Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

 

Nàng là nước Mỹ

1. Từ lúc nào người ta đã nhìn Dịu như một kẻ ăn không ngồi rồi. Vì ở xứ này, người ta không quen nghe những từ đại loại như nghề văn, viết văn, nhà văn, nhà thơ… Và dĩ nhiên, họ không nghĩ viết văn là một cái nghề nghiêm chỉnh. Vậy mà Dịu lại lọt thỏm vào cái xứ ấy. Sinh ra, lớn lên và cô đơn ở giữa cái xứ ấy.

Tất cả thời gian của một ngày, ngoài việc đọc và viết, Dịu dành để lang thang la cà chỗ này chỗ kia, nhìn ngó người này kẻ nọ. Ngoài những việc đó ra, trước cuộc đời phẳng phiu này, Dịu chỉ là một gã thanh niên không bằng cấp, không nghề nghiệp, và chỉ là một vết gợn nhỏ như một cái búng tay vô nghĩa trong tai mắt người đời. Điều giá trị nhất mà Dịu có được cho đến lúc đó, là một cô vợ giỏi dang, có nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Vợ, đối với Dịu là một điều kỳ diệu của cuộc sống, là minh chứng rõ ràng nhất về tình yêu tinh khôi vẫn tồn tại trong thời buổi kinh tế thị trường này. Còn với mọi người xung quanh, vợ Dịu là một cô gái khó hiểu nhất. Họ không thể hiểu được việc một cô gái xinh đẹp, có trình độ đại học, làm việc trong một công ty lớn, thu nhập cao ngất, mà lại si mê một gã tưng tửng và tương lai mịt mù như Dịu.

Thời kỳ đầu, Dịu là kẻ viết văn nghiệp dư, nửa nạc nửa mỡ. Hắn đứng chân này chân kia giữa hai thế giới hư-thực. Cứ khi hắn muốn nhắc cái chân đặt ở thế giới bên này để quyết chí sang thế giới bên kia, thì lại có những lý do lý trấu để lôi hắn lại. Những lý do của hoài bão, của đam mê cứ đấu đá với những lý do rất đời thường của những cơm, áo, gạo, tiền,… của những tham, sân, si,… Mà lý do nào cũng rất đời rất người, khiến hắn vẫn giậm chân tại chỗ giữa hai thế giới thực-hư đó.

2. Một hôm, trời nổi cơn dông bão sấm sét, Dịu được ai đó ở đầu bên kia điện thoại gọi tham dự một hội nghị viết văn cấp toàn quốc. Lần đó, Dịu được gặp gỡ bao tên tuổi lớn trong làng văn mà có nằm mơ hắn cũng không dám mong gặp mặt bắt tay. Và chính cái duyên cớ tình cờ đó khiến Dịu nhất quyết sẽ trở thành nhà văn, mặc cho gia đình, họ hàng, tổ trưởng tổ dân phố,… và cả một anh bạn tiến sỹ văn chương, hết lời can ngăn. Tất thảy họ khuyên nhủ Dịu nên tu chí lao động, làm ăn, đừng phụ lòng mong mỏi của đấng sinh thành.

Sở dĩ có sự xuất hiện “lá phiếu chống” của lão tổ trưởng tổ dân phố là vì xưa nay lão coi một kẻ học giỏi nổi tiếng như Dịu là niềm hi vọng của cả khu phố, là tấm gương học hành để con cái nhà khác noi theo. Vả lại trách nhiệm xây dựng một khu phố văn hóa không có kẻ ăn không ngồi rồi, không kẻ ăn bám xã hội, cùng với lòng tự hào được quần chúng tin tưởng bầu bán lão vào vị trí hiện thời, khiến lão luôn tích cực can dự vào việc uốn nắn thanh niên lười biếng trong khu phố. Lão tin rằng việc uốn nắn thanh niên hư hỏng là ý nghĩa cuộc đời lão. Và khi càng có tuổi, lão càng nghĩ như thế, càng tin vào chân lý cuối đời đó.

Sự can dự quấy quả của lão tổ trưởng tổ dân phố không làm Dịu nhọc lòng bằng những lời tâm tình thứ thiệt của gã tiến sỹ ngữ văn nghèo rớt mồng tơi. Dịu không lạ gì gã tiến sỹ nữa. Gã này không có khoản thu nhập nào khác ngoài lương cơ bản của vị trí một chuyên viên. Thêm nữa, vợ chồng gã còn nổi tiếng toàn thành sau đợt hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho giáo viên nghèo. Sau khi hai vợ chồng, mỗi người nhận được một suất hỗ trợ xây nhà thì anh chồng thủ thỉ với cô vợ:

“Em xem trong trường em có ai khó khăn hơn mình, thì nhường lại suất của em cho họ đi. Riêng suất của anh là vợ chồng mình có nhà ở rồi.”

