Thứ Ba, 15 tháng 10, 2024

Tô Ngọc Thạch với "Hải Phòng - Những trầm tích thời gian"

Tô Ngọc Thạch với "Hải Phòng
Những trầm tích thời gian"

Vào những ngày đầu xuân Giáp Thìn – 2024, nhà văn Tô Ngọc Thạch đã trình làng một công trình nghiên cứu khá đồ sộ với gần 1000 trang in, sách khổ lớn. Đấy là, tập khảo cứu mang tên “Hải Phòng – Những trầm tích thời gian.”
Trước đó, “Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cội nguồn và khai sáng” – tập nghiên cứu cũng đã được tác giả cho xuất bản, mang nhiều giá trị phát hiện, cung cấp cho bạn đọc những tư liệu tươi mới, hấp dẫn và độc đáo về một danh nhân vĩ đại của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XVI.
Là nhà văn sinh ra và lớn lên trên quê hương Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đất Vĩnh Bảo, Hải Phòng, Tô Ngọc Thạch từng đi lính, chiến đấu tại đất lửa Quảng trị thời chiến tranh chống Mỹ, ác liệt. Từng có hơn mười năm sống, học tập và làm việc trên đất nước Nga – Xô Viết. Từng nhiều năm quản lý một đơn vị doanh nghiệp và có nhiều chuyến đi khắp các châu lục cùng các Đoàn công tác của Chính phủ để giao lưu, học tập và hợp tác, phát triển kinh tế.
Với nửa thế kỷ cầm bút, Tô Ngọc Thạch cũng đã cho ra mắt gần hai chục đầu sách, bao gồm thơ (có 2 tập thơ dịch), bút ký, với các tập nghiên cứu về lịch sử và văn hóa dân gian…
Ở ngưỡng ngoại “thất thập,” dù tuổi đã cao, nhưng Tô Ngọc Thạch luôn lao động miệt mài, không ngơi nghỉ. Niềm say mê sáng tác và nghiên cứu trong ông luôn tạo nên nguồn cảm hứng, đem lại cho chính ông một sinh lực hiếm có. Mấy chục năm liền, Tô Ngọc Thạch thường duy trì các chuyến “độc mã đăng trình,” điền dã tới các miền đất xa lạ. Ông luôn gắn bó và đem theo người bạn là Nhà nghiên cứu Hán Nôm khá uyên thâm để cùng nhau “khai quật” tư liệu. Khai sáng, và kiểm chứng, nhân chứng, vật chứng. Ông tự bỏ ra hàng trăm triệu cho việc nhiều lần đến các thư viện Quốc gia tìm đọc, tra cứu và mua lại các tư liệu cần thiết.
Điều khâm phục hơn, đó là, Trời phú cho Tô Ngọc Thạch một trí nhớ đáng nể. Ông luôn thuộc và nhớ từng giờ, từng ngày tháng, niên đại các tình tiết, sự kiện lịch sử. Để rồi, đi đâu, ngồi đâu? Gặp ai? Từ “cái Cớ” nào đó, ông có thể ngồi thuyết trình hàng giờ với bạn bầu, không mệt, từ trực giác, từ cái gặp, cái thấy. Từ cái đọc, cái nhớ, cái biết … luôn chứa trong kho tàng đầy ắp trong ông. Rồi nữa, sách in ra, dầy cộp, nặng, nhưng ông luôn sẵn lòng bỏ không ít kinh phí để gửi tặng qua Bưu điện tới tận tay những nhà văn, những bạn đọc yêu quý.
Là người cầm bút, có hai mảng đóng góp, làm nên nét đậm trong sáng tác và nghiên cứu của Tô Ngọc Thạch.
Trước hết, với thơ, đấy là những trang viết từ những cảm rung của vía hồn nơi con tim thi sĩ. Là cái duyên từ nghệ thuật ứng xử ngôn từ. Là sự phóng túng ở giọng điệu mới mẻ, trong sức chảy, sức vận động linh diệu, giàu sức gợi …
Còn, với văn xuôi, Tô Ngọc Thạch không phải là người “đem hồn mình ra thay thế cho một thế giới, mà chính cái thế giới rộng lớn ngoài kia đã làm nên đại mộng, đại giác. Luôn ùa vào. Luôn tràn đầy cõi hồn ông…”  Để rồi, lượng thông tin đã làm nên năng lượng chuyển vận mạnh mẽ cho cảm xúc, cho mạch tự sự trên mỗi trang viết có được sự giàu có chất Văn. Rồi, hiệu quả, hiệu ứng qua từng trang mô tả, phẩm bình, đã đem lại giá trị phản ánh, giá trị phát hiện, kiến giải của nhà văn, người đóng vai trò chủ thể.
