Cuộc thi tiếu thuyết lần thứ 4 của Hội Nhà văn Việt Nam đã khép lại
với 12 giải thưởng, thật đáng tiếc là không có giải A. Để cung cấp thêm thông
tin về hai (trong ba) cuốn sách được giải cao nhất, Báo Điện tử Tổ Quốc đã
phỏng vấn tác giả: nhà văn Vĩnh Quyền và nhà văn Bùi Việt Sỹ.
Nhà văn Bùi Việt Sỹ và nhà văn Vĩnh Quyền
(ảnh: cung cấp)
Nhà văn Vĩnh Quyền: “Chỗ đứng
nhà văn quyết định tính chân thực của tác phẩm”
PV: Được biết “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” vừa đoạt giải Cuộc thi tiểu thuyết 2011-2015 của Hội Nhà văn đã có bảntiếng Anh “Debris of Debris” xuất bản tại Mỹ và Anh. Ông có thể cho biết quá trình sáng tác và dịch tác phẩm này?
PV: Được biết “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” vừa đoạt giải Cuộc thi tiểu thuyết 2011-2015 của Hội Nhà văn đã có bảntiếng Anh “Debris of Debris” xuất bản tại Mỹ và Anh. Ông có thể cho biết quá trình sáng tác và dịch tác phẩm này?
Nhà văn Vĩnh Quyền: Giữa “Mảnh
vỡ của mảnh vỡ” và “Debris of Debris” thật ra không có khái niệm dịch. Sau khóa
báo chí quốc tế của tổ chức Thomson Foundation (Anh), nơi mỗi ngày phải nộp tin
bài tiếng Anh, từ 300 chữ tiến đến 800 chữ rồi 1.200 chữ, tôi bắt đầu nghĩ đến
việc sáng tác một tiểu thuyết tiếng Anh, là tiểu thuyết tôi nuôi dưỡng trong
hơn mười năm đi viết phóng sự, bút ký. Tôi cám ơn báo Lao Động đã cho tôi cơ
hội gặp gỡ, chia sẻ cảm xúc với bao nhiêu là “mảnh vỡ” trước và sau cuộc chiến,
trong đó tôi đặc biệt quan tâm thân phận trí thức đô thị miền Nam, thế hệ tôi -
một “thế hệ bị đánh mất”, chữ của nhà văn Hemingway. Đọc văn học trong nước
cũng như nước ngoài về chiến tranh và hậu chiến Việt Nam tôi thấy mảng hiện
thực này chưa được viết một cách chân thực. Và tôi ước tiếng nói của mình được
cất lên, đi ra thế giới, đến với những ai quan tâm. Giấc mơ này chỉ có thể dệt
nên bằng Anh ngữ.
Tiếng Việt
của tôi đẹp hơn so với tiếng Anh của tôi. Có bản tiếng Việt trước chắc tôi sẽ
không dịch nổi tôi. Thế là viết thẳng tiếng Anh. Tôi “gạch đầu dòng” bằng tiếng
Việt cho kịp tốc độ ý tưởng, nhưng trong khi viết tiếng Anh lại phát sinh thay
đổi bất ngờ, cứ thế bổ sung qua lại. Tạm gọi là “song ngữ tương tác”. Sau đó
tôi bôn ba tìm nhà xuất bản nước ngoài, việc này mất nhiều thời gian hơn tôi
tưởng. Năm 2011 “Debris of Debris” được ĐH Saint Benedict (Mỹ) in dạng sách
tham khảo trong nhà trường, đến 2014 mới có bản thương mại với NXB Austin
Macauley (London) sau gần ba năm viết lần hai có biên tập viên nước ngoài theo
sát từng chương, đưa ra nhận xét sớm, đôi khi đơn giản mỗi từ “không hiểu”. Vì
vậy bản tiếng Việt được hoàn thiện khá muộn.
PV: Ông cho rằng
“thế hệ bị đánh mất” ở miền Nam chưa được tái hiện chân thực trong văn học, vậy
“Mảnh vỡ của mảnh vỡ” của ông đã tạo nên khác biệt gì?
Nhà văn Vĩnh Quyền: Bản tiếng
Anh nhận được phản hồi tích cực từ biên tập viên, nhà phát hành amazon, trang
web goodread, được lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Mỹ (The Library of Congress)
và nhà văn cựu binh Mỹ Wayne Kharlin có lời chúc mừng, ông viết: “Debris of Debris” khiến tôi xúc động đồng thời hiểu thêm Việt
nam. Tôi cũng rất ấn tượng khi tác giả viết tiểu thuyết này bằng Anh ngữ. Bản tiếng Việt đoạt giải tiểu thuyết 5 năm của Hội Nhà văn Việt Nam. Tạp chí
Nhà văn và Tác phẩm số 12 trích đăng 8 chương với lời bình “bút pháp chắc chắn, chữ nghĩa mập mẩy, cho thấy một bước chuyển
động của tiểu thuyết cùng với tư tưởng nghệ thuật đầy tự tin và nhuần nhị”. Nhà văn Trần Huy Quang, thành viên hội đồng chung khảo cuộc thi
tiểu thuyết đánh giá: “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” của Vĩnh Quyền là cách nhìn chân
thực, sâu sắc về chiến tranh được kể rất gọn ghẽ, súc tích trong những câu chữ
chứa đầy sức nặng… (trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 18.12).
Riêng tôi,
sau những ngày vui vì đã đặt được dấu chấm cuối cho tiểu thuyết tôi biết mình
“lực bất tòng tâm”: tôi đã muốn “mảnh vỡ” của mình phải mới hơn nữa kia. Điều
tạm hài lòng là tôi chọn được chỗ đứng khi viết. Nhà văn không ca ngợi không
phê phán như một người không làm công việc nhà văn. Nhà văn có quan sát riêng,
xuyên qua bề ngoài để khám phá chuyển động bên trong con người và mô tả bằng
ngôn ngữ tiểu thuyết. Con người, đối tượng của nhà văn, dù ở vị trí nào, phe
phái nào, đều được nhà văn đối xử như nhau trong quá trình phát hiện, khám phá
và mô tả. Nhà văn cũng không né tránh những “vùng cấm” theo luật bất thành văn
ở Việt Nam lâu nay, chẳng hạn không “thả nổi” cho nhà văn nước ngoài “độc
quyền” khai thác các hiện thực được cho là “nhạy cảm” như trại cải tạo, vượt
biên... Từ chỗ đứng đã chọn, tôi mô tả đoạn trường hàn gắn vết thương chiến tranh
và tìm kiếm tương lai trong xã hội mới, chế độ mới của thế hệ trí thức miền Nam
sau mùa xuân 1975. Chỗ đứng nhà văn quyết định tính chân thực của tác phẩm.
PV: Được biết
đã có lúc ông nghĩ “chân thực” có thể gây khó khăn cho việc tìm cơ hội xuất bản
“Mảnh vỡ của mảnh vỡ” ở trong nước. Vậy tâm trạng ông thế nào khi Hội Nhà văn
quyết định trao giải cho tiểu thuyết này?
Nhà văn Vĩnh Quyền: Niềm vui
kép: Giải thưởng là ly rượu thơm tiếp sức cho nhà văn trên hành trình đơn độc.
Cũng là cách thừa nhận chỗ đứng nhà văn đã chọn trong sáng tác. “Mảnh vỡ của
mảnh vỡ” sẽ được NXB Hội Nhà văn xuất bản cuối tháng 1 năm 2016.
PV: Được biết tiểu thuyết “Chim
ưng và chàng đan sọt” vừa đoạt giải Nhì Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 của Hội
Nhà văn, nhưng đây lại là cuốn tiểu thuyết chỉ mới ở dạng bản thảo, chưa được
in thành sách đến với độc giả, là tác giả xin ông cho biết lý do vì sao?
Nhà văn Bùi Việt Sỹ: Thực ra là tôi chưa muốn in và chờ sau khi công bố các tác phẩm
được giải mới đi in, khi đó tôi sẽ tự tin đóng dấu cho tác phẩm của mình.
PV: Sau khi tác phẩm được giải
thì Hội Nhà văn có hỗ trợ gì cho việc in ấn tác phẩm không? Vì nếu không in thì
độc giả khó lòng tiếp cận được tác phẩm.
Nhà văn Bùi Việt Sỹ: Không, Hội Nhà văn không có hỗ trợ gì trong việc in ấn của tôi cả,
do tôi tự quyết cả thôi. Nhưng tôi cũng muốn nói thêm rằng, một khi tác phẩm
của bất kỳ ai viết ra, dù hay hay dở thì tác giả đều muốn được in để đến tay
độc giả chứ không phải là bản thảo nằm mãi một chỗ. Công việc viết văn xưa nay
vẫn là công việc tự thân của tác giả, không ỷ lại vào ai được, dù tác phẩm được
giải hay không thì việc in ấn hay quảng bá cũng là tự nhà văn làm chứ không có
ai hỗ trợ cả.
PV: Vậy sau khi giải tiểu
thuyết được công bố, với vị trí cao nhất - giải B, không có giải A, cùng với 2
tác phẩm nữa thì việc in ấn của nhà văn thế nào rồi?
Nhà văn Bùi Việt Sỹ: Tôi đang cố gắng đến ngày trao giải sẽ có sách nhưng có lẽ là khó
vì thủ tục hành chính, in ấn gì đấy có sự thay đổi bắt đầu từ năm 2016 nên chắc
phải qua tết Nguyên đán mới có sách.
PV: Tiểu thuyết ban đầu có tên
là “Chim ưng và vịt”, giữa vịt và chàng đan sọt rõ ràng là hai tuyến nhân vật
khác nhau. Vậy nhà văn có thể cho biết lý do vì sao phải đổi tên và việc đổi
tên này có khiến ông phải thay đổi nội dung tác phẩm không?
Nhà văn Bùi Việt Sỹ: Khi viết bản thảo ban đầu tôi để tên “Chim ưng và vịt” nhưng sau
thấy chưa hợp lý thì đổi tên thôi. Việc đổi tên tác phẩm không ảnh hưởng đến
nội dung của tiểu thuyết.
PV: “Chim ưng và chàng đan sọt”
là tiểu thuyết lịch sử viết về những chiến công oanh liệt thời Trần chống giặc
phương Bắc. Đây là sự thật đã được ghi trong lịch sử, ông có sợ tâm lý độc giả
sẽ ngại đọc, thiếu hứng thú khi đọc tiểu thuyết lịch sử, bởi kết cục thế nào
thì… ai cũng biết rồi! Ông có đắn đo điều ấy khi viết “Chim ưng và chàng đan
sọt”, và làm thế nào khiến độc giả hứng thú đọc tác phẩm của ông không?
Nhà văn Bùi Việt Sỹ: Vấn đề này thuộc về tài năng, nếu nhà văn không có tài thì lịch sử
đã ngủ yên càng làm cho ngủ sâu thêm. Còn nhà văn có tài thì lịch sử sống động
trở lại với mọi bộn bề hay dở. Qua sự kiện lịch sử tác giả dựng lên nhân vật bằng
xương bằng thịt sống động trong trang sách và trong bối cảnh hiện nay rút ra
bài học lịch sử gì. Tầm tác phẩm là ở chỗ đó, nếu viết về lịch sử mà không gửi
gắm gì thì không nên viết, không nên in ra. Viết về lịch sử để lấy xưa nói nay,
sao cho đúng và cốt lõi.
Bên cạnh cái tầm của tác phẩm
thì còn cần đến cái tâm của người viết. Người viết phải có quan điểm lịch sử,
phải thể hiện chính kiến rõ ràng, có tự hào về dân tộc mình không, có ca ngợi
dân tộc mình không. Chẳng hạn như trong lịch sử Hai Bà Trưng thua trận nhưng
chúng ta vẫn tự hào ý chí quật cường của dân tộc, đấy chính là quan điểm của
nhà văn.
PV: Việc “hư cấu” trong tác
phẩm tiểu thuyết lịch sử khiến cho tác phẩm sinh động hơn, mang dấu ấn cá nhân
người viết hơn nhưng lại khó tránh được những tranh luận. Vậy khi lựa chọn chi
tiết, tình tiết ông có suy xét để nó ít xảy ra tranh cãi nhất không hay cứ theo
quan điểm cá nhân của mình?
Nhà văn Bùi Việt Sỹ: Tôi quan niệm đã là tiểu thuyết, dù tiểu thuyết lịch sử thì nhà
văn vẫn có quyền hư cấu. Tuy nhiên với tiểu thuyết lịch sử thì “bộ xương sống”
của lịch sử không có quyền hư cấu, chẳng hạn chúng ta thắng thì không thể nói
ngược lại, những câu nói bất hủ của tiền nhân không được hư cấu, những cột mốc
lịch sử không thể thay đổi, tuy nhiên ranh giới giữa hai cột mốc lịch sử là
sáng tạo của nhà văn, nếu không có thì tác phẩm sẽ khô cứng, không ai đọc.
PV: Thực tế, ngay chính giải
tiểu thuyết trước đây cũng có trường hợp tranh cãi, thậm chí gay gắt những điều
hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử, nhưng phía trao giải cũng như tác giả im
lặng, nếu trường hợp này xảy ra với ông, ông sẽ giải quyết như thế nào?
Nhà văn Bùi Việt Sỹ: Tôi không cần đến nơi trao giải bảo vệ tác phẩm cho tôi, tôi sẽ tự
bảo vệ tác phẩm của mình, tranh luận với bất kỳ ai muốn trao đổi với tác phẩm
của tôi. Tôi chỉ sợ tác phẩm của tôi rơi vào im lặng và không ai nói gì. Tôi
cho rằng tác phẩm của tôi dù viết về 700 năm trước đánh thắng giặc phương Bắc
cho đến nay và sau này vẫn có tính thời sự.
Hiền Nguyễn (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét