Tà áo năm xưa
Thu đang đến và Thu sắp
qua. Nắng đổ trên khóm cúc vàng nở rộ bên vườn khơi dậy những kỷ niệm của thời
thanh xuân rực rỡ. Hoa cúc vàng tươi dịu dàng mà vẫn kiêu sa như màu áo lụa Hà
Đông trong câu thơ Nguyên Sa “áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc”. Chiếc áo
dài hàng tơ lụa ngày ấy đã làm cho các cô gái càng thêm nét đằm thắm yêu kiều.
Chẳng thế mà bao nhiêu bài thơ, bài nhạc, tranh ảnh về chiếc áo dài đã làm ngây
ngất bao người đặt lòng yêu thương nét đẹp đơn sơ ấy. Thực ra cái tình quyến
luyến chỉ là chút hương thầm lưu giữ bóng dáng kỷ niệm một thời đó thôi.
Nhớ ngày xưa, áo trắng
tan trường. Cổng trường kia cuống quýt bước chân chim. Theo em qua phố giữa “nắng
Sài Gòn anh đi mà chợt mát”. Có môi cười nào e ấp như nụ hoa thơm để ai kia
chợt hoá thành cây si ngớ ngẩn trước cổng trường con gái.
Lòng người yêu hoa sao
tha thiết, có lẽ vì thế mà tạo hoá đã ban cho cúc một sức sống lâu dài. Từ chớm
Thu cho đến đầu Xuân là có thể nhìn thấy những đoá cúc đủ màu sắc rực rỡ trên
đường phố, hay cả trong những mảnh vườn quê xa tắp. Hoa cơ man nào sắc trắng,
vàng, tím, tía… Khi vào Thu hoa biêng biếc dịu dàng đợi đến khi Xuân sang sắc
hoa cứ bừng lên rực rỡ. Trong nắng xuân vàng óng, áo dài gấm, tơ lụa lại tha
thướt trên phố đông người. Hỏi ai đã từng đi qua thời thiếu nữ mà không yêu
chiếc áo hàng tơ thấp thoáng hình bông hoa cúc in chìm nổi trên vải. Thưở ấy cơ
man là kiểu dáng, họa tiết thanh tao quyến rũ phụ nữ thích làm duyên. Nào là
hoa cúc sắc sảo dệt trên hàng tơ, cành trúc thanh mảnh nghiêng nghiêng áo lụa,
mẫu chữ “Thọ” tròn trĩnh hàng gấm dễ thương…Xin được mở một dấu ngoặc nho nhỏ ở
nơi đây, đừng nghĩ rằng chữ “Thọ” chỉ dành riêng cho các vị trưởng lão. Hàng áo
có họa tiết chữ “Thọ” rất được phụ nữ yêu thích vì nét duyên dáng của nó. Chả
thế mà khi Thu về, Xuân đến những chiếc áo dài hàng tơ gấm có mẫu chữ “Thọ” đã
nhan nhản đầy trên phố hay trong sân trường như một lời chúc tết thân thương
thầm kín gửi đến mọi người. Lạ lắm, nếu so sánh những chiếc áo hàng tơ lụa nhà
với những hàng áo đắt tiền ngoại nhập, chiếc aó dài tơ lụa nội hoá vẫn giữ cho
riêng mình một vẻ đẹp khó bì. Dường như chất hàng ấy chỉ để dành riêng cho
người phụ nữ Việt Nam để tôn thêm nét đằm thắm nhu mì vốn có. Chiếc áo mỏng
mảnh phất phơ đôi tà trong gió, thoáng chút e ấp dịu dàng thiếu nữ, thoáng chút
ngọt ngào quyến rũ của người thiếu phụ đương xuân. Gió làm duyên thêm cho tà
áo, áo làm gió trời thêm lồng lộng yêu thương.
Cái đẹp của áo dài là
tâm hồn, là nếp sống của người phụ nữ Việt. Có phải vì nét bình dị an nhiên ấy
luôn làm cho lòng tôi bồi hồi khi nhìn thấy các bậc phụ lão mặc chiếc áo dài cổ
truyền thành tâm cúng bái trước bàn thờ tổ tiên trong dịp lễ tết hay ngày giỗ
chạp. Sẽ cảm nhận nhiều hơn nữa vào sự thành kính trang nghiêm bên làn hương
trầm nghi ngút là chiếc áo màu lam đơn sơ của nhà Phật.
Lại cảm thấy muốn trở về
làm đứa trẻ thơ xúng xính trong tà áo dài, đưọc mẹ nắm lấy bàn tay dẫn đi lể
chùa như những ngày năm xưa.
Nguyên Tú My
Em lễ chùa này
Nhạc: Phạm Duy – Thơ:
Phạm Thiên Thư
Ca sĩ: Khánh Linh – 5
dòng kẻ
Ca sĩ: Lệ Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét