Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc 7

Nhân Văn Giai Phẩm
và vấn đề Nguyễn Ái Quốc 7

Chương 23

Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997)

Ngày 30/10/1956, Nguyễn Mạnh Tường diễn thuyết 6 tiếng trước Mặt Trận Tổ Quốc tại Hà Nội - 3 giờ buổi sáng, 3 giờ buổi chiều - về những sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất. Trường Chinh, Xuân Thủy và Dương Bạch Mai yêu cầu ông viết lại nội dung cuộc nói chuyện ứng khẩu thành văn bản. Ông viết lại với tựa đề: "Qua những sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo", đánh máy làm hai bản, trao cho Trường Chinh và Xuân Thủy, chỉ giữ lại bản nháp viết tay. Bài chính luận sâu sắc, chủ đích phân tích những sai lầm của chế độ, từ Cải Cách Ruộng Đất ở thôn quê, sang Cải Tạo Tư Sản, quản lý mậu dịch ở thị thành, chỉ ra nguồn cội của sai lầm: vì chế độ chính trị không dân chủ; và trình bày phương pháp sửa đổi: thực hiện những nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền, trong một chế độ dân chủ.

Bài tham luận được gửi sang Rangoon, thủ đô Miến Điện, rồi đến Pháp - theo Hoàng Văn Chí. Vậy Trường Chinh và Xuân Thủy, ai là người chuyển băn bản Nguyễn Mạnh Tường ra ngoại quốc, và để làm gì? Để cho quốc tế biết tình hình miền Bắc Việt Nam hay để buộc tội tác giả?

Nguyễn Mạnh Tường bị kiểm điểm rồi bị đuổi khỏi đại học, sống trong hơn 30 năm sa mạc. 40 năm sau, ông viết tiểu thuyết Une voix dans la nuit (Tiếng vọng trong đêm) về ba chính sách nòng cốt trong thời kỳ xây dựng chế độ Cộng sản ở miền Bắc: Cải Cách Ruộng Đất, Cải Tạo Tư Sản, và Thanh Trừng Trí Thức. Ông gửi bản thảo sang Paris. Đây là một trong 7 tác phẩm được hoàn tất trong giai đoạn cuối đời, tất cả viết bằng tiếng Pháp, về hơn 60 năm ông sống dưới chế độ cộng sản. Ngoại trừ cuốn Un excommunié - Kẻ bị khai trừ, được Quê Mẹ in năm 1992 tại Paris, các tác phẩm khác, chưa in.

Tại Paris trong bốn tháng -4/1989-1/1990- ông trả lời nhiều cuộc phỏng vấn, được ghi âm, viết lại, in trên báo, và riêng chúng tôi cũng có dịp gặp ông, nhờ đó, nhiều vấn đề được sáng tỏ hơn.

Ngày 27/7/2003, bác sĩ nha khoa Nguyễn Văn Lung (1916-2009)956 người tích cực hoạt động cho tổ chức Francophonie - Khối Pháp ngữ gửi đến chúng tôi một tập tài liệu quan trọng về giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, với lời ghi: "Tôi xin gửi tới chị một số tài liệu về anh Tường để chị sẽ làm hương hồn anh trở lại với chúng ta". Và ông Lung đề nghị cùng chúng tôi làm một chương trình về luật sư Nguyễn Mạnh Tường trên đài RFI, dưới dạng phỏng vấn, bởi ông biết rõ con người và đã được đọc nhiều tác phẩm chưa in của Nguyễn Mạnh Tường. Đang chuẩn bị, thì ông được thư của bà Nguyễn Mạnh Tường tỏ ý lo ngại, ông đành phải hoãn cuộc phỏng vấn, đợi khi nào thuận tiện hơn. Tuy nhiên ông căn dặn chúng tôi có toàn quyền sử dụng tập tài liệu này trong khuôn khổ văn hoá. Cũng xin nói thêm, Nguyễn Văn Lung và Joël Fouilloux, là hai người có giấy ủy quyền của Nguyễn Mạnh Tường về việc in các tác phẩm của ông ở ngoại quốc. Chúng tôi đang chờ đợi một dịp thuận tiện để công bố những tư liệu này, thì ông Nguyễn Văn Lung đột ngột qua đời tại Paris ngày 8/10/2009.

Trong tập tài liệu này, ngoài hình ảnh, thư từ viết bằng tiếng Pháp, trao đổi giữa Nguyễn Mạnh Tường và Nguyễn Văn Lung cùng một số người Pháp, về vấn đề Francophonie, về việc in sách của luật sư tại Pháp, còn có bản chụp hai cuốn Contruction de l'Orient - Apprentissage de la Méditerranée - Xây dựng Đông phương - Kinh nghiệm Địa Trung Hải và Le voyage et le sentiment - Du hành và cảm xúc, kịch. Ngoài ra, có một bản đánh máy, kê khai gần đủ các tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tường, phần lớn chưa in, và nhất là bản thảo đánh máy cuốn Une voix dans la nuit - Tiếng vọng trong đêm do Nguyễn Mạnh Tường sửa lỗi.

Qua những tư liệu này, chúng tôi sẽ dựng lại chân dung Nguyễn Mạnh Tường, chủ yếu dẫn trích từ các tác phẩm và từ lời nói của ông trong các buổi gặp gỡ, trả lời phỏng vấn Phạm Trần, Hoà Khánh, ở Paris, và giáo sư Nguyễn Văn Hoàn, học trò ông ở Hà Nội.

Phần thứ hai, chúng tôi sẽ giới thiệu tác phẩm Une voix dans la nuit, cho tới nay, là cuốn sách duy nhất do một trí thức tự do viết về những bi kịch đau thương còn khép kín. Như các tác phẩm khác của Nguyễn Mạnh Tường, Une voix dans la nuit, có bút pháp mạnh mẽ, đầy hấp lực và hình ảnh, mỉa mai châm biếm, chặt chẽ trong lập luận pháp lý, là sự đồng quy của văn chương và luật pháp trong một ngòi bút nhà văn. Tập tài liệu của nha sĩ Nguyễn Văn Lung trao cho chúng tôi năm 2003, với những bút tích quý giá này, sẽ được gửi về Viện Bảo Tàng Văn Học hoặc Lịch Sử, khi điều kiện cho phép.

Ở trong nước, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh 16/9/1909 - 16/9/2009, qua một số bài viết, Nguyễn Mạnh Tường được thần tượng hoá trở lại, với những mỹ từ "thông minh siêu việt, lưỡng khoa tiến sĩ, kỷ lục chấn động học đường nước Pháp, nhà sư phạm lỗi lạc"... Những điều đó ít nhiều có thật, tiếc rằng còn một sự thật đáng nói hơn là cuộc đời và tác phẩm của ông, hiện vẫn bị chôn vùi trong bóng tối.

Duy chỉ có giáo sư Nguyễn Văn Hoàn là trung thành với lời nói của thày Tường, còn một số học trò cũ, nay đã thành các nhà giáo nhân dân, không ngần ngại xoá bỏ quãng đời sa mạc hơn 30 năm của thầy Tường, để thay thế bằng một sự nghiệp liên tục tốt đẹp, không vết phong trần, ông Trần Văn Hà, giáo sư tiến sĩ, viết: "Chiến thắng Điện Biên Phủ, hoà bình được lập lại, toàn gia đình giáo sư Nguyễn Mạnh Tường mới trở về Hà Nội. Giáo sư tiếp tục giảng dạy tại trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội và làm việc tại Viện Nghiên Cứu Giáo Dục từ 1954 đến 1970. Từ khi nghỉ hưu, giáo sư dạy Pháp ngữ tại nhà theo yêu cầu, và theo đuổi những công trình khoa học của mình."957

Viết không đúng sự thực là cách chôn thày thêm lần nữa, đáng ngại là nó xẩy ra ở những ngòi bút của các giáo sư đại học, mà sự chính xác phải là châm ngôn giảng dạy:

Ví dụ, về việc Nguyễn Mạnh Tường gặp chủ tịch Hồ Chí Minh trong đại hội "Liên hoan anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc" năm 1952 ở Việt Bắc, ông Nguyễn Đình Chú, nhà giáo nhân dân, cho rằng: "Riêng đối với giáo sư [NMT] đây là những giây phút (...) gắn bó thiêng liêng máu thịt giữa giáo sư với cách mạng, với lãnh tụ, đến mức cực độ". Không biết ông căn cứ vào đâu mà viết như vậy, bởi Nguyễn Mạnh Tường là người rất thận trọng trong lời nói cũng như chữ viết, khó có thể tìm thấy một tình cảm "cực độ" của ông đối với một đối tượng nào.

Riêng về đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ, Hoàng Cầm kể lại như sau: Năm 1952, tôi đem đội văn công của tôi đi phục vụ Đại Hội Chiến Sĩ Thi Đua Anh Hùng Toàn Quốc. Đó là đại hội đầu tiên bầu ra các mặt anh hùng lao động, công nghiệp, nông nghiệp, quân đội... Tôi phải phục vụ đại hội trong 10 ngày, tôi nhìn thấy Trần Đức Thảo và Nguyễn Mạnh Tường và có nói chuyện với hai ông. Trong đại hội, bác Hồ có phát biểu một câu ngăn ngắn thôi về trí thức: "Trí thức là những người mà nếu đứng về phía nhân dân làm việc phục vụ nhân dân tốt thì xứng đáng gọi là trí thức xã hội chủ nghiã, còn nếu trí thức chỉ có sách vở chẳng làm gì thực tế để giúp cho đời sống của nhân dân thì cái trí thức ấy không bằng cục phân". Tôi nghe thấy hơi khó chịu, kể ra thì cũng đúng đấy, nhưng mà người đứng đầu một nước không nên nói như thế, nhất là cái câu ấy ông Mao đã nói ở bên Trung Quốc rồi, ông Hồ chẳng qua chỉ nhắc lại thôi"958. Trong bối cảnh ấy, làm sao nhà trí thức Nguyễn Mạnh Tường có thể "cảm thấy gắn bó thiêng liêng máu thịt với cách mạng và lãnh tụ đến cực độ được?" Hoặc để chứng minh những "vinh quang chói lọi" của thày Tường, ông Nguyễn Đình Chú không ngần ngại xác định: "thân phụ là một công nhân", "Nguyễn Mạnh Tường đã liên tiếp tốt nghiệp cao đẳng văn chương, cử nhân văn chương, cử nhân luật khoa, làm luật sư toà thượng thẩm Montpellier, cao đẳng ngôn ngữ, và văn tự cổ"; và luận án tiến sĩ được phê "siêu ưu" (ông dịch chữ très bien)959. Chẳng hiểu Pháp có các bằng cao đẳng văn chương, cao đẳng ngôn ngữ, và văn tự cổ từ thủa nào? Và Nguyễn Mạnh Tường chỉ mới tập sự luật sư, khi ở Pháp.

Ông Phong Lê, giáo sư, Viện trưởng Viện Văn Học, viết: "Năm 1928, đỗ cao đẳng văn chương, năm 1929, đỗ cử nhân văn chương, cũng năm 1929, đỗ cử nhân Luật. Năm 1931, đỗ cao đẳng ngôn ngữ văn tự cổ (tức chữ La Tinh và Hy Lạp cổ). Rồi ông giải thích thêm: "Mà cử nhân thì còn lâu mới đến Tiến sĩ, sau khi vượt được cái ngưỡng cửa Thạc sĩ. (Lúc này tất cả các thầy Pháp ở Đại học Đông Dương đều mới chỉ có bằng Thạc sĩ)"960. Thì ra các giáo sư Nguyễn Đình Chú và Phong Lê chẳng hiểu gì về văn bằng ở Pháp. Riêng ông Phong Lê còn nhầm Thạc Sĩ - Agrégé của Pháp, một kỳ thi tuyển rất khó, với văn bằng hiện nay ở Việt Nam gọi là Thạc Sĩ, tương đương với Maîtrise của Pháp, hay Master của Mỹ. Khi dịch Maîtrise hay Master thành Thạc Sĩ, Bộ Giáo Dục, vì không hiểu lịch sử của hai chữ Thạc Sĩ, nên đã gây lầm lộn như thế.

Thạc sĩ là một kỳ thi tuyển - concours chọn các giáo sư của Pháp để dạy các trường trung học, là thạc sĩ văn chương, khoa học, hay đại học là thạc sĩ luật hay y khoa - nay đã bỏ. Để dự thi thạc sĩ văn chương hay khoa học, thí sinh phải có bằng cử nhân- licence ngày trước, maîtrise hiện nay, riêng thạc sĩ luật và y khoa đòi hỏi phải có bằng tiến sĩ.

Việt Nam có Nguyễn Mạnh Tường đỗ 2 bằng Tiến sĩ quốc gia năm 1933, Phạm Duy Khiêm đỗ thạc sĩ văn chương năm 1935, Hoàng Xuân Hãn, thạc sĩ toán năm 1936,... sau này về y khoa có thạc sĩ Trần Đình Đệ... đều là những người học giỏi nổi tiếng. Cũng xin nói thêm rằng Pháp coi ngành giáo dục rất mực quan trọng, cho nên, những người đậu thạc sĩ văn chương hay khoa học, là những phần tử ưu tú hàng đầu của nước Pháp, được đưa vào dạy trung học. Việc dạy trung học, không có nghiã là bằng thạc sĩ yếu thế hơn bằng tiến sĩ, mà chứng tỏ Pháp coi việc rèn luyện học sinh trung học quan trọng hơn việc dạy đại học, vì bậc trung học mới là nền tảng của thanh niên. Nguyễn Mạnh Tường, tuy đỗ bằng tiến sĩ, sau này dạy đại học, nhưng cũng như tất cả những tiến sĩ khác ở Pháp, ông không thể không kính trọng những người như Phạm Duy Khiêm, Hoàng Xuân Hãn, đỗ bằng thạc sĩ mà chỉ dạy trung học.

● Tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tường

Trong lá thư đề ngày 16/8/1994 gửi Nguyễn Văn Lung, Nguyễn Mạnh Tường viết: "Tôi vẫn tiếp tục làm việc, dậy học và hoàn tất cuốn tiểu thuyết mới nhất Palinodies- Phủ nhận, cuốn sách thứ 18 của tôi". Như vậy tạm coi Palinodies là tác phẩm cuối cùng, và là cuốn sách thứ 18 của ông.

Với những tư liệu hiện hành, xin tạm kê khai những tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tường như sau:

 Thời kỳ 1932, các luận án, tác phẩm Pháp văn:

1/ L'Individu dans la vieille cité annamite- Essai de synthèse sur le Code de Lê - Cá nhân trong xã hội cổ Việt Nam - Tổng luận Luật Hồng Đức: Luận án tiến sĩ Luật.

2/ Essai sur la valeur dramatique du théâtre d'Alfred de Musset - Giá trị bi kịch trong tuồng của A. Musset, luận án chính (thèse principale), tiến sĩ văn chương.

3/ L'Annam dans la littérature française, Jules Boissières - Việt Nam trong văn chương Pháp, tác phẩm của Jules Boissières, luận án phụ (thèse complémentaire), tiến sĩ văn chương.

 Thập niên 1940, tác phẩm Pháp văn:

4/ Sourires et larmes d'une jeunesse - Nụ cười và nước mắt tuổi trẻ, Revue Indochinoise, Hà Nội, 1937.

5/ Construction de l'Orient - Pierres de France - Xây dựng Đông Phương - Nền tảng Pháp, Revue Indochinoise, 1937.

6/ Construction de l'Orient - Apprentissage de la Méditerranée - Xây dựng Đông Phương - Kinh nghiệm Địa Trung Hải, Collection Tendances, Hà Nội, 1939.

7/ Le voyage et le sentiment - Du hành và cảm xúc, kịch ba màn, Collection Tendances, Hà Nội, 1943.

 Sau 1950, tác phẩm Việt văn:

8/ Một cuộc hành trình, nửa hồi ký, nửa nghị luận. Hành trình một người trí thức tham gia kháng chiến, Minh Đức, Hà Nội, 1954.

 Sau 1958, tác phẩm Việt văn:

9/ Lý luận giáo dục Âu châu thế kỷ XVI, XVII, XVIII, từ Erasme tới Rousseau - Doctrines pédagogiques de l'Europe du XVI au XVIIIe siècle, d'Erasme à Rousseau, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994.

10/ Eschyle và bi kịch cổ đại Hy Lạp - Eschyle et la tragédie grecque, nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1996.

11/ Orestia, dịch và chú giải bi kịch của Eschyle sang tiếng Việt. Chưa in.

12/ Virgile, nhà thơ vĩ đại của thời kỳ La Mã cổ đại Tên gốc:Virgile và anh hùng ca La tinh - Virgile et l'épopée latine, nxb Khoa Học Xã Hội, 1996.

Bắt đầu viết tự truyện, tiếng Pháp: Larmes et sourires d'une vieillesse.

 Sau khi đi Pháp về (1990-1994), hoàn tất các tác phẩm, Pháp văn:

13/ Larmes et sourires d'une vieillesse - Nụ cười và nước mắt tuổi già, tự truyện, ba cuốn, chưa in.

14/ Triptyque - tạm dịch: Bức họa ba tấm, chưa in.

15/ Un excommunié - Kẻ bị khai trừ, Quê Mẹ, Paris, 1992.

16/ Malgré lui, malgré elle - Mặc hắn, mặc nàng (l'amour conjugal sous le régime communiste - tình yêu vợ chồng dưới chế độ cộng sản). Chưa in.

17/ Partir, est ce mourir?- Đi là chết? (Tragédie de l'émigration - Bi kịch di dân). Chưa in.

18/ Une voix dans la nuit - Roman sur le Việt Nam 1950-1990 - Tiếng vọng trong đêm - Tiểu thuyết về Việt Nam từ 1950 đến 1990. Chưa in.

19/ Palinodies - Phủ nhận. Chưa in.

Trừ bản dịch Orestia, thì đúng Nguyễn Mạnh Tường đã viết 18 cuốn sách, kể cả các luận án tiến sĩ.

Ngoài bốn cuốn tiếng Việt, phần còn lại, để bảo vệ tự do của ngòi bút, để thế giới có thể đọc được, để giữ an ninh cho gia đình và bảo toàn bản thảo, Nguyễn Mạnh Tường đã chọn tiếng Pháp. Vì vậy, muốn đọc và hiểu ông, cần phải biết tiếng Pháp, hoặc phải có bản dịch. Văn chương điêu luyện của ông không dễ dịch, bản dịch Un excommunié - Kẻ bị mất phép thông công của Nguyễn Quốc Vĩ961 mới chỉ là bản đầu tiên, chưa diễn đạt được văn phong uy vũ của Nguyễn Mạnh Tường. Ngay trong cái tựa Un excommunié, tác giả đã có ý so sánh chế độ cộng sản như một giáo hội cuồng tín, loại trừ kẻ ngoại đạo - những người không cộng sản - vì vậy, nên dịch theo nghiã bóng Kẻ bị khai trừ, hơn là dịch theo nghiã đen, Kẻ bị mất phép thông công, yếu và khó hiểu.

● Con đường hoà hợp văn hoá Đông Tây

Nguyễn Mạnh Tường sinh ngày 16/9/1909 tại phố Hàng Đào, nguyên quán: xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Mất ngày 13/6/1997 tại nhà riêng, 34 Tăng Bạt Hổ, Hà Nội. Cha: Nguyễn Căn Cát, công chức.

Năm 1937, kết hôn với cô Tống Lệ Dung, có ba con: Nguyễn Tường Hưng và Nguyễn Dung Nghi, Nguyễn Dung Trang. Học tiếng Pháp từ nhỏ ở Collège Paul Bert, rồi lycée Albert Sarraut, Hà Nội. 1925,16 tuổi, đậu Tú Tài Triết Học hạng ưu. Được học bổng sang Pháp học Luật và Văn Chương tại đại học Montpellier.

1927, đậu cử nhân văn chương với 4 chứng chỉ: văn chương Pháp, văn chương Hy Lạp, văn chương La Tinh và Bác ngữ học - Philologie. 1930, đậu cử nhân Luật. Dự định thi tuyển Thạc Sĩ - concours d'agrégé để dậy học, nhưng vì quốc tịch Việt nên không được thi. Sửa soạn luận án tiến sĩ quốc gia - doctorat d'état. Trong thời gian làm luận án, ông thực tập luật sư tại toà Phúc Thẩm Montpellier.

Tháng 5/1932, Nguyễn Mạnh Tường bảo vệ luận án tiến sĩ Luật, đề tài: L'Individu dans la vieille cité annamite - Essai de synthèse sur le Code de Lê - Cá nhân trong xã hội Việt Nam cổ - Tổng luận Luật Hồng Đức. Tháng 6/1932, bảo vệ luận án tiến sĩ văn chương với luận án chính: Essai sur la valeur dramatique du théâtre d'Alfred de Musset - Giá trị bi kịch trong tuồng của A. Musset và luận án bổ túc: L'Annam dans la littérature française, Jules Boissières962- Việt Nam trong các tác phẩm của Jules Boissières.

Trả lời phỏng vấn của Phạm Trần tại Paris, năm 1989, Nguyễn Mạnh Tường giải thích:

"Chính sách đàn áp của thực dân (đặc biệt sau vụ nổi dậy của Việt Nam Quốc Dân Đảng), chương trình học, cũng như mặc cảm lạc hậu về đất nước khiến người trí thức hồi đó dễ xa lìa mạch sống dân tộc. Thế nên, cái vấn nạn lớn nhất của chúng tôi thời đó là làm cách nào để dung hợp hai nền văn hoá Đông Tây đối chọi nhau. (...) Để hoà hợp, căn bản đầu tiên là phải hiểu nhau. Hai nền văn hoá phải cho nhau biết bản sắc, lề lối suy nghĩ (mentalité) của mình. Từ đó, gạn đục khơi trong để tổng hợp. Và căn bản nghiên cứu của tôi phát xuất từ nhận định đó. Tôi khảo sát nét hay của văn minh Âu. Tôi mơ ước đem văn minh vật chất Âu kết vào vũ trụ tình cảm Đông (...)

Ngay từ khi viết luận án, tôi đã mang ý hướng ấy. Luận án Luật tôi dành cho Việt Nam. Tôi khảo sát cái chủ nghiã cá nhân (một sản phẩm đặc thù Âu Tây), đã thể hiện ra sao trong văn hoá Việt, cụ thể qua Luật Hồng Đức (thế kỷ XV), một bộ luật còn mang nhiều dân tộc tính. Đề tài chính của luận án văn, tôi dành cho văn hoá Pháp; đề tài phụ tôi dùng J. Boissières để kết nối Đông Tây. Boissières đã vẽ lại bức tranh xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX và đã đặt chính sách thực dân trước những vấn nạn lương tâm khó xử"963.

● Đậu hai bằng tiến sĩ ở tuổi 22

Một trường hợp hiếm có ở đại học. Nguyễn Mạnh Tường thành công vì làm việc cật lực:

"Từ lớp sáu cho tới tú tài, mỗi tuần tôi có thói quen đọc 2 cuốn tiểu thuyết Tây. (...) và nhất là do cật lực làm việc: suốt 5 năm dài, mỗi sáng tôi thức dậy từ 4 giờ, học và viết tới 8 giờ thì đi lớp; chiều lại học tới khuya"964.

Tháng 9/1932, ông về nước 3 tháng, rồi lại sang Pháp. Việc này, trong các bài trả lời phỏng vấn ở Paris, không thấy ông nói đến. Một số người đưa ra thuyết: "chính quyền thực dân Pháp không muốn dùng ông. Không tìm được việc làm xứng đáng với học vị của mình, ông lại sang Pháp"965. Nhưng theo Nguyễn Văn Hoàn, thì Nguyễn Mạnh Tường kể lại rằng: "Về nước có hai viên mật thám, trong đó có Louis Marty gặp và gợi ý tôi vào làm việc với Bảo Đại, cấp bậc Thượng thư. Tôi từ chối, sau đó họ gây khó khăn, ở nhà ba tháng, tôi trở lại Pháp"966.

Chứng này có thể tin được vì Nguyễn Mạnh Tường và Bảo Đại cùng về nước tháng 9/1932, và bản thân ông muốn đứng về phía dân, không tham chính.

Tháng 12/1932, ông trở lại Paris. Từ 1933-1936: du lịch nhiều nước Âu Châu. "Thành thật nói, tôi đã trở thành một hiện tượng. Các báo ở Paris và Montpellier dành cả số nói về tôi. Có tờ coi sự thành công của tôi là một "sai lầm" của Pháp - ông muốn nói đến bài của Clément Vautel. Song hầu hết đều nói tốt. Cũng nhờ vậy mà nhiều đại học Âu Châu biết và mời tôi tới thăm. Tôi đã có dịp Âu du một vòng không mất tiền từ London sang La Haye xuống Bruxelles, Berlin, Athènes, Rome, Istanbul, Vienne, Madrid... Tôi còn nhớ trên đường từ Berlin về Vienne thời đó (1933) tôi ngang qua Munchen và tham gia cuộc biểu tình lớn của Hitler tổ chức."967

Chúng ta cũng nên đọc qua bài báo của Clément Vautel968 mà Nguyễn Mạnh Tường vừa nhắc, tiêu biểu cho khuynh hướng thực dân ngạo mạn và kỳ thị. Bài ngắn, chúng tôi dịch cả để độc giả thấy giọng điệu xỏ xiên này:

"Một tay An-nam-mít 22 tuổi, tên Nguyễn Mạnh Tường, vừa giật dễ dàng hai bằng tiến sĩ luật và văn chương ở đại học Montpellier. Hắn chỉ học có năm năm đã đoạt hai phẩm hàm cao nhất của phương Tây. Tay trí thức "da vàng" này, đặc biệt nổi trội khi trình luận án văn chương với đề tài tuồng Alfred de Musset, có thể dạy cho bọn bỉnh bút của ta một bài học đích đáng. Ban giám khảo đã có lời khen rồi, tôi chả có tư cách gì mà chêm vào nữa.

Thực đếm không xuể số trẻ Đông Dương đoạt đủ loại bằng cấp tại Pháp: chúng đạt những thành quả ở đại học mà bọn "rợ trắng" không khá bằng, thèm muốn.

Rất chăm chỉ, thông minh, lại đầy tham vọng, những tay Á châu này tháo gỡ như bỡn những bí quyết trong đỉnh cao học thuật của chúng ta, rồi về xứ rêu rao:

- Cái văn minh nức tiếng kia rút cục chỉ có thế ư? Xa trông tưởng ghê gớm, chứ đến gần, nào có ra gì!

Vì vậy, tôi tự hỏi, chúng ta chẳng đã phạm những nhầm lẫn sơ đẳng nhất, khi dạy cho các tướng này những bí quyết "văn hoá" của chúng ta, để khi về nước, chúng không còn tin vào tính ưu việt của giống nòi da trắng đang bảo hộ chúng.

Việc mở cửa cho bọn bản xứ vào các đại học của ta, và tưới xả láng chúng những bằng tiến sĩ này nọ, xem thì cũng ngộ đấy; nhưng chớ có ảo tưởng, coi đó là phương tiện xoá dấu vết xâm lăng để từ thời đại đô hộ nhẹ bước sang thời đại cộng tác.

Không phải tất cả những tên da vàng được ta bôi trát thứ chủ thuyết vị trí tuệ (intellectualisme) trắng này, sẽ xoay sang đỏ choé khi chúng về tới bờ sông Hồng, nhưng nhiều đứa trong bọn sẽ trở thành cán bộ của cái đảng cộng sản, mà ở Âu Châu, thì tuyên bố vô tổ quốc, nhưng về đến nền thuộc địa, lại rao giảng chủ nghiã quốc gia trăm phần trăm.

Thử hỏi làm sao mà khác cho được? Cái làm tôi ngạc nhiên, là một cô gái Đông dương -bởi có cả bọn sinh viên con gái da vàng nữa- về nước với bằng giáo sư sử học, tuyên bố: Chừ tôi mới chính là Jeanne d'Arc đây! Vậy mà ả vẫn chưa thành "Nữ Thánh đồng trinh đỏ" của cuộc cách mạng giải phóng.

Theo tôi, khôn ngoan ra, thì ta nên khai hoá dân bản xứ bằng chính cái văn miêng của chúng. Thử hỏi cái luận án của một tay An-nam-mít về tuồng hát của Musset, là cái giống gì? Dù tuồng đó có đậm đà, tinh tế, cao nhã, gì gì đi nữa, thì nó cũng chẳng làm cho kẻ bị đô hộ có cảm tưởng tốt đẹp về đạo đức của người đô hộ.

Đừng quên Gandhi cũng đã đỗ đạt ở bên kia bờ biển Manche, và, với cái guồng sợi của mình, hắn đã làm cho nước Anh rối loạn... Cứ từ từ, rồi một ngày, chúng ta cũng sẽ như vậy"969. Bài báo của Vautrel nói lên lòng căm thù chủng tộc và sự ganh tỵ nhân tài.

● Về nước, những sáng tác đầu tiên

Chuyến đi thăm miền Địa Trung Hải đã giúp Nguyễn Mạnh Tường viết 4 tác phẩm: Sourires et larmes d'une jeunesse, Construction de l'Orient - Pierres de France, Construction de l'Orient - Apprentissage de la Méditéranée và Le voyage et le sentiment.

Ông giải thích ý nghiã hai tác phẩm đầu:

"Tây cho Đông kỹ thuật, quan niệm về nhân quyền, về cái chừng mực và đa dạng của con người, về phương pháp suy tư và về một quan điểm đời sống. Và tôi đã viết hai cuốn: "Pierres de France (Nguyên liệu từ Pháp), "Apprentissage de la Méditérranée" (Học hỏi văn minh Địa Trung Hải) để diễn tả những điểm trên"970.

Hai cuốn sách còn lại, viết về sự xung đột giữa hai nền văn minh Đông Tây: "Sourires et larmes d'une jeunesse (Nụ cười và nước mắt tuổi thanh xuân) diễn tả cái xung đột giá trị nơi một thanh niên Việt thấm nhiễm văn hóa Tây. Chàng thanh niên được ví như đứa con hoang đàng trong Kinh Thánh, đã quen với nếp sống tự do, nay trở về bị truyền thống gia đình ràng buộc. Và chàng đã phải tự đấu tranh tìm một giải pháp dung hòa cho cuộc sống. Vở kịch Le voyage et le sentiment (Du hành và tình cảm) nói lên hai khía cạnh khác nhau giữa Đông (nặng tình cảm, thủy chung) và Tây (như một tay du lịch luôn đi tìm của lạ). Các sách đó tôi viết từ năm 1930-1940, chỉ xuất bản vài trăm cuốn mỗi thứ và đã hết hơn nửa thế kỷ nay. Giờ muốn in lại một ít mà đành chịu vì thiếu phương tiện"971.

Khác hẳn những người lớp trước như Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Văn Trường, Phạm Quỳnh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh... hoặc cùng thời với ông như Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Tiến Lãng (cả hai đều sinh năm 1909 như ông), Nguyễn Mạnh Tường sùng bái cái học Tây phương, trong khi những người kia, dù phục Tây phương, nhưng vẫn cho Đông phương là nguồn cội của tư tưởng.

Tóm lại, theo người thanh niên Nguyễn Mạnh Tường, để xây dựng một Đông Phương mới, chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm Địa Trung Hải, tức là học sự giao lưu văn hoá Ả Rập - Hy La ở vùng Địa Trung Hải. Giả sử hồi đó, ông đi Ấn Độ, thì tư tưởng của ông có thể thay đổi: bởi Ấn Độ mới là nơi loài người thực hiện sự giao lưu văn hoá sớm nhất và thành công nhất. Mặc dù triết học Ấn Độ là cha đẻ của triết học nhân loại và đền đài Ấn Độ là những kỳ công kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ Á Âu; nhưng Ấn Độ hiện hành, cũng như Ai Cập, Trung Hoa, vẫn còn là những nước "thứ ba". Vậy, văn minh-văn hoá và văn minh-khoa học; văn minh-văn hoá và dân chủ-tự do, có những tương quan như thế nào? Đó là những câu hỏi phức tạp khác.

Năm 1936, về nước, ông dạy văn chương Pháp ở trường Bảo Hộ972 và trường Cao Đẳng Công Chánh973: "Sau 5 năm đi du lịch, năm 1936 tôi về nước được vào dạy ở Trường Bảo Hộ (Trường Bưởi). Nhà ở số 1 Mai Xuân Thưởng, trông ra Hồ Tây, chỉ cách trường 200 mét. Đây là một quãng thời gian hạnh phúc của đời tôi. Đồng nghiệp thì có Hoàng Xuân Hãn dạy Toán, Nguyễn Văn Huyên dạy Sử, Kontum dạy Vật lý"974.

Ngoài ra, ông còn học thêm chữ nho và văn chương cổ điển Việt, tham gia phác họa cuốn Việt Nam Văn Phạm với nhóm Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, hợp tác làm Việt Nam Tự Điển với nhóm Khai Trí Tiến Đức: "Bỗng nhiên tôi nhớ năm 1936, sau chuyến về nước ở luôn, tôi bắt đầu học chữ nho và góp phần làm cuốn Việt Nam Văn Phạm của Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ, và cộng tác biên soạn tự điển Khai Trí Tiến Đức"975. Trong thời kỳ này, ông làm phụ tá cho thị trưởng Hà Nội. Georges Boudarel, trong bài nghiên cứu tựa đề Le tort de parler trop tôt - Sai lầm vì nói sớm quá, chủ đích dịch và giới thiệu bài Qua những sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất xây dựng quan điểm lãnh đạo với độc giả Pháp, đã phân tích khá rõ tâm trạng Nguyễn Mạnh Tường và thành phần ưu tú của đất nước theo Việt Minh năm 1945, như sau:

"Trở về Bắc Kỳ, năm 1936, ông dạy văn chương Pháp tại trường Bảo Hộ và trường Cao Đẳng Công chánh. Vì cứ in hoài những tập tiểu luận ngẫu hứng từ những ngày sống ở Pháp, đã để lại trong ông những cảm tưởng không phai mờ (...) cuối cùng, ông trở thành đệ nhị phụ tá cho Thị Trưởng thuộc địa Hà Nội.

Dù hết sức ngưỡng mộ Paris và nước Pháp (khó có thể làm hơn), nhưng tới giờ phút quyết định, Nguyễn Mạnh Tường trong sâu thẳm của tâm hồn, vẫn là người Việt. Dường như ông nghĩ, mình chỉ trung thành với những lý tưởng hun đúc ở Paris: độc lập, tự do, nhân quyền và dân quyền. Năm 1945, cùng toàn bộ thành phần ưu tú của dân tộc (kể cả các vị giám mục thời ấy), ông đi theo chính phủ Hồ Chí Minh"976.

1940, ông nghỉ dậy học, mở văn phòng luật sư: "Năm 1940, Pháp thua trận, Nhật đưa quân vào Đông Dương, lập ra một Hội Đồng, do Phạm Lê Bổng đứng đầu, vận động nông dân bán lúa, gạo cho Nhật. Họ muốn tôi tham gia nhưng tôi từ chối. Họ lại gây khó khăn, tôi nộp đơn xin từ chức, ra mở văn phòng luật sư ở phố Trần Hưng Đạo977 đây là nghề tôi đã tập sự bên Pháp"978.

Theo Nguyễn Đình Nhân, "Từ năm 1942 đến 1945: ông mở phòng luật sư chung với hai đồng nghiệp Trần Văn Chương979 và Vũ Văn Hiền"980.

Tháng 10/1945, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh lập thêm Đại Học Văn Khoa, Nguyễn Mạnh Tường được cử dạy văn chương Tây phương.

● Hội nghị Đà Lạt (17/4/1946 - 12/5/1946)

Hội nghị Đà Lạt họp từ 17/4/1946 đến 12/5/1946. Bàn về các vấn đề đã dự trù trong hiệp định sơ bộ 6/3/1946. Phía Việt Nam, Nguyễn Tường Tam làm trưởng phái đoàn, Võ Nguyên Giáp, phó. Phía Pháp, Max André, nghị sĩ, trưởng phái đoàn.

Chủ tịch các ủy ban: Hoàng Xuân Hãn, chính trị. Võ Nguyên Giáp, quân sự. Nguyễn Mạnh Tường, văn hoá. Trịnh Văn Bính, kinh tế và tài chính.

Về hội nghị này, trả lời Hoà Khánh ở Paris, năm 1990, Nguyễn Mạnh Tường cho biết:

"Năm 1946, một hôm, ông Nguyễn Hữu Đang, người sau này tham gia Nhân Văn Giai Phẩm và bị cộng sản kết án 15 năm tù, đến văn phòng luật sư của tôi nói là cụ Hồ mời tôi đến gặp Cụ có việc cần. Nguyễn Hữu Đang chở tôi đến cái chỗ sau này gọi là Phủ Chủ Tịch. Ở đó Vũ Đình Huỳnh, Vụ trưởng vụ Lễ Tân ra tiếp và đưa vào gặp Cụ Hồ. Cụ gọi tôi là Ngài. Cụ nói: "Như Ngài đã biết, chính phủ vừa ký kết với Pháp một bản tạm ước. Theo bản tạm ước ấy, sắp tới giữa ta và Pháp sẽ có một hội nghị quan trọng. Xin Ngài giúp soạn giùm cho một bản lập trường của chính phủ (thèse gouvernementale) để sử dụng như một cương lĩnh chỉ đạo cuộc hội nghị". Tôi đáp: "Công việc này quan trọng quá, xin cụ nhờ một người nào giỏi và có kinh nghiệm hơn tôi". Cụ Hồ nói: "Tôi đã hỏi ý kiến nhiều người và ai cũng bảo là chỉ có Ngài mới có thể làm được thôi". Cuối cùng, tôi nhận lời, về nhà, đóng cửa văn phòng luật sư, vận dụng tất cả kiến thức về luật pháp quốc tế cũng như những điều khoản căn bản của tạm ước để soạn bản lập trường. Đến khi đem trình, được Cụ Hồ chấp thuận và do đó, buộc tôi phải tham dự Hội Nghị Đà Lạt. (...)

Chỉ có một điều ít ai biết là, kết thúc cuộc hội nghị, hai bên đã tổ chức một bữa tiệc chung. Trong bữa tiệc ấy, tên tùy viên của thủy đô đốc D'Argenlieu đến cạnh tôi, nói là thủy đô đốc muốn gặp tôi để nói chuyện. Tôi bảo là tôi không phải trưởng đoàn do đó không có tư cách gì để gặp gỡ thủy đô đốc cả. Tên tùy viên lại bảo đây là sự gặp gỡ thân mật có tính cách cá nhân thôi chứ không phải để bàn bạc chuyện gì quan trọng cả. Nghe thế, tôi rời bàn tiệc ra ngoài hành lang gặp D'Argenlieu. Lúc ấy trong bàn tiệc ai cũng thấy cả. Và cuộc nói chuyện cũng rất vu vơ, thăm hỏi xã giao về công ăn việc làm thôi. Thế nhưng, về Hà Nội bỗng dưng lại có tin đồn là Nguyễn Mạnh Tường thông đồng với giặc, là Nguyễn Mạnh Tường bán nước.

- Luật sư có biết tin đồn đó phát xuất từ đâu không?

- Thì cũng phải có người phát thì nó mới động chứ. Tin đồn đó là cả một chiến dịch được tổ chức hẳn hoi. Anh Hoàng Xuân Hãn lúc ấy phải đến gặp hình như là Võ Nguyên Giáp thì phải, bảo Tường làm cái gì mà người ta lại tung tin đồn là nó bán nước, theo giặc ghê quá vậy. Nguy cho nó lắm. Mà nguy thật. Chỉ cần một phát súng, một mũi dao là xong đời chứ gì. Từ khi anh Hãn can thiệp, tin đồn ấy mới lắng xuống rồi biến mất"981.

Về việc này, Nguyễn Văn Hoàn ở Hà Nội, ghi như sau: "Lúc tiễn đoàn lên đường, cụ Hồ nói to: "Xin chúc anh em đi thành công, đặc biệt tôi có lời khuyên: Nội bộ đoàn kết, phải đấu tranh găng nhưng không được gãy". Hoàng Xuân Hãn có viết hồi ức về Hội nghị nhưng không nhắc lại chi tiết quan trọng này, tôi hỏi thì anh bảo quên!" (...)

Kết thúc hội nghị, D'Argenlieu có tổ chức tiệc trà tiễn Đoàn. Một sĩ quan hầu cận Pháp đến nói: Thủy Sư Đô Đốc muốn gặp riêng Ngài. Tôi nói: Tôi chưa hân hạnh được quen biết Ngài Thủy Sư Đô Đốc. Có anh em nói: Nó mời thì anh cứ đi, tôi đi xuyên qua phòng họp, đông khoảng một trăm người, đến gặp nó, chỉ toàn nói chuyện xã giao vớ vẩn. Thế mà khi về Hà Nội, có dư luận nói: "Tường là tay trong của Pháp, Tường phản quốc", Hãn tức, đến gặp Võ Nguyên Giáp, dư luận mới được dập tắt"982.

Boudarel viết: "Sau khi ở hội nghị về, Tường không được trao cho nhiệm vụ gì nữa, cũng như nhiều người yêu nước không cộng sản khác. Tuy vậy khi cuộc chiến bùng nổ ngày 19/12/1946, ông vẫn đi theo kháng chiến"983.

● Đi kháng chiến, nhưng không tham gia Mặt Trận Việt Minh

Ngày 19/12/1946, toàn quốc kháng chiến. Nguyễn Mạnh Tường đang biện hộ ở toà án Hải Phòng. Ông đi vòng xuống Nam Định để về Hà Nội, chuẩn bị gia đình tản cư. Trước khi đi, ông dâng toàn bộ tài sản cho cách mạng. Gia đình ông về Hà Nam, Ngô Khê. Pháp đánh Hà Nam, chạy sang Thái Bình. Thái Bình thuộc Liên khu Ba là một địa điểm tụ họp đông đảo trí thức văn nghệ sĩ. Tháng 10/1948, Hội Văn Nghệ Liên Khu Ba được thành lập. Theo Bùi Huy Phồn984 và Phạm Duy985 đây là thời kỳ đẹp nhất của kháng chiến: các trí thức, văn nghệ sĩ khuynh hướng khác nhau cùng hoạt động chung. Khi Pháp đánh Thái Bình, Chi Hội Văn Nghệ phải chuyển về Vĩnh Lộc, Thanh Hoá. Văn nghệ sĩ người về thành, người vào Khu Bốn tức Thanh Hoá vùng tướng Nguyễn Sơn.

Trả lời câu hỏi của Hoà Khánh ở Paris: Luật sư có thể cho biết luật sư đã tham gia phong trào Việt Minh và sau đó, tham gia kháng chiến như thế nào?

Nguyễn Mạnh Tường xác định: "Thật ra, tôi không hề tham gia Mặt Trận Việt Minh. Bao giờ tôi cũng là một người yêu nước, luôn luôn ưu tư đến việc giành lại độc lập cho đất nước. Tuy nhiên tôi tự xác định cho mình một vị trí là làm một người trí thức. Mà người trí thức, muốn độc lập, thì không nên tham chính. Do đó, tôi đã từng từ chối nhiều lời mời ra làm bộ trưởng của nhiều chính phủ. Người trí thức phải đứng về phía dân chứ không đứng về phía chính quyền. Người trí thức chỉ nên đứng ở lãnh vực thuần lý chính trị (politique spéculative), nghiên cứu, thúc đẩy các trào lưu.

Cách Mạng Tháng Tám làm tôi rất vui mừng. Tôi muốn đóng góp vào việc xây dựng đất nước trong hai lãnh vực sở trường của mình: luật học và nghiên cứu văn học"986.

Nguyễn Văn Hoàn ghi: "Năm 1946, tôi đang cãi ở Hải Phòng thì tiếng súng toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Tôi phải đi đường Nam Định để về Hà Nội, rồi tản cư đi Hà Nam, ở Ngô Khê. Nó đánh Hà Nam, chạy sang Thái Bình, ở Hưng Nhân. Nó đánh Thái Bình, chạy vào Thanh Hóa. Hồi dạy Dự Bị Đại Học, tôi ở dốc Đu, Thiệu Hóa, bên cạnh là nhà Hồ Đắc Liên, gần nhà Nguyễn Khánh Đàm, anh ruột nhà văn Nguyễn Tuân"987.

● Làm luật sư trong kháng chiến

Trong kháng chiến, Nguyễn Mạnh Tường cãi ở Toà Án nào? Và cãi cho ai? Một điều chắc chắn: ông cãi trong các toà án Kháng Chiến- tức là toàn án của Việt Minh. Vậy loại toà án nào? Vì sau này, trong thời Cải Cách Ruộng Đất, ông cho biết các Toà Án Nhân Dân không cần chánh án và luật sư. Chắt lọc một số thông tin đáng tin cậy, ta có thể xác định: ông cãi ở những tòa án quân sự, đại hình, và được chính phủ kháng chiến cử làm luật sư chỉ định - avocat d'office, biện hộ cho những người quốc gia bị Việt Minh bắt và xử tội.

1/ Boudarel viết: "Trong những năm đầu chiến tranh, hình như luật sư Tường đã nhận cãi cho những trường hợp vô vọng, ông nhận biện hộ cho những người quốc gia bị kết tội phản quốc mà không có chứng cớ gì minh bạch. Lần vận động (hay lần cãi) cuối cùng hình như ở Đức Thọ, năm 1951"988.

2/ Trần Văn Hà viết: "Gia đình tôi (Nguyễn Mạnh Tường) chuyển dịch từ Phủ Lý về Thái Bình, rồi về Thanh Hoá. Tôi tiếp tục giảng dậy cho lớp Dự Bị Đại Học ở Thanh Hoá, được cử làm luật sư của chính phủ đi bào chữa cho tội nhân tại toà án quân sự, đại hình. Cứ mỗi tháng là phải tới một tỉnh, với chiếc xe đạp tòng tọc. Nhiều đoạn đường, cái chết kề bên. Anh "ba lô viên" của tôi bị trúng đạn địch, đã bỏ mạng tại bờ sông Hồng"989.

3/ Trong bài Kiều Mai Sơn kể lại lời Vũ Đình Hoè, có một đoạn đáng chú ý: "Tôi (Vũ Đình Hoè) lúc bấy giờ là bộ trưởng Bộ Tư Pháp nên cũng được họp trong phiên Chính phủ họp bàn về xử vụ ông Vĩnh Thụy đào nhiệm. Đó là vào hồi năm 1950 - 1951. Cụ Hồ không muốn truy tố.

Để hợp thủ tục dân chủ, Hồ Chủ tịch đề nghị giơ tay biểu quyết. Tất cả thành viên chính phủ đều giơ tay lên, trừ cụ Bùi Bằng Đoàn990- Trưởng ban Thường Trực Quốc hội. Cụ nói đồng ý là ông Vĩnh Thụy phạm tội nặng đối với Tổ quốc, nhưng cụ không nỡ giơ tay biểu quyết. Mọi người nhớ xưa cụ đã một thời giữ chức thượng thư trong triều đình Bảo Đại. Cuối cùng chính phủ quyết định giao cho tòa án xét xử theo đúng pháp luật, phải làm đàng hoàng đầy đủ thủ tục, có luật sư bào chữa cho bị cáo vắng mặt.

Mấy tháng sau, Toà Án Quân Khu III được thành lập do ông Lê Văn Chất làm chánh án, ông Bùi Lâm làm công cáo uỷ viên, một hội thẩm chính trị là đại biểu quân đội, một hội thẩm chuyên môn là ông Trần Đình Trúc, thẩm phán do giám đốc Tư Pháp Khu III phái sang. Hai luật sư cùng bênh vực cho bị cáo Vĩnh Thụy là ông Đỗ Xuân Sảng và ông Nguyễn Mạnh Tường.

Bản cáo trạng buộc tội ông Vĩnh Thụy rất đanh thép. Sau khi đã thực thi đủ thủ tục pháp lý và bàn luận kỹ càng, hội đồng xét xử đã ra phán quyết vắng mặt bị cáo: Tử hình. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đề nghị ghi vào bản án xử theo điều luật của nhiều nước trên thế giới là: Tử hình vắng mặt, khi nào bắt lại được can phạm thì sẽ mở lại phiên toà chứ không được thi hành cái án đã tuyên trước đó"991.

Vẫn trong bài này, Kiều Mai Sơn kể thêm mấy vụ khác:

- Vụ xử Quản Dưỡng, tức Trần Văn Dưỡng, ở Hà Đông, trước làm lính khố xanh, bị xử tội đã ra lệnh cho lính Bảo An bắn vào người biểu tình.

- Xử vợ một lãnh tụ Quốc Dân Đảng, ở Vĩnh Yên.

- Một nông dân giết kẻ ngoại tình với vợ, là một anh Đại Đội Trưởng bộ đội, ở làng Xuân Thọ, Thái Bình.

- Hè 1951, một anh bộ đội đánh chết người đang "hủ hoá" với mẹ mình, tại Đức Thọ, Hà Tĩnh - lúc đó Nguyễn Mạnh Tường đã vào Thanh Hoá.

4/ Hoàng Văn Chí viết: "Từ 1947 đến 1950 ông làm trạng sư ở khu III. Trong khi bênh vực cho các bị cáo trước toà, ông hay dùng lời lẽ văn hoa để "nói mát" chế độ, nên ông bị chuyển sang ngành giáo dục. Ông bị coi là một phần tử "ngoan cố", không chịu "lột xác", nên thường bị đả kích. Có lần cán bộ đã đặt ra một vở kịch nhan đề là "Phải hấp lại" để lăng mạ ông, nhưng ông không thèm trả lời."992

Điều Hoàng Văn Chí viết "ông hay dùng lời lẽ văn hoa để nói mát chế độ" được phản ảnh trong lời kể của giáo sư Hoàng Như Mai: "Vụ thầy Tường cãi đó là: cô con dâu cầm dao đâm bố chồng. Tôi không dự cái cuộc ấy nhưng được nghe người ta kể lại. Thầy Tường bào chữa: Xưa nay chuyện bố chồng con dâu, nhất là mẹ chồng nàng dâu xung đột với nhau là chuyện rất điển hình ở xã hội Việt Nam xảy ra coi như cơm bữa. Nhưng vì sao cô này lại đâm bố chồng? Vì khẩu hiệu của kháng chiến: Mỗi người sẵn sàng cầm vũ khí trong tay để giết giặc. Cho nên lỗi tại có vũ khí kia chứ không thì chị ấy không phạm tội giết bố chồng"993.

Những chứng trên đây bổ sung cho nhau. Tóm lại, có thể nói: lần cuối Nguyễn Mạnh Tường cãi ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, theo Boudarel và sau đó ông bị chuyển sang ngành giáo dục, theo Hoàng Văn Chí. Một mặt khác, chính Nguyễn Mạnh Tường cũng viết về lý do đổ vỡ của ngành tư pháp và y tế ở Khu Ba và Khu Tư: "Chính trị chèn ép chuyên môn như thế nào; xua đuổi người trí thức ra ngoài con đường cách mạng ra sao, lịch sử kháng chiến đã cho ta kinh nghiệm đau đớn. Năm 1949, phong trào tư pháp liên khu III tan vỡ vì chính quyền quan niệm tư pháp phải thuộc sự điều khiển của mình. Năm 1951, phong trào quân y, dân y liên khu IV sụp đổ vì các chính trị viên đưa vào các bệnh viện, đã đán áp chuyên môn, thúc đẩy các bác sĩ có công với cách mạng, với kháng chiến, phải gạt nước mắt mà rời bỏ kháng chiến"994.

● Từ chối vào Đảng

Năm 1951, được đề nghị vào đảng, nhưng ông từ chối, rồi cuối cùng ông phải chấp nhận vào đảng Xã Hội, Nguyễn Mạnh Tường giải thích tại sao:

"Năm 1951, trong chiến khu995 Đặng Châu Tuệ, một đảng viên Cộng Sản996 đến bảo tôi và bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên nộp đơn xin vào Đảng. "Trên" đã chứng nhận hạnh kiểm và hoạt động của chúng tôi trong kháng chiến. Những người cộng sản thường say mê hình thức và mắc bệnh kiểm kê con người giống như tài sản, theo tuổi tác, phái tính, hoạt động nghề nghiệp để trộn họ vào những tổ chức quần chúng, để giáo dục và điều khiển họ một cách hữu hiệu hơn. Một mặt khác, vì Đảng không dung tha bọn trí thức ham hưởng thụ tự do và cá nhân chủ nghiã, nếu tập trung họ lại trong Đảng, thì cái địa vị tối cao và vai trò lãnh đạo sẽ làm họ phởn chí. Thật vậy, trong thời điểm đó, những kẻ có tham vọng, những kẻ cơ hội, mơ tưởng được vào hàng ngũ cộng sản đã làm không ít việc hạ tiện để đẹp lòng người chiêu nạp. Cũng cùng thời ấy, đã có khá nhiều trí thức, không chịu được đầu óc hẹp hòi và tính ngoan cố của những người cầm đầu, đã bỏ hàng ngũ cách mạng để về Hà Nội, rồi từ đó bay đi những chân trời tốt đẹp hơn. Vì thế, bác sĩ Nguyên và tôi xét cái "vinh dự" mà họ ban cho chẳng qua chỉ là một thủ đoạn ngờ vực: họ muốn khoá trái chúng tôi trong các tổ Đảng được canh gác chặt chẽ để ngăn chặn không cho chuồn, nếu có kẻ nào manh tâm. Cả hai chúng tôi từ chối lời mời vào Đảng. Nhưng những người cầm đầu không cho đứng ngoài tất cả các tổ chức, họ đề nghị chúng tôi vào đảng Xã Hội. Cầm cự mãi cũng chán, chúng tôi bắt buộc phải chấp nhận. Bởi chẳng nên khăng khăng cương quyết từ chối mãi ý nguyện của Đảng, nhất là trong chiến khu, có những con mắt vô hình kiểm soát nhất cử nhất động. Khá là nguy hiểm"997.

Nguyễn Mạnh Tường rời Khu Ba khoảng mùa xuân 1951, sau khi từ chối vào Đảng. Tới tháng 5/1951, ở Khu Tư Thanh Hoá ông cãi lần cuối cùng tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Boudarel viết: "Tháng 2/1952, Trường Dự Bị Đại Học mới mở ở khu Tư, Thanh Hoá và Nghệ An, do nhà phê bình mác- xít Đặng Thai Mai điều khiển, Nguyễn Mạnh Tường được gọi về dạy văn chương"998.

Hoàng Trung Thông kể lại: "Các lớp học viết văn thì tổ chức ở Quần Tín999, Đặng Thai Mai là hiệu trưởng, Nguyễn Xuân Sanh phụ trách các công việc, tương đương với giáo vụ bây giờ. Khoá dự bị đại học đầu tiên có 5 học sinh. Các lớp sau đông hơn (...) Học sinh tới học do địa phương giới thiệu nhưng kinh phí hầu như phải tự túc hoàn toàn"1000. Vào Khu Tư, Nguyễn Mạnh Tường vẫn tiếp tục đấu tranh tư tưởng với cộng sản, Hoàng Trung Thông kể tiếp:

"Cuộc tranh đấu tư tưởng duy nhất ở Liên Khu Bốn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là cuộc đấu tranh với một số quan điểm của Nguyễn Mạnh Tường. Trong một cuộc nói chuyện Nguyễn Mạnh Tường cho rằng văn nghệ ta như một cái chuồng nhốt các văn nghệ sĩ trong đó. Ý kiến này lập tức đã làm nổi lên một làn sóng bất bình trong giới văn nghệ. Có hai bài phê phán ý kiến đó một cách nghiêm khắc trên tạp chí Thép Mới của Nguyễn Văn Tỵ và Chế Lan Viên. Khi đồng chí Lưu Trọng Lư, chi hội trưởng văn nghê Liên Khu Bốn, phụ trách tờ tạp chí Thép Mới, đến gặp đồng chí Trường Chinh thuật lại các bài đấu tranh tư tưởng thì đồng chí Trường Chinh có nhắc nhở về mấy bài phê phán đó, đại ý như sau: các đồng chí phê bình cũng là phải thôi; nhưng cũng như một cây tre, vin xuống vừa phải thì sức bật của nó sẽ lớn, nhưng vin mạnh quá thì nó gẫy. Tôi hiểu ý đồng chí Trường Chinh nói là cần phải đấu tranh tư tưởng nhưng đừng nặng lời quá vì lúc bấy giờ chúng ta đang cần đoàn kết để kháng chiến chống Pháp, mặc dầu đoàn kết không có nghiã là thủ tiêu đấu tranh"1001.

Cuộc đấu tranh tư tưởng ở Khu Tư, sau Nguyễn Mạnh Tường, đến Trương Tửu, càng mãnh liệt hơn.

● Dự các hội nghị quốc tế

Mặc dù đã từ chối vào Đảng và luôn giữ khoảng cách với chính quyền, nhưng Đảng vẫn phải nhờ Nguyễn Mạnh Tường trong việc đối ngoại, bởi khó tìm được người có đủ khả năng thay thế: Ông được cử đi dự ba Hội nghị quốc tế vì tài hùng biện.

Về Hội nghị Bắc Kinh, 1952, hiện không có tài liệu.

Về Hội nghị Vienne, cuối 1952, đầu 1953, Boudarel phân tích khá kỹ: "Năm 1952, vì vì nhu cầu tuyên truyền và viễn ảnh những thương lượng mới về Đông Dương đi đôi với vấn đề Triều Tiên đang thảo luận, người ta đã lôi Tường trong nhà tù bóng tối ra ánh sáng. Ông được gọi đi Vienne dự hội nghị các dân tộc, do Phong Trào Hoà Bình Thế Giới ảnh hưởng Liên Xô, tổ chức. Một lần nữa, ông lại làm phát ngôn viên khôn khéo và hùng biện cho chính phủ Hồ Chí Minh, dù ông không chia sẻ mọi quan điểm, nhưng đối với ông, chính phủ này, trước hết, bảo đảm nền độc lập.

Chuyến đi Vienne đã có thể là cơ hội lý tưởng cho luật sư Nguyễn Mạnh Tường chạy sang phía bên kia. Nhưng không. Mặc. Ông trở về xứ. Vì yêu nước. Vì muốn độc lập cho Việt Nam, mà cũng vì muốn làm thay đổi chế độ từ bên trong bằng sức mạnh của ngôn từ"1002.

Bài phát biểu của Nguyễn Mạnh Tường tại hội nghị Vienne, viết thành Lettre à un ami de France - Thư gửi người bạn Pháp, lời lẽ khôn khéo, cảm động, để thuyết phục những người bạn Pháp hãy vận động cho việc ngừng chiến ở Việt Nam: "... Từ Vienne náo động âm nhạc hoà bình của tiếng xe hơi và tàu điện, tâm tư tôi hướng về đất nước đang rền vang tiếng đại bác. Từ Vienne chói lòa ánh sáng, tôi nhìn qua hai mươi ngàn cây số xa, về những thành phố của chúng tôi đang bị thiêu huỷ; khi màn đêm buông xuống, nhờ bóng tối, máy bay ngưng cơn cuồng nộ, làng mạc, ruộng đồng, trỗi dậy sinh hoạt. Tôi thấy con trai tôi, trong đêm lạnh, tay mang sách vở, lần bước để nhập bọn với bạn bè và những người dân quê, qua những con đường ngoằn ngoèo, cùng họp nhau dưới căn nhà lá dùng làm trường học. Chúng thắp những ngọn đèn dầu nhỏ mà ánh sáng vàng vọt, mù khói làm cay mắt, ngứa cổ. Chúng ngồi bệt dưới đất, tay tựa vào cái bàn nhỏ bằng lòng bàn tay, đem từ nhà đi. Thầy đến và lớp học bắt đầu. Chúng được học nhiều điều, đặc biệt là lòng yêu mến các dân tộc, sự kính trọng con người và giá trị cần lao. Chắc các bạn cũng chẳng đến nỗi dửng dưng khi biết rằng những đứa con trai ấy còn học một ngoại ngữ, rằng ngoại ngữ ấy là tiếng Pháp và tiếng đầu tiên chúng được học là chữ AIMER1003...

Mỗi khi màn đêm buông xuống, chúng tôi giao cảm với nước Pháp đích thực, nước Pháp sống động, nước Pháp cụ thể, nước Pháp mà chúng tôi đã ngừng Yêu trong khổ đau nhức nhối, nước Pháp của Joliot-Curie, của Raymonde Dien, của Henri Martin, của nông dân, của thợ thuyền, của trí thức, của tất cả những ai đau khổ vì nỗi khổ đau của chúng tôi, những ai đòi hỏi quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương, để bi kịch huynh đệ phải chấm dứt, để con cái chúng tôi khỏi bị đạn bom xé thành trăm mảnh mà chúng được nở hoa dưới ánh mặt trời của cuộc sống và được học tập trong hoà bình"1004.

Bức thư dù tha thiết cũng không ngăn cản được cuộc chiến kéo dài đến 1954. Khi trở về nước, Nguyễn Mạnh Tường phải trực diện với bi kịch kinh hoàng Cải Cách Ruộng Đất, trong sự bất lực hoàn toàn.

Ngày 22/5/1956, hội nghị Luật Gia Dân Chủ họp ở Bruxelles trong lúc phong trào NVGP đang manh nha, ông lại được "vời ra" lần nữa, và ông cũng lại dùng tài hùng biện để biện hộ cho sự thống nhất Việt Nam, theo quan điểm của miền Bắc. Nhân chuyến đi này ông được các luật gia Tiệp Khắc và Nga và mời sang Praha và Moscou.

Khi trở về Hà Nội, ông đã nhận được rất nhiều vinh dự, nhưng ngày 30/10/1956, ông xuất hiện tại Mặt Trận Tổ Quốc với bài diễn thuyết lịch sử: Qua những sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo, làm thay đổi vận mệnh của chính mình.

Nguyễn Mạnh Tường nhớ lại: "Ngay khi trở về Hà Nội, tôi được phủ đầy "vinh dự". Khoa trưởng Đại Học Luật Khoa đang hấp hối, phó chủ tịch hội luật gia, thủ lãnh luật sư đoàn, khoa phó Đại Học Sư Phạm, giáo sư đại học dạy văn chương Âu châu, ủy viên trung ương Mặt Trận Tổ Quốc và thành viên Mặt Trận Tổ Quốc Hà Nội; thành viên của hội Hữu Nghị Việt Pháp và Việt Xô, của Uỷ Ban Bảo Vệ Hoà Bình, chủ tịch sáng lập Câu Lạc Bộ Đoàn Kết Trí Thức... dư sức viết đầy hai mặt danh thiếp!

Những "tước vị hoành tráng" này chẳng phiền hà gì tôi cả, cũng chẳng tổn thương đến lòng khiêm tốn và tôi cũng không cảm thấy mình to đùng hay bé lại. Chế độ cộng sản áp dụng lối sùng bái hình thức: Họ trang trí thế giới bằng những đồ giả. Những tước vị hào nhoáng, gáy to nhất, không để tưởng thưởng cho người sống mà cho những con nộm hình người có kẻ đứng sau lưng, trên đầu hay trong đám đó giật dây. Những diễn viên múa may trên khán đài thuộc thế giới xi-nê-ma quá đát, cinéma câm. Vì cộng sản và ciné câm ra đời cùng một lúc, cho nên người ta tự hỏi chẳng biết cái nào ảnh hưởng đến cái nào"1005.

Nguyễn Mạnh Tường tiếp tục phân tích phong cách của Đảng: "Phải chăng Đảng đã ngó ngàng tới tôi và muốn thổi phồng tôi lên thành một trong những con khỉ bác học được đưa chạy vòng quanh sân xiếc làm trò cười cho trẻ? Năm 1951, trong chiến khu miền Bắc, giữa kháng chiến chống Pháp, người ta đã đề nghị cho tôi vào Đảng, nhưng tôi từ chối vinh dự này. Năm 1946, khi đi theo kháng chiến với gia đình và cha mẹ, tôi đã dâng hết của cải, gồm ba dinh thự ở Hà Nội cho Cách Mạng và Nhân Dân. Trong suốt thời gian kháng chiến, tôi chấp nhận mọi hy sinh và dùng cả hai nghề luật sư và giáo sư để phục vụ dân tộc. Là thành viên của các phái đoàn Việt Nam đi dự bốn hội nghị quốc tế, Đà Lạt 1946, Bắc Kinh 1952, Vienne 1953 và Bruxelles 1956, tôi đã giữ vai trò chủ động và đạt một vài thành quả khiêm nhường... Có thể Đảng cũng muốn cho tôi một chứng chỉ tán thành bằng cách thăng cho những chức vụ dù chỉ là danh dự cũng có phần khả kính. Nhưng tôi thừa biết trí nhớ của Đảng tồi lắm, Đảng quên ngay công lao của cả những người ngày trước đã được Đảng công nhận, chỉ vì tội làm Đảng nổi giận. Ngay cả những người cộng sản nổi tiếng, đã từng đi tù chung với những lãnh đạo hiện ở trên ngai, cũng chẳng được hưởng ân sủng gì ngoài sự ngoan cố và độc ác của họ.

Trong những ủy ban chỉ đạo các tổ chức quần chúng, Đảng có lệ đem những trí thức nổi tiếng vào làm phụ tá cho những đảng viên cầm cương, cầm lái. Những con rối ngồi trên chủ tọa đài, tuyên bố khai mạc và kết thúc các buổi hội thảo, được người ta uể oải vỗ tay và cũng uể oải vỗ tay đáp lễ. Cái lối hành xử này đã trở thành tập quán, chỉ để phô trương có sự cộng tác chặt chẽ giữa trí thức không đảng phái và những người cộng sản. Tôi biết thừa và chẳng ngạc nhiên gì. Tôi đợi bánh xe luân hồi của đạo Phật quay và sẵn sàng phòng thủ, không để cho những bất trắc đánh bại"1006.

● Tham gia Cải Cách Ruộng Đất

1953, sau khi dự Hội nghị Vienne về, ông phải tham gia Cải Cách Ruộng Đất. Đối thoại của ông với Hoà Khánh:

- Luật sư có đi tham gia Cải Cách Ruộng Đất?

- Có. Hồi ấy, tất cả mọi cán bộ đều phải về các địa phương để tham gia Cải Cách Ruộng Đất. Tôi cũng phải đi.

- Luật sư về địa phương nào? - Phủ Nho Quan.

- Công việc của các cán bộ cụ thể là làm gì?

- Để phụ với nhân dân tổ chức các cuộc Cải Cách Ruộng Đất thôi.

Trầm ngâm một lát, luật sư Nguyễn Mạnh Tường kể tiếp: Chính trong những đợt đi xuống địa phương ấy tôi mới thấy rõ, thấy hết sự tàn bạo của nó. Lại im lặng. Chúng tôi cũng im lặng chờ đợi. Giọng của luật sư Nguyễn Mạnh Tường trầm trầm, buồn buồn:

"Đầu tiên, về Phủ Nho Quan, chúng tôi được học tập theo lệnh từ trên là tại địa phương này có cả thảy 80% dân chúng thuộc thành phần địa chủ. Tôi điếng cả người. Phẫn nộ, thấy ngay cách làm việc như vậy là rất trái khoa học. Khoa học nào cũng phải sử dụng phương pháp quy nạp, phải căn cứ trên quá trình điều tra thực tế cẩn thận, từ thực tế mà đúc kết thành nhận định. Đằng này thì mấy ông từ trung ương cứ tưởng tượng ra các chỉ tiêu rồi ra lệnh xuống bắt các địa phương phải thực hiện. Cán bộ địa phương muốn hoàn thành công tác thì phải kích thôi. Có nhiều gia đình nghèo xơ nghèo xác, ở trong một căn nhà hẹp có hai gian, tài sản đâu chỉ được một hai mẫu ruộng thế mà cũng bị ghép váo thành phần địa chủ. Để cho đủ số lượng mà! Tội lắm. Oan ức nhiều không sao kể hết được.

- Luật sư có tham gia vào cuộc xử án nào không?

- Không. Người ta đâu có cần luật sư. Mình đi là cốt để rèn luyện quan điểm, rèn luyện lập trường thôi, chứ đâu phải để xử án hay biện hộ cho ai.

- Thế thì ai làm chánh án, luật sư trong các vụ đấu tố?

- Chẳng có chánh án, luật sư gì cả. Phiên tòa được tổ chức ở một bãi sân rộng đâu đó trong làng. Mấy anh thuộc thành phần bần cố nông ngồi ngất ngưởng trên bàn để luận tội, còn mấy người bị gọi là địa chủ thì bị xích cổ, trói chân, trói tay, quỳ mọp giữa sân...

- Có cả chuyện xích cổ ư?

- Có. Suốt "phiên toà", hết bần cố nông này lên tiếng chửi thì đến bần cố nông khác lên chửi tiếp. Xong rồi đến lượt hành hình địa chủ, vậy thôi.

- Luật sư có bao giờ can thiệp vào những sự đấu tố dã man như vậy không?

- Có mà muốn chết à? Không. Có chẩy nước mắt thì cũng ráng mà giấu đi.

- Có địa chủ nào được quyền tự biện hộ, tự thanh minh cho mình không?

- Không. Lúc đó, ai cũng hồn kinh phách tán cả rồi, mặt mũi xanh rờn, đứng còn không nổi nữa thì nói gì đến chuyện tự biện hộ. Mà ai cho? Cứ bị khép vào thành phần địa chủ là coi như đã chết"1007.

Bối cảnh Phủ Nho Quan sẽ được đưa vào tiểu thuyết Une voix dans la nuit - Tiếng vọng trong đêm, và cũng là nền tảng của bài diễn thuyết Qua những sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo tại Mặt Trận Tổ quốc ngày 30/10/1956.

● 10/10/1954, quân cách mạng tiến vào Hà Nội

Là nhân chứng không thể loại trừ, Nguyễn Mạnh Tường viết về ngày 10/10/1954: "Mười giờ sáng ngày 10/10/1954, lực lượng kháng chiến long trọng bước vào thành phố đã chinh phục lại. Quân đội mở đầu, cờ cao, trống thúc! Cán bộ dân sự đứng trên xe vận tải chào mừng quần chúng tụ tập hai bên đường, tay vẫy cờ giấy, hoan hô cổ võ đến khàn giọng nghẹt thở (...)

Trong khoảng mười lăm ngày, cán bộ bị cấm trại ở một nơi, vì lý do gì, không ai biết (...) Về phía mình, một phần, nóng lòng được đặt chân về chốn tôi đã sinh ra, thành phố không ngừng ám ảnh tôi trong những năm dài xa cách; phần khác, lòng càng héo mòn ủ rũ vì ngay từ phút đầu đã không thể trở về nhìn lại mẹ cha, mà tuổi hạc càng làm tăng thêm ước muốn được âu yếm nhìn thấy đứa con đầu lòng, đã phải xông pha quá lâu, cho dù hai thân đã chấp nhận sự hy sinh ấy là cần thiết và chính đáng.

Cuối cùng, rồi nỗi khổ tâm của chúng tôi cũng chấm dứt khi người ta thông báo cho biết tôi được nhận công tác tiếp quản Đại Học Luật Khoa. Sau nghi lễ, tôi chạy vội về nhà, cha mẹ tôi oà khóc khi thấy tôi còn sống!1008

Song song với ngòi bút nhà văn, ngòi bút luật gia và chính trị gia phân tích tâm lý những người cộng sản: "Thời gian trôi đi, Đảng lần khân và chậm quyết định mở lại hay đóng cửa trường Luật. Tôi hiểu những ngần ngại này. Trong nhiều năm được nhà cầm quyền chỉ định làm luật sư (avocat d'office) tại các toà án, và nhờ giao tiếp thường xuyên với những người được gọi là có trách nhiệm, tôi đo lường được trong cái vô thức bí mật của họ, sự ghê tởm luật pháp đến thế nào! (...)

Trong khi người chính trị khẳng định chủ lực (volontarisme), thì người luật pháp chọn chủ luận (rationalisme). Một bên đặt vấn đề cụ thể, phân tích những yếu tố, khảo sát mối tương quan và hấp lực hỗ tương giữa các đối tượng, để tìm một giải pháp lợi hại nhất, và dùng quyền lực để thực hiện giải pháp đó. Họ không cảm thấy bị trói buộc bởi bất cứ nguyên tắc nào, họ không bị bắt buộc, họ tự do như con ngựa phi trên vùng thảo nguyên, bạo liệt như trận cuồng phong hung dữ chặt thủ cấp những nóc nhà, vùi sâu dân chài trong lòng biển cả. Trong cơn mê sảng, quyền lực chính trị lợi dụng những thế cờ thuận tiện để phất lên lá bài của mình và tỏ rõ sự sắt đá đã lột xác. Nhưng thời cơ thuận lợi của họ vấp phải sự cứng rắn của luật lệ, của luật pháp: Họ quyết định quét sạch luật lệ, dầy xéo luật pháp; tuy nhiên họ vẫn tiếp tục bình thản ngủ vùi, bởi trong chiến khu, Nhà Nước chỉ nói chuyện với cỏ cây, súc vật trong rừng rú, dân chúng thì đã chín muồi vì lòng yêu nước cao độ và ý thức bổn phận, nên không ai quấy nhiễu sự bình an của những người cầm quyền. Nhưng tất cả mọi sự đều thay đổi khi trở về Hà Nội. Ở đây, dư luận thị thành luôn luôn khuấy động, cả sự im thin thít của nó cũng làm chính quyền lo ngại. Dư luận tỏ ý tôn trọng luật pháp. Khi quyền lợi của nguời dân bị xâm phạm, họ gõ cửa luật sư và pháp đình là thành lũy của công bằng và pháp lý.

Nhà Nước cộng sản, để tỏ thiện ý, đã giữ lại luật sư đoàn, vì đó là hàng quan chức tư pháp đã được thay thế bằng những người sùng bái Đảng và đã được Đảng giáo dục để quyết định số phận các cuộc tranh tụng. Vấn đề nội trị có thể giải quyết dễ dàng. Nhưng từ khi về Hà Nội, toàn thế giới nhìn vào Việt Nam, sự giao tế bây giờ thoát khỏi biên thùy các "nước anh em" mà kéo dài tới các nước tư bản. Nay, những nước này lại tỏ ra rất hâm mộ luật pháp và đưa cái bản Hiệp định (Genève) mà họ ký vào trong khuôn khổ pháp luật. Ngoài ra, những pháp viện và những tổ chức quốc tế chăm chú nhìn vào Việt Nam để phán xét xem họ có thể nghiêng cán cân về phiá nào: giúp đỡ hay phản đối. Chính nhờ con đường quốc tế mà luật pháp đã xâm nhập một cách vũ bão vào hiện tình Việt Nam và những người cầm quyền bắt buộc phải để ý"1009.

Những dòng trên đây mô tả cuộc xung đột quyết liệt giữa chính trị và luật pháp, sau 1954, khi quân cách mạng tiếp thu Hà Nội và sự thủ tiêu luật pháp sau khi Đảng nắm vững chính quyền, đồng thời giải thích việc Nguyễn Mạnh Tường diễn thuyết tại Mặt Trận Tổ Quốc, đòi tự do dân chủ và nhà nước pháp trị.

● Qua những sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất xây dựng quan điểm lãnh đạo

Trả lời Nguyễn Văn Hoàn, ở Hà Nội, Nguyễn Mạnh Tường nói: "Ở hội nghị của Mặt Trận Tổ Quốc, họp ở Hà Nội ngày 30 tháng 10 năm 1956, sau khi ông Trường Chinh, thay mặt Đảng Lao Động Việt Nam, tự phê bình về các sai lầm đã phạm trong Cải Cách Ruộng Đất, tôi đọc bản tham luận "Qua những sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo". Từ góc độ một người hoạt động trong lĩnh vực luật pháp, tôi nói đến một chế độ pháp trị chân chính, một chế độ dân chủ thực sự. Đi hội nghị về, Nguyễn Hữu Đang đến phỏng vấn, rồi viết bài đăng lên báo Nhân Văn. Tôi như thành một người "phạm pháp quả tang", bị sa thải khỏi Đại Học và không được hành nghề luật sư nữa. Từ 1957 là thời kỳ đen tối của cuộc đời tôi. Tuy vậy, tôi đã lợi dụng thời gian rảnh rỗi này để viết sách, trong đó có cuốn Lý Luận Giáo Dục Châu Âu Từ Thế Kỷ XVI Đến Thế Kỷ XVIII, tôi cố ý viết bằng tiếng Việt để lãnh đạo có thể đọc được"1010.

Trả lời Hoà Khánh ở Paris, Nguyễn Mạnh Tường cho biết thêm nhiều chi tiết hơn: "Các anh cũng biết là, vụ Cải Cách Ruộng Đất đã thất bại nặng nề đến nỗi ông Trường Chinh phải mất chức tổng bí thư đảng cơ mà. Lúc đó có phong trào sửa sai ghê lắm. Trong cuộc vận động sửa sai như thế, ông Tố Hữu, rồi ông Trường Chinh, rồi ông Xuân Thủy đã lần lượt gọi tôi đến nhà riêng của các ông ấy để yêu cầu tôi, trong cuộc hội nghị của Mặt Trận Tổ Quốc, trình bầy cho mọi người biết thế nào là dân chủ. Các ông ấy nói là sau sai lầm Cải Cách Ruộng Đất, chúng ta phải cố làm sao để cho chế độ xã hội chủ nghiã trở thành một chế độ thực sự dân chủ. Nghe thế, tôi mừng quá nên nhận lời ngay. Thế rồi hội nghị được tổ chức. Tôi thuyết trình trọn cả ngày, ba giờ buổi sáng, ba giờ buổi chiều. Thuyết trình xong, người ta khen ghê lắm. Ông Trường Chinh, Ông Xuân Thủy, ông Dương Bạch Mai sau đó lại yêu cầu tôi viết lại bài nói chuyện đó để đưa cho mấy ông xem.

- Thế trong cuộc hội nghị, luật sư chỉ nói miệng chứ không đọc bài viết đã soạn sẵn?

- Không. Thì giờ đâu. Chính mấy ông ấy bảo thì tôi mới viết lại chứ. Tôi đánh máy bài viết thành hai bản, nộp hết cho mấy ông. Thế mà không biết tại sao, bài viết đó lại lọt ra nước ngoài, bọn báo chí ngoại quốc làm ầm ĩ lên thế mới chết chứ.

- Luật sư còn nhớ chắc là không hề đưa bài viết ấy cho ai khác?

- Chắc chắn. Cả hai bản đánh máy tôi đều nộp hết cho ông Trường Chinh và ông Xuân Thủy. Tôi chỉ giữ lại bản nháp viết tay thôi.

- Thế thì luật sư có thể đoán được là tại sao, từ nguồn nào, bài biết của luật sư lại lọt ra nước ngoài được không?

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường cười lắc đầu:

- Chịu thôi, ở đời vẫn có những bí mật như thế đó, các anh ạ.

- Thế sau khi bài viết bị tiết lộ ra ngoài thì cộng sản đối xử với luật sư như thế nào?

