết danh tánh thật"725.

Phan Văn Trường cho biết nhà ông lúc nào cũng có vài người canh gác bên kia đường - Villa des Gobelins là một ngõ cụt nhỏ, immeuble khang trang. Vậy thám tử "tìm thấy" Nguyễn Tất Thành ở số 6 Villa des Gobelins là đương nhiên, và Tất Thành nhận mình là Nguyễn Ái Quốc, cũng đương nhiên. Sự tranh luận sôi nổi có thể về đề tài những bài báo sẽ viết. Thời điểm ấy, theo Phan Văn Trường, mọi người đều đến thư viện, đọc và học, vì không có tiền mua than củi để sưởi nhà, rất dễ nhầm người này với người kia, nhất là những người cùng tên Nguyễn.

6/ Ngày 16/9/1920 tổng thanh tra Pierre Guesde thông tri cho Cảnh Sát Cuộc: "Phải gọi Nguyễn Ái Quốc đến hỏi lại: Tên thật là gì? Gốc gác ở đâu? Cha mẹ tên gì?...

Vì ở Đông Dương mọi người đều phải có thẻ căn cước, giấy thông hành, thẻ thuế thân, không thể có chuyện một người đến Pháp mà không có giấy tờ gì cả"726.

7/ Ngày 12/10/1920, Pierre Guesde viết bài tổng kết gửi lên bộ trưởng, tình hình vẫn hết sức lộn xộn: Cơ quan an ninh Pháp vẫn chưa xác định được ai là người viết những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc, vì họ không tin Nguyễn Tất Thành là Nguyễn Ái Quốc. Chắc chắn do sự khác biệt quá lớn giữa thứ tiếng Pháp mới học của Nguyễn Tất Thành, và thứ tiếng Pháp nhuần nhuyễn tinh vi trong các bài ký tên Nguyễn Ái Quốc. Theo một tài liệu Vidéo của Viện Quốc Gia lưu trữ Âm thanh và Hình ảnh Pháp INA - Institut National Audiovisuel về buổi Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn một nhà báo Pháp tháng 6/1964727, thì quả đúng như thế: Ông Hồ nói tiếng Pháp dở, nhiều lỗi sơ đẳng, có câu ông dịch tiếng Việt từng chữ một, người Pháp không nói như thế. Có chỗ ông không hiểu câu hỏi của phóng viên. Một trình độ Pháp văn như vậy không thể viết được những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc.

Đứng trước tình trạng: có một "bóng ma" Nguyễn Ái Quốc rất tài tình được mô tả trong các bản mật báo: diễn thuyết liên miên, phát biểu trong các buổi họp của đảng Xã hội, viết sách, viết báo, dịch sách, trả lời phỏng vấn báo Triều Tiên, báo Mỹ... Và một "người thật" là Nguyễn Tất Thành tự xưng mình là Nguyễn Ái Quốc, mà lại nói không thông tiếng Pháp, Pierre Guesde, tường trình về sự hoang mang của mật vụ như sau:

"Paris ngày 12 tháng 10 năm 1920

Thưa ông Bộ Trưởng,

(...) Trước hết, Nguyễn Ái Quốc, giấu danh tánh thật của y. Y không muốn bị lộ tung tích; y đã đổi tên nhiều lần khi di chuyển từ nơi này đến nơi khác, cái tên Nguyễn Ái Quốc hiện nay chỉ đánh lừa được kẻ không biết tiếng An Nam; Nguyễn Ái Quốc có nghiã đơn thuần là "Nguyễn yêu nước". Tất cả mọi cố gắng đều dồn vào việc điều tra hộ tịch của Quốc. Những người chỉ điểm An Nam và các thanh tra an ninh đều bắt tay vào việc và trao đổi thường xuyên với Đông Dương.

Những thông tin do Cảnh Sát Cuộc - Préfecture de Police cung cấp chẳng có gì chính xác (...) Trong buổi nói chuyện với ông thanh tra Cảnh Sát Trưởng, tôi đã thông báo là ông toàn quyền Đông Dương rất có lý khi nhấn mạnh đến việc cần xác định danh tánh Quốc. Tôi còn nói thêm: "Nguyễn Ái Quốc tự nhận mình là người An Nam. Có thật thế không? Ai chứng tỏ điều đó? Y nói rằng y không có giấy tờ nào do nhà cầm quyền Đông Dương cung cấp. Y xen vào chính trị, trà trộn vào những nhóm chính trị, phát biểu trong những buổi hội họp cách mạng, và chúng ta không biết rõ

đối thủ là ai! (...)"

Sau buổi tôi nói chuyện cùng ông thanh tra, Nguyễn Ái Quốc bị gọi đến Cảnh Sát Cuộc. Người ta đã chụp hình và hỏi cung y. Việc này xẩy ra ngày 20 tháng 9 (20/9/1920). Những câu trả lời của Quốc được lưu trữ trong biên bản đính kèm. Y vẫn khăng khăng nhận mình là Nguyễn Ái Quốc. Chúng ta chắc chắn đó là lời mạo nhận."

Nhưng ngay sau đó, trong bức thư, Pierre Guesde lại viết những lời ngược lại:

"Trong tình trạng hiện nay của ăng-kết, với những thông tin tiếp được từ Đông Dương, tôi nghĩ có thể xác định rằng Nguyễn Ái Quốc chẳng qua là tên Nguyễn Tất Thành, kẻ đã ở An Nam năm 1908, trong khi xẩy ra bạo loạn, và đã ở Anh trước khi đến Pháp. Mà Nguyễn Tất Thành được coi là kẻ phiến động nguy hiểm.

Ngay từ ngày 25/7/1919, qua điện tín số 1791, chính phủ Đông Dương đã thông báo rằng một bản thỉnh nguyện có ẩn ý, gửi từ Paris, hôm 18/6, cho nhiều tờ báo ở thuộc địa, dưới cái tựa "Những thỉnh nguyện của dân tộc An nam". Bản thỉnh nguyện này, trước tên ký, có ghi: Thay mặt nhóm người An Nam yêu nước: Nguyễn Ái Quốc" (...)

Nguyễn Ái Quốc đã liên kết với nhiều phần tử cách mạng ở Pháp và ở ngoại quốc. Y giao thiệp cùng lúc với nhóm xã hội, nhóm vô chính phủ ở Pháp và những kẻ cách mạng Trung Hoa, Triều Tiên, Nga, Ái Nhĩ Lan, v.v... Y phát biểu trong những buổi diễn thuyết của đảng Xã Hội, đáng chú ý là hôm 1 tháng 5 vừa qua (1/5/1920) và trong những cuộc đình công khác nhau. Y vừa viết xong một cuốn sách trong đó y đòi độc lập cho Đông Dương. Chúng tôi đã có được bản cóp-pi những đoạn chính của cuốn sách này. Tài liệu đính kèm.

Những lời trên đây chứng tỏ sự bối rối của cơ quan an ninh Pháp: Một mặt cho rằng có một Nguyễn Ái Quốc giả, tức là kẻ đến trình diện, tự nhận mình là Nguyễn Ái Quốc. Một mặt lại tin rằng có một Nguyễn Ái Quốc thật -qua các mật báo- người ấy mới chính là Nguyễn Ái Quốc diễn thuyết và là tác giả các văn bản.

Thời gian từ 1919 đến tháng 5/1920, Nguyễn Ái Quốc "thật" được các chỉ điểm Pháp mô tả như một người đã "liên kết với nhiều phần tử cách mạng ở Pháp và ở ngoại quốc. Y giao thiệp cùng lúc với nhóm xã hội, nhóm vô chính phủ ở Pháp và những kẻ cách mạng Trung Hoa, Triều Tiên, Nga, Ái Nhĩ Lan, v.v... Y phát biểu trong những buổi diễn thuyết của đảng Xã hội, đáng chú ý là hôm 1 tháng 5 vừa qua (1/5/1920) và trong những cuộc đình công khác nhau. Y vừa viết xong một cuốn sách trong đó y đòi độc lập cho Đông Dương. Chúng tôi đã có được bản cóp-pi những đoạn chính của cuốn sách này. Tài liệu đính kèm.

