Là một tôn giáo có số giáo dân đông vào hàng thứ 2 (sau Phật
giáo) ở Thừa Thiên Huế, Thiên chúa Giáo có lịch sử du nhập và phát triển ở Ðàng
Trong khá sớm. Từ thế kỷ XVII các chúa Nguyễn ở Đàng Trong cho phép các tàu
buôn của Pháp, Hà Lan, Y Pha Nho, Bồ Đào Nha... vào làm ăn và cùng đi là có các
giáo sĩ truyền đạo. Hiện nay, ở Thừa Thiên Huế có 45 giáo xứ với hơn 90 nhà thờ
lớn nhỏ khác nhau. Gần trung tâm Huế có 2 ngôi giáo đường lớn được xây dựng vào
những năm đầu thập niên 60 là nhà thờ Phủ Cam (Phường Phước Vĩnh) và nhà thờ Ðức
Mẹ Hằng Cứu Giúp (đường Nguyễn Huệ - Phường Phú Nhuận). Ðó là 2 giáo đường tiêu
biểu cho lối kiến trúc roman - gothique của Thiên chúa giáo Huế.
Nhà thờ Phủ Cam
Chính diện nhà thờ Phủ Cam
Nhà thờ chính tòa Phủ Cam là nhà thờ chính tòa của Tổng Giáo
phận Huế, tọa lạc trên đồi Phước Quả, thuộc địa phận phường Phước Vĩnh, thành
phố Huế. Nơi đây năm 1682, linh mục Langlois cho xây dựng nhà nguyện Phủ Cam bằng
tranh tre tại xóm Đá, sát bờ sông An Cựu. Sau đó hai năm, linh mục đã cho triệt
giải nhà nguyện và mua đất trên đồi Phước Quả để xây dựng một nhà thờ to
lớn hơn và kiên cố bằng đá, quay mặt về hướng Tây. Nhưng đến thời chúa Nguyễn Phúc
Chu, vào năm 1698, ngôi nhà thờ ấy bị triệt giải hoàn toàn. Hai thế kỷ sau, vào
năm 1898, Giám mục Eugène Marie Allys đã cho xây mới Nhà thờ Phủ Cam bằng gạch,
mái lợp ngói khá đồ sộ ở vị trí cũ nhưng mặt quay về hướng Bắc, hoàn thành vào
năm 1902.
Toàn cảnh nhìn từ xa của nhà thờ Phủ Cam hiện nay
Đến năm 1960, sau khi Giáo phận Huế được nâng lên hàng Tổng
giáo phận, Tổng giám mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục đã cho phá hủy toàn bộ nhà
thờ Phủ Cam cũ và khởi công xây cất Nhà thờ chính tòa mới được xây theo lối kiến
trúc hiện đại, người thiết kế là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người đã đoạt giải
kiến trúc Khôi nguyên La Mã, tác giả của nhiều công trình kiến trúc đẹp mà nổi
tiếng như Viện nguyên tử Đà Lạt, Viện Đại Học Huế, dinh Độc Lập Sài Gòn ...
Công trình đang thi công thì họ Ngô sụp đổ, và bắt đầu từ đó việc xây dựng cũng
bị ngắt đoạn. Sau 36 năm tháp chuông nhà thờ xây dang dở, đến ngày 1 tháng 5
năm 1999, hai tháp chuông, mỗi tháp bảy tầng cao 43,5 mét được xây dựng trở lại.
Ngày 29 tháng 6 năm 2000 kiến trúc nhà thờ Phủ Cam hoàn chỉnh được khánh thành,
xứng đáng là nhà thờ chánh toà, một ngôi thánh đường rộng lớn ở Việt Nam.
Nhìn tổng thể, Nhà thờ Phủ Cam hài hoà với cảnh quan xung
quanh ở lưng chừng đồi, có khuôn viên rộng với sân nhà thờ nổi bật tượng chúa
Jesus nhân hoà. Mặt bằng xây dựng nhà thờ mang dạng thánh giá, đầu hướng về
phía Nam đuôi hướng Bắc. Đỉnh nhà thờ Phủ Cam vươn thẳng lên trời nhưng trông vẫn
thanh thoát nhẹ nhàng, vừa mang tính nghệ thuật và tôn giáo.
Đỉnh nhà thờ vươn cao vút lên trời
Phía trước nhà thờ Chính toà Phủ Cam có hai tượng đúc: bên phải
là thánh Phêrô, bên trái thánh Phaolô cũng là những bổn mạng của giáo xứ Phủ
Cam do nghệ nhân Đinh Văn Lương ở Sài Gòn thực hiện.
Đặc biệt mặt tiền nhà thờ có một hệ thống cửa chính và phụ được
thiết kế theo kiểu kiến trúc “Ngọ Môn” ở Hoàng thành Huế với 5 cửa: 3 cửa thẳng
- 2 cửa quanh, hai bên có 10 cửa phụ cho người ra vào.
Lòng nhà thờ rộng, có thể chứa được 2500 người đến dự lễ. Có
hai dãy cửa gương màu nằm ở phần trên bên trong lòng nhà thờ cung cấp ánh sáng
cho nội thất.
Trong thánh đường, khung trần có hình vòm cung cao 21,5 mét với
các trụ đỡ sát tường chạy cong dần lên một cách mềm mại như bàn tay chắp lại của
con chiên những lúc nguyện cầu. Có thể hình dung như một lòng tàu Noah mới mà
thánh đường như lòng tàu mở ra, sẵn sàng chuyên chở con chiên, giúp họ vượt qua
cuộc đời bằng phép rửa tội, với trái tim mến mộ Đức Chúa của mình.
