Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Nửa bài Sérénata

 Nửa bài Sérénata
Thông thường chủ nhật anh Dũng hay tụ tập nhóm “Cái bang” của anh ấy trong căn phòng rộng của anh ở đằng sau, để đàn hát và…nhậu nhẹt, hiền lành thôi. Hôm nay anh lại rủ Dung lên nhà Hạ chẳng phải để đàn hát thì là gì. Dung đồng ý, tự nhủ không biết Y Nhu có hay mình đến nhà Hạ chơi không, hay nó lại tủi thân. Trót nhận lời anh rồi, ngày nào không gặp nhau trên lớp chứ, thôi tuần sau vậy. Đi đường Hòa Bình, rẽ vào một con hẻm sâu và rộng; nhà Hạ nằm trong một khu vườn xanh um cây trái, nhiều nhất là sapotier. Những cây sapotier đang còn tơ, cho trái rất nhiều, lá cây rất xanh. Nhờ thế căn phòng choán một phần ba tòa nhà( cha Hạ xây cho con gái dạy đàn) luôn nằm trong bóng râm của khu vườn. Phòng treo đầy các lọai đàn, đàn guitar, đàn măng đô lin, đàn tranh…Cây đàn piano nằm trong góc. Trong chương trình ca nhạc của đài Truyền hình Huế thời bấy giờ Hạ, Diệu Mi là hai ca sĩ chính.
Thật bất ngờ, Hạ và Y Nhu bước ra cùng một lúc. Hạ nói gần như reo:
- Anh Dũng! Hôm nay hai anh em không hòa đàn sao, lại lên thăm Hạ?
- Ờ, con Dung học bài Ngọc Lan của Dương thiệu Tước xong chưa anh Dũng? Y Nhu hỏi.
- Xong rồi, học chi nữa. anh Dũng cười đáp. Cả bốn kéo nhau vào phòng, Hạ dọn rượu sapotier. Thứ rượu mùi lâu ngày, có khi để quên cả năm do mẹ Hạ làm. Cha mẹ Hạ đều là người Bắc sống ở Huế lâu năm, nhiễm đậm tập tục của người Huế, song cách làm rượu sapotier thì do mẹ Hạ nghĩ ra.
- Cho anh uống rượu lỡ say sao Hạ? anh Dũng vừa nhấp một ngụm rượu dịu, nồng và ngọt trong cổ, thứ rượu này ngon không thua chi rượu nếp ở nhà cất. Tuy nhiên mỗi thứ ngon một cách khác nhau. Ngồi bên cạnh anh Dũng, Hạ trông nhỏ bé với mái tóc dài ngang lưng. Y Nhu thì tóc ngắn ngang vai, dáng ngổ ngáo, người thấp nhỏ bên cạnh một Thùy Dung nhỏ nhắn thanh mảnh với mái tóc demigarcon nhí nhảnh đáng yêu. Sau khi chào ba má Hạ, họ bắt đầu cuộc hòa đàn. Anh Dũng ngồi vào dương cầm còn Hạ bắt đầu hát với cây guitar trên tay. Hạ nói không có cây đàn trong tay Hạ không hát được. Y Nhu và Thùy Dung hát nhẹ theo. Trong khi hát, Dung không ngớt nhìn ra ngoài cửa sổ, chăm chăm những ngọn lá sapotier thon thon hình thuyền rung rinh trong gió nhẹ buổi chiều. Trời đang còn sớm, nắng chiều lấp lánh  trong các bụi cây quanh vườn. Mải ngắm cảnh và mải đuổi theo những nốt nhạc của cung Mi thứ trên dương cầm, bản Hương Xưa của Cung Tiến do hai người đàn hát chấm dứt hồi nào. Y Nhu huých tay vào vai bạn.
- Hết rồi đó, ngồi mơ mộng chi rứa?
- Hết rồi à?
Hạ đặt cây guitar xuống bàn, nhấp ngụm nước chanh vừa do má Hạ làm đem vào cho con gái, mỉm cười, thở phào trước khi chuẩn bị sang bản thứ hai. Hai bản nhạc của  Cung Tiến mà Hạ và  anh Dũng ưa thích, là bản Thu Vàng và Hương Xưa. Bản Thu vàng dễ hát, bản Hương Xưa làm rung động hồn người khó hát. Vừa lúc anh Dũng uống gần hết li rượu trở lại dương cầm, chợt nghe giọng Y Nhu kêu lên:
- Serénate đi! Hát bài Serénate!