Chân dung này chính là Nguyễn An Ninh, nhờ ba yếu tố: vô chính phủ, diễn thuyết liên miên và viết sách đòi độc lập cho Đông Dương. Nguyễn Thế Truyền lúc đó còn học ở Toulouse, chắc không đi về Paris thường xuyên và Nguyễn Tất Thành, mới sang, không rành tiếng Pháp, không thể diễn thuyết và viết sách tiếng Pháp được.

Pierre Guesde viết tiếp: "Những bài báo phát xuất từ Nguyễn Ái Quốc và đồng bọn được đón nhận khá tốt trong một loại báo (đặc biệt báo L'Humanité). Chúng ta thấy những bài ký tên y trong những báo khác nhau, đặc biệt trong tờ L'Humanité ngày 2/8/1919, và trong tờ Le Populaire ngày 4 và 14/10/1919. Y ở số 6, villa des Gobelins, Paris, trong một nhà lầu do Phan Văn Trường thuê. Phan Văn Trường là một trong những tay phiến động nguy hiểm nhất hiện đang ở Đức cùng với Khánh Ký và François Albert, tất cả đều là bạn Nguyễn Ái Quốc cũng như Phan Châu Trinh thường trực ở nhà Nguyễn Ái Quốc và hiện đang ở đây luôn. Kèm đây là lá thư của Nguyễn Ái Quốc gửi cho M. Outrey, từ Biarritz, ngày 16/10/1919, cho thấy ý kiến của Nguyễn Ái Quốc về chính phủ ta như thế nào. (...) Ta có thể xác định rằng Phan Văn Trường là kẻ thông minh nhất và quỷ quyệt nhất trong nhóm. Nguyễn Ái Quốc là thư ký và là người cho Phan Văn Trường mượn tên"728.

Bản tường trình của Pierre Guesde bị rối loạn vì những thông tin sai lầm của thám tử, nhất là khi François Albert, một người trong nhóm Yêu Nước, bị hỏi cung cũng khai chẳng hề gặp Nguyễn Ái Quốc bao giờ.

Thực ra những thám tử của Guesde lầm mà không lầm vì vô tình, họ đã xác định được 1/3 sự thực: Nguyễn Ái Quốc chính là Nguyễn An Ninh.

Bởi vì, người mà thám tử thấy viết sách, giao thiệp với nhóm Xã Hội, nhóm Vô Chính Phủ và diễn thuyết liên miên, năm 1919-1920, chính là Nguyễn An Ninh. Người "vừa viết xong một cuốn sách trong đó y đòi độc lập cho Đông Dương" cũng là Nguyễn An Ninh, có thể đó là cuốn La France en Indochine. Người viết Lá thư gửi từ Biarritz cho M. Outrey cũng là Nguyễn An Ninh - Sẽ giải thích sau. Trong bản báo cáo, Pierre Guesde rất tinh tường qua những nhận xét khác của ông:

- Một mực không tin Nguyễn Tất Thành là Nguyễn Ái Quốc. Đọc các văn bản Nguyễn Ái Quốc, ông ta đoán đây là người Pháp viết tiếng Pháp. Đặc biệt ông ta chú ý đến những bài quan trọng như La question des indigènes en Indochine - Vấn đề dân bản xứ ở Đông dương do Phan Văn Trường viết; bài L'Indochine et la Corée; une intéressante comparaison - Đông Dương và Triều Tiên, một sự so sánh lý thú và bài Lettre à Monsieur Outrey - Thư gửi ông Outrey do Nguyễn An Ninh viết.

- Ông ta xác định Phan Văn Trường là người nguy hiểm nhất.

Tóm lại, tới ngày 12/10/1920, Pierre Guesde vẫn đinh ninh Nguyễn Tất Thành là người "gánh" cái tên Nguyễn Ái Quốc cho Phan Văn Trường. Điều này cũng không sai, nhưng Guesde cũng chỉ tìm ra 1/3 sự thật: Phan Văn Trường cũng là Nguyễn Ái Quốc.

Trong phụ bản số 2 của bản báo cáo gửi bộ trưởng Thuộc Địa, Guesde kết luận:

"Sau khi trao đổi với toàn quyền Đông Dương, thấy cần phải biết rõ Nguyễn Ái Quốc là ai. Ngày 20/9/1920 đã đưa giấy gọi Nguyễn Ái Quốc đến sở cảnh sát để chụp ảnh và hỏi lai lịch (kết quả kèm theo đây). Thấy rõ đây vẫn là lời khai man"729.

Và khi Nguyễn Tất Thành đã đi Nga, năm 1923, trong thư gửi toàn quyền Đông Dương ngày 12/9/1923 Pierre Guesde còn viết: "Những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc không phải do y viết hoặc đã được sửa chữa rất nhiều. Khả năng nói và viết tiếng Pháp của tay An Nam này không đủ để viết những bài y ký tên"730.

● Nguyễn Tất Thành trở thành Nguyễn Ái Quốc và xin vào hội Tam Điểm

Khi Nguyễn Tất Thành đến Paris tháng 6/1919, Hội Nghị Hoà Bình đã khai mạc từ 18/1/1919 ở Versailles. Mục đích của hội nghị là xây dựng những quốc gia Âu Châu mới sau thế chiến. Nhóm Yêu Nước muốn lợi dụng tình hình quốc tế thuận lợi, để xác định sự hiện diện của Việt Nam, một đất nước đã bị mất chủ quyền. Có thể họ đã thảo luận với đại biểu các nước khác trong hậu trường Hội Nghị, trước khi tung bản thư Thỉnh Nguyện.

Khi bản Thỉnh Nguyện hoàn tất, tại sao Phan Văn Trường giao cho Nguyễn Tất Thành đem đến Versailles, mà không giao cho một người khác?

Bởi Nguyễn Tất Thành là khuôn mặt mới, vừa chân ướt chân ráo đến Paris, chưa bị mật thám bao vây. Lần xuất hiện đầu tiên này, chưa ai biết Nguyễn Tất Thành là ai.

Nguyễn Tất Thành, xa nước từ 1911, sống vất vả trên tàu, rồi biệt lập ở Luân Đôn, vừa sang Pháp, chưa biết rõ những thông tin về tình hình trong nước, cũng không đủ kiến thức và không rành tiếng Pháp, nên chỉ có thể giữ vai trò khiêm tốn: học Pháp văn, giữ sổ sách chi thu, tập viết những mẩu tin, phụ trách việc in và phát truyền đơn. Không thể viết được những bài xã luận ký tên Nguyễn Ái Quấc/Quốc, nhưng vì muốn trở thành chính khách, Nguyễn Tất Thành xung phong nhận tên Nguyễn Ái Quấc/Quốc.

Việc đưa bản Thỉnh nguyện đến Versailles là chặng đầu. Xin vào hội Tam Điểm, là chặng thứ nhì. Việc này chắc chắn phải do sự sắp đặt của Phan Văn Trường -có thể Phan Văn Trường cũng có chân trong Hội Tam Điểm- vì Nguyễn Tất Thành mới tới Paris, không thể biết rõ về hội Tam Điểm.

Theo Pierre Brocheux: "Tháng 8/1919, Quốc đệ đơn xin vào nhóm Ernest Renan trong hội Tam Điểm (Franc- Maçonnerie), 16 Rue Cadet, nhưng không được"731.

-Theo Thu Trang: Ngày 14/6/1922, Nguyễn Ái Quốc được kết nạp vào hội Tam Điểm"732

Tháng 8/1919, người ta chưa biết Nguyễn Tất Thành là ai. Hội Tam Điểm từ chối. Nhưng đến tháng 6/1922, ba năm sau, Nguyễn Tất Thành đã "chính thức" trở thành Nguyễn Ái Quốc, một tên tuổi trong làng báo chống thực dân. Hội Tam Điểm mới chấp nhận. Nhưng chỉ được vài tháng, Nguyễn Ái Quốc bỏ Tam Điểm, vì sao?

Tam Điểm là một hội kín, có truyền thống lâu đời trên thế giới, dựa trên nguyên tắc cao quý "Thân ái -Fraternité- giữa người và người". Nhưng trên thực tế, hội quy tụ những phần tử ưu tú của xã hội, có thể nắm vận mệnh các dân tộc. Người làm chính trị vào hội Tam Điểm để được bảo vệ khi gặp bất trắc. Trần Trọng Kim cũng ở trong hội Tam Điểm, vì vậy khi làm chính trị, ông có thể nói thẳng mà không sợ chính quyền thuộc địa đàn áp.

