Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Ngoài kia không còn nắng mềm, ngoài kia ai còn biết tên…

Ngoài kia không còn nắng mềm, ngoài kia ai còn biết tên…

 Chiều Một Mình Qua Phố - Trịnh Công Sơn - Khánh Ly

          Ngoài kia không còn nắng mềm
          Ngoài kia ai còn biết tên…
        Một chiều hè chủ nhật ngồi buồn, những giai điệu da diết qua giọng ca đầy ma lực của Khánh Ly vang lên khiến mình toát lạnh xương sống. Cả một trời ký ức lãng đãng về trong một cảm giác vừa trong trẻo, vừa u buồn, vừa mơ hồ, vừa hư hao. Nhớ và quên, hiện hữu và nhạt nhòa, quá khứ và hiện tại cứ đan xen, bện quyện như những sợi dọc, sợi ngang trong cảm xúc và nỗi lòng đầy ắp tình nhớ. Những ca từ và giai điệu của bài hát “Chiều một mình qua phố” đưa mình qua phố một mình trong chiều nhớ, chiều buồn, chiều cô lẻ.
          Mỗi lần nghe giai điệu bài hát cất lên, mình đều hình dung ra dáng hình phiêu diêu của một lữ khách qua phố trong chiều nắng nhạt nhòe, bảng lảng. Giai điệu của bài hát như mô phỏng bước chân của một người đang lặng lẽ qua phố trong chiều thương, chiều nhớ, chiều cô liêu, hoang lạnh.
          Chiều một mình qua phố
          Âm thầm nhớ nhớ tên em
          Có khi nắng khuya chưa lên
          Mà một loài hoa chợt tím
          Chiều một mình qua phố
          Âm thầm nhớ nhớ tên em
          Gót chân đôi khi đã mềm
          Gọi buồn cho mình nhớ tên
          Bước chân của kẻ phiêu lãng kia vẫn qua những con phố quen, vẫn trong chiều nắng nhưng sao xa lạ, nhưng sao lạnh lẽo và trống vắng. Con phố xưa, nắng khuya chưa lên nhưng loài hoa đã chợt tím gọi lên nỗi buồn, gọi lên niềm nhớ. Mỗi hình ảnh đều gợi ra một dư ảnh xa, một dáng hình xưa về em, về mối tình xa, tình nhớ. Điệp khúc “âm thầm nhớ nhớ tên em” tạo ra một nốt nhấn, một vết cắt ngang lòng tràn đầy xúc cảm buồn vương, nhớ nhung cho ca từ, cho giai điệu. Những giọt ghi ta đệm cho bài hát cứ từ từ vang vọng, ngân nga nhẹ nhàng, lan tỏa mà lắng sâu, thấm thía, khắc khoải. Cái lặng lẽ âm thầm trong nỗi nhớ tên em mà lại vô cùng da diết, thắc thỏm. Nỗi nhớ ấy, chút dư hoài như được tãi ra, vang mãi theo những nốt nhạc, mênh mang theo chiều, theo những con phố vắng. Sự hòa điệu của những hình ảnh và màu sắc, của động thái tâm hồn với động thái thân thể tạo ra bao rung động u hoài, buồn man mác, nhớ mênh mang. Gót chân kia không chỉ bước nhịp theo chiều mà nó mềm đi, nó “gọi buồn cho mình nhớ tên”. Nhớ - buồn – cô liêu là ba động thái, ba hợp âm chủ đạo trong cảm xúc của bài hát.  Tất cả đong đầy bao tình, bao xúc cảm trong mỗi bước đi trên phố một mình trong chiều nắng vắng.
     Bước chân phiêu diêu theo dòng nhớ về chiều xưa, về tình xưa, về chút mơ phai của em trong chiều một mình qua phố. Đoạn điệp khúc đã đẩy nỗi nhớ lên cao trào đồng thời gieo những nốt nhạc của tuyệt đỉnh nỗi cô đơn 
Chiều qua bao nhiêu lần môi cười. 
Cho mình còn nhớ nhau
Chiều qua bao nhiêu lần tay rời
Nghe buồn ghé môi sầu
Ngày nào mình còn có nhau
Xin cho dài lâu
Ngày nào đời thôi có nhau
Xin người biết đau
          Những tỳ vết của tình yêu hằn in rõ rệt trên mỗi ca từ. Chiều xưa và chiều nay nhập nhòe, hòa lẫn trong sắc nắng, trong nỗi buồn. Những môi cười, những tình tứ, những hạnh phúc bên nhau đan xen cùng những lúc tay rời, chia ly, môi sầu. Đoạn ca từ ngắn mà cất chứa bao suy nghiệm, bao nếm trải của tình yêu. Đó là tình yêu mang vị ngọt môi cười và tình yêu mang vị đắng biệt ly trên môi sầu. Nỗi nhớ tình xa, những dư ảnh và dư tình trong chiều một mình qua phố làm những sợi dây tâm hồn rung lên khe khẽ. Để rồi, ta nhắn nhủ nhau: “ngày nào mình còn có nhau/ xin cho dài lâu/ ngày nào đời thôi có nhau/ xin người biết đau”. Lời nhắn kia là chút tinh thật thà, nồng cháy của một tình yêu mang nhiều dự cảm rạn vỡ. Đâu phải thể non hẹn biển, đầu bạc răng long, chỉ cần một ngày có nhau cũng dài lâu bền chặt; và khi đời thôi có nhau xin người biết đau. Biết đau để nhớ, biết đau để yêu, biết đau để hy vọng, biết đau để trân trọng tình yêu của một ngày, một thời và mãi mãi. Khi người ta còn biết xót, biết đau là khi người ta vẫn biết trân trọng, nâng niu tình cảm và hạnh phúc. Chất triết lý ở ngay trong những lời ca giản dị, đời thường của kẻ tình xa.
          Hình ảnh trong những lời ca này vời vợi cảm hứng về thời gian. Dường như nó là một điệu hồn đặc trưng, xuyên suốt trong ca từ của nhạc Trịnh. Chiều quan – thời gian trôi – tay rời – tình xa – hạnh phúc tan theo chiều. Cái cảm quan cô đơn dằng dặc, đổ một bóng dài trong toàn bài hát. Lắng đọng trong thời gian chiều, nỗi nhớ lại mênh mang, chuồi đi theo không gian phố:
  Chiều một mình qua phố
  Âm thầm nhớ nhớ tên em
  Gió ơi gió ơi bay lên
  Để bụi đường cay lòng mắt
  Chiều một mình qua phố
  Âm thầm nhớ nhớ tên em
  Áo xưa chưa quen phong trần
  Đợi mùa thu vàng áo thêm
          Vẫn là những giai điệu quen thuộc, vẫn là điệp khúc “chiều một mình qua phố” của tâm thế một mình lẻ bóng ấy nhưng sao lại gọi mời, sao lại ấn tượng đến thê!? Bước chân vẫn bước trên phố trong chiều nhưng mong gió bay lên để bụi đường cay lòng mắt. Mong một lý do để che đi nỗi niềm bao xót tiếc, buồn vương. Nỗi nhớ, nỗi buồn đã chuyển thành nỗi xót xa, tiếc nuối. Chủ thể mong gió bay lên để bụi đường làm cay lòng mắt bởi mắt của anh đang cay, đang rấn lệ khi nhớ, khi mong, khi hoài tiếc về một chiều đã xưa, về một tình yêu đã xa. Tình nhớ chuyển thành tình sầu. Nhưng không vì thế mà lời ca bớt bay bổng. Tất cả vẫn cất cánh lên bằng những hình ảnh rất đẹp, rất trong, rất sáng, đẹp ngay trong nỗi buồn, trong ngay trong sự âm thầm, sáng ngay trong nỗi hoài tiếc đau đáu. Và một chút hy vọng, một chút dư tình còn vương trong chiều đưa anh về lối xưa. Có lẽ hình ảnh “áo xưa chưa quen phong trần/ đợi mùa thu vàng áo thêm” là hình ảnh gợi nhất, đẹp nhất và ấn tượng nhất trong lời ca từ của bải hát. Nó mang được tính chất trong sáng, tinh khôi của tình xưa – và có lẽ là tình đầu. Nó mang một hy vọng, một ao ước về mùa thu vàng, về áo vàng, về một tình yêu lung linh tỏa sáng trong nắng thu. Em và tình em, do đó hiện về thật sáng, thật đẹp, thật rực rỡ đến kỳ ảo trong cái xưa và nay.
       Theo gót chân mềm của người du tử chiều một mình qua phố, không gian được mở rộng theo đa chiều trong nỗi nhớ. Bước chân càng bước càng trĩu buồn, mang nặng ưu tư, dù đó là bước chân quen, bước chân gần:
Chiều một mình qua phố
Nghe dòng nước vẫn vây quanh
Bước chân nghe quen cũng buồn
Lạy đời xin còn tuổi xanh
          Nỗi nhớ, nỗi buồn đã nhuộm đầy cả không gian. Dòng nước vẫn vây quanh như xưa nhưng nay đã buồn hơn. Bước chân nghe quen cũng buồn. Những gì thân thuộc, quen mến thì cũng đều gợi buồn, một nỗi buồn sâu thẳm. Nỗi buồn ấy là định mệnh, là bản thể, là nỗi buồn nội tại nay túa ra trong chiều, nay sóng sánh lăn chảy trong phố. Nỗi buồn sâu thẳm đã khảm vào một niềm đau khắc khoải, vạn sầu khi bước chân kia tự ngấm, tự thấm thời gian trôi qua và sư hư vô của đời, của tình. Câu hát “Lạy đời xin còn tuổi xanh” bật ra đầy tức tưởi, nghẹn ngào, se xót. Một cái gì mất mất, một cái gì đã chảy trôi, rời bỏ đi mất rồi nên khát vọng càng thêm diết dóng và khắc khổ.
          Để rồi cuối cùng, lữ khách kia mới cảm thấu được tình cảnh của mình. Đó là cái tâm thế “còn một mình trên phố” – cô đơn vò võ trước không gian và thời gian. Trong tâm thế ấy, con người đã cảm nhận được tất cả cảnh và tình trong chiều sâu của nỗi sầu nhớ, mất mát, phôi pha:
  Còn một mình trên phố
  Âm thầm nhớ nhớ tên em
  Ngoài kia không còn nắng mềm
  Ngoài kia ai còn biết tên
          Đọng lại trong những lời ca từ là một nỗi buồn lớn. Một mình âm thầm nhớ tên em, gọi tên em để tri nhận tất cả đã thành quá khứ, thành một tín điều xa xăm. “Ngoài kia không còn nắng mềm/ ngoài kia ai còn biết tên” – tất cả đã thay đổi, đã phôi pha mất rồi. Không còn nắng mềm, không còn chiều xưa, không còn người xưa, tình xưa cũng xa khuất. Chiều không em ta đi về trong quên lãng. Tất cả là màu biệt ly, màu phai tàn. Còn lại một điều hư không, hao gầy. Ta đi giữa đời, đi giữa sự quên lãng. Thanh âm của lời ca cứ văng vẳng trong nỗi đau mất mát, vùi lấp của nỗi im vắng, trống trải, quên nhớ lãng đãng chiều. Nhạt nhòa một bóng hình cái tôi một mình trên phố hẳn in trên nền nhạc, nền ca từ. Em đi, tình xa nhưng nó vẫn vọng về để mãi thành “tình xót xa vừa”, thành một khối “tình nhớ” – nhớ trong sự quên lãng, lặng câm.

