Thứ Ba, 15 tháng 10, 2024

Nẻo về quê cũ

Nẻo về quê cũ

Châu Ninh sinh năm 1988, hiện sống và làm việc tại thành phố Hải Phòng. Với văn chương, Châu Ninh là gương mặt mới nhưng đã thể hiện niềm đam mê mãnh liệt với con chữ.
Đọc các truyện ngắn, tản văn của Châu Ninh trên các báo gần đây, thấy rõ nhiệt huyết, tình cảm em dành cho hình tượng chiến sĩ công an. Đó cũng chính là nghề nghiệp mà em đang gắn bó. Sự tương hỗ giữa viết và công việc chính càng làm Châu Ninh say mê sáng tác hơn. Điều đó như thể đã hứa hẹn, sẽ xuất hiện nhiều tác phẩm mới của Châu Ninh, với những tình tiết thể hiện sự trải nghiệm và nhạy cảm của người trong nghề như truyện ngắn “Nẻo về quê cũ” này.
NHÀ VĂN TRẦN NGỌC MỸ giới thiệu
Chiếc xe bán tải long lên sòng sọc khi đi qua đoạn đường đê đầy những ổ gà, ổ voi. Hơn ba tiếng đồng hồ chạy xe từ Hải Phòng về Nam Định, làng Minh Châu chỉ còn cách một con đê. Xa xa, ngôi làng nhỏ hiện lên giữa ba bề, tứ phía là con sông Đào mênh mông sóng nước. Vài nếp nhà tranh liêu xiêu, co cụm vào nhau như những thân phận côi cút lần tìm hơi ấm trong những ngày mưa giông bão nổi.
– Chừng nào tới nhà dân, anh đỗ xe tìm quán nước, khát quá.
Thành nói với Trung khi anh này đang chăm chú quay vô lăng lách qua những đoạn đường khó:
– Công nhận đường xá ở đây khó đi thật Trung ạ. Dân cư thì thưa thớt, mãi chả có bóng người. Chừng nào về Hải Phòng tớ phải đi bảo dưỡng cái xe. Hỏng hết bộ giảm sóc.
Vinh cũng gật đầu:
– Sửa cả điều hoà nữa, nắng nóng thế này khổ thật.
Dừng lại trước quán nước nhỏ ven đường. Nhấp chén nước trà chát, Thành quay sang bà cụ bán nước có mái tóc bạc trắng, đôi mắt nhăn nheo, khuôn mặt già nua, khắc khổ:
– Uỷ ban xã mình có gần đây không bà?
Bà cụ chỉ ngón tay về phía trước:
– Các chú cứ đi thẳng đến gốc đa to ở giữa làng là thấy mấy dãy nhà màu vàng có lá cờ Tổ quốc ở giữa sân ấy. Miệng không ngừng chóp chép nhai trầu, bà cụ hỏi tiếp: Các chú từ xa đến đây phỏng?
Thành mỉm cười:
– Dạ vâng, chúng con từ Hải Phòng vào, nghiệm thu con đường đang làm đi qua xã mình. Bà cụ nhìn các anh giọng đầy phấn khởi:
– Mấy tháng nay mấy cô chú công nhân làm ròng rã không quản nắng nôi. Xã sắp có con đường nhựa sạch sẽ, rộng rãi, mùa mưa bão có dắt con trâu, kéo cái cày, vác bó lúa cũng đỡ khổ.
Vinh đặt chén nước trà xuống bàn, anh lân la hỏi:
– Bà ơi, chúng con về đây lạ nước lạ cái. Thời gian khảo sát tuyến đường cũng lâu, bà có biết nhà nào rộng rãi cho 3 anh em con được ở nhờ trong thời gian đo đạc không ạ. Chúng con chỉ xin ké tạm ban đêm để ngủ.
Nhìn các anh bằng ánh mắt hiền từ, bà đáp:
– Các chú không chê thì ở nhà tôi. Tôi chỉ có con bé cháu mới học lớp 4 thôi. Bố mẹ nó tai nạn mất sớm nên giờ chỉ có hai bà cháu.
Thành mỉm cười: Thế thì tốt quá bà ạ. Chúng con cảm ơn bà.