Có thể Phan Văn Trường đã tìm cách đưa Nguyễn Tất Thành vào hội Tam Điểm khi Thành mới tới Paris, vì ông tin tưởng ở tương lai người thanh niên nhiệt tình này, và muốn có một thế lực hậu thuẫn cho Tất Thành. Nhưng khi được vào hội rồi, Nguyễn Ái Quốc/Tất Thành không chịu nổi không khí trí thức trưởng giả của hội, nhất là trong những trao đổi, Thành không thể không để lộ những trống vắng về ngôn ngữ và kiến thức của mình trước các thành viên là những phần tử ưu tú của xã hội Pháp. Ngoài ra, còn có thể bị áp lực của đảng Cộng Sản Pháp, nên ít lâu sau Nguyễn Tất Thành đã bỏ hội Tam Điểm.

Về việc Nguyễn Ái Quốc có giấy mời đi dự hội nghị Tours của đảng Xã Hội Pháp, cuối năm 1920, Hoàng Văn Chí cho rằng do Nguyễn Thế Truyền sắp đặt. Có lẽ không đúng, mà vẫn do Phan Văn Trường lo liệu, vì lúc đó Nguyễn Thế Truyền đang ở Việt Nam.

Ta cần phải biết rằng giới chính khách và trí thức Pháp -hay ở nước nào cũng vậy- không dễ thâm nhập, phải là bạn ngồi cùng ghế đại học với họ, hoặc có danh, hoặc có tài. Họ có thể tranh đấu cho cần lao, nhưng họ không làm bạn với những người cần lao, ít học. Một nghịch lý nhưng là sự thật. Vừa đến Paris, làm thợ ảnh, tiếng Pháp chưa thông, làm sao Nguyễn Tất Thành có thể gặp người này, người kia, trong chính giới Pháp? Nếu không được những trí thức thực sự như Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, giới thiệu, và phải "có tên tuổi" trong làng báo như Nguyễn Ái Quốc.

Nhờ những yếu tố này, Tất Thành/Ái Quốc mới có thể được chấp nhận trong môi trường chính trị cánh tả của Pháp. Nhưng "đội" tên Nguyễn Ái Quốc cũng là một gánh nặng, mà đôi khi chính bản thân Nguyễn Tất Thành không kham nổi. Việc tìm lối thoát đi Nga có thể cũng là một cách giải quyết hợp lý hợp tình.

706 Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000.

707 Phan Văn Trường, sđd, trang 170-171.

708 Vì hồi ký Phan Văn Trường đăng từng kỳ trên báo La Cloche Fêlée từ 30/11/1925 đến 15/3/1926, chủ đích để "vạch trần chính sách thực dân" nên không phải việc gì cũng "công bố" được.

709 Nguyễn Thế Phu là con tuần phủ Nguyễn Duy Hàn người đã bị bom của Quang Phục Hội (Phan Bội Châu) giết chết, nhưng gia đình Nguyễn Thế Truyền không hề nghĩ đến "thù" riêng, khi Phan Bội Châu bị bắt, ông Truyền đã hết sức vận động: diễn thuyết, viết bài trên báo Le Paria và vận động Hội Nhân Quyền cứu cụ Phan khỏi án tử hình. Đặng Hữu Thụ ghi lại rất rõ những hoạt động của "đảng" Nguyễn Thế Truyền tại Pháp.

710 Theo thư của Bùi Kỷ viết cho Ngô Đức Kế, Lê Thị Kinh, sđd, tập1, quyển 3, trang 183.

711 Lê Thị Kinh, sđd, tập 1, quyển 4, trang 117. Thu Trang, sđd, trang 61.

712 Phan Văn Trường sđd, trang 141.

713 Phan Văn Trường, sđd, trang 144- 145-146.

714 Tranh luận tại quốc hội, ghi lại trên Echo Annamite ngày 11 và 12/1925, Phan Văn Trường trang 208-223.

715 Lê Thị Kinh, sđd, tập1, quyển 4, trang 124.

716 Nhà xuất bản Rieder, 1926, Viviane Hamy, 1997.

717 Chủ báo La cloche fêlée, người Pháp lai, đồng chí của Nguyễn An Ninh.

718 Cochinchine, trang 156.

719 Lê Thị Kinh, sđd, tập 2, quyển 1, trang 126.

720 Xin nhắc lại thời kỳ này hầu như mọi người đều có mặt: Nguyễn An Ninh ở Pháp từ 1918- 10/1922, chỉ về nước một lần trong hè 1920. Nguyễn Thế Truyền về nước một năm từ 8/1920 đến tháng 8/1921.

721 Một người họ Nguyễn trong nhóm Yêu Nước.

722 Daniel Hémery, Ho Chi Minh, De L'Indochine au Vietnam, Gallimard, 1990, trang 45.

723 Trích bài của Léo Poldès, trên báo Ici Paris Hebdo ngày 11/6/1946, in lại trong Hồ Chí Minh Le procès de la Colonisation française, L'Harmattan, 2007, trang 195. Aristophane là kịch tác gia danh tiếng của Hy Lạp.

724 Lê Thị Kinh, sđd, tập 2, quyển 1, trang 49

725 Thu Trang-Gaspard, Hồ Chí Minh à Paris, trang 82-83.

726 Lê Thị Kinh, sđd, tập 2, quyển 1, trang 73.

727 Được đưa lên Youtube, và ông Nguyễn Ngọc Quỳ ở Paris ghi lại trên mạng diendantheky ngày 16/4/2011.

728 Carton 87, S. III, Thu Trang - Gaspard, Hồ Chí Minh à Paris, trang 107-108.

729 Lê Thị Kinh, sđd, tập 2, quyển 1, trang 74.

730 Slotfom Série I, Carton II - Đặng Hữu Thụ, trang124.

731 Pierre Brocheux, Ho Chi Minh, Presses de Sciences PO, 2000, trang 110.

732 Thu Trang, Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp, 1911/1925, Đông Nam Á, 1983, trang 193.

Chương 19

khảo sát văn bản nguyễn ái quấc/quốc

Sự khảo sát văn bản Nguyễn Ái Quốc dẫn tới sự xác định vai trò lãnh đạo phong trào Người Việt yêu nước của Phan Văn Trường trong giai đoạn đầu (1911-1920) và của Nguyễn Thế Truyền trong giai đoạn sau (1921-1927). Đó là cơ sở đầu tiên của phong trào Yêu Nước chống thực dân trên đất Pháp.

Từ 1927, khi Nguyễn Thế Truyền về nước, phong trào Yêu Nước sẽ do nhóm Trốt-kít tiếp tục lãnh đạo với Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường, Phan Văn Hùm, Huỳnh Văn Phương, Trần Văn Thạch... Những nhà ái quốc này, tới năm 1945, sẽ bị cộng sản thủ tiêu, trừ Hồ Hữu Tường sống sót vì trốn ở Hà Nội.

Nguyễn Tất Thành trở thành Hồ Chí Minh, chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, từ 1948, chính thức nhận mình là Nguyễn Ái Quốc, tác giả các bài báo và xác định phong trào Người Việt Yêu Nước do ông lãnh đạo, trong cuốn sách ký tên Trần Dân Tiên. Những người ái quốc đối lập chính trị với ông bị chôn vùi trong nấm mồ "phản động".

Trong số rất ít nhà nghiên cứu tìm hiểu về giai đoạn lịch sử này có Thu Trang và Lê Thị Kinh đã tìm ra được những tài liệu hiếm quý, nhưng cả hai đều đặt trọng tâm trên Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh, coi ông Hồ là "lãnh tụ vĩ đại". Nhờ các công trình nghiên cứu của Ngô Văn về lịch sử các nhà cách mạng Đệ Tứ và của Đặng Hữu Thụ về Nguyễn Thế Truyền, và cuốn hồi ký của Phan Văn Trường, mọi sự đã sáng tỏ hơn. Tuy nhiên hiện nay vẫn thiếu một công trình nghiên cứu sâu xa về Nguyễn An Ninh tại Pháp.

Một điểm cần phải xét lại là Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường thường được coi như những người mở đường phong trào yêu nước; nhưng vai trò lãnh đạo thường được dành cho Phan Châu Trinh. Phan Văn Trường ít ai biết, hoặc có biết, cũng chỉ coi như người "phiên dịch" tư tưởng Phan Châu Trinh ra tiếng Pháp, cả Hồ Hữu Tường cũng lầm như thế.

Sự thật khác hẳn: Trong thời kỳ tranh đấu ở Pháp, Phan Châu Trinh, tuy với một quá khứ can trường, tuy được dân tộc quý mến, nhưng ông đã bị vượt qua, không thể là người lãnh đạo phong trào. Lý do: Phan Châu Trinh không biết tiếng Pháp.

Khi đi Nhật, bị người Nhật hỏi: Các ông chống Pháp mà có học tiếng Pháp hay không? Cả hai cụ Phan đều ngỡ ngàng. Khi về nước, Phan Châu Trinh có viết bài cổ động học tiếng Pháp, nhưng chính bản thân ông không áp dụng. Trong 15 năm ở Pháp, vì không chịu học tiếng Pháp, ông không tiếp nhận trực tiếp được thông tin của xã hội mà ông đang sống, luôn luôn phải qua trung gian của thông dịch, do đó có sự cách biệt sâu xa giữa ông và những người viết bài ký tên Nguyễn Ái Quốc. Vì không đọc được những bài báo này, ông không biết họ viết gì, nên ông chống lại và cho rằng viết báo tiếng Tây cho Tây đọc là vô ích, từ đó, đưa đến những đổ vỡ về sau. Vì lệ thuộc vào những người phiên dịch cho nên Phan đã tin cẩn Nguyễn Như Chuyên; ngay cả Đại úy Roux, người tận tình giúp đỡ từ lúc ông mới đến Pháp, cũng chỉ là một con bài được Pháp chỉ định với nhiệm vụ làm cho Phan tin vào chính quyền thuộc địa.

Phan Văn Trường để lại cuốn hồi ký Une histoire de conspirateurs annamites à Paris ou la vérité sur L'indochine - Câu chuyện những người An Nam âm mưu (chống Pháp) tại Paris hay Sự thật về Đông dương733. Nội dung tác phẩm vạch rõ âm mưu thâm độc của chính quyền thực dân, trong vụ án gọi là "âm mưu chống Pháp" gán cho Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh, và bộc lộ mối tương quan giữa hai người, cho thấy đường hướng tranh đấu của họ hoàn toàn khác nhau.

Phan Châu Trinh đả kích quan lại và triều đình Huế, còn đối với Pháp, ông viết nhiều bản điều trần gửi Albert Sarraut với hy vọng chính quyền thuộc địa sẽ thay đổi chính sách để giúp Việt Nam lấy lại chủ quyền.

Phan Văn Trường tuy kính trọng Phan Châu Trinh nhưng phê phán ông Trinh quá ngây thơ, cứ đến bộ thuộc địa "chầu chực" xin gặp Sarraut một cách vô ích.

Điều này không sai vì Phan Châu Trinh ngay từ đầu đã không nhận ra Nguyễn Như Chuyên là mật thám và những "sự tốt" của chính quyền đối với ông thực ra chỉ là sự quản thúc trá hình: Việc quan ba Roux, được lựa chọn trong số những người Pháp thạo tiếng Việt, để đến làm bạn với Phan ngay từ lúc mới sang, ân cần giúp đỡ, dịch cho Phan những kiến nghị gửi toàn quyền Albert Saraut cũng nằm trong chính sách ấy. Cả vụ Sarraut cho Phan ở thêm một năm, cũng là sự dàn xếp để Phan thấy rõ "lòng tốt" của Sarraut. Những điều này khá rõ trong hai bức thư Roux gửi cho Phan từ những ngày Phan mới đến Pháp:

1/ Bức thư đầu tiên Roux gửi Phan Châu Trinh ngày 26/5/1911 có những câu: "Theo nhời quan Thượng Thư Thuộc Địa tôi xin viết mấy chữ nầy để mời quan lớn lại chơi nhà tôi phố Odessa, số bẩy, gần "la ga Montparnasse" (...)

Khi quan lớn mấy tôi đã gặp nhau một lần nào như thế rồi thì chúng ta định mỗi một tuần lễ nào quan lớn mấy tôi hội nhau mấy lần, để quan lớn tỏ ra được các điều quan Thượng thư phải nghe rõ"734.

2/ Ngày 20/7/1911, trong bức thư thứ nhì, Roux gọi Phan là em: "Quan toàn quyền đã xem cái thư ấy rồi, lại định rằng ưng cho các điều em tỏ ra trong cái thư ấy.

Nhưng có một điều em nên hiểu rõ là sau này: Quan Toàn Quyền Sarraut thật là một người yêu mến dân Annam lắm. Ngài ấy chưa sang ở bên Đông Dương một lần nào mà đã lo liệu dân tình nước ấy lắm. Ở trong bụng thì định rằng: muốn giúp đỡ người Annam để được tấn tới và thịnh vượng.

Quan Toàn Quyền định cho em ở bên Tây này một năm nữa, nhưng trước hết Toà Toàn Quyền nên lo liệu về việc ấy để xem cách nào nên dùng thuộc về phí tổn.

Dẫu hoá ra gì thì em nên tin cậy quan Toàn Quyền; lại em cũng nên tin cậy anh vì anh mấy em bây giờ là như hai người bình đẳng, là như hai người bạn hữu thật".735

Chính Roux đã đưa Phan đến trình diện Pierre Guesde, lúc đó chưa làm Tổng Thanh Tra -nôm na là trùm an ninh thuộc địa- nhưng đã làm chánh văn phòng Bộ Thuộc Địa. Trong những trao đổi thư từ giữa Guesde, Salles và thuộc hạ736, họ đã tính buộc hai cha con Phan phải đi Neufchatel- en-Bray gần Dieppe để phân tán lực lượng Hội Đồng Bào Thân Ái ngay từ tháng 4/1912. Nhưng Phan Châu Trinh từ chối, họ không dám ép quá, sợ Phan làm ầm lên, rách việc, nên mới thôi.

Roux có nhiệm vụ "nói tốt" và chứng minh "thực tâm" của Sarraut và chính quyền. Trong khi "thực tâm" Sarraut đối với Phan Văn Trường và Hội Đồng Bào Thân Ái ra sao, ta đã rõ. Ngay cả Ernest Babut, người đã làm báo với Phan ở Hà Nội, giúp đỡ và bênh vực Phan khi ông bị bắt năm 1908, cũng "làm việc" với chính quyền. Babut đã báo cáo với Guesde về Phan Văn Trường và "gợi ý" cho Phan Châu Trinh xin Guesde xuống Marseille làm việc ở Hội Chợ 1922, lãnh lương của Pháp, gây sự nghi ngờ giữa ông Trinh và các đồng chí. Những "ân nhân" này, phải hiểu, trước hết họ là người Pháp, họ không thể phản bội nước Pháp của họ. Việc giúp Phan chỉ có mục đích làm cho Phan tin tưởng hơn nữa vào chính quyền thuộc địa, không "nổi lên" chống lại mà "cộng tác" và họ đã thành công.

Riêng luật sư dân biểu đối lập Marius Moutet là người của luật pháp, vì muốn làm sáng tỏ sự công minh của luật pháp nước ông và truy tố phương pháp ám lậu, nhầy nhụa của bọn thực dân, cho nên Moutet đã tận tình can thiệp cho Phan Châu Trinh, Khánh Ký, Phan Văn Trường và anh em, Phan Bội Châu, Nguyễn Thế Truyền và em... ra khỏi cảnh tù đầy, để họ được tự do bầy tỏ chính kiến của mình. Tuy nhiên khi Moutet lên làm bộ trưởng, chính sách của ông đối với Việt Nam lại là một chuyện khác.

● Phan Châu Trinh dưới mắt Phan Văn Trường

Sự bất đồng ý kiến giữa Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh đã nhiều nơi đề cập, qua những bức thư Phan Châu Trinh viết cho Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, đã được công bố. Ở đây, chúng tôi chỉ nhắc đến ý kiến của Phan Văn Trường trong cuốn hồi ký Une histoire de conspirateurs annamites à Paris - Chuyện những người An Nam âm mưu tại Paris737.

