Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

Ngọc Phật

Ngọc Phật

1. Người đàn bà bỏ ông mà đi. Tất cả lặng lẽ và bất ngờ như một cơn mưa. Ông ngồi thu mình trong góc tối. Đại sảnh mênh mông. Và đầy những cổ vật. Nơi góc tường là một chiếc lọ hoa gốm men thế kỷ XV với dòng thủ bút của chính người tạo ra nó: Thái Hòa bát niên, tượng nhân Nam Sách Châu Trì Bùi Thị Rí bút. Dòng chữ được hiểu: Niên hiệu Thái Hoà thứ 8 – triều Lê Nhân Tông – người thợ họ Bùi ở Châu Nam Sách vẽ chơi. Vì dòng chữ ấy, ông đã bỏ gần sáu năm mới mang về được. Bên phải, trước bức rèm màu đỏ thẫm là cái lư hương của Đặng Huyền Thông, người thợ gốm tài hoa thế kỷ XVI.
Bây giờ, tất cả đã im lặng. Một thứ im lặng cay đắng. Ông thẩn thờ nhìn quanh. Đôi mắt ông chạm vào bình rượu độc ẩm của Cao Bá Quát. Về Bắc Ninh, ngẫu nhiên, ông gặp nó. Khi chủ cũ kể về lai lịch chiếc bình, ông đã lịm người trước một cổ vật đang lắt lay giữa cát bụi lầm than. Kể rằng khi thất bại, tự tay Cao đã mài mực thơm trên độc ẩm: Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cỗ sầu – Với người, ta tiêu tán nỗi buồn ngàn năm.
Và cuối cùng, trên kệ, một khoảng trống….
2. Về vùng Cổ Nhuế - Bồng Thi không ai không biết tiếng ông Lã Vọng. Ông chơi cổ vật từ thời trẻ. Uống rượu với bạn bè, cao hứng, ông thường khật khưởng: Đời tôi có hai điều. Đam mê nhất cũng là khốn khổ nhất. Đó là phụ nữ và đồ cổ.
Đồ cổ đối với ông là nghiệp. Hai mươi mốt tuổi ông thừa hưởng gia sản họ Lã với những cổ vật mà cha ông đã bỏ ra cả một đời. Máu huyết người cha đã lan sang ông. Cha ông bảo: Để sở hữu cổ vật quyết không vì tiền. Lăn lóc với nghiệp, nghiệm ra càng đúng. Ông nhớ ngọc phật hài nhi đem từ núi Cấm chùa Trúc. Thủ tự là người làng bảo: Ông Lã có được cặp ngọc Phật ấy mới là già nghề. Ông đến chùa, lòng xốn xang khó tả. Sư trụ trì nhã và tịch mịch như khung cảnh nơi đây.
Vãn cảnh, đàm đạo, khói hương ngót nghét gần một năm. Một sáng thu chớm, ông khẽ khàng: Cảnh nơi đây siêu phàm thoát tục. Hoàng phi, trướng, liễn, tượng nhiều vô kể, nhưng lòng vẫn chưa thỏa. Sư nhìn sâu vào đôi mắt khách, thông lệ và thâu suốt: Có phải thí chủ muốn có ngọc Phật hài nhi. Ông Lã sững người: Hóa ra lâu nay thầy đã biết. Sư cười vang, độ lượng trước đam mê của nghiệp, rồi ôn tồn: Quả thật ở chùa Trúc có đến mười lăm hoành phi, trướng liễn. Hai mươi bảy tượng phật nhưng tất cả đều giả. Chiến tranh, tang điền dâu bể, cái thật đã mất sạch. Thợ trước thành tâm cúng phật, mang cả hồn vào công quả, biến đất đá vô tri thành thần thái. Thợ nay vô tâm, giả vẫn giả. Thú thật, đem cái giả mê hoặc lòng người, lòng cảm thấy bất an. Chùa Trúc nay là thật, họa hoằn, chỉ có ngọc Phật.