          Chiều chủ nhật buồn ngồi nghe “Chiều một mình qua phố” để mình tự soi ngắm mình một mình. Bước chân mình nhiều lần qua phố một mình để nhớ cảnh, nhớ người, để hong lại một chút dư tình xưa nhòe nhạt. Bước chân ta gọi buồn, gọi nhớ, gọi hy vọng, chờ mong. Để rồi ta thảng thốt nhận ra mình một mình cô lẻ, trơ vơ trong chiều vắng. Chợt một ngày kia ta chợt thấy hư vô quanh đời. Tình và nhớ, yêu và lụy, hy vọng và sầu đau, hạnh phúc để chia ly, quên để hoài cảm… tất cả tạo nên bản thể của tìn yêu, tạo thành những hợp âm của bản tình ca bất tuyệt. Và hôm nay, ta đang bước giữa bản tình ca với nhiều thanh âm, nhiều dư vị ấy để biết mình hiện hữu, để cuộc đời còn chút hồng phai trước khi “nhìn lại mình đời đã xanh rêu”.
http://haitrinh1084.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một tiểu thuyết chương hồi mà hiện đại

Một tiểu thuyết chương hồi mà hiện đại (Đọc tiểu thuyết “Chớp mắt luyến thương” – NXB Hội Nhà văn) Bạn đọc đã biết nhiều đến tên tuổi nhà ...