Cô bé có đôi tròn xoe, trong veo nhìn các anh một hồi rồi chạy đi tìm bà. Bà cụ đang lúi húi nấu cơm dưới bếp thấy cháu về, giơ tay vời cô bé lại gần và nói:
– Các chú kỹ sư xây đường cho làng mình đấy con ạ. Sau này làng mình sẽ có con đường thật to đẹp cho con đi học không lấm lem bàn chân. Giờ con ra ngoài sân mời các chú vào ăn cơm.
Cô bé vâng dạ rồi chạy ù đi tìm các anh. Hai bím tóc đen nhánh dài ngang thắt lưng, lí lắc đung đưa theo từng nhịp bước chân. Vắt thật sạch chiếc khăn mặt rồi treo ngăn ngắn lên dây phơi, Thành nhìn cô bé và nở một nụ cười thân thiện:
– Con tên là gì?
– Con tên Thanh Vân ạ.
Thành dắt con bé vào nhà. Mọi người quây quần bên mâm cơm nghi ngút khói và thơm lừng mùi gạo mới. Bà cụ xới từng bát cơm đưa cho khách:
– Canh cua với cà muối mặn, cơm quê chỉ có vậy, các chú không chê thì bữa cứ về đây già nấu cho.
Cả ba anh em rối rít cảm ơn bà cụ.
Ngày hôm sau, Thành và các bạn vác máy móc, thiết bị đi khảo sát quanh làng. Họ tiến đến ngôi nằm chơ vơ cuối làng, xung quanh là những luống cải đang nở hoa vàng rực. Có lẽ đây là ngôi nhà duy nhất trong xóm còn lợp mái tranh lụp xụp, ẩm thấp, bốn bức tường được đắp bằng đất sét đã ngả màu xám xịt và loang lổ những vết mốc meo, vàng ố. Thành ôm chiếc máy đo đạc dựa sát vào vách tường, đoạn anh nghiêng đầu để không chạm vào vạt mái gianh ướt nhẹp, loà xoà trước mặt. Anh nhìn vào gian nhà tối om cất tiếng hỏi:
– Có ai ở nhà không ạ?
Sau một tràng hoa ho lụ khụ, giọng người già ốm yếu vang lên:
– Ai đấy?
Thành đáp:
– Dạ cháu là kỹ sư khảo sát làm đường cho xã mình, cháu vào xin cụ hớp nước cho đỡ khát.
Ông cụ thều thào đáp:
– Chú vào lấy ở trong phích đỏ, dưới gầm bàn. Cốc tôi để trong cái chạn bát ngoài hiên ấy.
Bước vào trong nhà, nhìn ông cụ gầy xơ xác, chỉ còn da bọc xương, Thành không khỏi ái ngại, anh thấy tim mình khẽ vang lên những nhịp xót xa:
– Cụ ốm lâu chưa?
Ông cụ khó nhọc trả lời:
– Bệnh người già chú ạ. Nay ốm mai đau. Khổ mình, khổ người.
Thành rót một cốc nước ấm đưa đến cho ông cụ:
– Con cháu cụ đâu hết cả rồi mà để cụ nằm đây một mình?
Như chạm vào nỗi đau không biết sẻ chia cùng ai, nay có người quan tâm, ông cụ rơm rớm nước mắt:
– Bà nhà tôi mất sớm. Nhà có hai bố con. Sinh con ngoan thì được nhờ, sinh con hư thì chỉ khổ tấm thân già. Thằng con tôi nghe theo bạn xấu mà chơi bời lêu lổng từ dạo choai choai, nó cứ bỏ tôi đi suốt. Gần xuống lỗ rồi mà không thấy mặt con.
Ông cụ mếu máo. Một tràng ho dài ập đến, tiếng ho dữ dội vang lên khô khốc như tiếng cuốc kêu đêm. Ông cụ gò người lại, hai tay ôm chặt ngực. Thành vội vàng nâng ông cụ ngồi dậy, anh hốt hoảng khi thấy người ông cụ nóng hầm hập. Cảm nhận thấy điều chẳng lành, anh nhấc máy gọi Trung. Lát sau, chiếc xe ô tô đỗ xịch trước cửa nhà. Anh bế bổng ông cụ lúc này đã rất yếu, hơi thở khó nhọc, rè rè vang lên. Đến bệnh viện, cụ được chẩn đoán viêm phổi nặng, cũng may được đưa đi kịp thời.