Sử gia Ngô Văn cho biết: Ở thời điểm xuất hiện trên báo Chuông Rè, tác phẩm gây chấn động trong lòng người dân nô lệ như một luồng điện giật738. Nội dung tác phẩm trình bày hành trình tư tưởng và con đường tranh đấu của Phan Văn Trường, kêu gọi người dân nô lệ phải đứng lên làm người. Đừng sợ kẻ khác. Dù phải trả giá thế nào đi chăng nữa. Phan Văn Trường thuật lại vụ án mà ông và Phan Châu Trinh bị thực dân dàn dựng để ghép hai người vào tội âm mưu lật đổ chính quyền Pháp.

Phan Văn Trường đã dành nhiều trang hồi ký cho Phan Châu Trinh, người bạn đồng hành của mình. Ông viết theo lối Tây học, có gì nói thẳng, cả cái hay lẫn cái dở của bạn. Một nhận xét: Phan Văn Trường không hề nhắc đến tên Nguyễn Tất Thành, mặc dù Tất Thành ở nhà ông trong 2 năm, từ tháng 6/1919 đến tháng 7/1921.

Sự ngây thơ của Phan Châu Trinh, được phân tích khá cặn kẽ, trong chương X. Phan Văn Trường mô tả Phan Châu Trinh là người thông minh thiên bẩm, uyên bác và có kinh nghiệm sống, nói chuyện hay, nhưng dường như những ưu điểm trên đây bị sự khinh suất khó mường tượng và sự ngây thơ lạ lùng phá vỡ. Những lời lẽ hạ mình đối với chính quyền thực dân trong Đầu Pháp chính phủ thư, thực vô ích. Phan Châu Trinh đến Pháp với con trai là Phan Châu Dật, 12 tuổi, để lại vợ và 2 con gái ở nhà. Chính phủ Pháp trợ cấp mỗi tháng 420 francs. Hai cha con ở một nhà trọ, có vài công chức cao cấp của chính quyền thuộc địa thỉnh thoảng đến thăm. Ông được đồng bào nhiệt liệt hưởng ứng, người Việt ở Paris đến chơi, nghe ông nói chuyện để thoả lòng nhớ nước.

Phan Văn Trường viết: "Vị nhân sĩ này tượng trưng xã hội An Nam xưa. Ông ra vào văn phòng của bộ Thuộc Địa như một nhân vật được ưu ái tín nhiệm (personna grata), ông trình bày những quan điểm chính trị, đặc biệt yêu cầu ân xá cho những người bạn cùng cảnh ngộ còn ở trong tù, nhưng không bao giờ ông nhận được trả lời ngoài sự im lặng khinh bỉ. Sự chăm sóc hời hợt của chính quyền thuộc địa lúc đầu, lạnh dần để cuối cùng chuyển sang ác cảm và thù nghịch"739.

Vẫn theo Phan Văn Trường, sự chăm sóc hời hợt này chỉ là cái cớ để dễ bề trừng phạt khi Phan Châu Trinh dám bàn (phiếm) đến chính sách chính trị ở Đông Dương, và nhất là đã cùng Phan Văn Trường, làm một bản Thỉnh Nguyện gửi hội Nhân Quyền, nhờ can thiệp cho những người bạn còn bị tù Côn đảo vì biến cố 1908. Thế là một loạt báo Pháp ở Đông Dương (được lệnh) phát triển phong trào bôi nhọ, viết bài ngụ ý tiếc rằng chính quyền Đông Dương đã không để xử tử (Trinh) cho rồi, và quy kết hai người (Trinh và Trường) vào tội tổ chức cuộc nổi dậy chống Pháp tại Đông Dương.

Sau vụ Thỉnh Nguyện Thư gửi Hội Nhân Quyền, Phan Châu Trinh vẫn còn được trợ cấp, ông sống rất chật vật, phải gửi con vào nội trú tỉnh nhỏ (Melun) và ông ở khách sạn, ăn cơm rẻ tiền. Mặc dù ở trong tình trạng khốn đốn, Phan Châu Trinh là người bền chí, ông vẫn còn tin vào chính quyền thực dân, ông đến bộ Thuộc Địa thường xuyên, tìm gặp những công chức cao cấp phụ trách vần đề Đông Dương để bày tỏ lòng trung thực của mình.

Nhưng sau những hớ hênh của ông - Phan Văn Trường muốn nói đến việc Phan Châu Trinh tin cậy mật thám Nguyễn Như Chuyên, coi như môn sinh- ông và tôi bị bắt, bị giam 11 tháng. Tháng 7/1915, ra tù, đang trong chiến tranh, chính quyền thuộc địa cúp hết trợ cấp, hy vọng không biết tiếng Pháp, không có nghề, bắt buộc ông phải về xứ. Nhưng Phan Châu Trinh không về, ông ở lại, học nghề ảnh và sống ung dung.

Sau những bài học đắng cay như thế, tưởng Phan Châu Trinh sẽ hết lạc quan, nhưng không, ông vẫn tiếp tục thái độ triết nhân của mình, coi như không có chuyện gì xẩy ra, vẫn đến Bộ thuộc địa, tìm gặp những kẻ đã đày đọa mình, và xin hội kiến Albert Sarraut hết lần này đến lần khác.

Phan Văn Trường viết: "Tạm nói mà không hề có ý miệt thị rằng, người này -vẫn bám vào chính quyền thuộc địa, bị đuổi cửa trước thì luồn vào cửa sau- người mà chính quyền thuộc địa hai lần buộc tội âm mưu chống Pháp!

Phan Châu Trinh là một người thông minh, một người tử tế, một người bạn tốt; nhưng những đức tính này không đủ để làm nên một người cách mạng"740.

Lời phê phán quả là nặng, nhưng nếu so với lời Phan Châu Trinh phê phán Phan Bội Châu trong bài "Nước Việt Nam mới sau khi liên hiệp với Pháp", thì lời Phan Văn Trường cũng chưa nặng bằng.

Hồi ký Phan Văn Trường viết năm 1923, lúc tình bạn hai ông đã rạn nứt vì bất đồng chính kiến, nhất là sau vụ Phan Châu Trinh xin Guesde giới thiệu xuống Marseille làm việc ở Hội chợ, và những lá thư đả kích nhau, nhưng ông Trường vẫn bênh vực ông Trinh bị Pháp kết án oan vì không hiểu rõ chủ trương Pháp Việt đề huề của ông Trinh, đồng thời nói lên sự khác biệt trong con đường tranh đấu của hai người và đó cũng là sự khác biệt sâu xa giữa hai phái Nho học và Tây học.

Tinh thần Tây học này, được xác định một lần nữa trong nhận định của Hoàng Xuân Hãn. Về "Đầu Pháp chính phủ thư" của Phan Châu Trinh, Hoàng Xuân Hãn viết: "Lời lẽ trong thư kịch liệt, có thể kích thích sĩ khí, nhưng lại vô tình hay hữu ý ngoa ngoắt bôi nhọ quốc dân và quan lại, dường như để nhử chính quyền tin mình mà nhận lời mình. Kết quả là không những ý mình không toại, mà thực dân đã dùng quan lại để trừ khử ông: ông bị kết án tử hình; rồi may nhờ Hội Nhân quyền Pháp can thiệp, chỉ bị đầy ra Côn Đảo. Giả sử thực dân bấy giờ khôn ngoan hơn, biết thấy lợi xa mà nghe lời ông, thì lập trường của ông trong giai đoạn nầy có lẽ sẽ có lợi cho dân ta trong quá trình tìm giải phóng. Trái lại, sự thất bại của ông đã làm cho người ngày nay, khi đọc lại thư ông, chỉ có cảm tưởng ông ngây thơ về chính trị và cảm thấy tức tối khi ông mạt sát quá đáng đồng bào, mà tâng bốc vượt mức thực dân. Tuy vậy, ta không thể không nhận rằng ông có óc hiện thực, biết quan sát, phân tích và có thái độ can đảm và thẳng thắn"741.

Hoàng Xuân Hãn cũng như tất cả mọi người lúc đó chưa biết rõ sự thâm độc của thực dân. Mặc dù Phan công kích các quan thậm tệ, nhưng khi ông bị bắt năm 1908, chính triều đình đã bênh vực ông khỏi án tử hình: Lê Thị Kinh tìm được các công văn chứng minh các quan trong Phủ Phụ Chính thời vua Duy Tân, đặc biệt Cao Xuân Dục và Lê Trinh đã tìm mọi cách chống lại quyết định của Khâm sứ Lévecque và Toàn quyền lâm thời Bonhoure, muốn xử tử hình Phan Châu Trinh742.

