Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Đêm tàn Bến Ngự - Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Đêm tàn Bến Ngự - Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước Phan Anh Dũng

Một bản nhạc nổi tiếng của Nhạc Sĩ Dương Thiệu Tước qua tiếng sáo của Đoan Trang và do anh hòa âm. Tôi xúc động khi nghe lại bản Đêm Tàn Bến Ngự  trong một đêm thanh vắng cuối Thu. Tiếng sáo nghe thật buồn và sâu lắng với một kỹ thuật điêu luyện. Tôi nhớ mang máng Đoan Trang là trưởng nữ của cố Nhạc Sĩ Nguyễn Đình Nghĩa, người được mệnh danh là “Tiếng Sáo Thần” trong làng âm nhạc Việt Nam trước 1975. Tôi nhớ nhất là bài Ông thổi sáo giả chim Phụng đang múa, thật tuyệt diệu. Khi qua định cư tại Hoa Kỳ, Ông và gia đình có đi trình diễn nhiều nơi, trong đó có Richmond, nơi tôi cư ngụ. Hôm ấy, Ông đại diện Cộng Đồng Việt Nam trình diễn với nhiều nhạc sĩ Á Châu nổi tiếng. Còn về Nhạc Sĩ Dương Thiệu Tước, tôi thích nhất bản Chiều với thể điệu tango nhẹ nhàng lời thật hay và một số các bài như Ngọc Lan, Bóng Chiều Xưa, Thuyền Mơ, Tiếng Xưa, Ơn Nghĩa Sinh Thành ...  Vì Ông là phu quân của danh ca Minh Trang (mẹ của Ca sĩ Quỳnh Giao) và tác giả của bài Đêm Tàn Bến Ngự nên tôi cứ ngỡ Ông là người sinh trưởng ở đất Thần Kinh!
Mời quý vị đọc bài viết về 2 Nhạc Sĩ tài ba Dương Thiệu Tước và Nguyễn Đình Nghĩa (bấm vào tên để vào trang riêng) và nghe lại vài bản nhạc của họ.
Bấm vào tên người trình bày để nghe Đêm Tàn Bến Ngự:
                       Tiếng sáo: Đoan Trang (Hòa âm: Nguyễn Ngọc Châu)       Tiếng hát: Ánh Tuyết  
Đêm Tàn Bến Ngự 
Dương Thiệu Tước
Lời 1:
Ai về bến Ngự cho ta nhắn cùng 

Nhớ chăng non nước Hương Bình! 
Có những ngày xanh, 
Lưu luyến bao tình, 
Vương mối tơ mành!

Hàng cây soi bóng nước Hương, 

Thuyền xa đậu bến Tiêu Tương 
Lưu luyến thay phút say hương dịu buồn. 
Nhưng thoảng nghe khúc ca Nam Bình sầu than! 
Như nức nở khóc duyên bẽ bàng! 
Thấp thoáng trăng mờ, 
Ai than ai thở đời vui chi trong sương gió. 
Ai nhớ thương ai! 
Đây lúc đêm tàn, tình đã lạt phai.

Thuyền ơi đưa ta tới đâu ? 

Tìm trăng, trăng khuất đã lâu, 
Sương xuống trên bến cô liêu, thêm sầu. 
Bèo nước gió mây đêm ngắn tình dài. 
Có ai nhớ, ai nơi giang đầu.

Lời 2:
Ai về bến Ngự cho ta nhắn cùng. 

Bến xưa non nước Hương Bình 
Những phút tàn canh 
Vương vấn bao tình, 
Ai rứt sao đành.

Thuyền mơ trong khúc Nam Ai, 

Đàn khuya trên sông ngân dài. 
Ai luyến ai tiếc khúc ca Tần Hoài! 
Ôi! vẳng nghe tiếng ai âm thầm trầm ngân 
Như nhắn nhủ mối duyên thờ ơ, 
Sông nước lững lờ, 
Ai mong ai chờ đời vui chi trong sương gió. 
Đây phút cô đơn 
Ai oán cung đàn sầu vọng trần gian.

Thuyền ơi, đưa ta tới đâu! 

Hồn thơ vương vấn canh thâu, 
Thương tiếc chi phút bên nhau thêm sầu. 
Bao kiếp giang hồ ly biệt thường tình. 
Có ai nhớ ai nơi Hương Bình