Bên cạnh những sáng tác, năm công trình nghiên cứu khoa học của Tô Ngọc Thạch, đáng kể là sau tập “Trạng Trình – Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cội nguồn và khai sáng,” “Hải Phòng – Những trầm tích thời gian” … Với quy mô lớn hơn, rộng và sâu hơn ở các vấn đề được khơi dậy từ một vùng đất với quá trình khá công phu trong tiếp cận, khám phá, biểu hiện kiến văn riêng rẽ và độc đáo của một người cầm bút.
Qua năm tập nghiên cứu, với gần hai nghìn trang in. Đây là “cái Có” của một quá trình dài từ khi bước vào đời, đem lòng yêu văn chương, nghệ thuật. Dù đang là người lính chiến đấu, hay khi là nghiên cứu sinh ở nước ngoài … Tô Ngọc Thạch luôn nuôi niềm say mê, luôn ý thức tìm hiểu, ghi chép các sự kiện của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong hai tập Bút ký mang tên “Trôi dạt cõi người,” xuất bản từ hàng chục năm trước, ông đã viết khá kỹ về Địa lý, Lịch sử, các phong tục, truyền thống Văn hoá trải dài khắp năm châu lục.
Với “Hải Phòng – Những trầm tích thời gian,” (NXB Hội Nhà văn, 2023) bằng những tư liệu, dẫn chứng khá thuyết phục, Tô Ngọc Thạch xác lập: “Hải Phòng là miền đất có vị trí vô cùng quan trọng và chiến lược trong quá trình lịch sử xây dựng, cũng như bảo vệ non sông đất nước từ hàng thiên niên kỷ. Đây là vùng đất đồng bằng xen kẽ với núi đồi, gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng đất ven biển xuất hiện nhiều “lớp trầm tích”, được chồng lấn, hòa nhập với nhau …
Đặc biệt, về việc giáo dục đào tạo được trải dài gần 1.000 năm ở thiên niên kỷ trước, triều đình phong kiến Việt Nam đã tổ chức qua 185 lần thi Đại khoa và chọn ra được gần 3.000 Tiến sỹ Nho học, trong đó Hải Phòng có 94 vị, xếp thứ 11. Trong số gần 3.000 nhà khoa bảng trên, có 56 vị đỗ Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ đệ nhất danh (tức Trạng nguyên), thì Hải Phòng có tới 3 vị, xếp thứ 5 các tỉnh, thành trong toàn quốc…”
Theo các tư liệu, sử sách đã xuất bản tại Trung ương cũng như ở Hải Phòng, Tô Ngọc Thạch đã loại ra một số nhà khoa bảng không phải là người quê Hải Phòng và bổ sung thêm cho thành phố này khá nhiều nhà khoa bảng khác. Đây cũng là lớp trầm tích văn hóa không thể thiếu trong “Những trầm tích thời gian”.
Có thể nói, hàng mấy thế kỷ qua, nhiều nhà nghiên cứu có danh tiếng trong và ngoài nước đã viết về Hải Phòng với nhiều chủ đề và góc nhìn khác nhau. Bên dòng chảy lớn được soi rạng ở nhiều phát hiện, từ lịch sử hành chính của từng miền đất, đến các nhà khoa bảng của từng địa phương, hay các Thần sắc thời phong kiến, hay những di tích văn hóa thời cổ, hay những nhân vật, con người điển hình của nhiều mảnh đất, đến các nét đẹp văn hóa ở từng địa phương… Đặc biệt có nhiều trầm tích khá lung linh, hấp dẫn ở tầng chìm, ở góc khuất bị chôn vùi trong các lớp trầm tích, mà hậu thế ít người biết tới trong thời kỳ phong kiến Việt Nam… Thì “Những trầm tích thời gian” của Tô Ngọc Thạch đã bổ sung vào “pho tư liệu quý” một hướng tìm. Đấy là “cái mỏ” phong lưu, giàu có dược đánh thức. Là khoảng sáng mà Nhà Nghiên cứu Lịch sử Văn hóa Tô Ngọc Thạch đã chuyên sâu và dày công khơi mở.