- Thu Vàng cái đã, bài Serénate buồn, hát sau.
- Thôi cũng được.
Và họ cùng cất tiếng hát Thu vàng, mặc dù chưa đến thu. Hầu như bản nhạc nào của Cung Tiến cũng có một ý nghĩa nào đó, bất kể giòng nhạc thế nào; với Bach và Schubert, những dĩa nhạc của họ đều mang đến cho người nghe sự rung động và tràn đầy cảm xúc. Nhạc của Cung Tiến cũng vậy, kể cả khi ông phổ thơ Quang Dũng, đều là những bài hát được Hạ và anh Dũng ưa thích. Đó là điểm tương đồng duy nhất giữa hai người, dù anh hơn em một con giáp. Sự rung động và cảm xúc xích người ta lại gần nhau,  tuy thế Dung biết anh mình không hề say mê Hạ. Trọn đời anh ấy chỉ yêu có một người, còn duyên nợ ba sinh thế nào, chưa biết.
Dung và Y Nhu còn thân thiết hơn cả Hạ, lẽ giản dị Hạ thì tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm nhạc từ lâu, còn Dung và Y Nhu vẫn đang còn mới sinh viên …năm cuối. Vả lại, cả hai tà tà, nửa học nửa chơi bao nhiêu, trái lại cô nàng Hạ học rất chăm chỉ, làm bài thường đạt điểm cao.
Không hiểu cơ duyên nào đưa con người ấy đến với âm nhạc chứ?                 
Sau cùng, bài Serénate cũng được cất lên, âm giọng cao vút của Hạ vang trong căn phòng rộng phía tây với ánh nắng buổi chiều đang tàn dần trên ngọn cỏ lá cây bên ngoài. Chiều xuống chậm, giọng Hạ nổi trôi bềnh bồng trong  chìm nổi âm thanh, rồi từng giọt dương cầm diễn tả mối tình si tan theo cung La thứ, tan theo và rụng rơi theo ráng chiều đỏ lựng tự lúc nào phía bên ngoài…tắt lịm. Những thanh âm thánh thót đến và đi  không chút tiếc nuối, như bản tính của anh Dũng vốn vậy – xong là xong. Trong khi  từng giọt của cung La thứ nhịp 2/4 chìm vào hư không tự lúc nào mà giọng hát Hạ còn ngân nga trong khoảng lặng của âm thanh cho đến khi dứt. Y Nhu hất mái tóc ngổ ngáo ra sau, mấy lần nó nhúc nhích rồi lại ngồi yên, nó là đứa cất tiếng trước tiên.
- Hay quá, hát laị lần nữa đi.
- Hạ hát hai lần rồi. Hạ đưa tay với li nước chanh, lườm nhỏ bạn.
- Hay thật.
Tràng pháo tay của hai người vang lên, dù không đủ lớn, sau đó có thêm anh Dũng phụ họa. Tràng pháo tay của ba người vang trong căn phòng rộng làm nụ cười nở trên môi, khiến rạng rỡ khuôn mặt Hạ; một khuôn mặt nét đăm chiêu phảng phất nhiều hơn nụ cười, bởi đôi chân bị tật từ hồi nhỏ - một chiếc xích lô cán ngang chân cô bé mới mười tuổi trên đường tới trường. Khi tựa đầu vào lưng ghế dựa ngồi nghe, trái tim và thần trí chao đảo theo từng nốt nhạc Dung nghĩ, tại sao mình và Y Nhu  thích chi bản nhạc này, nó buồn chứ có vui đâu. Bản Hương Xưa của Cung Tiến không buồn đến thế.
- Chiều rồi, về nhé Hạ.  Cám ơn Hạ. Anh Dũng nói rồi đứng lên.
- Tuần tới tụi tao lên, mi chỉ cho tau đàn bản nớ với. Lần đầu tiên Y Nhu toét miệng cười.
- Anh Dũng dạy cũng được mà. Hạ nói.
- Bụt nhà không thiêng. Anh vừa cười vừa chỉ Dung. Cho đến khi cả hai xuống nhà chào ba má Hạ ra về, Dung vẫn còn nhớ dáng con Y Nhu, khi nào cũng nhớ dáng con Y Nhu mới quái lạ, nó cùng sánh vai Hạ tiễn hai anh em ra cổng vườn. Một bên Hạ xinh đẹp với làn da mịn màu mật ong, mái tóc thề xõa ngang vai, dáng đi cà nhắc không mất nét nghệ sĩ. Một bên Y Nhu ngổ ngáo với tóc cắt ngắn, tóc nó cứng, dáng đi cứng, người thấp nhỏ song còn mập hơn Thùy Dung. Nói quái lạ bởi chưa bao giờ Dung quên được cái thời khắc đinh mệnh, nó làm cho người ta có thể đến gần hoặc vì một lí do nào đó xa nhau mãi mãi.
- Tuần tới bọn tau lên, Y Nhu nhắc lại.
- Mình sẽ đem cho Hạ khế và ổi xá lị nhé. Dung dịu dàng.
- Chớ không phải hai bạn đi chùa sao?
- Đi chùa buổi chiều về thì lên, Hạ có dạy lớp buổi sáng mà. Thùy Dung mỉm cười leo lên ngồi yên sau xe anh Dũng. Anh Dũng đợi hai bạn một lát không nghe nói gì mới nổ máy xe. Quái lạ, buổi chiều hôm ấy, buổi chiều không có chi là” Lời buồn thánh” mà tại sao in sâu trong kí ức Dung đến thế.
Cả ba không ngờ rằng lời hứa tập đàn hát bài Serénáte trên guitar do Hạ và anh Dũng làm “trưởng ban hướng dẫn” chẳng bao giờ thực hiện được. Họ cũng đã tập hát bè bản Thu vàng của Cung Tiến khá thành công, tuy chưa có ca sĩ nào, cho đến bây giờ hát được bản Hương xưa hay như anh Dũng hát cho Hạ nghe hồi ấy. Có lẽ anh đã hát với tất cả tâm hồn mình. Với anh Dũng, dù mươi năm sau, dù anh không còn là người anh lãng mạn( đúng nghĩa danh từ... Lãng mạn chứ không hiện thực bởi ngay chính cái lãng mạn ấy đã là hiện thực rồi) như trước, không còn hát những bài tiền chiến, không ngồi nắn nót chép từng khuôn nhạc thật đẹp trong tập nhạc anh đóng rất công phu. Anh kẻ từng dòng nhạc rất đẹp. Cho dù thế nào chăng, Dung vẫn cảm nhận được, có lúc anh còn có vẻ xa cách em gái, tận trong góc khuất con người ấy, bản Hương xưa vẫn còn chứ không bao giờ mất.
Nhớ…
Càng ngày Thùy Dung càng ốm, vốn nó là đứa học tài tử, bây giờ càng chạy đua nước rút. Nó và tôi cùng viết chung một đề tài, ngày nào cũng ghé bên Liễu quán hay lên chùa kiếm tài liệu. Có nó tôi cũng đỡ buồn. Có lần tôi hỏi Dung:”Không hiểu tại sao mi chọn đề tài Phật giáo? Chẳng phải mi chỉ thích nghe tiếng chuông chùa và lắng nghe tiếng thông reo trên ngọn đồi Quảng Đại, mi có ưa tụng kinh mô!” Nó cười khúc khích:” Ừ đúng, mà tao lại thích viết về đề tài ni mới lạ. Cũng có thể vì mẹ tau mê truyện của sư bà Thể Quán, tao cũng mê. Lúc nhỏ tao theo mẹ lên chùa, làm chi mi biết không? Trong khi mẹ hầu chuyện với sư ông tao và Tám ra ngòai đồi thông chơi, chán chê vô phòng của chư tăng ngủ…cho đến khi mẹ kêu dậy”thọ trai” rồi về…Chừ lớn rồi không làm như lúc nhỏ nữa, chỉ siêng đi chùa để ngắm cảnh thôi.”
- Khỉ, rứa mà chừ mi…mi dám viết về đề tài Phật giáo?
- Đó là karma, nghiệp!
