Thứ Ba, 15 tháng 10, 2024

Triết văn triết sử trong văn học

Triết văn triết sử trong văn học

Việc đặt vấn đề triết văn triết sử trong bài viết này không hoàn toàn cuộc khảo cứu khoa học, có chăng nên được xem như “liều mình” phóng viên sỏi nhỏ xuống mặt hồ, những mong khuấy động chút ít tâm tư bạn đương thời, hòng lan tỏa ngẫm ngợi nào đó trong chuyện cầm bút hôm nay. Nhất là các bạn văn trẻ với những thuận lợi nhất định trong tình thế “đang là” của thời tính…
1. Như thế nào là hành động triết lý trong văn chương hay như thế nào là triết văn? Chỗ khác biệt giữa hành động triết (triết hóa) trong triết học và sáng tác văn học?
Hành động sáng tạo hẳn nhiên khởi xuất từ tư duy sáng tạo kèm theo động cơ sáng tạo nhất định. Lẽ đó sản phẩm sáng tạo mang dấu ấn của lối tư duy và động cơ ấy. Thế nên, nếu bạn thử bàn luận hành động triết trong văn học và hành động triết về phía văn học thì không thể không quay lại với sự cấu thành tư duy nghệ thuật. Tạm gọi cấu thức. Và sự cấu thức này bao gồm trong đó các quá trình đồng thời và đan xen cả “phần nổi” lẫn “phần chìm” của thế giới quan, nhân sinh quan, thẩm mỹ quan, đạo đức quan, kinh tế-chính trị quan, nhận thức luận,…
Về phẩm tính, hành động triết trong/về văn học có thể xem như cấu thức từ cụ tượng tới trừu tượng trong cuộc tương giao với giới ngoại hiện và giới nội tại. Nôm na, nếu bạn đặt vấn đề hành động triết trong/về văn học thì có thể lập thành hai khái niệm “văn học hướng nội” và “văn học hướng ngoại”. Về cấp độ, văn học khởi đi từ động cơ và lối tư duy riêng nên hẳn có mức độ triết hóa nhất định. Nhưng chỉ đến khi văn học thấm nhuần tư tưởng hay triết hóa chín muồi thì bấy giờ diễn ngôn văn chương mới kết tạo khả lực xuất chúng có thể chiếm lĩnh tâm hồn bạn đọc và phảng phất hương thơm thâm trầm ý nhị.
Nhưng điều này hẳn khiến bạn băn khoăn về sự triết hóa trong/về văn học và sự triết hóa trong triết học. Có những trường hợp không hoàn toàn rạch ròi. Bởi có nhiều triết gia cũng là văn sĩ và có nhiều văn sĩ được xem như triết gia (Friedrich Nietzsche, Rabindranath Tagore, Jean Paul Sartre, Albert Camus,…). Tạm có thể nói đến triết hóa trong triết học như hành động triết trực diện và có phần cơ học. Còn sự triết hóa trong/về văn học lại có nhiều biểu hiện: trực tiếp, gián tiếp hoặc cả hai đan xen tùy biến. Trong triết học, triết hóa là mục đích hướng tới; trong văn học, triết hóa là cách thức/phương tiện kiến tạo đặc trưng và chức năng văn học. Biểu hiện trực tiếp triết hóa trong/về văn học có thể nhận diện qua hành động lập thức của chủ thể sáng tạo hoặc sự lập thức của các chất điểm phát ngôn trong diễn ngôn nghệ thuật. Điều này có lẽ khiến bạn nghĩ ngay đến Fyodor Dostoyevsky với Tội ác và Trừng phạt, Lũ người quỷ ám, Anh em nhà Karamazov,…; hay Lev Tolstoy với Anna Karenina, Phục sinh, Tự thú,... Biểu hiện gián tiếp của triết hóa trong/về văn học có thể nhận diện qua việc không chủ đích hành động lập thức; cứ như phi triết/phản triết theo kiểu “vô vi nhi vô bất vi”. Nhưng phi triết cũng là hình thái triết.
