Nắng và Chiều về trên sông
Nắng
Một ngày đầy nắng trải
dài giữa tháng Ba của miền Đông giá lạnh. Gió ẩn mình sau những tán lá xanh
thỉnh thoảng lại đong đưa những nụ hoa vừa chớm sau một giấc ngủ đông dài. Dưới
lớp tuyết chưa tan hoa crocus trỗi dậy xuyên qua lớp cây lá mục ửng lên một sắc
màu biêng biếc mang dấu hiệu mùa xuân sắp trở về. Nắng đem cái ấm áp ngọt ngào
của mùa xuân tràn qua khung cửa rộng xua tan lớp màu xam xám buồn còn vương lại
của ngày đông trên những mái nhà trên phố. Nắng trốn trong từng góc khuất.
Nắng tràn xuống lòng đường. Nắng ngự trong mắt ta reo vui bài ca của nắng. Nhẹ
nhàng lắm nhưng vẫn đủ ấm để làm mềm lòng người, để hồn người tan theo sắc màu
trong trẻo ấm áp của mình. Người đón nhận nắng với lòng xôn xao như thể
vừa gặp lại một người thân lâu ngày đến thăm. Không có cái tình nhàn nhạt giữ
kẽ như mối quan hệ sơ giao của tuyết. Nắng đầm ấm, nồng nhiệt hơn nhiều vì chỉ
có người mới tự làm ra nắng cho mình, từ những gì mỉnh đã nhận được từ nắng.
Thiên nhiên đem đến
đời sống nhiều chọn lựa. Con người nhẹ lòng lắm nên đôi khi cũng đặt nỗi niềm
riêng vào những ngày mưa nắng mà đất trời trao tặng. Bạn chọn ngày mưa, tôi
chọn ngày nắng. Chia xớt cho nhau cái đẹp của tạo hoá mà thấy lòng vui nhiều vì
khoảng trống giữa ngày cũng chẳng còn chỗ cho những muộn phiền vặt vãnh chen
vào. Thế nên ngoảnh lại nhìn vào những ngày mưa nắng vẫn thấy kỷ niệm luôn làm
mình ngẩn ngơ.
Chợt nhớ có những
lần đi dưới tàn cây rợp lá mà thấy nắng như vỡ ra dưới chân mình. Tay chạm
vào nắng, nắng tràn vào mắt, miên man trên tóc rối, ngập ngừng nơi làn môi cứ
như mình đang có hẹn hò với nắng vậy. Nắng có khi dịu dàng như một cô dâu mới
nhưng cũng có khi gắt gao chẳng kém gì một bà mẹ chồng khó tính.
Bây giờ đang là nắng
tháng Ba thì thế, kéo đến tháng Bẩy vào hè lại hầm hập nóng bức người.
Những buổi trưa nồng im gió, nắng lại đưa đẩy đôi tay mẹ quạt kéo từng luồng
gió mát về cho con ngủ. Chén chè đậu đen ngọt bùi mẹ rẩy vào vài giọt hương dầu
chuối làm đứa trẻ tỉnh giấc trưa hè. Ngoài hiên tiếng rao của người gánh hàng rong
như lịm đi vào nắng quái. Tôi đã có những ngày neo lòng ngủ yên trong những vạt
nắng đó. Đến khi khôn lớn lại thêm một thời khăn gói lang thang đi tìm sự bình
dị mà nơi thành phố đã trở nên hiếm hoi. Trở về một buổi trưa hè nơi thôn dã,
cùng nhóm bạn mải miết vào xóm quê đi tìm mẫu vẽ. Bạn thì thầm vào tai, đi
theo mình sẽ có hình mẫu đẹp lắm. Hai đứa len lỏi qua con đường đê khô nứt nắng
ran rát đầu trần, con trâu già ngâm mình dưới vũng lầy đẫm nước lim dim ngủ.
Mùi rơm rạ, mùi cỏ luá thoang thoảng theo gió đẩy đưa những giọt nắng vỡ ra rồi
ghép lại bên hàng tre già lao xao gió. Giữa buổi trưa hè yên ắng, người mẹ
nằm trên cánh võng đưa kẽo kẹt cất tiếng ru con “Ầu ơ… gió đưa bụi chuối sau
hè…” buồn rười rượi. Ngoài bờ ao bất chợt có tiếng gà trưa tao tác dẫn đàn con
đi tìm mồi. Bạn quay lại nhìn tôi mỉm cười đắc thắng. Cho đến bây giờ tôi vẫn
luôn tin vào lời bạn nói ngày ấy vì rằng đó vẫn luôn là hình ảnh đẹp nhất về
nắng mà tôi còn lưu giữ cho đến giờ.
Hình ảnh làng quê luôn
trở về trong tôi cùng với nắng. Như tận cùng ở một nỗi sâu thẳm của tâm hồn là
hai tiếng quê hương. Cái nghèo lam lũ của những ngày mưa bão để nắng được tượng
hình như là nỗi ước mơ về một đời sống thanh bình, no đủ. Có lẽ những gian
truân vất vả của đất nước tôi sẽ mãi luôn là tiếng gọi vô hình đưa tôi về đến
cội nguồn. Khao khát đất trời rộng lớn, tìm tòi cái đẹp hoàn mỹ nhưng rồi cũng
nặng lòng mà thương về vạt nắng đổ ban trưa chênh chếch bên hè.
Vẫn còn một đứa trẻ
năm xưa mang trong lòng lời ru của mẹ mà xôn xao cùng nắng.
Lời mẹ ru – Nhạc sĩ:
Trịnh Công Sơn – Ca sĩ: Khánh Ly
Ca sĩ: Bảo Yến
Chiều buông trên dòng
sông Cửu Long
Như một cơn ước mong,
ơi chiều
Về đâu ơi hàng cây gỗ
rong
Nghiêng mình trên sóng
sông tiêu điều…
Vào năm 1956, nhạc sĩ
Phạm Duy đã đưa một buổi chiều lặng lẽ mênh mang như thế vào dòng âm nhạc trữ
tình ngọt ngào về quê hương Việt Nam. Lời nhạc mộc mạc như chính tâm hồn đôn
hậu tinh tế của người nghệ sĩ đã làm rung động người nghe khi nhớ về một dòng
sông quê, con sông Cửu Long của miền Tây Nam bộ.
Đó là một buổi chiều “theo
đò ngang quá giang thương chiều” mà viết nên nhạc. Theo nhạc sĩ Phạm Duy
đây là một bài được phân loại Tình cảm thiên nhiên dựa trên cấu trúc luật viết
nhạc Ngũ cung gồm các nốt Do, Mib, Fa, Sol, La được gọi là cung Oán để tạo nên
sự luyến tiếc da diết thương cảnh nên tình. Những cảm xúc trong lời hát rất
thật rất gần. Nỗi bâng khuâng lửng lơ của ráng chiều tà, hàng cây gỗ rong buông
trôi theo dòng đời vô định đã khiến lòng người nhớ, tình người thương cho một
kiếp sống giang hồ không bờ bến. Sự thành công của bản nhạc không thể nào phủ
nhận được hơn nửa thế kỷ qua. Cho đến ngày nay dù dòng sông quê ngày xưa chỉ
còn trong ký ức nhưng đã bao lần tôi không thể kéo mình ra khỏi cái cảm xúc lơ
lửng giữa ranh giới tình cảm của nỗi buồn khi nghe nhạc phẩm này.
Bởi vì chiều buồn chiều về dòng sông
Bời vì tình đời nào chỉ thù oán
Nối kết giữa các
nốt La, La giáng trở thành một khúc ngân buồn da
diết, man mác nỗi lòng người tha hương ôm ấp tình thương nhớ quê nhà. Người nơi
dòng sông này mà nhớ thương một dòng sông kia xa tắp ở một đầu đất nước. Bởi
đây là thời gian nhạc sĩ Phạm Duy cũng như triệu người dân miền Bắc vừa rời
khỏi con sông xưa, làng quê cũ của mình để di cư vào miền Nam sinh sống. Lòng
thương nhớ đâu chỉ cô đọng vào cảnh ráng chiều mênh mông đổ trên dòng sông có
con thuyền dập dềnh xa bến. Sự mênh mông trong âm vực từ Do đến Fa được
lập lại đến hai lần như một khẳng định về nỗi niềm hy vọng tha thiết vào mảnh
đất mới với đời sống an lành nơi miền Nam trù phú.
Bởi vì đời còn nhiều khi là mơ
Bởi vì đời còn nhiều
khi thành thơ
Tuy bài nhạc được cấu
trúc bằng âm hưởng nhạc cổ điển Châu Âu, nhưng giọng hò luyến láy của miền sông
nước lại được đưa vào câu hát bốn chữ thật bất ngờ mà vẫn giữ được nét hài hòa
khi chuyển âm giữa hai dòng nhạc Đông Tây.
Bởi vì thương nhiều
Nên nhớ (ơ) tình yêu…
Vì sao con đò ngang
thả trôi câu hò đằm thắm đến bất chợt như thế khi những câu đầu rất đối xứng
của phiên khúc đang bình thản trôi theo con nước ban chiều rộng rãi nhẹ nhàng.
Đến đây mới vỡ oà nhận ra. Cái nỗi niềm làm sao giấu nổi…
Có khi vui lửng lơ
Có khi tuôn sầu u
Đời sống người nhạc sĩ
gắn bó với quê hương như một dòng sông thầm lặng miên man chảy, một đời ca nhân
dạt dào con sóng cảm xúc u hoài đã tan thành giai điệu bất tử hòa vào sông làm
thành lớp phù sa ngọt ngào nuôi nấng tình người.
Hãy cất tiếng ca cho
đời thêm buồn
Các nốt giáng biến
chuyển bồng bềnh trong dòng nhạc làm thành con sóng ru đưa đẩy dòng đời đã vốn
buồn vào chốn xa xăm bất tận của một kiếp nhân sinh. Hòa mình vào dòng chảy của
sông để nhận ra bản thể của chính mình, để được trở về đắm mình bên sông nhìn
con nước ròng trở về vỗ về ru giấc quê hương.
Về đây bọt bèo muôn
khắp nơi
Vui buồn cho có đôi
không nhiều
Ngày mai sông về quê
mến yêu
Cho trùng dương cũng
theo hương chiều
Bể sầu không nhiều
nhưng cũng… đủ yêu
Cuối cùng một thông
điệp yêu thương đã lan toả trong hương chiều.
Hãy tựa vào nhau để
được yêu, được sống.
Nguyên Tú My
Chiều về trên sông –
Nhạc sĩ: Phạm Duy – Ca sĩ: Đức Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét