5 tình khúc vượt thời gian
Niệm khúc cuối, Để nhớ một thời ta đã yêu, Bản tình cuối hay Riêng
một góc trời... là những tuyệt phẩm âm nhạc bất hủ, những tình khúc vượt thời
gian còn lại mãi trong lòng công chúng.
Dù năm tháng vội vã trôi đi, nhưng mỗi khi giai điệu cất lên, lòng
người lại hòa vào giai điệu bài hát, cảm nhận thật chậm và vỡ òa mọi cảm xúc.
1/ Để nhớ một thời ta đã yêu
Để nhớ một thời ta đã yêu
Thái Thịnh - Lệ Quyên
Ca khúc Để nhớ một thời ta đã yêu, sáng tác Thái Thịnh làm người
nghe nhớ về kỉ niệm, về quá khứ của một thời trẻ dại. Đó có thể là những lời
thay cho tình cảm đã qua của một thời học trò đầy ngây thơ, trong sáng, của một
tình yêu đầu đời nhiều kỉ niệm…
Lắng nghe ca khúc để thổn thức với nỗi buồn man mác, có chút xót xa
trong từng câu chữ và không khỏi chạnh lòng khi nhớ về những năm tháng ngày
xưa. Ở đó, những bon chen xô bồ, những cuộc gặp gỡ mới làm phai nhạt dần những
tình yêu cuồng vọng, những cuộc vui mới cùng những bản ngã trong đời để làm ta
mãi lạc mất nhau để một lúc nào đó khi nhìn lại vẫn luôn nhớ về “một thời ta đã
yêu”.
Qua giọng hát của Tuấn Ngọc, Bằng Kiều… người nghe tìm thấy bóng
dáng cuả mình ở đâu đó trong bài hát. Đó là tuổi trẻ, một thời đã qua. Đặc biệt,
giọng ca trữ tình sâu lắng của Lệ Quyên đã đưa người nghe vào những cung bậc cảm
xúc của một tình yêu chẳng đi đến bến bờ hạnh phúc “để lại bao hối tiếc gọi mãi
trong đêm buồn”.
2/ Riêng một góc trời
Riêng một góc trời
Ngô Thụy Miên - Anh Thơ
Một ca khúc buồn đến da diết của Ngô Thụy Miên, đẹp mà buồn. Nỗi buồn
man mác và những cảm xúc tinh khôi của thuở đầu đời, tình khúc của ông ướt đẫm
những nỗi buồn không thể khỏa lấp được.
Nỗi buồn ấy mơ hồ và nhẹ tênh như khói sương mà vấn vương không dứt.
Cô đơn giăng lướt bủa vây, vẽ vào không gian bức tranh có những mảng màu đối lập:
sắc hồng từ những tin yêu, hy vọng phút “người vui bên ấy”, màu sương khói trầm
buồn ảm đạm giữa mênh mông một góc trời mơ hồ và bóng tối tràn lên, chơi vơi niềm
chua xót.
Tình yêu như trò ú tim, và mỗi người cứ mải miết đi tìm trên hành
trình của những nuối tiếc và chia ly. Gọi tên em mãi, trong cơn mê này, mình nhớ
thương nhau…
3/ Bản tình cuối
Bản tình cuối
Ngô Thụy Miên - Lệ Quyên
Bản tình cuối là một sáng tác của Ngô Thụy Miên. Nghe để rồi chợt
buồn, chợt xao động. Một bài hát buồn như một lời tự sự trong đó có quá khứ, hiện
tại và tương lai “một ngày nào đó tóc xanh xưa bạc màu… một lần gặp gỡ đã như
quen thuở”.
Tìm - gặp - xa, rồi lại hội ngộ trong một tình huống nào đó. Tình
yêu lắm khi như một trò đuổi bắt, “một lần nào đó bước bên em âm thầm, một lần
nào đó ta vẫn không nói yêu người”. Ngọt ngào có, hoài niệm có, khắc khoải có,
tự sự có và cả chua chát trong những câu hát khiến người ta có sự đồng cảm lạ
lùng.
Có thể nói, nữ ca sĩ Lệ Quyên là một trong những giọng ca thể hiện
thành công nhất ca khúc này. Với bài hát này, giọng hát của cô khiến người nghe
có thể mỉm cười với mối tình trong sáng lại cũng có thể khiến người ta thấm buồn
ngay với sự trắc trở.