Hôm nay vào đó, anh thấy thế nào? Trung thì thầm khi Thành vừa cởi chiếc áo sơ mi vắt lên cạnh giường.
Thành chép miệng:
– Tội nghiệp ông cụ lắm. Ra viện nhưng vẫn còn yêu. Cơm cháo phải nhờ
– Cơ sở của ta báo thằng này trông vậy nhưng có hiếu lắm. Biết bố ốm, kiểu gì nó cũng mò về.
Thành quay qua hỏi Trung: Cậu phải dặn dò Vinh tập trung quan sát, đêm nay đến phiên Vinh “gác” ở nhà nó đấy. Để ý điện thoại báo động nhé.
Đối tượng lần này các anh phải truy lùng bắt giữ là tên tội phạm vô cùng manh động, ranh mãnh và khét tiếng liều lĩnh – Hùng “núi”. Hắn nguyên là giang hồ đất Thành Nam, dạt ra ngoài Hải Phòng “làm ăn”. Vừa qua, vì tranh chấp địa bàn với băng nhóm tội phạm khác mà Hùng “núi” và đồng bọn đã dùng vũ khí quân dụng gây ra vụ hỗn chiến đặc biệt nghiêm trọng làm 2 người chết, 3 người bị thương. Sau khi gây án, hắn bỏ trốn. Bị truy nã gắt gao, Hùng “núi” thoắt ẩn thoắt hiện hết Hải Phòng đến Hà Nội rồi về Nam Định làm lực lượng công an vô cùng vất vả. Thành cùng đồng đội đã rong ruổi khắp mọi nơi để truy lùng hắn nhưng các anh vẫn chưa “tóm” được. Nhận tin từ “cơ sở” báo, có thể sắp tới hắn sẽ về Nam Định thăm bố ốm nặng, người đội trưởng đội hình sự có gương mặt sạm đen vì mưa nắng lại khoác ba lô lên đường thực hiện nhiệm vụ. Lần này tổ trinh sát của anh có 3 người. Ngoài Thành còn có Trung và Vinh. Ba trinh sát tinh nhuệ nhất của phòng hình sự đạo tin tưởng giao cho trọng trách truy lùng tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.
Do xã đang có công trình làm đường vào giai đoạn hoàn thiện nên trong vai những kỹ sư cầu đường khảo sát nghiệm thu, các anh đi quanh làng thu thập tin tức và lên kế hoạch “đón lõng”, bắt sống Hùng “núi”. Chọn bụi cây gai đan cài chằng chịt những sợi dây leo lùm xùm, kín mít như đống rơm mới cất làm nơi nguỵ trang. Thành cùng đồng đội thay nhau túc trực đêm ngày. Quả thực là “nếm mật nằm gai” thật đúng với tình trạng này của các trinh sát. Phải mặc quần áo thật dày, phải quấn tất vào chân tay, phải quàng khăn vào cổ giữa thời tiết mùa hè nóng như đổ lửa mới tránh được phần nào bị gai cào, bị côn trùng đốt, bị đất cát bám đầy người. Ấy vậy mà lần nào về, cởi hết lớp áo ra, Thành cũng nổi đầy những mẩn đỏ quanh người. Vốn bị cơ địa dị ứng từ nhỏ nên chỉ cần côn trùng lạ cắn hay mồ hôi bí rị là cơ thể anh nổi mề đay, ngứa ngáy, khó chịu. Mỗi khi anh cởi áo gãi sồn sột, bà cụ xót xa. Xoa xoa đôi bàn tay xương xẩu, khẳng khiu, ráp rạp những nốt chai sần lên tấm lưng đỏ lựng những vết mề đay của Thành, cụ chép miệng:
– Cái bệnh ngứa ngáy này khổ thật, giờ chỉ chữa dân gian mới khỏi. Với vào trong nhà, bà cụ gọi to:
– Vân ơi, con Vân đâu rồi, ra đây bà bảo… Con vào trong làng tìm cho bà ít lá khế chua rồi vòng qua cánh đồng nhặt cho bà nắm lá rau má mang về đây để bà chữa bệnh cho chú Thành.