- Thì còn đối xử thế nào nữa. Kiểm điểm rồi đuổi việc thôi"1011.

Vậy, Trường Chinh và Xuân Thủy, ai là người chuyển văn bản Nguyễn Mạnh Tường ra ngoại quốc và với mục đích gì?

Chương 23 (tt)

Ba mươi năm sa mạc

Trả lời Hoà Khánh:

- Luật sư có bị bắt, có bị giam cầm gì không?

- Không. Chỉ bị đuổi ra khỏi tất cả những nơi đang làm việc. Và độc ác nhất là bị cô lập hoàn toàn. Các anh cứ tưởng tượng suốt mấy chục năm trời, không ai dám đến gặp tôi cả. Họ sợ bị liên lụy đến bản thân, đến gia đình của họ. Có khi, đi ngoài đường, nhìn thấy tôi từ xa, là bạn bè, học trò cũ của tôi phải tránh đi chỗ khác. Tôi cũng không trách gì họ. Vì sự an toàn của họ, họ phải làm thế thôi. Nhưng đau xót lắm.

- Trong thời gian suốt mấy chục năm trời như vậy, luật sư làm gì để sống?

- Không làm gì cả. Xin việc gì người ta cũng không nhận. Thoạt đầu, cứ bán dần đồ đạc trong nhà mà ăn tiêu. Bán bàn ghế, giường tủ, rồi bán quần áo, giầy dép... Cuối cùng phải bán đến cả sách vở tôi dành dụm thu thập sắm trong hai mươi năm. Bán theo giá bán giấy ký thôi. Rẻ mạt. Nhưng cần sống thì phải bán. Cứ mỗi lần bán sách là mỗi lần tôi có cảm tưởng như có ai lấy dao găm đâm vào tim mình. Rồi tất cả đồ đạc cạn dần, cạn dần. Tôi lại sống bằng sự bố thí của anh em, bạn bè. Lâu lâu người này cho cái đồng hồ, người khác cho một ít tiền.

- Những người giúp luật sư thuộc thành phần nào?

- Một số là học trò cũ cũa tôi; một số là bạn bè của tôi lúc còn ở Pháp và một số khác nữa là hoàn toàn xa lạ vì nghe tiếng tôi, thương cho hoàn cảnh của tôi, từ Pháp thỉnh thoảng cho một ít quà.

- Họ là người Việt Nam hay là người Pháp?

- Người Việt có, người Pháp có"1012.

Trả lời Phạm Trần:

"Cuộc sống thật gay. Khó khăn thật lớn. Nhưng cái khó khăn nhất là nỗi cô độc. Không ai dám tiếp xúc với mình. Học trò thấy mình từ xa thì đã né tránh. Nhưng tôi hiểu và thông cảm cho họ. Còn sau này, thỉnh thoảng vẫn có anh em cán bộ đi công tác và họ nhờ tôi chỉ vẽ đôi chút tiếng Pháp. Ai sẵn thì họ giúp chút ít. Thế thôi"1013

 Đói - Ông viết: "Tôi muốn dạy tư Pháp văn tại nhà riêng. Nhưng vừa bắt đầu thì một bọn công an, có lẽ do thám tử và chỉ điểm quanh tôi, báo, ùa vào nhà, bảo rằng trong chế độ cộng sản, chẳng có gì riêng tư, kể cả những bài học do người thầy bần cùng nghèo đói dạy! Làm gì bây giờ? Vì cao tuổi, không thể đạp xích lô như một số đồng nghiệp trẻ, chứ tôi nào có sợ gì "người ta xầm xì này nọ" (...)

Tôi bị kết án đói kinh niên. Một sự mệt mỏi mênh mông, vô bờ bến, xâm chiến thân thể, như nước sông mùa lụt tràn ngập một miền, chỉ ngọn cây và đỉnh đồi là trồi lên được. Tôi có cảm tưởng như mình bị nhận chìm trong một trạng thái hôn mê mà sự sáng suốt của ý thức thỉnh thoảng bùng lên chọc thủng. Cố gắng đứng dậy đi vài bước lảo đảo nhưng rồi lại ngã lăn đùng ra giường, đợt sóng bạc nhược đánh tan tành tất cả sức lực cơ bắp còn lại. Cùng lúc ấy, dạ dầy quặn thắt trong một chuyển động tuần hoàn cực kỳ đau đớn. Những co giật làm tôi luân lưu giữa căng và dãn, trước khi bị vùi sâu trong cơn Thủy triều bất tỉnh, mất hẳn khả năng tri giác. Ra khỏi những cơn khủng hoảng này, cật vỡ, hồn bầm. Tôi đã học tập kinh nghiệm đói!"1014

 Tiếp tục viết sách - Trả lời Phạm Trần:

- Suốt 30 năm "ngồi chơi xơi nước" cụ còn mang ước vọng dung hợp (Âu Á) nữa không?

- Có chứ. Anh nói "ngồi chơi xơi nước" là không đúng. Lo cái ăn mờ con mắt. Ngồi chơi thì ít mà uống nước (thay ăn) thì nhiều. 30 năm qua tôi đã hoàn thành được 4 công trình: Lý thuyết sư phạm thế kỷ XVI-XVIII: từ Erasme tới Rousseau; Eschyle và thảm kịch Hy Lạp; Virgile và thời hoàng kim La Tinh và dịch bản Orestia (chuyện chàng Orestia) của Eschyle.

Văn hoá Âu đã giáo dục những thế hệ con người mới như thế nào để chuẩn bị cho những cuộc cách mạng kỹ thuật, dân quyền và nhân quyền. Quan hệ giữa sinh hoạt trí thức và lãnh đạo chính trị phải được quan niệm và xác định như thế nào. Những tiến trính phải qua từ một thể chế sơ khai bước sang thể chế dân chủ...

Những vấn đề trên (mà ta hiện nay đang loay hoay) đã được giải quyết ngay từ thời cổ đại La Tinh, Hy Lạp cả rồi. Tôi tìm các thí dụ quá khứ để giải đáp các câu hỏi hiện tại. Riêng vở kịch Orestia tôi có thêm một phần dẫn nhập để người đọc dễ dàng theo dõi. Các sách trên viết bằng Việt ngữ. Các nhà xuất bản Hà Nội không nghi ngờ giá trị của chúng, nhưng không thể in vì không tiền và sợ phổ biến khó. Ngoài này có thể in giúp được không? Những đứa con cưu mang hàng chục năm mà không ra đời được thì xót xa lắm"1015.

● Trở lại Pháp 10/1989-1/1990

Mùa xuân 1989, dược sĩ Tống Lịch Cường, anh rể Nguyễn Mạnh Tường ở Paris, viết giấy bảo lãnh để ông sang Pháp, chuyến đi do các học trò cũ đài thọ.

Tháng 10/1989, ông đến Pháp, ở nhà nha sĩ Nguyễn Văn Lung, 12 rue d'Auteuil, Paris 16, gần nhà ông bà Hoàng Xuân Hãn, 60 rue Théophile Gautier Paris 16. Địa chỉ trên giấy tờ: 51 Boulevard Montparnasse - 14/1/1990.

"Năm 1989, ở tuổi 80, những người bạn Pháp Việt mời tôi đi Pháp. Lúc đó, sau Đại Hội VI của Đảng cộng sản, lần đầu tiên trong lịch sử, họ tuyên bố chủ nghiã tự do oe oe chào đời; tôi lợi dụng cơ hội để xin cấp giấy thông hành đi Pháp. Tôi cũng không nghĩ là đơn được chấp thuận với quá khứ chính trị nặng nề như vậy. Nhưng, ngạc nhiên vô cùng, chỉ hai tháng là tôi có giấy thông hành và hộ chiếu xuất ngoại. Chẳng may chính phủ Pháp lại làm khó dễ trong nhiều tháng mới cấp giấy nhập cảnh. Đúng là thế giới lộn ngược.

Tôi đến phi trường Orly một buổi chiều tháng mười. Những người bạn Pháp Việt đón tôi thật cảm động. Sau 60 năm, tôi tìm lại quê hương của trí tuệ tôi cùng với sự đón tiếp ân cần và tế nhị của những trái tim vàng. Sức khoẻ suy nhược bởi 40 năm thiếu dinh dưỡng thể xác và khốn đốn tinh thần làm tôi quỵ ngã. Lần đầu tiên trong đời, ở tuổi tám mươi, tôi vào một bệnh biện của Pháp, và đã được săn sóc hết lòng. Mười ngày sau, tôi liên lạc lại với bạn hữu và tiếp tục công việc. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình TF1, thuyết trình hai lần, một ở Clermont L'Hérault, gần Montpellier, nơi tôi đã đến tìm tài liệu về J. Boissières để làm luận án phụ tiến sĩ văn chương, và một lần ở Paris VII. Tôi đến thăm thủ lãnh luật sư đoàn Paris"1016.

Trả lời Phạm Trần:

"- 80 tuổi rồi, chẳng còn dám đặt chương trình gì nữa. Có cái ước nguyện ôm ấp bao nhiêu năm nay là được sang đây để cám ơn các ân nhân (hầu hết là học trò cũ). Những người đã giúp đỡ tôi mấy chục năm qua. Không có họ thì tôi không chắc sống tới ngày nay. Mà bây giờ đã sang được. Thế là mãn nguyện.

- Làm sao sang được đây?

- Mọi chi phí các học trò tôi lo. Chứ tôi làm gì dám nghĩ một cuộc Âu du như vậy"1017.

Phượng Linh Đỗ Quang Trị viết:

"Năm 1990 qua Pháp, thầy được con một ông bạn Pháp cùng học ở Montpellier đóng tiền bảo kê sức khoẻ. Ông bố đã mất nhưng con nhớ bố kể lại, rất khâm phục tài học của thầy Tường, nên đã giúp đỡ. Nhờ vậy mà khi thầy Tường ngã ngất vì tim yếu tại nhà anh Nguyễn Văn Lung là em Hoàng Xuân Hãn phu nhân, Thầy đã được đưa vào bệnh viện điều trị miễn phí"1018.

Trong thời gian ở Pháp, ngoài các buổi trả lời phỏng vấn và nói chuyện ở các đài truyền hình TF1, FR3, đại học Paris VII v.v... Nguyễn Mạnh Tường còn tiếp xúc rộng rãi với mọi tầng lớp Việt kiều, đặc biệt ông muốn gặp giới trẻ quan tâm đến tình hình đất nước và chúng tôi, theo lời yêu cầu của bác sĩ Trịnh Văn Tuất, bạn ông, cũng đã tổ chức một buổi tại nhà. Trong những cuộc gặp gỡ ấy, ông đều nói thẳng nói thật, nhưng khi gặp những câu hỏi có tính cách chính trị, của những người muốn ông mạnh mẽ phản đối nhà cầm quyền, về sự đối xử với ông trong 30 năm sau NVGP, ông ôn tồn trả lời: bản thân ông đã quên mọi oán thù. Về Hồ Chí Minh, ông bảo: hãy để lịch sử phán đoán.

Lúc đó phong trào cách mạng nhung vừa khởi xuất, hỏi ông tiên đoán gì về tình hình Việt Nam? Ông mỉm cười: Tôi không phải là nhà tiên tri. Việc gì phải đến sẽ đến.

Về phía ông, chuyến đi Pháp dường như là động cơ thúc đẩy ông viết, bởi khi về nước, chỉ trong vòng bốn năm (từ 1990 đến 1994), ông đã hoàn tất một lượng sách đáng kể.

● Những năm tháng cuối - Thư từ trao đổi giữa Nguyễn Mạnh Tường và Nguyễn Văn Lung

Chúng tôi công bố những thư viết tay và đánh máy của Nguyễn Mạnh Tường gửi Nguyễn Văn Lung vì đây là chứng từ đích thực về giai đoạn 1990-1994, thời kỳ ông viết mạnh nhất.

Francophonie - Cộng Đồng Quốc Tế Các Nước Nói Tiếng Pháp là một tổ chức được thành lập năm 1986, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp tại Paris. Việt Nam tham dự tổ chức này từ tháng 12/1989, nhân chuyến thăm của Alain Decaux, bộ trưởng Đặc Trách Khối Pháp Ngữ. Nha sĩ Nguyễn Văn Lung (1916 - 2009), qua thư từ trao đổi với những người Pháp, chứng tỏ ông đã hết sức vận động Bộ Ngoại Giao Pháp tài trợ để mở các Câu Lạc Bộ Pháp Ngữ tại Việt Nam. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường chấp nhận việc tổ chức và làm đại diện cho Câu Lạc Bộ Pháp Ngữ Hà Nội. Là bạn thân của Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Lung về Sài Gòn tháng 1/1990 và ở đến tháng 4/1990, lo mở mang Francophonie ở Việt Nam. Nguyễn Mạnh Tường từ Paris về Hà Nội tháng 1/1990. Họ gặp lại nhau tại Hà Nội.

Tất cả thư từ trao đổi đều viết bằng tiếng Pháp. Nha sĩ Lung trao cho chúng tôi bản chính, và dù ông không nói ra, chúng tôi cũng hiểu, vì tuổi cao, ông muốn gửi lại người đi sau những chứng từ quý giá về lịch sử văn học để sau này sẽ chuyển về nước. Thư viết ngắn gọn, trực tiếp nói vào việc chính, thỉnh thoảng có vài lời thăm hỏi, vài câu về chuyện gia đình.

Chúng tôi dịch các phần chính, liên quan đến lịch sử và văn học và lược bỏ việc riêng. Lời thư tỏ hết tâm tư và nguyện ước của Nguyễn Mạnh Tường và nói lên không khí ông sống trong những năm tháng cuối.

Độc giả sẽ tiếp xúc trực tiếp với ông, không qua trung gian của ngòi bút nào.

• Thư ngày 26/1/1990

Fax từ Sài Gòn của Nguyễn Văn Lung

Gửi Maharadja Indien, Emir Sarfaraz Husain Đại sứ Ấn độ tại UNESCO.

Lá thư khá dài, có hai mục đích chính:

- Nhờ Emir Husain trợ giúp mở rộng Francophonie ở Việt Nam, chủ đích tiến tới việc cấp học bổng cho các bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, đi tu nghiệp ở Pháp.

- Giới thiệu giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, nhân vật văn hoá Pháp-Việt uy tín, nhận giúp Francophonie thực hiện việc đưa tiếng Pháp trở lại Việt Nam ở bậc Trung và Đại học.

• Thư ngày 10/4/1990

Nguyễn Văn Lung gửi Nguyễn Mạnh Tường:

Anh Tường,

Việc in sách tiếng Việt:

Sau khi thảo luận với luật sư Hiệp1019 chúng tôi đã quyết định:

- Anh gửi cho tôi 4 tác phẩm viết tiếng Việt về vấn đề nghiên cứu Hy Lạp-La Tinh.

- Sẽ cố gắng nhờ Hội Văn Bút Pháp hoặc Mỹ; hoặc nhờ l'ACCT1020(France) giúp đỡ.

Việc in lại sách tiếng Pháp:

Về bốn cuốn: Sourires et larmes d'une jeunesse, Pierres de France, Apprentissage de la Méditérénée và Le voyage et le sentiment, tôi sẽ tìm hai cách: Hoặc nhờ l'ACCT in lại. Hoặc nhờ Bộ Ngoại Giao Pháp (qua ông Portiche).

Tôi đang vận động Bộ Ngoại Giao để xin 20.000 cuốn sách giáo khoa, cho các Câu Lạc Bộ Pháp Ngữ Sài Gòn, Đà Lạt, Huế và Hà Nội. Câu Lạc Bộ Sàigòn đã hoạt động, Đà Lạt đã có giấy phép. Chỉ còn chờ Hà Nội và Huế.

• Thư ngày 8/4/1990

Nguyễn Mạnh Tường viết cho Nguyễn Văn Lung:

"Anh nói với Husain và Portiche rằng việc hợp tác và chương trình Francophonie tiến hành khó khăn, không phải vì chuyện thơ lại, nhưng có lẽ vì tài chính, tuy vậy tôi vẫn hy vọng. Anh nhớ nhắc người bạn dạy Sorbonne (mà tôi quên tên), đã hứa giúp việc in sách của tôi ở Pháp. Tôi đang đánh máy những tác phẩm mới: "Hồi ức của một người trí thức và diện mạo Việt Nam trong 80 năm đời tôi, chủ yếu 40 năm dưới sự lãnh đạo của cộng sản". Hy vọng cuối năm nay sẽ viết xong. Tôi sẽ mở lại văn phòng luật sư với sự cộng tác của một trong những luật sư đã tập sự với tôi ngày trước (Luật sư Dương Văn Đam)1021 chúng tôi chỉ chuyên về luật quốc tế, chủ yếu về kinh tế".

• Thư ngày 1/5/1990

Nguyễn Mạnh Tường viết cho Nguyễn Văn Lung:

"Cám ơn anh đã cố gắng giúp tôi trong việc in tác phẩm. (...) Tôi đang cố cho xong bộ hồi ký Larmes et Sourires d'une vieillesse và cuốn Triptyque, cả hai đều viết bằng tiếng Pháp, hy vọng từ giờ đến cuối năm sẽ đánh máy xong. Về Francophonie vẫn đang gặp khó khăn..."

• Thư ngày 27/5/1990

Nguyễn Mạnh Tường viết cho Nguyễn Văn Lung:

"Ông bạn Fouilloux (Les Echelles -2 allée des Ecuyers- Chambourcy) đã chụp được cuốn sách thứ tư của tôi, Le Voyage et le Sentiment- kịch 3 màn. Tôi đã nhờ ông ấy chuyển cho anh một bản để anh có đủ 4 tác phẩm của tôi đã in ở Việt Nam năm 1940 mà chưa in ở Pháp. Anh xem có thể làm gì được không, và nhất là nhờ anh dò ý nhà xuất bản Việt (mà tôi quên không ghi tên và địa chỉ) xem họ còn muốn giữ lời hứa in lại những sách ấy không. Cám ơn anh. Và bây giờ tôi có vài dòng về Câu Lạc Bộ Pháp Ngữ:

1/ Nhà cầm quyền Việt Nam chưa động tĩnh gì. Họ sợ, không muốn cho phép mở. Có thể phải nhờ sự can thiệp của chính phủ Pháp.

2/ Phải có trợ cấp để thuê một nơi làm phòng đọc sách và diễn thuyết. Vấn đề tài chính cũng quan trọng như vấn đề giấy phép của chính quyền".

• Thư ngày 18/6/1990

Bác sĩ Lung gửi Fax cho luật sư Tường qua Dominique Gallet1022, ông Gallet nhờ một dân biểu Pháp sang VN đem lại:

"Từ tháng tư, khi về lại Paris, tôi vẫn chờ tin của ông Maurice Portiche, về việc gửi những dụng cụ làm việc (sách học, cassettes, v.v...) về các trung tâm dậy tiếng Pháp trong nước, như Sài Gòn, Đà Lạt, Huế, Hà Nội.

Ông Fouilloux cũng đã chụp được cuốn "Le voyage et le sentiment" (kịch) ở Thư Viện Quốc Gia Pháp và gửi cho tôi. Và bà Musain Claire cũng đã chụp giùm những cuốn còn lại. Như vậy, tôi đã có đủ 4 cuốn sách của anh để in lại. Hy vọng sớm tìm được "người bảo trợ" cho việc "làm sống lại" tiếng Pháp ở Việt Nam.

Khi nào có tin mừng cho các giáo sư và học sinh đang đợi sự bảo trợ để tiến hành chương trình Francophonie, tôi sẽ báo cho anh."

• Thư ngày 3/7/1990

Nguyễn Mạnh Tường gửi ông Tống Lịch Cường1023 nhờ nhắn với ông Lung:

"Như anh (Cường) đã biết, tình trạng Việt Nam càng ngày càng tồi tệ. Dân chủ lùi bước, nhà cầm quyền thắt chặt kiểm soát, dân chúng và trí thức chờ đợi những giờ phút đen tối nhất. Vì thế, những cố gắng xây dựng Câu Lạc Bộ Francophonie trở thành vô ích. Người ta không cho phép tôi hành nghề luật sư tư với tư cách cá nhân. Người ta bắt tôi phải vào Hiệp Hội Chính Thức Luật Sư Nhân Dân (La Corporation officielle des défenseurs populaires) có nghiã là người ta không cho tôi hành nghề luật sư. Đó là hiện tình Việt Nam. Nhờ anh gọi điện thoại hỏi Lung xem việc in 4 cuốn sách của tôi tới đâu đâu rồi. Từ khi Lung về lại Pháp tôi không nhận được tin Lung nữa."

• Thư ngày 21/7/1990

Nguyễn Mạnh Tường viết cho Nguyễn Văn Lung:

"Về việc Francophonie, tôi đã nhận được thư Alain Decaux và tôi đã trả lời, đại ý: Có nhiều người ghi tên hơn dự tính. Nhưng cần phải có giấy phép mở Câu Lạc Bộ.

Chúng tôi đã nghĩ ra một mưu: xin mở một chi nhánh của Hội Hữu Nghị Việt Pháp (đã có) ở Hà Nội, nhưng cũng vẫn cần phải có giấy phép, mà họ không cho!

Anh có biết hiện nay dân chủ ở Việt Nam đang thụt lùi rõ rệt. (...)

Anh có tin gì về việc in 4 cuốn sách của tôi không?

• Thư ngày 1/8/1990

Nguyễn Mạnh Tường viết cho Nguyễn Văn Lung:

"Tôi đã nhận được thư ngày 16/7/1990 của anh, nhờ Mulheim, giáo sư ở Paris và là chồng người học trò cũ của tôi, cả hai đang ở Hà Nội, đem lại:

Về việc Câu Lạc Bộ Pháp Ngữ, chúng tôi đang định ghép nó vào Hội Hữu Nghị Việt Pháp (Association de l'Amitié France-Vietnam), lập ở Hà Nội một chi nhánh của Hội này, nhưng từ mấy tháng nay, nhà cầm quyền vẫn làm lơ. Tôi bắt buộc phải đứng tên làm đơn xin mở một Câu Lạc Bộ Pháp Ngữ ở Hà Nội, giống như các Câu Lạc Bộ đã có ở Huế, Sài Gòn và Đà Lạt, tôi đang đợi sự trả lời của quan chức Hà Nội. Tôi đã nhận được thư của Alain Decaux và đã trả lời như anh biết (...) Hiện nay vấn đề đáng ngại vẫn là khoản trợ cấp để thuê phòng đọc sách và diễn thuyết (...). Vậy tôi đợi gặp Alain Decaux và sẽ nói với ông ta. Anh đã nhận được đầy đủ 4 cuốn sách của tôi chưa, nếu không anh liên lạc với ông Fouilloux..."

• Thư ngày 14/11/1990

Nguyễn Mạnh Tường viết cho Nguyễn Văn Lung:

"Thư lại bị mất nữa. Tôi nhờ một người đi Pháp cầm cho anh thư này. Tôi vừa bị từ chối không được mở phòng luật sư và lá đơn xin mở Câu Lạc Bộ Pháp Ngữ ở Hà Nội cũng bị chận đứng từ nhiều tháng. Tôi hiện rất kẹt, bắt buộc phải dậy học lại để kiếm sống. Thì giờ còn lại dồn hết để viết cho xong cuốn III của tập hồi ký. Cuốn I và 2/3 cuốn II đã tới Paris, trong tay một người bạn vừa về qua Hà Nội, tên là Muldheim, ở số 38 Rue Faubourg St Denis. Hà Nội nghẹt thở hơn trước. Họ chỉ bật đèn xanh cho những tờ báo tố cáo sai lầm và các tội nhỏ của vài người cầm quyền. Nếu họ cho báo chí chút tự do như thế, là để trấn an dân chúng đang sôi động, nhưng điều đó cũng làm mất niềm tin vào Đảng.

Về việc in bốn cuốn sách của tôi, xem ra không được phải không? Còn về 4 cuốn biên khảo, viết bằng tiếng Việt, tôi chỉ có một bản thảo duy nhất, và tôi cũng không muốn phải đối đầu với sự nổi giận và lòng căm thù của chính quyền nếu họ biết tôi in ở Pháp. Vả lại những sách này dành cho người trong nước hơn là độc giả ngoại quốc.

Hy vọng của tôi là hoàn tất bộ Larmes et sourires d'une vieillesse (chân dung tự họa của một trí thức đã trải qua 80 năm sống trên đất Việt). Bộ sách này sẽ có độc giả Pháp thích. Tôi cố gắng viết xong cuối năm nay".

Người chuyển thư, ông Tống Lịch Cường, viết thêm mấy dòng, ngày 6/12/1990:

"Tường đang bị khó khăn lắm. Sự oán -nếu không muốn nói là căm thù- của những người cầm quyền cộng sản đối với Tường thật bền bỉ. Phải đợi Tường viết xong quyển III hồi ký, rồi mới tính đến chuyện in ấn ở Pháp".

• Thư ngày 21/1/91

Trên tấm danh thiếp nhỏ Nguyễn Mạnh Tường viết mấy hàng tiếng Việt:

"Họ chối từ không cho tôi trở lại làm luật sư. Họ không trả nhời về chuyện Francophonie".

Ông Tống Lịch Cường, chuyển tấm carte cho ông Lung, viết thêm mấy dòng tiếng Pháp:

"Tấm carte này đã được một người quen đem sang Pháp và gửi cho tôi qua đường bưu điện. Chúng ta thấy bao nhiêu dự tính của Tường đổ xuống sông cả, chỉ vì sự thù hận dã man và mù quáng của những người cầm quyền Hà Nội đối với Tường. "Sự ngu si vô văn hóa đã phá hoại văn hóa", như lời Tường vẫn nói, không ngừng theo anh trong suốt bốn mươi năm qua và vẫn còn đang tiếp tục".

• Thư ngày 23/2/1991

Nguyễn Mạnh Tường viết cho Nguyễn Văn Lung:

"Tôi gửi cho anh hai lá thư, nhưng hình như anh không nhận được. Những thư từ bạn bè ở Pháp gửi về cho tôi cũng bị bưu điện chận lại. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Việt Nam quả quyết trung thành với chủ nghiã cộng sản và đóng các cửa ngõ (...) Tôi rất mừng vì biết là anh và Portiche đã đọc qua hai tập đầu bộ hồi ký của tôi rồi, tập ba cũng đã xong, và tôi đang tìm cách gửi sang Pháp. Nếu Muldheim trở lại Hà Nội tháng 2, tôi sẽ gửi cho anh. Điều cốt tử là làm sao cả ba cuốn đến được Pháp. Nếu có nhà xuất bản chịu in thì hay quá (...) Gần một năm rồi mà những người cầm quyền vẫn làm ngơ không chịu trả lời về việc mở Câu Lạc Bộ Pháp Ngữ ở Hà Nội. Thật tức cười, mà như vậy đấy! Có lẽ phải nhờ đến nhà cầm quyền Pháp can thiệp chăng?

A close-up of a letter

Description automatically generated

• Thư ngày 7/10/1991

Nguyễn Mạnh Tường viết cho Nguyễn Văn Lung:

"Đã khá lâu chúng ta không có tin tức của nhau. Nhân bác sĩ Trịnh Đình Tuất (Trịnh Văn Tuất) về, tôi gửi mấy hàng chúc anh mạnh khoẻ. Về phần tôi, từ hai tháng nay, sức khoẻ xuống lắm. Tim đập loạn xạ làm mạch máu lưu thông không đều hoà, tôi bị ngã hai lần, khiến phải nằm rịt trên giường từ hai tháng nay. Tưởng bị liệt cả hay bán thân bất toại vì hai chân không động đậy được nữa. May mà cố gắng chữa chạy, sau những kỳ đấm bóp và tập đi, dùng các thứ thuốc có chất Coramine, Duxil... nay đã chống gậy đi lại được. Phần còn lại của cơ thể vẫn lành mạnh nhất là đầu óc. Cũng chẳng có gì lạ, vì tôi đã quá 82 tuổi và hồi ở Paris đã bị tai biến mạch máu lần đầu, phải vào bệnh viện Pean điều trị. Anh hiểu trong hoàn cảnh như thế này thì khó làm công việc hàng ngày.

Tôi mong tìm lại sức khỏe bình thường, nhưng mới chỉ là hy vọng".

• Thư ngày 26/3/1992

Nguyễn Mạnh Tường viết cho Nguyễn Văn Lung:

"Để trả lời thư anh, tôi báo tin anh biết là trong mấy năm vừa qua, tôi đã viết xong những tác phẩm sau đây:

Larmes et sourires d'une vieillesse (Nụ Cười Và Nước Mắt Tuổi Già), ba cuốn! Un excommunié (Kẻ Bị Khai Trừ), tiểu thuyết. Malgré lui, malgré elle (Mặc hắn, mặc nàng), bi kịch tình yêu dưới chế độ cộng sản. Partir, est ce mourir? (Đi, là chết?), bi kịch di dân.

Tất cả những sửa sai để thiết lập sự thật là đối tượng của phần phụ lục cuối sách. Những tác phẩm này được gửi nhà người bạn Fouilloux"1024.

• Thư ngày 16/8/1994

Nguyễn Mạnh Tường viết cho Nguyễn Văn Lung vài dòng ngắn, có câu:

"Tôi vẫn tiếp tục làm việc, dậy học và hoàn tất cuốn tiểu thuyết mới nhất Palinodies (Phủ nhận) cuốn sách thứ 18 của tôi".

• Thư ngày 19/1/1996

Joël Fouilloux gửi thư cho Nguyễn Mạnh Tường: "Thưa luật sư,

(...) Phải đến ngày 14 và 21/6/1995, khi lại thăm ông tại nhà, tôi mới biết rằng cuốn Lý Luận Giáo Dục Âu Châu của ông đã được xuất bản bằng tiếng Việt ở trong nước. Tuy nhiên qua thư từ và tin tức gia đình, ông cũng biết rõ là tôi đang thương lượng với RIASEM ở Đại Học Nice-Sophia Antipolis từ tháng 10/1994 để bảo vệ tập sách này (...)

Một mặt khác, cho đến tháng 6 vừa qua, ông vẫn còn đợi Hà Nội trả lời về việc in bản dịch các cuốn: "Eschyle et la tragédie grecque, Orestia, và Virgile et l'épopée latine. Hiện việc này tiến hành đến đâu rồi?

Ông Võ Văn Ái, nhà xuất bản Quê Mẹ, cũng là "nhà xuất bản của ông" do giao kèo mà tôi ký với ông Ái, qua giấy ủy nhiệm của ông, sau cùng, đã cho tôi biết kết quả đáng buồn về cuốn Un Excommunié, Hanoi 1954-1991: Procès d'un intellectuel, tới tháng 4/1992, như sau:

Tình trạng tồn đọng (không ghi tới ngày nào) là 802 cuốn. Số sách bán tới ngày 30/6/1995: 323 cuốn trên tổng số phát hành: 1530 cuốn.

Nhiệm vụ trung gian thân ái mà tôi đã hoàn toàn tình nguyện làm cho tới ngày nay, cũng như tất cả những gì tôi đã làm cho đất nước ông, được thúc đẩy bởi một nguyện ước sâu xa, thường trực, và kiên quyết, là để góp phần xây dựng lại tình bạn Việt-Pháp. Tôi vẫn tin, tôi còn tin. Và tôi đã dành cả sinh mệnh và sức lực của tôi trong suốt cuộc đời cho lý tưởng này.

Trong tinh thần đó, tôi đã "khai ngòi" cho việc nhận diện lại con người cao quý của ông, về phía Pháp cũng như về phía cộng đồng Việt Nam tại Pháp, bằng mối liên hệ mà tôi nối với nhà xuất bản này, để in cuốn sách tiếng Pháp đầu tiên (của ông) từ gần 50 năm nay. Cố gắng đầu tiên này sẽ được tiếp nối trong cộng đồng di tản hải ngoại bằng việc dịch tác phẩm sang tiếng Việt (dĩ nhiên vì bản tiếng Pháp không bán được, nên phải ngừng lại).

Dự trình ban đầu của chúng tôi năm 1991 đã có nhiều thay đổi trong thời gian qua. Ở thời điểm đó, phải hết sức thận trọng. Ông Võ Văn Ái và tôi đã vô cùng lo ngại ông sẽ bị liên lụy vì lối hành xử "tự do" của chúng tôi ở Paris. Tôi đã chứng kiến nỗi lo lắng tuyệt đối có tính cách cha con mà ông chủ nhà xuất bản và bà Phương Anh, vợ ông, bộc lộ, về ông. Họ đã tin tưởng một cách rất chân thành và với nhiều lý tưởng về sự thành công của dự trình này - dù mục đích thương mại của họ có thế nào chăng nữa. Ngày đầu tiên, họ đã tiếp tôi, với sự vui mừng lạ lùng và mối thân tình thực sự. Chúng tôi cùng chia sẻ những cái nhìn về con người và tác phẩm của ông và lợi ích cực điểm trong việc hướng công chúng trở lại với tên ông (...)"

Bìa sau cuốn Un Excommunié, nhà xuất bản trích một đoạn thư của Nguyễn Mạnh Tường viết ngày 16/3/1992 (có thể là gửi cho ông Fouilloux):

"Tôi muốn hoãn việc in các tác phẩm của tôi vì hoàn cảnh mới đây khiến tôi phải thận trọng, nhưng ông đã làm tôi vượt con sông Rubicon1025 và ông có lý: Rất nguy hiểm nhưng phải liều. Tôi chờ đợi cái tồi tệ nhất và mong nó không xẩy ra. Nhưng nếu họ dã man đến buộc tội tôi như những trí thức bị kết án phỉ báng chế độ, tôi sẽ vững chân đợi những thử thách, biết trước là tàn khốc. Tôi đã quyết định, nếu sự đó xẩy ra, tôi sẽ nhịn ăn tới chết. Ở tuổi 84, tôi đã trải qua tất cả mọi khía cạnh cuộc đời, và chẳng tiếc gì phải từ giã nó. Đời tôi, tôi đã làm tròn bổn phận của một trí thức trước dân tộc và lịch sử."

Việc in những dòng này, có lẽ đã được toan tính trước, để cảnh báo nhà cầm quyền nếu nặng tay với Nguyễn Mạnh Tường, kết quả sẽ khó lường được.

Sự "thất bại" của Un Excommunié, là một sự kiện đớn đau nhưng dễ hiểu: Một phần, vì người Việt có bằng cấp (bác sĩ, kỹ sư...) thường được coi là "trí thức", ít chịu đọc sách, nhất là sách Pháp. Thập niên 1990, còn có tình trạng phân hoá trầm trọng giữa hai phe Quốc - Cộng ở Paris, khiến cho cuốn Un Excommunié, do nhà xuất bản Quê Mẹ, thuộc phe Quốc in ra, bị phe Cộng sa thải. Hơn nữa, nội dung tác phẩm cũng không phù hợp với nhãn quan của các nhà trí thức phái tả.

Mặc tuổi cao, bệnh hoạn, luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã miệt mài làm việc, hoàn tất 7 tác phẩm viết về xã hội Việt Nam dưới chế độ cộng sản, mà bộ hồi ký Larmes et sourires d'une vieillesse - Nụ cười và nước mắt tuổi già, gồm ba cuốn. Có thể trong tác phẩm đồ sộ này, một khi được công bố toàn diện văn bản tiếng Pháp, không cắt xén, không biên tập lại, chúng ta sẽ tìm thấy 80 năm đời ông và 80 năm lịch sử Việt Nam trùng hợp. Lịch sử đích thực. Lịch sử của sự thực.

Những năm cuối đời, nhà văn Nguyễn Mạnh Tường tha thiết mong các tác phẩm của mình được in tại Paris. Vô vọng. Trong thư ông Fouilloux cho biết, ông đã chấm dứt nhiệm vụ và đã trao lại cho con gái luật sư, khi cô đến Paris. Dường như đó là lá thư cuối cùng của ông Fouilloux vì sau đó ông mất về bệnh tim.

956 Em ruột bà Hoàng Xuân Hãn.

957 Trần Văn Hà, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, tự học và quyết tâm là bí quyết thành công, Xưa và Nay, số 11, 1996.

958 Theo băng ghi âm Hoàng Cầm nói chuyện với bạn bè.

959 Nguyễn Đình Chú, Thầy tôi, Hồ sơ Nguyễn Mạnh Tường, mạng Vietstudies.

960 Phong Lê, Nguyễn Mạnh Tường-Một chân dung và một hành trình như tôi hiểu, Hồ sơ Nguyễn Mạnh Tường, mạng Vietstudies.

961 Trên các mạng Thông Luận, Vietstudies.

962 Jules Boissières, thuộc ngành hành chính dân sự, 1886 đến Bắc Kỳ cùng với Paul Bert và làm phụ tá cho Paul Bert. Paul Bert, bác học và chính trị gia, học trò của Claude Bernard, là vị Tổng Trú Sứ - Résident général Bắc và Trung Kỳ có đầu óc tự do, ôn hoà, chủ trương hợp tác Pháp-Việt, ông mở các trường Pháp- Việt đầu tiên ở Bắc và Trung (ở Nam Kỳ có từ 1867). Năm 1886, Paul Bert mất tại Hà Nội. Boissières mất tại Hà Nội năm 1897, ở tuổi 34, nổi tiếng với tập truyện ngắn Fumeurs d'opium - Những kẻ hút thuốc phiện in năm 1919.

963 Phạm Trần, Hạnh ngộ cụ Nguyễn Mạnh Tường, Hai thế hệ, một tâm tình, Paris, 16/11/1989, tài liệu đánh máy.

964 Phạm Trần, bđd.

965 Trần Văn Hà, bđd.

966 Nguyễn Văn Hoàn, Kỷ niệm về thầy Nguyễn Mạnh Tường, tháng 10/2009, báo Hồn Việt, mạng Vietstudies.

967 Phạm Trần, bđd. Theo cuốn Apprentissage de la Méditérannée- Kinh nghiệm Địa Trung Hải, ông đến Madrid tháng 4/1933, rồi đi thăm các tỉnh Tây Ban Nha và đi Ý; năm 1934 sang Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy ông đã nhớ lầm trật tự các chuyến đi, khi trả lời Phạm Trần 60 năm sau.

968 Nguyên văn tiếng Pháp:

Un Annamite de 22 ans, qui s'appelle Nguyen Manh Tuong, vient de décrocher avec une aisance remarquable, à la Faculté de Montpellier, le doctorat en droit et le doctorat ès lettres. Il ne lui a fallu que cinq ans d'études pour obtenir ainsi deux mandarinats occidentaux de première classe. Ce "jaune" intellectuel, s'est particulièrement distingué en soutenant une thèse littéraire sur le théâtre d'Alfred de Musset. Il pourrait sans aucun doute en remontrer à nombre de nos critiques. Le jury lui a adressé des félicitations auxquelles je ne me permettrai pas indigne que je suis, de joindre les miennes.

On ne compte d'ailleurs plus les jeunes Indochinois qui ont conquis, en France des diplômes de tous genres; ils obtiennent des succès universitaires que nombre de jeunes "barbares blancs", moins bien doués, leur envient... Très travailleurs, très intelligents, et par surcroît, très ambitieux, ces Asiatiques débrouillent, comme en se jouant, les mystères de notre orgueilleuse science, puis retournent dans leur patrie en disant:

- C'est tout ça, leur fameuse civilisation? De loin, ça paraît formidable, et de

près, ce n'est vraiment pas grand'chose! Aussi je me demande si nous ne commettons pas la plus grave des imprudences en initiant ainsi aux arcanes de notre "culture" des gaillards qui, rentrés chez eux, ne peuvent plus croire à la supériorité de cette race blanche qui les tient cependant en tutelle.