Nhưng “một ngày nào đó, ta có thôi hết yêu người”. Một dấu chấm cho
sự hụt hẫng. Một bài hát buồn nghe trong im lặng để ta có thể sống thật với bản
thân hơn.
4/ Dư âm
Dư âm
Nguyễn Văn Tý - Lệ Quyên
Bài hát ra đời vào năm 1950, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đang làm làm
Trưởng Đoàn Văn công Sư đoàn 304. Ông được một người bạn giới thiệu tìm hiểu một
cô gái để ông đỡ cô đơn với cảnh “gà trống nuôi con” khi vợ mất đã 3 năm. Nhưng
trớ trêu thay, ông lại phải lòng em ruột của người con gái đó. Cô bé có đôi mắt
đen láy, đôi mắt của tuổi hoa niên đêm rằm 16 ám ảnh ông ngay từ lần đầu tiên gặp
gỡ.
Tình chị, duyên em. Sự trêu ngươi của số phận khiến chàng nhạc sĩ dằn
vặt, đau khổ. Bằng ánh mắt nhìn nhau ngại ngùng lần đầu gặp gỡ, nàng cảm nhận
được tình cảm mà chàng nhạc sĩ dành cho mình. Trong một đêm không ngủ, chàng ra
ngõ ngắm trăng và nghe được tiếng đàn dìu dặt. Bên kia, trên ngạch cửa, nàng ôm
đàn rung sợi tơ tình thao thức nhớ nhung. Hình ảnh nàng thiếu nữ huyễn hoặc dưới
ánh trăng đã khiến ông không thể cầm lòng để viết ra bản “Dư âm” ngay trong đêm
ấy.
Bao nhiêu năm trôi qua, bản nhạc đó vẫn làm đắm say bao người bởi lời
ca ảo diệu, đẹp đến vô ngần.
“Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ
Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ
Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn gió
Yêu ai anh nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa vời…”
“Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ
Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ
Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn gió
Yêu ai anh nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa vời…”
Qua tiếng hát của ca sĩ, người nghe cảm nhận được sự tiếc nuối vì một
tình yêu không thể tới. Dù tình yêu đến một ngày sẽ hết, nhưng dư âm sẽ nhớ
mãi, nhớ cho đến chết, nhớ để biết mình yêu…
5/ Bài không tên cuối cùng
Bài không tên cuối cùng
Vũ Thành An - Elvis Phương
Nhắc đến những tình khúc vượt thời gian, không thể không nhắc đến
cái tên Vũ Thành An, tác giả của một loạt bản tình ca không tên bất hủ. Đặc biệt,
trong chùm ca khúc 10 bài không tên, có lẽ “Bài không tên cuối cùng” là ca khúc
được nhiều người yêu thích nhất.
Bài không tên cuối cùng ra đời năm 1965, lúc Vũ Thành An 22 tuổi,
khi ông bị “chấn động” tinh thần vì một cuộc tình gãy đổ. Bài hát không phải là
bản nhạc cuối cùng, không phải là hết, mà đó là kỷ niệm cuối cùng với người con
gái mà nhạc sĩ thầm yêu. Ca khúc như những lời trách cứ ăn sâu tận đáy hồn, lan
nhẹ vào lòng người về một ý niệm của nỗi lòng tình phụ, cuộc tình không vẹn
tròn, đớn đau, thổn thức.
Qua sự thể hiện của Tuấn Ngọc, Bằng Kiều, Ngọc Anh… những câu hát
như “Này em hỡi, con đường em đi đó, sẽ đưa em sang đâu…” đã trở thành câu cửa
miệng của bao kẻ thất tình.
Được biết, sắp tới đây, những ca khúc của Vũ Thành An sẽ một lần nữa
vang lên qua giọng hát của Lệ Quyên. Album mang tên Vùng tóc nhớ sẽ
được cô phát hành trong tháng 11, hứa hẹn sẽ là một trải nghiệm thú vị cho những
khán giả yêu nhạc Vũ Thành An.
Cha Pi
Nguồn: TT & VH
đại lý vé máy bay eva air
vé máy bay đi mỹ khoảng bao nhiêu
korean air việt nam
đại lý bán vé máy bay đi mỹ
vé máy bay đi canada giá bao nhiêu
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Ngau Hung Du Lich
Tri Thức Du Lịch