Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

Những con Covid nhỏ mọn không chịu buông tha cho người đẹp trai

Những con Covid nhỏ mọn không
chịu buông tha cho người đẹp trai

Nhà văn – họa sĩ Nguyễn Ngọc Thuần, tác giả các tập truyện ‘Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ’, ‘Một thiên nằm mộng’, ‘Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ’… từng làm say lòng bao độc giả thiếu nhi và người lớn – vừa có hơn 1 tháng chống chọi với Covid-19.
Vừa trở về nhà sau 26 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), anh cũng trở lại với Facebook mà bấy lâu từ bỏ, để chia sẻ với bạn bè tự sự của một bệnh nhân về những ngày đối diện với căn bệnh đang làm xáo trộn thế giới.
Xin trích giới thiệu với bạn đọc bài viết vừa hài hước vừa ngậm ngùi của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần về những ngày anh bị F0 phải điều trị ở bệnh viện, với tựa đề khá hóm hỉnh: Những con Covid nhỏ mọn không chịu buông tha cho người đẹp trai.
Sau 26 ngày vật vạ điều trị covid tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trước đó thì mười mấy ngày lắt lay tại nhà với bác sĩ từ xa, mình cũng đã tạm xa cái đám nhỏ mọn này mà trở về nhà. Đừng ai nói chúc mừng bạn Thuần đã chiến thắng Covid nhé. Mà hãy nói, xin cảm ơn những con Covid đã chán chê ê chề mà từ bỏ anh bạn của tôi.
Gia đình mình đã đóng cửa cách ly với đám bệnh bang này từ rất sớm, thậm chí rửa tay xịt khuẩn như “rửa hoa quả” nhưng em vẫn cứ trơ trẽn xộc vào đời anh.
Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, sáng sáng cô y tá hay hỏi mình, anh Thuần, anh muốn chích bên nào, ý là bụng trái hay bụng phải do bụng mình hay có vết bầm tím khi chích kháng đông máu. Hoặc lấy ven truyền dịch dưới da bên nào cho đỡ phải nằm nghiêng mãi một bên. Thực ra thì bên nào cũng vậy, chỉ là chia đều mỗi ngày một phía cho nó “đau đớn hài hòa” hơn thôi.
Nhưng dù sao câu hỏi ấy cũng luôn khiến mình tự trào, ừ, trong thời khắc lung linh tuyệt vời sa đọa này, mày vẫn còn có sự lựa chọn đấy. Mày vẫn được chọn giữa hoặc bầm giập hoặc đau đớn, có lẽ tao nuông chìu quá nên mày hư hỏng phải không.
Sau đó thì cứ hai ba ngày – lại tự trào tiếp – lại được chụp X quang nữa rồi. Mình nhớ một bữa đặc biệt hơn, mãi đến 11 giờ rưỡi đêm, anh chàng tre trẻ mới đẩy cái máy nặng nề về phía giường mình. Theo lời bác sĩ, thì đáng ra mình đã “được chụp hình” từ lúc 8 giờ sáng, nhưng bữa ấy Covid nhiều quá, làm không xuể, chàng trai nói, có hôm 4 giờ sáng, em đã phải đi làm rồi.
Nhìn bộ quần áo của đội ngũ y bác sĩ, của chị lao công, của y tá trực… mình cứ thấy ái ngại vì nó quá bịt bùng, không tháo mồ hôi được. Mình cũng không thể đoán gương mặt họ thế nào, những người đã góp phần chữa trị cho mình, chỉ loáng thoáng thấy một đôi mắt mờ mờ qua tấm chắn bằng nhựa, cũng mờ nốt.
Và lần nào cũng vậy, cảm giác thật kỳ lạ khi nằm trên giường, với cái ống kính khổng lồ chĩa vào ngực, như thể sắp được làm một pô tự sướng cho phổi vậy. Mình chưa đến mức đông đặc phổi, nhưng cũng đã bị tổn thương đáy phổi hai chỗ. Bác sĩ đang mong nó tự thu xếp gọn lại, hồi phục… bằng cách cứ vài ngày lại chụp một bức rồi lấy ra xem tròn méo thế nào. Nó cũng góp phần khuấy động một buổi sáng buồn buồn ở đây.
Nhưng sự tổn thương thì không. Mình tin không riêng gì phổi, cái gì trong chúng ta rồi cũng tổn thương hết. Cũng tan nát hoa lá hẹ hết.
Mình cũng hay nhớ lời cô y tá dặn, anh Thuần, nếu chóng mặt thì anh đừng di chuyển, cứ nằm lên giường rồi gọi điện, vì tụi em mất khá lâu để mặc bộ quần áo này, trước khi có thể vào giúp anh được.
Tối tối nhìn bầu trời xuyên qua cửa kính, mình cũng hay nghĩ đến cảnh mình sắp chóng mặt, mình sắp không thở nổi. Mọi thứ thật tĩnh lặng, lơ mơ thấy tận đâu đâu những cái băng ca buồn hiu. Thậm chí nghĩ thêm, nếu thở “can thiệp” thì như thế nào? Đã đến lúc con người lu xu bu trong mình nên nghĩ đến chuyện đó.