- Hừ, hạnh phúc là yêu thích công việc của ta làm!
Ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau trong thư viện, trên lớp, vậy mà vẫn không đủ. Thùy Dung nói chuyện hay, lôi cuốn tôi. Tôi là gì? Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa rõ xuất xứ, tôi là ai. Ba tôi có lần nói, ông nhặt tôi trong nhà thương thí và mang về nuôi, để lí giải sự thù địch của mẹ nuôi đối với tôi. Tôi đang ở với người tôi phải gọi là bà nội, mặc dù bà không hề yêu tôi chút nào. Thùy Dung khuyên, thì cứ làm như không biết, đó là bà nội mình, có chi mà phải bận lòng. Tuy nó gầy ốm song đôi mắt  long lanh lúc nào cũng như cười. Lục nhật kí của Thùy Dung đọc hai câu thơ của Lí Bạch:”          
“Cô phàm viễn ảnh bích không tận            
“Lưu kiến trường giang thiên tế lưu”.
Thùy Dung giật lại:” Việc chi mà ngày mô cũng đọc nhật kí của tao hả? con kia?
- Chán đời, muốn tự tử.
- ?!
Nó nhìn tôi một lúc:
- Mình nghĩ là…sao không lên chùa và tụng kinh, nếu điều đó làm bạn nguôi ngoai?
Nếu Duy Phác nghe được! Anh là một phật tử thuần thành và cả lớp đều biết anh yêu Dung.’ Cứ nghĩ lấy một con người không hề biết đến những vui buồn của vợ, những khát vọng của người phụ nữ bình thường; lấy một người quanh năm chỉ biết đi chùa, lo cho trẻ cô nhi, người nghèo, sống cho người khác hơn cho bản thân thì tao chết mất. Tao mến anh và có thể thương như một người anh chứ tình nam nữ thì không đâu. Người ta kết hôn với một phàm nhân có máu nghệ sĩ chút đỉnh chứ ai lại  đi lấy một con người sống với cao vọng và lí tưởng?”
Dung đã nói như thế. Chủ nhật chúng tôi đều đến chùa. Mỗi chi đòan khoảng mười em độ tuổi dậy thì. Còn Phác là huynh trưởng của chi đoàn thiếu nữ chúng tôi, chi đoàn Thanh. Chiếc áo màu thiên thanh biểu trưng cho điều đó. Dù thế, chúng tôi không là hai kẻ ngoan đạo, Dung vốn là cô bé được mẹ yêu, nó không kiêu ngạo trái lại còn khiêm nhường. Chúng tôi  mỗi đứa làm thêm giờ ở một thư viện. Dung làm ở Trung tâm Xavier do cha Odique phụ trách. Nó chỉ làm một thời gian rồi chuyển sang Thư viện  trung ương làm với tôi. Công việc với số tiền phù hợp với sinh viên nghèo khiến tôi vui. Dung cũng vui. Là con mọt sách hơn đàn hát, Dung bỏ luôn bài Ngọc lan không tập nữa, mặc dù anh Dũng rất thích  bài đó. Có hôm tôi đến thấy anh đang tập cho nó đàn, con bé khổ sở với những ngón tay cứng nhắc, sau cùng bỏ đi chơi. Chúng tôi hẹn nhau lên Hạ hoài, không còn thời giờ vì bài vở của năm cuối cùng nhiều qúa, lại còn cái tiểu luận ra trường. Tôi thầm rủa con bé tại sao chọn đề tài quá khó này. Tứ diệu đế. Nói thì dễ. Còn thực tế? Có khi nào tôi cảm thấy mình thật sự vui và bớt khổ đâu?! Hay kiếp trước mình vụng đường tu? Kiếp này thì sao?
Tôi mê bài Serénate Hạ hát, tôi thích bản Hương xưa anh Dũng hát trên dương cầm. Thế nhưng tôi là  một con bé kém cỏi. Dung cười, nó bảo, mình thi xong sẽ lên nhà Hạ. Một bữa tôi đọc hai câu thơ của Phạm thiên Thư.
“Chiều xưa vòng ngọc trao tay
Tặng nhau khăn lụa cuối ngày ráng pha.”
Nó bảo nó đã đính ước với Duy Phác rồi!
Trời đất?!
Còn nhớ…    
Duy Phác nhận Y Nhu là em gái, như vậy nó cũng có một chỗ dựa tinh thần. 
Socrate không lấy ác trả lại ác vì:” Lấy ác trả lại ác là một điều bất công”. Nỗi ám ảnh lớn nhất đời tôi là Đức Phật, tôi không nói điều đó ra bao giờ. Y Nhu siêng tụng kinh hơn và nó đã mua một chuỗi hạt bồ đề.. Nó cũng thường lục nhật kí của tôi ra đọc.
“Nghĩ gì về cơn mưa?
Khúc nhạc dịu vỗ về
Còn chi nữa
Niềm ray rức khôn nguôi.”
- Việc chi ngày mô cũng lục nhật kí của tao ra đọc thế? Con kia?
- Chừ yêu đời rồi. Nó cười đáp. Sao tụi mình không lên nhà Hạ.
- Thi xong hãy lên, vả lại…cái bài Serénate ấy chỉ thêm hoại người. Đàn hát riết hết cả nhuệ khí mất, mình phải tinh tấn tu tập chứ?
- ?!
Một buổi chiều chúng tôi từ chùa Diệu Đế về, anh Dũng nổi hứng hò Y Nhu lại, ba anh em, lúc đó Thùy Hương còn nhỏ, ra bể sen bách diệp của mẹ trồng trước nhà. Anh Dũng mang theo cây măng đôlin đàn bài Serénata. Y Nhu và tôi hát theo nho nhỏ.” Lắng trầm tiếng chiều ngân. Nhạc dặt dìu ái ân…” Kì lạ, dù chỉ sau đó mấy tháng, cả một tổ ấm gia đình tan tác…Kẻ nam người bắc gặp nhau như trong giấc mơ, mừng tủi của kẻ này đi kèm nước mắt của kẻ kia. Bên cạnh cảnh đoàn tụ là cảnh chia lìa. Hạnh phúc và đau khổ chỉ nằm trong một sát na. Những lời đức Phật dạy theo gió bay đi. Một lúc những chia li và đau khổ dồn dập đến với những tâm hồn chưa hề chuẩn bị cho điều đó. Hoặc đã chuẩn bị nhưng không ngờ lại đến quá sớm như thế. Bề ngoài tất cả mau chóng trở lại bình thường. Hạ vẫn ở đó, ba mẹ Hạ già đi, nhất là ba Hạ. Khu vườn vẫn xanh tươi với những lá sapotier thon thon hình thuyền, nhưng rựợu sapotier, thứ rượu cất lâu năm không còn. Ba Hạ trở thành một con người khác. Ông ta già hẳn, đau một thứ bệnh gì không rõ.
Còn Y Nhu? Nó ở đâu? Sau ngày thống nhất Nhu không về.
Dung sang tìm Thu, cô bạn nhỏ hơn mình ba tuổi ỏ cách nhà một con đường. Ba Thu bây giờ là chủ quán cà phê. Những đổi thay đến chóng mặt khiến người ta không kịp ngạc nhiên nữa. Thu tàng tàng đi ra. Tôi nói tôi cần biết tin tức của Nhu. Nó là đứa bạn duy nhất trên đời lắng nghe những gì tôi nói, đọc những gì tôi viết dù ngô nghê dù lãng mạn hay thực tế. Nó là đứa con gái suốt đời tìm kiếm tình thương mà chỉ có đọc kinh và lần tràng hạc, chẳng qua chỉ đủ lãng quên đời.
- Chị mới về sao?
- Ừ. Lâu nay Nhu có ghé đây không?
Thu làm thinh. Nói chuyện thay đổi, chuỵện địa lí sang chuỵên lịch sử, làm như không hề biết đến một Thu viết vào tập nhạc chép tay của anh Dũng bản” Reverie”, nét chữ phóng khoáng rất đẹp song  đầy lí trí. Bây giờ hắn là thi sĩ của miền mới giải phóng, là nhân tố tích cực của báo BTT…Lại còn đọc thơ cho Dung nghe. Tôi nóng ruột đứng lên.
- Mình về đây.           
Thu ngập ngừng một lúc – Mấy bữa chị Nhu đi ngang nhà chị có nói, nhà con Dung buồn quá. Chị có ghé nhà nhờ Thu cắt tóc. Chị ấy lạ lắm.
- Nói đi, Nhu hiện ở đâu? Mình về qua nhà bà nội hắn chỉ còn lại mấy tập cour hồi hắn đi học, song bà nội về quê rồi.
- Cách đây nửa tháng, chị Nhu có ghé đây hỏi thăm tin tức chị. Chị ấy nói gia đình đã ra đi mà không cho chị biết trước, có lẽ lúc ấy tình hình lộn xộn quá, mạnh ai nấy… chạy. Huống hồ ba chị là quân nhân, đang cắm trại không về nhà.
- Nhưng ta muốn biết, bây giờ hắn ở đâu?
- Chị ấy đi xa lắm. Thu trở vào nhà  mang ra li nước chanh ướp đá. Giọng Thu trở thành tiếng thì thầm. Cái ngày ba Thu mượn cuốn tiểu luận ra trường của chị, trong lời dẫn nhập chị viết:’Bèo và nước luôn luôn hai và luôn luôn một. Chúng kết hợp để rồi chia li, chúng không bao giờ là một khối đồng nhất.” Chị nhớ không?
- Khi đó thầy hướng dẫn phê bình ta viết văn chương quá. Ta viết thế vì muốn nói về Có và Không, nhưng chưa đủ…
- Còn nữa.” Sóng và nước tuy hai mà một vì sóng là tượng của nước. Trăng rơi vãi trên giòng nước là huyễn tượng nhưng nó là một ảo ảnh có thật, một ảo ảnh hiện hữu trong cái vô thường của vạn pháp. Nhìn trăng trôi trên giòng nước không biết đó là nước hay là trăng. Nhìn giòng nước không biết nước trôi hay cầu trôi. Thật sự trăng  trên trời và trăng dưới nước chỉ là một. Thuyền và biển, bèo và nước là hai thực hữu, chúng tách lìa nhau song kề bên nhau. Sáng và tối, đêm và ngày, đó là hai thực tại không một mà cũng không hai; trong ánh sáng đã hàm chứa bóng tối, trong bóng đêm đã hàm chứa bình minh. Đó là nhận thức trước khi huyễn tượng biến thành hiện thực.’
“Làm sao mà ngươi thuộc lòng còn hơn cả ta, ta đã làm mất tập tiểu luận ấy rồi”. Dung thầm nghĩ.
- Là lúc con người nhận ra lẽ vô thường của cuộc đời. Cái chết và sự sống luôn nằm trong nhau. Trong hạnh phúc chứa mầm đau khổ trong xum họp nhuốm mùi chia li.
Thu hít vào một hơi thật sâu:
- Khi ấy chị Nhu ghi vào sau tập tiểu luận hai câu thơ của Hồ Dzếnh mà chị hay ngâm:
“Nát thân, không nát nổi hồn.
Len trong cái chết, vẫn còn cái đau.”
Dung cảm thấy li nước chanh lạnh ngắt trong tay. Giọt nước không tan vào cổ họng mà biến thành đá trong thanh quản:
- Chị Nhu không bao giờ trở về nữa. Chị ấy chết rồi.
Dung chới với. Li nước chanh rơi xuống đất vỡ vụn. Giọng của Thu gần như tiếng nấc nghẹn. Nghe như lời phán quyết của tòa án:” Y Nhu phải chết.’
Còn nhớ…
Cung La thứ đi mất, Mi trưởng đi mất. La Paloma đi mất, Bambino đi mất, Histoire d’un l’amour, dĩ nhiên, không còn. Không ai có thể thấy và biết được tương lai, không ai biết được trong rừng có bao nhiêu lá, các con. Điều ấy, bao nhiêu năm sau Dung mới nhận ra được, như lời đức Phật dạy. Tiếng thở dài xa vắng của Thu có một cái gì đó nao lòng. Tôi không sợ bóng đêm mà sợ cái nao lòng. Mỗi buổi mai thức dậy sửa soạn về trường; trên chuyến tàu chợ nhớp nhúa mùi hơi người, mùi hôi thối của nước tiểu và gia súc…Không có mẹ, không có gia đình. Tôi tập cho mình quen lần với điều ấy. Song tôi chưa tập cho mình quen với việc không có Nhu.
Nhỏ Hạ, không phải đợi đến mười năm sau mới gặp. Bốn năm sau đó Dung đi lấy chồng, Hạ vẫn còn ở đó, trong ngôi nhà đó, giữa vườn cây xanh um ấy, và chính Hạ cho em gái xuống làm phù dâu. Còn Hạ, với đôi chân cà nhắc, cùng em gái đạp xe đến nhà Dung cách nhà Hạ chỉ một con đường – đường Hòa Bình – rẽ sang phải là đường Đòan thị Điểm, con đường đầy những cây muối lâu năm chạy ngang cửa Hiển Nhơn. Nhà Thùy Dung nằm trên con đường ấy. Hạ đến nhà Dung lúc 5 giờ rưỡi sáng để phụ trang điểm cho cô dâu bởi lễ rước dâu vào lúc 7 giờ. Hạ trang điểm rất khéo, mặc Dung dãy nãy vì cô không quen đánh nhiều phấn. Da mặt cô suốt mấy năm đi dạy chỉ toàn đánh phấn nụ. Đi dạy bằng xe đạp vẫn giữ được làn da min màng tươi trẻ nhờ phấn nụ không có hóa chất.
Bao nhiêu vật đổi sao dời! chỉ trong chưa đầy một năm!
Hạ vẫn còn ở đó, làm một việc không dính chi đến âm nhạc là chăm lo các em ở trường mẫu giáo. Dung lấy một người không ăn nhập chi đến môn mình học, tuy thế họ vẫn hạnh phúc. Trải bao nhiêu dâu bể, bản tình ca bất tử không mất, nó còn trong tâm tưởng, mãi hoài.
Những đêm từ dưới trường lên, cô không thèm muốn chi hết, chỉ thích ngồi dưới trời sao, tưởng niệm một thời thanh xuân đã qua…
“ Nghĩ gì về cơn mưa?
Khúc nhạc dịu vỗ về
Còn chi nữa?
Niềm ray rức khôn nguôi.
- Việc chi ngày mô cũng lục nhật kí của ta đọc, con kia?
Chán đời, muốn tự tử.”
Cái quầng đen ấy không chịu tan, nó giăng ngang trước mặt.
- Đồ quỷ sứ. Nó vừa cười vừa vẫy tay. Mi và Phác xa nhau rồi à? Rứa mà cũng bày đặt yêu, ba bảy hai mốt.
- Ta nghĩ ta không yêu Phác, ta chỉ yêu chính mình; đó chỉ là mộng.
- Mi nói mộng và thực không khác nhau mà.
- Mộng mơ cũng tựu thành bao nhiêu công trình lớn của nhân loại.
- Có những con người suốt đời không hề biết đến mộng mơ. Tại sao mi viết:” Trăng trên trời và trăng dưới nước tuy hai mà một, còn đêm và ngày là hai thực hữu khác biệt, không một mà cũng không hai?”
- Đó là vạn pháp tùy duyên mà khởi lên.
- Tại sao mi viết:” Trong sự sống đã mấm mồng cái chết, trong xum họp đã nhuốm màu chia li. Âm dương là hai mặt của một đồng tiền?”
- Đó thuộc về tánh không trong đạo Phật, chúng mình chỉ lấy lại ý của các nhà sư, bạn biết mà.
- Tao vẫn chưa hiểu. Tại sao Nikos Kazanzaki lại viết:” Vấn đề không phải là nhìn thấy đốm lửa cháy từ thế hệ này sang thế hệ khác như thế nào mà nhảy và cháy cùng đốm lửa ấy.”
- Đó là hiện sinh đích thực, là cuộc sống. Thôi đi, Y Nhu, mình mệt lắm rồi, hãy cùng nhau tìm một bãi cỏ xanh!
- Không, chừ mình không hiện hữu nữa, ta là trăng trên trời rồi. Sự thật và mộng mơ không tách lìa nhau, bạn viết thế mà.
- Y Nhu, chúng mình là bạn.
- Thế sau bao nhiêu nạn tai, mi thành tựu được những gì?
- Trở về nương tựa Phật.