Ở “Hải Phòng – Những trầm tích thời gian”, người đọc còn được chứng kiến, trong rất nhiều tư liệu lần đầu tiên được công bố, Tô Ngọc Thạch đã làm sáng dậy rất nhiều điều huyền bí, sinh động và lý thú, mà bạn đọc hiểu được.  Từ : “Cái tên Hải Phòng có từ bao giờ; Thần sắc thời phong kiến Việt Nam; Sự nhầm lẫn thần tích của các Thành hoàng; Danh sách đền miếu được xếp hạng thời Đồng Khánh; Gian nan đi tìm Thần sắc cho Nữ Thánh Chân; Ấp An Biên nào ở Hải Phòng có trước; Sông Bạch Đằng; Các bãi cọc gỗ ven sông Bạch Đằng; Văn bia Tiến sỹ ở Văn Miếu còn có sự nhầm lẫn; Thái sư Trung Tiết vương Tô Hiến Thành; Di tích lịch sử thời Trần bên tả ngạn sông Hóa; Khu di tích đặc biệt Trần Hoàng Tôn tại Tràng Kênh – Thủy Nguyên; Tháp cổ Đồ Sơn; Nguồn gốc mảnh đất Kiến An; Gian truân đi tìm đền thờ Đô Úy Đại Vương; Nguồn gốc tên các sông chính tại Hải Phòng; Nguồn gốc khu công nghiệp Đình Vũ; Làng Mõ có từ bao giờ; Hoàng Thái hậu Dương Thị Bí; Ngôi làng “Độc nhất vô nhị”; Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với sông Kim? Sông Hàn” … Hay, “Một gia đình giàu truyền thống khoa bảng nhất Hải Phòng; Tứ Dương hầu Phạm Tử nghi; Chưa tìm thấy Sắc phong thần nào cho Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi; Truân chuyên cuộc đời Hữu Thị lang Phạm Tri Chỉ; Những nghệ nhân tài hoa bậc nhất Việt Nam; Từ tử tù thành Kỳ Tài hầu; Đức Thánh thuốc Nam, Hội Am Vĩnh Lại; Sông Chanh Dương và Tướng công Đào Trọng Kỳ; Rối nước Nhân Hòa; Nhà thờ Chính Tòa Hải Phòng …?;Huyện lỵ Vĩnh Bảo và phố Đông Thái; “Thỏi vàng không bằng nang chữ”; Làng Hu Trì với tập tục kỳ bí; Tên Nôm các làng xã và sự tích các làng Tạ và Am; Một số địa phương với cách đặt tên kỳ lạ; Một số “hạt sạn” trong các tên di tích lịch sử văn hóa”; Liệt nữ và hiếu tử; Tên đường phố, sông ngòi xưa và nay tại nội đô Hải Phòng.v.v”.
Với rất nhiều những vấn đề được khơi mở trên đây, thực sự “Hải Phòng – Những trầm tích thời gian” là nguồn tài liệu quý để bổ sung cho những tư liệu còn thiếu, hoặc chưa có sức thuyết phục, mà các ấn phẩm đã xuất bản từ xưa tới nay còn bỏ ngỏ. Đặc biệt, có một tư liệu quý hiếm là tập bản đồ gốc thời Nguyễn của toàn bộ các huyện, phủ, tỉnh của hai tỉnh Hải Dương, Quảng Yên trước thời Đồng Khánh (1866) ghi bằng chữ Hán, được Tô Ngọc Thạch dịch ra quốc ngữ. Ngoài ra còn có tập bản đồ hành chính của Cảng Hải Phòng và tỉnh, thành phố Hải Phòng do người Pháp in từ năm 1874 đến năm 1940 cũng được tác giả chuyển sang tiếng Việt.
Bằng nghệ thuật khai sáng trên những trang viết, Tô Ngọc Thạch bám chặt “phương pháp mở”. “Mở” trong sự đồng hiện cái đa tầng, đa chiều, đa tuyến ở sự kiện, lịch sử được ông tiếp cận, phản ánh. “Mở,” khi Nhà nghiên cứu phản biện. Khi so sánh. Khi phủ nhận. Khi khẳng định. Khi thống nhất hoặc nghi vấn, bỏ lửng … cho những vấn đề cần đặt ra, cần có ở công trình nối tiếp… Trước những tư liệu, sự kiện của các nhà nghiên cứu trước đó… Với tất cả đều có từ minh chứng đầy sức thuyết phục của quá trình mà ông tìm hiểu, giãi mã.