Ở nơi trang trọng của thánh đường có bàn thờ bằng đá cẩm thạch
đặt trên một viên đàn có 3 cấp tượng trưng cho tam tài thiên địa nhân. Từ nơi
đó, đức Cha hướng về người hành lễ để giảng thánh kinh Thiên Chúa. Phía trang
nghiêm trên cao là cây thông làm thập giá có tượng Chúa Cứu thế đóng đinh, bên
trên là bức hoạ Đức Chúa Jesus dang tay ra trong buổi tiệc ly với dòng chữ
"Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời".
Nhà thờ Phủ Cam là nơi cử hành những thánh lễ quan trọng nhất
của tổng giáo phận Huế nên được gọi là nhà thờ chánh toà.
Người Huế thường gọi nhà thờ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp là Dòng
Chúa cứu thế. Thực ra nhà thờ Dòng Chúa cứu thế là tên gọi dòng tu ở phía sau
nhà thờ được xây dựng từ năm 1928, còn nhà thờ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp do Kiến
trúc sư Nguyễn Mỹ Lộc thiết kế, được xây dựng trong 3 năm, từ 1959 đến 1962.
Hiện nay, nhà thờ thuộc phường Phú Nhuận, thành phố Huế.
Khuôn viên nhà thờ rộng và có hình tam giác, đỉnh là giao của ngã ba đường Nguyễn
Huệ và Nguyễn Khuyến. Nếu đi trên con đường Nguyễn Huế từ phía An Cựu đến, sẽ
thấy hình ảnh chúa Jesus nhân từ đưa vòng tay nhân ái đón mọi sinh linh.
Phía sau, ở góc khuôn viên của nhà thờ phía đường Nguyễn Khuyến là hang Đức
Mẹ sịnh chúa Hài Đồng. Vật liệu chính xây nhà thờ là Bê tông và đá xanh, mái lợp
ngói đất nung.
Mái nhà thờ cao 32m, chính giữa nhà thờ là tháp chuông. Tháp
chuông nhà thờ hình bát giác gồm ba tầng và một chóp nhọn đỡ thánh giá, treo 4
quả chuông đồng lớn, nặng 1,5 tấn được điều khiển bằng hệ thống điện. Với một hệ
thống cầu thang gấp khúc ở góc tường, mọi người có thể leo đến tháp chuông cao
53 mét để ngắm toàn cảnh phía Nam thành phố Huế.
Hành lang hai bên dài 26m, rộng 4,2m. Cung Thánh sâu 8,5m,
bàn thờ chính giữa làm từ đá cẩm thạch được khai thác từ Ngũ Hành Sơn với kích
thước 3,6 x 1,2 x 0,29m. Cạnh đó có 2 bàn thờ nhỏ cũng làm bằng loại đá quý
này.
Kiến trúc đặc biệt của nhà thờ là cửa rộng và không có vách.
Phần hiên của thánh đường được thiết kế rất rộng, khi đông người dự lễ có thể mở
rộng cửa, vì thế người ở ngoài hiên vẫn có cảm giác như đang trong thánh đường.
Ngôi thánh đường uy nghi nhưng trong nội thất hoàn toàn vắng
bóng những hàng cột chia cắt không gian. Hệ thống vòm cuốn từ những mảng tường
vươn đến nóc thánh đường tạo ra một không gian rộng lớn, hoành tráng, uy nghi để
con chiên thấy mình bé nhỏ trước đức Chúa cao vời vợi. Thánh đường rộng 38 mét,
dài 72 mét nhưng vẫn đầy đủ ánh sáng nhờ việc lắp ghép những tấm kính màu cỡ lớn
trên các mảng tường. Hơn nữa, sự biến đổi ánh sáng tự nhiên qua kính màu làm
cho không gian lung linh, huyền ảo để mọi người như được gần Chúa hơn trong
không gian tâm linh cầu nguyện.
Tôi vẫn thường qua lại trên con đường Nguyễn Huệ từ phía An Cựu,
và cứ mỗi lần qua đó bao giờ tôi cũng thấy hình ảnh của Chúa Jesus nhân từ dang
rộng vòng tay. Bản thân tôi mang hai dòng máu Phật giáo và Thiên chúa giáo. Khi
mới ra đời trong gia đình ngoại, tôi đã được ông bà ngoại đưa đi rửa tội và hồi
còn nhỏ tôi đã nghe mẹ tôi kể những câu chuyện về Đức chúa Jesus, về Đức mẹ
Maria, rồi sự tích Đức Mẹ hiển linh ở Thánh đường La Vang, vì sao lại ăn chay
(kiêng thịt) vào ngày thứ sáu… mà cho đến bây giờ vẫn còn in đậm trong tâm trí
tôi. Lớn lên về quê nội ở làng Dương Xuân (phường Thủy Xuân bây giờ), nơi đất
Phật với hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ bên cạnh, hiển nhiên tôi trở thành một Phật
tử thuần thành. Thế nhưng đối với tôi, Đức chúa Jesus lẫn Đức Phật Thích Ca đều
là một, bởi lẽ giáo lý của cả hai đều có một cái đích chung hướng con người đến
với Chân - Thiện - Mỹ.
Nguyễn Văn Liêm
Nguồn: http://hue.blogsite.org/
hàng không eva airline
giá vé máy bay đi mỹ hãng eva
hang hang khong korean air tai tphcm
vé máy bay đi mỹ rẻ
Vé máy bay đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thức Du Lịch