- Chúng ta là bèo và nước, ta là bóng tối, mi là ánh sáng. Ta thuộc về cõi âm, mi thuộc về cõi dương. Chúng mình không gần nhau được nữa.
 -  Y Nhu!
Tiếng Dung gọi thành một vọng âm xa lắc.Bạn đã vĩnh viễn xa rồi, tại sao có những cái chết quái quắc như thế? Mà tại sao con người cứ ưa hỏi tại sao? Bởi vì tình thương thật thương chính là tình thương im lặng.
Nhớ…
“Nói cho chị biết thế, chúng ta không có quê hương, không có chỗ trở về, dù trong cuộc đời, dù trong cõi chết. Mơ ước gì? Vọng về trời? về bể? Về bờ bến quê hương? Một trò cười, vô nghĩa tuốt.” Một câu Bùi Giáng dịch từ cuốn Ngộ Nhận của Albert Camus. Bây giờ mọi cái đã xa. Xa lắm rồi, như tuồng cung La thứ không trở lại, như tuồng nửa bản tính ca đã mẩt đi vĩnh viễn. Biết tìm đâu ra một người bạn, không ở cực bên này, không ở cực bên kia?!
Họ gặp nhau trên một con thuyền. Trên chiếc thuyền rồng tối nay có khoảng bốn mươi người.
- Mái tóc đờmi của chị mô rồi? Chị để tóc dài trông lạ hẳn. Thanh hồn nhiên hỏi. Những con chim sơn ca của một thời, bây giờ chúng đã đủ lông cánh, có người còn là nhân tố tích cực trong vùng mới giải phóng. Duy Phác lên đường đi diện HO, họ tổ chức buổi họp mặt để từ giã. Ai cũng tưởng cô đi Mỹ, té ra Dung vẫn còn ở nhà chồng. Hưng và Hòa đang hát điệu chầu văn. Có người đi dạy, có người làm Giám đốc khách sạn, có người làm ở Ty nhà đất. Thanh là thợ may sau khi giã từ nghề giáo. Bí làm chủ tiệm bán đồ xây đựng.
- Đến gìơ thả đèn rồi, chị trưởng đoàn nói.
- Tại sao khi nào người ta cũng thắp nến trong những cái hoa đèn? Không thắp có được không? Thanh chợt hỏi. Bấc giác Dung mỉm cười.
- Cây sáp tượng trưng cho ánh sáng của sự sống. Hoa là sự phù du của kiếp người. (hơn hai mươi năm qua rồi, Dung thầm nghĩ).
- Thế mà lâu ni em không nghĩ tới.
- Chị cũng không hề nghĩ đến làm gì. Dung đáp. ”Chiều buồn nhẹ xuống đời, người tình tìm đến người, thấy run run trong chiều phai…” Ngay cả lúc tuyệt vọng  nhất cô biết mình chưa thể ẩn tu được. Cả sự tập trung nghe hát lúc này. Duy Phác đang ngâm bài” Đôi mắt người Sơn Tây” còn cô thì nghĩ chuyện khác.  Hai mươi tám đoàn viên phật tử đã mất hiện thờ vọng (kí thác) trong một ngôi chùa. Không cần hai mươi năm để làm câm lặng một con người nhưng Y Nhu chưa hề mất trong cô. Lạ thay hắn vẫn hiện hữu đó, giống như những bản tình ca bất tử, giống như bản Serenata vẫn còn vọng âm, kể cả khi cô về dạy ở một ngôi trường xa Huế hai mươi bảy km. Thỉnh thoảng cô cũng mượn cây măng đô lin của Lụa đàn bản đó, chỉ đàn một khúc thôi. Chỉ có Dung biết mình không hề đánh mất chính mình thôi. Cái sự thật trần trụi là người ta vẫn phải sống, cho dù bao nhiêu phi lí nghiệt ngã.
Đôi mắt người phụ nữ nhìn theo giòng sông. Những chiếc đèn lồng trôi nhè nhẹ.
Thuyền trôi ra cửa biển rồi, Y Nhu. Nhưng đến và đi chỉ là một mà thôi.
Huế tháng 7/95 - 12/2008
Hương Tâm
Theo http://www.daophatngaynay.com/vn/

1 nhận xét:

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...