C'est très joli d'ouvrir aux indigènes les portes de nos universités, de les bombarder docteurs ès ceci et ès cela, mais nous nous faisons bien des illusions: nous croyons que c'est là un bon moyen d'effacer les souvenirs de la conquête et de passer le plus rapidement de l'ère de la domination à celle de la collaboration.

Les Jaunes que nous avons badigeonnés d'un intellectualisme blanc ne tournent sans doute pas à l'écarlate quand ils ont regagné les bords du fleuve Rouge, mais enfin beaucoup d'entre eux forment les cadres de ce parti communiste qui, en Europe, se déclare pour l'abolition des patries, mais, aux colonies prêche le nationalisme cent pour cent.

Comment voulez-vous qu'il n'en soit pas ainsi? Ce qui m'étonne, c'est qu'une jeune Indochinoise -car il est aussi des étudiantes jaunes- rentrée dans son pays avec le diplôme de professeur d'histoire, ne soit pas encore devenue la "Vierge rouge" d'une révolution libératrice en déclarant:

- A présent, c'est moi qui suis Jeanne d'Arc!

La sagesse consisterait, me semble-t-il à favoriser le développement des indigènes dans la ligne de leur propre civilisation. A quoi rime, je vous le demande cette thèse d'un Annamite sur le théâtre d'Alfred de Musset, théâtre charmant, raffiné, exquis, tout ce que vous voudrez, mais vraiment peu fait pour donner à un conquis une haute idée de la morale des conquérants?

N'oublions pas que Gandhi est un diplômé des universités d'outre-Manche et qu'il en donne du fil à retordre, avec son rouet, à l'Angleterre... Soyez tranquille, nous en aurons, quelque jour, notre part.

Clément Vautel

Le Journal, 17-7-1932

969 Clément Vautel, Mon film (Ống kính của tôi), báo Le Journal (Nhật trình) ngày 17/7/1932.

970 Phạm Trần, bđd.

971 Phạm Trần, bđd.

972 Lycée du Prétectorat, là Trường Bưởi và trường Chu Văn An sau này. 973 Ecole Supérieure des Travaux Publics.

974 Trả lời phỏng vấn Nguyễn Văn Hoàn, bđd.

975 Nguyễn Mạnh Tường, Un Excommunié (Kẻ bị khai trừ, trang 286).

976 Le tort de parler trop tôt - Sai lầm vì nói sớm quá của Georges Boudarel, in trong Sudestasie số 52, tháng 5/1988. Việc NMT làm phụ tá Thị trưởng, Boudarel dựa theo tài liệu trong Souverains et notabilités d'Indochine, Éditions du Gouvernement général de l'Indochine, 1943, trg 99.

977 Trước là Gambetta.

978 Nguyễn Văn Hoàn, bđd.

979 Cha bà Trần Lệ Xuân (bà Ngô Đình Nhu).

980 Nguyễn Đình Nhân, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường từ trần tại Việt Nam, báo Tin Tức, 7-8/1997, Paris.

981 Hoà Khánh, Ba giờ với luật sư Nguyễn Mạnh Tường, phỏng vấn ghi âm, viết lại, đăng trên Giai phẩm xuân Quê Mẹ, số 105-106, tháng 1/1990.

982 Nguyễn Văn Hoàn, bđd.

983 Boudarel, bài đã dẫn.

984 Trong bài Đường về Liên khu Ba, Cách mạng Kháng chiến và đời sống văn học, tập 1, trang 155-163.

985 Trong Hồi ký Cách mạng kháng chiến, trang 180-183.

986 Hoà Khánh, bđd.

987 Nguyễn Văn Hoàn, bđd. 988 Boudarel, bđd.

989 Trần Văn Hà, bđd.

990 Cha ông Bùi Tín.

991 Kiều Mai Sơn, Nguyễn Mạnh Tường, Luật sư huyền thoại, An Ninh Thế Giới 10/10/2009, mạng Bee.net và Vietstudies.

992 Hoàng Văn Chí, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, trang 293.

993 Kiều Mai Sơn, bđd.

994 Qua những sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, trang 305.

995 Khu Ba.

996 Chánh án, Bí thư Đảng đoàn.

997 Trích dịch Un Excommunié (Kẻ bị khai trừ), Quê Mẹ, Paris, 1992, trang 205-206.

998 Boudarel, bđd.

999 Thanh Hoá.

1000 Hoàng Trung Thông kể, Tôn Phương Lan ghi, Trên địa bàn văn nghệ khu Bốn và Việt Bắc, Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học, tập 1, Tác phẩm mới, 1985, trang 184.

1001 Hoàng Trung Thông, sđd, trang 187.

1002 Boudarel, bđd.

1003 YÊU.

1004 Trích dịch Lettre à un ami de France, Revue Défense de la Paix, tháng 1/1953.

1005 Trích dịch Un Excommunié, trang 75-76.

1006 Trích dịch Un Excommunié, trang 76-77.

1007 Hoà Khánh, bđd.

1008 Trích dịch Un Excommunié, trang 23-24-25-26.

1009 Trích dịch Un Excommunié, trang 28 và 30.

1010 Nguyễn Văn Hoàn, bđd.

1011 Hoà Khánh, bđd.

1012 Hoà Khánh, bđd. 1013 Phạm Trần, bđd.

1014 Trích dịch Un Excommunié, trang 254- 257- 258.

1015 Phạm Trần, bđd.

1016 Un Excommunié, trang 338-340.

1017 Phạm Trần, bđd.

1018 Phượng Linh Đỗ Quang Trị, Thầy Nguyễn Mạnh Tường không còn nữa, tài liệu đánh máy.

1019 Luật sư Trần Thanh Hiệp, lúc đó là chủ tịch hội Văn Bút Việt Nam hải ngoại.

1020 ACCT là Agence de Coopération Culturelle et Technique - Cơ quan hợp tác kỹ thuật và văn hoá, Jean-Louis Roy làm Tổng thư ký năm 1990.

1021 Đạm hay Đàm, vì viết tiếng Pháp không để dấu.

1022 Nhân viên Bộ ngoại giao Pháp.

1023 Anh bà Nguyễn Mạnh Tường.

1024 Ông Joël Fouilloux, địa chỉ năm 1989: số 2, Allée des Ecuyers, 78240 Chambourcy, theo nha sĩ Nguyễn Văn Lung, đã mất về bệnh tim, khoảng 1996.

1025 Rubicon là tên con sông nhỏ ở biên giới Ý và La Gaule cisalpine (tên Ý gọi đất Pháp vùng núi Alpes thuộc Ý). Thành ngữ vượt sông Rubicon do điển tích: Thời xưa, để bảo vệ thành La Mã, có luật cấm Tướng cầm quân từ La Gaule về vượt biên giới này mà không có phép của Nguyên Lão Nghị Viện (Sénat). Năm 50, César, bất chấp luật, đem quân vượt sông Rubicon, rồi tuyên bố: Việc đã rồi! Từ đó có thành ngữ vượt sông Rubicon.

Chương 24

une voix dans la nuit

cải cách ruộng đất và cải tạo tư sản

Trong buổi nói chuyện trên RFI tháng 9/1995, trả lời câu hỏi: "Từ sự đoàn kết dân tộc thời toàn quốc kháng chiến 1946, đến thời kỳ phân hoá chia rẽ dân tộc chỉ có 10 năm. Tại sao?" Nguyễn Hữu Đang giải thích:

"Có thể hiểu việc đó như thế này: Ngay trong cương lĩnh của đảng Cộng Sản Đông Dương cũng ghi rõ là làm cách mạng để tiến tới Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa. Cho nên 10 năm sau, nhất định nước Việt Nam phải tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội và muốn tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội thì phải tiến hành Đấu Tranh Giai Cấp, phải xóa bỏ địa vị, quyền lợi của hai giai cấp bóc lột là giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản. Trước kia đoàn kết Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc, giờ đây phải Đấu Tranh Giai Cấp để tiến tới Chủ Nghĩa Xã Hội. Trong Đấu Tranh Giai Cấp như thế thì quyết liệt lắm, có ảnh hưởng chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao Trạch Đông là quá tả, rất ác liệt, (...) Chúng tôi chống, là chống cái chủ nghĩa Staline và chống chủ nghĩa Mao Trạch Ðông. Sự thâm nhập của chủ nghĩa Staline và chủ nghĩa Mao Trạch Đông đưa đến nhiều hiện tượng -nói là chuyên chính thì chưa đủ- phải nói là cực quyền toàn trị, nó gay gắt ghê lắm. Nó gay gắt ghê lắm! Ðảng Cộng Sản đã phạm sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất, rồi thì Chỉnh Huấn, Chấn Chỉnh Tổ Chức, Ðăng Ký Hộ Khẩu v.v... Tất cả những cái đó đều do những cái quá tả, từ phương Bắc nó xâm nhập vào, chứ không phải chờ đến bây giờ nó mới đem cái tả khuynh hữu trí vào nước Việt Nam. Cái thời mà cụ Hồ chưa về nước và ông Trần Phú làm tổng bí thư, thì làm cái cuộc gọi là Xô Viết Nghệ Tĩnh, đưa ra cái khẩu hiện rất quái gở tức là "Trí, phú, địa, hào đánh tận gốc, trốc tận rễ". Nó quá tả như thế thì còn làm sao giành được độc lập! Như thế là chia rẽ dân tộc".

A collage of a person

Description automatically generated

Lịch trình 10 năm tiến lên Xã hội chủ nghiã ở Việt Nam đã xẩy ra như sau:

Đầu năm 1950, Hồ Chí Minh bí mật đi Liên Xô và Trung Quốc về. Heinz Schütte phân tích: "Tháng 1/1950, Đại Hội III Đảng Cộng Sản, tuyên bố Việt Nam chính thức đi theo đường lối Trung Quốc và đẩy mạnh chủ trương đấu tranh giai cấp trong cả nước. Điều này dẫn tới việc thủ tiêu những người bị cho là những "phần tử phản cách mạng". Sách vở Trung Quốc, đặc biệt những tác phẩm của Mao được dịch ra tiếng Việt -vài tác phẩm do chính Hồ Chí Minh dịch- để truyền bá những phương pháp của Trung Quốc trong việc vận dụng chủ nghiã Mác-Lê-Mao, trong việc tiến hành cách mạng và cải tạo tư tưởng ở Việt Nam. Tại chiến khu Việt Bắc, từ những năm 1951 đã có các khoá chỉnh huấn tư tưởng dành cho trí thức"1026.

Mấu chốt cuộc cách mạng vô sản là Đấu Tranh Giai Cấp. Từ Đấu Tranh Giai Cấp nẩy sinh Chỉnh Huấn. Chỉnh Huấn chuẩn bị cho Giảm Tô. Sau Giảm Tô đến Cải Cách Ruộng Đất, Cải Tạo Tư Sản, và Thanh Trừng Trí Thức. Từ Trung Quốc về, Hồ Chí Minh bắt tay vào việc thực hiện những chiến dịch này từ 1950 đến 1960 để hoàn thành cuộc Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghiã.

Cho đến nay, hai tác giả viết về tiến trình 10 năm tiến lên Xã Hội Chủ Nghiã một cách rõ ràng nhất là Hoàng Văn Chí trong Từ thực dân đến Cộng sản và Nguyễn Mạnh Tường trong Une voix dans la nuit - Tiếng vọng trong đêm. Sách của Hoàng Văn Chí - Mạc Định, dưới dạng nghiên cứu, ra đời từ 1962, nguyên tác tiếng Anh, đã được dịch sang tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và tiếng Việt do chính tác giả dịch, đã được phổ biến rộng rãi và Phạm Thị Hoài đưa lên Talawas những năm gần đây.

Tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tường, trong khi chờ đợi bản đánh máy, kèm với bản chụp ảnh và bản dịch sẽ đưa dần lên Internet, chúng tôi dịch và giới thiệu những phần chính, giống như việc Boudarel đã làm khi ông giới thiệu bài Qua những sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo" của Nguyễn Mạnh Tường sang tiếng Pháp cách đây hơn 20 năm. Nhưng trước khi đọc Nguyễn Mạnh Tường, chúng ta cần tóm tắt lại chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất qua sự trình bầy của Hoàng Văn Chí.

● Chỉnh Huấn

Theo Hoàng Văn Chí, hồi ở Khu Tư, Nguyễn Sơn có viết mấy cuốn sách nhỏ về Chỉnh Quân, Chỉnh Phong, và Chỉnh Đảng1027, vì không ưa Nguyễn Sơn nên Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp không dùng, chỉ chép lại những nét đại cương, lập nên phong trào Rèn Cán Chỉnh Cơ1028. Sau này, khi Nguyễn Sơn đã trở lại đất Tầu, năm 1951 và các cố vấn Trung Quốc đã sang Bắc Việt để huấn luyện, Đảng mới áp dụng phương pháp "cải tạo tư tưởng" hoàn toàn theo kiểu Mao, gồm Chỉnh Phong, Chỉnh Đảng hợp lại gọi là Chỉnh Huấn.

Vì mọi cấp bậc đều phải đi học, nên Chỉnh Huấn chia làm nhiều đợt để mọi người có thể thay phiên nhau nghỉ việc, đi học. Mỗi khoá chỉnh huấn dài ba tháng, thêm một tháng sắp xếp ăn ở. Vì vậy, mỗi chiến dịch chỉnh huấn kéo dài từ 1 năm đến 18 tháng, cán bộ cao cấp đi học trước, rồi về dạy học viên khoá đầu.

Bài học do Trường Chinh soạn, nhưng một phần được in lại từ cuốn sách Sửa Đổi Lề Lối Làm Việc của XYZ - một biệt hiệu của Hồ Chí Minh - do nhà xuất bản Sự Thật in và chính ông Hồ viết năm 1946. Vẫn theo Hoàng Văn Chí, khi học viên có thắc mắc mà giáo viên đả thông không nổi, thì ông Trường Chinh, tổng bí thư Đảng sẽ đến. Nếu ông Trường Chinh cũng không thuyết phục được, thì ông Hồ sẽ thân hành đến. Chưa có thắc mắc nào mà ông Hồ không đả thông nổi. Khoá chỉnh huấn 1953-1954, mà ông Hoàng Văn Chí tham dự, gồm 5 bài học: 1- Thái độ học tập. 2- Lịch sử cách mạng Việt Nam. 3- Tình hình mới, nhiệm vụ mới. 4- Tác phong cán bộ và đảng viên. 5- Cải Cách Ruộng Đất.

Bài học thứ 5, về Cải Cách Ruộng Đất, nhắm vào năm điểm chính:

1/ Bản chất nông dân rất thực tế - tức là hám lợi.

2/ Vậy để họ phấn khởi, ta nên cấp phát cho họ đủ ruộng đất cầy cấy, thành chủ nhân ông ruộng đất của mình.

3/ Địa chủ là thành phần bóc lột. Là kẻ thù số một của nhân dân.

4/ Nhưng chỉ có nhân dân mới biết rõ, ai là địa chủ phản động gian ác.

5/ Vậy phải để cho nhân dân lãnh đạo đấu tố. Đảng đứng sau hướng dẫn.

Tài liệu chính trong bài học thứ 5 này là bản báo cáo của Trường Chinh đọc tại Đại hội I của Đảng Lao Động, họp tại Việt Bắc từ 14 đến 23/11/1953.

Trường Chinh lập luận: Chế độ cũ là chế độ bóc lột. Việt Nam có 5% dân số địa chủ, chiếm 70% diện tích ruộng đất trong nước. Nếu lấy lại ruộng đất ấy, chia đều cho mọi người thì mỗi gia đình sẽ được 1 héc-ta. Địa chủ luôn luôn cấu kết với đế quốc Pháp. Địa chủ và đế quốc đều là kẻ thù. Phải tiêu diệt cả hai: Phản đế là tiêu diệt đế quốc Pháp. Phản phong là chống phong kiến, tức là tiêu diệt giai cấp địa chủ1029.

Vì người Việt không dễ dàng chấp nhận chính sách Cải Cách Ruộng Đất theo kiểu Mao, nên Đảng phải tổ chức các chiến dịch Chỉnh huấn để đả thông tư tưởng. Những người tham dự Chỉnh huấn xuất thân trung lưu hoặc khá giả, họ phải chấp nhận lập luận của Đảng, với hy vọng, nếu có bị ghép vào thành phần địa chủ, thì cũng là địa chủ tiến bộ, đã theo kháng chiến và theo Đảng1030.

● Giảm Tô và Cải Cách Ruộng Đất

Cuộc Cải Cách Ruộng Đất được thực hiện qua hai chiến dịch: Giảm Tô 1953-54 và Cải Cách Ruộng Đất đích thực 1954-56, đều có đấu tố và xử bắn địa chủ. Hai chiến dịch này không thực hiện cùng một lúc trên toàn quốc, mà làm từng đợt ở những vùng mà đảng cộng sản nắm vững, thành một vết dầu loang.

Mỗi chiến dịch có 5 đợt. Cả hai chiến dịch đều nhắm mục đích tiêu diệt toàn bộ địa chủ để thành lập chế độ vô sản chuyên chính ở nông thôn.

Vài tháng sau cuộc "Đấu Tranh Chính Trị" - là cuộc khủng bố từ tối 23/12 Nhâm Thìn tức là ngày 7/2/1953, nhằm ngày ông Táo chầu trời, kéo dài trong nửa tháng, tiêu diệt tất cả thành phần phản động - chính quyền mới bắt đầu thực hiện chiến dịch Giảm Tô.

Về Giảm Tô1031, từ 1949 đã có sắc lệnh Giảm Tô của Hồ Chí Minh, bắt địa chủ phải giảm thu địa tô 30%, giống chính sách Giảm Tô thuần tuý thực hiện ở Trung Quốc trước 1949, trong vùng Mao chiếm đóng. Chiến dịch Giảm Tô 1953 của Hồ Chí Minh, là phần đầu chính sách Cải Cách Ruộng Đất, có đấu tố và xử bắn địa chủ; chỉ khác Cải Cách Ruộng Đất ở điểm: Giảm Tô giới hạn trong số ít người, còn Cải Cách Ruộng Đất, số người bị quy là địa chủ tăng gấp năm lần so với Giảm Tô.

Thực chất Giảm Tô như sau:

Một đoàn cán bộ đã được huấn luyện ở Trung quốc giả dạng làm nông dân bí mật về làng. Họ thực hành chính sách gọi là ba cùng - cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với chủ nhà- trong ba tháng, làm giúp mà không lấy công, góp phần ăn với chủ nhà. Họ có nhiệm vụ điều tra và "giác ngộ" người nông dân về sự tàn ác của địa chủ. Người nông dân được "giác ngộ" gọi là "rễ", và công tác kể trên gọi là "bắt rễ". Từ đó, cán bộ chỉ hành động qua cái "rễ", và rễ A sẽ kết nạp B, B kết nạp C... việc này gọi là "xâu chuỗi"; B, C, D... được gọi là cốt cán. Sau vài tháng hoạt động như vậy, cán bộ có đầy đủ thông tin về cả làng và sẽ báo cáo bí mật với Đoàn Cải Cách Ruộng Đất đóng ở tỉnh. Cán bộ quy định tất cả các thành phần trong làng, đặc biệt thành phần địa chủ và gán cho người nào những tội gì.

Tới lúc đó Đội Cải Cách Ruộng Đất mới ra mắt công khai, đứng lên điều khiển mọi việc trong làng, thay mặt cơ quan hành chính địa phương. Chiến dịch có 6 bước liên tiếp:

1/ Định thành phần.

2/ Phân loại địa chủ.

3/ Tống tiền: Địa chủ bị bắt rồi, vợ con sẽ phải trả ngay một số tiền gọi là "thoái tô" hoặc "nợ nông dân" tức là phải trả lại số tô đã thu "quá mức" trong 4, 5 năm vừa qua.

4/ Tố khổ: Nông dân được học tập cách tố khổ, lập danh sách tội ác của địa chủ.

5/ Đấu địa chủ: Địa chủ được mang ra đấu trường.

6/ Xử án địa chủ: Vài ngày sau cuộc đấu, một toà án nhân dân đặc biệt tới xã, xử những người bị tố, toà án toàn là bần cố nông không ai có kiến thức về luật pháp.

Chiến dịch Giảm Tô, đánh vào thành phần địa chủ "đầu sỏ" phản động, bóc lột. Khoảng một năm sau chiến dịch Giảm Tô, Đảng thi hành chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất Đích Thực.

Cải Cách Ruộng Đất Đích Thực là cuộc thanh trừng quy mô trong toàn quốc, thực hiện ngay trong hàng ngũ Đảng. Đảng viên cũng bị thanh trừng như quần chúng ngoài đảng. Lần này Đảng ấn định cho mỗi xã một con số tối thiểu địa chủ gấp năm lần chiến dịch Giảm Tô. Và như vậy, không đủ con số địa chủ để đánh, phải đánh tới các thành phần dưới là phú nông, có nơi tới cả bần nông.

Khi Cải Cách Ruộng Đất đợt 5, tức là đợt cuối cùng, chấm dứt, Đảng mới tuyên bố Sửa Sai1032.

Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội Nghị Nông Vận Và Dân Vận Toàn Quốc ngày 5/2/1953, Hồ Chí Minh nói rõ lập trường và mục đích của ông trong Cải Cách Ruộng Đất:

"Sau 80 năm nô lệ, nhân dân ta nổi lên đánh đổ đế quốc giành độc lập. Bọn phong kiến địa chủ lại mưu bán nước. Trong chính phủ bù nhìn là những ai? Bảo Đại và những tên đầu sỏ khác đều là bọn đại địa chủ phong kiến. Đế quốc lợi dụng phong kiến địa chủ để cướp nước ta. Phong kiến địa chủ bám vào đế quốc để áp bức bóc lột nhân dân ta. Vì thế, muốn kháng chiến thắng lợi không những phải đánh đổ đế quốc mà còn đánh đổ cả phong kiến địa chủ".

Để thuyết phục thành phần xuất thân địa chủ ủng hộ Cải Cách Ruộng Đất, ông hứa: "Vấn đề xuất thân có quan hệ thật nhưng nếu xuất thân là địa chủ nhưng đứng hẳn về phía nông dân, thì không phải là địa chủ nữa. Trung Quốc gọi những địa chủ hoan nghênh Cải Cách Ruộng Đất là "thân sĩ khai minh". Cho nên, nếu kiên quyết rửa sạch tư tưởng địa chủ thì dù xuất thân là địa chủ vẫn tham gia được cách mạng".

Hồ Chí Minh xác nhận sự lãnh đạo và trách nhiệm của ông trong Giảm Tô và Cải Cách Ruộng Đất: "Vì giảm tô chưa thực hiện được triệt để nên năm nay (1953) Đảng và Chính phủ phải chủ trương phát động quần chúng triệt để giảm tô. Từ năm 1949 đã có sắc lệnh giảm tô, đến nay đã 4 năm mà vẫn chưa thực hiện triệt để. Xem đó thì biết rằng giảm tô không phải là vấn đề giản đơn, nó là một bộ phận của giai cấp đấu tranh, giai cấp nông dân đấu tranh với giai cấp địa chủ. Đây cũng là một chiến dịch nhưng chiến dịch này to và rộng hơn chiến dịch Hoà Bình, Tây Bắc vì nó mở ra khắp cả nước. Nó càng khó hơn đánh giặc, vì đánh giặc thì đưa vũ khí ra mà đánh, trong chiến dịch này nông dân không đưa súng đạn ra đánh với địch, nhưng phải dùng một thứ vũ khí mạnh hơn, tức là lực lượng tổ chức và lực lượng đoàn kết của hàng triệu nông dân. Đảng và Chính phủ là Bộ Tổng Tư Lệnh, Bộ Tổng Tham Mưu của cuộc đấu tranh này.

Cũng như mọi chiến dịch khác, nó phải có chính sách rõ ràng, phương châm đúng đắn, kế hoạch đầy đủ, có tổ chức, có lãnh đạo, chứ không phải nói "phóng tay phát động" quần chúng là phóng tay lung tung (...)

Tư tưởng và hành động phải nhất trí, lý luận và thực hành phải nhất trí, cán bộ trên dưới phải nhất trí, cán bộ và nông dân phải nhất trí, thì mới chắc thành công"1033.

● Cải Tạo Tư Sản

Chiến dịch Cải Tạo Tư Sản ở thành thị cũng không kém phần khốc liệt và cũng gặp những khó khăn như Cải Cách Ruộng Đất, nghiã là những thương gia, những sở hữu chủ giầu có, phần lớn đã đi Nam hay ra ngoại quốc, Hà Nội chỉ còn lại những người buôn bán nhỏ, và giai cấp công chức, trước làm việc cho Pháp, nay đã về hưu mà cụ Cát, cha của Nguyễn Mạnh Tường là một trường hợp. Những người này, sau năm 1954, không còn được lĩnh lương hưu của Pháp nữa, sống nhờ vào căn nhà - tiền dành dụm một đời- ngày trước ở cả, nay dọn lại, cho thuê một phần để có lợi tức sống qua ngày.

Chính sách Cải Tạo Tư Sản xác định bất cứ nguồn lợi nào không do bàn tay làm ra, là bóc lột. Vì vậy, người nào có một phần nhà cho thuê, dù lớn dù nhỏ, đều bị chính quyền tịch thu, quản lý và thu tiền thuê nhà. Nhiều người không còn nguồn lợi nào khác, đành chết đói.

Sau những ngày tháng rộn ràng của chiến thắng Điện Biên Phủ, tuy đất nước bị chia đôi, nhưng đến 10/10/1954, khi quân đội Việt Minh tiếp thu Hà Nội, mọi người đều ít nhiều hy vọng ở chính phủ mới. Tuy nhiên những tin tức về Giảm Tô và Cải Cách Ruộng Đất bắt đầu lan rộng. Người di cư đi Nam càng ngày càng đông, nhất là thành phần công giáo. Để trấn an dân chúng, năm 1955, chính quyền tạm ngưng chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất trong một thời gian, nhưng rồi vẫn tiếp tục đến 1956. Đợi xong đợt Cải Cách Ruộng Đất đợt 5, cuối cùng, tháng 8/1956, Đảng mới chính thức tuyên bố Sửa Sai.

Từ 1953 đến 1956, với Chiến dịch Giảm Tô và Cải Cách Ruộng Đất, chính quyền đã tiêu diệt xong thành phần địa chủ ở nông thôn.

Từ 1956 đến 1960, là cuộc Thanh Trừng Trí Thức trong một quy mô rộng lớn mà NVGP là tâm điểm. Cùng thời điểm ấy diễn ra cuộc Cải Tạo Tư Sản ở thành thị.

Cả ba giai đoạn Cải Cách Ruộng Đất, Cải Tạo Tư Sản và Thanh Trừng Trí Thức được Nguyễn Mạnh Tường phản ánh trong tiếu tuyết Une voix dans la nuit.

● Une voix dans la nuit.

Une voix dans la nuit - Tiếng vọng trong đêm có tiểu tựa: Tiểu thuyết viết về Việt Nam từ 1950 đến 1990. Trang cuối ghi: Viết xong ngày 19/3/1993, giữa tuổi 84 và 85.

Bản thảo đánh máy khổ 20,6x31,1cm gồm 109 trang, thiếu 16 trang đầu. Mục lục đề rõ bốn phần:

Cải cách ruộng đất.

II- Cải tạo tư sản.

III- Vấn đề trí thức.

IV- Độc quyền đảng trị.

Và thêm phần cuối: Đối thoại giữa một người trí thức và một người cộng sản.

Vậy có thể hiểu: 16 trang đầu, tác giả tự ý bỏ đi. Đây là cuốn tiểu thuyết chính trị, mô tả và phân tích những giai đoạn chính trong đời sống Việt Nam dưới chế độ cộng sản.

Nguyễn Mạnh Tường soi ống kính vào chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất, tìm hiểu bộ não điều khiển mà vị lãnh tụ tối cao gọi là "tổ chức" để biến những người dân quê hiền lành chất phác thành những kẻ tàn ác trong đấu tố. Ông mô tả guồng máy bào chế căm thù đã được kiến trúc như thế nào, với con mắt quan sát tinh vi của một chứng nhân sống từ bên trong.

Tác phẩm có giá trị như một tư liệu lịch sử. Nếu Un Excommunié - Kẻ bị khai trừ mô tả phương pháp thanh trừng các trí thức tham gia NVGP, thì Une voix dans la nuit -

Tiếng vọng trong đêm mở địa bàn rộng hơn, truy nguyên đến nguồn cội, tìm hiểu lý do vận hành và mục đích của ba chính sách tiêu diệt: địa chủ, sở hữu chủ, và trí thức, để thiết lập chế độ chuyên chính vô sản, rồi độc tài toàn trị ở Việt Nam.

Nguyễn Mạnh Tường chú ý đến những gì xẩy ra trong hậu trường Cải Cách Ruộng Đất, mô tả quá trình rèn luyện chính trị, học tập căm thù, tập dượt đấu tố, trước ngày vở kịch mở màn thực thụ trên đấu trường. Địa điểm là một làng nghèo trong phủ Nho Quan.

Lan, con gái út một công chức về hưu, nhà ở số 13, phố Hàng Giấy, Hà Nội, đang học năm thứ nhất trường Cao Đẳng Sư Phạm Sinh Ngữ, môn Pháp văn, và Hiên, một bộ đội, cả hai được gửi đi học tập Cải Cách Ruộng Đất. Tình cờ gặp nhau, tình yêu chớm nở giữa hai người. Một cặp thanh niên khác, sau cũng trở thành vợ chồng, đó là Năng, ủy viên chính trị, đội phó đội cải cách, và Thủy, thành viên đoàn Thanh Niên Cộng Sản. Năng và Thủy sẽ trở thành giai cấp lãnh đạo.

Người đọc dễ dàng nhận ra: gia đình Lan chính là gia đình Nguyễn Mạnh Tường mà ông Cát, công chức thời Pháp thuộc về hưu, vai chính trong bi kịch Cải Tạo Tư Sản, là cụ Nguyễn Căn Cát, cha của tác giả. Những nhân vật cùng nhau xuyên qua ba thời kỳ: Cải Cách Ruộng Đất, Cải Tạo Tư Sản và Thanh Trừng Trí Thức, trong vị trí đối lập: một bên là trí thức, một bên là cộng sản, trong cuộc chiến một mất một còn. Vào truyện bằng những dòng lãng mạn pha lẫn kinh hoàng, Nguyễn Mạnh Tường viết:

"Mặt trời chiều tan loãng trong ao vàng, quét những tia sáng xiên lên bầu trời phía tây tới tận thiên đỉnh. Theo đúng mệnh lệnh, Nho Quan, chôn vùi trong im lặng chết chóc, không động tĩnh, không một bóng người, chó mèo cũng không dám phóng qua đường! Không biểu hiệu sống nào chứng tỏ những cơn cuồng nộ, tàn ác của phi công địch sẵn sàng thả bom hay nã liên thanh từng loạt.

Trong cảnh ngày tàn, giữa lúc nhá nhem ma quỷ hiện, Nho Quan biến thành nơi tụ họp của những đoàn người buôn bán, ban ngày ẩn núp trong các làng mạc xung quanh, cách trung tâm thị trấn năm cây số: có người, vì khôn ngoan hay cẩn thận, đã đào cả hầm sâu ngoài đồng. Nhưng giờ thì bà tiên hoàng hôn đã cầm cây đũa thần đánh thức mọi người ra khỏi trạng thái hôn mê. (...)

"Trên không, nền trời xanh thẫm làm nổi bật ánh sáng rực rỡ từ các vì sao ganh đua nhấp nháy, rung động. Dưới đất, bóng tối âm u dâng ngọn triều, bao trùm lên cảnh vật mênh mông, hàng đoàn bạn hàng đi về phía chợ, vai gánh hai thúng đầy nông sản; những ngọn đèn nhỏ, móc trên đòn gánh, theo nhịp chân rảo bước, ngời lên ấn tượng nên thơ của những ngọn lửa vàng dắt tay nhau nhẩy múa"1034.

Cuốn tiểu thuyết bắt đầu bằng những dòng thơ mộng đầy bí mật, nhưng rồi tác giả rời dần bút pháp văn chương, để đi vào bút pháp chính trị.

● Bài học thứ nhất về sự bóc lột và sự căm thù

Trên đường đêm từ Nho Quan về làng cách phố phủ hai cây số, Lan và Hiên tình cờ gặp nhau, họ theo Đội Cải Cách về đây để sống ba cùng. Đội trưởng là một nhà cách mạng lão thành và đội phó, Năng, một uỷ viên chính trị. Tám thành viên khác đều là cán bộ làm việc trong những cơ quan kháng chiến, tuổi không quá 20. Đêm đầu trước khi vào làng họ được nhận bài học khai tâm của ông đội trưởng:

"Thưa các đồng chí, qua những lớp học chính trị, chắc các đồng chí đã biết rằng Đảng ta, sau khi đánh đuổi bọn thực dân hút máu mủ đồng bào, giải phóng Việt Nam khỏi ách nô lệ ngoại bang, trả lại cho người dân phẩm giá và danh dự của họ, đã tự lãnh nhiệm vụ tạo hạnh phúc cho dân. Một mai khi người lính thực dân cuối cùng rời bỏ xứ này, khi chúng ta trở lại làm chủ những tài nguyên thiên nhiên của chúng ta, thì ta phải xây dựng lại tổ quốc và sản xuất. Kẻ thù bên ngoài không còn dầy xéo lãnh thổ, nhưng chúng ta vẫn còn vướng mắc kẻ thù bên trong, không kém phần nguy hiểm, vì tiềm lực của nó rất phức tạp, đa diện, mờ ám, vô hình, bí mật và ẩn sâu trong nội tạng! Đó là sự ham thích bóc lột. Nó đẩy tới chỗ chiếm hữu của cải không do ta làm ra bằng mồ hôi nước mắt. Nhưng chúng ta không thể sống như ký sinh trùng trong xã hội, bằng sức lao động của kẻ khác.

Bản thân tôi chưa dám nghĩ chế độ cộng sản sẽ cố chấp đến độ tuyên bố rằng tất cả mọi hạt gạo kiếm được không do sức lao động, đều là sản phẩm của sự bóc lột con người. Nếu như thế, thì tất cả các sở hữu chủ, cho thuê động sản hay bất động sản để kiếm lời, đều là bóc lột. Ở thôn quê, mọi địa chủ không cầy cấy đất đai của mình mà cho cấy rẽ, đều là bóc lột. Trong làng này, chỉ có khoảng 15 héc-ta đất trồng cấy. Người giầu nhất có 7 héc-ta. Ba người kia chia nhau chỗ còn lại.

Đến đây, diễn giả ngừng một chút để đợi phản ứng của cử toạ. Không một lời nào cất lên phàn nàn vì chiến lợi phẩm nhỏ nhoi mà người săn sẽ thu lượm được. Biết rõ những gì xẩy ra cho những kẻ hay phản đối, hoặc bướng bỉnh muốn tỏ mình hay ho, ra cái điều "ta đây gì cũng biết", tất cả ê-kíp ẩn trong im lặng, ngậm tăm đầy ý nghiã. Diễn giả tiếp tục:

"Trong các đồng chí có người sẽ nghĩ rằng, con thú mà chúng ta lùng bắt không xứng với công săn. Tôi xin trả lời: ta không săn một con thú mà ta săn con trùng của một căn bệnh mà ta phải trừ tuyệt nọc, bằng mọi giá, để nó khỏi nhiễm độc xứ sở, lây lan dân tộc. Xã hội chủ nghiã chỉ có thể chiến thắng sau khi đã tiêu diệt sự bóc lột và những kẻ bóc lột tàn nhẫn và ác độc nhất. Vậy các đồng chí đã hiểu rõ ý nghiã của cuộc cải cách ruộng đất.

Những ai góp phần vào công cuộc cải cách ruộng đất, cũng là góp sức củng cố vững bền niềm tin vào chủ nghiã cộng sản và cũng tự dọn cho mình một chỗ đứng vinh dự trên Thành đài mới mà chúng ta đang xây dựng".

Diễn giả lại ngừng một lát để cho những kiến thức mới nhập vào óc người nghe, thấm thật sâu, rồi mới tiếp tục:

"Thưa các đồng chí, tôi vừa nhắc các đồng chí thế nào là chiến lược cộng sản. Bây giờ tôi sẽ nói tới cái mưu lược phải dùng ở nơi hẻo lánh này, mặc dù nghèo khổ cùng cực, cũng không ngăn được sự bóc lột lan vào tàn phá. Chúng ta sẽ dành những đòn thâm độc nhất cho tên đại địa chủ làng này. Việc quan trọng nhất không phải là kết án tử hình nó, mà trước hết phải hủy hoại thanh danh nó, giết chết lòng tự hào của nó, cắt tuyệt những hoài nghi cho rằng nó vô tội, đập vỡ lòng tự tin của nó về bản thân, về của cải mà nó đã chiếm đoạt bằng tội ác trên lưng người nông dân nghèo mà cuộc sống hàng ngày tưới đẫm mồ hôi và nước mắt, phải hạ nhục nó, kéo nó xuống địa vị con giun bò dưới đất mà ta nghiền nát dưới gót giầy! Những đãi ngộ mà ta dành riêng cho nó, không chỉ nhắm đưa đến cái chết đáng đời của nó mà hơn nữa, ta phải giật cái vòng hoa trên đầu nó xuống, cái vòng nguyệt quế cho phép nó đứng ngang hàng với thánh thần trong đầu óc người dân quê, họ đã quỳ mọp và hiến dâng lòng sùng kính của họ. Đó là phương tiện hữu hiệu nhất để đem lại cho những kẻ thanh bần này lòng tự tin và phẩm giá con người. Nhưng kết án và trừng phạt kẻ bóc lột, hãy còn là nhẹ. Ta còn phải bôi đen nó hơn nữa, không chỉ phơi bầy ra ánh sáng những hành vi ghê tởm trái với luật pháp và đạo lý của nó, mà còn nên chế thêm vào đó những hành động nhơ nhuốc bị luật pháp và đạo đức kết án. Kẻ bóc lột, có thể không làm những việc này, nhưng vì bị bản năng kích thích, nó vẫn vi phạm trong đầu. Những người nghiêm khắc, quan tâm đến sự công bằng, sẽ phản đối phương pháp này, nhưng tôi sẽ trả lời là tôi đứng trên bình diện chính trị chứ không phải trên khoa pháp lý, và nói theo ý thức quần chúng, ai muốn cứu cánh thì phải dùng đến phương tiện.

Thưa các đồng chí, tôi đã cho các đồng chí biết những thông tin cần thiết để thi hành bổn phận của các đồng chí. Tôi không nói quá khi tuyên bố rằng sự bóc lột và kẻ bóc lột là tử thù của chủ nghiã xã hội. Các đồng chí là những cán bộ có kinh nghiệm, là những chiến sĩ xung phong của Đảng. Vận mệnh của Đảng, hạnh phúc và tương lai của dân tộc tùy thuộc vào chiến thắng của chủ nghiã cộng sản mà các đồng chí là những người thợ thủ công. Ngay từ ngày mai, chúng ta bắt tay vào việc. Đảng muôn năm! Chủ nghiã Cộng sản muôn năm!"1035

Sau bài học thứ nhất của ông đội trưởng, cả đội lên đường vào làng, mỗi người được phái ở một mái tranh, tập sống ba cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với chủ nhà, trong cùng một điều kiện sống.

● Hiện tượng vắng bặt căm thù

Lan và Hiên được phân phối ở hai nhà cạnh nhau, đầu làng. Hai thanh niên tiểu tư sản thành thị lần đầu tiên tiếp xúc với cảnh khốn cùng, cuộc đời tăm tối, rách rưới, đói khát, bệnh tật của dân quê. Lan không tin trên thế gian này lại có những người cùng khổ như thế.