Đây là cái riêng. Cái đem đến cho người đọc có được sự thỏa mãn nào đó, ở sự hấp dẫn, lý thú khi tiếp cận trên từng trang nghiên cứu.
Tập sách “Hải Phòng – Những trầm tích thời gian” của Tô Ngọc Thạch
Ở phần cuối tập sách, Tô Ngọc Thạch đã giành một phần văn xuôi viết khá sinh động cho độc giả hiểu thêm về “Những người Hải Phòng đầu tiên trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta” và 8 bài tản văn hấp dẫn viết về một số nét văn hóa độc đáo của miền đất ven biển nơi đây.
Có thể thấy, sự phát hiện, “lật tìm” những trầm tích lịch sử văn hóa trong tập sách này, làm phong phú thêm góc nhìn của những người quan tâm tới lịch sử văn hóa, địa chính trị với vùng đất Hải Phòng thời phong kiến, một miền quê ven biển đầy gian nan, nắng gió, nhưng cũng rất đỗi tự hào…
Đây là cả một công trình không chút dễ dàng. Bởi, khó khăn lớn nhất trong quá trình nghiên cứu, tiếp cận và biên soạn khi các tư liệu cổ hiện còn rất ít. Do ý thức giữ gìn những di sản văn hóa như Thần sắc, bia đá, ngọc phả, thần tích… của nhiều địa phương đã mờ xa và hầu như bị thất lạc. Rồi, suốt chặng đường dài lịch sử thời phong kiến, cũng như thời cách mạng (từ 1945 tới nay) Việt Nam gặp nhiều biến cố như chiến tranh, lũ lụt, bão gió, hay cách mạng văn hóa… mà những văn bia, sử sách, di sản văn hóa bị phá hủy, thất lạc, cộng thêm thời gian đã lùi quá xa, nên việc tìm “các trầm tích” càng gặp một khoảng trống không nhỏ.
Với gần 1.000 trang viết và các tư liệu khác thời phong kiến Việt Nam. Với lịch sử hành chính của vùng đất này trải dài và bao trùm hàng thiên niên kỷ, liên quan tới nhiều vùng đất khác trong khắp cả nước, thậm chí cả ở nước ngoài, được phản ánh trong tập “Những trầm tích thời gian. Có thể, đây mới chỉ là những tia nắng thức dậy, làm sáng thêm những khoảng trời ở góc nhìn, ở sự nhận biết, sự cắt nghĩa, lý giải nào đó cho Nhân vật – Sự kiện ở quá trình người đọc cần nghiên cứu, hiểu biết và thừa nhận.
Điều đáng nói nữa ở “Những trầm tích thời gian” là Tô Ngọc Thạch đã hệ thống lại toàn bộ lịch sử hành chính, vùng đất, con người các quận huyện, cũng như danh sách các nhà khoa bảng của thành phố Hải Phòng với sự hiểu biết về nhiều vùng đất tại Việt Nam, cũng như tỉnh Quảng Tây và một số tỉnh thành khác của Trung Quốc, hay các quốc gia khác như Canada, Mỹ, Đức, Liên bang Nga… có liên quan dính líu.
Như vậy, mấy chục năm qua, cùng với mảng sáng tác văn học qua nhiều ấn phẩm đã lần lượt trình làng, “Những trầm tích thời gian” lần nữa, khẳng định sự đóng góp quý báu của Nhà văn, Nhà Nghiên cứu Lịch sử Văn hóa Tô Ngọc Thạch trong niềm quý yêu, trong uy tín ở sự thành công, sự đắp dầy, nối dài và khai sáng công cuộc nghiên cứu, lao động và sáng tạo nghệ thuật của đời người cầm bút.
Tin chắc “Hải Phòng – Những trầm tích thời gian” của Tô Ngọc Thạch sẽ góp vào “Pho tư liệu” quý hiếm cho những Nhà nghiên cứu, những độc giả hôm nay và mai sau khi đem lòng quý yêu và tìm đến mảnh đất Hải Phòng.
5/6/2024
Kim Chuông
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1 Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lạ...