Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

Một nhà giáo có tâm hồn thiên sứ

Một nhà giáo
có tâm hồn thiên sứ

Cô dạy Văn theo cách riêng, dung dị. Và bằng chính cuộc đời mình, cô dạy cho các thế hệ học trò những bài học lớn: Bài học về tình yêu thương, tinh thần lạc quan và sự kiên cường.
Cô giáo của chúng tôi – cô Nguyễn Thị Hồng – vừa rời cõi tạm sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh ung thư. Vẫn biết ngày này rồi sẽ đến, vẫn biết từ nay những cơn đau vĩnh viễn rời xa cô, vậy mà không sao nén được nghẹn ngào.
Nhà giáo tâm huyết, hết lòng với học trò
Một ngày thu cách đây gần 30 năm, cô Hồng bước vào lớp chúng tôi. Khi ấy, Trường chuyên Lương Văn Chánh vẫn còn “ăn nhờ ở đậu”, chỉ có một dãy phòng học ở phía bắc trường Nguyễn Huệ. Sau khi làm quen với lớp, cô bắt đầu bài giảng. Cô nói tiếng Bắc nên chúng tôi ngỡ cô là người gốc Bắc. Mãi sau này mới biết, cha cô là cán bộ tập kết ra Bắc năm 1954, công tác tại Sư đoàn 673 trước khi chuyển ngành về Nông trường Mộc Châu (Sơn La).
Cô Hồng chào đời và học phổ thông tại Mộc Châu. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Việt Bắc, năm 1982, cô theo gia đình trở về quê cha, sinh sống tại xã Hòa Thịnh (nay thuộc huyện Tây Hòa). Cô Hồng có 9 năm dạy Văn tại Trường THPT Lê Hồng Phong, đến năm 1991 cô được Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Phú Yên điều động về công tác tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh.
Cô Hồng dạy Văn theo cách riêng, rất dung dị. Cô làm người chỉ đường để chúng tôi tự tìm cách khám phá vẻ đẹp của các tác phẩm văn chương. Cô là một nhà giáo tâm huyết, tận tụy với nghề và hết lòng với học trò.
Chúng tôi tốt nghiệp THPT, vào đại học, ra trường rồi đi làm, mỗi người mỗi ngả. Cô Hồng gắn bó với ngôi trường Lương Văn Chánh, làm Tổ trưởng Tổ văn, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở cho đến năm 2011 thì được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Niềm Vui. Cuối năm 2012, cơ sở giáo dục này được đổi tên thành Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; cô Hồng là người đứng đầu trung tâm cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 7.2016.
Ấn tượng sâu đậm nhất về cô Hồng chính là tấm lòng, là tình yêu thương của cô đối với học trò. 10 năm, 20 năm rồi gần 30 năm chúng tôi rời ngôi trường Lương Văn Chánh, cô Hồng vẫn dõi theo các học trò, động viên chúng tôi vượt qua khó khăn, trở ngại; vui mừng khi chúng tôi đạt một thành quả nào đó. Thậm chí cô còn tặng quà động viên con gái tôi, khi con bé kết thúc năm học lớp 3. Thỉnh thoảng, cô gọi điện, nói vừa đọc bài viết này, bài viết kia của em trên báo, rằng cô đã biết tin này, tin kia về em. Những cuộc gọi của cô làm cho tôi có cảm giác mình vẫn còn là cô học trò nhỏ dưới mái trường Lương Văn Chánh ngày nào. Những cuộc gọi truyền cho tôi năng lượng và cảm giác vô cùng ấm áp.
Một học trò cũ của cô – nhà báo Hà Kiều My – chia sẻ trên trang cá nhân: “Cô là người an ủi con nhiều, cho con động lực vươn lên. Khi em trai con mất, cô đi xe máy theo xe tang lên tận nhà nội. Ngày con cưới chồng, cô bị ngã xe, quần áo lấm lem, vẫn đến nhà hàng để ôm con với nụ cười thật hiền. Ngày con sinh em bé đầu tiên, cô cũng mang bịch cam đến nhà thăm. Mỗi khi có vui buồn gì, con lại tìm đến cô như người mẹ thứ hai của mình”.
Thỉnh thoảng, tôi ra Bình Kiến (TP Tuy Hòa), đẩy cánh cổng và bước vào ngôi nhà yên tĩnh bên vườn cây. Cô vui lắm, ríu rít hỏi chuyện, ép ăn món này món kia, mang quà ra thì cô không chịu nhận, cứ xuýt xoa sợ học trò tốn kém. Có lần khi tôi đến thăm, cô “khoe”: “Cô vẫn còn giữ bài tập làm văn của em, bài bình giảng một đoạn văn trích trong truyện Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài”. Tôi tròn mắt, không thốt nên lời. Và trước sự kinh ngạc của học trò cũ, cô mở tập “hồ sơ”. Tôi chạm tay vào những tờ giấy đã ngả màu, chạm vào những dòng chữ được viết bằng mực tím, mực xanh đã phai theo tháng năm. Xem những cái tên Lâm Tĩnh Vi, Nguyễn Quốc Khương, Đào Vũ Nhật Nguyên… và tên tôi trên bài tập làm văn, lòng tôi trào lên cảm xúc khó tả. Người viết các bài văn này hẳn đã quên chúng từ rất lâu, nhưng cô giáo của chúng tôi thì vẫn giữ gìn cẩn thận. Thậm chí, cô còn nhớ rõ một số đoạn trong các bài văn ấy!
Nhà thơ Phan Hoàng về thăm cô giáo cũ Nguyễn Thị Hồng mùa hè 2019
Lạc quan, kiên cường trước bệnh tật
Người như cô Hồng, lẽ ra phải sống trong an lành, trọn vẹn hạnh phúc. Nhưng một khối u xuất hiện. Khối u ác tính. Và cô giáo tôi – một người vô cùng tốt mà tôi biết – bắt đầu chiến đấu với bệnh tật bằng niềm lạc quan, bằng sự kiên cường. Mỗi lần chúng tôi đến thăm đều nghe cô khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng cô khỏe, cô ổn. Cô luôn mỉm cười và kể toàn chuyện vui. Cô “ổn” khi không còn đáp ứng với việc điều trị; căn bệnh quái ác bắt đầu hoành hành. Vậy mà ai gọi điện hoặc đến thăm, cô cũng cười nói như thể sức khỏe đang tốt lên. Vì cô không muốn những người yêu quý mình lo lắng, bận lòng về mình. Cô “ổn” cả khi bắt đầu cạn kiệt sức lực. Một ngày cuối năm 2020, tôi đến nhà cô. Y học hiện đại đã hoàn toàn bất lực trong việc ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của khối u ác tính sang các cơ quan khác trong cơ thể. Tôi òa khóc khi thấy cô tiều tụy, đi lại khó khăn. Cô vội giải thích rằng do ăn ít nên ốm đi chứ chẳng có chuyện gì, đừng lo lắng. Chú Chi – chồng cô – người chăm lo cho cô hết mực, nói nhỏ: “Cô phải tiêm morphin để giảm đau”. Nghe vậy, cô vội trấn an: Tiêm ít thôi mà, mấy ngày mới tiêm một lần, không sao hết, em đừng lo! Biết tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, gương mặt héo hắt vì bệnh tật của cô bừng sáng. Cô cầm tay tôi, hổn hển chúc mừng. Tôi nắm chặt bàn tay héo úa, bật khóc. Khi tôi về, cô nhất quyết tiễn ra trước thềm rồi đứng nhìn theo. Đó là lần cuối cùng tôi gặp cô – người có trái tim vô cùng ấm áp mà tôi biết; người luôn lo nghĩ cho người khác nhiều hơn lo nghĩ cho bản thân mình, yêu thương người khác hơn cả bản thân mình.
Tôi đã không dám đi thăm cô. Tôi sợ phải chứng kiến việc cô cố nén đau, cố nén mệt, giả vờ ổn để học trò yên lòng. Tôi sợ cái cảm giác hoàn toàn bất lực khi trước mắt tôi, cô như chiếc lá úa tàn, chỉ một cơn gió là có thể rời cành. Tôi sợ ngày đó sẽ đến…
Đêm 5.4.2021, tôi nhận được tin cô đã ra đi. Cô trút hơi thở cuối cùng lúc 18 giờ 15 phút. Cô giáo của chúng tôi – người có trái tim vô cùng ấm áp, người vô cùng lạc quan và kiên cường – đã rời cõi tạm, ở tuổi 61. Từ đây không còn đau đớn nữa, phải không cô?
Nhiều khi tôi nghĩ: Một người quá tốt như cô Nguyễn Thị Hồng phải chăng là sứ giả được cử đến cuộc đời này? Đến để dạy cho chúng tôi bài học về sự quan tâm, về tình yêu thương, về nghị lực sống. Những bài học lớn đó phải học, phải rèn cả đời. Chúng em chưa học được thì cô đã ra đi.
Bình an và thanh thản cô nhé – một nhà giáo có tâm hồn thiên sứ! Chúng em mãi nhớ về cô như nhớ về điều đẹp đẽ, kỳ diệu trong đời sống này. Và những hạt mầm yêu thương mà cô lặng lẽ gieo, chắc chắn sẽ nở hoa…
24/4/2021
Phương Trà
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn tỉnh lẻ

Nhà văn tỉnh lẻ Mấy tuần liền, nhà văn Ký gần như nhốt mình trong phòng viết, tách biệt hẳn thế giới hiện đại; internet cắt, ti vi cắt, đi...