Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Xích lô Huế

Xích lô Huế
Ngày nay, chắc không còn ai lạ gì khi trên đường phố Huế từng đoàn xích lô đôi ba chục chiếc, nhong nhong chở toàn mấy ông tây bà đầm mặt mày rạng rỡ, nhìn trước ngó sau, cười cười nói nói, coi bộ hạnh phúc như chưa từng được hưởng bao giờ. Đó là một trong những cảnh tượng vui vui góp phần tạo nên hình ảnh Huế hôm nay: cổ kính mà trẻ trung, sâu lắng mà rộng mở, vất vả mà hào hoa.
Đã đành Hà Nội, Sài Gòn và các nơi đều có xích lô nhưng ở Huế là có dáng riêng. Cũng như tính cách Huế, xích lô Huế vừa phải, chừng mực, không cao quá để bị gió lật, không thấp quá để chẳng thấy lấp lánh dòng sông, không rộng quá để đôi lứa lắc đầu, không hẹp quá để ngại ngùng ai đó. Biết phận mình, xích lô Huế từ dáng hình cho đến màu sắc không loè loẹt, không gò gẫm cố học làm sang. Mấy năm gần đây, chủ nhân nhiều xích lô như muốn khoe một chút tâm Huế u hoài đã sơn xe màu hoàng hôn tím trông rất trạng. Hình như người ta làm ra xích lô chỉ để dành cho Huế. Đi xích lô giữa Sài Gòn nguy hiểm và lạc điệu trông chẳng giống ai. Đi xích lô trên đường phố Huế mới thật có hồn. Cảnh sắc, dòng sông, những con đường ngát xanh, giai điệu Huế... như muốn níu chân người chầm chậm- có chi mô mà vội mà vàng. Đi xích lô trên đường phố Huế, dù khách lạ vẫn có cảm giác như mình vừa đi xa trở về. Mùa đông, bao giờ cũng dài lê thê với Huế, hình ảnh chiếc xích lô lầm lũi trong mưa bụi soi tỏ bao điều.
Ngày nay, xích lô đã biến mất khỏi nhiều con đường các thành phố lớn. Không lâu nữa chắc chắn sẽ không còn nữa. Nhưng với Huế hẳn là không. Xích lô là một phần kỷ niệm Huế xưa, là tài sản nuôi Huế lớn lên như đã từng nuôi sống bao mảnh đời cơ cực, là phương tiện giao thông đặc thù của Huế. Ai có thể hình dung một ngày kia trên các nẻo đường xứ Huế mộng mơ không còn nữa những chiếc xích lô sớm tối đi về.
Là phương tiện chuyên chở, nhưng xích lô Huế chủ yếu chở người. Các bà, các cô thích đi lại bằng xích lô. Ngày nay đã nhiều người làm quen với taxi, nhưng vẫn không thay thế được hình ảnh thủa nào. Từ trên xích lô, quý bà bước xuống, tay khép nép vạt áo dài như tấm bình phong chở che đức hạnh, rón rén mà cao sang, thuần thục như một vũ công khổ luyện lâu ngày. Đi xích lô quý nhất ở phong cách lên xuống và cái dáng ngồi. Đức hạnh từ trong cái dáng. Người Huế rất coi trọng dáng ngồi, đặc biệt từ trên xích lô, trước cả trăm ngàn cặp mắt của bàn dân thiên hạ: thẳng ro, đoan chính và trang đài. Ngoài Huế ra, đố nơi mô bắt chước được. Tôi  một thời lỡ đắm say cái dáng ngồi của cô em Đồng Khánh nhà bên. Hồi ấy, tôi làm précepteur cho một gia đình giàu có đường Trần Hưng Đạo. Sáng nào, chiếc xích lô tháng cũng đón cô chủ nhỏ đến trường. Sáng nào, tôi cũng ra balcon nói là để ngắm dòng Hương dát bạc nhưng lòng riêng để ngắm nàng lên xe. Năm sau tốt nghiệp Đại Học Sư phạm, tôi theo gió bụi chiến tranh trôi nổi phương trời. Mãi gần đây mới biết nàng còn sống, hạnh phúc bên chồng con, tôi yên lòng. Vừa rồi tình cờ đọc mấy bài viết của tôi trên tờ Phượng Vỹ, lần ra số điện thoại, nàng gọi về hỏi thăm tôi, vợ con, đời sống. Nàng hỏi mẹ tôi còn khoẻ không-hồi ấy mẹ tôi dưới quê nghèo thường lên thăm con. Té ra nàng có biết lòng tôi thương nàng. Bốn mươi năm sau thành bà ngoại, nàng mới chịu thú nhận điều bí mật ấy. Mấy cô gái Huế thiệt là đáo để. Ôi cái dáng ngồi, dịu dàng, đoan chính, hèn chi sống có lòng.