Thơ thiền Lý Trần có những câu thơ tưởng không triết hóa nhưng chẳng khác gì công án. “Cành xuân có cao thấp/ Mưa xuân chẳng thấp cao”; hay Tuệ Trung thượng sĩ với câu “Kiến giải trình kiến giải […] Minh minh thường tự tại” đủ cho thấy cảnh giới ngộ đắc lý “hòa quang đồng trần” hay bài “Thị chúng” với đôi câu “Yếu đắc nhất cao siêu bỉ ngạn/ Hiếu tham đồng tử diện tiền nhân”; tạm dịch: Nếu muốn vượt đến cao tột xuyên vượt qua bờ bên kia/ thì hãy hỏi liền đứa trẻ con ở ngay trước mặt. Ấy chẳng phải cái tự tánh tự tâm thuần túy thuần nhất đó sao; cũng là lập thức về sự cấu thức vậy. Phi triết mà triết đến mức rốt ráo uyên thâm.
Đại sư Basho với thể Haiku không lập mà thành thế giới gian và thẩm mỹ quan Phù Tang. “Cầm trên tay / Tan mất, giọt lệ nóng hổi / Sương mùa thu”. Rabindranath Tagore hồ như chẳng gượng triết để lập thành thi tính nhưng Gitanjali trở nên toàn mãn tâm linh. Nhất Hạnh với “Nẻo về của ý” quả đạt đến sự cấu thức nguyên thủy trong suốt của “ý” hay chánh niệm! Nhất Hạnh cơ hồ đã trực ngộ chánh niệm trước khi hệ thống hóa chánh niệm thành những bài pháp thoại. Đó! những vẻ đẹp muôn đời hé nở. Phải chăng lối phi triết như thế mới thực sự đưa diễn ngôn nghệ thuật đến sự chín muồi tư tưởng. Bạn nghĩ trong sáng tác văn học nên thế nào: triết hóa như là triết hóa hay triết hóa như là phi triết hóa?
Triết hóa có nghĩa lý gì đối với diễn ngôn văn học nghệ thuật? Bạn có thể dùng phép quy nạp tự suy ngẫm vấn đề này. Thượng sĩ ngữ lục, Quốc âm thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi, Truyền kỳ mạn lục, Kim Vân Kiều truyện, Lục Vân Tiên, … nhuần nhị kết tạo từ ý hướng nghệ thuật và ý hướng triết lý. Chính điều đó tạo nên sức sống, năng lượng lan tỏa và khả lực thẩm mỹ của diễn ngôn nghệ thuật. Có thể nói, hành động triết hóa dù trực tiếp hay gián tiếp đều góp phần tạo nên nội lực cho diễn ngôn nghệ thuật, cũng tức là khả năng vượt qua giới hạn không-thời gian. Diễn ngôn nghệ thuật ấy của một người nhưng cũng là của muôn người, của một nơi nhưng cũng là của muôn nơi, của một đời nhưng cũng là muôn đời. Nghĩ như vậy, bạn sẽ liễu ngộ vì sao Jean-Marie Gustave Le Clézio cảm thấy gần gũi với Đường thi. Hành động triết đến mức không còn thấy đâu là triết nữa (nhưng chẳng đâu chẳng phải triết) đã đưa diễn ngôn nghệ thuật đạt đến sự toàn bích, tuyệt mỹ.
Xin mạn đàm! Đôi câu thơ “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa” có khả năng diễn hoạt độc lập tương đối với toàn bộ văn bản Truyện Kiều. Đôi câu thơ bộc lộ ngộ tính của Tố Như và qua đó khai thị triết lý nhân sinh. “Biết người là trí khôn, biết mình là trí huệ, tức giác ngộ”. Cái giật mình như chớp lạch đêm giông! Hốt giác đốn ngộ ra mình giữa cuộc thế cũng là ngộ ra cuộc thế dâu bể hồng trần. Ta không thể khép ngộ tính này vào cửa Nho, Lão, hay Thích. Bởi vì, nền học vấn hay tôn giáo nào cũng đều dựa trên chân lý, còn chân lý thì không dựa trên bất kỳ học vấn hay tôn giáo nào. Đưa tri nhận hướng về phía ngộ tính, thi ca Tố Như dường như không triết hóa hay lý sự gì mà đã ở chỗ uyên ủy của triết vậy! Với Hối Trai tiên sinh, “Trước đèn xem chuyện Tây Minh/ Ngẫm cười hai chữ nhân tình éo le”. Người đặt ra thế tương ứng giữa tâm và phi tâm để soi rọi đôi bên. Và, nụ cười ý nhị kín đáo trước nỗi éo le nhân tình đã khai mở cả thảm trạng nhân sinh.
Chính vậy, Vũ Đình Liên từng nhìn thấy “Từ nhân sinh quan đến thẩm mỹ quan của Nguyễn Đình Chiểu”. Hơn thế, từ nhân sinh quan, Đồ Chiểu mở ra thẩm mỹ quan Nam Bộ và nhất là góp phần khai triển đạo đức quan miền châu thổ Cửu Long. Sự triết hóa của Hối Trai tiên sinh nên được nhìn nhận trong cái nhìn hệ thống. Đến lớp trí thức mới đầu thế kỷ XX, lời “thằng hề” trong tuồng hát “Hai Bà Trưng” của Nguyễn An Ninh: “Kẻ nào dùng gươm thì phải chết vì gươm!”. Câu chốt hạ này là kết quả cấu thức, một sản phẩm biện chứng được nung rèn qua luận lý và thực tiễn. Bỏi vậy, nhân vật “thằng hề” của Nguyễn An Ninh trong tuồng hát “Hai Bà Trưng” đâu khác gì triết gia nghệ sĩ.
Triết hóa trong/về văn học mà đến mức tự tại thì, cơ hồ không còn ranh giới văn hay triết nữa!
2. Như thế nào là hành động triết sử trong văn chương hay như thế nào là triết sử? Chỗ khác biệt giữa hành động triết (triết hóa) về phía lịch sử trong lịch sử và trong sáng tác văn học?
Để khai mở luận bàn vấn đề này, thiết nghĩ trước tiên nên phân biệt lịch sử trong lịch sử và lịch sử trong văn học. Hành động triết trong/về lịch sử ở đây được xét trong phạm vi văn học, tức diễn ngôn nghệ thuật. Và khác với triết sử trong lịch sử (như hành động khoa học, thông tin, tri nhận) thì triết sử trong văn học như hành động nghệ thuật, tức mang ý hướng mỹ hóa. Về bản chất, triết sử trong văn học vừa sự triết hóa về phía sự lập sử và triết hóa về phía kết quả của sự lập sử đó, hay triết hóa sử trình và triết hóa sử tính.
Nên chăng, người sáng tác văn học viết về đề tài lịch sử, không chỉ kể sử/ thuật sử/ trình sử mà còn triết sử, đạt tới hành vi tư tưởng về phía sử tính của sử trình được bàn tới. Nói vậy, bạn có thể ngẫm lại thực tiễn văn xuôi viết về đề tài lịch sử, sẽ thấy: phần nhiều dừng lại ở việc phản ánh sử trình, có rất ít tác phẩm tư tưởng về phía sử tính. Và thường thấy, hễ tác phẩm nào đạt đến mức tư tưởng về phía sử tính thì hay gây ra những tranh luận trái chiều. Số phận của diễn ngôn nghệ thuật ấy phải dấn thân vào cuộc ba đào dư luận. Nhưng chí ít, tác phẩm ấy đã thực hiện được trách nhiệm của nó trên cõi thế. Từ khi tác phẩm lọt lòng, nó đã tham gia vào cuộc thế và thực hiện bản tính triết hóa về phía sử tính trong nội tại văn bản để cộng thông với sự triết hóa về phía sử tính trong “cộng đồng diễn giải”. Khi thành viên của “cộng đồng diễn giải” ấy “đánh động” nó, chính là đã cộng hưởng-cộng sinh với nó. Bấy giờ, sự sống trải của diễn ngôn nghệ thuật bao chứa triết hóa sử tính được mở phơi, khai diễn.
Trong bối cảnh thuộc địa thực dân Pháp, văn học Nam kỳ nửa đầu thế kỷ XX xuất hiện hàng loạt tác giả, tác phẩm văn xuôi viết về đề tài lịch sử. Theo đó, bạn có cơ sở để đặt ra giả thiết về trường lực văn học nhằm kháng cự và tái kết nối đứt gãy văn hóa mà thực dân Pháp gây ra cho văn hóa Việt. Đồng thời, bạn có thể minh định ngay rằng: diễn ngôn nghệ thuật về phía lịch sử trong văn học Nam kỳ nửa đầu thế kỷ XX đã góp phần ít nhiều cho sự phát triển văn xuôi lịch sử về sau. Lấy triết sử làm tiêu chí, bạn cũng thấy văn xuôi lịch sử Nam kỳ bấy giờ góp phần ít nhiều cho sự dịch chuyển từ triết hóa sử trình đến triết hóa sử tính ở những giai đoạn văn học về sau. Từ đổi mới, văn xuôi lịch sử thêm nở rộ với nhiều đóng góp. Ví dụ như: Nguyễn Xuân Khánh với Hồ Quý Ly, Nguyễn Huy Thiệp với bộ ba Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết; và hàng loạt truyện ngắn của Trần Bảo Định về Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ và các nhân vật lịch sử ở Nam kỳ từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Triết sử trường hợp Trần Bảo Định thậm chí lập thành cuộc đối thoại “ngang cơ” giữa chính sử và dân gian sử.
Từ đó cho thấy, hấp lực của diễn ngôn nghệ thuật bao chứa triết hóa sử tính có sức mạnh khôn tả, thậm chí mê hoặc người tiếp nhận ở nhiều nơi, nhiều thời đại khác nhau. Diễn ngôn như thế tỏa ra “chân trời sự kiện” rộng lớn mà lõi cô đặc của nó chính là sự triết hóa về phía sử tính. Gần đây nhiều người bàn luận về sức hấp dẫn của văn xuôi phi hư cấu với đề tài lịch sử, phải chăng là minh chứng cho sức hấp dẫn của triết hóa sử tính. Thiết nghĩ, triết hóa bao giờ cũng gây ra sự “chưa êm xuôi”, sự “có vấn đề”, sự xáo trộn trong lòng bạn đọc. Triết hóa (mà cụ thể triết hóa sử tính) phá vỡ cơ chế tiếp nhận cũ để khả dĩ tái thiết cơ chế tiếp nhận mới trong tâm hồn bạn đọc.
Với triết hóa sử tính, chủ thể sáng tạo chẳng bao giờ để cho độc giả “yên thân”.
3. Văn-sử-triết bất phân, biểu hiện phổ biến trong văn học trung đại Việt Nam cũng như văn học trung đại khu vực Đông Á. Lẽ đó, có thể nói đến truyền thống triết văn và triết sử trong văn học Việt. Thiết nghĩ luận bàn sự triết văn, triết sử trong văn học có thể mang lại chút ích lợi nào đó đối với việc kết nối truyền thống văn học dân tộc. Và tìm hiểu hành động lập thức, hành động triết hóa trong sinh thể văn bản văn học thực sự cần thiết để tiến nhập vào căn nguyên tư duy sáng tạo.
Việc đặt vấn đề triết văn triết sử trong bài viết này không hoàn toàn cuộc khảo cứu khoa học, có chăng nên được xem như “liều mình” phóng viên sỏi nhỏ xuống mặt hồ, những mong khuấy động chút ít tâm tư bạn đương thời, hòng lan tỏa ngẫm ngợi nào đó trong chuyện cầm bút hôm nay. Nhất là các bạn văn trẻ với những thuận lợi nhất định trong tình thế “đang là” của thời tính. Các bạn văn trẻ cơ hồ như khả thể diễn ngôn nghệ thuật. Và chuyện triết văn triết sử trong văn học hôm nay biết đâu có thể là khả nghiệm ứng vào phương trình chữ nghĩa của bạn! Nếu được vậy thì, người viết những dòng này cảm thấy vô cùng biết ơn.
Phàm đã người thường tình thực hiện hành động sống thì (dù ít dù nhiều, dù nông dù sâu) cũng đã thực hiện hành động triết về phía cuộc đời. Còn nền triết, hướng triết và thực tế triết hóa như thế nào, tùy thuộc vào căn cơ, thiên hướng mỗi người. Thiết nghĩ, người cầm bút Việt nên chăng tái kết nối và khai thác triết hóa của dân Việt!.
Rừng Dầu, 24/2/2024
Võ Quốc Việt
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1 Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lạ...