Vân vâng dạ rồi nhanh chóng chạy đi.
Bà cụ lấy một nắm lá khế mà cô bé Vân vừa mang về đem vào chảo sao nóng rồi bảo Thành nằm yên trên giường, dùng lá khế này đắp lên khắp vùng lưng nổi mề đay của anh. Đoạn, bà sai Vân rửa sạch rau má, giã nát lấy bát nước mang cho Thành uống. Những vết nổi trên người anh dần dần xẹp xuống, dịu lại. Vân mang bát nước rau má cho anh. Nhìn thấy vết sẹo dài trên vai anh như một con lươn nhỏ chạy dọc xuống ngực, hậu quả của lần anh bị tên tội phạm tấn công khi thực hiện cuộc vây ráp, cô bé hốt hoảng:
– Chú Thành, chú bị đau lắm phải không?
Thành khẽ xoa đầu cô bé mỉm cười: Hết đau rồi con ạ, nhìn sợ lắm phải không?
– Không, con không sợ, con thương chú… Cái câu “thương chú” từ miệng con trẻ làm người trinh sát xao lòng, anh nhớ con gái mình. Từ ngày tên Hùng “núi” gây ra trọng tội rồi bỏ trốn, hơn hai tháng nay, anh chưa về thăm nhà. Con gái lớn của anh cũng chạc tuổi Vân, cũng lí lắc đáng yêu như vậy. Lần nào đi xa về, cô bé cũng xoa xoa lên vết sẹo dài của anh mà nói lời thương bố.
Một tuần nữa trôi qua, ngày nào hai bà cháu Vân cũng đun nước lá khế cho anh tắm, giã lá rau má cho anh uống. Bệnh tình của anh thuyên giảm. Trung và Vinh vẫn thay nhau bám sát theo dõi, không dời xa mục tiêu. Thời gian không đi “khảo sát”, anh ở nhà kèm cho Vân học bài, đọc truyện và chơi đùa cùng cô bé. Tiếng cười trẻ thơ, sự ngộ nghĩnh, hồn nhiên kia làm anh vơi đi nỗi nhớ con gái. Cô bé cũng quấn quýt anh không dời. Có lần nó nói:
– Không có ai đưa đón con đi học, không có ai họp phụ huynh cho con, các bạn bảo con không có bố. Con ước gì chú Thành là bố của con.
Khẽ ôm Vân vào lòng vỗ về như vỗ về đứa con gái bé bỏng, anh không khỏi xót xa: Ngày mai, chú Thành sẽ đưa con đi học.
Thành và Vinh đang ngồi uống nước ngoài sân sau khi vừa ăn tối xong. Chuông điện thoại reo lên, là Trung gọi. Hai anh nhìn nhau. Ngay lập tức, họ vào nhà mặc vội quần áo rồi lên đường.
Trời tối đen như mực, ngôi nhà lọt thỏm giữa bốn bề cỏ lau xao xác. Những cụm chuối, những bụi cây gai lùm xùm bao quanh càng làm cho ngôi thêm hoang sơ, hun hút. Từ bụi cây đối diện với ngôi nhà, Thành nhìn thấy dáng vẻ gầy gò ốm yếu của ông cụ hết đi ra cửa lại vào nhà, hết ngó trước lại dòm sau, chừng như thấp thỏm, lo lắng lắm. Trung khẽ ghé tai anh thì thầm:
– Báo cáo anh, vừa xong em thấy có bóng người lẻn vào nhà. Em nghi là Hùng “núi” liền gọi cho anh ngay.
