Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Nghe “Chiếc lá thu phai” chợt thấy “chập chờn lau trắng trong tay”

Nghe “Chiếc lá thu phai” chợt thấy 

“chập chờn lau trắng trong tay”

Chiếc Lá Thu Phai - Khánh Ly

Chiếc Lá Thu Phai - Tuấn Ngọc

Ngày đông giá. Gió mùa đông bắc tăng cường về gào rú suốt đêm ngoài ô cửa nhỏ. Buổi sáng mở cánh cửa ra, hơi lạnh túa vào tái tê mặt mũi, tâm hồn. Bầu trời xám xịt một màu hiu quạnh. Cây cối trơ ra héo hắt trong cái rét căn cắt. Chợt thấy những cây lau trên cái trần bể nước nhà trước mặt trổ những bông trắng xám mang nặng một màu đìu hiu, quạnh quẽ. Những bông lau hoang sơ lạc loài giữa một thành phố hiện đại tấp nập, xô bồ. Nhưng trong cái buổi sáng giá rét, hiu hắt mùa đông này, nó làm lòng ra lặng đi. Bởi những giai điệu và ca từ thân quen của Trịnh từ đâu vọng về:
Người đâu mất người
Đời tôi ngốc dại
Tự làm khô héo tôi đây.
Chiều hôm thức dậy
Ngồi ôm tóc dài
Chập chờn lau trắng trong tay.
          Cuộc đời vốn vô thường và kiếp sống của con người chỉ là những ngày ngắn ngủi “ở trọ trần gian” mà thôi. Cho nên một kiếp người cũng mong manh như là một “chiếc lá thu phai”, một chiều nào đó rụng cành trong cảm giác hư hao, nhỏ bé. Cái lẽ hợp tan, còn mất, hạnh phúc hay khổ đau là tất yếu. Bởi một ngày nào đó, một buổi chiều buồn tênh thức dậy sau giấc ngủ dài/ sau giấc ngủ vừa thấy chập “chờn lau trắng trong tay” của sự ra đi nay mai…
           “Chiếc lá thu phai” là một ca khúc mang đậm triết lý về thân phận con người, về cái đời sống hằng thường, nhỏ bé của con người trong cái vô thường, bất tận của đời. Ngay từ mở đầu bài hát, ta đã thấy một tâm trạng nhiều tiếc nuối, ngậm ngùi trong khoảnh khắc ngoảnh lại, đoái nhìn cuộc đời đã qua:
Về đây đứng ngồi
Đường xa quá ngại.
Để lòng theo chút nắng bên ngoài.
Mùa xuân quá vội
Mười năm tắm gội
Giật mình ôi chiếc lá thu phai.
          Cảm giác trỗi nhất mà những ca từ này đem lại là cảm giác về thời gian – thời gian trôi chảy không ngừng. Mười năm trôi đi nhanh chóng với bao biến thiên, mùa xuân cũng vội vàng qua. Ngồi nhìn lại khoảng thời gian trôi đi và những gì đã mất, ta chợt giật mình thấy đời cũng mong manh như một chiếc lá thu phai, như một hạt bụi nhỏ nhoi. Thân phận và cả sự hiện hữu của mỗi cá nhân cũng thật hư ảo. Người về ngoái nhìn lại chặng đường đã đi qua với bao ngại ngùng, nhớ tiếc. Cuộc đời thật quá ngắn ngủi và tất cả rồi sẽ phôi pha, tàn tại. Sự hiện hữu của kiếp người cũng như trăm ngàn thứ khác chỉ là khoảnh khắc. Tất cả rồi sẽ lụi đi, rồi sẽ rơi tàn để thành ảo ảnh. Nghe những ca từ này, ta chợt nhớ tới những lời thơ của Vạn Hạnh Thiền sư dạy đệ tử:
                                      Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
                                      Vạn vật xuân vinh, thu hựu khô
                                      (Thân như bóng chớp có rồi không
                                      Cây cối xuân tươi thu não nùng)
          Không có gì là miên viễn trong cuộc đời này. Nhìn lại hành trình đã qua và hành trình sắp tới chỉ là những cuộc lãng du kéo dài. Chút nắng bên ngoài kéo ta ra khỏi cái thực tại, đưa ta về cơn mộng vê, đi lại trên đường ranh giới của thời gian thực tại và quá khứ. Và trong cơn giật mình bừng tỉnh kia, ta biết ta đã mất đi nhiều lắm, ta mới chiêm nghiệm thấy những nghĩa lý sâu xa của đời sống:
Người đâu mất người
Đời tôi ngốc dại
Tự làm khô héo tôi đây.
Chiều hôm thức dậy
Ngồi ôm tóc dài
Chập chờn lau trắng trong tay.
          “Đời trôi chảy tình ta không vĩnh viễn” – ngày trước ông hoàng thơ tình Xuân Diệu đã viết như thế trong nỗi buồn và cái nhìn khá bi quan về tình yêu. Thì  nay, Trịnh cũng khắc sâu cái mầm biệt ly, cái nỗi mất mát trong tình yêu ấy. Trong vòng xoáy vô cùng tận của số phận, trong cái lẽ vô thường của cuộc đời, trong cái sự chảy trôi nghiệt ngã của thời gian thì không có gì vĩnh viễn. Tình yêu đi, người tình xa, hạnh phút mất. Và cả một phần con người ta cũng bị bào mòn, phai nhạt theo thời gian. Những tiếc nuối và những nỗi đau, những tổn thương và mất mát, những đắng cay và hạnh phúc đã đưa ta đến cuộc đời này, cho ta nếm trải. Để rồi ta mất tất cả, để rồi tất cả tan biến. Ta quá hữu hạn và bé nhỏ, ta quá ngốc dại để chạy theo những ảo tưởng mông lung, để đi tìm những gì xa xôi, lý tưởng. Ta cứ đi loanh quanh cho đời mỏi mệt.
      Và ta đánh mất người, đánh mất ta, ta xa anh, xa em, xa ta trong khoảnh khắc. Ta ngốc dại và tự làm khô héo ta. Ta chỉ là một cây sậy mong manh với trí nghĩ nhỏ nhoi làm sao nhận ra lẽ vô thường của đời, làm sao biết sống trong từng sát na của đời sống thường nhật. Ta đánh mất tình và đánh mất ta để rồi một ngày ta u hoài, than thở trong “tình nhớ”, “tình sầu” vì “tình xa”. Một buổi chiều, tóc trắng như vôi ta mới thảng thốt nhận ra cái thân phận mong manh của một – kiếp – sống – con -  người. Hình ảnh “Chiều hôm thức dậy/ ngồi ôm tóc dài/ Chập chờn lau trắng trong tay” gợi ta nhớ đến những ca từ trong “Cát bụi”:
                                      “Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày ”
          Trong cảm thức thời gian và thân phận con người của Trịnh Công Sơn, ta luôn luôn bắt gặp hình ảnh một con người đi và về trên hành trình vô tận, trong một bi kịch tâm trạng của những lỡ làng, xót tiếc. Phải chăng vì thế mà ông đã viết hẳn một ca khúc là “Một cõi đi về”? Và ở “Chiếc lá thu phai” ta cũng gặp cái hành trình đi về trên con đường đời thiên lý, vô tận đó. Dĩ nhiên, cái vế đi đã bị giấu kín, chỉ được gợi ra trong cái vế của con người trở về:
Về thu xếp lại
Ngày trong nếp ngày
Vội vàng thêm những lúc yêu người.
Cuồng phong cánh mỏi
Về bên núi đợi
Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay.
          Dường như cái bi kịch lỡ làng của tâm trạng kia là khởi nguồn từ những muộn màng trong đời. Khi anh trở về thì thu đã xếp lại, mùa đã qua, chỉ còn héo úa, tàn tạ. Vội vàng yêu người rồi đành nhìn người ra đi, chấp nhận nỗi đau mất người. Dù có vội vàng, cuống quýt đến mấy thì anh cũng đâu níu giữ được người, níu giữ được đời, níu giữ được chính bản thân anh. Những ca từ như trĩu xuống, như một tiếng thở dài than van, buồn bã, đầy cô đơn và tuyệt vọng. Tất cả đã trở nên mỏi mệt, rã rời. Cuồng phong cánh cũng đã mỏi. Tất cả bây giờ chỉ còn là đợi chờ, đợi chờ một kết thúc, đợi chờ một ngày sau cho “sỏi đá cũng cần có nhau”.
          Mỏi mòn vì chờ đợi nên đá cũng đáng thương vì đá mang nỗi ngậm ngùi ngàn năm. Hình ảnh này gợi ta liên tưởng đến những đá Vọng Phu ngàn năm chờ chồng đi xa làm nên những núi đợi. Những cuồng phong của cuộc đời đã quét sạch tất cả những hạnh phúc, những lúc yêu người. Chính lúc con người bừng tỉnh cũng là lúc họ nghĩ đến kết thúc cuộc đời mình, họ đã thấy lau trắng chập chờn trong tay. Và họ… trở về. Ta như cảm nghe được ở đâu đó những âm thanh ngân vang của ca khúc “Phôi pha” dội về đây:
                                      Thôi về đi
                                      Đường trần đâu có gì
                                      Tóc xanh mấy mùa
                                      Có nhiều khi
                                      Từ vườn khuya bước về
                                      Bàn chân ai rất nhẹ
                                      Tựa hồn những năm xưa
          Nhưng ở “Chiếc lá thu phai”, kết cấu ca từ có đặc biệt hơn bởi có hai đoạn điệp khúc khác nhau. Bản thân ca khúc không có hai lời nhưng lại có đoạn điệp khúc thứ hai như nhấn vào những cảm xúc, cảm giác của con người được bật lên từ những dư âm, những dư ảnh và dư tình trong quá vãng. Quá vãng trở về trong hiện tại, hòa trộn với cái thực tại. Ảo – thực đan xen với nhau để lại những nỗi niềm nhói buốt đến tái tế:
Nằm nghe giữa trời
Giòn vang tiếng cười
Điệu kèn ai buốt trong tôi.
Mùi hương phấn người
Một hôm nhớ lại
Hẹn ngày sau sẽ mua vui.
    Vẫn tiếng cười, vẫn điệu kèn ấy nghe sao mà sắc buốt tâm can. Phải chăng vì nó đã quá xa, rồi nó cũng sẽ chẳng còn mảy may là một bóng hình, hay một dư vang. Tiếng kèn gọi tâm hồn con người trở về thực tại để đi đến cái điểm kết thúc một hành trình đời, một thân phận bé nhỏ, phù du của chúng sinh. Một thoán hương xưa, cũng là chút dư tình còn sọt lại chợt dâng lên trong một ngày tình nhớ khiến con người thấy ấm áp. Một cuộc đời, một kiếp sống khép lại nhưng những hẹn hò thì không hẳn đã khép. Lời chia tay đã nói nhưng biết đâu ngày sau sẽ hạnh ngộ. “Hẹn ngày sau sẽ mua vui” – cũng là hẹn hò một cuộc đời mới, một cuộc tình mới. Dẫu biết rằng cuộc đời là khoảnh khắc, thân phận là mong manh, cả tình yêu và hạnh phúc như loài hoa sớm nở tối tàn, nhưng cuộc đời vẫn luôn mở ra nhiều niềm vui và hạnh phúc. Cho nên chính Trịnh Công Sơn đã viết:
          “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa…”
          Và ông cũng khuyên bản thân là “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Bởi “tôi là ai là ai là ai…?” thì cũng yêu quá cuộc đời này.
          Ca sĩ đã ngừng lời. Tiếng nhạc cũng không còn nữa. Song dư vang của giai điệu và ca từ thì còn mãi. Nó như một chiếc lá thu phai mong manh rơi rơi nhè nhẹ trên cuộc đời. Chiếc lá ấy sẽ sàng bay trong chiều heo may cũng đủ làm cho con người ta thức tỉnh, thức tỉnh để giật mình nhận ra “chập chờn lau trắng trong tay”. Dẫu biết rằng, trong cõi đời vô thường này, tất cả chỉ là một khoảnh khắc và tồn tại như một ảo ảnh, như một thứ giả tạm, nhưng dù chỉ là ảo ảnh hư vô hay sự giả tạm thì cũng đủ cho ta một đời sống, cho ta một thân phận, cho ta đi đến tận cùng cái đời sống của ta với mọi cung bậc, mọi thăng trầm. Để rồi, ta tự nghiệm ra một điều quý báu: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.
 Theo ThanhHai's Blog


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang nhìn từ đặc điểm thể loại

  Tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang nhìn từ đặc điểm thể loại Huyền thoại về 61 chiến sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915 ...