Nghe sư thổ lộ, ông Lã áy náy không yên. Ông biết đây là cuộc chơi khổ ải. Lòng bất định, ông yên lặng nghe tiếp lời sư: Ngọc Phật kỳ thật, nguyên thủy không phải là chủ sở hữu của chùa Trúc. Cách đây mười năm, một ngày lạnh, một phụ nữ vãn chùa. Suốt một sáng chiêm quan cảnh vật, quá trưa, phát khởi tâm nguyện, cúng chùa đôi ngọc Phật và có ý gửi người con trai lên mười nương náu cửa thiền. Sư trụ trì trước, tâm Phật mênh mông, người thì nhận, của quyết từ. Người phụ nữ khẩn khoản mãi. Biết không thể chối, sư nhận nhưng chỉ nhận một pho. Pho kia quyết gửi lại…
Nghe việc, ông Lã lại như lửa đốt. Xưa, kiến giải về ngọc Phật, bố ông bảo: Ngọc Phật thiếu tâm không bao giờ giữ được. Giá trị ngọc Phật bao giờ cũng thành đôi. Thiếu một, ngọc Phật sẽ bớt sáng, bớt trong. Tuy vậy, trong nghề, ai cũng biết, vật càng khó kiếm càng thú. Ông nhã nhặn muốn nhìn ngọc Phật.
Sư trụ trì thấu hiểu tâm trạng ông Lã. Sư nhìn xa xăm, chậm rãi: vật quí sinh tâm loạn. Nhà chùa không nên lưu giữ. Vả lại. nó là căn nguyên của tâm nguyện bất thành, lở dở. Người phụ nữa sau khi trao ngọc Phật, giữ chiếc còn lại và đi biền biệt. Ba năm sau chùa Trúc cũng không giữ nổi đạo hữu mà người đàn bà đã ký thác. Cậu bỏ đi vì cho rằng đời còn nhiều việc phải làm. Từ đó sư trước của chùa Trúc áy náy không yên. Vật còn mà người không còn, ngộ nhỡ người đàn bà trở về… Một đời chân tu tưởng tục lụy là mây bay gió thoảng, ai ngờ, ngọc Phật chứa tai ương, lòng áy náy đến khi viên tịch.
Sư không nói tiếp, thở dài, ngưng đọng. Ông Lã nghe cả tiếng chổi xạc xào ở sân trước. Lòng ông khấp khởi. Câu chuyện ngọc Phật đã mở cho ông một chút hanh thông cuối hầm. Vật quí sinh loạn. Trong nghề này, người chơi sẽ đạt được ý nguyện khi gặp kẻ sở hữu vật cổ, một là hạng tầm thường có mắt như mù, không phân biệt được vàng thau. Hai là, bậc cao nhân đắc đạo. Trong sâu thẳm ông tin ông sở hữu được ngọc Phật chùa Trúc dù hành trình để có được pho còn lại thật mù mịt. Mịt mù như hạnh phúc…
3. Ông Lã có được ngọc Phật. Công quả đền đáp của ông với chùa Trúc là một căn phòng bằng gỗ quí để lưu giữ kinh kệ, sách vở trong chùa. Sư chùa Trúc đã mãn nguyện vì đã trao được vật quí cho người biết giữ, lại thỏa mãn ý xây thư phòng, mở mang chùa, chính trang tâm thức đệ tử. Ông Lã mở tiệc thiết đãi bạn bề bởi cái duyên có ngọc Phật. Rượu vào ông hứng chí: Kiếm cổ vật chẳng khác nào kiếm tình yêu.
Đó là rượu nói chứ thật ra có những đêm ông Lã chạnh lòng lắm. Trong gian nhà mênh mông, ông sống như chiếc bóng với cô gái út là sinh viên năm thứ ba. Cô có một thế giới khác, biệt lập với đại sảnh, chứa toàn những cổ vật câm nín. Và với cô là vô cảm. Và với cô có khi là tai ương.
Mẹ cô trước kia là người đàn bà lặng lẽ. Mấy chục năm bà sống trong tâm thức ngậm ngùi, rằng bà là một cổ vật trong hàng trăm cổ vật của ông Lã. Lúc cô đơn nhất, bà thường kể với con gái về những giấc mơ . Trong những giấc mơ đó, bao giờ bà cũng biến thành một bức tượng gỗ bằng trầm hương. Những màng nhện, bụi bặm bà không sao gỡ được.
Giữa đại sảnh, bà hoảng hốt gọi tên ông. Và bao giờ vẫn thế, ông xuất hiện với cái chổi lông gà màu đỏ thẫm. Lặng lẽ như một vị tu sĩ, ông chậm rãi phất những nhát chổi như kiếm sắc lên pho tượng.
Mười tám tuổi, An đã đủ lớn để hiểu những giấc mơ của mẹ. Cô cũng hiểu vì sao, trong những lúc kích động hiếm thấy nhất, mẹ cô lại bẻ gãy tất cả những chiếc chổi lông gà màu đỏ thẫm. Cũng bắt đầu hiểu, vì sao mẹ cô ngã bệnh.
Đó là một buổi chiều mà khu vườn nhà cô ngập tràn hương hoàng lan. Thuở bé, trong khu vườn, An rất thích ngồi dưới chân bức tượng đá Ngũ Hành Sơn bố cô cất công mang về. Ông đặt tượng dưới gốc hoàng lan trót trét hai mươi tuổi. Bức tượng là một phụ nữ với đôi bàn tay hờ hững. Nắng qua vườn in những đốm sánh hiếm hoi lọt qua kẻ đá dày, đậu trên vai, trên tóc người con gái. Thỉnh thoảng, một vài cánh hoa rơi, ngẫu nhĩ, trên tay hờ. Và An đã nhặt tất cả những cánh hoa đó bỏ vào trong cái hộp con mẹ đã tặng cô ngày sinh nhật. Đôi khi An nhìn lại những cánh hoàng lan khô. Hoàng lan thơ ấu, hoàng lan của một buổi chiều tháng chạp. Chiều ấy, mẹ cô vô tình đánh vỡ chiếc bình gốm sứ hoa tiên đời Tống. An nghe nói để có được chiếc bình, bố cô đã mất gần ba năm. Với bạn bè ông thường bảo: Chiếc bình quí ở chỗ nó gần như duy nhất. Nghệ nhân Kỹ Hà đời Tống làm hai chiếc. Một chiếc đã bị người Kim cướp trong chiến tranh. Và biệt tích. Cô không thấu hiểu cổ vật, nhưng đêm ấy, bố lặng lẽ như một chiếc bóng. Thật khuya, ông lang thang giữa đại sảnh với chiếc chổi lông gà màu đỏ thẫm. Vật thể trong những giấc mơ thường xuyên của mẹ.
Mẹ cô mất sau đó một tuần. Trên tay bà, lúc đó nắm chặt một nắm lông gà tơi tả.
4. Có được ngọc Phật, ông Lã lại nhớ lời cha: Ngọc Phật bao giờ cũng thành đôi mới gọi là hiếm thấy. Ông tin rằng nếu người đàn bà đó vẫn còn thì dù chân trời góc biển, ông cũng có được điều mình mong muốn. Ông Lã vài lần gặp lại sư cụ chùa Trúc. Gốc tích người đàn bà tặng chùa ngọc Phật huyễn hoặc như sương. Sương núi. Sư chùa Trúc chỉ lờ mờ biết rằng, nơi cư ngụ của người ấy thuộc vùng An Sơn.
An Sơn đất rộng, Cách Cổ Nhuế - Bồng Thi hơn mấy canh giờ đường ô tô, An Sơn lại không có phường đồ cổ. Ông đã về mấy lần. Chí không thoái nhưng lòng mịt mù. Có lẽ trong đời ông đấy là cuộc tìm kiếm khó khăn nhất.
Lần đi này ông định về An Sơn và ở nơi đó một thời gian dài. Sáng sớm ông đã lục tục hành lý. Tháng mười cái lạnh vùng chiêm trũng đất Bắc như cứa rách da thịt. Ngược An Sơn mấy bận, ông Lã gặp người bà con xa, sống bằng nghề xuôi đò dọc trên sông Gianh. Lần này, ông lại về ở đó.
Một đêm trời quang, sông Gianh trải mình trong trăng. Trăng lạnh tháng chạp đẹp như một giấc mơ lành. Cao hứng, ông Lã và người bà con xa, xuôi đò uống rượu. Sông Gianh đẹp nhưng quạnh lắm. Phía bờ Nam bạt ngàn cây lá và những chùm hoa dại. Bờ Bắc lô nhô đá. Đá chắn lại những âm thanh từ bờ bên này vọng ra sông nghe như tiếng đàn uất nghẹn ngào của một đời thiếu tri âm. Trong gió, ông Lã nghe được tiếng nấc của người bạn rượu:”….sông Gianh vì thế, trước kia còn gọi là Thiên Cầm…, đàn trời mà. Xưa có hai người yêu nhau tha thiết. Lỡ dở, họ trầm mình xuống dòng sông lạnh. Sống không gần mà chết cũng cách xa. Bờ đá là nơi chôn cất của người đàn ông. Và bên này…”
Ông Lã không nghe kể tiếp câu chuyện. Bây giờ, trên sông nghe rất rõ tiếng đàn của một người. Tiếng đàn tranh lạnh lùng và hoang tưởng. Ông Lã hỏi về lai lịch tiếng đàn. Người bạn bảo: Nó từ quán rượu ven sông Gianh. Chủ nhân là một phụ nữ đẹp nhưng rất tĩnh mịch. Trong sâu thẳm tâm linh, linh tính nghề nghiệp của một người già nghề như ông Lã mách bảo rằng, ông đã có một chỗ để kiếm tìm. Ông ngưng đọng và nghe. Trong gió sông lại có cả tiếng hát. Hát rằng:
“Sông rộng…
Thì gõ mạn thuyền
Thưa cùng
Tuế nguyệt…
Nỗi niềm tri ân….”
5. Phường cổ khác nhau: Ông Lã đã có cả cặp ngọc Phật hài nhi. Một tượng trắng muốt. Tượng kia, từ An Sơn, xanh xanh màu sông Gianh đêm nguyệt bạch. Hư thực thế nào không rõ nhưng những đêm, nhất là những đêm trăng sáng, ngang vườn ông Lã, người ta nghe vọng tiếng đàn tranh.
Riêng An, cô không cảm thấy một điều gì. Hình như cô có cảm giác vô cảm của những vật xung quanh đã tan vào cô. Nhưng cô mừng cho bố.
Cô nghĩ rồi có lúc cô sẽ đi. Và điều bố cần là một cổ vật biết nói.
Người đàn bà thắp ngọn nến giữa đại sảnh. Đặt trước mặt ông Lã chén trà thơm. Khói nến, trà… tất cả làm cặp ngọc Phật hài nhi như động đậy, thỉnh thoảng cười. Nụ cười Phật. Người đàn bà gẩy đàn. Tiếng như mưa, lại lao xao tiếng gió. Chúng dìu người vào cả thế giới cổ vật. Tượng đồng, chén sứ, lư hương cổ, độc ẩm, những nghiên mực đen óng… Tuyệt nhiên, trong thế giới đó, người đàn bà không hề thấy ông Lã. Ngày trước, ven sông Giang, dù rất quạnh, người đàn bà không hề thấy sợ hãi, Nhưng ở dây thì khác, người đàn bà cất tiếng hát. Tiếng hát ngưng đọng những ông Lã vẫn biệt tăm trong đại sảnh mênh mông. Mê hoảng, người đàn bà hét lớn.
Trong tỉnh thức ít ỏi, người đàn bà thấy ông Lã đi ra từ một pho tượng. Trên tay ông cầm một cái chổi lông gà màu đỏ thẫm. Ông khẽ khàng: Bụi, bụi quá nhiều trên cổ vật. Người đàn bà đã qua cơn hoảng loạn, thở dài, nhìn ông…
Con gái ông có kể người đàn bà nghe giấc mơ của mẹ cô 
6. Cả vùng Cổ Nhuế - Bồng Thi xôn xao tin ông Lã bỏ nghiệp. Người bảo: Có lẽ cặp ngọc Phật đã khiến ông nghĩ rằng trên cõi đời này không có gì quí hơn. Có người bảo: Tiếng đàn tranh đã mê hoặc ông… Mỗi người một cách nghĩ. Thủ tự chùa Trúc không nói gì, chỉ nhắc lại lời sư chùa: Vật quí sinh tâm loạn.
Tâm ông Lã không loạn. Một sáng lạnh tháng chạp, ông Lã dậy muộn. Từ ngày có ngọc Phật, ông Lã có thói quen ngắm nhìn vật quí, dù sớm, dù muộn.
Lần này, cúng thế. Nhưng bây giờ, bây giờ trên kệ là một khoảng trống. Ở đó có những lông gà màu đỏ thẫm, tơi tả…
Ông Lã lại xuôi đò cùng người bà con xa trên sông Giang. Sông rộng và chỉ có tiếng đàn trời. Đêm nguyệt bạch, sông sương, trong gió loạn, ông Lã thở dài.
Người bạn nghĩ ông tiếc đôi ngọc Phật, hớp vội chén nước lạnh, nói một câu gì như vỗ về, như an ủi. Ông Lã không nghe thấy. Ông lẩm bẩm lời ca cũ.
“Sông rộng…..
Thì gõ mạn thuyền
Thưa cùng
Tuế nguyệt….
Nỗi niềm tri ân….”
Và bất đồ giữa đàn trời, ông Lã cất giọng khàn khàn, tiếng thì thầm ông gọi: Sông ơi…
8/1/2010
Bạch Lê Quang
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...