Không chần chừ suy nghĩ, bằng linh cảm nghiệp vụ, Thành quyết định đánh án. Anh cắt cử Trung phục kích sau nhà, đồng thời gọi công an huyện điều quân phối hợp. Vinh yểm trợ còn mình sẽ trực tiếp vào “bắt sống” Hùng “núi”. Nghe tiếng động, tên Hùng “núi” tinh quái có lẽ đã nhận ra mình bị công an vây ráp. Hắn khoá chặt cửa, cố thủ trong nhà. Tiếng Thành đanh thép vang lên trong đêm:
– Hùng “núi” anh đã bị bao vây, hãy ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Tiếng Hùng “núi” gầm gừ đáp lại:
– Đứa nào xông vào, tao sẽ cho lựu đạn nổ tung căn nhà này lên.
– Đừng manh động, anh hãy nghe lời chúng tôi ra đầu thú. Nhà nước luôn có sự khoan hồng cho người biết ăn năn, hối lỗi.
– Khoan hồng ư? Khoan hồng nào cho đứa giết người như tao? Đừng lừa gạt tao. Chúng mày cứ vào đây, rồi chúng mày cũng sẽ chết cùng tao. Ha ha ha ha. Sẽ chết cùng nhau.
Hắn cười. Tiếng cười man rợ của một kẻ sát nhân máu lạnh  hoà cùng tiếng ho khô khốc, dữ dội của người cha già ốm yếu vang lên trong đêm tạo thành thứ âm thanh rùng rợn.
Thành vẫn bình tĩnh, anh vẫn dùng những lời nhẹ nhàng nhưng đầy uy lực.
– Anh có biết mấy hôm trước ông cụ viêm phổi nặng phải nhập viện. Lúc đó anh ở đâu? Anh làm gì? Anh có nghĩ đến cha anh suýt không giữ được tính mạng không? Ngừng một chút, Thành tiếp tục: Đừng gây thêm tội ác nữa. Anh giết một người chưa đủ sao, anh còn muốn giết cả cha anh nữa?
Không thấy Hùng “núi” đáp lại. Dường như, đã nhận ra Thành, người đã chăm sóc, trò chuyện suốt những ngày ốm nặng trong bệnh viện, tiếng ông cụ rên rỉ vang lên:
– Hùng ơi, con thương bố, con vì bố, con đừng gây thêm tội ác nữa. Đây là ân nhân cứu bố. Không có các anh ấy, liệu bố còn ở đây cho con nhìn mặt nữa không?
Sau một hồi im lặng, tiếng cửa lộc cộc mở ra, dáng ông cụ chống gậy liêu xiêu bước tới phía Thành. Bàn tay run run đưa cho anh quả lựu đạn. Hùng “núi” giơ hai cánh tay lên đầu bước theo sau. Vinh nhanh chóng lấy còng số 8…
Chiếc xe bán tải chở Hùng “núi” di lí về Hải Phòng đột ngột dừng lại trước cổng nhà bà cháu Vân, Thành xuống xe. Anh muốn chào hai bà cháu trước khi lên đường. Khoác chiếc ba lô lên vai, anh cầm tay bà:
– Bà ơi, con đường đã hoàn thiện rồi, con phải đi đây, chúng con cảm ơn bà những ngày vừa qua đã chăm lo cho chúng con.
Chớp chớp đôi mắt đục mờ, bà cụ khẽ lau vội khoé mắt bằng vạt khăn sờn rách đang quàng trên cổ:
– Các con ở đây nhà cửa rộn ràng hẳn lên, già vui lắm, nay các con về già nhớ các con.
Dúi vào tay anh bó lá khế với túi rau má, bà cụ dặn dò:
– Con chịu khó cho khỏi bệnh hẳn.
Thành xúc động: Con sẽ về thăm hai bà cháu.
– Bố Thành ơi! Tiếng gọi của Vân vang lên. Nhìn thấy cô bé đang đứng nép sau cửa bếp khóc thút thít, Thành khẽ khuỵ gối, dang rộng vòng tay: Lại đây nào con gái. Anh ôm chầm cô bé vào lòng mình rồi vỗ về: Bố sẽ về thăm con, con đã có con đường to đẹp để đi mà không bị lấm lem bàn chân nữa rồi.