Cô vợ mếu máo bảo chồng:

“Trong trường, không ai nghèo hơn em nữa anh ạ.”

Đấy, hai vợ chồng giáo văn bằng cấp, học vị là thế, nhưng cứ dính vào văn chương là túng bẫn. Chính thế nên mỗi khi nhớ đến gã, cả người Dịu lại run lên bần bật, gai ốc nổi loạn xạ. Hắn nghĩ lại lời khuyên giã từ văn chương của gã tiến sỹ ngữ văn, và đôi lúc thấy không phải không có lý.

3

Thi thoảng hốt nhiên trong đầu Dịu cũng xảy ra những cuộc đấu tranh tư tưởng tóe lửa, chừng như có đổ máu. Có một thằng Dịu’ trong đầu hắn bảo:

“Mày nhất định không đi làm việc gì á? Liệu mày có ăn bám vợ mãi được không?”

Nghe thế, thằng Dịu’’ khác lý sự:

“Mario Puzo ngày xưa mà lao ra đời làm việc hùng hục, cốt nuôi cái thân thì có đủ thời gian để viết Bố già không hả?”

Thằng Dịu’’’ khác nữa nghe thế, sôi máu chen vào:

“Thanh niên trai tráng không đi làm kiếm tiền, coi chừng bị khép vào tội ăn bám xã hội như Joseph Brodsky thì nguy.”

Song, lần nào cũng như lần nào, thằng Dịu phẩy cuối khép lại cuộc cãi vã giữa các thằng Dịu phẩy bằng một câu ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu:

“Cứ phải dấn thân!”

Đó cũng chính là câu nói của một nhà thơ thành danh đã từng khuyên bảo hắn trong những lần hiếm hoi gặp gỡ trao đổi. Ông ta một nhà thơ mà hắn luôn thần tượng, mê đắm. Rốt cục, Dịu chốt lại màn tranh luận và phăm phăm lao theo thần tượng.

4

Giờ đây, bên cái thế giới thực, nơi mà hắn đã quả quyết đặt vào cả hai chân, cái mộng văn chương của Dịu có lẽ cũng sẽ sớm đứt bóng, nếu hắn không cưới được cô vợ giỏi làm kinh tế và luôn cổ động hắn, hoặc nói ngược lại nếu cô ả không cưới phải hắn. Với một kẻ không lương bổng như Dịu thì mức lương tháng của nàng thuộc vào loại thần tiên trên trời cao ngất ngưỡng.

Phần vợ Dịu, nàng thuộc tuýp phụ nữ hiếm có của thời kỳ mở cửa. Nàng yêu hắn từ thời sinh viên, đến lúc hắn tuyên bố bỏ mọi việc làm để theo nghiệp văn chương, thì nàng vẫn yêu. Và đến lúc người ta nhìn chồng nàng như một kẻ ăn không ngồi rồi thì tình yêu của nàng vẫn không suy suyễn. Nàng mê thơ hắn làm, dù ít bài nào hắn viết tặng nàng. Nàng mê truyện hắn viết, vì theo nàng, truyện của hắn thật thâm thúy, gần gũi. Thực ra, có lẽ vì hắn vẫn đang viết quanh quẩn ở những chuyện nhỏ nhặt của tuổi trẻ nên nàng thấy gần gụi chăng? Nhưng điều làm nàng mê nhất ở hắn là những bài phê bình. Đơn giản nàng thích cái giọng điệu và mê đắm cái sự thông minh trong từng lý lẽ bình phẩm của hắn. Với nàng, chúng gần như là chân lý và không thể chối cãi. Và nàng luôn cảm thấy tự hào và thích thú với vai trò chỉnh sửa bản thảo cho chồng.

Hàng tuần, một cách khéo léo, nàng cho chồng tiền tiêu vặt với ý nghĩ là để anh ấy thoải mái sáng tác. Rồi sáu tháng một năm, nàng lại cho chồng một khoản tiền để in sách. Mỗi lần cho tiền, nàng không quên thỏ thẻ dặn dò chồng:

“Chỉ cần anh không léng phéng với con nào, bao nhiêu tiền in sách cũng có.”

Dịu nhoẻn miệng cười, đập đập cục tiền bôm bốp lên đùi, gật gù thầm nghĩ bụng:

“Có Chúa mới làm được điều đó!”

A painting of a person with a yellow leaf

Description automatically generatedTranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy

5

Luận về nổi tiếng, xưa nay, người ta vẫn đóng đinh cái ý nghĩa của nó: đi đôi với tiền bạc. Và không có chuyện có tiếng mà không có miếng. “Tôi chỉ có tiếng mà không có miếng.” là câu nói hài hước nhất thời đại. Ra đường nói thế, người ta cười cho. Thế thì, hắn biết mình chưa nổi tiếng theo cách truyền thống đó. Và ngay cả phân nửa của sự nổi tiếng thôi thì vẫn còn xa lắc với hắn. Nổi-tiếng-phân-nửa là sự nổi tiếng không bị đóng đinh với việc kiếm ra tiền.

Mỗi cuốn sách hắn in như một bức tâm thư mà hắn chỉnh chu gởi gắm đến cuộc đời, đến xã hội. Đã năm lá thư gửi đi và hắn vẫn đang miệt mài viết lá thư thứ sáu. Không một hồi âm. Xã hội không hồi âm. Cuộc đời cũng câm bặt. Không một vang dội nào hết. Hắn thất vọng. Lần này đến lần khác. Hắn thầm giả tưởng, giá như sự nổi tiếng đến với hắn, dù chỉ là phân nửa, thì đỡ cho hắn biết mấy. Ít ra, hàng xóm bớt lời ra tiếng vào lên án hắn là một kẻ ăn không ngồi rồi, và cũng sẽ biết đến một gã Dịu nhà văn nổi tiếng phân nửa, dù cho hầu hết bọn họ chả quan tâm đến văn chương, và cũng chả phải dạng người văn vẻ gì.

Cổ nhân hóm hỉnh có câu: Có tiền mua tiên cũng được. Người đời nay tếu táo không kém: Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền. Nếu Dịu cần tiền và một mực lao vào đời không ngoài mục đích làm tiền, gã nghĩ trước tiên gã sẽ gia nhập nhóm biên kịch phim truyện mà một lúc có thể phịa ra hàng đống bi kịch chắc mẩm có thể lôi cuốn bà nội trợ. Hoặc giả, gã sẽ điều chỉnh ngòi bút theo lối ăn khách như đơn đặt hàng của các bầu sách đang nhăm nhe vào gu đọc sách diễm tình của bọn trẻ. Cụ thể, chỉ cần nêm vào hũ mực văn chương một giọt éo le trắc trở, một muỗng diễm tình, một thìa oan trái, rắc vào một chút hiểu lầm, pha một chút giận hờn, một chút chia ly cách trở, một chút nước mắt, và không thể thiếu căn bệnh ung thư hoặc đụng xe, thì có lẽ món cocktail văn chương của hắn sẽ dễ ngửi hơn chăng? Dịu nghiêm cẩn đặt ra giả thuyết này và coi đó như là ranh giới của một nhà văn lương thiện và một nhà văn bất lương. Nhà văn lương thiện thì thay đổi độc giả. Nhà văn bất lương thì bị độc giả thay đổi. Con chữ và ngôn ngữ là vốn sẵn có của dân tộc, của toàn xã hội. Nhà văn không tốn tiền mua nó. Và Dịu cũng biết rõ, tiền không mua được thứ hắn cần.

Thế nên cho đến giờ, Dịu vẫn ngoan cố viết lách với ý muốn thay đổi độc giả, tức là làm một nhà văn lương thiện, phần nào đồng nghĩa với việc không đi làm tiền. Một phần rất lớn là vì vợ vẫn khích lệ và tin tưởng định hướng của hắn. Đời Dịu không cần làm ra tiền. Vì đã có vợ làm thay. Vợ Dịu lại rất thạo việc này. Nàng tinh tế và dịu ngọt cho hắn cảm giác không thiếu tiền. Nàng là nước Mỹ hào phóng của hắn.

Và lẽ dĩ nhiên, trong lãnh thổ hào phóng đó, chính khách thì đi họp, học viên thì đi học, viện sỹ thì đi nghiên cứu, doanh nhân thì đi kiếm tiền, bác sỹ thì đi khám chữa bệnh, ca sỹ thì đi hát, người mẫu thì đi diễn, lao công thì đi quét dọn, trẻ em thì đi chơi, nhà văn thì đi viết văn, kẻ thất nghiệp thì đi kiếm việc làm… Và theo lẽ đó, người người ai ai cũng có lý do để tồn tại và mong đợi. Chính khách mong đợi những thông cáo chung. Học viên mong đợi lĩnh hội tri thức. Viện sỹ mong đợi những khám phá mới. Doanh nhân mong đợi sự giàu có. Bác sỹ mong đợi chữa được ung thư. Ca sỹ mong đợi khắc tên trên Đại lộ Danh vọng. Người mẫu mong đợi lên sàn catwalk. Lao công mong đợi mọi thứ sạch sẽ. Trẻ em mong đợi cuối tuần đến Disneyland. Nhà văn mong đợi chí ít tác phẩm của mình phải không giống ai. Kẻ thất nghiệp mong đợi trợ cấp thất nghiệp từ chính phủ. Vân vân và vân vân…

Tuy thế, song song tồn tại với xã hội hào phóng trong mơ đó, với chút ít trí tưởng tượng của nhà văn, cộng hưởng với những diễn tiến của thực tại, Dịu dễ dàng hình dung ra một xã hội phẩy mà ở đó: chính khách thì đi diễn, học viên thì đi khám chữa bệnh, viện sỹ thì đi học, doanh nhân thì đi hát, bác sỹ thì đi kiếm tiền, ca sỹ thì đi nghiên cứu, người mẫu thì đi viết văn, lao công thì đi chơi, trẻ em thì đi quét dọn, nhà văn thì đi họp,… Dịu cảm thấy khoái trá với suy tưởng này vì nó thực sự điên khùng và không giống ai. Quả là một suy tưởng không giống ai về một xã hội điên khùng.

6

Một buổi chiều tan tầm đẹp trời vì mặt trời tháng Tám đi ngủ muộn, “nàng nước Mỹ” vợ hắn đi làm về, bước vào phòng lẳng lặng không nói năng gì, thả cái túi xách đánh bẹp xuống sàn, rồi đổ người xuống tấm nệm cái rầm. Nghe thấy thế, dù đang chúi mũi tập trung gõ gõ trên máy đánh chữ ở bàn viết văn, hắn cũng bỏ dở để ngồi xuống giường hỏi thăm vợ.

“Em có làm sao không?”, giọng hắn ân cần.

“Em không sao.”, vợ hắn vẫn úp mặt vào gối mệt mỏi đáp.

“Em mệt à?”, hắn gặng hỏi.

“Không. Em không sao mà. Anh đừng lo.”, vợ hắn rầu rĩ đáp.

“Công ty lại xảy ra chuyện gì à?”, hắn gặng hỏi.

“Vẫn bình thường mà anh. Công việc nào mà không có áp lực hả anh?”, giọng nàng nhõng nhẽo pha chút bực giọc. “Anh để em nằm một lúc được không?”

“Ừ, vậy em nghỉ ngơi đi, anh viết tiếp đây.”, nói xong hắn lại ngồi vào bàn viết.

Nhưng hắn không viết được nữa. Thi hứng của hắn bị gián đoạn bởi sự mệt mỏi của vợ. Hắn nghĩ ngợi về sự bất ổn của vợ. Rõ là nàng đang bất ổn. Rồi hắn nghĩ rộng ra về sự bất ổn nói chung, đại loại: Sự bất ổn là gì? Có mấy loại bất ổn? Loại bất ổn nào nguy hiểm nhất? Sao con người ta hay gặp bất ổn? Những gì khiến cho con người cảm thấy bất ổn?…

Căn phòng im lặng khác thường ngày. Hắn không nghe vợ kể chuyện gì về công ty như mọi khi. Vợ hắn cũng không nghe tiếng gõ phím và rung đùi quen thuộc. Một quãng im lặng tiềm tàng. Một quãng im lặng khả nghi.

Cuối cùng, vợ hắn cũng nhẹ nhàng phá vỡ im lặng:

“Em muốn nghỉ việc được không anh?”

Hắn bình thản quay lại hỏi, trong bụng chắc mẫm, chắc lại làm nũng đây mà:

“Sao thế? Thằng nào trong công ty lại tán tỉnh em à?”

“Không. Chỉ là vì em không muốn đi làm nữa.”

“Không đi làm thì em muốn gì?”, hắn bắt đầu càu nhàu bởi ý nghĩ quái gở của vợ.

Giọng vợ hắn rầu rĩ, như con mưa nhỏ bắt đầu rả rích:

“Em không biết. Giờ em không rõ là mình muốn gì.”

Nàng ậm ừ một lúc rồi tiếp, giọng nàng ai oán như có một nỗi gì sâu sắc lắm:

“Ngày nào cũng đến công ty, ngày nào cũng cắm đầu vào máy vi tính và sổ sách, điện thoại, hợp đồng. Ngày nào cũng chạy deadline như chạy lũ. Sao bọn họ cứ phải chạy như thế? Ở đâu cũng thấy chạy. Làm gì cũng thấy chạy. Người ta không đứng lại một lúc được sao anh? Em thấy chán, thấy vô nghĩa lý.”

Ngắt một quãng ngắn, vợ hắn tiếp:

“Mình làm một cái gì đó có nghĩa đi anh?”

Dịu đợi nàng bung bỏ hết những gì bực bội, rồi nói:

“Thế theo em là việc gì? Sao hôm nay bỗng dưng em lại có thời gian để suy nghĩ về nghĩa lý thế.”

“Mình có con được chưa anh?”, giọng vợ hắn nài nỉ với một tia sáng le lói trong ánh mắt.

Hắn lắc đầu nguầy nguậy:

“Chưa được em à. Anh cần viết thêm vài thứ nữa. Giờ mà làm bố thì khác nào anh phải lao ra đường kiếm tiền. Ngoài đó đầy rẫy những mánh lới, lừa lọc, phảm phúc em à. Em có thể cho anh hồn nhiên thêm một thời gian nữa, được không? Chưa viết được cái gì hay ho, anh chưa sẵn sàng cam tâm buông bút.”, giọng hắn cũng khẩn khỏa không kém.

“Vậy mình trở lại Sài Gòn lê la café vỉa hè như thời sinh viên được không anh?”, tia sáng trong ánh mắt vợ hắn sáng hơn.

“Em muốn sống lại thời sinh viên khổ cực vô định  đó à. Vất vưởng như thế liệu em có chịu được không?”, hắn nhau mày vẻ khó tin.

Vợ hắn nói mơ màng như người đi trong cơn mộng du, nhưng vẫn có một cái gì đó cương quyết:

“Em chịu được. Không chịu được khổ cực thì sao yêu được nhà văn! Ở Sài Gòn, anh tha hồ lê la, tha hồ gặp gỡ, tha hồ viết lách. Còn em, được theo anh chỗ này chỗ kia, uống một ly café giữa công viên, ngồi ngắm một con nắng. Tối đến chúng mình lại ra nhà hát lớn, lại uống café và ngắm đèn đường.”

Nàng im lặng, khấp khởi chờ hắn nghĩ ngợi. Im lặng một hồi lâu, hắn mỉm cười âu yếm nói:

“Được. Vậy thì ta đi thôi.”

7

Sáng sớm, khi ánh nắng còn chưa kịp hoan ca nhảy nhót trên mặt biển, hay đánh đu trong những vòm cây, chiếc Vespa cổ đã bon bon trên đường. Tiếng máy lạch bạch nổ, như dội về những âm thanh cổ xưa của dĩ vãng. Làn khói trắng tỏa ra từng ống pô, lan tỏa thành một vệt dài mờ ảo trên đường.

Con đường sáng sớm trống trơn và tinh khôi. Thi thoảng ngược chiều có vài ba chiếc xe rau phân phối về các chợ lẻ. Ông chồng nông dân ngồi trước lái xe, gương mặt lấm lem bụi đường và sương gió bao ngày. Bà vợ nông dân vừa ngủ vừa ngồi, cheo leo trên một gánh rau lớn phía sau, vòng tay ôm ông chồng thật chặt. Lúc ngủ, gương mặt bà vợ vẫn giữ một nụ cười mệt nhọc. Trời còn chưa sáng đủ để thấy rõ ràng mọi thứ, nhưng Dịu thấy, hai vợ chồng nông dân ấy đang mỉm cười hạnh phúc.

Phía sau Dịu, “nàng nước Mỹ” cũng vòng tay ôm chặt lấy Dịu và thiu thiu ngủ trên lưng hắn. Gã mỉm cười nghĩ ngợi xa xôi.

Suốt quãng đường dài, cái miệng Dịu nhẩm đi nhẩm lại một ca khúc mà hắn mới phịa tức thì về cuộc đời này:

“Xã hội này đầy rẫy bất ổn, người đi làm lại muốn đi chơi. Xã hội này đầy rẫy bất ổn, người đi chơi lại muốn đi làm. Kệ nó đi. Mặc nó thôi. Nà na nà nà ná na na, nà na na nà ná na nà… Kệ nó đi. Mặc nó thôi…”

26/5/2024

Hoa Níp

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1 Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lạ...