Một bữa nọ, chỉ có một con chim bay lạc vào phòng thôi cũng làm mình nhớ mãi. Vì toàn bộ phòng là cửa kính nên nó cứ bay vòng vòng. Sẵn trớn cơn buồn rảnh, mình đóng cửa lại xem nó mần răng. Nó cứ bay qua bay lại mà không thể hiểu tại sao không thể thoát ra được. Mình còn nghĩ hay là bắt nó nuôi luôn, khi nào ra viện thì thả. Ở đây cũng buồn. Nếu có nuôi một con chim thì cũng chẳng ai biết.
Từ ngày vào đây, mình ở có mỗi một mình mình, trong một căn phòng trống rỗng mênh mông đầy giường, băng ca và tủ đựng, trong một tầng 4 bệnh viện vắng lặng cũng không thấy ai. Mỗi buổi sáng bác sĩ ghé qua một tí, cô y tá vào tiêm thuốc, hoặc truyền dịch một tí, cô lao công quét dọn xong là không còn ai ghé nữa. Covid mà.
Nên nuôi một con chim cũng giống như nuôi một hy vọng giựt gân, hoặc như nuôi một đứa con, lâu lâu chọc nó cho vui, cái nào cũng giống.
Nhưng nhìn con chim bay cũng tội đành tha cho mày.
Mình mở cửa sổ, nhưng nó cứ đâm đầu vào mấy tấm chắn bằng kính. Cái cửa thì thấp, hạ đường bay một chút, thậm chí đi bộ qua bệ cửa là đã ra đến bầu trời rồi, nhưng nó lại cứ thích bay cao. Đúng là nghịch lý sự đời, huyễn hoặc cho lắm vào, tưởng nhảy dựng như chim là thấy tự do, trong khi chơn lý nhiều khi chỉ yêu cầu làm ơn đi bộ.
Ở đây có một chị lao công cũng thú vị phết. Một bữa chị bảo mình, giọng chắc như đinh đóng cột, anh Thuần, anh nên uống nước ấm, nó sẽ diệt Covid. Nhưng mình đi cấp cứu vội có cái mạng không, có kịp nhớ gì đâu mà lấy nước nóng. (Ờ, nhớ thêm cái cảnh ngồi trên xe cấp cứu lướt qua cái thành phố xơ xác vắng người đầy lá rụng như tấm thân tàn hoa dại này thấy cũng phê). Rồi chị đem đến cho mình một cái bình thủy to, và sáng nào cũng vậy, ghé ngang châm cho một bình nước nóng mới.
Một bữa khác nữa chị lại nói, giọng khá đanh thép, anh Thuần, anh cần phải xông tỏi, nó sẽ diệt Covid. Thế là chị mua giùm mình một bọc tỏi lớn. Mình cũng ráng xông được vài hôm thì lười quá, nhét vào đáy tủ xem như đã xong một cuộc chiến cam go.
Nhưng cuộc nội chiến thì vẫn vậy, còn đó. Mình cứ kẹt lại ở bệnh viện vì mấy cái con Covid như đã nói từ đầu, thật nhỏ mọn hết sức. Xét nghiệm PCR cứ ở ngưỡng 15. Bác sĩ tiêm thuốc truyền thuốc các kiểu, diệt tới diệt lui, chúng vẫn sờ sờ ra đó không chịu chết. Rồi tin buồn cũng đến, hệ miễn dịch của tôi, chúa ơi, nó bằng 0. Điều đó có nghĩa là mình chẳng có gì để chống đỡ cả, thôi thì tạm hát Thanh Tùng làm vui vậy… Khi thấy buồn xin em ghé chơi (cứ tự nhiên). Chim vẫn hót trong vườn đấy thôi. Chỉ có trong tôi, ngày đã sang đêm lâu rồi.
Đó là những ngày buồn bồn chồn quái dị, không biết chừng nào thì cơn bão Cytokine sẽ đến. Mình cứ chờ nó đến như chờ chỉ số SPO2 tụt dưới 95.
Nhưng chị lao công của mình thì không phải vậy. Tinh thần đánh nhau với Covid của chị quả thật hăng say. Chị ra tay lần nữa, chị nói, anh Thuần, anh phải uống nước gừng. Mai tui sẽ mua gừng tươi cho anh. Thiệt cái bà này.
Cuối cùng thì mình cũng tạm thoát nạn Covid mà trở về nhà sau 26 ngày điều trị, công này ngoài nhờ bác sĩ, chắc cũng có phần nhờ phương thuốc của chị lao công.
Một chuyện quái đản khác. Mắc Covid thì cũng đồng lúc mọi thứ tự dưng nhòe nhòe nhoẹt nhoẹt, mình không đọc được nữa, lại buồn tiếp vì phải đeo kính cận.
Rồi mình lại tiếp tục buồn theo kiểu mới, giống như không có nỗi buồn nào bằng nỗi buồn trong lúc chờ cơn bão Cytokine đến vậy. Cứ cách quãng 4 tiếng đồng hồ thì mình đo SPO2 một lần, ghi ghi chép chép vào bảng theo dõi cho bác sĩ. Một bữa, ngực mình bỗng dưng nhói lên, tức ran, chỉ số nhịp tim chỉ còn 39. Mình nhắn tin cho bác sĩ trực rồi nhẹ nhàng nằm xuống giường, nói thầm trong bụng, vậy là nó đã đến rồi, cơn bão Cytokine…
Mình xin khẽ khàng cám ơn các bác sĩ vì riêng tư mà mình không tiện nêu tên ở đây, cám ơn chị yêu của mình, bạn bè của mình và cả bạn bè của vợ mình, các cô chú, dì, cậu… các anh chị trong cơ quan báo Tuổi Trẻ đã quan tâm giúp đỡ mình rất nhiều trong thời gian qua… và cả vợ yêu nữa.
Bây giờ thì mình lại tiếp tục… cách ly 14 ngày. Thế giới này đã đóng lại với mình từ lúc nào không biết nữa. Chắc là lại phải tìm một thú vui khác để lấp vào.
1/10/2021
Nguyễn Ngọc Thuần
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...