Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

Gặp gỡ văn chương Bắc - Trung - Nam

Gặp gỡ văn chương Bắc - Trung - Nam
Văn học địa phương là một phần không thể thiếu trong dòng chảy văn học Việt Nam để tạo nên sự phong phú cũng như giá trị nghệ thuật. Nhân dịp đầu năm, báo Tổ Quốc mời bạn đọc cùng ngồi lên chuyến tàu văn học để qua Bắc - Trung - Nam gặp gỡ với các nhà văn, nhà thơ: Mã A Lềnh (Lào Cai), Kiều Vượng (Thanh Hóa) và Lê Thanh My (An Giang), cùng chia sẻ câu chuyện văn chương.
Nhà văn Mã A Lềnh (ảnh: nhà văn cung cấp)
PV: Trong lĩnh vực văn học (thơ, văn xuôi, lý luận phê bình, văn học dịch) thì ở địa phương của nhà văn, nhà thơ thế mạnh nổi trội nhất là gì?
Nhà văn Mã A Lềnh: Cũng như nhiều địa phương miền núi, cuối năm điểm lại, số lượng tác phẩm nổi trội vẫn là văn, thơ. Vài năm gần đây loại hình nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian mỗi năm trung bình có khoảng 2, 3 công trình được xuất bản vì sự phong phú của nền văn hóa các dân tộc thiểu số. Đối với tác phẩm sáng tác thì ký chiếm ưu thế vì Lào Cai đang trên đà xây dựng với kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm phát triển của khu vực miền Tây Bắc nói riêng và khu vực miền núi phía Bắc nói chung.
Nhà văn Kiều Vượng: Trong lĩnh vực văn học, thế mạnh nhất ở Thanh Hóa là văn xuôi.
Nhà thơ Lê Thanh My: An Giang là vùng đất khai mở chưa đầy 300 năm, nhưng trong kho tàng văn học cũng đã ghi lại nhiều tên tuổi văn chương xuất hiện từ đầu thế kỷ XX. Đến nay, truyền thống ấy dường như vẫn luôn lưu giữ và phát huy. Trong lĩnh vực văn chương, hiện tại An Giang có nhiều nhà văn hơn một số tỉnh bạn trong khu vực và một đội ngũ kế thừa. Họ đã chứng tỏ khả năng của mình nhiều nhất vẫn là thơ và văn xuôi.
PV: Nhà văn, nhà thơ có thể cho biết trong năm 2015 vừa qua văn học địa phương mình đã có những ‘gặt hái’ gì đáng kể?
Nhà văn Mã A Lềnh: Ở địa phương, từ cuối năm 2014 tôi chỉ còn là một độc giả trung thành, không có nhiều cơ hội dung nạp thông tin, song may mắn là một thành viên Hội đồng nghệ thuật của tỉnh, hiện tôi đang đọc một số cuốn sách đã được Thường trực Hội VHNT tỉnh chọn lọc và gửi đến, gồm 3 cuốn truyện và ký, 1 cuốn truyện ngắn, 1 cuốn truyện thiếu nhi, 2 cuốn thơ, 1 cuốn tiểu luận và 1 cuốn sưu tầm - nghiên cứu văn hóa dân gian. Có thể kể thêm cuốn Bão trở, trường ca của Đoàn Hữu Nam, Dòng sông vẫn chảy, tập truyện ngắn của Nguyễn Văn Tông, Dấu xưa, tập truyện và ký của Tuấn Lợi, Tình ca đá núi, tập thơ của tôi (Mã A Lềnh)… Như vậy, số lượng công trình của năm 2015 có phần trội hơn những năm trước, và chất lượng cũng khá hơn nhiều: ví như tập thơ Những chiều tam giác mạch của tác giả trẻ Hoàng Anh Tuấn, Nxb Hội nhà văn, Mây không bay về trời của tác giả Tống Ngọc Hân, Nxb Quân đội nhân dân… mang đến một hơi thở trẻ trung, dung dị và sâu lắng. Nếu như cần công bố một con số tổng kết cùng với các ngành kinh tế, thì văn học Lào Cai đang tiếp tục gặt hái những thành quả dày dặn, vạm vỡ.