● Con đường tư tưởng của nhóm Tây học

Nhờ sự khảo sát văn bản Nguyễn Ái Quốc, ta có thể xác định Phan Văn Trường mới thực sự là thủ lãnh phong trào Việt kiều yêu nước, chính ông đã xây dựng nền móng, rồi cùng Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh hình thành đường lối chính trị và tư tưởng chống Pháp:

- Bằng ngòi bút, đả kích trực tiếp thực dân bằng cách trình bày những tội ác của thực dân trên báo chí Pháp. Đối lập nước Pháp cộng hoà với nước Pháp thực dân: Nói rõ tội trạng của bọn thực dân để người Pháp phải xấu hổ mà bác bỏ chính sách dã man đó đi.

- Liên kết với các nhà văn và nhà chính trị phái tả, các báo L'Humanité và Le Populaire của đảng Xã Hội; La vie ouvrière, La revue communiste và Le Paria của đảng Cộng sản, Le libertaire của nhóm anarchiste...

- Từ 1922 trở đi, nhóm Yêu Nước của Nguyễn Thế Truyền đã sử dụng Hội Liên Hiệp Thuộc Địa và báo Le Paria của đảng Cộng sản làm bàn đạp để kết giao với các nhà hoạt động cách mạng trên các thuộc địa Châu Phi, Madagascar, tạo thành phong trào chống thuộc địa toàn cầu.

- Tác phẩm Le procès de la colonisation française - Bản án chế độ thực dân Pháp là thành quả của sự hợp tác này. Và cũng từ cuối năm 1923, khi mọi người đã rời khỏi Paris, Nguyễn Thế Truyền đứng mũi chịu sào với sự giúp sức của chú ruột Nguyễn Thế Phu, em ruột Nguyễn Thế Song, người cùng làng Nguyễn Thế Thạch, và các đồng chí và môn đệ như Nguyễn Văn Luận, Tạ Thu Thâu... đã mở rộng cuộc đấu tranh, không những về phía Châu Phi, Madagascar, mà còn viết bài ký tên Nguyễn Ái Quốc trên báo Inprekorr của Nga, ấn bản tiếng Pháp. Ý niệm "toàn cầu hoá" cuộc tranh đấu chống thực dân là của Nguyễn Thế Truyền.

Phan Châu Trinh vì không tiếp cận trực tiếp với tiếng Pháp, nên ông không thể hiểu được con đường chính trị này. Vì vậy, ông không tha thiết, mà còn chống lại việc viết báo tiếng Pháp cho người Pháp đọc. Những đề tài viết về một người boxeur da đen như Siki của Nguyễn Thế Truyền có thể là vô bổ đối với Phan Châu Trinh, nhưng đối với cuộc tranh đấu toàn diện, đó là một cái nhìn thấu suốt tình hình thế giới.

Ngoài niềm tự hào dân tộc mãnh liệt, những cây bút ký tên Nguyễn Ái Quốc luôn luôn đề cao tư tưởng phương Đông: Phan Văn Trường nghiêng về văn minh Trung Hoa, Nguyễn An Ninh nghiêng về văn minh Ấn Độ, và Nguyễn Thế Truyền nghiêng về lịch sử và văn hoá dân tộc. Đó là điểm khác biệt giữa ba người.

Trí thức ở Pháp có truyền thống theo cánh tả. Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền muốn tranh đấu, phải dựa vào trí thức cánh tả, trong các đảng xã hội, đảng cộng sản, nhóm anarchiste... nhờ họ làm hậu thuẫn để chống lại chính sách thực dân.

Tuy vậy, Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh không vào đảng nào, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành vào đảng Xã Hội, rồi đảng Cộng Sản. Nhưng nên hiểu cộng sản 1920 khác với cộng sản Staline. Bản Tuyên ngôn Cộng sản của Marx - Engels mà Phan Văn Trường in trên báo La cloche fêlée, được Ngô Văn giải thích như sau: "Bản tuyên ngôn của Marx - Engels trong thời điểm 1920 rất được phổ biến, in thành sách nhỏ rẻ tiền tại Pháp, nó không chứa đựng điều gì có thể gây sốc, mà chỉ có thể làm cho thanh niên suy nghĩ"743.

● Phan Văn Trường

Bằng văn bản và diễn thuyết, Phan Văn Trường đả kích trực tiếp những nhân vật chủ chốt của chính sách thuộc địa như bộ trưởng, toàn quyền, và toàn bộ hệ thống cai trị thuộc địa. Ông trở lại chính sách thuộc địa Âu Châu thời La Mã, so sánh với chính sách thuộc địa Á Châu của Trung Hoa. Ông tỏ phong thái kiêu hãnh về nền văn minh Đông Phương lâu đời đối diện với một nền văn minh Tây Phương non trẻ. Phan Văn Trường phân biệt rõ dân tộc Pháp mà ông quý mến và kéo làm đồng minh để chống lại bọn dã man giết người trong chính quyền thực dân. Ông đánh vào lòng tự hào của dân tộc Pháp để họ phải bãi bỏ chính sách thuộc địa dã man không xứng đáng với lịch sử của họ. Phan Văn Trường đối với chính quyền thực dân nguy hiểm hơn Phan Châu Trinh, bởi ông là người thận trọng, có thế lực, được trí thức Pháp biết tiếng. Ông có quốc tịch Pháp và là luật sư, ông hành động công khai theo đúng luật pháp. Khi bắt bẻ các bộ trưởng, hoặc toàn quyền, ông sử dụng các điều luật trong ngành tư pháp để gọi tội của từng người.

Hồ Hữu Tường viết về Phan Văn Trường như sau:

"Tôi ở chung với cụ Phan Văn Trường được hơn tuần thì cụ về xứ 744. Trong thời gian đó, ngày nào tôi cũng quấn quýt theo bên cụ, mà nghe cụ kể những mẩu chuyện thăng trầm của đời tranh đấu mình. Cụ rất vui tính, cười hề hề, dầu cho chuyện bi đát, cụ cũng tìm thấy vài nét ngộ nghĩnh để mà trào lộng. Cụ là một bực học giả uyên thâm, các sách hay của Đông phương lẫn Tây phương cụ đều đọc cả. Cụ nói: "Tôi đọc được nhiều là nhờ nghèo. Mùa lạnh ở nhà rét quá chịu không nổi, mà mình không đủ tiền mua than củi để sưởi. Đành vào thơ viện từ chín giờ sáng đến mười giờ tối. Gián đoạn bằng hai lượt đi ăn. Vào thơ viện, phải im phăng phắc, thì đọc sách là việc bắt buộc.

Triết học, kinh tế học, xã hội học, tôn giáo... sách nào căn bản, cụ đều có nghiên cứu kỹ. Luận án thi tiến sĩ luật của cụ bàn về chủ nghiã Bôn-sê-vích ở Nga745 đem áp dụng vừa được cuộc cách mạng. Nhưng mà trong thâm tâm, cụ chê tất cả các triết gia Tây phương, ngay cả Marx nữa: Bọn nó vì tự cao ám thị mà chẳng chịu ngó đến văn hóa Đông phương, thành chui rút vào tháp ngà, không có một cái nhìn thống quản. Riêng có anh chàng Schopenhauer khiêm tốn, đọc sách Phật, nên tác phẩm của y đọc dễ chịu hơn"746.

Những điều Hồ Hữu Tường viết về Phan Văn Trường được thể hiện rõ ràng trên bản Thỉnh Nguyện của dân tộc An Nam. Tháng 6/1919, bản Thỉnh Nguyện của dân tộc An Nam đưa đến Versailles và gửi cho báo chí. Ngày 18/6/1919 L'Humanité đăng bản Thỉnh Nguyện dưới tựa đề: Les droits des peuples - Quyền của các dân tộc.

Điện tín từ phủ toàn quyền ở Hà Nội gửi sang, cho biết bản Thỉnh Nguyện cũng đã đến tay báo chí ở Việt Nam. Lập tức, cái tên Nguyễn Ái Quốc trở thành kẻ thù số một của chính quyền Pháp. Phủ Tổng Thống gửi thông tư đến bộ Thuộc Địa ra lệnh điều tra ngay lý lịch Nguyễn Ái Quốc và vấn đề Nguyễn Ái Quốc được đưa ra tranh luận ở Quốc hội.

● Thỉnh nguyện thư Tám điểm gửi Hội nghị Hoà bình năm 1919

Hoàng Xuân Hãn cho rằng: Phan Châu Trinh viết phần Hán văn, Phan Văn Trường dịch ra Pháp văn, Nguyễn Tất Thành làm bài lục bát Việt Nam Yêu Cầu Ca747.

Nhưng qua văn bản, chúng tôi có thể xác định: Phan Văn Trường viết thẳng phần tiếng Pháp, Phan Châu Trinh dịch sang Hán văn. Nguyễn Tất Thành làm bài thơ lục bát. Bài thơ này, Thu Trang chụp được bản chép tay, và theo Lê Thị Kinh thì có người xác định đấy là nét chữ của ông Hồ. Sở dĩ chúng tôi xác định Phan Văn Trường viết vì những lý do:

- Phan Văn Trường trong buổi diễn thuyết ngày 13/3/1914 ở trường Cao Đẳng Xã Hội, đã dùng những chữ Les revendications indigènes - Thỉnh nguyện của người bản xứ.

- Lời văn trong bản Thỉnh Nguyện 1919 phù hợp với lối viết của Phan Văn Trường: Kín đáo, kiêu kỳ, châm biếm. Trong khi văn Phan Châu Trinh dùng lối trực bút, không châm biếm, ít ẩn nghĩa. Tây Hồ khi viết về Pháp và Tây phương thường có giọng khiêm tốn trong khi Phan Văn Trường có niềm kiêu hãnh của người Phương đông.

Sự so sánh văn bản này dựa trên đoạn đầu và đoạn cuối của bản Thỉnh Nguyện -Tám điểm chỉ là những kê khai, có thể do sự bàn bạc của nhiều người- hai đoạn văn ngắn và cô đọng chứng tỏ văn tài của tác giả. Đọc Thỉnh nguyện của người An Nam trên L'Humamité, độc giả Pháp phải chú ý vì giá trị độc đáo của văn bản: Lời lẽ nhũn nhặn mà kiêu kỳ, tự xưng nước mình là Đế Quốc - L'Empire d'Annam, ngụ ý coi kẻ xâm lăng là tiểu quốc. Tác giả tìm cách thu phục lòng người Pháp dân chủ tiến bộ, kích động niềm tự hào dân tộc của họ, để họ thấy xấu hổ mà bãi bõ chế độ thuộc địa tàn ác, không xứng đáng với truyền thống dân chủ của họ. Cách vận động này, trong bức thư ngỏ gửi Nguyễn Ái Quốc 1922, Phan Châu Trinh gọi là "cái dụng lý thuyết thâu nhân tâm của Phan", mà Tây Hồ phản bác.

Bút pháp Phan Văn Trường có lý lẽ của một luật sư, có kiến thức của một học giả, có sự sử dụng chữ nghiã của một văn tài. Văn bản đã được gửi về Việt Nam qua nhiều ngả. Nhờ vậy, mà người Việt lấy lại niềm tự hào dân tộc. Bản Thỉnh nguyện của dân tộc An Nam trở thành bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của người Việt.

Phủ Tống thống lo ngại và bọn thực dân bắt đầu lên tiếng phản bác trên báo chí. Phan Văn Trường bắt buộc phải trả lời. L'Humanité ngày 2/8/1919 đăng bài La question des indigènes en Indochine - Vấn đề người bản xứ tại Đông Dương của Phan Văn Trường, ký tên Nguyễn Ái Quốc. Sau bài viết này, vấn đề Nguyễn Ái Quốc và nhóm Yêu Nước được đem ra Hạ Viện bàn cãi. Quả bom Phan Văn Trường đã ném trúng đích: lần đầu tiên một kẻ indigène dám lên tiếng ngạo nghễ đòi tự do dân chủ tại Pháp.

● Xác định hai bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc do Phan Văn Trường viết

Dưới đây chúng tôi trình bày phương pháp xác định văn bản, bắt đầu bằng 2 văn bản ký tên Nguyễn Ái Quốc do Phan Văn Trường viết.

Tại sao có thể xác định bài La question des indigenes en Indochine là do Phan Văn Trường viết? Nhờ những chi tiết sau đây:

1/ Tác giả bài báo coi những yêu cầu trong bản Thỉnh nguyện tám điểm năm 1919 là của chính mình. Ông thuật lại lập luận của đối phương cho rằng các yêu sách của mình, đã gây chấn động trong giới thực dân. Đây là hiện tượng sự thực toát ra từ vô thức của ngòi bút: chỉ Phan Văn Trường mới viết như vậy, những người khác không thể và không dám nhận bản Thỉnh Nguyện là của mình vì không do họ viết ra.

2/ Tác giả nhắc đến bản Thỉnh Nguyện 1912, đòi trả tự do cho các sĩ phu bị tù Côn đảo, đăng trong Bulletin officiel de la Ligue des droits de l'homme ngày 31/10/1912. Văn bản này do Phan Văn Trường viết giùm Phan Châu Trinh. Ngoài Phan Văn Trường, ba người kia không biết rõ việc này, vì năm 1912, Truyền, Ninh và Thành còn nhỏ.

3/ Tác giả biết đích xác việc một sĩ quan cao cấp trong quân đội được lệnh tịch thu bản Thỉnh Nguyện 1919 trong tay lính thợ Việt Nam. Chỉ có Phan Văn Trường, cựu quân nhân, có đường dây trong quân đội mới dám cam đoan biết đích xác việc này.

Về bài Phong trào cộng sản quốc tế Đông dương748 thường được trích dẫn trong các bài viết về tư tưởng Hồ Chí Minh, và được coi là "nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh", cũng có những dấu ấn cho thấy là bài viết của Phan Văn Trường, căn cứ vào nội dung đề cao văn minh phương Đông một cách ngạo nghễ:

1/ 5000 năm trước, Hoàng Đế đã áp dụng chính sách phân phối ruộng đất.

2/ 2205 năm trước Công Nguyên, nhà Hạ đã đặt ra chế độ cưỡng bức lao động.

3/ 551 năm trước Công Nguyên: Khổng Tử đã khởi xướng thuyết Đại Đồng và nguyên tắc: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Phan Văn Trường sẽ ghi câu này dưới tên báo La Cloche fêlée, từ số 52, thay thế câu Organe de propagande démocratique - Cơ quan truyền bá dân chủ của Nguyễn An Ninh, để chứng minh rằng dân chủ phát xuất từ phương Đông.

Năm 1921, khi Phan Văn Trường viết bài báo này, chủ nghiã cộng sản mới bắt đầu phát triển ở châu Âu, và được nhiều trí thức ngưỡng mộ, ông đưa ra ý kiến: nên phát triển chủ nghiã cộng sản ở Á Châu -để đuổi thực dân- nhưng vẫn ngụ ý cao kỳ: những nguyên tắc mà chủ nghiã cộng sản ở phương Tây của các anh đưa ra, phương Đông chúng tôi đã áp dụng từ bốn, năm ngàn năm nay rồi! Chúng tôi hiện đang mắc vào hiểm họa thực dân, hãy đợi khi nào chúng tôi đuổi được bọn thực dân, chúng tôi sẽ giúp các anh "tự giải phóng". Đó là những ý thâm trầm sâu sắc của Phan Văn Trường trong bài Phong trào cộng sản quốc tế Đông Dương.

● Bút pháp Nguyễn Thế Truyền trên tờ Le Paria

Ngày 1/12/1922, trên Le Paria có hai bài, một bài ký tên Nguyễn Thế Truyền, một bài ký tên Nguyễn Ái Quốc. Khảo sát hai văn bản này, có thể xác định Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Ái Quốc là một.

Nguyên văn bài Một người Bôn-sơ-vich da vàng – Un Bolchevick jaune ký tên Nguyễn Thế Truyền, xin tạm dịch:

"Nguyễn Ái Quốc có phải là một "kẻ đầy tham vọng, không nhân cách và không đại diện cho ai", như ý kiến của cái điện văn rất thực dân kia. Những lời phỉ báng như thế, hiển nhiên phản ảnh sự gập mình của cái thấp hèn trước cái cao cả.

Vì thế, đáng được trả lời.

Tham vọng? Hẳn thế, Nguyễn Ái Quốc đầy tham vọng. Nhưng tham vọng gì? Tham vọng giải phóng anh em rơi vào vòng nô lệ, bị bọn "diều hâu thực dân" bóc lột dã man. Có tham vọng nào cao quý hơn?

Kẻ viết bài giấu tên trên báo La Dépêche Coloniale kia, vì ngươi không biết đến nhân cách của Nguyễn Ái Quốc, nên ta cho ngươi biết.

Trong xứ, Nguyễn Ái Quốc sống hạnh phúc bên cạnh người thân. Khi còn rất trẻ, một hôm thấy Pháp chặt đầu đồng bào. Quốc không hiểu tại sao. Phẫn uất, Quốc ra đi, xa lánh bất công, để có thể kêu gào: "Công lý!" ở nơi khác. (...) Hôm nay, anh cương cường tranh đấu cùng những người anh em châu Phi, châu Âu. Với nghề khiêm tốn "sửa ảnh", vất vả để kiếm sống, nhưng anh trong sạch hơn bao nhiêu quan chức, quá quan cách, ở các thuộc địa, kia.

Ồ! Không! Quốc không hề như họ. Chẳng tiền hô hậu ủng, không diêm dúa mề đai, không cồng kềnh "ấn trát", nhưng anh mang nguyện ước của đồng bào, kỳ vọng của Dân tộc bị áp bức.

Năm ngoái, trở lại Đông Dương, tôi được nghe những lời cảm động về anh, bí mật truyền miệng mọi người. Một cụ bà kể: tôi có hai đứa cháu bị Pháp bắt đi đầy (vì tư tưởng); cụ hỏi tôi: "Cậu ơi, Cậu có biết Nguyễn Ái Quốc không?" - Một em bé dễ thương nhớ lại người cha, nhân sĩ nổi tiếng, bị tình nghi vì tư tưởng, một ngày kia bị cảnh sát Tây lôi đi như con chó; trong đầu đầy hình ảnh anh hùng huyền thoại, đứa nhỏ hỏi tôi: "Nguyễn Ái Quốc có phải là người bằng xương, bằng thịt không?"

- Này, người của La Dépêche Coloniale, ngươi không hiểu gì hết, ngươi đang phỉ báng một chân lý lớn lao, một sự hy sinh cao cả, ngươi hãy câm đi!"

- Nguyễn Thế Truyền

Ngay trong câu đầu, Nguyễn Thế Truyền đã bộc lộ lối chơi chữ tài tình của ông, mà khi dịch không thể lột hết: Tờ báo mà ông đả kích có tên là La Dépêche Coloniale, nghiã là Tin điện thuộc địa, hay điện văn, điện tín thuộc địa... Ông bèn xé lẻ cái tên này làm hai, thành dépêche - điện văn và colonial - thực dân và viết: "Nguyễn Ái Quốc có phải là một "kẻ đầy tham vọng, không nhân cách và không đại diện cho ai", như ý kiến của cái điện văn rất thực dân kia!

Văn phong Nguyễn Thế Truyền, nhanh, ngắn, mạnh, kiểu quyền Anh, không cho địch thủ kịp đỡ đã tung ra cú đấm khác, khác hẳn lối viết điềm đạm thâm thuý của Phan Văn Trường. Bài này, nội dung không nói lên lòng "tôn thờ" Nguyễn Ái Quốc/Tất Thành, như Thu Trang nhận xét, mà Nguyễn Thế Truyền chỉ có ý vinh danh một người anh hùng vô hình, nói khác đi, một người anh hùng huyền thoại, vì thế ông đặt vào miệng bà cụ câu: Có ai gặp Nguyễn Ái Quốc không? Đặt vào miệng đứa nhỏ câu: Nguyễn Ái Quốc có phải là người bằng xương bằng thịt không? Đó là ý chính của Nguyễn Thế Truyền: hóm hỉnh xác định Nguyễn Ái Quốc là một huyền thoại, không có thật.

Chống Pháp không khoan nhượng, Nguyễn Thế Truyền mạnh tay -tát tổng đốc Vi Văn Định- mạnh bút, luôn luôn đánh thẳng vào thực dân với lời lẽ quyết liệt. Bài này tát tai kẻ viết bài trên báo La Dépêche Coloniale, hèn, giấu tên -có thể là người Việt- không hiểu thế nào là sự hy sinh cao cả cho một chân lý. Xác định văn phong sắc, gọn, giọng khiêu khích, châm biếm, sự kiêu kỳ và lối chơi chữ của Nguyễn Thế Truyền, và đưa ra một thông tin: khi ông về nước, giữa 1920, cái tên Nguyễn Ái Quốc đã được mọi người truyền tụng.

Trên cùng số báo Le Paria này có bài Về vụ Siki - A propos de Siki, ký tên Nguyễn Ái Quốc, y một giọng, viết về sự kiện Siki, boxeur da đen hạ Carpentier, boxeur da trắng:

Chúng tôi trích một đoạn, tiếng Pháp trước, để độc giả thấy bút pháp của tác giả:

"Depuis que le colonialisme existe, des blancs ont été payés pour casser la g... aux noirs. Pour une fois, un noir a été payé pour en faire autant à un blanc. Adversaire de toute violence, nous désapprouvons l'un et l'autre procédé. Mais le fait est là, nous n'avons qu'à le constater. Constatons.

D'un coup de poing - sinon scientifiquement envoyé, du moins formidablement placé - Siki déplaca proprement Carpentier de son piédestal pour grimper dessus lui-même.

Le championnat de la boxe a changé de mains, mais la gloire sportive nationale n'a pas souffert, puisque Siki, enfant du Sénégal, est parconséquent, fils de France, donc Français.

Malgré cela, il arrive que chaque fois que Carpentier triomphe, c'est naturellement par son adresse et par sa science. Mais toutes les fois qu'il est battu, c'est toujours par la force brutale d'un Dempsey ou la mauvaise jambe d'un Siki. C'est pourquoi, au match de Buffalo, on a voulu déclarer - on a même fait déjà la déclaration - que Siki, bienque gagnant, était vaincu "quand même".

Dịch:

"Từ khi có chế độ thực dân, người da trắng được trả tiền để đánh bể mặt người da đen. Bận này, một anh da đen lại được trả tiền để nện anh da trắng. Chống mọi bạo lực, chúng tôi không tán thành cả hai cách này. Nhưng sự kiện sờ sờ ra đó, chúng ta chỉ việc ngó qua. Xem nào.

Một cú đấm -nếu không được gọi là khoa học, thì ít ra thì cũng trúng boong- Siki rành rành hạ bệ Carpentier và leo lên thế chỗ.

Giải vô địch đánh bốc đã đổi chủ, nhưng hào quang thể tháo quốc gia không hề hấn gì, vì Siki, đứa con Sénégal, tức, con Pháp, vậy, là người Pháp.

Ấy thế mà mỗi khi Carpentier thắng thì tất nhiên là nhờ tài trí và phương pháp khoa học của anh. Còn lần nào thua thì y như rằng là vì một tên Dempsey nào đó, đánh ác hay một tên Siki nào đó, đá hiểm. Vì vậy, trong trận đấu Buffalo, người ta những muốn tuyên bố - người ta đã tuyên bố rồi - rằng Siki dù thắng, "vưỡn" bại!"

A propos de Siki

ký tên Nguyễn Ái Quốc

Tháng 6/1964, Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn một nhà báo749 với câu: "Le peuple Vietnam c'est un Un et le pays du Vietnam c'est Un" - Ông dịch từng chữ khẩu hiệu "Nước Việt Nam là Một, dân tộc Việt Nam là Một" sang tiếng Pháp, nhưng người Pháp không thể hiểu vì họ không nói như thế và cũng không có thứ cú pháp nào lạ lùng như thế. Chắc chắn không phải với thứ tiếng Pháp thô thiển này, ông Hồ có thể viết được những bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc như bài Về vụ Siki hay Bản án chế độ thực dân Pháp.

10/9/1995

Thụy Khuê

Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1 Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lạ...