Thời gian sau, trong chuyến công tác về Nam Định, Thành quay trở lại làng Minh Châu. Anh ghé vào thăm bà cụ và cô bé. Chiếc cổng tre ọp ẹp, loang lổ những vệt rêu xanh đen, mốc meo vì mưa nắng. Mặt sân trước phủ đầy những lớp lá ẩm mục, cây cối xác xơ, tiêu điều. Có lẽ lâu lắm rồi không có người ở. Anh chạy qua nhà hàng xóm hỏi han. Anh bàng hoàng khi nghe tin bà cụ mất đột ngột sau cơn cảm lạnh, cô bé Thanh Vân theo người họ hàng lên mạn Tuyên Quang sinh sống. Họ cũng chẳng để lại địa chỉ nên không ai biết cô bé bây giờ ra sao. Thành không khỏi đau xót. Áng mây xanh giờ đây chỉ còn trôi trong miền hoài niệm nhớ thương khắc khoải của anh mỗi khi ai đó nhắc đến đất Thành Nam.
Với những chiến công liên tiếp, Thành đã được bổ nhiệm là phó phòng hình sự. Vừa qua, anh đã chỉ đạo triệt phá được đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em liên tỉnh mà các anh đã theo dõi từ lâu. Hơn chục cô gái vừa được giải cứu đều từ các tỉnh miền núi bị dụ dỗ xuống Hải Phòng bán hàng nhưng thực chất được đưa vào các động mại dâm trá hình. Hôm phá án, chính tay thượng tá Thành phá khoá căn phòng nhốt các em. Trong số đó có một bé gái chừng mười sáu tuổi nhìn anh không rời với đôi mắt to tròn ầng ậc nước. Như linh cảm có điều gì đó trong ánh mắt ấy, về đơn vị, Thành lần dở hồ sơ lý lịch của các nạn nhân. Anh sững lại khi đọc được dòng thông tin: Nguyễn Thị Thanh Vân, quê quán Minh Châu…. Bao cảm xúc trong anh ùa về xen lẫn sự xót xa. Đã 6 năm rồi kể từ sau những ngày anh ở làng Minh Châu, cô bé thay đổi nhanh quá duy chỉ đôi mắt, vẫn trong veo, to tròn như xưa. Vội vã đến gặp cô bé, anh xúc động gọi tên:
– Vân, đúng cháu Vân rồi, chú Thành đây. Chú Thành có cái sẹo ở vai đây.
Nghe Thành hỏi, Vân bật khóc nức nở:
– Con nhận ra chú từ hôm qua, nhưng con không dám gọi chú. Con xấu hổ lắm.
Khẽ ôm đứa con gái bé bỏng vào lòng, anh vỗ về:
– Đừng khóc, đừng khóc, có chú đây rồi, con không phải sợ gì nữa.
Khuôn mặt đẫm nước mắt của Vân gục trên vai Thành. Cả người cô bé rung lên theo từng tiếng nức nở. Anh không thể biết lần gặp nhau năm ấy lại là những ngày bình yên cuối cùng trong tuổi thơ của Vân…
Sau khi bà mất, cô bé Vân được người dì họ đón lên Tuyên Quang. Cuộc sống cũng không được thuận lợi, cô bé phải nghỉ học ở nhà hái chè giúp dì. Rồi gia đình dì rơi vào cảnh nợ nần do đứa con trai cá độ bóng đá. Dì nghe theo người trong xóm gửi Vân xuống Hải Phòng. Những tưởng xuống đó cô bé được bán hàng kiếm tiền giúp gia đình trả nợ, ngờ đâu họ bán cô cho đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ vị thành niên làm gái mại dâm.
Thành vỗ về cô bé:
– Con gái đừng lo lắng gì nữa. Con ở lại Hải Phòng, chú sẽ cho con đi học tiếp, sau này con hãy coi gia đình chú như gia đình của mình.
Thanh Vân bật khóc trước những ân tình của thượng tá Thành: Chú ơi, chú cho con về thăm quê được không. Thành gật đầu: Mai chú đưa con về. Chú cũng muốn trở lại vùng quê ấy, được thắp hương cho bà của con.
Mây rồi sẽ lại xanh biếc trên từng nẻo đường về quê cũ…
3/6/2024
Châu Ninh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1 Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lạ...