Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

“Vườn xưa” – Âm vương của chút dư tình xưa

“Vườn xưa” – Âm vương của chút dư tình xưa

        Một chút buồn vương, một ít se thắt lòng, màu u hoài bàng bạc, pha trong một sắc trong trẻo, tịch mịch, và đâu đó trong không gian ẩn hiện điệu hồn u trầm, cổ kính đặc trưng của ngôi nhà Việt… Đó là những ấn tượng mong manh, thanh thanh mà luôn hằn trong lòng tôi mỗi lần nghe ca khúc “Vườn xưa” của Trịnh Công Sơn.
         Điệu nhạc của khúc ca cứ chầm chậm trôi trong nét lặng lẽ, mơ màng hơi tối. Lối hát nhẹ nhàng theo điệu slow trữ tình của Thái Hoà khiến mỗi người nghe như cảm nhận từng nốt nhạc, từng lời ca đang tãi dần ra theo chiều không gian. Ta đang bước đi trong không gian vườn xưa của âm thanh, của thi ảnh. Ta đang lạc vào miền hoài cảm của một câu chuyện với bao dư tình xưa cũ, xưa cũ mà không mòn sáo, rêu phong, xưa cũ ở ngay trong cái cảm xúc hiện tại đang lăn đổ, chiếm lĩnh không gian của tâm hồn:
 “Ngoài hiên vắng giọt thầm cuối đông
Trời chợt nắng vườn đầy lá non
Người lên tiếng hỏi người có không
Người đi vắng về nơi bế bồng”
          Nghe những ca từ đầu tiên tôi có cảm giác bình yên, thiền định lạ lùng! Dường như ta đang hoà âm, rung lên những sợi dây đàn của tâm hồn theo giai điệu của một bài thanh ca. Những cảm nhận hình ảnh luôn mách bảo trí tưởng tượng của mình về hình ảnh một con người trở về vườn xưa kiểu như Kim Trọng trở lại vườn Thuý:
“Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”
          Song cảm xúc của những ca từ này không hoàn toàn chỉ mách bảo cuộc trở về hạnh ngộ với vườn xưa của bước chân phiêu lãng lâu ngày để dậy lên lớp sóng lòng của mối tình xưa, của những ẩn ức kỷ niệm về cố nhân. Cảm giác khi bước về vườn xưa là một chút tê lạnh trong “giọt thầm cuối đông”, trong một không khí hiu hắt, lặng lẽ, nhoè ảo, hơi tối xám. Song tia nắng giòn giắn, tươi nồng của một ngày cuối đông đã thắp lên những mầm non sống. Vườn xưa vẫn như xưa của lá non, lộc biếc, của vẻ đẹp thanh tân dìu dịu. Đọc những ca từ này tôi luôn có cảm giác bình yên như bước vào xứ sở của sự siêu thoát, của vườn địa đàng. Cái non tơ của lá nhuộm một màu trong trẻo cho tâm hồn như một chiếc cốc lọc để trung hoà bụi bặm, để làm tan biến những xô bồ, nghiệt ngã đâu đó xa xôi. Một thế giới khác mở ra, thế giới tâm linh hiện hình. Vườn vẫn như xưa trong nét cảnh, trong không khí nhưng tình đâu còn như xưa: “Người lên tiếng hỏi người có không/ Người đi vắng về nơi bế bồng”. Hồi hương hội ngộ với cố viên nhưng lại vô duyên với cố nhân. Hỏi người mà chỉ nghe tiếng nói của tâm khảm lên tiếng “Người đi vắng về nơi bế bồng”. Cuộc trở về đã không trọn vẹn vì có một cái gì đã đổi thay, đã phai phôi đi mất rồi. Ta như nghe thấy một tiếng thở ngậm ngùi, buồn nhớ, buồn tiếc của kẻ trở về. Song buồn mà ta không thấy bi hay sầu rụng rơi. Tất cả vẫn trong trẻo, thanh nhã như một cuộc tiễn đưa cõi lòng, hơi mũi tiếc song chưa phải niềm tuyệt vọng. Bởi sâu thẳm từ trong trái tim kẻ lữ thứ hồi viên vẫn tự nhắn nhủ:
“Đừng phai nhé một tấm lòng son
Thuyền nào đó chở mất thuyền quyên”.
     Hình ảnh con thuyền đầy ám gợi và tự cất trong lòng nó bao suy tư, hoài nhớ, đau tiếc. Con thuyền đưa ta về với vườn xưa nhưng con thuyền ấy cũng chở mất “Thuyền quyên” - người thương của ta về “nơi bế bồng”. Trở về lòng gặp lòng “một mảnh tình riêng ta với ta”. Ở đâu đây không còn người xưa nữa. Song kẻ tình phai kia vẫn tự nhủ lòng, nhủ ai “đừng phai nhé một tấm lòng son”. Ý của ca từ nhờ thế thêm mở rộng sâu sắc. Ta gặp sự gắn kết lòng ngay trong nỗi đau lìa tan, gặp tình chung thuỷ ngay trong nỗi thất vọng, phụ rẫy, gặp tình yêu ở giữa chốn tình phai, tình xa. Lặng lẽ trong vườn xưa, người về ngắm dòng sông, những con thuyền với bao suy tư:
“Với những thuyền buồm lớp lớp ra sông