Ngày trước, nhiều gia đình đi xích lô tháng. Ngày ngày, chú xích lô đưa quý cô cậu đến trường, cuối tháng lãnh lương. Đường từ nhà đến trường là quãng đường lung linh những câu chuyện kể của chú. Mãi khi lớn lên, các cô gái mới biết té ra đó là cách ba mẹ quản lý mình tuổi cặp kê- bỗng nhớ lại thời trai trẻ, ba bàn với mẹ dùng cách ấy cho chắc ăn. Ngày nay vẫn còn nhiều gia đình bao xích lô tháng. Không hẳn cố cựu nhưng có lẽ là người khôn ngoan.
Xích lô là một phần kỷ niệm Huế xưa, là tài sản nuôi Huế lớn lên như đã từng nuôi sống bao mảnh đời cơ cực, là phương tiện giao thông đặc thù của Huế.
Ở Huế, những người yêu nhau không ai dám đi xích lô. Mỗi người Huế là một vọng gác, làm thế có mà chết. Trừ khi gan cùng mình. Anh bạn tôi dạng "học trò trong Quảng ra thi" yêu phải nàng tiểu thư con nhà khuê các, bị gia đình ngăn cấm, xã hội thầm thì. Đợi đến đêm mưa, anh chị lén thuê xích lô, che diềm kín mít như phòng tân hôn, rồi cho xe diễu khắp phố phường trước mặt bá quan thiên hạ cho bõ ghét sự đời.
Riết ráo rồi cũng lấy được nhau. Gần 40 năm sau, bí mật này tôi mới được anh kể lại. Hôm ấy, tôi đến ăn cơm nhà anh chị ở Sài Gòn. Anh chị bây giờ đã có cháu nội cháu ngoại. Tôi nhìn chị nhan sắc hao hụt đi nhiều. Tôi nhớ hồi ấy chị đẹp và hiền, rất hiền. Không biết sức mạnh nào khiến chị làm nổi cái việc động trời đó. Ôi mấy cô gái Huế, đoan trang là thế mà ngùn ngụt bão giông.
Ngày trước, hoạ hoặn lắm mấy cô cậu mới thuê xích lô thay nhau đạp. Tưởng đùa chơi ai dè kỷ niệm nhớ đời. Ngay nay, cảnh ấy là chuyện thường ngày: Ông Tây ngồi vắt vẻo trên xích lô cắm cúi đạp, khoái tỷ vì bỗng nhiên được làm chú xích lô bất đắc dĩ, trong lúc chú xích lô chính hiệu con nai vàng mãi chủm chỉm cười cái sự đời vừa được phục vụ vừa được trả tiền. Ngược ngạo vậy mà sướng. Hoá ra mọi sự đổi thay đều hấp dẫn. Hèn chi nhân loại đảo điên. Thi thoảng có ông khách lạ thuê xích lô đạp lòng vòng, ngơ ngơ ngác ngác chừng như muốn tìm kiếm người quen. Hẳn lâu rồi anh mới trở về. Mọi vật đổi thay đến thế ư? Tôi thầm mong sao cho anh gặp lại cố nhân.
Không như nhiều nơi người ta thuê xích lô đạp trong ngày, ở Huế xích lô là tài sản riêng, là công cụ kiếm sống của gia đình, cũng như con trâu cái cày đối với người nông dân. Chiếc xích lô là một thành viên của gia đình, cũng có lai lịch, có tâm tư, và những cơn đau ê ẩm. Nhiều gia đình nhờ con cái làm ăn phát đạt, trở nên giàu có, nhà cao cửa rộng, xé pháo xênh xang, nhưng không nỡ đem bán chiếc xích lô đã cùng cam cộng khổ thủa nào. Người ta dành cho nó một vị trí đặc biệt trong nhà như để nhắc nhở mọi người một thời cơ cực mà thấy vị ngọt bát cơm đầy.
 Đi xích lô trên đường phố Huế, cảnh sắc, dòng sông, những con đường ngát xanh, giai điệu Huế... như muốn níu chân người chầm chậm- có chi mô mà vội mà vàng, dù khách lạ vẫn có cảm giác như mình vừa đi xa trở về. 
Dân xích lô Huế cần cù, tằn tiện và có trách nhiệm với gia đình. Thời tôi còn dạy học, xuân thu nhị kỳ hai lần họp phụ huynh, bao giờ cánh xích lô cũng đi sớm nhất và đầy đủ nhất. Họ tỉ mỉ hỏi han việc học hành của con cái. Ý hẳn họ khát khao con cái họ không một đời long đong lận đận như mình. Họ ước mơ cực chi thì cực con cái họ phải học hành, đỗ đạt, thành bác sỹ kỹ sư. Có nhìn bác xích lô còng lưng đạp dưới trời đêm mưa lạnh mới hiểu ước mơ ấy nung nấu tâm can họ đến chừng nào.
Dân xích lô Huế nói ít mà trải đời, ngó vậy mỗi người là một cuốn tự điển sống. Nhiều du khách sành điệu thuê luôn họ một ngày, đạp loanh quanh đó đây. Buổi trưa ghé nhà hàng đặc sản cùng ăn. Khéo xử một chút có thể "đọc" được sơ sơ phần bề nổi lịch sử Huế với đủ những số phận, buồn vui.
Dân xích lô Huế không chỉ là những người lao động tay chân bình thường mà cả nhiều vị ăn học đàng hoàng, nói tiếng Tây như gió, trưa du xe vào bóng cây râm mát nằm đọc Thiền Luận- Suzuki. Những người yêu thơ ở Huế, có lẽ cả những người yêu thơ trong nước, chắc mấy ai không biết nhà thơ "Phương xích lô". Tôi vẫn tự hỏi, không biết để làm thi sĩ Phương phải đạp xích lô hay vì đạp xích lô mà Phương làm thi sĩ. Mỗi người có một cái nghiệp mà sống là cuộc hành trình cho đến mút mùa định mệnh mới thôi. Phương mang cây thập giá đời nhẹ tênh, không than không khóc. Sống bềnh bồng như gió như mây. "Vắng khách đôi khi về chở gió. Không tiền không bạc vẫn cười vang. Dừng lại bên cầu nghe nước chảy. Chợt thấy mình giọt nước Hương Giang" (Giọt nước Hương Giang). Hình như kiếp trước nhiều lần tôi đi xích lô không trả tiền nên kiếp này Phương đến đòi nợ dài dài. Đầu ngõ nhà tôi có quán rượu "Nhìn trời quạnh hiu" của vợ chồng Hồ Vĩnh. Đây là trú xứ mỗi chiều của Phương. Lâu lâu Phương tạt ngang, "Anh Dũng ơi, em thiếu tiền uống rượu, anh cho em một ngàn". Lần sau cùng, tôi gặp Phương ở Bưu điện, trước tết Nhâm Ngọ. Phương xởi lởi "anh Dũng ơi, em làm thơ mà không có viết". Tôi mua cho Phương cây viết và xấp giấy. Phương bảo "Để em làm bài thơ tặng anh". Đó là bài "Chúc xuân", tôi giữ nó như chút kỷ niệm cuối cùng về "Phương xích lô". Phương mất một ngày hè năm 2002 bên dòng sông Thạch Hãn. Hôm Phương mất, tôi ở Tokyo. Thế là tôi không có duyên đưa Phương một đoạn đường "trở về quê cũ"- "Rong chơi bao độ mỏi mòn. Trở về quê cũ tôi còn chút tôi. Chút hoa nở cuối mùa vui. Chút trăng vừa khuyết cuối đồi hoang vu. Chút thông xanh giữa sương mù. Chút tiêu dao giữa ao tù nhân gian. Chút lửa trên đống tro tàn. Chút trong veo lọc qua ngàn cuộc say"(Tôi còn chút tôi). Tôi thầm nghĩ, đã trả xong nợ đời, chắc gì Phương không xin trở lại trần gian này tiếp tục uống rượu làm thơ và đạp xích lô?
Trong xu thế toàn cầu hoá, Huế không còn là của riêng ai. Huế là di sản văn hoá thế giới, là điểm đến của mọi người. Cuộc sống đã thay đổi. Khách hàng xích lô của họ bây giờ không còn là mấy cô cậu ngày hai buổi đến trường và quý bà quý cô hội hè chợ búa, mà còn cả bè bạn khắp nơi, cả những ông tây bà đầm từ năm châu bốn bể. Không biết họ có biết muốn tồn tại họ phải đổi thay...
Đây là một trong những cảnh tượng vui vui góp phần tạo nên hình ảnh Huế hôm nay: cổ kính mà trẻ trung, sâu lắng mà rộng mở, vất vả mà hào hoa.
Với đà phát triển hiện nay, nhiều cái cũ sẽ phải mất đi, nhưng với chiếc xích lô của Huế, hãy coi chừng, đó là thứ đồ cổ có giá. Cũng như chiếc xe ngựa trên đường phố thành Viên, Paris hay Roma. Nó gợi lại một thời vang bóng đã qua. Nó là món đồ cổ giữa thành phố cổ nên chi khách du lịch rất ham. Nên chăng, cùng với các tour truyền thống hiện nay, Huế cần tổ chức thêm tour xích lô tham quan thành phố? Cái tưởng khó nhưng không phải khó làm, đó là "nâng cấp" đội ngũ những người đạp xích lô: cốt cách Huế, biết ngoại ngữ, lịch sử, tao nhã, và tấm lòng rộng mở đón khách phương xa.
Đến Huế, tất nhiên phải đi thăm lăng tẩm đến đài, danh lam thắng cảnh. Nhưng sẽ tiếc nhiều nếu không được nghe ca Huế trên sông Hương và không được đi xích lô "vi hành" qua mấy ngõ hoa thoảng đâu đây mùi hương trầm từ những khu vườn ngát xanh mang đầy dấu ấn tâm linh của một thành phố chùa chiền.
Nguồn: Netcodo
Theo http://tintuc.hues.vn/





1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...