     Vài dòng về cố Nhạc Sĩ Dương Thiệu Tước (1915-2005)
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sinh ngày 14.01.1915. Quê ông ở làng Vân Đình, quận Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây). Xuất thân từ một giòng họ khoa bảng. Ông là cháu nội cụ Dương Khuê (1836-1898). Cụ đỗ Tiến Sĩ và làm quan dưới triều Nguyễn. Cụ cũng là một nhà thơ có tiếng trong văn học Việt Nam. Thân phụ ông là cụ Dương Tự Nhu làm Bố Chánh tỉnh Hưng Yên. Mang máu nghệ sĩ trong người, ông chọn con đường âm nhạc ngay từ lúc ấu thơ. Có cái may là cụ Dương Tự Nhu là người trọng văn học, không coi âm nhạc là "xướng ca vô loại", nên ông đã được khuyến khích học nhạc từ lúc còn nhỏ. Cụ Nhu mua cho ông đàn Nguyệt lúc ông 7 tuổi. Ngoài đàn Nguyệt ông còn học thêm đàn Tranh tại các bậc thầy miền Trung. Đến lúc 14 tuổi, ông bắt đầu chú ý đến nhạc Tây Phương và chuyển qua học đàn dương cầm với một thầy người Pháp. Lúc 16 tuổi ông học thêm lục huyền cầm (tây ban cầm), nhạc cụ sở trường của ông. Sau này ông trở thành một cây đàn guitar có hạng tại Việt Nam và đồng thời là giáo sư tại Viện Quốc Gia Âm Nhạc Việt Nam dạy đàn này cho vô số các nhạc sĩ của thế hệ sau. Ngoài tây ban cầm ông còn tự học thêm đàn Hạ Uy Di. Cũng như ông, các nhạc sĩ Việt Nam cùng thời đều tự học, mua sách của Pháp về rồi tự học hay học hỏi lẫn nhau. Họ đều không có cơ hội theo học tại trường âm nhạc nào.
Mặc dù học nhạc, kỹ thuật sáng tác nhạc Tây Phương, nhưng các tác phẩm của ông vẫn đượm hồn dân tộc, đúng như báo Thời Nay lúc đó kêu gọi. Trong một ấn phẩm viết tay, ông ngỏ ý: "Theo tôi, tân nhạc Việt Nam phải thể hiện rõ cá tính Việt Nam. Để đạt được điều này, người sáng tác phải hiểu rõ nhạc Việt qua cách học nhạc cụ cổ truyền cũng như hát được các điệu hát cổ truyền“.
Các nhà phê bình nhạc cho rằng ý nghĩ này đã được thể hiện rõ trong các tác phẩm Tiếng Xưa  và Đêm Tàn Bến Ngự. Theo các nhà khoa học nghiên cứu âm nhạc thì bài Đêm Tàn Bến Ngự được viết dựa theo các điệu Nam Bình, Nam Ai nổi bật cá tính của Huế. Những sáng tác khác của ông trong những năm cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950 phải kể Kiếp Hoa, Áng Mây Chiều, Nhạc Ngày Xanh, Dưới Nắng Hồng, Xuân Mới, Thiếu Niên Xuân Khúc Ca, Thuyền Mơ, Đêm Tàn Bến Ngự ...

Theo Phùng Quốc Thụy nhận xét, Dương Thiệu Tước "là người có dáng vẻ rụt rè ít nói, không ưa sự phô trương ầm ỹ, nhưng lại là người sốt sắng nhất trong việc xây dựng, cổ động, phổ biến nền tân nhạc mọi hình thành, với mọi hình thức: sáng tác, biểu diễn, xuất bản, đào tạo, lý luận, phê bình“. Ông cũng viết các bài tham khảo cho tập san VIỆT NHẠC. Ông thành lập Hội KHUYẾN NHẠC cùng với nhạc sĩ Thẩm Oánh để cổ động và phổ biến nền Tân Nhạc Việt Nam. Cũng cùng với Thẩm Oánh ông thành lập ban nhạc đặt tên là MYOSOTIS (Hoa Lưu Ly). Ban nhạc thường chỉ chơi tại nhà riêng, rất ít khi trình diễn nơi công cộng.
Năm 19 tuổi, ông lập gia đình với bà Lương Thị Thuần và có được 3 gái và 2 trai.
Năm 1940, lúc đó ông 25 tuổi, ông mở cửa hiệu bán và sửa chữa đàn tại 57 Hàng Gai, Hà Nội. Cửa hàng sau đó phải đóng vì chiến tranh. Những sáng tác của Dương Thiệu Tước trong thời điểm này phải kể Ngọc Lan, Chiều, Bóng Chiều Xưa....
Năm 1954 lúc đất nước chia đôi, ông vào Sài Gòn sinh sống. Tại đây, ông thành hôn với Bà Minh Trang, xướng ngôn viên và ca sĩ của Đài Pháp Á. Ông và Bà Minh Trang có thêm 4 gái và 1 trai. Từ giữa thập niên 60 qua thập niên 70 trở đi ông bớt sáng tác. Tác phẩm có tiếng phải kể lúc này là Ơn Nghĩa Sinh Thành.
Tại Sài Gòn, ông làm Chủ Sự phòng văn nghệ tại Đài Phát Thanh Sài Gòn đồng thời được mời làm giáo sư dạy Tây Ban cầm tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc. Đã cả chục năm trôi qua nhưng vẫn ấp ủ ý nguyện hội nhập cá tính và hồn Việt Nam vào tân nhạc, ông cho ra đời một chương trình có tên là CỔ KIM HÒA ĐIỆU, phát thanh thường xuyên tại đài Phát Thanh Sài Gòn những năm cuối thập niên 1950. Trong chương trình này ông xử dụng cả hai nhạc cụ Tây Phương và cổ truyền Việt Nam để trình diễn tân nhạc Việt.

Các tác phẩm của ông bị coi là nhạc lãng mạn, ủy mị nên bị cấm phổ biến, không ai được trình diễn nhạc của ông. Ông cũng ngưng dậy học tai trường Quốc Gia Âm Nhạc. Ít lâu sau đó Bà Minh Trang cùng con cái sang Hoa Kỳ. Ông ở lại Sài Gòn. Bà Lương Thị Thuần, năm 1979 đã qua CHLB Đức đoàn tụ với gia đình người con trai cả của bà.
Đầu thập niên 1980 ông về chung sống với Bà Nguyễn Thị Nga tại quận Bình Thạnh, nguyên là một học trò của ông lúc bà theo học đàn guitar tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc. Năm 1983, ông có thêm một con trai với bà Nga.
Ngày 01.08.1995: ông đã vĩnh viễn ra đi, hưởng thọ 80 tuổi. 
Thủ Bút của Dương Thiệu Tước 
 Viết cho thi sĩ Cao Tiêu

                                           


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau"

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau" Mà thơ là nợ, mà tình là đau là câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tặng bạn anh, nhà th...