Nhà văn Kiều Vượng: Năm 2015, văn học địa hương đã có nhiều gặt hái đáng kể vì Ban Văn của Văn nghệ Thanh Hóa lên tới 28 hội viên, trong đó có 7 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Các nhà văn có tác phẩm đáng nói như Từ Nguyên Tĩnh, Đào Hữu Phương, Hà Cẩm Anh, Cẩm Hương, Nguyễn Văn Đệ, Kiều Vượng v.v…
16 tập văn xuôi được xuất bản trong một năm là con số đáng nói của văn xuôi Thanh Hóa.
Nhà thơ Lê Thanh My: Trong năm 2015, tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có cuộc thi truyện ngắn dành cho các cây bút chuyên và không chuyên trong khu vực do An Giang đăng cai tổ chức, cuộc thi đã thành công và An Giang vẫn là tỉnh duy nhất nhận được 5/11 giải thưởng. Đồng thời với nhiều cuộc thi khác, các tác giả An Giang vẫn luôn chứng tỏ khả năng của mình, tôi không kể hết những kết quả đó, nhưng tôi rất hoan nghênh thành tích mà các tác giả đã mang về.
                          Nhà văn Kiều Vượng (ảnh: Internet)
PV: Theo quan điểm của nhà văn, nhà thơ thì thế mạnh về thể loại đó nổi bật nội dung gì có thể coi là “đặc sản” vùng miền mà chỉ cần đọc lên độc giả biết ngay giọng văn này viết về con người, vùng đất nhất định nào đó. Hay nói cách khác là văn học địa phương của nhà văn có nét riêng đặc thù gì?
Nhà văn Mã A Lềnh: Gặp người Lào Cai, bạn sẽ gặp bàn tay ấm áp với hơi thở nồng nàn, dáng mạo dịu hiền, đằm thắm. Tác giả Lào Cai gắn bó máu thịt với quê hương bằng biết học, biết cống hiến, biết tránh gay gắt, phổng trội, gào thét, đằm mình trong dòng chảy của nền văn hóa yêu thương và cần mẫn, đó là “đặc sản” của văn học Lào Cai.
Nhà văn Kiều Vượng: Văn học địa phương Thanh Hóa có nét riêng độc đáo làm bạn đọc dễ nhận ra là cách mô tả nhân vật với một giọng điệu rất miền Trung. Thơ Thanh Hóa của nhiều thế hệ được bộc lộc rõ nhất như: “Trong điếm nhỏ mười chàng trai tráng/ Sờ chui lựu đạn/ Ngồi thổi nùn rơm” trong “Nhớ” của Hồng Nguyên; rồi “Người hái rau rừng ăn nheo mắt/ Người rách áo thiếu kim mài sắt/ Người đập mảnh chai vễnh cằm cạo râu…” trong “Đèo cả” của Hữu Loan; “Những người lính xứ Thanh/ Đứng canh từng tấc đất/ Quỳ chân bên sóng mài đại đao” của Hà Khang; “Những con người đen như mực/ Đặc thành keo/ Tròn một củ/ Mặt rẹt một đường gươm” của Trần Mai Ninh; hay “Một cộng một thành đôi/ Anh cộng cô đơn thành biển/ Nắng tắt mà em không đến/ Anh ngồi rót biển vải chai” của Trịnh Thanh Sơn. Rất nhiều nhà thơ Xứ Thanh nổi trội trong ngôn ngữ địa phương như: Nguyễn Duy, Xuân Sách, Lữ Giang, Hồ Dzếnh, Thôi Hữu, Văn Đắc v.v…
Nhà thơ Lê Thanh My: Tôi không cho rằng nhất thiết con người ở vùng miền nào thì phải thể hiện được tính cách, ngôn ngữ của vùng miền đó trong tác phẩm của mình và xem nó như một “đặc sản”. Nhà văn tạo ra phong cách bằng khí chất, cái nền văn hóa thẫm đẫm trong tâm hồn và tâm tư của tác giả hòa quyện lại sẽ cho ra một giọng điệu, một tính cách. Không có một giới hạn và khuôn phép nào có thể định hình được tư duy của nhà văn.
PV: Qua quan sát của nhà văn, nhà thơ thì những điều kiện nào tạo nên nét riêng đặc thù đó trong tác phẩm văn học?
Nhà văn Kiều Vượng: Những điều kiện tạo nên nét riêng trong tác phẩm văn học theo tôi chính là từ những gian khó của vùng đất Duyên hải miền Trung. Cứ nghe điệu hò Sông Mã với hai từ “Dô huệch” đã nghĩ ngay đến hàng trăm con người đang xúm lại đất một chiếc thuyền mắc cạn. Văn học chịu ảnh hưởng rất lớn từ một thực tế nhiều gian nan ở một vùng đất.
Nhà thơ Lê Thanh My: Văn học bắt nguồn từ cuộc sống, cho nên chúng ta luôn có cách sở hữu cuộc sống và phản ánh nó. Con người sống trong điều kiện nào thì sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng, nhận sự tác động xung quanh nó. Văn chương cũng không ngoại lệ. Nhẹ nhàng, sâu sắc và phóng khoáng là tính cách, đặc thù của các nhà văn phía Nam. Tác phẩm văn học của nhà văn ít nhiều cũng sẽ thể hiện ra điều đó chứ!
PV: Đối với người cầm bút, những đặc trưng vùng miền của một tác giả rất có thể tạo thành ấn tượng, thậm chí là phong cách riêng. Tuy nhiên đối tượng độc giả chưa chắc đã chiếm số đông sự hưởng ứng. Vậy người cầm bút có cần phải dung hòa một giọng điệu để dễ dàng có lượng độc giả đông đảo không?
Nhà văn Mã A Lềnh: Tâm lý con người ngày nay đang biến chuyển nhiều chiều; số lượng độc giả tìm đến những cuốn sách văn học hầu như không có. Trong thành phố có 2 hiệu sách lớn nhưng không có sách văn học, và cũng không có gian sách địa phương. Thư viện tỉnh và các nhà trường không hề liên hệ với tác giả. Từ cảnh huống ấy, sách văn học chỉ có thể chảy trong nội bộ những người cùng sở thích, và chảy ngầm ra khỏi lãnh địa, nên người ở xa có thể tiếp nhận nhiều và rõ văn học Lào Cai hơn người Lào Cai. Tuy nhiên có điều mừng là tác phẩm văn học Lào Cai luôn giữ được phong độ và sắc thái của mình. Dù sao, muốn có độc giả, muốn tìm được độc giả đồng lòng và đồng hành cùng mình, thì tác giả phải biết cách làm ma-két-tinh, nghĩa là phải làm sao để thêm nhiều người yêu những dòng văn, những tinh thơ của mình. Muốn vậy, những trang viết phải luôn tươi rói, trẻ trung và đôn hậu.
Nhà văn Kiều Vượng: Do đặc trưng của vùng miền, các thế hệ nhà văn đã có nhiều dung hòa khi xây dựng nhân vật trong tác phẩm. Nếu bê nguyên sự cộc cằn vào văn học chắc bạn đọc sẽ chán ngay. Cố Nhà văn Triệu Bôn từng viết trong “Dọc đường quê hương”.
Thanh Hóa quê tôi như một vùng nước lợ. Tất cả cái mặn mà chân chất của miền Trong và cái hào hoa phong nhã của miền Ngoài khi chạm vào đất Thanh đều hòa tan ra.
Nhà thơ Lê Thanh My: Tôi cho rằng nhà văn cần phải lệ thuộc vào chính sự rung cảm của anh ta chứ không phải lệ thuộc vào độc giả.
Nhà thơ Lê Thanh My (ảnh: nhà thơ cung cấp)
PV: Hội Nhà văn ở địa phương có tạo điều kiện gì để những tác phẩm văn học địa phương phát huy được thế mạnh, tạo được dấu ấn trong lòng độc giả?
Nhà văn Mã A Lềnh: Năng khiếu văn học vốn dĩ cha mẹ đã ban cho từ khi sinh ra rồi. Muốn viết được thì phải tự luyện rèn, và đó là sở thích cá nhân, nên nếu đã dấn thân vào sự nghiệp văn chương thì chẳng ai chờ đợi, hay đòi hỏi một cái gì. Chức năng và trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức Hội thì họ phải tự hiểu và thực thi cho đầy đủ. Văn phòng Hội VHNT tỉnh tuy đã có nhiều nỗ lực phục vụ hội viên và tác giả theo những nhiệm vụ quy định của biên chế, song, cái nhược lớn nhất là không tổ chức hội thảo, không chịu quảng bá, thông tin, đến như việc chi ra vài trăm ngàn đồng để mua tác phẩm, công trình của tác giả địa phương, của hội viên trong tổ chức hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp của mình, tức là gây dựng một “thị trường” cho những sản phẩm văn học, nghệ thuật cũng không làm. Điều đó sẽ phải được khắc phục.
Nhà văn Kiều Vượng: Công việc sáng tác là việc riêng của từng nhà văn, ở địa phương các nhà văn chỉ có thể trao đổi, mạn đàm với nhau, mừng cho nhau mỗi khi có một tác phẩm ra mắt công chúng. Hội địa phương có hỗ trợ một phần kinh phí mỗi khi tác giả hoàn thành tác phẩm, có bản thảo đem nộp cho Hội, còn tạo thế mạnh, gây dấu ấn cho độc giả vẫn từ tài năng và sự tìm tòi, khám phá và thể hiện nhân vật của mỗi nhà văn. Ngay cả “Đi bước nữa” của Nguyễn Thế Phương; “Bão không có gió” của Kiều Vượng; “Cõi người” của Từ Nguyên Tĩnh cũng là cách sáng tạo của các nhà văn trong thể hiện mới có. Độc đáo như “Tuyển tập thơ Nguyễn Duy” gần đây ai dám bảo không có dấu ấn một vùng đất, nhất là phần viết về quê trong tập “Đường về”..
Nhà thơ Lê Thanh My: Hội văn học nghệ thuật địa phương nào cũng mong làm được một việc là phát huy thế mạnh của lực lượng văn nghệ sĩ ngay chính địa phương mình, và họ luôn mong muốn các đọc giả của họ chiêm ngưỡng sự tỏa hương từ những tác phẩm văn học nghệ thuật do chính các văn nghệ sĩ làm ra.
PV: Nhà văn, nhà thơ hi vọng điều gì ở văn học địa phương mình năm 2016 tới đây?
Nhà văn Mã A Lềnh: Đã thành thông lệ, tháng Ba hằng năm, anh em hội viên, tác giả Lào Cai lại gặp gỡ đầu xuân để thăm hỏi, động viên nhau, rồi ai nấy lại lặng lẽ độc hành theo lối mòn vào cánh rừng thẳm của văn chương, thi ca mà thăm thú, mà cuốc xới. Hẳn ai cũng đã tự chuẩn bị hành trang cho mình rồi, nhất là những công trình, tác phẩm dày trang phải bỏ ra nhiều công sức. Còn đối với chính sách, bạn biết rồi đấy, như một lão bản cổ hủ, già khụ, ló đầu ra ngó nghé, rồi rụt cổ sập cửa lại… Nhân thể xin báo tin để bạn đọc yêu quý cùng mừng, là năm 2015, Mã A Lềnh đã xuất bản tập thơ “Tình ca đá núi”, Nxb Văn hóa dân tộc, “Phong tục thờ cúng tổ tiên…”, viết chung với Triệu Thị Phương, Nxb Văn hóa dân tộc, và sắp phát hành “Dân ca Hmông”, Nxb Kim Đồng, “Truyện ngắn tinh chọn”, Nxb Hội Nhà văn, “Tuyển tập Mã A Lềnh”, Nxb Đại học Thái Nguyên.
Nhà văn Kiều Vượng: Tôi rất hy vọng sự từng trải và ấp ủ lâu năm của một thế hệ nhà văn chống Mỹ tại Thanh Hóa hôm nay. Năm 2016 có 12 tác phẩm đã đăng ký sáng tác xin tài trợ là một thực tế để tin tưởng vào lực lượng này. Điều phân vân nhất là lớp nhà văn trẻ hiếm quá, chập chờn quá, cứ như sao sớm, sao chiều trên bầu trời quá nhiều thay đổi nhưng biết đâu đó cũng là niềm hy vọng.
Nhà thơ Lê Thanh My: Tôi hi vọng thì nhiều lắm, nhưng tất nhiên không phải muốn là có được, tôi chỉ mong mỗi nhà văn có thêm một sự nỗ lực, một dự định mới cho tác phẩm của chính mình trong năm mới. Như vậy thôi.
* Cảm ơn các nhà văn, nhà thơ đã chia sẻ với báo Điện tử Tổ Quốc. Xin chúc các nhà văn, nhà thơ và chúc cho văn học Việt Nam năm 2016 gặt hái được nhiều tác phẩm chất lượng!.
Hiền Nguyễn (thực hiện)
Theo http://toquoc.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tập truyện ngắn Thạch Tâm

Tập truyện ngắn Thạch Tâm CÁI BÈ - QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU Nằm cách Sài Gòn khoảng hơn 100Km có một làng quê yên tĩnh suốt bốn mù...