"Cả Hiên lẫn Lan đều không khỏi rùng mình khi bước qua ngưỡng cửa ngỏ gió lùa tứ phía, một tấm phên tre khép hờ rách mướp đầy những lỗ hở há miệng cho gió bấc ùa vào trong những đêm đông. Mái tranh, nhiều chỗ rơm đã bị bầy chuột ngự trị ở đấy cắp đi hay chọc thủng, lộ những mảnh trời. Vách đất tróc từng mảng vì mưa gió và loài gặm nhấm tàn phá: ruồi chui đầy nhà qua những vết nứt dọc, kêu ầu ầu rất khó chịu"1036.

Sau một đêm thức trắng dưới mái tranh lộ thiên, sáng tinh mơ hôm sau Lan và Hiên gặp lại nhau, Lan se sẽ lên tiếng bình luận phương pháp "ba cùng" của Đảng, nhưng Hiên chặn lại ngay và giảng cho Lan biết những kinh nghiệm đầu tiên về cách ứng xử trong môi trường cộng sản mà anh đã học được trong quân đội: Im lặng. Không phê bình. Tránh phát biểu. Và họ bắt đầu áp dụng bài học đầu tiên của ông đội trưởng, về sự bóc lột và sự căm thù ở ngay gia đình mà họ tá túc. Lan tìm cách trò chuyện với người chủ nhà để kích động lòng căm thù của họ đối với những kẻ bóc lột:

"Nàng nói nhỏ với người chủ nhà:

- Có thể nào trên thế gian này, trong thời đại chúng ta đang sống lại có những khổ đau nhường này? Tôi thật không tin được những điều mắt thấy tai nghe. Còn bác, bác có ý thức được cái khổ của bác không?

- Cô chỉ hỏi lẩn thẩn. Nhà tôi từ ba đời nay vẫn vậy, có biết cái gì khác đâu. Riết rồi quen, chẳng còn tơ tưởng gì nữa. Muốn có miếng cơm vào miệng thì phải vã mồ hôi. Mà đau ốm hay xấu giời không ra đồng được thì phải nhịn đói. Các cụ vẫn bảo tay làm hàm nhai mà.

- Nhưng khi bụng đói, gạo hết, thì có ai giúp bác không?

- Cùng khổ như nhau cả. Chẳng ai giúp được ai. Ấy cái số nó vậy.

- Bác có xin được người giàu tí gì không?

- Xóm này làm gì có người giàu? Ngay địa chủ cũng chỉ có vài mẫu ruộng thừa kế, hay người ta đem cầm rồi bỏ, mà họ cũng chẳng giàu có gì, chỉ đủ ăn ngày hai ba bữa.

Lan hỏi:

- Thế bác không thù họ à?

- Sao lại thù? Giời thương ai thì người ấy được. Ông giời có cái lý của ông ấy. Mình cãi làm sao được với giời mà thù với hận?"1037

Trước những lập luận như vậy, Lan chịu thua. Không chỉ Lan mà nhiều người trong đoàn cùng có chung nhận xét: sự quái lạ của cái làng này. Mặc cán bộ tìm mọi cách kích động lòng căm thù giai cấp, họ vẫn trơ ra. Buổi họp tối hôm đó, sau khi đội viên đã trình bày những điều mắt thấy tai nghe về các gia đình họ tá túc, hầu như mọi người đều gặp nhau ở điểm: làng này không hề căm thù địa chủ. Hiện tượng "vắng bặt căm thù giai cấp" ở cái làng nghèo mạt rệp này làm cho mọi người hoang mang, trầm ngâm suy nghĩ. Bỗng Thủy, một Thanh Niên Cộng Sản đứng lên xin phát biểu:

"Thưa các đồng chí, xin cho phép một thành viên của đoàn Thanh Niên Cộng Sản được phát biểu vài cảm tưởng. Tôi xin nhắc lại rằng Đảng ta đã bảo đảm sẽ thực hiện sự lãnh đạo của vô sản trên toàn đất nước. Đấu tranh giai cấp là khí giới lợi hại nhất để đạt tới mục đích này (...) Kẻ bóc lột, dù nhỏ mọn thế nào, vẫn là kẻ thù của người nông dân lao động. Gia sản đất đai của nó dù chẳng đáng là bao, dù nó có đối xử tử tế với những người sắp chết đói đến ngửa tay xin ăn, và trở thành ân nhân của họ, gợi lên trong họ lòng biết ơn, ta vẫn phải chỉ đích danh nó ra để cho nông dân căm thù. Ta phải phát huy căm thù, nuôi dưỡng căm thù, bành trướng căm thù bằng tất cả mọi phương tiện, thậm chí, sáng chế những căm thù mới, bịa đặt những tổn thất nếu cần, để truy bức nó, để đánh qụy nó. Để chống kẻ thù giai cấp, tất cả mọi phương tiện đều tốt. Có quan hệ gì cách giết một con rắn độc, bằng hòn đá, bằng gậy gộc, hay bằng gót giầy!"

Trong khi Thủy thao thao bất tuyệt, cử tọa há hốc mồm nghe, và kinh hoàng tự hỏi không biết Thủy học ở đâu những điều này, mà dường như, Thủy cũng chẳng nói để trình bầy ý kiến riêng tư và thành thực của mình, mà chỉ nói cho những thành phần của Đảng nghe để lấy điểm. Toan tính rất đúng, bởi vì ủy viên chính trị của đội cải cách tức khắc đứng lên khen ngợi"1038.

● Bài học thứ nhì

Lời khen ngợi Thủy của Năng, ủy viên chính trị, đội phó đội cải cách, là bài học thứ nhì về sự bóc lột và căm thù, lần này quyết liệt hơn bài học học thứ nhất của ông đội trưởng đội cải cách. Uỷ viên chính trị nói thẳng đến những phương pháp phải dùng để đạt kết quả, đặc biệt đối với dân làng này:

"Thưa các đồng chí, tôi thật không ngờ trong Đội ta lại có một thiếu nữ như cô Thủy, đã trình bầy và bảo vệ một cách nhiệt tình và mãnh liệt quan điểm của Đảng đến thế. Tôi nhiệt liệt hoan nghênh Thủy đã tìm thấy đường đi. Nếu kiên trì cố gắng, cô sẽ tiến bộ rất xa. Về phần tôi, tôi xin phép được nói thêm vài câu, nhất là được nhấn mạnh ý nghĩa cuộc đấu tranh giai cấp. Tất cả lý thuyết cộng sản nằm trong đó. Không có đấu tranh giai cấp thì không có cộng sản. Đấu tranh giai cấp và cộng sản là một, một khối duy nhất. Thật vậy, nếu không có đấu tranh giai cấp, thì không có cộng sản. Sự thể là như thế bởi vì trong xã hội phân chia giai cấp, sự bóc lột ngự trị và những kẻ bóc lột muốn bảo tồn vĩnh viễn xã hội giai cấp, kéo dài cuộc chiến giữa người bị bóc lột và kẻ bóc lột. Người lao động gánh trên vai gông cùm của sự bóc lột, bắt buộc phải đấu tranh quyết liệt chống lại những giai cấp áp bức, bắt chúng phải chết trong bần cùng, đói khát.

Đấu tranh giai cấp là định mệnh của lịch sử, là con đường duy nhất giải phóng quần chúng lao động, dìu dắt họ lấy lại phẩm cách của con người. Bình thường ra, những kẻ bị bóc lột phải cảm thấy sự căm thù không nén được đối với đao phủ của họ. Tuy nhiên, như các đồng chí cũng đã nhận thấy ở đây, qua các cuộc nói chuyện với nông dân nghèo bị chiếm đoạt đất đai tổ tiên để lại, là họ không nuôi lòng thù nghịch thâm căn cố đế đối với những kẻ đã dìm họ xuống hàng súc vật! Hẳn các đồng chí đã hiểu những lý do giải thích thái độ, thoạt nhìn, không thể hiểu được này: Mỗi nông dân sắp chết đói được chúng bố thí cho một bát cơm! Để thổi phồng trái tim đói khát, có gì hơn là lòng biết ơn đối với kẻ đã cứu họ khỏi cái chết cận kề.

Thưa các đồng chí, đến đây, chúng ta cần phải kết án bọn thực dân, không những, chúng đã cướp hết tài sản của nhân dân ta, mà chúng còn dìm sự bần cùng trong vũng bùn ngu dốt và mù chữ. Làm sao những người thất học và thiếu văn hoá có thể hiểu được phương pháp phân tích phê bình thực tế để có một phán đoán lành mạnh? Nếu lương tri bẩm sinh của họ được đào luyện thêm về mặt tri thức, họ đã có thể phán đoán sáng suốt về ý đồ của lòng "từ thiện" này, mà mục đích duy nhất chỉ là cứu vớt nhân công, mà thiếu nó, đất đai của chúng sẽ bị bỏ hoang, không ai cầy cấy!

Vì thế, sự căm thù của vô sản đối với những kẻ chiếm đoạt đất đai của họ, phải được nẩy nở, phải được đào luyện vun trồng, để sản xuất ra những thành quả mong muốn trong cải cách ruộng đất. Tôi để các đồng chí tìm tòi những phương pháp nẩy nở căm thù, cung cấp thức ăn cho nó, nuôi dưỡng nó, đưa nó lên đỉnh cao, làm nở rộ động lực và tiềm năng của nó. Tiếng chủ lệnh là căm thù. Và để có căm thù, đôi khi phải sáng chế ra những hành động tán tận lương tâm của địa chủ, để kích thích sự phẫn uất nơi những kẻ biết ơn chúng. Triết học Tây Phương đã minh định: Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Muốn có cứu cánh, phải dùng đến phương tiện!

Căm thù và dối trá phải đi đôi với nhau. Cứu cánh mà chúng ta mơ ước, vinh quang đến độ chúng ta không thể trì hoãn trong sự lựa chọn phương tiện. Để tận diệt những kẻ bóc lột, tất cả mọi hình thức dối trá, dù trắng trợn đến đâu, đều có thể và phải được áp dụng, ngõ hầu biến bọn chúng thành ghê tởm, không xứng đáng sống làm người!

Trên mặt đất đã tẩy sạch sự bóc lột và kẻ bóc lột, những dân tộc có thể xây dựng xã hội chủ nghĩa và hưởng thụ một thứ hạnh phúc không ai mường tượng được! Thế giới mà chúng ta để lại cho con cháu, rạng ngời ánh sáng xã hội chủ nghiã, sẽ trong sạch, không một vết nhơ, như ngày sáng thế, và con cháu chúng ta sẽ được thụ hưởng hạnh phúc khiến chúng đời đời nhớ ơn chúng ta!"1039

Bài học chính trị thứ nhì chấm dứt. Mọi người ra về. Đêm ấy, Hiên và Lan gặp nhau thì thầm, nỗi sợ bắt đầu. Lan đã thấy lại ở Thủy hình ảnh những thành viên của đoàn Thanh Niên Cộng Sản xuất thân tiểu tư sản, mà nàng đã gặp ở Hà Nội, luôn luôn năng nổ, không ngần ngại làm bất cứ công việc đê tiện nào để đẹp lòng thượng cấp, dưới lốt "chiến sĩ vô sản" vẫn còn nặc mùi tiểu tư sản: trước đó không lâu, còn chăm lo tô son trát phấn để hy vọng kiếm tấm chồng giầu, chỉ một thời gian sau đã xoay ngược 180 độ, xin vào đoàn Thanh Niên Cộng Sản, trở thành "chiến sĩ thi đua", thậm chí còn chọn người bạn đường thuần tuý gốc vô sản để tiến thân. Hiên điềm tĩnh phân tích tình hình chung:

"Nếu ngày mai những mẫu người như Thủy và Năng sinh xôi nẩy nở, dân tộc ta sẽ có những ngày đen tối. Những kẻ khát máu này đã đẩy sự dã man của chúng tới mức bịa đặt những dối trá giết người, tra tấn, cực hình những người lương thiện vì lòng tham, để chiếm của cải của họ, tệ hơn nữa, vì cuồng tín chính trị, để bảo đảm sự thắng lợi của ý thức hệ của chúng. Nếu lên cầm quyền, chúng sẽ tiêu diệt tất cả đối lập để giữ vững chỗ ngồi"1040.

● Cuộc điều tra lần thứ nhì

Sau bài học thứ nhì về căm thù giai cấp, do ủy viên chính trị Năng thuyết dậy, các đội viên cải cách bắt buộc phải tìm đủ mọi cách, để giải thích cho dân làng biết là họ bị bóc lột, và để kích động lòng căm thù, đội viên phải dùng cả cách khảo hạch, gần như đe doạ:

- "Bác có biết rằng mình bị bóc lột không? Rằng tất cả những khổ đau thể xác và tâm hồn của bác là cùng một mối mà ra, đó là sự bóc lột, mà bác là nạn nhân không?

- Tôi chả biết thế nào là bóc lột. Chỉ biết cái nghèo cứ đeo hết đời này sang đời khác, quanh đây hai ba cây số, rặt người nghèo. Con trai con gái, tới 15 tuổi là bỏ làng đi chỗ khác kiếm ăn. Tôi chẳng biết bóc lột là gì và cũng chẳng thấy mình bị bóc lột. Khi ốm đau thì hàng xóm láng giềng đến xức dầu bóp chân, cho bát cháo thay thuốc. Lá lành đùm lá rách vậy thôi. (...)

- Bác có đất cày không, đất của bác đâu rồi?

- Tổ tiên để lại vài mẫu ruộng. Những năm đói kém, không có gì ăn, phải đến gõ cửa địa chủ, xin họ cho cầm, đổi lấy mấy giạ gạo. Nhờ lòng tốt của họ mới có cái bỏ bụng cầm hơi, không thì đã chết rục lâu rồi. Năm này qua năm khác, không đủ tiền trả nợ, đành coi như mất.

- Cái đó người ta gọi là bóc lột đấy. Bác là nạn nhân của bọn lòng lang dạ sói, lợi dụng cảnh khốn cùng của bác để chiếm đoạt ruộng đất của bác. Bác phải căm thù đến tận xương tuỷ những kẻ khốn nạn đã cưỡng đoạt tài sản của bác.

- Sao cô lại xui tôi phải vong ân bội nghĩa, phải căm thù ân nhân đã cứu mình thoát chết? Khi chúng tôi sắp chết đói, có thấy mống cộng sản mà cô ca tụng nào mở tay làm phúc cho tôi miếng ăn, cứu tôi thoát chết đâu? Bây giờ lại bảo tôi phải căm thù kẻ đã cứu mình? Cô có biết là cô đang tuyên truyền cho cách cư xử vô nhân đạo, trời đất chẳng dung không"1041.

Không thuyết dụ được người nghèo căm thù địa chủ, Lan và Hiên quyết định tìm đến tận chỗ ở của kẻ "hút máu mủ đồng bào" để xem chúng sống thế nào:

"Tưởng kẻ được gọi là kẻ thù của nhân dân đang sống xa hoa trong một lâu đài nào cách đó vài trăm thước. Cặp thanh niên ngạc nhiên trước bụi tre vây quanh nhà người địa chủ. Tường gạch và cửa có then gài, nhưng cũng là mái tranh, tuy dầy dạn thật và không có lỗ thủng nên mưa gió không thốc được vào nhà. Ba gian thông suốt thành một, chống cột gỗ thị. Trong góc, một cái giường, trên trải chiếu cũ, ông chủ ngủ đó. Ở chéo đầu kia, một chiếc giường không chiếu, dành cho cô con gái. Gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên sơn son nhưng không có bài vị thiếp vàng như những nhà giàu có. Dấu hiệu duy nhất của sự sung túc là một cái chum tròn đựng gạo. Bên ngưỡng cửa, có một chậu thau rửa mặt. Gia cảnh khá hơn người dân quê nghèo, nhưng cũng chỉ là thanh bạch. Bây giờ họ hiểu tại sao vợ chồng người chủ nhà họ ở không ghét địa chủ. Nếu dùng ngôn ngữ cộng sản, thì cả hai ở cùng một giai cấp"1042.

Các đội viên khác đi làm ăng-kết cũng đều đưa đến kết luận tương tự. Một người kể lại:

"Người đàn bà mà tôi lên lớp, hết sức "quần", buộc chị ta phải tố cáo tên địa chủ đã làm chị ô nhục, chị ta cực lực phản đối: "Không được đâu, cậu không thể bắt tôi làm cái việc tồi bại để phải hối hận suốt đời ấy. Không có, cái người hiền lành mà cậu lập mưu hành hạ không hề có thói trăng hoa. Ông ta có chạy theo đàn bà đâu, ông ta không hề có thói ấy, tính tình ông ta đứng đắn lắm!"1043

● Tổng dượt đấu tố

Cách đem các đội viên về sống ba cùng trong làng để tìm hiểu thực tế và hướng dẫn quần chúng, thực ra chỉ là hình thức, vì các màn đấu tố, các vai đã được chỉ định và đạo diễn từ bên trong. Các đội viên cải cách như Lan và Hiên chỉ là những người ngoại cuộc như những người khác.

"Nghi lễ xử tội được dự định vào tối hôm sau trong ngôi chùa bỏ hoang đầu làng. Nhưng ngay từ sáng hôm sau, người ta đã bắt đầu tập dượt. Khi Hiên và Lan đến nơi, phần trang trí đã xong. Trên sân chùa căng một băng vải đỏ lớn dán những chữ cắt bằng giấy thiếp vàng công thức nghi lễ: Đảng Cộng Sản muôn năm. Dưới khẩu hiệu, là cái bàn phủ khăn trúc bâu xanh dành cho ba vị thẩm phán. Trong sân bày những hàng ghế dành cho cử tọa. Một xe phóng thanh trên đường mời dân chúng đến xem xử kẻ thù dân tộc, tên địa chủ hút máu mủ nông dân!

Ba vị thẩm phán, một nam hai nữ, được chọn trong đám người nghèo nhất vùng. Quần áo rách rưới được thay bằng một bộ đồ lành lặn. Họ có vẻ không thoải mái trong vai trò của mình, mắt xáo xác nhìn quanh, cái nhìn hoảng hốt của những con thú bị rình bắt. Tất cả đoàn Thanh Niên Cộng Sản được điều động dàn hàng hai bên sân chùa. Khi mặt trời vừa ló dạng dưới chân trời, Năng, đội phó Đội Cải Cách hiện ra chỉ đạo việc dàn cảnh; điều chỉnh điệu bộ của các vị thẩm phán, bắt họ phải ngồi ngay ngắn, đầu ngửng cao; Năng cất giọng lên lớp:

"Lời khuyên đầu tiên mà tôi dặn các anh chị là phải quên mình là nông dân nghèo. Các anh chị là đại biểu của nhân dân và nhân danh nhân dân để phán quyết. Vậy cuộc Cải Cách Ruộng Đất mà chúng ta đang chấp hành đây, là gì?

Có phải mục đích duy nhất chỉ là lấy lại đất đai mà những kẻ bóc lột đã chiếm đoạt của các anh chị không? Nếu chỉ có thế, thì Đảng chỉ cần ra một nghị quyết là xong ngay. Có phải là để loại trừ tầng lớp địa chủ ra khỏi xã hội không? Cũng không phải. Bởi Đảng chỉ cần hạ lệnh bỏ tù hoặc xử tử là đủ! Không, thưa các đồng chí nông dân, vấn đề phức tạp hơn nhiều!

Vấn đề cơ bản không phải là trả lại ruộng đất cho những người đã bị cướp; cũng không phải là trừ khử khỏi xã hội những kẻ bóc lột vô liêm sỉ, mà là tái thiết lại ở người nông dân, cái nhân phẩm và danh dự của một con người, như một thành viên trọn vẹn của xã hội, người nông dân bên cạnh người thợ, bạn đồng hành muôn thủa. Chúng ta đã làm cách mạng để quét sạch xã hội những rác rưởi, những sở hữu chủ sống xa hoa trên mồ hôi và sự nhọc nhằn của quần chúng cần lao! Vậy làm sao ta có thể chấp nhận cho bọn ăn bám ấy phát phì bằng máu mủ người lao động?

Có cần phải nhắc lại cho các đồng chí biết rằng, để bảo tồn sự thống trị vĩnh viễn của chúng, những kẻ bóc lột này, còn chó má đến độ, chúng rao giảng cái chủ nghiã nhục nhã được gọi là tiền định và chúng truyền bá trong thành phần lao động cái chủ thuyết không thể chấp nhận được, theo đó, số phận của mỗi người đã được số mệnh xác định từ thiên cổ.

Số mệnh do trời định và con người bị bắt buộc phải chấp nhận phận mình. Con người không thể chống lại mệnh số cũng không thể hướng số mệnh theo ý mình. Cái thuyết định mệnh này xâm nhập vào trí óc của đồng chí, thấm vào máu, trở thành da thịt thân thể đồng chí. Niềm tin vào định mệnh không những hủy diệt tất cả mọi cố gắng cá nhân để con người thoát khỏi ngõ cụt dẫn vào tuyệt lộ, mà còn chỉ đạo cả tình cảm lẫn thái độ của người bị bóc lột trước kẻ bóc lột! Kẻ bóc lột được hưởng sự phù hộ của trời, vì vậy chúng có quyền nhận tất cả mọi hình thức tôn kính, mọi hình thức tận tụy, hoặc ít ra là thương mến, từ phía người bị bóc lột. Cuộc Cải Cách Ruộng Đất của chúng ta chiến đấu chống lại sự phục tòng và áp chế này!

Trái tim của người bị bóc lột phải đơm đầy thù hận kẻ bóc lột. Người bị bóc lột được hưởng sự nâng đỡ và thế lực của Đảng trong công cuộc đấu tranh cho chính nghiã, để đưa toàn thể giai cấp trở lại địa vị con người. Đừng ngại thô bạo trong lời nói, trong cử chỉ, trong những lăng mạ, những bất công, đối với kẻ bóc lột! Ta càng quyết liệt bao nhiêu, càng sớm thoát khỏi sự hạ mình mà chúng đã buộc ta vào, và các đồng chí càng xứng đáng là người vô sản, xứng đáng trở thành giai cấp lãnh đạo của thế giới mới!

Chiến thắng mà các bạn mang lại đêm nay sẽ mở đường cho các bạn vào hàng ngũ của Đảng đang hân hoan đón chờ các bạn!"

Năng đã thuyết pháp với tất cả ngọn lửa hùng biện võ biền và phe phái. Những Thanh Niên Cộng Sản ngồi hàng ghế hai bên sân, lắng nghe, miệng há hốc trong khi ba vị thẩm phán hồn xiêu phách lạc; mắt trợn ngược đảo tròn khắp không gian, như muốn kêu trời đến cứu! Trong hai ngày qua Năng và Thủy đã tìm hết cách giải thích cho họ những điều mà Đảng muốn họ làm và chờ đợi ở họ. Đã dạy họ phải gào thét, phải chỉ tay về phía bị cáo đòi đền tội, phải giơ tay lên trời để tỏ ý phẫn nộ. Bắt họ lập đi lập lại những câu hỏi đập nát đầu bị cáo. Bảo cho họ biết phải tuyên bố án quyết như thế nào, và cả "lý do" của cái án tử hình! Sửa lỗi câu cú, lỗi phát âm sai, có thể làm cử tọa cười bò. Nghệ thuật dàn cảnh của họ không chê vào đâu được. Dù muốn dù không, cũng phải công nhận ở những người cộng sản, thuật hoá trang, trá hình, trang điểm, diễn kịch, tạo nhân vật, phối hợp các màn diễn, đã được huấn luyện với một nghệ thuật hoàn mỹ."1044

Sau buổi tổng dượt, Hiên và Lan đều kinh hoàng. Họ thì thầm hỏi nhau:

- Chẳng biết Đảng âm mưu gì đây? Đảng chơi cái trò gì đây?

- Một trò không tinh vi, không tế nhị, phô bầy sự trơ tráo vô liêm sỉ. Những người chính trị đã cùng nhau thoả thuận như thế. Họ sáng chế ra một thứ tội ác mới: tội bóc lột và đổ lên đầu giai cấp mà họ muốn trừ khử, tiêu diệt tận rễ, giai cấp giàu có. Phương pháp giản tiện và nhanh chóng nhất là tập trung những sở hữu chủ động sản và bất động sản lại và nã súng liên thanh vào như một số nước đã làm trong thế chiến thứ nhì. Nhưng làm như vậy sẽ phạm tội ác chống nhân loại và sự trả thù của các dân tộc sẽ kinh hồn đối với bọn đao phủ. Vì vậy họ chọn dùng khí giới luật pháp để đạt mục đích mà không bị trừng phạt. Do đó mà có cả: Tội ác, toà án và bản án! Nhưng sự mạo nhận pháp luật này không đánh lừa được ai: mọi người đều biết tỏng những ý đồ xấu xa của những kẻ chủ mưu tiêu diệt hàng triệu người vô tội, mở trong tâm hồn người Việt một vết thương há miệng có thể không bao giờ lành!"1045

Đó là những lời phê bình cuối cùng của Hiên, trước khi kịch mở màn. Sau bữa ăn tối, buổi đấu tố diễn ra đúng như đã được tập diễn:

"Ăn vội vàng cơm tối, rửa bát xong, Năng và Thủy gặp lại nhau trên đường cùng đến chùa, duyệt lại lần chót buổi trình diễn sẽ bắt đầu khi trời vừa tối. Khi họ tới nơi, tất cả đã đâu vào đấy. Ba vị thẩm phán nhân dân do Đảng chỉ định đã có mặt, hăng hái đợi lên diễn đàn. Theo nhận xét của Thủy, hai phụ nữ vào vai dễ dàng vì họ chuyên cãi lộn với bạn hàng và những con mẹ lắm điều ngoài chợ, họ sành sỏi ngôn ngữ hàng tôm hàng cá và tối ưu trong việc vận dụng tiếng chửi thề. Họ còn biết đủ trò lườm nguýt và la làng. Ngược lại người đàn ông có vẻ rụt rè sợ sệt, bối rối. Những Thanh Niên Cộng Sản được chiêu mộ trong vùng, khoảng hai chục người, sẵn sàng ném mệnh lệnh cho khán giả, và hò hét những khẩu hiệu thích ứng, tay nắm chặt những bó đuốc chốc nữa sẽ đốt lên để soi tỏ sân khấu. Chưa bao giờ xóm này tổ chức một cuộc liên hoan như vậy. Tất cả những người hiếu kỳ bị tính cách dị thường của ngày hội lôi cuốn, đều không hiểu sự khác biệt giữa buổi diễn tuồng và một toà án quyết định số phận một con người! Trong khi chờ đợi, trẻ con chơi diều và những người đàn bà nhà quê thi nhau nói huyên thiên chả đâu vào đâu cả"1046.

Trong cảnh trí lễ hội, nạn nhân được đưa ra đấu trường: "Đêm vừa xuống, bỗng một thứ im lặng nặng nề đổ xuống kềm chặt mọi người. Bọn Thanh Niên vội vã châm đuốc, các vị thẩm phán vội vàng an tọa sau chiếc bàn phủ khăn màu. Ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn dầu tố cáo nét xương xẩu trên những khuôn mặt hóp má.

Bị cáo đến, bước nặng nề, vòng còng sắt xích chân đập vào sân gạch vang âm ghê rợn. Áo quần hoen ố bùn và máu. Mặt sưng vù điểm những vết bầm tím quanh hai mắt mở hé. Tội nhân khó nhọc bước đi giữa hai người gác, một cầm gậy, một cầm gươm phường tuồng tuốt trần. Đoàn tùy tùng ô nhục hộ tống bị can chân lảo đảo bước chỉ chực ngã. Hai nữ thẩm phán theo đúng lệnh đứng dậy chửi phủ đầu:

- Thằng khốn nạn kia, mày đóng kịch để những kẻ yếu bóng vía thương hại mày, nhưng không qua mặt được bà mày đâu! Ngày trước, khi bà mày đến xin bố thí bát cơm cho con bà sắp chết đói chết bệnh, mày đứng trên ngôi cao, nhìn bà từ đầu đến chân, rồi ra lệnh cho con gái thả chó đuổi ăn mày. Đồ tồi bại, lúc ấy mày đâu ngờ có ngày sẽ bị bà xử tội, tử hình đấy con ạ!"1047

Buổi đấu tố đạt thành quả mỹ mãn. Nhưng sau đó, ông tổng bí thư nhận được bản phúc trình của Năng và Tụy, một cán bộ khác của Đội Cải Cách, nội dung tố cáo hành động của viên đội trưởng Đội Cải Cách, nhấn mạnh đến sự kiện viên đội trưởng tuy theo cách mạng từ lâu nhưng trong những buổi học tập chính trị, lại có những lời lẽ đáng ngờ, chủ yếu là sau khi giải thích ý nghiã cuộc Cải Cách Ruộng Đất, hắn còn chêm vào: nếu ta làm cách mạng để đoạt lại phẩm giá con người cho thành phần bị bóc lột thì ta cũng không thể coi kẻ bóc lột là con vật. Khi trừng trị họ rồi thì cũng phải cho họ cái quyền làm người.

Nếu hắn chỉ phát biểu trong nội bộ, thì ta cũng có thể làm ngơ vì không nên để cho bên ngoài biết có sự bất đồng nội bộ, nhưng ngày hôm qua hắn làm nổ một xì căng đan lớn giữa công chúng. Mặc dù hai bồi thẩm phụ nữ đã rất xuất sắc trong vai trò của mình, khiến bị cáo phải vòng tay, cúi đầu, nhắm mắt, nhục nhã, đi không vững, nhưng chưa ngã. Nhưng khi chánh án tuyên bố tử hình, vì bị sốc mạnh, cộng thêm bị đánh và bỏ đói trong nhiều ngày, hắn đưa tay lên chặn tim rồi ngã lăn đùng ra đất.

Bản phúc trình viết: "Người đầu tiên đến cứu kẻ hấp hối là đội trưởng Đội Cải Cách, đã bế xốc hắn lên đưa vào trong chùa". Một xì căng đan không thể tha thứ được. Tổng bí thư chấp thuận ý kiến của Năng và Tụy.

Sau vụ thanh trừng đội trưởng Đội Cải Cách, bị quy là có nguồn gốc "quốc gia", không còn một tiếng nói lương tri nào dám đứng lên chống lại những tàn ác trong Cải Cách Ruộng Đất nữa. Năng và Thủy toàn thắng trong nghĩa vụ. Từ đây, Năng sẽ được tổng bí thư tin dùng.

● Cải Tạo Tư Sản

Sau Cải Cách Ruộng Đất, Hiên và Lan trở về Hà Nội và họ làm lễ cưới. Lương hai người sống chật vật, không đủ tiền thuê nhà, phải ở nhờ cha mẹ Lan. Ông Cát là công chức thời thuộc địa về hưu. "Sau một đời tằn tiện, hai ông bà có được căn nhà nhỏ số 13 phố Hàng Giấy. Hai tầng, mỗi tầng 28 mét vuông. Tầng dưới cho một tiệm hớt tóc thuê. Dưới thời Pháp thuộc, lương một người thư ký trong chính quyền Pháp, cần kiệm sống được ba người. Khi ông Cát về hưu, số tiền cho thuê tầng dưới cộng với lương hưu đủ ba người ăn tiêu tằn tiện. Nhưng sau khi chính phủ kháng chiến về Hà Nội, quỹ lương hưu cũng rời Hà Nội, tất cả những người về hưu bị cắt nguồn lợi tức chính thức cuối cùng, giúp họ có bát cơm hàng ngày. Ông bà Cát phải thắt lưng buộc bụng, nếu không còn món tiền thuê của tiệm hớt tóc nữa họ sẽ phải ăn xin"1048.

Trong câu lạc bộ đói, những bạn đồng hành của ông Cát có những người tứ cố vô thân:

"Đó là những người không gia đình, vừa chôn vợ xong, không con, hay con cái đã chết trong chiến tranh. Người ta bố thí cho họ một góc bếp, đêm lạnh như những mũi kim châm giết người chọc thủng da thịt. Sáng ra, người ta thấy họ co quắp trong tấm chăn thủng, chiếc chiếu rách. Thời gian đầu, những người bạn cùng khốn nhịn ăn bóp chắt chút tiền góp mua cho họ chiếc quan tài. Rồi sau, những người bạn ăn mày đó cũng chỉ hai ba ngày mới có miếng cơm vào miệng, không ai còn khả năng đóng góp gì nữa. Những xác bị chất đống trên xe ba gác, rồi quẳng vào hố công cộng, như thời cả nước chết đói trước đây! Chỉ vài người như ba, nhờ có tý nhà cho thuê là còn sống". Người cha già lau những giọt lệ cay đắng chảy từ khoé mắt"1049.

Ông bà Cát còn chút may mắn hơn họ, nhưng cũng không yên thân được lâu.

"Một thời gian sau, người cha già nhận được "giấy mời" đi dự hội nghị Cải Tạo Tư Sản ở Hà Nội. Có những "giấy mời" không thể chối từ (...) Người thuyết trình không ai khác hơn là Năng (...) Hôm nay với tư cách phó chủ tịch Ủy Ban Hành Chính Hà Nội, Năng, khéo léo ban cho những "kẻ thù của dân tộc" hai chữ "đồng chí", nhắc lại công lao giải phóng dân tộc và đưa đất nước lên hàng quốc tế của Đảng, trước khi vào chính đề:

"... Trên bình diện nguyên tắc, các đồng chí cũng biết rằng chủ nghiã cộng sản quyết tâm chiến đấu chống tất cả mọi hình thức bóc lột. Chế độ của chúng ta chỉ cho phép người lao động sống, và phải sống bằng kết quả việc làm của mình. Chúng ta chiến đấu kịch liệt chống những ký sinh trùng xã hội sống không làm việc mà nhờ chiếm đoạt kết quả lao động của người khác! Nhờ ăn cắp hay bóc lột. Ví dụ kẻ bóc lột, có một toà nhà: nó có quyền ở cùng với gia đình. Nhưng một khi nó cho thuê một phần hay cả nhà để lấy tiền sống, là nó đã bóc lột, bởi vì nó không sống bằng việc làm mà sống bằng lợi tức thu được. Xã hội cộng sản không có chỗ cho kẻ bóc lột, chỉ có người lao động mới được vinh dự hưởng mọi quyền lợi trong xã hội này. Trong trật tự chính trị mới này, không có chỗ cho bọn ký sinh, cũng không có chỗ cho bọn bóc lột. Chúng ta kịch liệt chống lại những cái ác và không sờn lòng quyết chí trừ khử tận rễ (...)

Tôi xin nhắc lại với các đồng chí rằng Đảng ta, sau khi lấy lại nền độc lập và tự do, đã trân trọng cam kết sẽ đem lại thịnh vượng và hạnh phúc cho dân tộc và đã quyết định phát động cuộc chiến một mất một còn với sự bóc lột dưới mọi hình thức.

Thế nghiã là gì? Nghiã là tất cả lợi tức trái phép từ việc cho thuê nhà, thuê đất kiếm lời, đến cán bộ ăn đút lót bán chữ ký, bán đặc ân, đều bị luật pháp trừng trị...

Luật chứng nhận hợp pháp tiền cho thuê nhà, xuất thân và mang tính cách tư bản chủ nghiã. Chúng ta bãi bỏ luật này từ hôm nay. Ở chế độ ta, chính trị đi trước pháp luật và chỉ cho luật pháp con đường phải đi. Chính trị là lệnh đầu và lệnh cuối của tất cả. Tôi xin lưu ý các đồng chí rằng, ngay một nghị quyết được thảo dưới định chế của một bộ luật cũ và được bộ luật ấy công nhận giá trị, cũng sẽ bị tước bỏ giá trị của nó nếu chính trị quyết định khác. Thậm chí, một biện pháp chính trị có thể có tác dụng hồi tố chống lại quan niệm của luật gia tư bản. Trong trường hợp mà chúng ta đang xét, sự hồi tố của quyết định chính trị, bắt buộc những người chủ nhà phải trả lại những số tiền thuê nhà đã thu được trong quá khứ. Có thể họ đã mua vàng với những số tiền này: vậy vàng hay tiền mặt còn lưu trữ trong nhà phải được trả lại cho Nhà Nước. Các đồng chí đừng vội hoảng, Đảng ước định rằng, sau khi các đồng chí đã trả hết số vàng và tiền mặt còn giữ, các đồng chí cũng chẳng chết đói đâu mà sợ. Các đồng chí vẫn còn đủ để sống một đời sang trọng gần như trước. Dĩ nhiên là từ nay, các đồng chí sẽ bị tịch thu hết bất động sản, chỉ được giữ đúng một diện tích để ở với gia đình. Chỗ còn lại sẽ được cơ quan thành phố quản lý và tất cả quyền sở hữu đều bị hủy bỏ! (...)

Xin nhắc lại rằng trong tất cả xã hội loài người, hai yếu tố cấu thành chung thân xung đột nhau là cá nhân và tập thể. (...)

Chiến thắng mà cha ông ta hằng mơ ước sở dĩ chúng ta đạt được là bởi vì chúng ta nghe theo tiếng gọi của Đảng, chấp nhận hy sinh xương máu. Đảng độc quyền lãnh đạo và quyết định rằng chính trị là trên hết, trên các luật lệ, trên cả luật pháp và đạo đức, nhất là nếu chúng tán dương cá nhân chủ nghiã và cá nhân con người.

Khả năng của cá nhân bị giới hạn trong thời gian và không gian, bị giảm hiệu năng vì luôn luôn bị lôi kéo trong đam mê và tội lỗi, làm sao có thể ganh đua với sức mạnh vô song, khôn lường của một tập thể đã được sự chỉ đạo của một quyền lực sáng suốt và có ý thức? Nhất là khi cá nhân chủ nghiã cho phép những hoạt động đi ngược lại con đường chính trị của tập thể, ví dụ, nó chấp nhận quyền bóc lột, trong việc nhận tiền thuê nhà! Chính vì tình trạng này mà Đảng ban bố sắc lệnh Cải Tạo Tư Sản để triệt hạ quyền bóc lột mà chủ nhà được hưởng.

Thưa các đồng chí, vấn đề trước mặt các đồng chí thật rõ ràng: Chịu ở mãi địa vị bóc lột, ngửa tay nhận tiền puốc- boa trái phép, nhục nhã, thêm sự căm thù của người thuê? Hay ngược lại, quyết định lấy lại phẩm cách con người, người lao động trong một nước tự do, độc lập, theo Đảng, tuân lệnh Đảng, cùng góp phần với Đảng trong công cuộc đấu tranh giai cấp? Đảng mở ra trước mặt các đồng chí con đường vinh quang và hạnh phúc trong sự xây dựng xã hội chủ nghiã, bằng cách tiêu diệt hoàn toàn sự bóc lột trong xã hội ta. Nay, Đảng dạy rằng sự bóc lột chỉ biến mất nếu ta thi hành chính sách tập trung tất cả của cải, bất luận thứ gì, thậm chí, tập trung cả mọi phương tiện và trung tâm sản xuất kỹ nghệ cũng như thương mại. Chắc chắn các đồng chí sẽ mất sự hưởng thụ quyền sở hữu nhà cửa. Tôi đồng ý đối với một số đông, sẽ là khó khăn đấy. Nhưng các đồng chí và thế hệ con cháu sẽ thắng lợi vì đã lấy lại được phẩm chất của một công dân bình đẳng, trong một quốc gia tự do và độc lập! Tôi bảo đảm: không bao giờ các đồng chí sẽ phải hối tiếc đã theo Đảng, đã tuân thủ những mệnh lệnh của Đảng!"

Diễn giả ngừng. Đảo mắt khắp phòng. Có thể, vì thói quen, trong những cuộc họp khác, y đợi những tràng pháo tay của một cử toạ đã được huấn luyện trước?

Nhưng lần này, một sự im lặng chết chóc chào đón lời y. Trong mắt một số sở hữu chủ lớn, ngời lên một tia sáng: Phải chăng đó là sự tức giận, sự căm thù, hay là để diễn tả cơn cuồng nộ báo oán, hay một quyết định yếm thế giữ khoảng cách với cộng sản và nếu cần thì bỏ xứ ra đi? Mọi ức đoán đều khả thể.

Ngược lại, phản ứng của những người chủ nhỏ giống nhau, không thể lầm lẫn được bởi trên mặt họ hiện nên những nét nặng nề đau khổ, tất cả đều rưng rưng nước mắt. Họ đã bị mất phần lương hưu, chỉ sống bằng món tiền nhỏ mọn, nhờ cho thuê lại một vài mét vuông phần nhà đang ở. Bây giờ, tất cả mọi diện tích cho thuê, lớn nhỏ, đều bị giật khỏi chủ nhà, để cho Nhà Nước quản lý, và tất cả người thuê phải được một cơ quan hành chính chấp nhận, cơ quan này thu tiền nhà và trả vào quỹ Nhà Nước; những chủ nhà nhỏ, độc thân, không có gia đình, không được hưởng bất cứ trợ cấp hay sự giúp đỡ nào, thấy trước mắt hình ảnh khủng khiếp của cái đói một khi đã tiêu hết tiền tháng trước. Cơn ác mộng chết chóc mỗi đêm ám ảnh cướp giấc ngủ. Có người còn đủ sức, lê gót đến bờ sông gieo mình xuống nước rút ngắn nợ đời. Có người, co quắp, mặt không còn thịt, hai gò má hõm sâu hoắm, rơi xuống vỉa hè ngủ giấc cuối cùng. Có người giữ phép lịch sự và chững chạc tới phút chót, mặc bộ quần áo cũ lành lặn nhất nằm dài trên sân căn nhà nát, một phần đã cho thuê, nhường chỗ của mình cho một kẻ trú đêm. Sáng ra người ta khám phá những xác chết không gia đình ấy quận tròn trong manh chiếu rách thay quan tài và được vất trong hố công cộng. Sự bóc lột của thực dân chấm

dứt không kèn không trống như thế!1050

"Bỗng nhiên trên báo chí hàng ngày, con số tai nạn lưu thông vọt lên cao như tên bắn và kỳ lạ là tất cả những nạn nhân bị xe hơi cán thường là những người già gầy trơ xương. Chưa bao giờ người ta vớt được trên sông Hồng nhiều xác ốm o đầu bạc như thế. Ấy là chưa kể đến những người sáu bẩy chục tuổi, không chịu được cái sốc bị mất phần lợi tức nhỏ nhoi giúp họ có miếng lấp bụng đói đang reo: đầu óc rối loạn, áo quần rách rưới, họ bỏ chiếc ghế bố đi rong khắp phố phường vừa đi vừa nói lảm nhảm, không ai hiểu, trước khi ngã lăn đùng bên một bờ dốc"1051.

Sau khi thuật cho con nghe tình hình chung của các bạn mình, người cha già kết luận:

"Cuộc cải tại tư sản do Đảng ban hành để chấm dứt sự bóc lột dưới tất cả mọi hình thức để xây dựng xã hội chủ nghiã, đã chiếm đoạt quyền sống của cha mẹ. Chưa bao giờ ở nước ta và trong cả lịch sử loài người, một chính quyền dám khẳng định sự áp chế vô nhân đạo đến độ không đoái hoài đến nỗi đau khổ cá nhân và gia đình như thế; chưa bao giờ, kể cả trong lúc thác loạn điên khùng nhất, một bạo chúa dám động đến quyền sở hữu cá nhân và đập vỡ viên gạch nền móng của xã hội loài người. Con người chỉ làm việc để bảo đảm quyền sống. Trong số những giấc mơ thúc đẩy họ sốt sắng theo đuổi những cố gắng là có mái ấm gia đình. Khác với một số loài vật dã man tụ tập thành lũ, thành bầy, con người luôn luôn cảm thấy cần phải cá nhân hoá sự hiện hữu của mình. Nếu hắn làm việc, là để có một đời sống cá nhân theo sở thích của hắn, để sống những ngày bình yên trong lòng một gia đình với người vợ hắn đã chọn và những đứa con sinh ra từ máu mủ của mình. Hắn chỉ mong ước có một mái nhà cho những người thân yêu trú ngụ, với họ, hắn sẽ học hỏi, xây đắp, làm nẩy nở nhân cách, để cho cuộc đời hắn đạt cái ý nghiã cao nhất và đầy đủ nhất. Đối với hắn, quyền sở hữu cá nhân đối với gia đình và mái nhà, cũng cần thiết như khí trời để thở, như bát cơm để ăn. Chính vì thế mà con người khác loài vật, chính vì thế mà văn minh tiến bộ. Ngay từ lúc nhà cầm quyền khởi sự đấu tranh chống sở hữu cá nhân nhà cửa, hướng đòn đánh vào cá nhân, nhân danh tập thể, họ phải biết rằng họ đã phá vỡ cơ sở căn bản của xã hội, đã đánh sập nền móng Nhà Nước, do đó phá vỡ bệ trụ trì quyền uy của họ"1052.

1026 Heinz Schütte, Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua đua nở ở Việt Nam 1954-1960, bản dịch từ tiếng Đức của Talawas.

1027 Chỉnh là chỉnh đốn tư tưởng và tác phong. Chỉnh Quân cho quân đội, Chỉnh Đảng cho đảng viên, và Chỉnh Phong cho người ngoài đảng.

1028 Rèn luyện cán bộ và chỉnh đốn cơ quan.

1029 Trường Chinh "phỏng theo" nội dung Đấu tranh giai cấp trong Luận Cương chính trị của Đảng, do Trần Phú soạn năm 1930, đại ý: Tất cả giai cấp tư sản đều phản động dù là bộ phận "hiệp tác" với đế quốc hay bộ phận "thỏa hiệp" với đế quốc. Thoả hiệp như: bọn Huỳnh Thúc Kháng, bọn Phạm Quỳnh, bọn Ngọ Báo... Các đảng phái tiểu tư sản như Quốc Dân Đảng, Nguyễn An Ninh... đều dính dáng đến bọn địa chủ và tư bản... (Văn kiện đảng toàn tập, Tập 2, nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, trang 88-103, dẫn theo Lữ Phương, sđd).

1030 Như lời ông Hồ đã hứa, sẽ trình bầy ở dưới.

1031 Tô là địa tô viết tắt, địa tô là tiền hay hiện vật người thuê đất -tá điền- phải giả cho người chủ đất - địa chủ.

1032 Theo Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến cộng sản, nxb Chân Trời Mới, 1962, từ trang 181 đến 263.

1033 "Bài nói tại Hội nghị nông vận và dân vận toàn quốc", Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 7, trang 25-26.

1034 Trích dịch trang 16-17.

1035 Trang 20- 21.

1036 Trang 22.

1037 Trang 25- 26.

1038 Trang 27-28.

1039 Trang 28-29.

1040 Trang 30.

1041 Trang 32-33-34.

1042 Trang 34-35. 1043 Trang 35.

1044 Trang 36- 37.

1045 Trang 39. 1046 Trang 39.

1047 Trang 40.

1048 Trang 47-48.

1049 Trang 50.

1050 Trang 55-56-58. 1051 Trang 73.

1052 Trang 59.

Chương 25

une voix dans la nuit
vấn đề trí thức và độc tài đảng trị

Trong phần hai của tiểu thuyết Une voix dans la nuit, Nguyễn Mạnh Tường dùng hình thức đối thoại để mô tả cuộc chiến một mất một còn giữa người cộng sản và người trí thức, qua các cuộc nói chuyện tay đôi giữa Năng và Tổng Bí Thư; giữa Hiên và Đắc; giữa luật sư Mạn và bác sĩ Xuân. Người đọc tinh ý sẽ nhận ra Hiên và Mạn là hình ảnh Nguyễn Mạnh Tường, Đắc là Nguyễn Hữu Đang, người đến mời Nguyễn Mạnh Tường tham gia phong trào NVGP, và Xuân chính là bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên, người được chánh án Châu -Đặng Châu Tuệ- mời vào đảng Xã Hội cùng một lúc với Nguyễn Mạnh Tường. Tổng Bí Thư xuất hiện hai lần trong tiểu thuyết, lần đầu sau khi hoàn tất chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất -trên thực tế, trước tháng 10/1956, Trường Chinh làm Tổng Bí Thư, từ tháng 10/1956 đến tháng 9/1960, Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch kiêm Tổng Bí Thư- và lần thứ nhì, khi Đảng quyết định làm đám ma cho hai đảng Xã hội và Dân chủ1053 lúc đó Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí Thư.

Hình thức đối thoại này mở cửa vào nội bộ của hai phía cộng sản và trí thức, trong quá trình hành động từ 1945 đến 1990, cho thấy họ hiểu rõ nhau đến mức độ nào, đồng thời xác định: Sự căm thù trí thức tuy là sản phẩm Mác-Lê-Mao, nhưng khi được áp dụng ở Việt Nam, đã trở thành sản phẩm Việt, khó có thể quy trách nhiệm cho Nga Tàu.

Chúng tôi trích dịch những đoạn mấu chốt, không bình luận, để ngôn ngữ Nguyễn Mạnh Tường trực tiếp đi vào tim óc người đọc.

● Người trí thức Việt Nam dưới mắt người cộng sản

"Vị Tổng Bí Thư bước xuống bậc cuối của nấc thang danh dự đón Năng được ông triệu tập đến tư dinh để đàm luận một vấn đề quan trọng. Vừa ngồi xuống bộ salon, nhắp

ngụm trà ướp sen, ông chủ nhà đi ngay vào đề:

- Tôi mời đồng chí đến để cùng thảo luận về vấn đề trí thức. Sau khi giải quyết vấn đề Cải Cách Ruộng Đất, đánh bại tầng lớp địa chủ và sau khi thực hành Cải Tạo Tư Sản, chấm dứt sự bóc lột của bọn tư sản thành thị, đã đến lúc chúng ta phải đánh vào vấn đề trí thức.

Không ai chối cãi được sự quan trọng của chất xám trong thế giới tân tiến. Thế kỷ chúng ta đã chứng kiến những thành quả sáng ngời của khoa học trong mọi địa hạt. Người trí thức đã đạt địa vị cao quý trong xã hội và được hưởng sự kính trọng và khâm phục của cả nhân loại. Các đoàn thể trí thức mở rộng chi bộ, thế lực, liên đới nhau trong vũ trụ, bảo vệ quyền lợi của họ trước dư luận thế giới. Vậy sự khôn khéo khuyên chúng ta phải cẩn thận cực kỳ trong mối quan hệ với từng lớp trí thức, tránh tất cả mọi bực mình, mọi kết án đến từ dư luận thế giới. Nhưng trước khi đi thẳng vào vấn đề, chúng ta cần phải khảo sát khái niệm trí thức Việt Nam.

- Đồng chí Tổng Bí Thư hoàn toàn có lý, trí thức Việt Nam có những dấu ấn đặc thù khiến họ có một chỗ đứng riêng trong thế giới chung của trí thức.

- Theo đồng chí, những dấu ấn đặc thù ấy là gì? Từ nhiều năm nay đồng chí đã có dịp tiếp xúc với trí thức. Trong tất cả chúng ta, chỉ có đồng chí là duy nhất được hưởng đặc điểm này.

- Tôi rất tiếc sẽ làm đồng chí Tổng Bí Thư thất vọng. Tuy đã giao dịch nhiều với trí thức, nhưng tôi không dám nói là biết rõ họ.

- Tại sao? Tôi tưởng cứ gặp luôn thì khắc biết rõ người.

- Dạ đúng, nhưng chỉ đối với những người không phải là trí thức. Chúng ta chỉ có thể biết rõ những người ta giao dịch nếu họ không tìm cách giấu ta, hoặc có thể nói, họ sống đúng theo bản chất của họ, nghiã là, thẳng thắn phô bày cá tính, lột trần nét tự nhiên của họ. Những người cộng sản là như thế, họ thoải mái xử sự như những vị chúa tể. Còn bọn trí thức, ngược lại, sống khép kín, không để lộ tâm tư. Họ đứng nghiêm thẳng hàng theo đúng nghi thức, tránh gây chú ý. Trong các hội nghị hay các chỗ tụ họp đông đảo, họ cũng hô khẩu hiệu, cũng giơ tay, giơ nắm đấm, y hệt mọi người; giữ cùng một vẻ tôn kính khi nói với người cộng sản cũng như khi nói về những Đảng viên. Nhưng ta đừng ngây thơ tin rằng họ thật tình. Bởi nhát gan, bởi sợ bị đánh, bởi ghê tởm nhà tù, mà họ trở thành bậc thầy của nghệ thuật đóng kịch, nhưng đây không phải là sự đạo đức giả, mà là sự tự vệ. Còn khi bắt buộc phải phát biểu ý kiến trên diễn đàn, trong nội dung và ngôn ngữ bài diễn văn, trong lối phát âm, hướng nhìn, họ luôn luôn khăng khít hướng về biểu tượng búa liềm. Một người ngoại cuộc quan sát, sẽ tưởng đó là một Đảng viên thực thụ, nhất là bao giờ họ cũng kết luận bằng công thức nghi lễ: Chủ Nghiã Cộng Sản muôn năm!

Sự căm thù chính trị của họ sánh ngang với sự sợ công an. Trước hết họ muốn bảo vệ sự bình an của tâm hồn và nếu được, không tham dự những cuộc mít-tinh hoặc chỉ có mặt trong chốc lát, đủ để cho người ta thấy sự hiện diện. Trong những hội họp công việc, họ lắng nghe tranh cãi, nhưng hầu như không bao giờ lên tiếng, hoặc nếu bị mời phát biểu, thì họ luôn luôn đồng ý với những nhà lãnh đạo cộng sản. Ta không thể chê trách gì họ được, trừ cái sự chẳng được tích sự gì!"1054

Sau khi phân tích hành động và tâm lý trí thức, Năng định nghiã trí thức, phân biệt rạch ròi trí thức thực và giả:

"Ở đây, tôi muốn nói những nhà trí thức đích thực, đối cực toàn diện với những trí thức giả mạo, ngực bơm phồng những tước hiệu chẳng ai kiểm chứng tính chân xác, những bằng cấp tạp nham mà giới thẩm quyền cũng chẳng thèm xem là thật hay giả, nhưng khi được một vị lãnh đạo bảo lãnh, thì tức khắc là có giá, kẻ mang bằng được hưởng tất cả lợi thế, vinh dự và giá trị của nó được giới văn hoá chính thức công nhận! (...)

Ở những nhà trí thức đích thực, nhân cách đi đôi với văn hoá. Văn hóa ở đây không có nghiã là kiến thức. Có những người đầy kiến thức, là chuyên viên hàng đầu trong địa hạt hoạt động của mình, nhưng họ vẫn vô văn hoá, bởi lối nhìn về con người, về vạn vật của họ ấu trĩ vô cùng. Sự nhận thức thực tế xã hội và con người của họ ngây ngô lạ lùng! Họ thiếu cái gì? Thiếu sự phán đoán được rèn luyện qua sách vở, thiếu sự giao tiếp với con người, thiếu tiếp cận những vấn đề của cuộc sống, thiếu trao đổi tư tưởng với người khác, thiếu sự suy nghĩ sâu xa và đúng đắn về những thành công và thất bại mà kinh nghiệm sống đem lại. (...)

Nhờ nhân cách và văn hoá mà người trí thức, trung quân trong thời phong kiến, có uy tín đối với quần chúng và được vương quyền nể trọng. Sau khi trúng những kỳ thi tuyển khó khăn, đỗ, ra làm quan cai trị dân là họ hoàn tất nhiệm vụ của mình. Dưới thời Pháp thuộc, giai cấp quan lại bị mất uy tín vì sa vào vòng thối nát hối lộ, mất đi cái hào quang xưa, trở thành cái bia cho báo chí và quần chúng chế giễu, phỉ báng. Nhưng lớp trí thức mới được đào tạo từ những trường hay đại học Pháp, lại nhận được di sản kính trọng mà những thế hệ xưa đã từng vinh dự được hưởng. Thêm một sự kiện mới nữa: Những trí thức tân học đích thực này đã tiếp nhận tinh thần dân chủ Pháp thoát thai từ cách mạng 1789. Họ không xa lạ gì với những quyền tự nhiên của con người.

Thưa đồng chí Tổng Bí Thư, cái nguy hiểm là ở chỗ đó: Con trùng dân chủ và nhân quyền đã thấm vào máu, nhất là tầng lớp quan lại xuất thân từ đại học Luật mới mở những năm gần đây. Dĩ nhiên có người vẫn còn chịu ảnh hưởng truyền thống cũ, có người là nạn nhân những di tật người trước để lại, nhưng trong đáy lòng họ, vẫn le lói ngọn lửa dân chủ"1055.

Trước những phân tích sáng suốt và minh bạch của Năng, Tổng Bí Thư trả lời:

- Tuy nhiên họ đều phục tùng cách mạng cả và họ đã phục vụ những lãnh đạo biết khai thác kiến thức và khả năng của họ. Họ đã giúp Đảng trong việc khởi thảo chế độ mới và xây dựng nhà nước Việt Nam mới, đứng trong hàng ngũ những nước dân chủ nhân dân.

- Xin đồng chí Tổng Bí Thư đừng nhầm! Nếu những người mà chúng ta nói ở đây quy phục cách mạng, là bởi vì họ bị lôi cuốn theo cái đà dân tộc để phá vỡ guồng máy bóc lột của thực dân và để phục hồi nền độc lập cho xứ sở. Tôi tin rằng không một ai chiến đấu trong hàng ngũ chúng ta không biết rằng, một khi độc lập rồi, chúng ta sẽ dừng lại ở đấy mà không tiếp tục tiến lên con đường cộng sản; con đường này ít người biết rõ những yếu tố cơ bản, ngay cả những người có học. Những kẻ xấu miệng nói thẳng rằng chúng ta bịp bợm. Nhưng có hề gì? Chúng ta không thể cứu kẻ không muốn cứu.

- Trong thâm tâm tôi thường tự hỏi rằng Hồ Chí Minh đã đem dân tộc bước qua con sông được xem là biên thùy của cộng sản; nhưng con người, nhân cách và cuộc đời của bác vẫn còn là một bí mật mà lịch sử sẽ phải giải quyết. Là con quan, trong tuổi thơ và tuổi thanh niên, bác đã nhận được một nền giáo dục cổ truyền của nhà nho. Những người yêu nước mà bác có dịp gần cận ở Paris lại chẳng có gì là cộng sản. Vậy bởi con đường bí mật nào mà ân sủng cộng sản đã đến với bác? Những kẻ hoài nghi cho là một phép lạ. Nhưng Đảng không hoài nghi niềm tin cộng sản của bác. Còn về phía kia, nhân dân vẫn luôn luôn tin vào khía cạnh truyền thống của bác. Về phần bác, bác cũng không làm gì để soi rõ bí ẩn này. Bên này hay bên kia đều bám vào định kiến của mình và vị lãnh tụ chơi và thắng trên cả hai bình diện. Điều lạ lùng là cả hai phía, thay vì đâm chém nhau, lại hoà hợp trong việc thờ phụng người anh hùng và còn tô vẽ thêm huyền thoại nữa.

- Hồ Chủ Tịch dường như đã thực hiện được sự đồng nhất hai cái tương phản: Trí thức và quần chúng gặp nhau trong cùng một sự tôn sùng. Nhưng nếu nhân dân cùng bước sau Đảng, bầy tỏ lòng tin vào chủ nghiã cộng sản, thì tự hỏi những người trí thức trong tận đáy lòng họ có chia sẻ niềm tin của nhân dân đối với chủ nghiã cộng sản hay không? Hay là thái độ của họ chẳng qua chỉ là vì sợ bị ngược đãi và bị khai trừ. Điều khiến chúng ta cần đặt vấn đề, là họ bị nhiễm độc con trùng dân chủ và các quyền tự nhiên của con người. Tôi không tin họ có thể chấp thuận vai trò lãnh đạo của giai cấp thợ thuyền; chấp nhận Đảng lãnh đạo Nhà Nước và tất cả mọi hoạt động kinh tế của xứ sở; chấp nhận Đảng sử dụng độc quyền chính trị, loại hết những tổ chức khác; chấp nhận Đảng đảm nhận lãnh đạo hành chính và luật pháp, cả các địa hạt văn chương, văn hoá, nghệ thuật!

- Dĩ nhiên rồi, thử nhìn lại toàn thể những phản đối mà bọn trí thức nuôi dưỡng chống lại chúng ta, là ta thấy họ không cam chịu quyền lực tuyệt đối mà Đảng nắm giữ không chia cho Nhà Nước và Chính Phủ trong sự phức tạp của phân quyền: hành chính, luật pháp, kinh tế, giáo dục, văn chương và nghệ thuật.

Tệ hơn nữa, chúng ta đã triệt hạ cá nhân và thay thế bằng tập thể, chúng ta đã ban hành sắc lệnh bãi bỏ sở hữu cá nhân để thay bằng sở hữu tập thể.

Chúng ta đã đưa giai cấp thợ thuyền lên cầm quyền thay cho trí thức bị truất địa vị cao quý và bị lột vòng nguyệt quế trước quần chúng.

Chúng ta đã hoàn thành sự nghiệp cách mạng, không chỉ trong cấu trúc xã hội mà còn trong cả việc cấu trúc lại trí tuệ và các hoạt động trí óc của con người. Dù muốn dù không, chúng ta đã phá sập nền móng suy nghĩ và hành động theo lối truyền thống và tổ chức lại trên những nền tảng mới. Vậy sự chống đối của tầng lớp trí thức là tất nhiên. Sở dĩ họ chưa bùng nổ lòng thù hận chống lại cộng sản, và tung ra những cuộc xung đột phá hoại trật tự công cộng và an ninh xã hội, là chỉ vì họ sợ bị rơi vào nanh vuốt của công an và pháp luật. Vậy chúng ta đã hiểu tại sao bọn trí thức lại cứ bo bo thận trọng ngậm miệng; sự khôn ngoan khuyên họ đừng biểu lộ mạnh mẽ, nên thận trọng từ tốn, nên tuân theo quy lệ. Đảng bị dồn vào một vị trí khó khăn: Đảng không thể hoá cải những kẻ trí thức này về với Đảng, mà cũng không thể trừng phạt họ vì thiếu vắng tất cả mọi hành động phá hoại.

- Thưa đồng chí Tổng Bí Thư, đồng chí đã nhận thấy rằng bức tường yên lặng mà bọn trí thức ẩn náu chỉ là cái pháo đài phòng thủ, do sự bi quan của những kẻ chiến bại xây dựng, để che chở cho chúng, khỏi cuộc tấn công không ngừng của chủ nghiã cộng sản vinh quang, rạng ngời ánh sáng. Theo đồng chí Tổng Bí Thư, chúng ta sẽ phải chọn con đường chính trị nào đối diện với sự kháng cự mãnh liệt này? Ở đây, thật không có nhiều khả năng lựa chọn. Chính trị bị đặt trước một giao thế duy nhất: hoặc là ta cứ để nguyên sự việc như vậy, kéo dài tình trạng này, hoặc là ta thi hành biện pháp mạnh, tức là trừng trị những kẻ mà chúng ta coi là thủ phạm, kẻ thù của chế độ, những kẻ khả nghi có manh tâm đối lập, cho chúng một bài học đích đáng.

- Đồng chí có đo lường trước hậu quả của một biện pháp như thế, tiếng vang của nó trong xã hội và trong quần chúng ra sao, bởi vì ta chưa kiếm ra được tội gì cụ thể của bọn người mà ta sẽ trừng phạt. Không lẽ lại buộc tội sự im lặng!

- Đồng chí Tổng Bí Thư hoàn toàn có lý. Chúng ta tự hào là một dân tộc văn minh, có toà án, có luật hình sự, không thể kết án mà không có bằng chứng! Vì vậy ta sẽ lập mưu cho bọn trí thức rơi vào bẫy khiến chúng không thể thoát được. Đó là một thủ đoạn quỷ quyệt, nhưng cứu cánh biện minh cho phương tiện! Hiện tôi chưa thấy rõ ràng, nhưng đại thể là ta quyến rũ chúng bằng miếng mồi dân chủ, làm chúng vấp ngã trong cái lưới to đặt trên hố bẫy hổ,chúng ta chỉ việc tóm lấy và đeo còng cả bọn!"1056

● Người cộng sản dưới mắt người trí thức

Sau những bàn bạc giữa Năng và Tổng Bí Thư về một chiến lược đối đầu với trí thức, Nguyễn Mạnh Tường quay ống kính về phía trí thức: Một đêm, Hiên và Đắc, bí mật gặp nhau để bàn về khẩu hiệu "Trăm Hoa Đua Nở" vừa được ban hành ở Trung Quốc và ngọn gió đang thổi đến Việt Nam. Hiên thận trọng nói:

- Rút từ những kinh nghiệm quá khứ chúng ta phải rất thận trọng với tất cả những sản phẩm nhập cảng từ nước Tầu. Nhưng việc đầu tiên là phải phân tích cái khẩu hiệu này để liệt kê nội dung và hậu quả của nó.

- Công thức này riêng tôi thấy quá sáng tỏ. Còn có nghiã gì ngoài sự tự do cho trăm hoa đua nở, để mọi người cất cao tiếng nói, khác hẳn thời tự do bị bịt miệng đã qua.

- Mới nhìn thì anh có vẻ có lý. Nhưng chúng ta đừng vội kết luận rằng tự do và dân chủ đã toàn thắng. Trước hết, Đảng có đủ thẩm quyền cấm trăm hoa đua nở không? Có chứ! Đảng chỉ việc cấm trồng hoa. Vậy mà bây giờ Đảng lại cho trồng hoa, nhưng Đảng không thể cấm hoa nở, Đảng bắt buộc phải chấp nhận trăm hoa đua nở. Vậy cái việc cho phép trồng hoa và để cho hoa nở này có nghiã gì? Rất có thể chỉ để tuyên bố công khai rằng Đảng không còn là kẻ thù của cái đẹp dưới tất cả mọi hình thức và tất cả sắc thái của nó, chăng?"1057 Rồi Hiên phân tích sâu xa các khía cạnh của vấn đề và kết luận:

"Theo quan điểm của tôi, mỗi chế độ có những phần tử bất hảo mà họ muốn loại trừ. (...) Nhưng những kẻ trú ẩn trong im lặng khó có thể dò ra được. Sự im lặng mà họ bo bo gìn giữ, che chở cho họ hữu hiệu chẳng khác gì chiếc áo đỡ đạn chống lại bọn trộm cướp. Nay, phương tiện duy nhất làm họ bỏ cái vỏ này là gãi trúng chỗ ngứa. Tụi bay khao khát tự do ư? Ta sẽ giải khát cho bay bằng cách cho tự do sáng tác. Tụi bay muốn chơi trò chính trị ư? Thì cứ chơi! Ta cho chúng bay mặc sức diễn thuyết những xác tín và những chương trình hành động của bay bằng máy phóng thanh... Đó là cái bẫy ta giương ra cho bọn ngây thơ tin vào lòng ngay thẳng và sự thành thật của chính quyền cộng sản. Một khi tụi bay đã tự phát giác bản chất, lộ diện cái trần truồng mà trước đây được im lặng che đậy, thì dễ như bỡn, ta sẽ làm cho tụi bay bất động mãi mãi trong cõi yên lặng đời đời!"1058Sau khi "đọc" rõ tư tưởng của Năng và Tổng Bí Thư,

Hiên phân tích hành trình và tâm lý người cách mạng:

"Điều đầu tiên mà mọi người đều biết là sự thất học mà những người cách mạng phải chịu thiệt thòi. Thiếu điều kiện để học hành tới nơi tới chốn, những người vô sản Việt Nam đói khổ vô cùng, khi không có cơm ăn, làm sao có thể học được? Con đường duy nhất mở ra trước mắt là làm cách mạng. Những người may mắn nhất, trải muôn nghìn hiểm nguy, xuyên rừng, leo núi, chắp nối được với vô sản Trung quốc đang tranh đấu chống tư sản. Vậy nhận xét đầu tiên là người cách mạng Việt Nam đau bệnh vô học! Hậu quả của tình trạng này như thế nào?

Lẽ dĩ nhiên, họ không thể đọc những kinh điển Mác-xít, Lê-nin-nít trực tiếp qua văn bản, nên phải học lỏm nhờ sự sốt sắng của những người có khả năng, nhưng những người này cũng không đủ kiến thức để hiểu những vấn đề vô cùng đa dạng và phức tạp. Dầu sao đi nữa, những bí mật của thuật cai trị con người thoát khỏi tầm tay của họ. Kinh nghiệm cho thấy những người mắc bệnh mặc cảm thường bị cả tự ti lẫn tự tôn, hai mặc cảm bổ sung cho nhau, tiếp sức cho nhau, là hai mặt của cùng một trạng thái tinh thần. Người cộng sản vô học tự cảm thấy bị tổn thương khi tiếp xúc với người trí thức có văn hoá. Nhưng một khi lấy lại toàn bộ địa vị bề trên của mình, vị thủ lĩnh lập tức dùng quyền lực giáng đòn sấm sét xuống những kẻ bị nghi là thiếu kính trọng ông ta.

Vì thế, sau những hiểu lầm bi đát phát sinh từ những thành kiến vô lý, cộng sản thù ghét trí thức. Người cộng sản tưởng tượng rằng người trí thức khinh bỉ họ vì họ vô học. Người trí thức thì tin rằng người cộng sản say sưa quyền lực, dùng sự chuyên chế bạo ngược để củng cố và bảo tồn quyền lực của mình. Theo chỗ tôi biết, không có một cuộc đàm luận nào được tổ chức để hai phía nhìn rõ mặt nhau, giải thích, để hiểu nhau và đi đến chỗ cộng lực xây dựng đất nước. Đó là một giấc mộng đẹp, và như tất cả các giấc mộng, không thể thực hiện được. Chướng ngại vật là dân chủ"1059.

● Lý do thành lập Nhân Văn Giai Phẩm

Đắc tiếp lời:

- Như anh vừa nói, chúng ta là một bọn mưu phản. Một nhóm trí thức âm mưu đòi dân chủ. Ở nước khác, những cuộc hội thảo trí thức hay ý thức hệ được tổ chức giữa ban ngày, hoặc trên báo, hoặc trong những buổi họp mặt công cộng. Ở nước ta, sự cấm đoán đè nặng lên người trí thức, chính quyền chỉ chấp nhận một thái dộ duy nhất: quỳ gối, cúi đầu, ngậm miệng. Tất cả mọi tiếng nói cất lên cùng đồng thanh nhất trí hô khẩu hiệu trung thành với Đảng. Trong điều kiện đó, người cầm quyền có thể yên vị trị vì và hô hoán với bàn dân thiên hạ rằng ở Việt Nam tất cả đều VÌ dân, DO dân! (POUR le peuple, PAR le peuple!) Quần chúng thì quỳ mọp tung hô: Đảng thắng lợi! Đảng muôn năm! (...) Vậy ta thử hỏi: cái gì DO dân làm? Tất cả những biện pháp lập hiến và hành chánh, tất cả những quyết định, những nghị quyết mà dân chúng phải thi hành, không do người dân làm ra, mà do những cơ quan, những hội, những viện, mà TẤT CẢ mọi thành viên đều là cộng sản hoặc phục tòng cộng sản và áp dụng triệt để mệnh lệnh của Đảng. Vậy làm sao ta có thể chấp nhận rằng tất cả đều DO dân làm mà không khỏi chau mày? Đó là sự dối trá hiển nhiên, vô liêm sỉ, chỉ được chấp nhận bởi một số nhỏ những kẻ yếu tinh thần, say sưa ảo tưởng về Đảng hoặc hy vọng được Đảng nhận làm đầy tớ.

- Vậy thì phải làm thế nào? Hiên hỏi.

- Chúng tôi thành lập một nhóm nhỏ trí thức trong đó có vài người trong đảng. Không phải để tranh đấu đánh đổ chế độ, mà chỉ để đạt được một số cải cách giúp mọi người dễ thở hơn. Mặc dù mục đích khiêm nhượng -ít nhất dưới mắt anh em- chúng tôi làm theo cách của cộng sản: nghiã là trong bóng tối. Chỉ gặp nhau hai người một, không bao giờ ở trong nhà vì những bức tường thường có tai mà hẹn ở công viên hoặc trên vỉa hè thành phố. Dĩ nhiên là không có ủy ban lãnh đạo, và không giữ tài liệu gì trong túi hoặc trong nhà để có thể phương hại đến bản thân.

- Bây giờ tôi hiểu rồi. Vậy tôi có thể làm gì giúp các anh?

- Anh là một trí thức tầm cỡ: anh có văn hoá cao, lại không màng đến tiền bạc và vinh dự, sự liêm khiết của anh, phẩm cách của anh đã nổi tiếng trong đám chúng ta. Anh em hân hạnh muốn biết ý kiến của anh đối với những vấn đề mà anh em đang thắc mắc. Anh nghĩ sao về chế độ chúng ta đang sống?

Hiên im lặng trầm ngâm một lúc rồi trả lời:

Nếu lưu tâm đến thực tế hàng ngày đang quy định đời sống dân tộc và quan sát kỹ càng, chúng ta có thể nhận thấychế độ này có ba tính cách đặc thù:

1/ Cá nhân chủ nghiã bị hạ bệ và khai trừ. Tập thể lên ngôi và làm bá chủ trong tất cả mọi lãnh vực hoạt động.

2/ Đảng đảm nhiệm chỉ đạo và điều khiển tất cả.

3/ Chúng ta sống trong sự vắng mặt của tất cả mọi thứ tự do đương nhiên và quyền con người.

Vậy sẽ rất bổ ích nếu chúng ta khảo sát từng tính chất một và phân tích giá trị của nó1060.

● Cá nhân và tập thể

Để giải thích sự xung đột giữa những cặp phạm trù: Cá nhân và tập thể, trí thức và cộng sản, Hiên nhắc lại sự xâm nhập cá nhân chủ nghiã vào Việt Nam:

"Trước tiên, phải công nhận rằng cá nhân và cá nhân chủ nghiã không phải là sản phẩm Việt Nam mà được nhập cảng từ Pháp, nó phát sinh từ cách mạng 1789.

Trong xã hội cổ truyền của ta, tập thể gia đình ngự trị. Tất cả mọi thành viên trong gia đình sống chung dưới một mái nhà, cùng làm việc trên một mảnh đất, ăn chung một mâm cơm. Kết quả nẩy sinh một sức mạnh chung là tổng hợp những sức mạnh của mỗi cá nhân trong gia đình, và sợi dây liên lạc máu mủ cùng lợi ích vật chất và kinh tế cũng không bị lỏng lẻo, suy yếu.

Cá nhân chủ nghiã, được nhập cảng, đã đến nước ta từ khi Pháp xâm chiếm; bởi vì nó thúc đẩy và kích động sản xuất, bởi vì nó tác động trực tiếp tới lợi ích cá nhân, tới tính ích kỷ của người lao động cho nên nó kích thích mọi cố gắng (...)

Vì vậy, khi chính quyền Pháp đem kinh tế thị trường vào cùng với chủ nghĩa kinh tế cá nhân, hệ thống mới này chinh phục ngay xã hội ta, vì nó biểu hiệu một mô hình hoạt động vô cùng cao hơn hệ thống hiện hành. Những thành phố sinh sôi nẩy nở, kinh tế thành thị mở rộng tiểu công nghệ, tiểu sản xuất kỹ nghệ và thương mại.

Trong điều kiện mới này, sự sản xuất nông nghiệp trong kinh tế nông thôn suy đồi dần, tập thể gia đình bị giải tán. Con cái bỏ cha mẹ lên tỉnh làm việc, và không có gì ngạc nhiên khi thấy cá nhân chủ nghiã đã tiến những bước khổng lồ"1061.

Trở lại vấn đề văn hoá, Hiên nói tiếp:

"Văn hóa là tinh chất của cá nhân, nó ưu đãi sự nẩy nở cá nhân chủ nghĩa nơi người trí thức. Trong thời phong kiến, mẫu người có văn hoá điển hình là ông quan cai trị. Nhưng ông ta được tôn kính không phải vì chức năng mà vì sự học rộng, vì cái nhã độ trong phong cách, vì sự lịch lãm trong ngôn ngữ và sự minh triết trong cách xử thế.

Khi kinh tế thực dân ngự trị đất nước, điều khiển những phương tiện sản xuất và bất động sản tư nhân, thì cá nhân chủ nghiã thắng lợi trên mọi phương diện. Những người trí thức tân tiến mà văn hoá đã cá nhân hoá trí tuệ, chễm chệ trong tiện nghi của căn nhà mới. Tuy nhiên, nhờ sự tự trọng và biết trọng danh dự, họ giữ vững được lương tri của mình và tôn trọng ý thức quần chúng, cộng thêm cái uy tín của sự hiểu rộng, người trí thức vẫn được quần chúng ngưỡng mộ".

Hiên kết luận: "Vấn đề trọng đại của nước ta và dân tộc ta là vấn đề xung đột giữa văn hoá và chính trị.

Sự xung đột này có thật và hiện hữu, phải liệt kê những lý do phát sinh. Mặc dù trí thức được vinh danh trong xã hội phong kiến, chế độ cộng sản đã quay ngược tình thế và tìm cách trói họ vào cột bêu đầu tội phạm, để công chúng nguyền rủa; trách họ không tha thiết đến số phận người dân, chui đầu vào những thú khoái lạc dâm ô, tự khép kín trong những tháp ngà mà cảm khoái nghệ thuật ngăn cản không cho họ nghe thấy tiếng thở than của lớp người cùng khốn. Sự hủ bại sâu xa của người trí thức, là do cá nhân chủ nghiã, nó đã giới hạn tầm nhìn của con người, đã ngăn chặn họ thừa nhận sự hiện diện của quần chúng bình dân, của tập thể lao động vất vả ngày đêm để đảm bảo tiện nghi đời sống. Cái cá nhân chủ nghĩa của bọn trí thức đáng bêu thây, sỉ nhục.

Nhưng chiến dịch phỉ báng những người có văn hoá cũng chỉ kéo được một số trí thức khốn khổ, bị sợ hãi và tham vọng bám riết, tới quỳ mọp dưới chân chính quyền, còn phần đông đều giữ vững quan điểm, giữ được sự tôn trọng và quý mến của quần chúng thành thị"1062.

Hiên nói tiếp: "Theo tôi, người cộng sản thấy người trí thức là đại diện quan trọng nhất, đủ tư cách nhất, thậm chí là hiện thân của chủ nghiã cá nhân. Thế mà chúng ta lại biết rằng chủ nghiã cá nhân là đối cực của chủ nghiã cộng sản, giữa hai thực thể này đã có cuộc đấu tranh quyết liệt chỉ ngừng khi một bên bị triệt hạ hoàn toàn. Mọi người cũng lại biết rằng người trí thức không thể chịu được bất cứ sự hỗn tạp, chung lộn nào, bởi chung lộn là bắt buộc phải chung đụng với những phần tử mà mình không thích. Một mặt khác, người trí thức cho rằng cái xác định con người, là nhân cách riêng của nó: mỗi cá thể là một nhân cách. Con người thay đổi và có nhiều mặt1063, chính tính cách đa diện là dấu ấn đặc biệt của con người. Chúng ta đã thấy dưới thời phát xít Hitler và Mussoloni, khi những thực thể sống động là con người phải mặc cùng một loạt đồng phục, cùng bước một nhịp, cùng hô một khẩu hiệu, cùng có một cử chỉ, thì những thực thể ấy đã trở thành người máy, sự tự động đã thay thế cho sự biến đổi, máy móc thay thế cho đời sống! Nhưng cuối cùng, không ai thành công trong sự máy móc hoá dân tộc mình mãi mãi.

Hơn nữa, sự thù nghịch của cộng sản đối với trí thức còn được giải thích bằng sự gắn bó không thể tiêu diệt (l'attachement indéfectible), không thể khước từ (irréfragable) của trí thức đối với những giá trị dân chủ. Vậy từ đâu mà có sự gắn bó này? Là bởi vì, trong mối song quan (dilemme): chính quyền - dân chúng, không một người trí thức nào lựa chọn chính quyền, trừ phi họ bị những tham vọng đê tiện dẫn dắt. Ta đứng về phía dân chúng bởi vì chính ta là người dân. Chế độ dân chủ cho tới bây giờ là hình thức chính quyền duy nhất thực hành công bằng và công lý, làm việc cho dân. Uy tín của chế độ này đã khiến chính những chế độ cộng sản cũng không ngừng tự xưng mình là dân chủ, là làm việc cho dân!1064

● Trí thức và cộng sản: ngày và đêm

Đào sâu hơn nữa vào sự xung đột giữa cộng sản và trí thức, Hiên nói tiếp: "Sự xung đột giữa đôi bên không thể giải quyết được bởi vì nó đụng tới bản chất và lý do tồn tại của chủ nghiã cộng sản. Thực thế, hai quan niệm về đời sống và về con người, chống nhau trong một sự kình địch chỉ có thể biến mất khi chế độ cộng sản xụp đổ!

Trước hết, chủ nghiã tập thể đặt nền móng trên một quan niệm toán học về con người. Theo đó, con người không là gì cả, chỉ một con số trừu tượng, có thể thay người này bằng người kia, hệt như một người lính thuộc quân số của một đơn vị nhà binh dưới mắt người chỉ huy. Tên, tuổi, trọng lượng, tầm vóc, của mỗi người không quan trọng, chỉ có tổng số lính là đáng kể! Thế mà cá nhân chủ nghiã lại nhấn mạnh đến chất lượng của cá thể, tức là những dấu hiệu đặc thù phân biệt người này với người kia trong cùng một chủng loại và tuyên bố mỗi con người là một thực thể khác nhau.

Chủ nghiã tập thể, không tha thiết gì đến con người và từ chối sự khác biệt giữa người và người. Con người được chính quyền tạo ra để sử dụng đã gây tổn thất nặng nề cho cá nhân, yếu tố mà tập thể không thèm biết đến sự hiện hữu.

Ngược lại, cá nhân chủ nghiã đưa con người lên mức quan tâm hàng đầu. Con người tự lấy mình làm cứu cánh, không phải là phương tiện để phục vụ bất kỳ một cái gì. Cây người phải được vun trồng cho nở hoa và đơm trái. Để đạt tới mục đích này, cần phải học, phải biết rõ con người, biết tất cả những dấu hiệu khác biệt của nhân cách qua những yếu tố tối giản của cá tính.

Vì vậy, chủ nghiã tập thể và chủ nghiã cá nhân đối nghịch như ngày với đêm: có cái này thì không thể có cái kia: hai bên không bao giờ gặp nhau. Chủ nghiã cộng sản tập thể không bao giờ hiểu được chủ nghĩa cá nhân của người trí thức.

Dân chủ là chiến trường thứ nhì giữa trí thức và cộng sản. Ở thời điểm người cộng sản tranh đấu bí mật, họ dựa trên dân, nhờ dân nuôi dưỡng và che chở khỏi sự lùng bắt của mật thám. Từ khi lên nắm chính quyền, họ luôn luôn cam đoan trung thành đối với những ân nhân xưa, tuyên bố nguyện ước tranh đấu cho dân và làm tất cả vì dân. Nhưng đó chỉ là những lời hứa hão và cái hố càng ngày càng đào sâu giữa người dân và chính quyền cộng sản. Người trí thức, từ lòng dân tộc mà ra, tự cảm thấy mình có sứ mệnh dân chủ.

Người cộng sản khi lên cầm quyền, từ chối thay đổi khẩu hiệu, tiếp tục tuyên bố: Vì dân. Do dân. Nhưng cái dân tộc mà họ vin vào đó, biết rõ hơn ai hết rằng chẳng có cái gì do dân làm cả, lý do hiển nhiên là dân không có quyền bầu những đại biểu của mình trong chính quyền và vì vậy dân không có quyền biểu quyết những chính sách được áp dụng ở trong nước. Quốc hội và tất cả những cơ quan cầm quyền, trong mọi lãnh vực hoạt động, đều tràn đầy cộng sản, từ ủy ban chỉ đạo tới ủy viên bình thường, không có một cái gì làm ở trong nước mà không qua sự chỉ đạo và kiểm soát của những người cộng sản hoặc những người sắp vào đảng, họ đánh nhau để chiếm chỗ, ra sức ngoan ngoãn, dễ bảo, tận tụy với Đảng. Biểu thức "Do dân" vì vậy không có ý nghiã gì.

Trực diện với độc quyền mở vào con đường lộng hành, bất công, bất bình đẳng và những đàn áp đủ mọi hình thức, giấc mơ duy nhất để an ủi là quay về với dân chủ (...)

Những người trí thức bị nghi ngờ nuôi dưỡng hy vọng dân chủ trong lòng, bị coi là những kẻ thù của chế độ. Để cấp cho những hình phạt mà họ quyết định ở toà án một cái bề ngoài hợp pháp, những kẻ cầm quyền trở thành luật gia ngẫu hứng, bịa ra một tội ác không có ở bất cứ bộ luật nào, là tội "phản động". Tất cả mọi người trí thức không chia sẻ đường lối cộng sản đều bị coi là "kẻ phản động" và bị giáng từ 10 đến 20 năm tù. Những quyền tự do cơ bản và nhân quyền, phản ảnh kích thước văn minh của một nước bằng sự đề cao danh dự và phẩm cách con người, không được biết đến ở Việt Nam1065.

● Đảng Xã Hội và Đảng Dân Chủ

Nguyễn Mạnh Tường, thành viên của đảng Xã Hội, xoay ống kính vào hậu trường chính trị của sự ra đời và xoá sổ hai đảng Xã Hội và Dân Chủ. Năng được triệu tập đến dinh Tổng Bí Thư, để bàn về việc dẹp hai đảng Xã Hội và Dân Chủ, đã được dựng nên trong thời kháng chiến. Đầu tiên hết, Tổng Bí Thư giải thích nguồn cội sự ra đời của hai đảng để Năng nắm rõ tình hình:

"- Như đồng chí đã biết, Đảng ta đã lập ra đảng Xã Hội và đảng Dân Chủ. Đảng Xã Hội dành cho bọn trí thức và đảng Dân Chủ dành cho bọn tư sản. Đồng chí cũng biết rằng Đảng không làm điều gì mà không cân nhắc kỹ. Những người mác-xít cố chấp có thể trách ta đã xây dựng những đảng phái sai trật hẳn với quan niệm mác-xít của một đảng chính trị.

Rằng hai đảng này không đáp ứng đúng đòi hỏi mác- xít, chúng ta xin lỗi, nhưng ta có cái lý của ta. Trước cách mạng, trường Pháp đã đào tạo ra nhiều thế hệ trí thức đã theo ta trong kháng chiến. Nhưng trong 10 năm kháng chiến, trường Pháp còn đào tạo thêm những thế hệ trí thức khác. Khi trở về Hà Nội, một số đã bỏ ta, đi làm, đi học ở nước ngoài. Đối với những kẻ ở lại, ta không thể bỏ rơi họ. Trước hết, vì lợi ích của chính họ, giúp họ theo kịp những tiến bộ của nhân dân dưới sự lãnh đạo của ta. Rồi khi trở về Hà Nội sau mười năm kháng chiến, ta vấp phải một tầng lớp dân chúng đã quá quen nghe nói đến tự do và nhân quyền; vì không muốn lộ bộ mặt chậm tiến, nên ta phải nói cùng thứ ngôn ngữ với bọn thực dân Pháp cũ. Ta phải giả đò tôn trọng quyền của người dân được lập những đảng phái chính trị để bảo vệ quyền lợi của họ. Sau cùng, về mặt đối ngoại, chúng ta phải bảo đảm với dư luận thế giới, về những tự do chính trị mà chúng ta sẽ cho dân hưởng sau khi người Pháp đi khỏi. Nhưng dĩ nhiên là dưới cái bề mặt phỉnh gạt ấy, chúng ta không thể mất cảnh giác, mà phải tiếp tục điều khiển hai cái đảng mà chúng ta gọi là "anh em" từ lúc mới dựng chúng nên và trong suốt thời gian chúng còn hoạt động. Ta đã khuyến khích một vài trí thức nổi tiếng cái ý lập hai đảng. Vậy là dưới sự thúc đẩy của ta và nhờ sự cố vấn của ta mà hai cái đảng này được khai sinh trong đời sống chính trị và chập chững bước đầu. Chính ta cấp ngân quỹ cho hai đảng anh em. Chính ta đã gài trong mỗi đảng những uỷ viên chính trị có nhiệm vụ theo dõi hoạt động của chúng để báo cáo kịp thời cho ta biết những chệch hướng hay những lệch lạc có thể xẩy ra, và trực tiếp truyền lệnh của ta cho chúng thi hành. Bây giờ, đồng chí hãy báo cáo cho tôi biết sự hoạt động của chúng mà đồng chí có trách nhiệm theo dõi.

- Xin báo cáo đồng chí Tổng Bí Thư: tình hình là lạc quan. Hai đảng anh em cư xử rất được. Những ủy viên chính trị mà ta gài vào đã làm việc thật tuyệt vời. Ngay khi đến, họ đã biết kết hợp cương với nhu, họ đã làm cho hai uỷ ban trung ương và hai chủ tịch của hai đảng này hiểu rõ rằng không có một văn kiện chính thức nào - diễn thuyết, thông điệp, tuyên ngôn, diễn văn khai mạc hay bế mạc - có thể được ký mà không qua ý kiến của họ. Không có một cuộc trả lời phỏng vấn nào mà không có họ chứng kiến. Bọn kia tuân thủ răm rắp. Hai tên tổng bí thư cũng như toàn thể đảng viên của hai cái đảng này đều là kháng chiến cũ. Chúng đã được giáo dục tốt. Không màu. Không mùi. Vô hại. Có miệng nhưng câm như hến. Tránh liên quan. Cung kính tuyệt đối trước lãnh đạo! Đối với chúng, ta có thể yên tâm ngủ khò.

Nhưng tôi có bổn phận phải báo cáo đồng chí Tổng Bí Thư cái mặt trái của mề đai. Trước hết, số đảng viên quá ít. Ngoài phố họ cười ầm lên, mỗi đảng không được một trăm mống! Điều bất hạnh là trong cái đảng Xã Hội mệnh danh "trí thức", chỉ có độ mươi mống trí thức chính hiệu! Chỗ còn lại là giáo viên tiểu học, thợ thủ công, cán bộ hạng xoàng, được đưa vào để gồng số đảng viên. Trong cái đảng Dân Chủ, số tư sản có chút vốn chỉ độ hai, ba mạng, phần còn lại toàn bọn buôn bán lẹt đẹt, cán bộ tép riu. Để được vào hai đảng này, chỉ cần xuất trình phẩm trật kháng chiến!

Bọn chúng được cấp giấy hạnh kiểm tốt, chứng nhận tận tụy với Đảng cầm quyền mà chúng khoe là "anh em". Uy tín của chúng đối với quần chúng là zê-rô, chúng cũng chẳng có ảnh hưởng chính trị gì, mặc dù những tên cầm đầu vênh vang trên ô tô nhà nước và trong những buổi hội họp công cộng, chúng được nhận những chức vụ mà ta dùng cho lãnh đạo Đảng ta, nhưng của chúng chỉ để gáy. Đúng là một vở tuồng mà ta cho chúng diễn và chúng đóng trò hề này rất cần mẫn chăm chỉ. Mặc tất cả những cung kính mà ta dành cho chúng trong những lễ nghi chính thức, những kẻ xấu miệng vẫn gọi chúng là con rối, là bù nhìn, họ kêu ầm lên:

"Giễu! Sao Đảng chẳng chọn những diễn viên khôi hài hơn, dệt những con rối tức cười hơn để giải trí!"

- Nếu chúng ta quyết định dẹp hai cái đảng này và ra sắc lệnh chấm dứt trò hề, đồng chí có thấy bất tiện không?

- Nếu được phép nói thật, tôi sẽ thú thực với đồng chí Tổng Bí Thư rằng xây dựng một cái đảng đã là tế nhị, mà giải tán một cái đảng lại còn vô cùng tế nhị hơn. Nhất là trong hoàn cảnh hiện thời! Dù bọn nhà trò có giễu dở đến đâu, dù vở tuồng có nhạt nhẽo thế nào, công chúng đã có thói quen xem chúng múa may trên sân khấu, chơi trò hề và làm phụ diễn hài hước cho khán giả cười bể bụng. Không hiếm người than phiền chế độ ta hà khắc bởi chính trị len vào khắp cả và cơ hội được cười thả cửa quá hiếm. Hai đảng "anh em" bộ điệu nghiêm trọng không hề nao núng, chấp hành hết sảy công tác nhái mà ta dạy, kích thích khán giả phì cười, nhưng trước bàn dân thiên hạ, mọi người lại phải ôm bụng nhịn, về nhà mới dám xả láng với bà con bè bạn.

- Những lời đồng chí vừa nói khiến ta càng dứt khoát quyết định không làm trò hề cho thiên hạ nữa. Thực ra, Đảng cũng ớn việc cứ giơ sườn ra cho chúng chế giễu, nhạo báng làm mất uy tín. Chúng ta rất nhạy cảm với sự châm biếm và không gì làm chúng ta đau lòng hơn là thấy quần chúng giễu ta và những nhân vật chỉ có một tội ác duy nhất là đã vâng mệnh ta một cách dễ bảo không ngờ, thậm chí bất ngờ! Khi ta hạ màn, trả họ về với những bận rộn hàng ngày, phẩm giá của những người "anh em" đã sốt sắng tự hạ mình để phục vụ ta, sẽ đỡ bị sứt mẻ và Đảng ta sẽ lấy lại được cái uy tín mà những sai phạm đã ít nhiều làm tổn hại.

Ngoài ra, như đồng chí cũng đã biết, gần đây ở một vài nước châu Âu đã bắt đầu có mầm mống phong trào đa nguyên. Bổn phận của chúng ta là phải trang bị một ý thức chính xác về mối nguy cơ này cho Đảng.

Lấy cớ rằng mỗi đầu người có một ý kiến, và chính sự đối chất giữa các ý kiến khác nhau sẽ nẩy sinh ra sự thật, rằng sự độc quyền một đảng, bất cứ giá trị của đảng viên như thế nào, cũng dẫn thẳng đến sự chuyên chế, độc tài; bọn chúng đề nghị chúng ta cho phát triển sự đa đảng. (...)

Chúng ta không đặt mình vào địa vị đối lập với chân lý và tiến bộ. Nhưng chúng ta từ chối làm kẻ Bị Lừa Bịp, tin lời Lường Gạt của bọn Lang Băm. Những điều mà chúng đề nghị tưởng mới mẻ gì, thực ra đã cũ mèm từ hai thế kỷ: chế độ đại nghị! Một chế độ chính trị cũ rích.

Dưới mắt những người cộng sản chúng ta, chủ nghiã đa nguyên là một trò hề nực cười nhất. Bắt đầu bằng cuộc bầu cử. Trong đó kẻ nào chửi bới đối phương một cách hèn hạ nhất sẽ thắng, người ta sáng chế ra những dối trá nếu cần, để hạ địch thủ. Còn về chương trình hành động, người ta đua nhau ném ra những lời hứa biết trước là không thể giữ được. Có quan hệ gì? Miễn là được bầu. Một khi đã qua cầu rồi thì không kẻ nào quay nhìn phía sau, nhớ lại những điều lường gạt đã tung ra để lấy phiếu. Cử tri đóng vai ngố rừng trong trò bịp bợm này. (...)

Làm sao một chính quyền thối nát ngay từ đầu có thể làm tròn phận sự? Lại càng khó khăn hơn khi chính quyền này bị chia cắt làm ba: Lập Pháp chiếm ưu thế, được chọn thành phần Cầm Quyền (Hành Pháp), rồi tới phiên Hành Pháp chọn nhân viên của Tư Pháp. Đúng lô gích thì Lập Pháp mạnh thế, bởi được dân bầu trực tiếp, có quyền chỉ định thành phần Cầm Quyền. Rủi thay, quyền của họ chỉ dừng ở đó. Họ không có quyền kiểm soát hữu hiệu và thường trực hoạt động của nhà Cầm Quyền, và họ cũng không có quyền hội họp hàng ngày, phải đợi được triệu tập trong những điều kiện pháp định.

Về Tư Pháp, người ta nhìn nhận nó có quyền độc lập khi thi hành nhiệm vụ, nhưng cũng không thể chối cãi là ngành này gồm những công chức, phụ thuộc vào nhà Cầm Quyền để được thăng quan tiến chức, vậy họ phải tìm cách ở trong ân sủng của nhà Cầm Quyền, điều này có nghiã gì, ai mà chẳng biết (...)

Thấy ông Tổng Bí Thư có vẻ lạc đề, hăng hái trong việc "mô tả" chế độ đại nghị, Năng tìm cách đưa ông trở lại đề tài quan trọng trước mắt là làm sập tiệm hai cái đảng Xã Hội và Dân Chủ:

- Thưa đồng chí Tổng Bí Thư, nếu đồng chí cho phép dùng thứ ngôn ngữ hình ảnh, tôi xin so sánh hai đảng này như hai cái nhà chòi được dựng trong hội chợ và tháo rỡ khi tan hội. Để thu hút khách xem, có một kẻ cầm loa rêu rao khoác lác những điểm lạ thường trên thân chú lùn, người khổng lồ, hoặc người đàn bà mình cây, ở trong chòi. Nhưng đám đông cứ tỉnh bơ, bởi chủ nhà chòi làm ăn dở quá. Ngược lại, Đảng ta gợi hình ảnh một toà lâu đài vĩ đại mà nền móng thách đố sự vận chuyển nhiều thế kỷ, đầy tràn một xã hội công an hoá và một lớp hầu cận kiểu cách (personnel stylé).

Ở đây ta làm tốt công việc, dưới quyền điều khiển của những xếp thông minh, nhìn suốt hiện tại đến tương lai, bước ra ngoài phạm vi lâu đài để ôm lấy toàn thể đất nước và ra khỏi bọn cư dân để đến với toàn thể nhân dân!

- Này đồng chí, ý ta muốn đạp đổ luôn hai cái nhà chòi của đảng Xã Hội và đảng Dân Chủ. Bởi chúng huỷ hoại cảnh đẹp, làm xấu tầm nhìn, gây sốc cho cảm quan. Vậy theo đồng chí, nếu hai cái nhà chòi này biến mất có làm dư luận bất bình không?

- Tôi chắc là không. Hai cái đảng này thiếu đảng viên và không có một ảnh hưởng nào trong xã hội. Dĩ nhiên ai cũng biết bọn đảng viên của hai cái đảng này vô hại, không mùi, không màu, và người ta cũng biết chúng là con hoang của Đảng ta, không ai chú ý đến sự hiện diện của chúng! Vì chẳng ai để ý đến sự có mặt của chúng cho nên cũng chẳng ai thấy sự biến mất của chúng! Nhưng tôi vẫn chưa hiểu tại sao chúng ta lại từ chối quyền sống cho hai cái đảng này? Chúng chỉ chiếm một chỗ rất nhỏ, chỉ mở miệng để hô khẩu hiệu và hót muôn năm, vạn tuế Đảng.

- Chúng ta đã phạm sai lầm khi khai sinh ra chúng và đã để chúng héo mòn không cho chúng quyền hiện hữu, không cho chúng quyền cộng tác với chúng ta, cùng làm việc cho hạnh phúc vĩnh cửu chung. Trong những điều kiện như thế, ta nhận thấy rằng hài kịch đã kéo dài quá lâu mà chẳng có lợi lộc gì cho ta và nhất là cho lũ con rối mà ta đã tạo ra! Lý do trọng đại hơn, chính là chúng ta phải hết sức cảnh giác vì trên thế giới mới xuất hiện một phong trào, dưới nhãn hiệu bảo vệ dân chủ, kích thích sự sinh xôi nẩy nở các đảng phái chính trị để chặn đứng con đường chuyên chế vinh quang của đảng cộng sản!

- Thưa đồng chí Tổng Bí Thư, làm sao mà đồng chí không có lý cho được. Một khi những căn nhà chòi đã bị tiêu diệt, chỉ cần vài nhát chổi là xoá sạch dấu vết. Trong tất cả mọi gia đình người ta đều quên tiệt bọn con hoang.

Với sự cho phép của đồng chí Tổng Bí Thư, chúng tôi sẽ tìm cách tổ chức cho chúng một đám ma trọng thể để chứng tỏ lòng ngưỡng mộ của chúng ta đối với hai cái đảng "anh em" mà sự dễ bảo xứng đáng được hưởng những lời khen thưởng của tất cả những chủ nhân ông đang thiếu kẻ hầu người hạ!"1066

● Đám ma đảng Dân Chủ và Xã Hội

"Buổi chiều đó, Đảng Cộng sản tổ chức tại nhà hát Hà Nội đám ma hai đảng anh em: đảng Xã Hội và đảng Dân Chủ.

Trên sân khấu, những chiếc ghế bành được dành cho chóp bu ba đảng. Khách mời bước vào nhà hát chói mắt vì sự lạm phát màu sắc: màu đỏ choé lên khắp các băng vải trúc bâu giăng trên tường, chữ vàng óng dán trên vải tán dương sự vinh quang của bộ ba mác-xít Mác - Enghen - Lênin, của chủ tịch Hồ và con đường chính trị của Đảng. Nhưng lần này, những băng-rôn cất tiếng ca tụng sự đoàn kết, tình hữu nghị anh em ba đảng. Điều thiếu nhất là không khí đưa ma, đáng lý phải làm cho cử tọa nghiêm chỉnh lên tới độ u ám đau buồn. Nhưng người ta cứ cười nói tự nhiên như không. Tất cả đều cho thấy, nếu như người ta không thích thú, thì cũng chẳng ai buồn bã gì cho cái chết của hai đảng con hoang. Mấy tay giễu dở còn tuyên bố rằng quét sạch hai đảng anh em khỏi sân khấu chính trị, chúng ta để dành được món tiền to đã trợ cấp cho chúng. Một kẻ khác chêm vào: Ôi may mắn thay! Từ nay, trong những buổi họp công cộng cũng như trong ra-đi-ô hay trên truyền hình, ta chỉ phải chịu (trận) diễn văn của Đảng cầm quyền và được tha bổng khỏi diễn văn nhái của hai đảng anh em. Tổng cộng, chúng ta không phải rỏ một giọt nước mắt nào cho số phận người quá cố, ngược lại, chúng ta được cười hể hả vì thoát khỏi bọn rách việc!"1067

Trong buổi lễ, chẳng ai nghe diễn văn chính thức, riêng các thành viên của hai đảng mới chết, ghé tai nhau thì thầm những giai thoại, những bi hài kịch mà họ đã trải qua.

"Sự kết án tử hình đảng Xã Hội mà đảng cộng sản là cha đẻ, là vú nuôi, không gây một tiếng vang nào trong giới trí thức Việt Nam. Nó sống hay chết, người trí thức cũng không mất ăn mất ngủ vì nó!

Mỗi năm, vào ngày 3 tháng 2, sinh nhật Đảng Cộng Sản, là ngày lễ quốc khánh. Chính quyền không ban sắc lệnh gì về việc này, nhưng tất cả các tổ chức, không loại trừ hình thức nào, dưới sự hướng dẫn của Đảng Cộng Sản, đều hết sức vinh hạnh được long trọng tổ chức những buổi họp mặt để ca tụng vinh quang và thắng lợi của Đảng Cộng Sản trong quá khứ và chúc mừng Đảng tương lai ngày càng sáng lạng hơn. Một cái đảng cầm đầu một dân tộc; dân tộc này, ít ra ngoài mặt, tung hô niềm tin vào Đảng, quỳ mọp trước Đảng để thề nguyện trung thành, vì lợi mà cũng vì hèn, sợ bị hành hạ, bị trừng phạt dưới mọi hình thức, đó là cảnh tượng bầy ra trước mắt những người cộng sản cầm quyền. Trước thành công tuyệt vời đã đạt được, họ ngủ yên mãn nguyện vì đã thoả lòng ham muốn, đã toại nguyện ước ao"1068.

● Đối thoại giữa hai trí thức, thành viên đảng Xã Hội

"Hai người, bác sĩ y khoa Xuân và luật khoa tiến sĩ Mạn đi từ từ xuống bậc thềm, dáng mơ mộng. Hai thành viên của cái đảng Xã Hội bị giết và chôn hôm nay trao đổi kỷ niệm với nhau.

- Anh còn nhớ thời ở Hà Nam, cách Hà Nội sáu mươi cây số trong Liên Khu Hai không? Gia đình tôi trú ngụ trong nhà một địa chủ. Tôi chữa mắt cho bệnh nhân và dạy nhãn khoa trong trung tâm huấn luyện y khoa bên kia sông Đáy.

- Còn tôi, luật sư Mạn trả lời, gia đình tôi được một gia đình công giáo ở Bích Tri đón nhận. Mỗi tháng tôi bị gọi lên toà án Binh làm luật sư cãi cho bị can. Một hôm đồng chí Châu là Chánh Án Toà Đại Hình đến chơi. Ông ta cho biết có đảng Xã Hội Việt Nam mới được dựng nên ít lâu nay:

"Chúng tôi biết ông rất kỵ cái việc vào Đảng Cộng Sản vì ông không thích làm chính trị, nên tôi mời ông vào đảng Xã Hội. Đảng này không có kỷ luật chặt chẽ: không có tiểu tổ và không phải họp hàng tuần. Đảng này, đúng như tên gọi của nó, có bổn phận xây dựng tại Việt Nam một chủ nghiã xã hội, loại bỏ sự bóc lột trong kinh tế và xã hội, bảo đảm ưu thế của người lao động, dù chân tay hay trí óc. Tôi không đi vào chi tiết nhưng có thể bảo đảm với ông rằng đây là một đảng tiến bộ phù hợp với người trí thức. Cũng xin nói thêm là đã được một học giả nổi tiếng là cụ Bùi Kỷ gia nhập".

- Châu cũng nói với tôi những điều tương tự. Tôi cũng được người ta cho biết là không nên từ chối lời mời của Đảng cầm quyền. Nhất là nếu mình chẳng được gì thì cũng chẳng mất gì.

- Chúng ta có thể tự hỏi vì lý do gì Đảng cầm quyền đã cảm thấy sự cần thiết phải xây dựng hai đảng "anh em". Theo ý tôi, lý do chính là những người cầm quyền không muốn và không thể để cho bọn trí thức và bọn tư sản lọt ra ngoài vòng kiểm soát của họ. Những đảng anh em được tạo ra nhằm mục đích "nhốt trại chính trị" (encaserner politiquement) tầng lớp trí thức. Không một cá nhân, không một nhóm người nào có thể để cho tự do được. Sự tự do bị cấm ở Việt Nam. (La liberté est intredite au Vietnam).

- Tôi còn thấy một lý do khác: Phong trào thúc đẩy trí thức và tư sản về Hà Nội đoàn tụ với bà con ngày càng không cưỡng lại được. Vì lẽ gì? Trước hết vì sự bất ổn do máy bay oanh tạc và đêm hôm bị lính com-măng-đô lẻn vào cướp của giết người. Sau cùng là sự kiểm soát quá tỷ mỷ của những người cầm quyền cộng sản, công an nổi, công an chìm, thêm sự đói khổ cùng cực vì kiếm sống ở chiến khu vô cùng khó khăn. Chẳng một người chồng nào dù kiên nhẫn và chịu đựng đến đâu, có thể đeo mãi bên cạnh lũ vợ con không ngừng than van khóc lóc ngày đêm. Kiệt lực, anh ta đành đầu hàng, thuê một chiếc thuyền tam bản chở cả gia đình lúc nhúc ngược sông Đáy về tới Đông Quan, cửa thành Hà Nội. Đảng Xã Hội có thể tập trung phong trào này, chận đứng nó lại và giữ những người trí thức còn lại không cho bỏ vào thành. (...)

- Làm sao có thể quên được sự thống khổ mà chúng ta đã trải qua trên hành trình đi tới nơi hẹn mà chúng ta được các nhà lãnh đạo mời, tại một căn nhà lá biệt lập ở phía nam Phủ Lý, chỗ con đường rẽ hai, ngã phải đi Ninh Bình và ngã trái về Nam Định (?)(...) Tôi chắc mái tranh người ta hẹn chỉ là nơi trú của những người canh đêm. Khi bước vào, sự bần cùng dơ dáy tởm lợm đến khó chịu. Trên nền đất, một cái chiếu rách được trải ra. Vách đất há hốc đầy lỗ thủng lớn. Trên bức vách trong cùng, một giải băng vải đỏ hò hét những chữ vàng: "Đảng Cộng Sản Việt Nam muôn năm!" Lá cờ Liên Xô với dấu hiệu búa liềm đối diện với cờ Việt Nam sao vàng trên nền đỏ. Ba vị thánh mác-xít ngự trị vai kề vai với chủ tịch Hồ. Ba đồng chí cộng sản trong đó có Châu, đón và giải nghĩa cho biết là chúng ta được mời đến để làm lễ tuyên thệ với Đảng Cộng Sản và Đảng Xã Hội. Họ yêu cầu chúng ta phải thề vâng lệnh và trung thành với cả hai đảng; chúng ta giơ tay phải và thề. Buổi lễ đơn giản khốn cùng không gây cho chúng ta ấn tượng gì. Nếu ngày nay chúng ta nhớ lại chỉ bởi vì cái đám táng của hai đảng Xã Hội và Dân Chủ vừa được tổ chức với những nghi thức đập vào mắt. (...)

- Tôi nghĩ rằng người ta đã rắp tâm cho chúng ta biết trước những gì có thể chờ đợi ở đảng Xã Hội. Người ta muốn nhấn mạnh rằng tổ chức này chỉ là bà con nghèo mà người ta giữ trong nhà vì lòng từ thiện, chỉ được hưởng phần cơm thừa canh cặn, chỉ có nhiệm vụ hầu hạ và tuyệt đối gọi dạ bảo vâng. Họ mời ta là để cho biết không nên có ảo tưởng gì về vai trò của mình!

- Dĩ nhiên là chúng ta hiểu rõ điều đó. Và nếu ngày hôm nay cái đám tang mà chúng ta đau buồn đến dự được trọng thể như thế này, lý do quan trọng là để, trái với những gì đã xẩy ra trong hơn một thập kỷ, người ta muốn thổi phồng tầm quan trọng của đảng Xã Hội, cho nó một vai trò mà nó chưa bao giờ có. Trong bối cảnh chế độ đa nguyên đang mở rộng và thắng thế trên thế giới, nước Việt Nam muốn chống lại bằng một sự khước từ dứt khoát, quả quyết. Người ta đã làm một trò bịp bợm lớn lao: Phần "Quan Trọng" của đảng Xã Hội đã tự nguyện tự huỷ để củng cố và mở rộng đảng Cộng Sản mà độc quyền lãnh đạo đã được xây dựng trong sự thoả hiệp nhất trí giữa các đảng phái dân tộc. Bộ dạng trịnh trọng ngày hôm nay là để công bố cho mọi người biết cái chết tự chọn của các đảng phái "anh em" và sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản.

Khá khen cho cho những nhà lãnh đạo trong thủ đoạn quỷ quyệt của họ, ngày trước họ dựng nên và ngày nay họ tiêu diệt hai đảng anh em. Một sự thực mà đến mãi bây giờ chúng ta mới hiểu và cuối cùng chúng ta đã hiểu rằng chính quyền cộng sản không bao giờ sai lầm, ngay cả khi họ không có quyền hảnh xử như họ đã làm!1069

● Độc quyền lãnh đạo

Sau khi đi dự buổi lễ vinh thăng Đảng Cộng Sản nhân ngày kỷ niệm sinh nhật 3/2, Đắc và Hiên dừng lại ở một công viên thì thầm trò chuyện. Hiên hỏi:

- Anh nghĩ sao về việc kết án tử hình hai đảng anh em mà đảng Cộng Sản là cha đẻ và cha nuôi?

- Thực ra thì tôi thấy không cần phải bóp cổ hai đứa con mà đảng Cộng Sản đã cho ra đời. Đó là những hài nhi ngoan ngoãn khó bì, giữ trò con rối tuyệt vời. Những máy người này được vô dầu mỡ tốt đến độ chúng chạy hay như những người máy. Đó là những máy hát thời xưa chỉ biết đọc những đĩa cũ. Mặc dù hai đảng anh em biểu thị rõ đặc điểm câm và ỳ, nhưng chúng vẫn là những đảng chính trị có thể làm lợi cho phong trào đa nguyên đa đảng. Vì vậy, đảng Cộng Sản Việt Nam thấy cần phải khẳng định sự độc quyền lãnh đạo.

- Đi từ thực tế Việt Nam, chúng ta thử trình bầy sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản:

Một cái đảng giữ độc quyền lãnh đạo khai trừ tất cả những đảng khác, là hình ảnh một kỵ sỹ phi ngựa một mình. Quyền lực của nó là tuyệt đối, nó không lệ thuộc vào bất kỳ điều kiện nào. Nó không cần ai làm cố vấn, không cần hỏi ý kiến người khác. Không thể làm gì nếu không có lệnh của nó và tất cả mọi lệnh mà nó ban ra phải được thi hành. Nó không chịu bất cứ sự kiểm soát nào. Nó cho phép, thậm chí khuyến khích tung hô những cái hay mà nó làm, nhưng cấm phán đoán và phê bình những cái dở do nó gây ra. Luật pháp diễn tả ý nguyện của dân, nhưng cái đảng này ở trên luật pháp và ở trên dân. Không một thẩm quyền nào có thể xử án cái đảng, bởi vì nó không thể tạo ra một toà án để xử chính nó. Nó có thể ra lệnh cho thuộc dân của nó phải tự kiểm thảo, nhưng bản thân nó không làm. Không có con đường kháng cáo nào chống lại một trong những quyết định bị dân kêu ca của nó. Chỉ có nước chờ sự phán xét của Thượng Đế! Nhưng cái đảng còn ở trên Thượng Đế!

Khuyết tật cơ bản của chế độ này là kẻ cầm quyền, khi cần quyết định, không thể lựa trong một số biện pháp khác nhau đã được tuyển chọn, mà hắn chỉ có một biện pháp duy nhất là của chính hắn, mà chưa chắc đã hay.

Người ta có thể phản bác rằng lãnh tụ thế nào chả hỏi ý kiến những nhân vật trong Bộ Chính Trị, trong Ban Bí Thư, trong Ủy Ban Trung Ương Đảng. Nhưng đừng nên quên rằng, trong Đảng bao trùm một không khí kỷ luật sắt và sự lo sợ bị trừng phạt và tham vọng được thăng quan tiến chức và được hưởng đủ loại ân huệ bổng lộc, từ nhà ở, lương bổng, đến những công vụ béo bở ở nước ngoài, rồi những lợi lộc mà con cái được hưởng, và sự sợ hãi cũng như tham vọng làm tê liệt cái lưỡi của hơn một người cộng sản và giải thích tại sao tất cả những thuộc hạ khi được Lãnh Tụ hỏi ý kiến luôn luôn nghiêng mình với nụ cười và tuyên bố kinh ngạc trước thiên tài và sự thông bác của Lãnh Tụ!

Người dân cũng vậy, không thể nào khác, một khi có vinh hạnh được Đảng hỏi đến!

Lãnh Tụ có thể than thở như Moïse: "Tôi đầy quyền lực nhưng cô đơn", nhưng hắn không thể đợi một sự cứu trợ nào của Thượng Đế bởi vì chính hắn là Thượng Đế trong xứ sở của hắn. Hắn bị cấm cố chung thân trong cô đơn!

Hai cuộc Cải Cách Ruộng Đất và Cải Tạo Tư Sản dẫn tới sự tịch thu đơn thuần ruộng đất trong tay địa chủ ở thôn quê và nhà cửa trong tay gia chủ ở thị thành.

Cuộc cách mạng hoàn tất năm 1945 tự nhận là vô sản. Những người cách mạng vô sản không những thiếu văn hoá trí thức, lại cũng không có động sản và bất động sản nữa, có nghiã là họ không thể cai trị một xứ sở, điều khiển một dân tộc. Không thể đòi hỏi gì ở những người bụng rỗng, quần áo rách, không có cơm ăn, không có nhà trú qua đêm. Khi người ta thiếu tiền, người ta lấy ở chỗ có. Đó là ăn cắp và trong một xã hội có luật, có cảnh sát, thì sẽ bị bắt, bị tù. Nhưng những người cách mạng vô sản nào có coi luật lệ ra gì: họ chỉ cần tuyên bố trắng rằng sở hữu là ăn cắp! Rằng những người có đất có nhà đồng loã với phản động, rằng tất cả đều phải biết câu: lấy của kẻ cắp, không phải là ăn cắp! Về phương diện kỹ thuật thì chỉ cần ban sắc lệnh bãi bỏ sở hữu cá nhân. Là xong!1070

● Vai trò của Quốc hội

Hiên và Đắc, hai trí thức đích thực còn sống tới thập niên 90, nhận định hiện tình sau "đổi mới":

"Luật được "bầu" ở Quốc Hội. Nay cái quốc hội này gồm trăm phần trăm cộng sản chính thức và cộng sản ngầm (crypto communistes) luôn luôn bày tỏ, xác nhận sự trung thành triệt để đối với chính quyền. Cũng có thể mức độ văn hoá của những thành viên trong quốc hội không cho phép họ đề xuất những cuộc thảo luận và phê bình quá khó khăn về kinh tế và luật pháp. Cái quốc hội này được coi là đại diện của dân nhưng nó lại là đại diện của Đảng, và tất cả những điều luật được nó biểu quyết đều do chính quyền gợi ý hay làm ra!

Đảng và Nhà Nước điều khiển Quốc hội, ngự trên tất cả luật pháp. Quốc Hội lập pháp không đảm trách bất cứ một chức năng chính trị nào, nó không can dự vào việc thành lập chính phủ, cũng không lật đổ chính phủ bằng cách bỏ phiếu bất tín nhiệm. Những người cầm quyền, như vậy, không thể bị tố cáo trước pháp luật, họ ở trên pháp luật và công lý. Trong tất cả các nước văn minh, nguyên tắc thiêng liêng thần thánh là phải tôn trọng sự độc lập của quan toà trong khi họ thi hành nhiệm vụ. Vậy mà ở Việt Nam, các thẩm phán trước khi quyết định tuyên án phải hỏi ý kiến người cầm đầu Đảng. Nhưng nếu đối với phần đông thiên hạ, công lý chẳng có trên đời, thì ở đây câu này lại càng đúng hơn nữa: thẩm quyền công lý không bao trùm những tội ác lớn nhỏ của những người cầm quyền. Cho nên sự vô trách nhiệm của họ thật toàn diện, trọn vẹn, không chỉ trong địa hạt chính trị mà cả pháp lý (...).

Bây giờ chúng ta đã biết thế nào là sự độc quyền cai trị ở đó sự tuyệt đối vô trách nhiệm trải rộng trên mọi địa hạt! Trong môi trường xã hội như thế, nếu cái vi mô đi cạnh cái vĩ mô thì chắc chắn cái vĩ mô sẽ nuốt chửng cái vi mô, không cho nó cơ hội sống theo ý muốn, theo sở thích, mà buộc nó phải chịu theo kỷ luật tập thể, tổ chức cuộc đời bằng cách bắt chước người khác, không được tỏ ý kiến riêng về một lối sống, một ý thích cá nhân nào. Xã hội là một trại lính mênh mông và kỷ luật tập thể áp dụng cho tất cả. Xin một giấy phép đặc biệt để ra trại vô cùng khó khăn và trong đời sống hàng ngày, triệt để cấm diễn tả tự do ý kiến của mình, nhất là ý kiến phê phán cấp trên và những người có chức quyền. Tất cả những ai vô tình hay cố ý vi phạm kỷ luật tập thể, sẽ bị kết tội có khuynh hướng "phản động" và bị trừng phạt nặng nề. Người ta không ra lệnh cho dân phải mặc đồng phục, chỉ vì sự đói khổ đã bắt họ mặc cái đồng phục tôi đòi. Nhưng người ta có thể cưỡng bức nhét vào mọi đầu óc, sự tôn thờ cùng một sắc độ chính trị, chấp nhận cùng một thái độ trí thức, cùng tôn sùng những thánh thần cộng sản. Một tiếng kèn trổi lên, tất cả bắt đầu cùng bước, cùng cất giọng đồng ca!

Người ta dạy dân tín điều Mác-xít xưa nay Việt Nam không ai biết, còn thực hành thì người dân chỉ biết những cấm điều phải tuyệt đối tuân theo, mặc dù trong những diễn văn gửi đến cử tọa quốc tế, các lãnh đạo chối tiệt, bảo ở Việt Nam làm gì có cấm. Ví dụ người ta hay nói đến dân chủ, nhưng những quyền tự do đương nhiên và quyền con người thì không được biết đến ở Việt Nam. Hay quyền tự do ý kiến, có trong tất cả các nước dân chủ, cũng không được biết ở Việt Nam. Cấm phê bình chỉ trích những người cầm quyền trong Đảng và những quyết định của họ, cấm cả sự không tán thành (...)

Tất cả báo chí, dù ở đâu, tuyệt đối không dám có một bài viết, bài báo ngắn hay bản tin để lộ một ý kiến xấu đối với những người cầm quyền hay đối với đường lối chính trị của Đảng. Một sự kiểm duyệt tỷ mỷ, cẩn mật, đầy cảnh giác không bao giờ cho in những dòng chữ khiếp đảm như thế"1071.

Phải công nhận rằng Đảng đã kiến trúc sự độc quyền lãnh đạo một cách hoàn hảo! Đó là một công trình bất hủ không thể khám phá ra một vết rạn nhỏ và sự thiết bị cũng tuyệt vời đến nỗi không một con kiến nào có thể lọt qua mà không bị bắt quả tang trong tầm thấy của người gác (détenteur) và qua mắt ống chuẩn trực (collimateur)!"1072

Về hiện tình kinh tế thị trường định hướng xã hội chũ nghiã: "Có người kết luận: Như thế chế độ cộng sản chỉ kéo dài ở Việt Nam trong có một thế hệ. Con cái những nhà cách mạng tiên phong đã trở thành những nhà tư bản chính cống, giết cha về mặt chính trị. (...)

Nay, độc quyền đảng trị cho phép tất cả cán bộ cộng sản được quyền ban những quyết định có trọng lượng vàng: Một chữ ký dưới cái giấy chứng nhận mang lại cho người ký một phong bì đầy đô la, đưa tận tay, kín đáo, vắng bặt những con mắt hiếu kỳ ô uế, câm tiệt những xì xào của kẻ xấu miệng"1073.

Une voix dans la nuit, tác phẩm áp chót của Nguyễn Mạnh Tường, viết xong ngày 19/3/1993, ở tuổi 84-85, cho tới nay là cuốn sách có hệ thống, khúc chiết và sâu xa nhất bao trùm toàn bộ hành trình thiết lập chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam.

Hiện nay, mọi người dường như đã "thích nghi" với "chế độ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghiã".

Ngậm miệng là điều kiện cần và đủ để thành công mọi mặt, từ công việc làm ăn đến thăng quan tiến chức. Từ miếng giấy thông hành về nước, đến việc dạy học, việc mở hội thảo ở Việt Nam.

Ngoại trừ những khuôn mặt can trường đã vào tù, tinh thần trí thức hướng dẫn xã hội và dân tộc đến bình đẳng tự do, dân chủ, đã bị dẹp tan, gần như diệt chủng, kể cả những "trí thức" đã đi du học, làm việc ở nước ngoài, đã được giải thưởng quốc tế, cũng lộn về để nhận ân sủng, phẩm hàm, nhà cửa.

Thông điệp Nguyễn Mạnh Tường để lại cho chúng ta, mạnh mẽ và dứt khoát: Sống không chỉ có ăn mặc, có nhà cửa, có phẩm hàm, địa vị, mà còn phải có văn hoá, tư tưởng. Phải đòi cho được quyền làm người. Cho chính mình và cho người khác. Nếu không, con người sẽ chẳng khác gì con vật.

1053 Trên thực tế, đảng Dân Chủ thành lập ngày 30/6/1944, giải thể ngày 20/10/1988; đảng Xã Hội thành lập ngày 22/7/1946, giải thể ngày 15/10/1988.

1054 Trang 62- 63.

1055 Trang 63-64-65.

1056 Trang 63-64-65-67.

1057 Trang 68.

1058 Trang 68-69.

1059 Trang 70.

1060 Trang 70-71.

1061 Trang 72.

1062 Trang 74-75.

1063 Con người thay đổi và có nhiều mặt NMT lấy lại câu: L'homme est ondoyant et divers" của Montaigne.

1064 Trang 77.

1065 Trang 80-81.

1066 Trang 85-86-86 bis-87.

1067 Trang 87.

1068 Trang 95.

1069 Trang 95.

1070 Trang 96-97. 1071 Trang 100- 101.

1072 Trang 99.

1073 Trang 102.

Paris ngày 17/9/2011

Bổ sung lần cuối ngày 9/9/2012

Thụy Khuê

Chương Cuối

nói chuyện với nhà cách mạng nguyễn hữu đang

Tên tuổi Nguyễn Hữu Đang đã gắn liền với hai chữ tranh đấu: tranh đấu giành độc lập cho tổ quốc, tranh đấu cho tự do và dân chủ. Về hành trình dài và cam go này, nhà cách mạng lão thành sẽ dành riêng cho thính giả RFI hai chương trình đặc biệt. Chương trình hôm nay nói về ngày 2/9/1945, ngày lễ Độc Lập mà ông được chủ tịch Hồ Chí Minh giao trách nhiệm Trưởng Ban Tổ Chức. Trong chương trình chủ nhật tới 10/9/1995 ông Nguyễn Hữu Đang sẽ nói về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.

● Ngày lễ Độc Lập

- THỤY KHUÊ: Thưa ông Nguyễn Hữu Đang, 50 năm sau ngày 2/9/1945, có lẽ hiện nay không ai có thẩm quyền hơn ông để nói về ý nghĩa của ngày lễ này vì chính ông là trưởng ban tổ chức ngày lễ Độc lập 2/9.

- NGUYỄN HỮU ĐANG: Thưa bà, khi tôi được chủ tịch Hồ Chí Minh trao nhiệm vụ tổ chức ngày này, lúc bấy giờ chủ tịch cũng như trung ương Đảng đề ra chỉ là một ngày lễ để chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân, đồng thời đọc một bản Tuyên Ngôn Độc Lập đối với dân trong nước và đối với cả thế giới. Sau đó, tôi cùng với ban tổ chức trao đổi ý kiến, muốn nâng cao giá trị ngày lễ đó lên cho nên chúng tôi đã đặt tên nó là Ngày Độc Lập để nói lên ý nghĩa trọng đại của ngày hôm đó trong lịch sử Việt Nam.

Ngày Độc Lập đó có bốn tính chất như thế này: Một là tính chiến đấu của nó, hai là tính khẩn trương của nó, bà là tính nhân dân của nó, thứ tư là tính độc đáo của nó.

Tính chiến đấu của nó là do tình thế nghiêm trọng của nước Việt Nam lúc bấy giờ. Từ năm 1943, chính phủ lâm thời kháng chiến của Pháp thành lập ở Alger, tướng De Gaulle đứng đầu chính phủ, lập tức nghĩ ngay đến việc thu hồi lại thuộc địa đã mất, quyết tâm lấy lại Đông Dương bằng vũ lực. Chính phủ De Gaulle, khi đưa lực lượng vũ trang sang chuẩn bị lấy lại Đông Dương, phất cao ngọn cờ gọi là chính nghĩa của mình, đánh bọn "giặc cỏ phiến loạn". Điều đó làm cho nhân dân Pháp hiểu nhầm cách mạng Việt Nam. Chúng tôi không được sự ủng hộ của nhân dân thế giới và nhân dân Pháp, cho nên vấn đề là phải chính thức hóa nhà nước mới, chính thức hóa chính phủ lâm thời để thế giới trông vào, biết rằng chính nghĩa là thuộc về chúng tôi chứ không thuộc về thực dân Pháp. Chính thức hóa một nhà nước mới và một chính phủ được nhân dân ủng hộ. Tất cả hai điều đó, chúng tôi long trọng công bố trước nhân dân trong nước và cả thế giới.

Ngoài những khó khăn do phe thực dân gây ra còn có một cái khó khăn cực lớn của Trung quốc: chính phủ Tưởng Giới Thạch. Ngày 9/8 chính phủ Trung quốc tuyên bố sẽ đưa quân vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật theo quyết định của hội nghị Postdam tháng 7 năm 1945. Tiếp theo, ngày 27/8, quân Tàu Tưởng thuộc quyền chỉ huy của tướng Lư Hán, vượt biên giới Hoa Việt vào nước ta. Theo chân họ có các tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng của Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam và Việt Nam Cách Mạng Đồng Chí Hội của Nguyễn Hải Thần. Quân của Lư Hán cùng với hai đảng, chống Việt Minh, chống từ trước chứ không phải về sau đâu, không dự vào mặt trận đoàn kết, mặt trận đánh Pháp bao giờ cả. Hai đảng ấy chống Việt Minh đến cùng. Nguyên cuộc tấn công của phe thực dân Pháp đã là một mối đe dọa lớn với nền độc lập của chúng ta rồi, thêm vấn đề Trung quốc vào đấy lại còn nguy hiểm hơn nữa. Tính chất khẩn trương là như thế. Tính chiến đấu đã nói rồi. Còn tính nhân dân thì cũng gọn thôi vì sau khi chúng tôi đăng thông cáo, nhân dân ủng hộ, tham gia rất tích cực, người góp của, người góp công. Tất cả việc chúng tôi làm đều không có phương tiện của Nhà Nước, mà toàn là phương tiện của nhân dân đem đến cả. Đấy là tính nhân dân. Tính thứ tư là tính độc đáo thì chúng tôi tổ chức một buổi mít-tinh huy động thành phố Hà Nội, huy động tất cả mọi người, không trừ một ai cả, coi như thành phố thiết quân luật, nhân dân đi mít-tinh, đi từ nửa đêm, cơm nắm muối vừng, đi từ sáng sớm cho đến tối, đêm mới trở về nhà. Đó là một tính độc đáo mà sau này không ai làm như vậy cả.

- TK: Thưa ông, ông đã làm sao để có thể tổ chức một ngày lễ lớn như thế?

- NHĐ: Vấn đề là chúng tôi bắt đầu việc tổ chức như thế nào. Hồ chủ tịch khi giao như thế thì chỉ còn có 4 ngày nữa thôi. Bốn ngày mà làm việc lớn như thế, không phải là tổ chức ở Hà Nội đâu, mà tổ chức trong cả nước, thì bốn ngày làm sao đủ để làm được, nhất là lúc bấy giờ chúng tôi không có bộ máy gì cả. Ông cụ giao cho tôi một mình, về rồi tôi tập hợp một số anh em, phương tiện thì chỉ có hai bàn tay trắng, một đồng xu không có, một ki-lô gỗ, ki-lô xi măng cũng không có thì làm thế nào bây giờ trong hoàn cảnh khó khăn quá như vậy. Tôi có nói là còn ít ngày nên khó quá thì cụ lại bảo có khó mới giao cho chú chứ. Qua câu đó tôi biết là khó cũng phải làm, mà làm ngay. Tôi hiểu không thể hoãn, không thể chậm được. Khi giao việc như thế, lúc bấy giờ cũng đã 10 giờ đêm rồi, tôi lập tức trở về bộ Tuyên Truyền. Ở thời điểm đó chưa thành lập chính phủ, chỉ mới phân công bộ nọ bộ kia; lúc bấy giờ tôi tạm thời đảm nhiệm thứ trưởng bộ Tuyên Truyền. Tôi chạy về bộ Tuyên Truyền, gọi dây nói cho các tờ báo, tôi đọc ngay lập tức cho họ một thông cáo tôi viết vội, kêu gọi quốc dân ai có nhiệt tình với nền độc lập đến tham gia việc tổ chức ngày hôm nay. Nhân dân hưởng ứng rất mạnh mẽ. Tôi giao cho anh Trần Kim Xuyến là đổng lý văn phòng bộ, liên lạc với các anh bạn ở trong ba tổ chức là hội Truyền Bá Quốc Ngữ, hội Văn Hóa Cứu Quốc và Hướng Đạo Sinh để thành lập ban tổ chức ngay tối hôm đó. Trước hết là chọn địa điểm. Địa điểm thì chọn ở đâu bây giờ? Đưa ra bãi đá bóng thì không long trọng. Có một khu rộng rãi, bây giờ gọi là quảng trường, ngày xưa tiếng Pháp gọi là rond point, chẳng nhẽ lại bảo là mời đến cái rond point phủ Toàn quyền à? Nghe nó vô duyên và kệch cỡm thế nào đó. Chúng tôi cũng lợi dụng việc chính phủ Trần Trọng Kim đã đặt tên chỗ đó là Vườn Hoa Ba Đình, chúng tôi bảo thế thì được, mời nhân dân đến Vườn Hoa Ba Đình biểu tình. Số người hôm đó trên nửa triệu người.

- TK: Xin ông nói về vai trò của cụ Hồ. Giả sử nếu không có cụ Hồ thì Cách Mạng Tháng Tám có thể thành công được hay không, thưa ông?

- NHĐ: Vai trò của Hồ chủ tịch rất quan trọng. Cụ có thành lập Mặt Trận Việt Minh thì mới có Cách Mạng Tháng Tám. Nếu đảng Cộng Sản đứng ra vận động cuộc Cách Mạng Tháng Tám, tôi tin là không được kết quả như là Mặt trận Việt Minh, đó là một mặt trận gồm nhiều thành phần, nhiều tầng lớp tham gia cho nên phát triển mạnh, được nhân dân ta hưởng ứng hơn chứ còn nếu đảng Cộng Sản đứng ra thì vẫn bị hạn chế đấy. Cho nên Hồ chủ tịch đã sáng suốt, thứ nhất là chủ trương mặt trận dân tộc để thu hút quần chúng, thứ hai là cụ đã nhằm được đúng thời cơ chiến tranh thế giới tạo ra, đưa đến đảo chính Nhật, rồi đưa đến Nhật đầu hàng, đấy là một thời cơ vô cùng quý giá. Nếu không có thời cơ đó, thì Cách Mạng Tháng Tám cũng không làm gì được, dù có thiên binh vạn mã cũng không làm trò gì được. Đảng Cộng Sản lúc bấy giờ có 5000 người chứ ăn thua gì đâu. Quần chúng tự khắc người ta nổi lên thành ra một làn sóng cách mạng đưa đến kết quả như vậy.

- TK: Tại sao từ một khí thế của ngọn sóng toàn quốc kháng chiến những năm 45-46 lại đi đến chỗ đổ vỡ, bắt bớ, và thủ tiêu những đảng phái đối lập những năm sau đó?

- NHĐ: Phải nói như thế này là những cuộc đấu tranh của nước nào cũng vậy, khi nó rộng rãi quá, ban đầu nó đoàn kết, về sau nó phân hóa. Nó có những mâu thuẫn vì trong xã hội các tầng lớp có phải nhất trí quyền lợi với nhau đâu; không nhất trí về quyền lợi, có khi còn không nhất trí về quan điểm với nhau nữa, đến lúc phân hóa thì do mâu thuẫn quan điểm, mâu thuẫn quyền lợi thì phải đấu tranh với nhau. Điều này chúng ta còn lạ gì nữa, về chính trị thì một mất một còn chứ còn có dung hòa gì được nữa, có phải là việc gia đình đâu. Cả hai đảng, chắc bà cũng nghĩ đến, là Quốc Dân Đảng và Cách Mạng Đồng Minh Hội không hề hợp tác với Mặt Trận Việt Minh, lúc khởi nghĩa cướp chính quyền không hợp tác gì cả, nhưng sau khi đã có chính quyền rồi thì hai đảng đó dựa vào quân đội Tàu trở về nước, ý định là tranh quyền, cướp nước cho nên là hai bên đấu nhau. Nhưng rồi cuối cùng quân đội Tàu cũng thấy rằng không thể lật đổ chính quyền Việt Minh được, phải giàn xếp. Chúng tôi cũng rất mềm dẻo và đoàn kết với họ thành lập một chính phủ liên hiệp đấy. Thành lập chính phủ liên hiệp rồi vẫn không hết mâu thuẫn cho nên sau cũng đi đến đổ vỡ thôi.

- TK: Ông vừa nói đến những đảng phái đối lập, nhưng trong nội bộ đảng Cộng Sản cũng có những đổ vỡ. Tại sao từ một khí thế đoàn kết năm 45, 10 năm sau đó dẫn đến cuộc Cải Cách Ruộng Đất và những vụ thanh trừng khác?

- NHĐ: Có thể hiểu việc đó như thế này: Ngay trong cương lĩnh của đảng Cộng Sản Đông Dương cũng ghi rõ là làm cách mạng để tiến tới Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa. Cho nên 10 năm sau, nhất định nước Việt Nam phải tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội và muốn tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội thì phải tiến hành Đấu Tranh Giai Cấp, phải xóa bỏ địa vị, quyền lợi của hai giai cấp bóc lột là giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản. Trước kia đoàn kết Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc, giờ đây phải Đấu Tranh Giai Cấp để tiến tới Chủ Nghĩa Xã Hội. Trong Đấu Tranh Giai Cấp như thế thì quyết liệt lắm, có ảnh hưởng chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao Trạch Đông là quá tả, rất ác liệt, cuối cùng Việt Nam cũng tiến hành Đấu Tranh Giai Cấp như thế. Diện gọi là đoàn kết cũng thu hẹp lại, xã hội tiến lên cần phải như thế, đây là tôi nói về quan điểm của đảng Cộng Sản, cho nên có những Cuộc Cải Cách Ruộng Đất. Sau này những đảng khác được thành lập cũng phải trên cơ sở phục tùng đảng Cộng Sản thì mới tồn tại được. Nếu không phục tùng đảng Cộng Sản thì không thể tồn tại được. Tiến lên Đấu Tranh Giai Cấp, tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội thì phải tăng cường chuyên chính, phải độc quyền lãnh đạo. Ai vi phạm những điều này sẽ bị xử trí rất nghiêm khắc.

- TK: Trách nhiệm của cụ Hồ trong các việc ấy, cụ Hồ có biết hay là người dưới lạm quyền?

- NHĐ: Cái việc mà người ta cứ nói là việc nọ việc kia là người dưới làm chứ cụ Hồ không biết, cụ Hồ không thực tiễn làm, đó là một cách nói không đúng sự thật. Người ta thấy việc gì mà có dư luận kêu ca, thắc mắc thì không muốn để cái kêu ca thắc mắc đó hướng vào vị lãnh tụ mà người ta suy tôn tuyệt đối. Có thể nói là người ta thần thánh hóa cụ Hồ. Vì cái lý do nó là như thế. Thực chất thì cụ Hồ không phải là người bị vô hiệu hóa trong bộ máy lãnh đạo của đảng và của dân tộc. Cụ Hồ lúc nào cũng là người có đầy đủ quyền hành, lúc nào cụ cũng sáng suốt, linh lợi, lúc nào cụ cũng có uy tín với dân và cũng có quyền đối với các đồng chí trong đảng, đối với những người lãnh đạo khác. Chắc bà cũng biết rằng những vị lãnh đạo khác của đảng, đối với cụ Hồ là học trò chứ không phải như ở các đảng Cộng Sản khác đâu. Cho nên uy tín của cụ Hồ, quyền hành của cụ Hồ bao giờ cũng rất vững, cụ Hồ biết hết cả, và việc đó cụ Hồ cũng đồng tình làm. Có thể nói tóm một câu là cho đến mấy năm sau cùng, vì cụ yếu cụ ít chăm nom công việc, cụ khoán cho Bộ Chính Trị, cụ ít can thiệp trực tiếp, chứ còn trước đó thì bất cứ việc gì cũng là trong phạm vi chỉ đạo của cụ cả. Hay cũng ở cụ, dở cũng ở cụ. Cụ phải gánh trách nhiệm đó, điều đó rõ ràng. Có khi nào một lãnh tụ tối cao đối với dân tộc, lãnh tụ tối cao của Đảng mà lại không có trách nhiệm về việc nọ, việc kia. Điều đó không đúng. Chế độ gọi là báo cáo thỉnh thị rất chặt chẽ trong nội bộ đảng Cộng Sản và trong bộ máy chuyên chính của nhà nước cũng thế, nghiêm ngặt lắm.

● Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm

- TK: Thưa ông Nguyễn Hữu Ðang, trước hết xin ông cho biết thực chất của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm là gì?

- NHĐ: Tôi nhớ có một lần Lê Ðạt nói chuyện với bà đấy, nói rằng đó là một cố gắng đối thoại đầu tiên giữa những đảng viên, cán bộ, trí thức, để tìm một giải phóng tốt đẹp hơn cho xã hội. Kết cục cuộc đối thoại đó không có kết quả. Thực chất phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, nếu đứng về mặt chính trị, thì đó là một cuộc đấu tranh của một số người trí thức, văn nghệ sĩ và một số đảng viên về chính trị nữa, là chống -không phải chống Đảng Cộng Sản đâu, mà đấy là chống- cái chủ nghĩa Staline và chống chủ nghĩa Mao Trạch Ðông. Sự thâm nhập của chủ nghĩa Staline và chủ nghĩa Mao Trạch Đông đưa đến nhiều hiện tượng -nói là chuyên chính thì chưa đủ- phải nói là cực quyền toàn trị, nó gay gắt ghê lắm. Nó gay gắt ghê lắm! Ðảng Cộng Sản đã phạm sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất, rồi thì Chỉnh Huấn, Chấn Chỉnh Tổ Chức, Ðăng Ký Hộ Khẩu v.v... Tất cả những cái đó đều do những cái quá tả, từ phương Bắc nó xâm nhập vào, chứ không phải chờ đến bây giờ nó mới đem cái tả khuynh hữu trí vào nước Việt Nam. Cái thời mà cụ Hồ chưa về nước và ông Trần Phú làm tổng bí thư, thì làm cái cuộc gọi là Xô Viết Nghệ Tĩnh, đưa ra cái khẩu hiện rất quái gở tức là "Trí, phú, địa, hào đánh tận gốc, trốc tận rễ". Nó quá tả như thế thì còn làm sao giành được độc lập! Như thế là chia rẽ dân tộc. Lúc bấy giờ chúng tôi cũng cảnh giác, chúng tôi theo đảng Cộng Sản nhưng chống chủ nghĩa Staline và chống chủ nghĩa Mao Trạch Ðông. Nhưng rất tiếc là lúc bấy giờ, thế lực của Liên Xô rất mạnh, áp lực của Trung Quốc cũng rất mạnh cho nên cuộc đối thoại ấy không có kết quả.

- TK: Thưa ông, từ thời Mặt Trận Bình Dân, ông đã từng là cán bộ hùng biện tuyên truyền cho Ðảng. Rồi đến năm 45, ông làm bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền cho cụ Hồ. Vậy đến lúc nào thì ông bắt đầu nghi ngờ Ðảng?

- NHÐ: Tôi bắt đầu -cái tin tưởng của tôi có yếu đi- là bởi vì ban Tuyên Huấn Ðảng có đưa ra một thông tri, một chỉ thị khẳng định là những đảng viên thuộc giai cấp tiểu tư sản không đáng tin cậy lắm, phải cảnh giác. Thì tôi rất buồn. Theo đó mấy tháng, thì có một cuộc Chỉnh Huấn. Trước khi vào chỉnh huấn, tôi biết rằng, tôi sẽ bộc lộ thành phần của tôi, tức là tiểu tư sản trí thức. Tôi sẽ phải nhận không biết bao nhiêu là khuyết điểm, do cái thành phần tiểu tư sản bấp bênh dao động nọ kia... Tôi có ý cũng như là giận dỗi, chán nản đó. Tôi có hỏi một người bạn cũng như là một người anh, là ông Nguyễn Khánh Toàn, tôi bảo: "Tôi muốn xin ra Ðảng thì có nên không?" Thì ông ấy khuyến khích tôi, ông ấy bảo không nên, cứ cố gắng đấu tranh bản thân, rồi khắc phục, rồi nhờ giúp đỡ của tập thể nọ kia... Ðấy! Thì cuối cùng tôi cũng không ra Ðảng. Nhưng mà từ đấy trở đi, tinh thần hăng hái của tôi cũng kém đi nhiều. Ðến khi có Cải Cách Ruộng Đất thì tôi không đồng ý tí nào, nhưng mà kỷ luật lúc bấy giờ nghiêm ngặt lắm. Bất cứ ai có lời nói, việc làm, cử chỉ, hay một thái độ tỏ rằng không đồng tình -chẳng nói là không đồng tình về việc lớn là Cải Cách Ruộng Đất đâu- mà chỉ không đồng tình về một vài chi tiết nhỏ, cũng không được. Ðồng thời với việc phát hiện Cải Cách Ruộng Đất, thì ở Liên Xô lại họp Ðại Hội Đảng Cộng Sản XX, lúc bấy giờ nó lại phát hiện ra rằng: Ðảng Cộng Sản cũng có thể phạm sai lầm! Lúc bấy giờ trong người tôi bùng lên một tư tưởng: Vì chân lý mà đấu tranh. Kỷ luật của Ðảng không thể trói buộc mình được, nếu mình thấy phải, mình cứ làm, cứ nói. Lúc bấy giờ không sợ tổ chức nhiều quá nữa. Bấy giờ mới tự tin ở mình, phải thẳng thắn đấu tranh. Ở thời đó, thì tư tưởng gọi là đấu tranh, phê bình của anh em văn nghệ cũng lên cao lắm. Thành thử tư tưởng đấu tranh của tôi gặp tư tưởng đấu tranh của anh em, cho nên cuối cùng tập hợp nhau thành phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.

- TK: Thưa ông, điểm gặp gỡ mấu chốt giữa ông và các anh em văn nghệ sĩ là gì ạ?

- NHÐ: Anh em có một điểm gặp nhau là dù thế nào đi nữa cũng không thể chấp nhận được cái chế độ cực quyền, chế độ toàn trị, là cái biến dạng của chuyên chính vô sản. Nhưng mà thể hiện đấu tranh để chống lại chủ nghĩa Mao hay chủ nghĩa Staline sẽ cụ thể ra bằng cái gì? Thì cuối cùng cũng chỉ có vấn đề là: Tự do sáng tác, tức là không chấp nhận chủ nghĩa xã hội của Staline Zhdanov đẻ ra mà trái lại cũng vẫn muốn thể hiện cái hiện thực phê bình như là ở thế kỷ XIX ở phương Tây như là những Balzac, Flaubert, rồi Maupassant, rồi Hugo, Stendhal... lúc bấy giờ anh em tha thiết lắm.

- TK: Thưa ông, rút cục vụ án Nhân Văn Giai Phẩm đã kết thúc ra sao? Ông và các bạn đã trải qua những giai đoạn như thế nào?

- NHÐ: Thì tất nhiên tôi là người -tiếng bấy giờ gọi là- "đầu sỏ trong cái bọn Nhân Văn Giai Phẩm" thì tôi bị bắt giữ và đưa ra tòa. Ra tòa thì họ buộc cho cái tội là "phá hoại về chính trị". Lúc đầu thì đề ra phạm kỷ luật tuyên truyền, nhưng phạm kỷ luật tuyên truyền thì nhẹ lắm, mà thêm một cái là "phá hoại về chính trị" thì tội đó rất nặng. Ở trước tòa án thì tôi nhận mấy điểm như thế này:

1/ Tôi có phạm kỷ luật của Ðảng và của nhà nước về phương diện gọi là tuyên truyền.

2/ Trong việc làm của tôi, cũng có những vụng về sai sót. Anh em cũng như tôi thôi, thế nhưng tôi gánh trách nhiệm nặng hơn.

3/ Ðộng cơ thì nhất định là tốt: Chúng tôi chỉ vì dân, vì nước mà tin rằng việc mình làm có ích nước lợi dân cho nên làm thôi.

Cho nên ra tòa tôi nhận hết, chứ tôi không có bào chữa, không cãi cọ gì nhiều cả. Thậm chí là sau khi bị kết án 15 năm thì tôi cũng không ký chống án gì cả. Từ bấy giờ đến nay tôi cũng không viết một cái đơn nào để thanh minh, phân trần, xin xỏ, khoan hồng hay là nọ kia. Không! Cái việc đó không!

Ở đây tôi phải nói ngay với bà về việc bà hay quan tâm đến bà Thụy An. Người ngoài người ta cũng nói đến bà Thụy An rất nhiều, nhưng mà thật ra thì thế này: Bà Thụy An không tham gia gì vào nhóm Nhân Văn Giai Phẩm cả! Bà ấy không viết một bài, một câu, một chữ nào cho Nhân Văn. Bà ấy cũng không hề mách nước, bàn bạc gì với người khác hay với tôi bao giờ. Không! Không hề có! Tuy rằng có quan hệ, thỉnh thoảng gặp nhau, cũng nói chuyện. Nhưng tại sao lại cứ quy cho bà ấy là Nhân Văn và bà ấy cũng cứ nhận như thế, thì cái đó tôi có thể hiểu như thế này: Bà Thụy An bị cơ quan an ninh nghi bà ấy làm gián điệp cho Pháp, vì thời tạm chiếm, bà ấy có quan hệ với nhiều người Pháp. Ðến lúc đi, người ta sắp cử bà ấy làm giám đốc đài phát thanh cơ mà! Như thế là bà ấy cũng có địa vị, có uy tín, thì đáng nhẽ là bà ấy phải theo chính quyền ngụy vào trong Nam chứ, bà ấy lại không theo vào, bà ấy ở lại vì lý do chuyện cá nhân của bà. Vì bà ấy ở lại như thế thì người ta lại càng nghi: Ờ, thế là bà này là địch cài lại đây! Nguy hiểm lắm đây! Rồi người ta theo dõi. Bà ấy không tham gia vào Nhân Văn nhưng làm một, vài việc không hợp ý lãnh đạo lắm. Thí dụ như bà ấy thuê những phim như Hamlet chẳng hạn. Người ta nhìn vào đó người ta cho rằng: Ðấy! Cũng là một cách để đánh lạc hướng, cạnh tranh với những phim Tàu, Liên Xô không được hay, đưa cái phim Hamlet ra để át những phim kia! Thế rồi đến vở kịch, bà ấy cùng với anh Phan Tại, ở cùng nhà và có thân thiết đấy, tổ chức vở kịch Thầy Tú tức là Topaze của Marcel Pagnol, thế thì người ta cũng lại cho rằng tại sao trong nước cũng viết vở nọ, vở kia, thiếu gì, không diễn, mà lại đem vở kịch ấy ra. Khi đã nghi thì trông gà hóa cuốc, cái nọ thành ra cái kia. Thế là người ta quy bà cùng với anh Phan Tại vào tội gọi là "phá hoại chính trị" và đem ra xử, xử cùng một phiên tòa. Nhưng mà họ không hỏi tôi về bà Thụy An bao giờ cả. Lúc hỏi cung cũng thế và lúc ra tòa cũng thế, không hỏi về bà Thụy An. Và họ cũng không hỏi gì bà Thụy An về chuyện Nhân Văn cả mà cứ hỏi về chuyện riêng của bà ấy thôi. Nhưng người ta gây ra một sự hiểu nhầm, tức là tưởng như bà Thụy An cùng một vụ với tôi. Trong thời sự cũng như trong các tài liệu sách báo ghi lại này khác, thì bà Thụy An cứ là người trong Nhân Văn.

Có lần giam ở Hà Nội xong rồi người ta đưa chúng tôi lên trại giam Yên Bái. Chuyến đi ô-tô đó cùng đi có Thụy An, và cả tôi. Ðến lúc lên Yên Bái, ở trại giam người ta hỏi để ghi sơ bộ lý lịch. Người ta hỏi tôi thì tôi nhận tôi làm báo Nhân Văn Giai Phẩm, rồi phạm kỷ luật tuyên truyền nọ kia. Còn bà Thụy An, khi hỏi đến tội bà ấy, bà ấy trả lời một câu gọn lỏn, tôi ngạc nhiên hết sức, bà ấy khai: "Ðịch trong Nhân Văn!" Úi giời! Tôi giật nẩy mình. Tôi bảo: "Quái, cái bà này sao lại khai lạ lùng như thế này?"

Ðến năm 1973, trước khi được trả lại tự do, tôi có gặp lại bà ấy ở bệnh xá của một trại giam, Người ta chăm sức khỏe để cho về đấy. Tôi mới hỏi chị là: "Chị, tại sao chị lại nhận là "Ðịch trong Nhân Văn" là thế nào? Chị có ở trong Nhân Văn bao giờ đâu?" Thì bà ấy bảo: "Tôi bị công an nó hỏi cung, nó đe dọa, nó truy bức nặng quá, tôi đành phải nhận như thế cho qua chuyện. Tôi nhận liều. Tôi xin lỗi anh." Thế thôi. Chuyện nó buồn cười như vậy đó.

- TK: Thưa ông, ông được về trong trường hợp nào?

- NHÐ: Không phải là hết án mà về đâu chị ạ. Cũng không phải là nhà nước khoan hồng. Tôi về là ở trong cái diện gọi là "Ðại xá chính trị phạm trong hiệp định Paris." Bên miền Nam người ta cũng đại xá chính trị phạm. Miền Bắc cũng đại xá chính trị phạm. Trại tôi ở là thuần túy chính trị. Họ giải tán trại đó, tất cả những người giam ở đó đều được đưa về. Nhưng mà về rồi, cũng còn phải chịu cái tự do hạn chế, bị phân biệt đối xử thế nào đó, nhưng về danh nghĩa thì được đại xá đấy!

- TK: Thưa ông, ông có thể cho biết là hiện giờ ông sống như thế nào?

- NHÐ: Sau việc đàn áp rồi thì đến năm 73 tôi được về quê, quản chế mà. Cưỡng bức cư trú. Thì tôi cứ ở quê thôi. Ði đâu cũng phải qua công an cho giấy mới đi được. Còn anh em có phần dễ dàng hơn. Các anh ấy cũng bị đưa đi cải tạo, lao động, thực tế lao động này khác, chứ còn giam giữ thì chỉ có tôi với Phùng Cung thôi. Tôi bị 15 năm, anh Phùng Cung 12 năm. Một số anh em sau đó đã được phục hồi như chị đã biết đó: Trần Dần, Lê Ðạt, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, v.v..., Phùng Quán nữa. Bây giờ thì đời sống các anh ấy cũng đã tạm ổn định. Ðời sống của tôi thì trước gay go lắm, nhưng mà từ 1990, tôi đã được hưởng một cái lương hưu hạn chế, thực chất nó là một thứ trợ cấp thôi. Cách đây vài tháng thì tôi đã được cấp một gian nhà ở, vì tôi thuở bé đến giờ chưa bao giờ có nhà cả, bây giờ người ta cấp nhà, tuy rằng nhà cho thuê thôi, như thế cũng là phấn khởi lắm.

- TK: Trước khi từ giã, xin hỏi ông một câu hỏi chót là nếu so sánh với thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm thì việc tự do sang tác ở thời này, khác với thời kỳ ấy như thế nào?

- NHÐ: Chị hỏi về việc sáng tác, thì riêng phần tôi, bây giờ tôi cũng có thể viết sách báo được. Người ta vẫn kiểm duyệt rất chặt chẽ, nhưng nếu mình viết khéo, mình viết cho đúng với đường lối chính sách, thì người ta cũng có thể in cho đấy. Có khả năng người ta in cho. Tôi chưa được in quyển nào bao giờ cả, nhưng mà viết báo thì tôi cũng viết năm, mười bài, người ta cũng để cho đăng thôi, miễn là đừng có động chạm gì lắm. Còn nói về cái sáng tác chung của mọi người, chuyện tự do sáng tác bây giờ như thế nào, thì tôi nói thật với chị là cái nguyên tắc chuyên chính vô sản, nguyên tắc của một nhà nước xã hội chủ nghĩa là quản lý rất chặt những sản phẩm tinh thần, sảm phẩm văn hóa. Cho nên ở Hà Nội này và cả trong nước, văn nghệ sĩ mà viết lách như thế là có hai cơ quan giám sát để người ta sàng lọc, người ta kiểm duyệt. Tức là:

1/ Ban Tư Tưởng Văn Hóa. Nó thay Ban Tuyên Huấn ngày xưa đấy. Ban Tư Tưởng Văn Hóa của Ðảng.

2/ Có những cơ quan an ninh thuộc Bộ Nội Vụ đấy. Những cơ quan đó cũng theo dõi và khi cần, người ta cũng can thiệp vào nội dung của thơ văn. Hiện bây giờ nó như thế. Tóm lại là nó cũng không thay đổi gì lắm đâu! Cũng như thời trước thôi. Thực tế thì vẫn là phải lãnh đạo chặt chẽ ngành văn học nghệ thuật. Phải lãnh đạo chặt chẽ và anh em muốn làm được cái gì thì cũng phải phục tùng sự lãnh đạo đó, sự kiểm soát đó, sự sàng lọc đó. Nếu có những tác phẩm nào có giá trị, muốn được in ra, thì cái đó cũng phải trông nhờ sự sáng suốt của những cơ quan kiểm soát, những cơ quan lãnh đạo ấy, chứ không phải là tự cái hay, cái tốt của nó mà nó có thể ra đời, nó có thể đi đến quần chúng được. Tôi cho cái đó là rất tự nhiên thôi. Chừng nào mà Ðảng còn giữ độc quyền lãnh đạo, chừng nào còn có chuyên chính vô sản, thì việc đó phải là như thế thôi, không thể nào khác được. Tự do sáng tác phải lệ thuộc rất nhiều vào dân chủ hóa. Bao giờ có dân chủ hóa nhiều thì bấy giờ mới có tự do sáng tác nhiều. Hai cái đó nó gắn liền với nhau.

TK: Xin cám ơn ông Nguyễn Hữu Ðang.

10/9/1995

Thụy Khuê

Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tiếng rao - Truyện ngắn của Văn Xương Nhà hắn xế bên kia con đường, cách Trường trung học chuyên Phan Chu Trinh chừng hơn chục mét. Ở tầ...