Xin có lời mừng giữa chén rượu nồng
Với những cuộc tình bão tố lênh đênh
Xin có một lần uống chén muộn phiền”.
          Dòng sông muôn đời vẫn chảy trôi đưa lớp lớp những con thuyền xa bến đậu, đến những phương trời lạ. Con thuyền ấy rời bến xưa để neo đậu nơi bến mới trong pháo đỏ rượu nồng. Những hình ảnh ẩn dụ này mang bao trải nghiệm về nỗi đau tình phụ, tình biệt ly. Mỗi con thuyền ra sông như chở của ta đi một người tình. Và nhìn những con thuyền ra sông, người khách kia không khỏi bùi ngùi vì nỗi đau chia xa. Nhiều người nói “Trịnh Công Sơn là người tình của cuộc sống” quả thật rất tinh và thấm thía. Dù phải chia tay với mối tình của mình nhưng con người ở đây không sầu thảm, bi ai, hờn oán mà vẫn “có lời mừng giữa chén rượu nồng”. Bởi người ấy biết rõ quy luật của cuộc đời: thuyền ra sông rồi thuyền lại quay về bến, thuyền ra sông mới thực là được sống đời sống của thuyền. Còn con người thì ôm trọn trong lòng những muộn phiền, ưu tư. Bao cuộc tình bão tố lênh đênh khiến con người càng thấm hơn những tình tri kỷ, những dư tình xưa cũ cùng cố nhân. Kẻ phai tình ấy “xin có một lần uống chén muộn phiền” để biết tình yêu là mật ngọt và tình yêu là mật đắng. Nuốt muộn phiền để chắt chiu thêm tình yêu với đời.
          Cảnh cũ im lìm, người xưa vắng bòng, người lữ khách hồi cố viên đang ngập dần trong bóng tối cô đơn, hứng những giọt mưa lạnh của cõi lòng bị kiềm toả, không biết ngỏ cùng ai:
“Nhà im đứng cửa cài đóng then
Vườn mưa xuống hành lang tối tăm
Về thôi nhé cổng chào cuối sân
Hờ hững thế loài hoa trắng hồng”
   Cả không gian như lặng dần vào không khí, trong, tĩnh, u huyền, vắng vẻ, heo hắt. Ngôi nhà cửa cài đóng then im lặng đứng như bức tượng đá giữa chốn điu hiu. Cửa đóng then cài nhưng cõi lòng của con người luôn khép kín trong chốn thâm cung của những điều u tịch, của những tiếc thương, hoài vọng, của những mất mát, những chảy trôi, phai tàn không sao trì níu nổi. Và người hồi cố viên ấy lại một lần ly cố viên. Bởi chút hồn người, hồn tình trong cảnh giờ đang nhạt dẫn như bị pha loãng, bị hoà tan, nhoè mờ, thưa vắng đến khi hoàn toàn là ảo ảnh. Những cơn mưa làm hành lang thêm tối tăm, thêm rợn ngợp. Lữ khách cất lời tạ từ biệt ly với cổng chào cuối sân, với loài hoa trắng hồng hờ hững. Khi người xa khuất, khi tình tan trôi thì bông hoa, chiếc lá sống giữa sa mạc hoang liêu, lạnh lẽo, buồn vương:
“Chào chiếc lá nằm giữa vườn hoang
Gửi đâu đó một chút tình riêng”
   Có một sự biến đổi làm cho điều phôi pha hiện hình rõ rệt. Vườn xưa nay thành vườn hoang. Chút tình riêng canh cánh đành gửi đâu đó nơi không gian, trong mỗi sự vật. Nghe những ca từ cuối cùng cứ ngùi ngùi, tê tái, buồn miên man. Nhưng nỗi buồn ấy không đau đáu ám ảnh mà xao xuyến, man mác, bâng khuâng, lan toả. Nó nhẹ nhàng, êm du, thanh tĩnh như bước chân người lặng lẽ trở về rồi nhẹ tênh ra đi. Về thêm xốn xang tình, về vườn xưa để cuộn lại những dư tình vương vấn, để ức cố nhân lần nữa trên hành trình đời vô tận. Người trở lại để gửi trong cái vườn xưa ấy cho người tình xưa kia chút niềm riêng bẽ bàng, son sắt. Lời ca giản dị, u buồn, trầm tĩnh, huyền hoặc mà đẹp, đẹp một cách thanh thoát, hư hao, lặng lẽ. Cái Đẹp ấy đượm tình, đượm hồn, đượm sắc, một sắc riêng của dây tơ lòng còn vương khi đã lìa ngó ý. Nó là chút thanh âm vang vọng cuối cùng miên mang, là chút dư ảnh còn phát sắc khi đi đến biên độ cuối cùng của màu trước khi biến tan thành sắc trắng. Dư tình tạo nên vẻ đẹp, nét duyên, và sức ngân vang diệu kỳ cho một khúc hát giản dị đến tinh khôi.
http://haitrinh1084.blogspot.com/

Vườn xưa -Trịnh Công Sơn - Thái Hòa


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngôn từ thời "Hội nhập"

Ngôn từ thời "Hội nhập" Có một học sinh trung học đã viết trong bài làm môn sử “Nhà Trần lập một hát-trích với quân Nguyên Mông”. ...